Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

XXXCó một cõi Yến Lan "Vô thường"

Có một cõi Yến Lan "Vô thường"

Yến Lan (1916-1998) là một nhà thơ sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám đã có cống hiến không nhỏ đối với nền thơ ca dân tộc. Ông cùng các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn làm nên nhóm thơ Bình Định nổi danh một thời – nhóm thơ tứ linh.
Trong nhóm thơ này, Hàn Mặc Tử là long, Quách Tấn là quy, Chế Lan Viên là phụng, Yến Lan là lân. Tuy vậy, ông không nổi danh như những người bạn mình, tên tuổi Yến Lan không được nhiều người biết đến, đặc biệt là các thế hệ sau này.
Yến Lan có sức sáng tạo dẻo dai và bền bỉ – một người sáng tạo cho đến hơi thở cuối cùng. Ông đã để lại một số lượng tác phẩm không nhỏ cho nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông đạt được những thành tích đáng kể ở thể thơ tứ tuyệt với những tìm tòi và sáng tạo mới. Khi nhắc đến nhà thơ Yến Lan đa phần độc giả yêu thơ chỉ biết đến thi phẩm Bến My Lăng.
Đây là một bài thơ được đánh giá cao và nhiều người yêu thích. Có thể nói nó ảnh hưởng khá lớn đến sự nghiệp thơ của ông. Nếu cả cuộc đời Yến Lan ví như một con thuyền thơ phiêu bạt trên các dòng sông, thì Bến My Lăng là điểm khởi đầu và cũng là dấu ấn đậm nét trong hành trình nghệ thuật của ông. Trong đời thơ của mình, Yến Lan sáng tác khá nhiều và xuất bản gần chục tập thơ.
Nhà thơ Yến Lan (bên trái)
Thời gian sau này, Yến Lan lại hay được nhắc đến với những vần thơ tứ tuyệt đặc sắc. Có thể nói sau bài Bến My Lăng, thơ tứ tuyệt Yến Lan gây được tiếng vang khá lớn trong giới phê bình và công chúng yêu thơ. Chính vì thế mà nhà thơ Trúc Thông đã nhận xét về thơ ông với những lời khen ngợi trầm trồ, thán phục: “Trong số lưa thưa các bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc vào hạng “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm”.
Mỗi bài thơ chỉ vẻn vẹn có bốn câu nhưng lại chứa đựng những tình cảm và triết lý sâu sắc về cuộc đời và số phận con người. Một thể thơ đòi hỏi vào tài dùng chữ, lựa chọn ngôn ngữ điêu luyện của nhà thơ. Với thể thơ đó, Yến Lan đã bộc lộ được muôn mặt của tình cảm với những trăn trở, suy tư.
Trong mảng thơ tứ tuyệt với số lượng lớn trên 500 bài thơ, mỗi bài là một nỗi niềm để thấy một tâm hồn lớn, một nhân cách thanh tao của Yến Lan. Đọc những vần thơ tứ tuyệt của ông, đôi lúc ta có cảm giác như những tiếng thở dài đầy tâm trạng. Nó là tiếng thở dài của một con người luôn muốn đi vào khám phá cõi u uẩn của tâm hồn con người. Cảm thấy mình không có đủ thời gian để đi đến hết miền sâu xa ấy. Điều đó là nguyên nhân cho những tiếng thở dài, trăn trở, khắc khoải. Yến Lan trở lại với thơ tứ tuyệt cũng đầy cơ duyên. Theo ông cho biết, ông đã làm thơ tứ tuyệt từ rất sớm nhưng đáng tiếc tập thơ Giếng loạn đó đã bị thất lạc, chỉ còn một số bài như:
Chiều nay chim bạch câu
Vỗ từ một chái lầu
Bay qua bờ giếng lạnh
Chim ơi bay về đâu.
(Vắng vẻ)
Cùng trong nhóm thơ tứ linh, Chế Lan Viên và Quách Tấn cũng có nhiều dấu ấn trong thơ tứ tuyệt. Nhưng, ở mỗi người lại có những đặc điểm khác nhau. Quách Tấn thiên về tính chất trừu tượng, siêu hình nên thơ hơi xa lạ và khó hiểu. Tứ tuyệt Chế Lan Viên mang đậm chất triết lý suy tưởng: Trời xanh sau lúc khóc/ nước mắt treo cầu vồng/ cái móng cầu hy vọng/ cho tấm lòng đau xong (Cầu vồng – Chế Lan Viên).
