Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Chuyến tàu cuối cùng

Chuyến tàu cuối cùng

1. Một đêm mưa tầm tã. Hạnh Nguyên vừa đi vừa chạy về phía trung tâm thành phố và vẫy chiếc taxi. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, Hạnh Nguyên biết mưa như thế này thì không thể nào tạnh ngay được. Hạnh Nguyên không tấp vào mái hiên nào đo để trú chân, đợi tạnh cơn mưa rồi mới đi. Va ly nhỏ trên tay Hạnh Nguyên nhẹ tênh, chỉ có dăm ba bộ quần áo và một số đồ dùng lặt vặt cá nhân. Hành lý gọn nhẹ trên tay. Hạnh Nguyên chưa biết đi đâu và làm gì. Hạnh Nguyên chỉ biết mình cần phải đi khỏi nơi này và hoàn toàn sống trơ trụi một mình.
Hạnh Nguyên ngồi ở ghế nệm sau xe, đầu ngã lên thành nệm, mắt mơ màng. Bên ngoài trời vẫn đổ mưa, những hạt mưa đan chéo nhau tạo thành những mảng mưa lớn trắng xoá. Anh tài xế thỉnh thoảng liếc nhìn Hạnh Nguyên qua kính chiếu hậu, thấy ẩn hiện lên mặt nàng sự sợ hãi và nỗi ám ảnh lên đôi mắt, Hạnh Nguyên sợ gương mặt mình gây ra sự chú ý cho người khác, nên lục tìm trong va ly chiếc khăn tay chùi mặt và lấy phấn thoa đều lên má để lấy lại một chút tươi tắn trên gương mặt. Chắc thế nào anh ta cũng cảm nhận được, anh ta nhìn thẳng con đường đầy nước trước mặt, chân đạp ga phóng tơi
Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh
Trên xe lúc này phát ra một bản nhạc không lời nghe réo rắt. Một bản nhạc không lời ngoại quốc của những năm sáu mươi trở về trước, dòng nhạc cổ điển điệu valse hợp với những cơn mưa réo rắt như thế này, lúc to lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm nghe êm tai.
Cần gạt nước mưa trên tấm kiếng gạt đi gạt lại mỗi lúc một nhanh hơn.
– Giờ này có lẽ còn một chuyến tàu cuối cùng ở Hà Nội vào thì phải?
Anh tài xế liếc nhìn Hạnh Nguyên qua kiếng chiếu hậy, anh ta khẽ gật đầu.
– Có lẽ là còn. Cô định đi đâu chuyến tàu cuối cùng này?
– Tôi không biết.
Hạnh Nguyên giọng nói đứt quãng, một nỗi lo, một tâm trạng bị ám ảnh khẽ vỡ tan trong tiếng mưa rơi.
– Đi đâu cũng được, miễn sao tôi rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt.
Nhà ga nằm hút sâu phía sau lưng thành phố, chạy dọc theo những con đường ngoằn ngoèo quanh co,
đường ray nằm sát bên bãi cát trắng mịn mọc đầy những bụi xương rồng có gai lởm chởm chìa ra, chiếc taxi
trờ tới chạy vào một cái cổng lớn. Lúc này mưa tạnh hạt dần, Hạnh Nguyên nhìn thấy bóng người lố nhố trong sân đi dưới màn mưa bụi, ai cũng bị ống quần ướt một chút vì phải lội qua vũng nước trước sân ga, có người bận áo mưa, có người bận một chiếc áo khoác màu nâu sẫm trên tay xách một cái túi da, có người đi dạo lòng vòng tìm một chỗ ngồi nghỉ chân, có người đứng như chờ đợi một ai đó. Ánh sáng từ ngọn đèn đường hắt xuống thành một vệt dài loang lổ nước tròn méo không rõ ý nghĩa, giữa khung cảnh mang một màu huyền ảo buồn diệu vợi.
Sân ga vẫn còn vắng vẻ, chưa đông. Hạnh Nguyên liếc nhìn đồng hồ treo trên cổng soát vé ra vào, có lẽ còn quá sớm cho một chuyến đi. Tiếng loa phóng thanh rè roẹt trong tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn bãi giữ xe. Tiếng người phát thanh, một cô gái giọng lè nhè phát ra từ chiếc loa cũ kỹ, nghe tiếng được tiếng mất. Hạnh Nguyên nhìn thấy một nhân viên nhà ga đang đứng loay hoay trên mé đường ray. Mắt ông ta nhìn đâu đó mông lung, tay phải cầm một cây cờ màu đỏ đã được cuộn tròn. Một cây đèn bão ông ta cầm bên tay trái là một loại đèn để chống mưa gió. Ông ta đi qua đi lại một lúc, rồi đứng yên bên vệ đường đầy nước mưa ẩm ướt.
