Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Cuộc nhập thế nhọc nhằn

Cuộc nhập thế nhọc nhằn

“Vậy viết sẵn hai chữ TỰ DO và dặn người đặt lên mồ“. Mai Văn Phấn
Bạn đọc Nga, những người đã khắc sâu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Nga sẽ gặp khó khăn để hiểu sâu sắc, toàn diện về “Thời tái chế”một tác phẩm của nhà thơ Việt Nam đương đại Mai Văn Phấn. Lịch sử xưa và nay của đất nước ông, những năm chiến tranh và hòa bình, các huyền thoại và hiện thực quê hương ông, con người và nền chính trị, chế độ độc tài và tự do, sự giao thoa của các giai tầng thời gian, bố cục phức hợp, những hình ảnh đa nghĩa và ẩn dụ… Những điều vừa nói đòi hỏi sự thấu hiểu, trí thông minh cũng như kết nối tâm hồn.
Nhà thơ, triết gia Umyvakina Galina Mitrofanovna
Sau khi đọc trường ca nhiều lần và quyết định viết lời tựa, tôi cũng không nghĩ rằng công việc này khó khăn và mất nhiều thời gian đến vậy. Để chuẩn bị cho độc giả đến với một bản văn khác thường, tôi sẽ đưa ra nhiều trích dẫn, có thể làm dài dòng, gây khó hiểu cho bạn đọc. Nhưng tôi hy vọng, sự lặp đi lặp lại một số mô-típ, những định đề quan trọng, nhấn mạnh từng chương, các chủ đề và hình ảnh xuyên suốt toàn bộ câu chuyện phức điệu sẽ không làm người đọc chán nản; Có lẽ người đọc sẽ đồng ý với sự đánh giá cao của tôi về trường ca “Thời tái chế”. Và quan trọng nhất, nó sẽ giúp khám phá một nghệ sĩ khác biệt, một chiến sĩ trung thành đấu tranh quên mình cho lẽ phải – nhà thơ Mai Văn Phấn, người có đủ năng lực và can đảm để nói những lời cay đắng, đôi khi tàn nhẫn, và đồng thời, cũng đầy trắc ẩn về con người, thời gian, lịch sử dân tộc ông. Những ý niệm, nỗi lo âu, hy vọng sẽ tìm thấy sự đồng điệu, và bạn đọc Nga sẽ chia sẻ sâu sắc với những nỗi đau của nhà thơ Việt Nam.
Việt Nam trong thế kỷ XX là lịch sử các cuộc chiến tranh: chống thực dân, giải phóng dân tộc, nội chiến, chính trị quốc nội… Thời kỳ xung đột với những người hàng xóm, và xa hơn, những trận ném bom hủy diệt tàn bạo của quân đội Hoa Kỳ đã từng dấy lên làn sóng chống chiến tranh mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Do đó, nội dung của trường ca là những cuộc tàn sát đẫm máu, những cuộc trấn áp đáng lên án, những cuộc “thanh trừng hàng ngũ” trong nội bộ, nhiều sinh mạng đã hy sinh cho lợi ích lịch sử, chính trị và đạo đức, cuộc sống hòa bình và sự sống còn của con người trong điều kiện chiến tranh, sự độc đoán của chính quyền và những bài học của tự nhiên bị quên lãng: “Tự do quang hợp, tự do đơm hoa, tự do kết trái”. Và thụ cảm thế giới bi thương của tác giả, người nhận ra sự liên can của mình với lịch sử dân tộc mình, bao gồm nỗi đau, sự thật tàn khốc của thời đại, những thử thách mà đồng bào mình phải gánh chịu, và lòng trắc ẩn dựa vào ký ức không phai mờ – ký ức như cuộc thử thách và như lời cảnh báo.
Vì vậy, quê hương đối với nhà thơ không phải chỉ là “… ngọn đồi, tảng đá, vườn tược, bờ bãi, kênh rạch”, mà còn là “những cuộc chiến tranh, từng đợt di dân, thanh trừng, cải cách…/ Xương người chất thành núi, mở đường, dựng ngôi nhà nghỉ tạm”.
