Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Đêm chợ Viềng ngơ ngẩn một miền xuân

Đêm chợ Viềng
ngơ ngẩn một miền xuân

Tháng Giêng rét ngọt. Đào hơi phai, đâu đó thấp thoáng vườn nhà vài bông bưởi nở sớm trắng muốt tỏa hương dìu dịu. Cây nêu ngày Tết phần phật trong gió bấc. Câu hát chèo loang xa nơi thôn xóm gần xa. Tiếng hát văn tế lễ hầu đồng khai hội như vẫy gọi trai thanh gái lịch lễ hội cầu may. Tháng Giêng hội hè cầu phúc một nét văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào hồn người Việt. Người ta đi chùa lễ Phật cầu bình an, đi chợ xuân để mua may bán rủi.
Nhắc tới Sơn Nam Hạ mảnh đất trù phú bờ xôi ruộng mật có bề dày văn hóa lịch sử, một trầm tích đậm chất dân gian khiến ai đặt chân tới cũng khó có thể quên được. Về với Sơn Nam Hạ đến với chợ Viềng một đêm xuân lòng ta sẽ ngơ ngẩn trước vẻ đẹp tôn nghiêm, nét văn hóa dân gian pha sắc hoài cổ mời gọi bước chân du khách đẹp tới nao lòng.
Chợ Viềng là cách gọi theo lối cổ hay còn gọi là chợ xuân. Từ Viềng là từ Hán Việt còn có nghĩa là thăm hỏi, gặp gỡ viếng thăm và hàn huyên trò chuyện trao gửi ân tình.
Người ta nói rằng Nam Định có bốn chợ Viềng. Đó là Viềng Phủ gần Phủ Dầy nơi thờ Đức Liễu Hạnh tối linh. Chợ Viềng Chùa hay còn gọi là Viềng Tỉnh nằm trên con đường dẫn vào Chùa Đại Bi thuộc huyện Nam Trực. Nhưng còn chợ Viềng ở xã Mỹ Trung huyện Mỹ Lộc thì ít người lui tới giờ chỉ tồn tại như một địa danh. Ngoài ra còn có chợ Viềng Lạng ở thôn Hải Lạng họp vào ngày mùng bảy Tết cũng ít người biết đến.
Tương truyền khi hoàng đế Quang Trung đại thắng quân Thanh mùng năm Tết mùa xuân năm Kỷ Dậu, Thăng Long rực rỡ hoa đào chào đón người anh hùng Nguyễn Huệ. Tấm bạch bào đã biến thành màu đỏ vì vương mùi khói súng và máu thù nhưng nụ cười vẫn rạng ngời trong ánh mắt Bắc Bình Vương. Đi qua miền Sơn Nam Hạ, cho quân lính dừng chân nghỉ ngơi uống rượu mừng ven triền đê và lệnh cho dân chúng vùng đó mở hội chợ xuân để ăn mừng chiến thắng. Cái tên Chợ Viềng cũng từ đó mà có.
Nét đặc trưng nhất của chợ Viềng chính là một lễ hội cầu may, người mua kẻ bán không so đo tính toán thiệt hơn. Người ta trải hồn mình vào cây lá, vật dụng nhà nông. Cai liềm, cái cuốc, cói giỏ tre xinh xắn, cây lá tươi tốt được chào mới niềm nở. Hãy bán cho nhau nụ cười, hãy cho nhau chút hồn hậu mặn mòi của tháng giêng xanh.
Thật lạ lùng khi đi qua Viềng Chùa bạn còn gặp cả những cái nồi còn dính cơm ấm nóng của một ai đó trong làng vừa dỡ vội cơm cầm ra bán cho thiên hạ để xin một chút lộc may. Thế mà vẫn có người mua chả cần mà cả. Nhưng thích nhất với những ai thích hoài cổ tùy túi tiền của mình cũng lựa được món đồ cổ như ý. Tiền xu cổ xếp hàng đống, nậm, ấm, đĩa bát, cũng bày la liệt. Góm sứ thời Lý, Trần, Lê và cả gốm xứ Minh Thanh cũng có mặt trên những gian hàng đồ cổ. Trầm tích thời gian như sống lại trong từng món đồ cũ kỹ thâm trầm này.