– Nghe hú một hồi còi dài chắc tàu sắp đến, Hạnh Nguyên nói khẽ, sau khi mua tấm vé vào Nam đi theo
chuyến tàu cuối cùng trong đêm.
Trên sân ga người đi qua đi lại liên tục. Nếu tàu sắp vào sân ga, người đàn ông kia sẽ phất cây cờ trong tay phải, và cây đèn bão cũng được thắp sáng lên, hàng rào bằng sắt ông ta sẽ kéo lại chắn ngang qua đường, xe và dòng người phải dừng bước chân nhường lại đường ray cho tàu chạy qua.
Hạnh Nguyên ngồi lặng yên trên chiếc ghế ở phòng đợi. Chuyến tàu chạy đường dài lâu nay cho thấy rất ít hành khách vì tâm lí của con người cũng lắm bất an khi ngồi cả ngày lẫn đêm trên tàu rất mệt mỏi. Nhưng dù sao cũng yên tâm hơn là đi xe đò, theo lời họ nói như vậy. Ngồi bên Hạnh Nguyên là một người đàn bà tuổi sồn sồn, mắt nhắm nghiền, lưng ngã vào thành nệm. Ngồi bên tay trái cách Hạnh Nguyên hai chiếc ghế là một người đàn ông đeo kính cận, ăn mặc lịch sự. Ông ta liếc nhìn Hạnh Nguyên, vô tình bắt gặp cái nhìn, Hạnh Nguyên hơi bối rối, nhưng nàng định thần lại, mọi chuyện xảy ra chóng vánh không làm cho Hạnh Nguyên bất ngờ.
Một người đàn ông liếc nhìn một thiếu nữ trẻ đẹp như Hạnh Nguyên là chuyện bình thường, chẳng có việc gì phải bận tâm cho mệt trí não. Ngoài trời mưa bay lất phất, một màn mưa bụi trên sân ga.
Chuyến tàu chạy chầm chậm trờ tới. Người đàn ông đứng gần mép đường ray lúc nảy tay phất nhẹ lá cờ. Tay phải ông ta nắm cán cờ đưa về phía trước, tay trái ông ta xách cái đèn bão đưa lên cao rồi hạ xuống ngang tầm phía trước ngực đủ để thấy mọi vật chung quanh.
Hạnh Nguyên nghĩ trong cuộc đời này, ai cũng có một nỗi bận tâm dù ít hay nhiều không đáng có. Người nhân viên sân ga vẫn sống và tồn tại trên sân ga, đã mấy mươi năm với mỗi một công việc đứng báo hiệu cho mọi người biết khi đoàn tàu dừng lại nghĩ ngơi trên sân ga để hành khách xuống tàu và lên tàu. Thế mà lắm lúc cũng bị giật mình khi tàu hú một hồi còi dài vang dội, tàu đi, tàu đến, có một cuộc chia ly được báo trước khiến trí não ông xuất hiện một lỗ hổng trong tích tắc, khiến ông cũng cảm động và lao xao trong lòng, huống chi là Hạnh Nguyên lần đầu đi tàu cũng cảm nhận được mọi tình huống trắc ẩn không kềm chế được. Tình cảm con người và nỗi bận tâm, tấm lòng luôn nghỉ đến người khác, là đề tài muôn thuở đáng được ghi nhận. Nhưng sao anh ta không được như thiên hạ.
Cuộc đời Hạnh Nguyên đáng lẽ ra nàng sống một cuộc sống bình yên ở một vùng quê với cha mẹ, với bạn bè, hàng ngày gành gồng hàng hoá đến chợ buôn bán, rồi va chạm đến cơm áo, cũng có lúc trôi chảy không gặp những vấp váp nào, nhưng cũng có lúc chao đảo trước những khó khăn không lường hết được. Để tồn tại trong cuộc sống, thì phải tôn trọng công việc dù lớn hay nhỏ và phải chấp nhận mọi tình huống rủi ro. Hạnh Nguyên là con người sống sôi nổi lãng mạn, dù khi còn là một học sinh trung học, hay khi đã về quê bị dồn vào nơi hiu quạnh lạc lõng. Trước sau gì Hạnh Nguyên cũng như mây lang thang, “tính con nhỏ này lạ lắm không hiểu nó được” – bạn bẻ Hạnh nguyên nói vậy.
