Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Chút hương cỏ xưa nơi xứ rượu hồng đào

Chút hương cỏ xưa
nơi xứ rượu hồng đào

Gần đây, nhà văn Lê Trâm trình làng hai tác phẩm: tập truyện ngắn “Đêm nguyệt bạch” và tập tản văn “Về yêu xứ rượu hồng đào”. Niềm ưu tư tôi đọc trong anh có lẽ cũng là sức sống thẩm mỹ tạo nên sức chuyển động trong truyện ngắn của Lê Trâm. Còn đọc tản văn của Lê Trâm mới thấy hết cái tâm hồn khoáng đạt của anh.
Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên
Đọc chưa qua một “Đêm nguyệt bạch” – tập truyện ngắn của Lê Trâm, sách đầy đặn hơn 220 trang in, gồm 16 truyện ngắn, do NXB Trẻ cấp phép vừa mới phát hành – ấy vậy mà tác giả của nó lại tiếp tục trình làng tập tản văn “Về yêu xứ rượu hồng đào”, sách do NXB Đà Nẵng cấp phép, cũng gần 200 trang in đằm tay không kém. Chỉ mới mươi ngày nửa tháng thôi mà hai đầu sách mới tinh tươm xuất xưởng in. Đấy là chưa nói cách nay mới độ tròn năm, Lê Trâm cũng đã tưng bừng tổ chức giới thiệu tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” tại hai nơi Đà Nẵng và Tam Kỳ. Lao động chữ nghĩa vừa miệt mài vừa “tốc hành” kiểu Lê Trâm quả thật hiếm hoi trong làng văn đất Quảng.
Tập truyện ngắn “Đêm nguyệt bạch” của Lê Trâm
Nếu quan niệm rằng một truyện ngắn hay, gieo vào lòng bạn đọc được những thiện cảm, là một truyện ngắn phải xây dựng cho được cái cốt truyện độc đáo, chỉ ngần đó tiêu chí thôi thì quả Lê Trâm đã phần nào thu được cái kết quả đó. Ví như, từ “Đêm của bướm” (Phía gió biển không còn ai) cho đến “Một trang giải phẫu sinh lý người” (Đêm nguyệt bạch). Dường như với Lê Trâm, kinh nghiệm của hơn 40 năm cầm bút đã đặt cái vị thế nhà văn luôn nghiêm cẩn trước trang viết một đòi hỏi vừa khắc nghiệt nhưng cũng vừa là sự thách thức, rằng nếu không lạ lẫm, không độc đáo thì tốt hơn hết là không viết gì. Niềm ưu tư tôi đọc trong anh có lẽ cũng là sức sống thẩm mỹ tạo nên sức chuyển động trong truyện ngắn của Lê Trâm, cho dù không phải truyện ngắn nào của anh cũng thỏa mãn được khát vọng ấy.
Nhưng sự độc đáo dẫu có lạ hóa đến chừng nào, kiểu như thủ pháp huyền ảo trong “Đêm của bướm”, hoặc nhuốm màu truyền kỳ pha chút yếu tố “đường rừng” như trong “Đêm nguyệt bạch” thì linh hồn của mỗi truyện vẫn phải tựa vào điều căn cơ cốt tử, ấy là dự phóng của cái tôi nghệ sĩ. Với Lê Trâm, dường như mấy mươi năm cầm bút cũng là mấy chục năm anh đứng trên bục giảng. Môi trường sư phạm ấy hẳn là thế giới đã mài mòn những con đường nhà văn đi qua. Thế nên, chắc chắn một điều, thế giới đó không còn là ngoại giới (exterieur) – một đối tượng để mô tả, mà là thế giới tự nội (immanence), từ đấy những nhân vật của nhà văn bước ra, là Đàm Hưng, là tôi trong một “Chúc ban mai tốt lành”, là ông Dưỡng trong “Một trang giải phẫu sinh lý người” hoặc là cô giáo Hạnh trong “Đêm nguyệt bạch”. Nếu hiểu bút pháp như là thứ của riêng mỗi nhà văn thì cái cách hành văn nhẹ nhàng mà đằm sâu, giản dị mà sáng sủa, tất cả đã tạo nên một phong cách Lê Trâm đĩnh đạc, điềm tĩnh, chừng như anh xa lạ với những phong cách phóng túng, cầu kỳ.
Nhưng nếu hiểu bút pháp của nhà văn còn là một thứ bẩm sinh bí mật, nó chính là cái tạng, cái giọng văn, là hơi thở, tiếng nói, bước đi, dáng đứng tự bao giờ sơ khai đã hình thành, khu biệt là vậy song thời gian, sự tác động của ngoại giới, thời đại chẳng hạn, chắc chắn sẽ ít nhiều có làm ảnh hưởng đến kỹ thuật viết. Thậm chí, đến cả tư tưởng cũng dịch chuyển, càng trưởng thành càng dạn dày kinh nghiệm. Tuy vậy, cái tạng văn, cái giọng văn thì khó làm thay đổi. Đến nỗi người ta có thể nghe văn, đọc và thẩm văn là có thể nhận ra người viết. Thể hiện rõ nhất là khi đọc tập ký và tản văn “Về yêu xứ rượu hồng đào” của Lê Trâm.
Tập tản văn “Về yêu xứ rượu hồng đào” của Lê Trâm
Tuy rằng tác giả đã bố cục sách ra làm hai phần với hai chủ đề, một là “Dấu xưa” và tiếp phần hai – cũng là tên chung của sách “Về yêu xứ rượu hồng đào”. Dường như để tương ứng với bố cục, nhà văn cũng xếp thể loại của sách là: ký và tản văn. Nhưng thú thật, có khi đấy là chuyện hình thức, bởi tôi đọc đến khi gấp sách lại vẫn cứ miên man theo xứ rượu hồng đào, thế nên, nếu gọi đây là một tập tản văn thì cũng chả sai tí nào. Đọc tản văn Lê Trâm mới thấy hết cái tâm hồn khoáng đạt của anh cũng lãng mạn như rượu hồng đào chưa nhấm mà say. Mộc mạc, dung dị mà lại mênh mang thăm thẳm tình yêu theo từng lối xưa quê nhà. Gấp tập tản văn của Lê Trâm lại, chừng như trong khoảnh khắc mơ hồ cho vô thức lên tiếng, tôi thấy “Về yêu xứ rượu hồng đào” hay là “Sơ khai du mục tầm phương thảo” của Bùi thi sĩ cũng chỉ thế thôi! Bởi lẽ, hương hoa cỏ ngày xưa bây giờ là những lối vô tận đâu để mà du mục đi tìm cho thỏa.
5/5/2020
Nguyễn Nhã Tiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảnh Tết Nghèo, nhớ các thi sĩ Tùng Linh và Tú Xương Tác giả Tùng Linh – Bùi Trung Đích, sinh năm 1931 tại xã Nghĩa Hòa – Thị trấn Thu...