Thơ tứ tuyệt Yến Lan có điểm tương đồng với hai người bạn thơ của mình nhưng cũng ẩn chứa những nét riêng. Đó là những triết lý nhân sinh về kiếp sống “vô thường” được gửi gắm qua những suy tư, trải nghiệm cá nhân. Khi đọc thơ Yến Lan, ngẫm kỹ ta thấy có phảng phất yếu tố thiền. Trong thơ ông yếu tố tĩnh tràn ngập, đặc biệt trong thơ tứ tuyệt. Con người tĩnh tại để chiêm nghiệm cuộc đời, soi lại lòng mình:
Trà đậm kéo đêm dài
Lòng không bận nhớ ai
Lắng chừng bên hàng xóm
Đom đóm rọi vườn mai.
(Uống trà thức đêm)
Đọc những câu thơ này, ta không khỏi liên tưởng đến câu của Mãn Giác Thiền sư (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai).
Sinh thời, Yến Lan là người chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Trang Tử, mà Đạo giáo dạy rằng: “Đạo như ta thấy đó biểu hiện nơi vạn sự vạn vật, bởi vậy, không sự vật nào là không có cái tính “tự sinh”, “tự trưởng”, “tự hủy”, “tự diệt” của nó”.
Con người cần phải tuân thủ theo lẽ tự nhiên vô thường đó. Đây là một tư tưởng nhân sinh có giá trị, tuy nhiên nó cũng có những hạn chế nhất định. Bị chi phối bởi tư tưởng đó nên bản thân nhà thơ Yến Lan có một cuộc sống rất đạm bạc, thanh cao.
 Yến Lan là một người có khoảng thời gian khá dài sống ở chùa Ông nên dường như nhà thơ cũng phần nào chịu ảnh hưởng cách sống của một nhà tu hành. Đó là sự trầm lắng, suy tư của một thầy tu. Trong bài thơ Đọc Trang Tử chúng ta phần nào thấy được quan niệm sống minh triết, ung dung tự tại đó:
Trưa đọc Nam Hoa Kinh
Tối nằm không hoa bướm
Mừng mình chủ được mình
Dậy thổi nồi khoai sớm.
Ở đây, mặc dù nhà thơ nói mình không bị ảnh hưởng bởi Nam Hoa Kinh nhưng thực tế quan niệm sống của ông bị chi phối bởi tư tưởng này khá mạnh. Đặc biệt là những năm tháng cuối đời. Khi đọc thơ tứ tuyệt của Yến Lan, chúng ta có thể thấy ở đó những trăn trở suy tư về cuộc đời. Đồng thời quan điểm sống, sáng tác có phần nào chịu ảnh hưởng của triết lý vô thường.
Nhà thơ sống một cuộc đời dường như rời xa cuộc sống xô bồ, không bon chen, không vướng bận. Trong tâm hồn ông lúc này chỉ còn chỗ cho những suy tư và sự chiêm nghiệm cuộc sống. Chính vì vậy mà khi đọc tứ tuyệt Yến Lan có cảm tưởng như nhà thơ đang nén lại tiếng thở dài. Đó là cái thở dài của một con người luôn trăn trở về cuộc đời nhưng thấm đẫm tình người:
Ngồi nghe đọc lướt qua thơ chị
Khát khao tình người ý vấn vương
Tiếc mình già yếu run tay bút
Khó chuốt cho tròn chữ mến thương.
(Cảm tác)
Đối với nhà thơ Yến Lan, cuộc đời là những cuộc gặp gỡ để rồi chia ly và nhớ nhung. Chính vì thế cuối đời Yến Lan là những nỗi nhớ, cảm xúc về hồi ức với những kỷ niệm tình yêu, tình bạn, tình thân. Nhà thơ nhận thấy mọi nơi trên đất nước này đã trải qua nhưng lại chưa thể nào đi hết được cõi lòng mình. Đó là một triết lý nhân sinh sâu sắc.
Trong cuộc đời con người, điều quan trọng nhất là sự thanh thản của tâm hồn. Đặc biệt, khi người ta đã già. Đối với Yến Lan, ông luôn trăn trở về cuộc đời nên mặc dù đi nhiều, viết nhiều nhưng với ông thì vẫn chưa thể nào hiểu hết được, bộc lộ hết được cõi lòng mình. Đó là một tấm lòng tha thiết yêu cuộc sống, muốn gắn bó và sẻ chia nhưng rồi chính bản thân nhiều khi cũng không thể hiểu nổi mình.