Rồi cái ngày đó đã đến, không biết ai đã làm lung lạc cuộc đời bình lặng của Hạnh Nguyên, khi nàng quyết định tiếp tục đi học lại, dù việc học chữ của nàng có khó khăn vì nàng đã bỏ sách vở khá lâu. Cha mẹ Hạnh Nguyên tỏ ra quá bất ngờ, không giữ được bình tĩnh, nhưng ông bà chẳng có cách nào để giữ chân con gái lại vì mọi sự định đoạt về tương lai là do Hạnh Nguyên quyết định.
Hạnh Nguyên đành phải bỏ chợ búa đã trải qua bao năm gắn bó. Rốt cuộc chuyện học hành cũng không đạt được như mong muốn, Hạnh Nguyên đi học và bỏ học ngang xương để nắm bắt một mối tình không mấy trong sáng. Hạnh Nguyên bị một gã đàn ông sừng sỏ giăng bẫy dụ dỗ bằng những lời lẽ ngọn ngọt, hòng chiếm đoạt cho được trái tim khờ dại của nàng. Gã vẽ ra một tương lai rực rỡ, một cuộc sống sung túc, Hạnh Nguyên nghe lọt tai, thế thì cần chi phải đi học cho mệt trí. Hạnh Nguyên tin một trăm phần trăm, từ lòng tin dẫn đến xiêu lòng.
Gã thường đến nhà trọ nơi Hạnh Nguyên ở sau những ngày lang thang tá túc ở một nơi nào đó, nơi mà không một ai biết, gã đến mang theo sự bực tức ở đâu đó bên ngoài về làm tình làm tội Hạnh Nguyên đủ điều. Sự giận dữ vũ phu của gã trở thành những vết thương trên da thịt của một thiếu nữ như Hạnh Nguyên, cứ thế, ngày đi qua tháng đến, riết rồi thời gian dồn nén chờ chực vỡ trên gương mặt.
Hạnh Nguyên đã ra đời, đã va chạm, đã bon chen trong làm ăn, thì sớm muộn gì cũng có ngày lầm lỡ duyên phận. Nên nàng tự nhủ với lòng mình phải đứng lên và tìm đường cho một hướng đi.
Giờ đây nàng chỉ thấy mình đứng giữa cơn mưa tầm tã, bên cạnh là chiếc va ly và dăm ba bộ quần áo nhẹ tênh như lòng.
2. Hạnh Nguyên đã yên vị chỗ ngồi ở toa 2, người đàn ông ngồi gần Hạnh Nguyên ở phòng đợi lúc nảy đã giúp Hạnh Nguyên bước lên tàu và tìm giúp số ghế trên hàng ghế sao cho trùng khớp với số ghế ở vé. Giờ ông ta đang xếp lại hành lý ở hàng ghế bên cạnh. Hạnh Nguyên đưa mắt đảo quanh hành khách cùng ngồi trong toa, điểm mặt chẳng có một ai quen. Đó là lúc Hạnh Nguyên tin rằng sự ra đi lang bạt của nàng đến một nơi ở khác đã bắt đầu trong khi mọi vật chung quanh vẫn còn như cũ chưa hề bị xê dịch. Không một ai biết Hạnh Nguyên đã ra đi. Nhưng tại sao phải là Hạnh Nguyên? Nàng đang cố sức vượt qua trên con đường giải thoát
Người đàn ông Hạnh Nguyên gặp ở phòng đợi, lúc này đang tựa lưng vào thành nệm, mắt nhắm nghiền trong lớp kính cận dày cộm, ông ta đã ngủ say, miệng hắt ra hơi thở hổn hển, như báo hiệu chút lòng thành vô hiệu hoá về chuyện tình cảm nào đó chăng. Hạnh Nguyên phớt lờ, không thèm để ý đến, cô nghĩ bọn đàn ông con trai ai cũng giống nhau. Hạnh Nguyên nhìn ra lớp cửa kiếng lấm tấm vài vệt mưa chảy dài, từng vệt, từng vệt hắt chéo lên thành cửa mặt ngoài rồi cũng mau chóng bị gió thổi bay tung toé.
