Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Đắng - Trải nghiệm tình đời qua những áng thơ

Đắng - Trải nghiệm tình đời
qua những áng thơ

Không màu mè, không cầu kỳ. Mỗi một lời thơ ấm áp, dung dị lại len lỏi vào từng trái tim người đọc để lại những cảm xúc bồi hồi và bứt rứt khó tả. Theo dòng mạch cảm xúc, người ta không còn cảm thấy vị đắng chát của tình đời mà giống như chị từng trải lòng: vị đắng ấy đã biến thành vị ngọt…
Nhà thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà ở Bình Dương
Em lại về với biển chiều nay
Vẽ nỗi nhớ nhung bằng hình hài con sóng
Gió đã lặng yên mà lòng em bão động
Nghiêng bên nào cũng chạm nỗi xót xa
(Biển vỡ – Nguyễn Minh Ngọc Hà)
Trước đây, tôi đã từng là một người không hề thích thơ, hay nói đúng hơn là tôi không thích thơ tình, bởi những lời lẽ tình cảm sướt mướt, bi lụy thường khiến cho con tim nhạy cảm của tôi luôn cảm thấy trống vắng, chông chênh.
Thế nhưng, “Đắng” của Nguyễn Minh Ngọc Hà lại là một tập thơ khiến cho tôi tự nguyện phá bỏ những nguyên tắc của mình.
Tôi ấn tượng với “Đắng” ngay từ cái tên. Một cái tên thoạt nghe đã dự đoán trước được đó sẽ là một cuộc hành trình đầy đau thương của cảm xúc. Và tôi đã nghĩ như thế cho tới khi đọc lời tựa của tác giả. Trong lời tựa ấy, chị đã giải thích về chữ “Đắng”. Đắng đối với chị, giống như vị đắng của cà phê, sau khi nếm trải vị đắng ấy, ta sẽ nhận lại được những dư vị ngọt ngào còn đọng lại. Và nỗi buồn trong thơ của chị cũng vậy. Không quá buồn đau. Không quá sầu muộn. Chỉ là những nỗi buồn, nỗi trống vắng không tên len lỏi giữa những guồng quay của cảm xúc. Để rồi đằng sau mỗi xúc cảm không tên ấy, ta vẫn tìm thấy được những giá trị ngọt ngào.
Đắng – tập thơ của Nguyễn Minh Ngọc Hà
Chị không chọn cách chạy trốn nỗi buồn. Chị chấp nhận sự tồn tại của nó và đối diện với nó một cách nhẹ nhàng nhất, bình thản nhất. Để rồi giống như chị nói, sự lựa chọn đó chính là một nguồn động lực lớn cho cuộc sống của chị. Chị lựa chọn nuôi dưỡng nỗi buồn và sống chung với nó để có thể cảm nhận chân thật nhất những vị đắng mà kiếp người nếm trải. Có lẽ cũng chính vì điều ấy đã khiến cho những vần thơ của chị thăng hoa và giàu cảm xúc đến như vậy.
62 bài thơ là 62 bậc cảm xúc thăng trầm. Đó là những trải lòng của một người phụ nữ từng trải qua những tổn thương, đau khổ để rồi tự mình lau khô nước mắt, chấp nhận đối diện và mạnh mẽ bước đi. Sau tất cả, người phụ nữ ấy thu gom những mảnh ghép chắp vá nơi trái tim bị tổn thương và bình thản mỉm cười với nỗi cô đơn hoài niệm. Từng lời thơ dung dị, mộc mạc và tha thiết nhất như nhẹ nhàng chạm tới trái tim của người đọc:
Cuộc tình đó…
Ừ, ta thua, người thắng
Người quên rồi ta có trách người đâu!
Đôi khi buông bỏ chính là cách vỗ về chính bản thân mình. Ta tự giải thoát cho chính ta khỏi những chòng chành, gian truân của cuộc đời.
Xuyên suốt tập thơ, ngoài những mối tình dang dở, đó còn là nỗi niềm đau đáu hướng về quê hương, gia đình của một người con xa xứ. Nỗi niềm ấy mang theo những hồi ức chan chứa về một nơi quê nhà bình yên, đong đầy những kỷ niệm:
Xa quê rồi mới thấu nỗi nhớ quê
Nhớ bờ đê, nhớ cánh đồng, rơm rạ
Những mùa nắng đất cày lên sỏi đá
Nắng chưa phai bão lũ đã tràn về
Những hoài niệm khắc khoải ấy đưa ta về với nỗi nhớ cồn cào, da diết, những khát khao được trở về bên vòng tay cha mẹ, trở về với quê hương yêu dấu:
Xin cho con về sưởi ấm những tình thâm
Về đấm lưng cho cha, nhổ tóc sâu cho mẹ
Không để mẹ cha tuổi xế chiều quạnh quẽ
Không để chính mình nuối tiếc chuỗi ngày sau
Lời bộc bạch nỗi niềm của bản thân, nhắc nhở chính mình trân quý những giá trị hiện tại. Có lẽ chính bản thân chúng ta cũng thấy được mình trong đó, cũng phần nào rút ra được những bài học giá trị.
Không màu mè, không cầu kỳ. Mỗi một lời thơ ấm áp, dung dị lại len lỏi vào từng trái tim người đọc để lại những cảm xúc bồi hồi và bứt rứt khó tả. Theo dòng mạch cảm xúc, người ta không còn cảm thấy vị đắng chát của tình đời mà giống như chị từng trải lòng: vị đắng ấy đã biến thành vị ngọt. Vị ngọt sâu sắc, lắng đọng còn lại của nỗi niềm thân thương. Vị ngọt ấy khiến ta trân trọng hơn những tháng ngày hiện tại, khiến ta mạnh mẽ hơn sau những lần vấp ngã và cũng khiến ta dũng cảm buông bỏ những thứ không còn giá trị.
Khép lại tập thơ, tôi cũng giống như chị, chọn cho mình cách nhẹ nhàng mỉm cười mà đón nhận cô đơn, bước qua những giông bão cuộc đời bằng cái gật đầu bình thản. Bởi suy cho cùng, đắng cay chính là cách mà tạo hóa tạo ra để mỗi chúng ta biết trân quý những điều giá trị.
7/6/2022
Hoàng Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...