Còn một điều đặc biệt là trong thơ tứ tuyệt Yến Lan chúng ta thấy chứa đựng một số lượng lớn những bài thơ viết về nỗi nhớ quê hương, nhớ bạn, nhớ người thân, luyến tiếc cuộc đời. Có lẽ đó cũng là cảm thức của một con người sắp rời xa cuộc đời. Một con người luôn khao khát gắn bó với cuộc đời và tình người.
Ở thể thơ này, hệ thống đề tài của Yến Lan rất phong phú. Ông có thể thỏa sức suy tư về mọi khía cạnh của đời sống. Mỗi khía cạnh khái quát lại ở bốn câu thơ. Nhưng, chỉ với bốn câu thơ ấy chứa được bao nội dung sâu xa. Đó là những nỗi niềm, tấm lòng của nhà thơ đối với con người, với thiên nhiên và cuộc đời. Trong tứ tuyệt Yến Lan, ta có thể tìm thấy nhiều vẻ đẹp của cuộc sống. Bên cạnh những triết lý nhân sinh còn có những vẻ đẹp của non sông đất nước và văn hóa dân tộc.
Nhà thơ Yến Lan có chùm thơ về bốn nghệ thuật truyền thống. Đó là quan họ, tuồng, lý và chèo. Có thể nói, chùm thơ đó như bức tứ bình treo tết trong mỗi gia đình Việt khi xuân về. Mỗi nghệ thuật có một nét riêng, tạo nên vẻ đẹp của văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Yến Lan đã có phần vượt thoát được khuôn khổ cứng nhắc của Đường thi. Ông đã đưa một thể thơ vốn trang trọng, đài các trở nên giản dị, gần gũi với người đọc. Ông đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để cho thể thơ này trở nên mới mẻ hơn. Điều đó đã khiến thơ ông đến được với bạn đọc và nó khiến cho mọi người thích thú với sáng tạo trong cấu tứ, những cách tân về câu chữ. Đọc lại bài thơ tứ tuyệt cuối cùng của ông, chúng ta sẽ thấy được triết lý sống và nỗi trăn trở của nhà thơ:
Năm châu chín quận trải qua rồi
Còn xứ tâm hồn của bạn thôi
Một buổi chiêm bao ta đã thấy
Đau thương phiền muộn khác chi đời.
Trong cuộc đời con người có thể đi được mọi nơi mọi chốn trên trần gian nhưng nếu không thể hiểu được chính mình thì cũng là một sự thiếu hụt rất lớn. Ông cũng cho thấy, đối với nhà thơ thì cõi tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Phải chăng, vì thế mà cuối đời Yến Lan đã đi vào khai thác dòng thơ tứ tuyệt với hy vọng có thể tiếp cận được với xứ tâm hồn của chính mình.
Nhà thơ Yến Lan có một gia đình êm ấm. Tình cảm vợ chồng tao khang trọn vẹn. Trong hồi ký Sống với nhà thơ Yến Lan, vợ ông cho biết thời trai trẻ có hai người con gái mà ông rất đỗi yêu thương, đấy là cô Yến và cô Lan. Thế rồi cô Lan trở thành vợ ông. Và ông đã lấy tên hai người con gái từng ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của mình ghép thành bút danh Yến Lan.
Tôi cùng học với nhà thơ Lâm Huy Nhuận – con trai nhà thơ Yến Lan. Lâm Huy Nhuận là nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ, với tính khí sôi động ồn ào, khác hẳn tính nho nhã của cha. Anh có thể uống rượu, đọc thơ ào ạt trước đám đông nhưng mỗi khi nhắc đến cha mình, giọng anh thường trầm lại. Anh được thừa hưởng cái gen thi sĩ từ cha mình. Anh nói cha anh cho anh ý chí làm người và dạy anh làm nghệ thuật bằng tấm lòng yêu thương, thành thật.
Tại lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan, Lâm Huy Nhuận cho biết trong số các bài thơ của mình, nhà thơ Yến Lan thích nhất bài thơ Bình Định 1935. Và anh đã đọc vô cùng truyền cảm bài thơ. Những câu thơ hay, lạ, đầy ấn tượng: Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc/ Em nằm thương xanh biếc của trời buồn…/ Không được sống xin cho cùng được thở/ Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi.
24/11/2019
Lưu Khánh Thơ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...