Lịch sử thường được mở ra bằng tiếng nói của những dối trá làm suy đồi văn hóa, bằng tiếng nói của những kẻ độc tài biến lịch sử thành nhà hát của những vở kịch và quang cảnh chính trị, nơi “Tiếng vỗ tay rộ lên như sấm…/ Đều đặn từng đợt như những bước chân diễu binh trên quảng trường”. Và nội dung của vở kịch phi lý được viết bằng ngôn ngữ ngắn gọn và minh bạch, có thể: “Đây là một cuộc họp, đợt chỉnh huấn, buổi hội thảo, phổ biến nghị quyết,…/ một vụ ăn chia, cuộc đấu tố, ngày đọc quyết định,…/ cuộc thanh trừng, chào đón đại biểu cấp trên…”.
Do đó, thời gian đã thấm đẫm máu các trận chiến và “Máu từng chảy loang từng vũng giữa sân đình sau những lần đấu tố trong cải cách ruộng đất”, bị nhuộm “ám ảnh đỏ” do những người cầm đầu gây ra, đòi hỏi sự thanh toán bằng “cuộc tắm máu báo thù”. Thời gian trở thành “dòng sông thẫm đỏ”, chảy qua “một thời mất máu, một thời khinh rẻ máu, một thời gian lận máu, một thời lợi dụng, tụng ca máu”.
Thời gian đẫm máu thấm vào ký ức cá nhân và những giấc mơ giày vò của nhà thơ. “Tôi bị cào rách, đau rát, tóe máu. Máu làm thân thể tôi trơn nhẫy trượt nhanh hơn…/ Sợi dây thừng quanh cổ tôi nhanh chóng được cởi ra để lôi tiếp những thân xác khác phía sau”. Nó mang đi thi thể của những người bị giết trong các cuộc chiến, những người tin rằng “Vậy có cần đi qua con đường máu này không?” và ngã xuống vì “độc lập, tự do, hạnh phúc”. “Tiếng họ vang lên khát khao trong nung nấu của dòng sông máu” những người yêu nhau xa cách, khao khát tự do, không muốn biến thành kẻ nô lệ.
Nhưng những dòng sông đẫm máu không thể tự chảy. Và máu không chỉ đổ xuống trong các trận chiến. Trong lịch sử một số quốc gia và dân tộc, có những thời điểm chế độ đẫm máu chiêu mộ đạo quân và biến họ thành những kẻ hành quyết nuốt chửng những ai không vừa ý.
Mai Văn Phấn gọi họ là những tên đồ tể và dành một chương trường ca nói về họ. Chương này có bảy loại đồ tể đại diện cho bảy loại bộ máy quyền lực đàn áp. Một chương thật nặng nề, tàn nhẫn và cay đắng với sự thú nhận kinh tởm và khủng khiếp trong trần trụi sự thật. Đây là bức tranh gần như ngày tận thế về sự phi nhân hóa đã mở ra.
Trên thực tế, tên đồ tể, một nghề chuyên giết mổ và pha thịt súc vật. Và một tên đồ tể, kẻ đã ăn năn trước những cái chết do chính bàn tay hắn gây ra: “Hắn tự nguyện hiến đôi tay mình cho một bảo tàng, như một nhân chứng cho những lầm lỗi”. Nhưng khi được đặt trong một lọ thủy tinh với dung dịch đặc biệt, và sau đó trong một thùng kẽm vỏ dày có khóa, tay của tên đồ tể không thể quên được công việc đẫm máu nhiều năm của hắn. Mỗi đêm bàn tay ấy thường luồn ra khỏi khe hẹp dưới nắp chiếc thùng kẽm để “Cánh tay ấy cố tìm đến một bức tượng bán thân đặt trong gian giữa bảo tàng”. Có phải bàn tay vấy máu này muốn ôm chặt lấy kẻ cầm đầu, cảm ơn bởi cơ hội được hành quyết vô tận. Bàn tay ấy xin hắn tha thứ hay cố gắng trả hết nợ của hắn cho nhiều sinh mạng đã mất. Hắn muốn chiếm lấy vị trí cũ để có cơ hội làm điều ác nữa sau khi chết? Tác giả không đưa ra câu trả lời, nhưng trái tim ông run lên từ bất kỳ câu hỏi.