Tàu đã chạy ra khỏi thành phố, tàu chạy qua những cánh đồng lúa mênh mông, chạy qua những ngọn đồi núi non và chuẩn bị đi sâu vào lòng đèo heo hút, trên vách núi lưng chừng đèo là những tảng đá to nằm rải rác bên những tàn cây lao xao gió, đèo quanh co vắng vẻ, không có bóng người qua lại. Phía vực là biển xanh biếc phẳng lặng, chạy thẳng tắp cho đến tận chân trời. Một bức tranh thiên nhiên như vẽ, đẹp mê hồn. Tàu chạy lướt qua chậm chạp như thế mà cũng ra khỏi đèo, là sang một thành phố khác, một tỉnh thành khác. Nàng nhìn thấy ánh đèn điện sáng màu vàng rẹt hai bên con đường có đông dân cư ở.
Máy lạnh bên trong toa tàu toả nhiệt. Hạnh Nguyên nghe hơi lạnh chạy dọc theo sóng lưng làm nàng không ngủ được. Hạnh Nguyên cũng không biết mình đã chợp mắt ngủ từ lúc nào và thức giấc từu lúc nào hoàn toàn không nhận thức được. Nàng vô thức, rất mông lung, rất mơ hồ. Nàng lắc lắc cái đầu cho tỉnh táo, rồi đi xuống cuối toa tàu rửa mặt nghe khỏe khoắn trong người, hai con mắt bỗng dưng ráo hoảnh, nàng nhìn ra ngoài qua tấm kiếng toa tàu. Trời bắt đầu sáng hừng lên, một bức tranh hoàn hảo của tạo hoá tạo ra giữa bóng tối và ánh sáng.
Hạnh Nguyên nghe thấy một thứ gì đó muốn tuôn ra khỏi lồng ngực. Ngay đến người đàn ông lúc nảy cũng không còn ở chỗ ngồi. Hạnh Nguyên nhận ra tiếng bánh sắt xe lửa kêu khùng khục từng hồi, từng hồi đay nghiến trên đường ray. Người ngồi trong toa tàu cười nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Ở góc toa tàu, anh chàng thanh niên dáng người to béo đứng thét to, khi chưa tìm ra hành lý của mình để trên kệ toa tàu. Người phụ nữ ngồi với vẻ mặt cáu gắt, chửi thề lung tung, tay ẵm dỗ đứa bé cho bớt khóc. Nàng nhận ra trong không gian toa tàu có quá nhiều người và quá nhiều tiếng la lối om sòm, chửi thề tục tĩu, không có một trật tự nào ở đây, như một cái chợ. Tiếng phanh rít qua một đoạn cua để tàu chạy về thành phố, tiếng còi tàu hú vang một góc núi.
Hạnh Nguyên đứng bật dậy, kéo cánh cửa và có ý định nhảy ra ngoài. Nàng nghĩ mình phải thấy một bên ngoài trống hoác, nhưng hoá ra người đàn ông vẫn còn ở đó. Ông ta đang hút dở một điếu thuốc, mắt lơ đễnh ngó về nơi xa lắm.
– Cô có ý định làm gì?
Ông ta quay sang vì nghe tiếng động nơi cánh cửa ở sau lưng. Tay Hạnh Nguyên để lên ngực, trong tích tắc.
Hạnh Nguyên không biết nên nói gì.
– Cô lo lắng vì điều gì?
Hạnh Nguyên đứng tựa cửa. Cánh cửa giữa hai toa tàu thỉnh thoảng lắc lư lay động. Tiếng động toa tàu di
chuyển trên đường ray lắc lư với tiếng gió tốc vào hai bên mang tai thành một khối âm thanh rì rào khó tả. Hạnh Nguyên không biết nói gì, không biết diễn đạt cảm xúc với người đàn ông mới gặp. Bởi vì Hạnh Nguyên không biết ông ta đứng ở vị trí nào trong câu chuyện của mình sắp nói ra.
– Cô có ý định nhảy xuống đây ư?
Ông ta chỉ tay ra khoảng không bao la ở trước mặt. Tàu đang lượn theo đường cong bờ biển. Từ nơi này có
thể nhìn thấy những ngọn núi xa tít mù khơi, trên biển cuồn cuộn lớp sóng biển vỗ tung toé trắng xoá, những con chim hải âu bay lượn trên mặt biển.
– Ông là ai?
