Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Hiện thực trung thực trong tiểu thuyết Đoàn Tuấn

Hiện thực trung thực
trong tiểu thuyết Đoàn Tuấn

Khi đọc bản thảo Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu bạt của Đoàn Tuấn tôi rất ngỡ ngàng rồi như có một niềm vui mơ hồ đến với mình. Cảm giác được gỡ bỏ một điều gì đó. Tôi biết mình không còn phải lăn tăn điều có hay không viết một cuốn sách về chiến trường K. Tôi không phải làm điều đó vì tác phẩm của Đoàn Tuấn đã làm rồi.
Nhiều lần trò chuyện với các đồng nghiệp từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia tôi thường nói: Hiện thực ở K thời đánh Pôn Pốt mới là bối cảnh của tiểu thuyết. Ở đây có đầy đủ những xung đột mà nhân loại đã trải qua. Tàn bạo và nhân ái, dân tộc và quốc tế, diệt chủng và hồi sinh. Các chủ nghĩa cực đoan, cứu giúp và xâm lược… tất cả đan xen với nhau để bộc lộ ra đến tột cùng tính cách con người. Những chuyện độc lạ như có những quân tình nguyện đào ngũ, lấy vợ người Campuchia, sống lẩn khuất giữa hai chiến tuyến, là đối tượng săn lùng của cả ta và địch. Bối cảnh như vậy mà các ông chỉ làm thơ…
Nhà văn Đoàn Tuấn
Cũng đã có những tác phẩm văn xuôi, nhưng nó chưa đặt dấu ấn rõ ràng của cái hiện thực bi tráng và rùng rợn này trong lòng người đọc.
Tôi không trực tiếp tham gia cuộc chiến này mà chỉ vài lần được cử đi như một người viết thâm nhập thực tế. Nhưng cái hiện thực đó cứ ám ảnh giục tôi muốn viết một điều gì đó về nó. Tôi tìm đọc các hồi ký của cựu chiến binh chiến trường K. Nhưng hồi ký xúc động và chân thật. Tôi nhận ra có nhiều điều khác giữa những người lính chống Mỹ và người lính chống Pôn Pốt. Những suy nghĩ của cựu binh chiến trường K không hoàn toàn giống những suy nghĩ của thế hệ chúng tôi. Như khi gọi “đồng hương” thời chống Mỹ là để chỉ người cùng một tỉnh, một huyện. Còn ở chiến trường K, “đồng hương” là cả nước Việt Nam. Tôi cũng trở lại Campuchia nhiều lần, để suy ngẫm thêm những điều đã có trong đầu mình. Tóm lại tôi muốn viết một cuốn sách về vùng đất này, về cuộc chiến này, nhưng vì nhiều lý do khác nhau đến nay tôi vẫn chưa làm được.
Khi đọc bản thảo Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu bạt của Đoàn Tuấn tôi rất ngỡ ngàng rồi như có một niềm vui mơ hồ đến với mình. Cảm giác được gỡ bỏ một điều gì đó. Tôi biết mình không còn phải lăn tăn điều có hay không viết một cuốn sách về chiến trường K. Tôi không phải làm điều đó vì tác phẩm của Đoàn Tuấn đã làm rồi. Một ví dụ: Tôi định mở đầu cuốn sách của mình bằng chuyện một ủy viên hội đồng xét xử vụ tham mưu phó trung đoàn quan hệ tình dục với một phụ nữ Campuchia. Bản án lúc ở cấp quân đoàn dự định chỉ xử chung thân. Nhưng chỉ đạo của cấp cao nhất phải xử tử hình để giữ nghiêm quân lệnh trên đất bạn. Bản án được thi hành ngay. Người ngồi ghế ủy viên Hội đồng xét xử là một chủ nhiệm chính trị, khi rút quân về nước đã ghé thăm mộ người đồng đội tử tù rồi từ đó phát triển các tình tiết của câu chuyện và tính cách của nhân vật. Đó là một sự kiện ám ảnh tôi. Nhưng trong Lời nguyện cầu… của Đoàn Tuấn có đến 5 vụ án như vậy, tác giả đã viết tường tận vì là người trong cuộc.
Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt – tác phẩm của Đoàn Tuấn
Tác phẩm Lời nguyện cầu những linh hồn phiêu bạt không ghi thể loại, nhưng theo tôi đó là một cuốn tiểu thuyết gần nhất với nghĩa thực của nó dù các nhân vật, các sự kiện đều là thật, là rất gần với thật.