Một tên đồ tể khác, một kẻ lừa dối, đạo đức giả. Hắn là kẻ thao túng “ý thức cộng đồng”, có hình dạng một bông hoa xinh đẹp, mùi của nó đánh trúng vào người bị mù quáng, để dần dần anh ta có thể “tin mình đang hiến dâng cho những gì thiêng liêng, tốt đẹp”.
Có một nơi dành cho những kẻ đồ tể mộng tưởng, bởi những người cai trị độc đoán không thể làm gì nếu không có những người dẫn đường có quan điểm đúng đắn, những người dẫn dắt hệ tư tưởng gắn với thể chế, giám sát chính trị, như những cột mốc làm cho người dân ngoan ngoãn dễ sai khiến “Những gã đồ tể của tư tưởng bắt chúng ta đi đường thẳng không bao giờ được rẽ”. Cuối cùng những tên đồ tể cũng biết rằng: “Không thể tồn tại một con đường thẳng tắp bất tận chạy trên mặt đất. Sự tiến hóa của con người nhiều khi nằm ở những khúc cua, những nền văn minh được khởi sinh thường ở ngã rẽ”. Và vì vậy “Những tên đồ tể đã biết và phục sẵn ở đó. Chúng nhanh chóng thủ tiêu những ai chúng coi là mờ ám, lầm lạc”.
Và cuối cùng, tên đồ tể chính là một người cầm đầu đẫm máu, cha đẻ của sự đàn áp. Có lẽ tác giả đã nghĩ đến một đại diện nào đó từ ngôi đền vĩ nhân của những kẻ hành quyết, nhưng đối với độc giả người Nga sự mô tả về khuôn mặt và hành vi của ông ta sẽ gợi lên một hình ảnh lịch sử rất cụ thể, người mà trước đây được gọi là “ lãnh đạo và cha già của tất cả mọi người”. Tên đồ tể này “Hắn đã thuộc về thế giới bên kia. Dấu tích duy nhất hắn nhô lên trên thế gian là bức ảnh bán thân khắc trên bia mộ. Khuôn mặt trực diện, cặp mắt nhân từ sau gọng kính, mái tóc chải lật. Chiếc áo vét chỉ để lộ hết hàng cúc thứ hai. Bàn tay vấy máu từ lâu đã chui sâu vào lòng đất”. Nhưng kẻ ăn thịt người này hy vọng rằng, “Từ thế hệ thứ ba sẽ thay nhau truyền tụng công đức ông cụ. Lúc sinh thời ông cụ là người từ bi, đức độ, biết thương yêu tất cả chúng sinh”. Than ôi, nhà thơ Việt Nam đã không nhầm lẫn trong các giả định tương lai của mình và minh định chính xác: ở nước Nga hiện đại, “những hậu duệ của Stalin” đã phong thánh cho ông ta như thế.
Mai Văn Phấn là nhà thơ thấu hiểu và chấp nhận dòng chảy của cuộc đời như dòng thời gian hóa thân. Xuyên suốt trường ca là hai luồng tư tưởng chủ đạo thống nhất: đổ máu, vô thức tê liệt, tử đạo và hoạt động sống còn, tưởng nhớ đến mối quan hệ họ hàng, tinh thần huynh đệ, sự hiến dâng tâm linh. Và máu không chỉ là biểu tượng cho những cuộc thử nghiệm bi thảm của dân tộc. Đây là một hình ảnh đa giá trị phát triển từ thế giới quan hàng thế kỷ về triết học và văn hóa phương Đông. Máu không “thoát qua ống cống” nội chiến và xung đột tư tưởng, mà “Máu điềm nhiên từng bước khoan dung, bình an tựa hơi thở của bé thơ đang ngủ”. Máu là sức sống vĩ đại, một ký ức duy nhất, là hơi thở chung của con người và thiên nhiên, mang đến cho con người, động thực vật cơ hội hồi sinh nơi cư trú trần gian chung trong thế giới mong manh.
Bằng nỗ lực của một ký ức sinh tử không ngừng đã làm sống lại người đã chết, nhớ về những gương mặt bị lãng quên, bị xóa nhòa, như trong những bức ảnh cũ, bị đánh mất trong tầng tầng năm tháng. Như thể “nhận họ hàng thân thuộc sau cơn tao loạn, chia lìa”. Ký ức – máu làm người đang sống đoàn kết, sống đàng hoàng và tự do, không quên rằng không chỉ anh hùng, nhà thơ, nhà vua, mà mỗi con người vô danh là đại diện của nhân loại, của cả thế giới. “Độc lập, tự do như côn trùng, muông thú. Hạnh phúc như cá bơi trong biển hồ và chim chóc trên không”.