– Tôi là ai? Tôi ở đâu đến đây, làm nghề gì? Tôi không thể cho cô biết về lý lịch trích ngang của tôi. Giờ tôi
chỉ biết cô đi trên chuyến tàu với một tâm trạng không mấy bình thường, tôi cảm nhận được trong đôi mắt của cô. Trên thế gian này có hàng ngàn, hàng vạn cô gái như cô, có người ra đi làm đủ ngành nghề để kiếm sống, có người đi học để sau này làm bà nọ bà kia trong xã hội, có người ăn không ngồi rồi, có người lận đận, có người giàu, có người nghèo, không một ai giống ai. Nhưng tất cả họ đều lên đường trong nỗi bất an muôn thuở. Cô hiểu tôi nói chứ?
Ông ta dụi tàn thuốc vào cánh cửa, rồi vứt mẫu tàn thuốc xuống nền toa tàu, ông ta dịu mẩu tàn thuốc bằng chân thêm nhiều lần.
– Tôi có liên quan gì đến ông? Ông nói những câu chữ dài dòng và mâu thuẫn làm cho tôi rối rắm nên không
hiểu một chút nào hết, và tôi cũng không có ý định nhảy tàu ra khoảng không bao la đó.
Người đàn ông nhìn thẳng vào đôi mắt của Hạnh Nguyên. Trong trí nhớ của mình, ông ta chưa từng gặp đôi mắt nào như thế trong đời. Đôi mắt u uẩn nhưng nhìn kĩ thì long lanh như mặt nước hồ thu không một chút gợn sóng. Trong phút chốc, Hạnh Nguyên thấy mình ở đó trong mắt ông, Hạnh Nguyên đứng trên một ngọn đồi cao hướng mắt ra biển, nhìn thấy không gian quanh mình không một chút lay động, hai hàng cây ven đường tịch lặng không có một chiếc lá vàng nào rơi. Gió đã trốn ở một nơi nào đó xa xăm. Trong một không gian tĩnh mịch ấy, nàng cảm thấy đầu óc nặng trịch quay cuồng, thế mà nàng chợt nhận ra mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Nàng nhìn thấy trên mặt hồ gợn sóng lao xao, nhưng không bí ẩn và kỳ lạ như người đàn ông nàng gặp, ông chưa để lộ ra chân tướng, ông bình thản đến lạ lùng. Bỗng dung như một chiếc lá trôi bềnh bồng trên mặt hồ, trong giây phút lao xao đã khẽ lay động.
– Tôi đi tìm vợ, cô ấy đi sau lần cãi vã với tôi, đang cơn nóng giận, tôi đánh cô ấy một bạt tai.
– Đàn ông các ông đều như nhau cả.
– Cô nói tôi?
– Nói chung chung, ông nghĩ sao cũng được!
Người đàn ông nhặt lấy đầu lọc điếu thuốc bị dụi nát. Ông cầm nó và bỏ vào giỏ rác, một ít tàn thuốc rơi ra
và vương ở tay áo. Người đàn ông khép cánh cửa rồi bỏ đi.
– Vợ tôi có thể đi trên chuyến tàu này, hay một chuyến tàu nào khác, nhưng không bao giờ có ý định nhảy
ra khỏi tàu, và tất cả phụ nữ trên các chuyến tàu đều không nên có hành động như vậy.
Tiếng trẻ nít khóc, tiếng nói cười của hành khách trên toa tàu, tiếng khùng khục đay nghiến của bánh sắt trên đường ray, tiếng còi tàu hú vang dội mỗi khi tàu chạy qua khu dân cư. Hạnh Nguyên thấy mình hoá thành chiếc lá bay rũ rượi xuống mặt đường, mặt hồ lăn tăn gợn sóng.
3. Tàu vẫn trượt dài trong không gian, mỗi lúc một gần, trong bóng tối từ từ tiến ra ánh sáng, Hạnh Nguyên thấy nơi đường chân trời le lói chút ánh sáng đầu ngày.
Tàu bắt đầu giảm dần tốc độ. Đâu đó những con người đứng ngồi bên ngoài cánh cửa nhà, họ ngóng cổ nhìn lên những ô cửa toa tàu, Hạnh Nguyên cũng không rõ họ nhìn gì, những con người đứng dọc ở ven đường lại ngóng những người đang di chuyển xẹt ngang qua đời họ. Có rất nhiều cuộc đời diễn ra ở đây. Nhiều người được sinh ra và lớn lên rồi cũng theo thời gian già đi, nhiều người đã khóc, đã cười bên những buổi chiều tối muộn ở nơi đoàn tàu chạy lướt qua.
