Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Bi hài việc xuất bản thơ

Bi hài việc xuất bản thơ

Sau khi đăng các bài Xử tội làm nhục thơ của nhà văn Trần Đức Tiến, Ác tâm – lừa bịp và quấy phá đội lốt văn chương của nhà văn Trần Nhã Thụy, Kiềm chế… thơ trong mùa chống dịch của nhà văn Hồ Anh Thái, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình và muốn tìm hiểu thêm việc một số cá nhân lợi dụng thơ và người yêu thơ để lừa lọc, trục lợi, mua danh cũng như sự “lạm phát” vần vè đối đáp thù tạc, dưỡng sinh mà nhiều người ngộ nhận là thơ rồi chạy vạy tìm cách xuất bản, tự gây nợ nần hệ lụy. Bài viết Bi hài việc xuất bản thơ của nhà thơ Trần Quang Quý dù đã xuất hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn nguyên tính thời sự: “Có cuốn tên rất kêu: Những gương mặt thơ tình Việt Nam đương đại, mở ra lại chỉ thấy các cụ thi sĩ lạ hoắc, sinh từ thập kỷ 20, 30 thế kỷ trước. Toàn là những “nhà thơ tình”, ở phường nọ, ngõ kia, lần đầu xuất hiện thơ ở tuổi bát thập, cửu thập, đáng kính cả. Lại có bản thảo dày như cục gạch, với cái tên Trăng trong thi nhân Việt Nam, những thi sĩ như Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… đương nhiên rồi. Nhưng lại có cả cụ ông, cụ bà nọ, đã ngoại bát tuần, vốn là doanh nhân yêu thơ, đưa mỗi người đến 5 bài thơ về trăng, và xếp đồng hạng thi nhân Việt Nam thì hãi quá. Loạn xị ngậu các giá trị thi ca, thi sĩ nước nhà”.
Nhà thơ Trần Quang Quý
Một lần nhân gặp ở Hội nghị Công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Lê Thành Nghị hỏi tôi, tình hình thơ phú xuất bản năm rồi thế nào. Tôi bảo: “Có vẻ gay”. Lê Thành Nghị cười: “Theo tôi không phải là gay mà là lâm nguy”.
Lâm nguy? Lâm nguy thế nào, có cường điệu quá không? Ông cho rằng, chất lượng thơ cứ bạc nhạc mà số lượng sách thơ ngày càng tăng. Người ta bây giờ cũng chẳng mấy ai quan tâm tới thơ. Ngay cả những cuốn sách có dư luận, muốn ra nhà sách mua đọc nhưng đi mỏi chân ở phố sách Nguyễn Xí cũng không tìm được. Đơn giản là các nhà sách bây giờ không bán thơ, hoặc rất hiếm nhà sách còn mặn mà với thơ. Tình thơ bây giờ sao “bèo dạt mây trôi” quá. Nàng thơ như cô gái đẹp nhưng lỡ thì quá lứa mất rồi, chỉ còn biết len lén nhìn nhan sắc tàn phai và ngoái lại thời hoàng kim, những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, thời mà thơ như thú chơi tao nhã cao sang, bổ dưỡng tinh thần, tâm hồn lãng mạn và nồng cháy, công chúng rầm rộ. Người làm thơ chỉ cần in một chùm ba bài thơ trên Tạp chí Tác Phẩm Mới là coi như có “viza” vào Hội Nhà văn Việt Nam đàng hoàng, không nháo nhác như bây giờ.
Có một thực tế, trong vài năm gần đây, trái với chất lượng thơ, trái với thơ “có nghề” có vẻ khan hiếm, thì thơ phong trào ngày càng bùng phát. Khắp nơi mọc ra các thi đàn, các câu lạc bộ thơ; hoặc hiện đại hơn là các blog, website về thơ như muôn vẻ sắc màu cây lá nảy mầm xuân. Ấy là cái cớ, để thi thoảng bạn hữu gặp nhau, ngâm vịnh, đối ẩm, thoát ly “có thời hạn” bà nhà, hay ông nhà… vui đáo để. Có câu lạc bộ bùng phát, ùa về cả lâm trường, trạm, trại, ngõ ngách làng quê, thành bộ máy chân rết, y như mạng lưới thơ “mậu dịch quốc doanh” trước đây, ở khắp các tỉnh thành. Lại đánh cả quyết định khai trừ, cách chức nhau, cãi vã om xòm đây đó, làm cho câu lạc bộ, với ý nghĩa ban đầu là giao lưu, vui chơi giải trí cho người cao tuổi bỗng trở thành cơ quan “quyền lực” thảo phạt nhau. Chứng tỏ, người nước mình hay hám quyền lực ra phết. Đến chơi thơ, nghĩa là chơi cái sự nghèo mà còn thích oai, thích khai trừ, hạ bệ này nọ vì cái chức danh hão, nó mất đi cái thơm thảo của tình thơ, thì chả còn biết thời thế như vậy là nó thế nào.