Một câu hỏi cần đặt ra: Hồn thơ của trường ca nằm ở đâu? Người cầm trong tay cuốn sách này có thể chất vấn: “Vấn đề chính trị ư?”. Nhưng, sự nghi ngờ ấy chỉ đúng một phần. Nói chung, các nghệ sĩ can gián vào lĩnh vực chính trị là một việc không bõ công và thường mang lại nguy hiểm. Thật khó để không chỉ là nhân chứng, mà còn là một thẩm phán của lịch sử và sống cuộc sống tạm thời mà bạn được giao, chia sẻ nó với số phận dân tộc – điều ấy không đơn giản là một gánh nặng. Nó đòi hỏi sự trưởng thành của lòng trung thực, trách nhiệm công dân và lòng can đảm. Vì vậy, chúng tôi biết ơn nhà thơ về sự táo bạo, bản chất vốn có của các nhà thơ chân chính, về sự dũng cảm để nói về chính trị bằng ngôn ngữ của thơ ca hiện đại.
Nhưng, “Thời tái chế” là tác phẩm thơ ca? Và tại sao tác giả lại xác định nó là “trường ca thơ văn xuôi”? Tất nhiên tôi vẫn nhận thấy yếu tố sử thi và trữ tình trong tác phẩm. Và dĩ nhiên tác giả cũng không khó khăn trong việc xây dựng trong ấy một cốt truyện chặt chẽ. Thay vào đó, tác giả đã để cho những câu chuyện tồn tại rời rạc, ngắt quãng, phát triển không theo tuyến tính, chuyển dịch đan xen, có lúc đơn lẻ, cũng như bố cục của nó không tuân theo cốt truyện xuyên suốt. Chín chương của trường ca có thể tồn tại độc lập. Mỗi chương không chỉ có tên riêng, cấu trúc riêng, mà còn có những xúc cảm độc lập, tràn đầy dị biệt. Thay vì các khổ thơ, trong một số chương có các đoạn độc thoại và đối thoại của một số nhân vật. Những đoạn này được xen kẽ, dùng làm phân cảnh, chú giải để lộ rõ các mô hình, giọng nói, tính cách từng nhân vật, dù có thể họ chỉ xuất hiện trong thoáng chốc. Trong tác phẩm, nhà thơ đã sử dụng âm thanh như một thủ pháp tạo hiệu quả kép, đóng vai trò là phép ẩn dụ hình thành ý nghĩ: “Có tiếng gằn giọng. Tiếng van xin. Cãi cọ. Tiếng đập bàn. Phân bua thành khẩn. Ai đó nói một câu rất dài không muốn nghỉ. Tiếng ném một vật cứng xuống đất. Tiếng cao giọng ở cuối câu. Tiếng đạn lách cách lên nòng nhưng không có tiếng súng. Tiếng khóc thút thít của một phụ nữ. Tiếng quát đanh thép. Giọng nói giật cục. Tiếng va đập kim loại”.
Có những chương dài và cách ngôn, tường thuật và trữ tình, hiện thực và phi lý. Chúng phản ánh những sự kiện có thật và quỷ quái, những giấc mơ bí ẩn mang điềm dữ về quá khứ và những ngày lịch sử cụ thể. Các luồng ngữ điệu khác nhau của tác giả xuyên suốt trường ca là: thú tội và châm biếm, thảm hại và lãnh đạm, bi kịch và tối giản. Nhịp điệu của câu chuyện hay thay đổi, không đồng đều giống như nhịp thở ngắt quãng hoặc nhịp tim đập nhanh.
Bố cục của trường ca giống như một thế giới bị xé nát thành từng mảnh, biến đổi dị thường từng phần, mà nhà thơ tìm cách tái hợp thành một tổng thể mang tính nghệ thuật – một thế giới thơ mộng, tìm mọi sự kiện, mọi chủ đề, mọi so sánh, mà hòa nhịp với “vần thơ” mang hy vọng hoặc lo sợ. Và yếu tố chính thống nhất thế giới của trường ca là ký ức như là mô-típ chi phối nội dung, phụ thuộc vào bối cảnh hình tượng và ngữ nghĩa của trường ca, là yếu tố chính của bố cục, như một phạm trù nghệ thuật mới.