Hạnh Nguyên tự hỏi liệu có ai đó đã bỏ nhà ra đi như mình hay không?
Đoàn tàu chạy giảm tốc độ dần và dừng hẳn ở một ga xếp nhỏ. Nàng thấy dăm ba người đang loay hoay kéo hành lý lệt xệt trên sân ga. Thêm dăm ba người leo lên toa tàu, dấu bụi đường còn đọng trên áo những lữ khách xa lạ.
Trên sân ga vài chiếc đèn dầu nhỏ lắt lay trên những thúng quà, và trên tay của người bán hàng trên sân ga xép. Một vài hành khách đi dạo quanh những thúng quà, họ hỏi giá cả và mua một vài món đựng trong túi ny lông. Những người khác thì không ngó ngàng chi tới, họ chỉ tranh thủ lúc đoàn tàu dừng lại đi hút thuốc và tiểu tiện. Những đốm sáng ngọn đèn dầu lay động qua từng cơn gió đêm, đốm sáng điếu thuốc lá lập loè trên môi mỗi người trên sân ga, tất cả đều mong manh dễ tan bên dưới trời sương gió nơi ngoại ô tỉnh lẻ.
Bây giờ Hạnh Nguyên đã đổi chỗ ngồi sang một hàng ghế khác, để dễ tựa đầu vào mặt kiếng cửa sổ. Hạnh Nguyên có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra ở bên ngoài. Người đàn ông cũng rời chỗ ngồi với bao thuốc lá con mèo cầm trên tay. Lúc ông đi ngang qua chỗ Hạnh Nguyên ngồi, mùi thuốc lá hắt ra bay vào khứu giác nghe khét lẹt khó chịu. Chắc ông ấy hút rất nhiều thuốc lá trong tâm trạng nhiều phiền muộn trong lòng.
Nhân viên trực ga, họ cầm cái loa trên tay để ngang miệng:
– Đã đến giờ tàu chạy, mời bà con lên tàu, nếu để chậm trễ không lên tàu, bà con phải ở lại, không còn một
chuyến tàu nào nữa.
Tiếng khùng khục ở đầu tàu mỗi lúc một lớn, tàu chuyển động từ từ ra khỏi sân ga, đến khi mất hút sau dãy nhà cư dân. Mọi chuyện xảy ra trên toa tàu như một phần trên sân khấu đang diễn vỡ bi hài kịch không kém phần hấp dẫn. Hạnh Nguyên vừa là diễn viên vừa là khán giả, mang lòng trắc ẩn trong cuộc hành trình tiến về phương Nam.
Rốt cuộc mọi chuyện cũng đều trôi qua, chẳng có một ai mang theo trong lòng làm gì.
Trời sáng tỏ, nắng nóng, tàu đã dừng ở sân ga cuối cùng, những hành khách trên tàu lao xao kéo hành lý ra khỏi toa. Người nối người xếp một hàng dài, chèn ép lẫn nhau trong lối đi giữa hai hàng ghế. Nắng Sài Gòn chói lọi khung cửa kiếng, bầu trời một màu trong xanh, rất xanh. Hạnh Nguyên mệt nhoài người, đến mức như chỉ muốn vật mình nằm dài ra, bởi giấc ngủ chập chờn và những mẫu chuyện rời rạc không đầu không cuối trên toa tàu. Nhưng trong lúc này Hạnh Nguyên tin rằng nàng không phải là người bỏ quê quán ra đi, dù nàng chưa biết nàng nên đi đâu và làm gì, với một va ly dăm ba bộ quần áo và đồ dung lặt vặt cá nhân.
– Tôi đã cho anh ấy uống thuốc ngủ hòa tan trong nước, anh ấy hôn mê nằm gục trên bàn.
Hạnh Nguyên nói với ông công an trực trong trạm ga. Ông ta bấm điện thoại gọi cho một ai đó.
– Cô nói gì?
– Tôi đã cho anh ấy uống thuốc ngủ hoà tan trong cốc nước ngọt, không biết anh ta chết sống như thế nào.
Sau đó tôi rời khỏi hiện trường, nơi nhà trọ tôi ở.
Ông ta lấy quyển sổ trực ghi số căn cước, địa chỉ quê quán và số điện thoại di động của Hạnh Nguyên.
– Tôi sẽ liên lạc với cô.
Rồi ông ta cho Hạnh Nguyên ra về.
5/4/2023
Vũ Khắc Tĩnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...