Cùng với sự nở rộ của câu lạc bộ là phong trào in thơ. Chỉ riêng Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2010 đã cấp phép khoảng 1.100 đầu sách, trong đó có đến 80% là sách thơ, đủ cho thấy thơ không những không có cơ giảm đi mà còn “tăng năng suất” vượt bậc (so với khoảng 700 cuốn được cấp phép năm 2009). Có điều, khoảng 90% số sách thơ đã xuất bản, là thơ tầm câu lạc bộ, là “văn nói có vần”. Số những tập thơ “đọc được” trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Oái oăm thay, chính cái số đông thơ câu lạc bộ lại là cứu tinh cho một số nhà xuất bản.
Tôi xin trích dẫn một bài thơ của một tác giả (xin được giấu tên) trong Liên hiệp các câu lạc bộ thơ Việt Nam, ở một tập sách nhiều tác giả, treo logo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, xin cấp phép, do “Chủ tịch Liên hiệp” tự phong này tổ chức bản thảo mang đến như sau:
“ÁI TÌNH HÀ NỘI
 
Người Hà Nội yêu nhau tha thiết
Lúc xong hành chỉ xiết tay nhau
Vườn hoa ngồi chụm mái đầu
Nằm trong giới hạn những câu tâm tình
Người Hà Nội thư sinh đẹp nhất
Lụa Hà Đông chính sách hoàn thân
Giữ gìn của quý thanh tân
Hai bên cùng giữ tấm thân ngọc ngà
Chờ đến ngày vinh quy bái tổ
Là đôi bên mới tỏ ái tình
Tình yêu quý nhất tiết trinh
Người yêu, yêu nhất ái tình thủy chung.”
Thôi khỏi bình những bài “tình thơ” tầm cỡ thế này, của cái Liên hiệp các câu lạc bộ thơ Việt Nam nào đó, chả hiểu có quyết định thành lập không, có bao trùm lên Câu lạc bộ thơ Việt Nam hay không. Nhưng nhân viên của tôi bảo, anh mà gạch những bài như thế này thì gạch hết cả tập luôn, và gạch luôn nhiều tập cùng loại khác. Thơ này chính là thơ “nuôi sống” nhà xuất bản đấy bác ơi. Ngóng đợi mấy ông “mần thơ” chuyên nghiệp, lác đác mấy chục cuốn xin xuất bản một năm có mà đói dài. Thơ bây giờ nó thế.
Nghe nói mà ngậm lòng đắng đót. Nhà xuất bản, như Nhà xuất bản Hội Nhà văn phải tự nuôi nhau, lại là nhà xuất bản chuyên ngành hẹp, chỉ xuất bản sách văn chương thôi, chứ đâu được xông xênh như mấy ông xuất bản tổng hợp, thứ gì cũng chơi được. Vì vậy, trước tình hình xuất bản như thế, nếu không cấp phép cho thơ câu lạc bộ thì…khó quá. Tất nhiên, thơ như “Ái tình Hà Nội” mà tôi trích dẫn từ bản thảo biên tập trên không thể in được.
Bây giờ cũng nhiều người hiểu và thông cảm, không “ra roi” với nhà xuất bản như cách đây hơn mười năm trước. Thôi thì, văn chương xịn hay không xịn, thời của thị trường, để bạn đọc và thời gian kiểm chứng. Tác giả chịu trách nhiệm với công chúng về chất lượng tác phẩm của mình. Nhưng để không bị các nhà thơ chuyên nghiệp, nhà thơ có thương hiệu tự ái, rũ áo ra đi, khi bị “nhốt” chung vào “cánh đồng thơ”, buộc lòng nhà xuất bản phải đưa các tập thơ, kiểu thơ Liên hiệp kia vào chung một tủ sách, gọi là “Tủ sách người yêu thơ”, từ tháng 10-2010. Thực ra, các cụ thi hữu chỉ có nhu cầu ghi lại những kỷ niệm của cuộc đời còn nhiều vân vi, để có sách tặng bạn hữu, cháu con, lưu bút trong gia đình…, không vi phạm gì về Luật Xuất bản, chứ không có mục tiêu phấn đấu thành hội viên hội nọ hội kia. Không ai lại ham thành “nhà thơ trẻ” ở tuổi thất thập cả.