Toàn bộ trường ca là một ẩn dụ đa âm đa nghĩa lớn, phát triển theo các lớp thời gian khác nhau, kết hợp các dấu hiệu cụ thể của thời gian, đặc điểm của nhân vật và văn hóa dân tộc, các chi tiết lịch sử và các biểu tượng siêu hình của thế giới như là sự thống nhất tất cả những gì tồn tại. Trong văn cảnh như vậy câu chuyện của trường ca được chia thành chín chương, nhờ vào những ám chỉ văn hóa nổi bật hoặc tuân theo ý tưởng của tác giả, ám chỉ đến chín tầng địa ngục.
Thi phẩm không chỉ là sự phản ánh cá nhân, cảm xúc hình tượng về cuộc sống và biểu hiện của thế giới tâm linh, tìm kiếm tâm linh, mà còn là cách tư duy sâu sắc, đôi khi phi lý. Trong kho tàng nhiệm vụ và phương tiện nghệ thuật của trường ca bao gồm rủi ro như một phạm trù thẩm mỹ khôn ngoan. Do đó, trường ca đổi mới trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn không chỉ là một bước đột phá thế giới quan, hành động của lòng dũng cảm, mà còn là một cuộc thử nghiệm thơ táo bạo vượt qua ranh giới của bản sắc dân tộc và bản sắc nghệ thuật nói chung.
Than ôi, bây giờ trên thế giới không có nhiều độc giả của thể loại “văn học phức tạp”. Những người đương thời chúng ta, giống như những người lính bị kích động bởi một “chính trị viên” trong trường ca này. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, một đất nước có truyền thống thơ ca từ cổ xưa, nơi nhiều thể loại văn học mới, cách tân cũng đang xuất hiện, dĩ nhiên vẫn còn cả trào lưu “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” theo định hướng tư tưởng và thẩm mỹ. Trường ca “Thời tái chế” chắc được đón nhận theo những cách khác nhau.
Tôi vẫn hy vọng rằng những xúc cảm thiết thực của trường ca sẽ được lắng nghe, vì tác phẩm, kể về thời gian đã qua, thuộc về thế kỷ hiện tại và là lời cảnh báo cho tương lai. Mai Văn Phấn đề cập đến nhiều vấn đề hiện nay của thế kỷ 21: toàn cầu hóa, hiềm khích quân sự, bất bình đẳng xã hội, hủy hoại thiên nhiên, những đột phá công nghệ mới nhất và những thứ không bị coi là lỗi thời của quá khứ – không chỉ gây tiếc nuối mà còn tạo ra sợ hãi.
Tác giả đã lặp lại trường ca của mình với “hình ảnh tượng trưng siêu nhỏ” hiện đại – “con nhện thông tin”. Ông xuất hiện trong chương đầu tiên “Điểm nhìn”: “Mỗi sáng tôi thức dậy trong mạng lưới thông tin dầy đặc, ngỡ bị mắc vào mớ bòng bong, ổ con nhện khổng lồ”.
Còn trong chương “Мô hình”, khi mô tả các dự án khoa học viễn tưởng: một trái lớn, trong đó bằng nỗ lực của các nhà khoa học từ những vùng khác nhau của Việt Nam nhiều loại trái cây được trồng; và nhìn chăm chú vào ngôi nhà của tương lai khi “Phương án ngôi nhà hình tổ chim treo trên cây. Xung quanh được bện bằng dây thép gai, lắp đặt các thiết bị trinh sát điện tử, rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn…”, nhà thơ lo lắng nhận ra ở đó những dấu hiệu của một quá khứ khủng khiếp. Có thể là vỏ màu đỏ chung của các loại hoa quả ảo, màu sắc của nó trong bối cảnh hình ảnh và ngữ nghĩa của trường ca được hiện lên như màu máu. Hoặc diện mạo tòa nhà của tương lai, nơi các chi tiết phi lý, đáng sợ của căn cứ quân sự và tổ chim, mô hình nhà tù và hang ổ của loài khủng long tuyệt chủng được đan xen một cách phi lý, trái tự nhiên.