Nhà văn Lê Hà Ngân
Nếu bạn là người thích cái tao nhã của đêm Viềng Chùa không ồn ã náo nhiệt mà đẫm trong không gian ngát thơm hương hoa mộc hãy đến với chùa Đại Bi một ngôi chùa cổ ngay từ đêm mùng Sáu tháng giêng âm lịch. Chùa được xây dựng thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Chùa Đại Bi ngoài việc thờ Phật, còn thờ Thiền Sư Từ Đào Hạnh, Đức Bồ Đề Đạt Ma. Một lối kiến trúc thờ tự “Nội công ngoại quốc” một dạng chùa trăm gian, quay hướng Nam hướng Bát Nhã.
Đại hồng chung ngân nga đưa ta về nơi thoát tục. Lầu chuông cổ kính uốn cong, tam bảo ngan ngát hương trầm, cho ta được giãi bày lòng thành cùng Bồ tát. Cầu xin cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Cầu cho gia đình được khỏe mạnh được phù tài lai tiếp. Lòng trần sân si xin rửa sạch, thắp nhang trước Phật đài bước chân ra cổng thấy lòng thanh thản tới lạ lùng. Đêm Viềng Chùa không xô bồ tranh chấp,càng về khuya càng đi vào tâm thức, cảm giác như đang hòa hợp với thế giới tâm linh. Người đi bên ta là ai ư? Là nụ cười đằm thắm của nhân gian, hay bước phiêu linh liêu trai của người muôn năm cũ. Nhập nhoạng âm dương dẫn dụ ma mị lôi quấn đến lạ kỳ.
Lòng trần rũ bỏ, phiêu diêu bước chân sang đền thờ hoàng đế Triệu Việt Vương lại nhớ tới công đức của ngài khi hoạn nạn ngài đã dừng vó ngựa ở thôn Cầm Lang (nay là thôn Ba). Hiện nay ở thôn Ba vẫn còn dấu tích của chiến mã nơi quan quân dừng chân ăn cỏ thủa nào. Sau khi Triệu Việt Vương mất để tưởng nhớ công ơn của Ngài, nhân dân Cẩm Nang xưa (nay là thôn Ba, thị trấn Nam Giang) lập đền thờ ông ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân. Thắp một tâm nhang cầu xin may mắn an lành.
“Vạn cổ Đại An lưu thánh tích,
Thiên thu Tứ Giáp lại thần hưu”
Nếu từ Viềng Chùa ai có tâm xin qua Viềng Phủ sẽ được nghe câu hát chầu văn ngơ ngẩn một miền xuân. Viềng Phủ chính là nơi thờ Mẫu linh thiêng. Người tứ xứ đổ về lễ hội cầu may, xin Mẫu những điều mình ước vọng. Tiếng hát ngọt ngào thánh thót của các giá đồng như mời gọi sự chiêm nghiệm linh thiêng của người Việt. Lễ hội đông vui ngay từ ngày mùng Bảy. Phủ Vân và Phủ Chính nô nức người tới dâng hương. Núi non sơn thủy hữu tình vẫy gọi bước chân du khách. Khí núi quyện trong nắng xuân ảo mờ trên con đường vào Viềng Phủ càng làm ta nao lòng lưu luyến chẳng muốn trở về. Trên tay một nhành Trạng Nguyên đỏ thắm khiến ta cảm giác như trời đất đang ấm lại lòng xuân phơi phới lộc xuân ùa về.
Về với chợ Viềng ngày xuân đi người ơi…
4/2/2020
Lê Hà Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...