Tình hình chung là thế, nhưng chúng tôi cũng không khuyến khích xuất bản những tập thơ nó quá nôm na, thô thiển, nó chưa “sạch nước cản”. Mong có được những bản thảo có chất lượng, với nhiều nhà thơ nhà văn có uy tín văn chương đến với mình như con mong sữa mẹ. Thế nhưng, sao cái ma lực thơ nó vẫn lạ lùng thế. Có tác giả, như tác giả tập thơ “Ơi em” chẳng hạn. Đến mấy cô nhân viên hành chính nhà xuất bản cũng ái ngại, từ chối nhận in thơ cho tác giả này, nhưng anh liên tục đến “năn nỉ” để được chính nhà xuất bản đứng ra in, in hàng ngàn cuốn. Không có cách nào để anh hiểu được, rằng in thơ như thế thì chỉ khổ vợ con, rằng bán thơ ở đâu bây giờ, khi đã chi phí hàng chục triệu đồng tiền in sách. Nhưng anh lại cứ tưởng chúng tôi chê anh không có tiền. Anh đùng đùng về nhà mang đến hai sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10.000 USD và một mớ hợp đồng cho sinh viên thuê nhà để trình, rằng “in sách là chuyện nhỏ như con thỏ”, lại hứa in xong còn khao cả nhà xuất bản. Và thơ anh đã có các nhà thơ “nhớn” A, B, C… đọc, các bậc thi bá còn động viên anh sáng tác hăng say hơn nữa, thế mới… khổ nạn. Chắc anh đang tràn trề hy vọng thành nhà thơ… trẻ, thành người sẽ nổi tiếng. Chỉ hai tháng sau khi in tập thơ, anh đến, thì thào hỏi, làm thế nào để tiêu thụ hết số thơ, tặng “mỏi tay” rồi mà vẫn còn hàng thùng, “đề nghị các bác giới thiệu cho em mấy công ty, cửa hàng sách để bán”.
Năm 2010 được coi là năm được mùa in thơ. Vì sao vậy? Có lẽ do là năm có Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các cá nhân, tổ chức làm sách thi nhau làm các bộ sách kỷ niệm Đại lễ. Tinh thần đại lễ ngấm kỹ vào các lĩnh vực, trở thành cơ hội “mần ăn” của rất nhiều người. Có các “đầu nậu” treo những cái tên sách rất to, nhằm thu hút nhiều thi hữu, thực chất là thu hút ngân quỹ và lo đầu ra. Có thể mỗi tác giả có bài góp bao nhiêu tiền, hoặc mua bao nhiêu cuốn sách. Đó là những cuốn: “Thăng Long – Hà Nội thơ”, “Thơ Hà Nội”, “Tôi yêu Hà Nội”… Có cuốn tên rất kêu: “Những gương mặt thơ tình Việt Nam đương đại”, mở ra lại chỉ thấy các cụ thi sĩ lạ hoắc, sinh từ thập kỷ 20, 30 thế kỷ trước. Toàn là những “nhà thơ tình”, ở phường nọ, ngõ kia, lần đầu xuất hiện thơ ở tuổi bát thập, cửu thập, đáng kính cả. Lại có bản thảo dày như cục gạch, với cái tên “Trăng trong thi nhân Việt Nam”, những thi sĩ như Hàn Mạc Tử, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… đương nhiên rồi. Nhưng lại có cả cụ ông, cụ bà nọ, đã ngoại bát tuần, vốn là doanh nhân yêu thơ, đưa mỗi người đến 5 bài thơ về trăng, và xếp đồng hạng thi nhân Việt Nam thì hãi quá. Loạn xị ngậu các giá trị thi ca, thi sĩ nước nhà.
Cũng câu hỏi thơ có đang lâm nguy hay không, tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII, hiện đang trực Ban thơ báo Văn Nghệ. Ông cười khà khà và bảo, khó trả lời rành mạch quá, thơ còn đang hỗn mang. Nhưng ông liền đọc bài “Thơ và thơ” của ông: “Thơ được bán được cho/ Thơ được viết trên băng zôn giấy gió/ Thơ được đọc vang thơ được thét gào/ Thơ được hát và thơ được múa/ Thơ khăn xếp áo dài/ Thơ com lê áo đỏ/ Thơ đang tự tìm mình/ Thơ lắm ngả đường đi…”.
Câu chuyện thơ và xuất bản thơ còn dài dài, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Mỗi khi nhắc đến tình hình thơ, chúng tôi vẫn nói vui, phải mở trại cai thơ. Các bà xã muốn cai thơ chồng phải lobby nặng tay mới cho nhập trại. Trại cai thơ sẽ là dự án “hái ra tiền”. Nói là nói vui vậy thôi, chẳng ai “hoãn” được sự sung sướng của cảm hứng thăng hoa, sáng tạo thi ca. Chẳng ai cai được ai trong cái men thơ lạ lùng này. Nói gì thì nói, trong tình hình thơ và xuất bản hiện nay, vẫn còn nhiều người viết âm thầm đổi mới, tìm tòi. Có thể lúc rộ lên, lúc trầm lắng, nhưng dòng chảy thi ca vẫn có đường đi của nó.
Đơn cử như năm 2010, trong 3 tập sách của Nhà xuất bản Hội Nhà văn được giải Hội Nhà văn Hà Nội đã có 2 tập thơ. Ngoài ra, nhà xuất bản còn có hai tập thơ đoạt giải B (không có giải A) của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Vậy tình hình thơ có buồn, mà cũng có vui. Hy vọng cái vui có trường lực hơn, vóc dáng hơn, trên con đường thơ còn lắm hỗn mang, như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói.
6/4/2020
Trần Quang Quý
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...