Và cuối cùng, trong chương cuối “Kết nối” mạng Internet xuất hiện – mạng lưới website, nơi các nền văn hóa, dân tộc, sức sống và năng lượng tâm linh hội tụ, thành tựu khoa học và thần thoại hàng thế kỷ – tất cả được kết nối theo thời gian và không gian. Và, có lẽ, đâu đó ở cấp độ vũ trụ niềm tin vào quy luật trên và từ thời xa xưa về sự thống nhất của mọi sinh vật, con đường “Kinh mạch và kiến trúc phần mềm” giao nhau.
Mai Văn Phấn, khi nhớ về những bi kịch, sự trải nghiệm đẫm máu trong quá khứ, không gạt bỏ những vấn đề của hiện tại, thấu hiểu kinh nghiệm của hiện tại, lo lắng nhìn về tương lai, trong “cửa sổ giao diện của nhân loại”, cố gắng nhận ra không phải những đám đông vô danh, mà là gương mặt của con người. Và không đánh mất hy vọng rằng mọi người, khi trải qua “Thời tái chế”, sẽ từ chối trở thành vật liệu cơ bản, nguyên liệu thô cho các nhà độc tài, lãnh đạo nhân dân, những nhà tiên tri giả và sẽ chọn “những giá trị khác. Con đường khác. Triết thuyết khác. Lối rẽ khác. Thần tượng khác. Mô hình khác. Độc lập khác. Tự do khác. Hạnh phúc khác”.
Nhưng để thay đổi bản thân và bắt đầu sống thêm lần nữa, khao khát tự do và bảo vệ phẩm giá của mình, mọi người cần phải trải qua “Thời tái chế”. Vì vậy, lần đầu tiên, ở chương cuối của trường ca, ý nghĩa của các ký tự dùng để đặt tên cho tác phẩm được lộ rõ. Cần phải tồn tại trong thời gian loại bỏ để hiểu được vì mục đích gì mà một người trải qua dằn vặt và đau đớn, để giữ gìn trọn vẹn ký ức tinh anh của cá nhân và trở thành một phần, thước đo số phận của toàn dân tộc.
Trường ca kết thúc với truyền thuyết cổ xưa về đại bàng được nhắc đến trong Kinh thánh và giống với ngụ ngôn phúc âm “về hạt lúa”, sau khi chết sẽ nảy mầm những hạt giống của cuộc sống mới, và với định đề nổi tiếng về “người đã nằm xuống vì người khác”. Cùng với truyền thuyết về sự tái sinh “kiêu hãnh và đau đớn” của đại bàng, được gọi bằng thuật ngữ hiện đại là “phương pháp tái sinh”, nhà thơ Mai Văn Phấn vươn lên đến đỉnh điểm về không gian và ngữ nghĩa của trường ca, để từ đỉnh cao của chân lý, thiên đường nhìn xuống Trái đất, nơi mà mọi người chưa thể mở mang như một nơi chung cư trú yên bình, nhưng là nơi mọi người có quyền tự mình đặt các câu hỏi muôn thuở và giải quyết các vấn đề cấp bách.
Nhưng tại sao “Thời tái chế” lại có vẻ thường tình mà trăn trở như vậy? Để tái chế đồ vật, thường khi chúng ta loại bỏ quần áo cũ hoặc lạc mốt, hay chiếc bình vỡ của người bạn đã tặng, những cuốn sách đã đọc xong, hộp quà, đồ chơi cũ nát hoặc còn mới của con cháu chúng ta, xoong chảo cong vênh, ảnh gia đình và đồ đạc bị hỏng, những đồ dùng còn lại của cha mẹ đã khuất… Tất cả vật dụng này đã được loại bỏ, nghiền nát, vỡ vụn, nấu chảy, trộn lẫn để trong khả năng này hay khả năng khác con người có thể tái sử dụng.
Nhưng, khi đặt tên trường ca là “Thời tái chế”, tác giả có thực sự gửi đi những sản phẩm khác nữa của đời sống con người không?! Những thứ như thân xác bị kiệt quệ trong lao động, dằn vặt về sự sống còn hàng ngày, tình yêu tan vỡ, tự do bị trà đạp, sinh mạng những người hy sinh bảo vệ Tổ quốc, cuộc sống của đồng bào bị tra tấn, bị trục xuất khỏi quê hương, bị tuyệt thông với mộ tổ tiên; một ký ức có lương tâm, nặng nề bị nghiền nát bởi chủ nghĩa toàn trị của hệ tư tưởng chính thống; cây bị gãy, nước mắt thấm máu con người và tự nhiên…
Vậy tại sao nó thường tình, trăn trở, phản kháng và thậm chí xúc phạm – “Thời tái chế”?! Mà không phải “Thời của cuộc nhập thế nhọc nhằn”, “Thời của ký ức”, “Thời của cảnh báo”?
Có lẽ bởi chiến tranh, bạo loạn, đảo chính không lắng xuống và các quốc gia có “chế độ độc tài” thường đàn áp các quyền lợi và tự do của đồng bào tiếp tục tồn tại và nhân ra các lục địa khác nhau; rằng chúng ta không chỉ lo sợ biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn sợ nguy cơ thoái hóa toàn cầu, chủ nghĩa nhân đạo có nguy cơ sụp đổ; rằng chúng ta đang hoảng hốt trước những bước tiến không thể đoán trước của tiến bộ khoa học và công nghệ, và hoạt động phá hoại của con người đe dọa đến cái chết của thiên nhiên, của hành tinh và chính sự sống chúng ta?
Ở nhiều quốc gia, lịch sử được viết lại cho phù hợp với hệ tư tưởng chính thống, chính quyền phải vật lộn với các hình thức chính trị không thể kiểm soát, xâm phạm sự đa dạng của cảnh quan văn hóa, loại bỏ “cỏ dại”, làm cản trở việc hoàn thiện hệ hình thẩm mỹ. Ngay cả ký ức tồn tại ngày nay như một công cụ của chính trị, thay cho những hiểu biết về quá khứ, trau dồi và gìn giữ các khuynh hướng bảo vệ hiện nay. Và gánh nặng của cuộc nhập thế nhọc nhằn, nỗi đau khôn nguôi, ký ức không thể giải thích, gánh nặng của tự do, lý tưởng và sự thật, trách nhiệm và lòng tự tôn, than ôi, đôi khi không chỉ con người, mà còn là các dân tộc không thể gánh vác nổi.
Trong khi cộng đồng thế giới, nền văn minh hiện đại, văn hóa và thể chế chính trị phải đối mặt với những vấn đề lịch sử và đạo đức, mọi người sẽ luôn đặt câu hỏi: một cá nhân phải chịu trách nhiệm thế nào cho những thành kiến chính trị, thảm họa xã hội và lịch sử, những cuộc cách mạng văn hóa, có tội, cả tin, nhu thuận trước những lời hứa của các chính trị gia đạo đức giả? Nhà thơ Việt Nam Mai Văn Phấn đã khẳng định vị trí của mình trong số những người sẵn sàng trả lời câu hỏi đó, trường ca “Thời tái chế” của ông đã vượt khỏi ranh giới quốc gia và văn hóa của đất nước nhỏ bé của ông để trở thành một phần của văn hóa thế giới.
G.М.UMYVAKINA*
Chú thích:
* Nhà thơ, triết gia Umyvakina Galina Mitrofanovna, sinh ngày 15/10/1946 tại Mát-xcơ-va. Năm 1969 bà tốt nghiệp khoa ngữ văn tại trường Đại học quốc gia Va-rô-nhét. Tác giả của mười tập thơ xuất bản ở Va-rô-nhét và Mát-xcơ-va. Chủ tịch Hội Nhà văn khu vực Va-rô-nhét của Liên hiệp các nhà văn Nga, Thư ký Hội đồng của Tổ chức xã hội toàn Nga “Liên hiệp các nhà văn Nga”. Những bài thơ, bản dịch, bài báo, đánh giá, hồi ký và các bài viết của bà đã được xuất bản trong các ấn phẩm định kỳ khu vực và thủ đô, trong các tập và hợp tuyển thơ.
12/5/2020
G.М. Umyvakina
Đinh Thị Ngọc Hiếu dịch
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...