Hai nhân vật chính của tiểu thuyết là tác giả Đoàn Tuấn và người đồng đội tên là Ánh sau này là nhà sư Phteah Saniphap. Họ cùng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, rồi ra quân, rồi xuất ngoại. Đoàn Tuấn trở lại khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi sang Liên Xô học tại một trường điện ảnh danh tiếng. Còn Ánh thì về địa phương, tham gia công tác đoàn rồi đi lao động ở Đức. Về nước, Ánh lấy vợ, sinh con, tạo ra cơ ngơi ổn định, kinh tế gia đình vững vàng, nhưng lòng anh không yên, luôn nghĩ về đồng đội, về nơi anh từng chiến đấu. Anh quay lại Campuchia, đi tu, thực hành hạnh nguyện làm lễ cầu hồn, cầu siêu cho những linh hồn của ta và của địch được siêu thoát.
Hai tuyến nhân vật chính đó đan xen nhau, bổ trợ cho nhau làm nên cốt cách của câu chuyện. Mỗi lần Ánh, nhà sư Phteah Saniphap đến cầu siêu ở một nơi nào đó, thì trận đánh của quân tình nguyện Việt Nam với quân Pôn Pốt được tái hiện cụ thể, rành rọt như nó vừa xảy ra hôm qua. Còn tác giả Đoàn Tuấn lại đi gặp những cựu binh đã trở lại đời thường ở Việt Nam với bao nhiêu di chứng của chiến tranh. Cứ như vậy chương bên này, chương bên kia tác phẩm đã cuốn hút người đọc với một giọng văn tỉnh táo, chân thật, với bút pháp chỉnh chu, bố cục chặt chẽ.
Một thế hệ mà “Balô tuổi trẻ toàn đồ dùng thiết yếu cho chiến trận. Nhưng tâm hồn non nớt của chúng tôi va chạm với máu, thuốc súng, sắt thép và cái chết, cũng bị tổn thương. Có ai nhìn thấy những vết thương ấy? Có ai giám định những vết thương lúc nào cũng rỉ máu ấy? Và chẳng ai xếp hạng những vết thương ấy. Không phụ cấp, không đền bù, vết thương trên cơ thể có thể thành sẹo, nhưng vết thương tâm hồn lẽ nào vô nghĩa? Có ai băng bó cho chúng tôi không? Hay tự chúng tôi băng bó cho nhau? Và chúng tôi còn sống trở về, chắc có bao người đã chết thay. Chúng tôi không thể bình yên được. Phải đi nơi đó. Băng bó cho những linh hồn còn đau đớn giữa rừng hoang. Nhưng chẳng lẽ mình chỉ băng bó cho người bên mình? Người bên kia họ cũng đau đớn lắm chứ? Tất cả đã chết rồi, còn hận thù gì nữa…”
Trong một lần dự lễ cầu siêu ở  biên giới tỉnh Ratanakiri,  giáp với Kon Tum và Gia Lai của Việt Nam, Đoàn Tuấn hỏi Ánh: “Pháp danh của ông tiếng Khmer nghĩa là gì?/ Phteah Saniphap có nghĩa là ngôi nhà hòa bình./ Tác giả nói: Ông đi tìm linh hồn người chết. Tôi đi tìm linh hồn người sống.
Vậy là công việc của hai nhân vật đã được xác định. Họ tâm sự:
– Bọn mình lao vào cuộc chiến Biên giới Tây Nam đúng lúc đất nước vừa mới trải qua ba mươi năm chiến tranh. Mùi vị hòa bình chưa kịp nếm. Rồi ra quân giữa lúc đất nước khó khăn cùng kiệt. Mỗi người tản mạc một phương, thằng nào cũng cắm đầu vào kế mưu sinh, không ngẩng mặt lên được, giờ mới có chút dễ thở. Tôi định cùng mấy anh em đi tìm đồng đội năm xưa, xem bây giờ họ sống ra sao.
– Đấy là việc ông nên làm. Đồng đội mình khi về các tỉnh đều khó khăn. Sức lực không còn, không nghề nghiệp, không có tiền. Lại còn gánh vác gia đình, chăm cha mẹ già, nuôi con nhỏ… Làm sao kể hết gian lao, không đi thăm đồng đội lại xa nhau biền biệt. Những ký ức không ai nhắc tới. Đừng để họ chết trong buồn thảm, cô đơn.
Thế rồi Đoàn Tuấn lên tận Lào Cai tìm gặp đồng đội người H’mông. Ánh, nhà sư Phteah Saniphap đến các trường bắn cũ nơi tử hình đồng đội, cầu siêu cho những người xấu số. Họ có những năm người. Những người bị kết án tử hình vì phạm tội hiếp dâm phụ nữ Campuchia. Nhà sư gọi hồn và trò chuyện với từng người.
Rồi tác giả sang Cao Bằng thăm đồng đội người Tày, nhưng đồng đội Cương đã mất trước đó hai tháng. Chuẩn úy, giải ngũ làm cửu vạn ở Móng Cái, chết vì lao xuống dòng nước lũ cứu người. Người cứu được còn mình thì bị nước cuốn đi. Nhà sư thì lên Preah Vihear cầu siêu cho những linh hồn lính Khmer Đỏ bị chết vào cuối tháng giêng năm 1979…
Cứ như vậy, hai người đồng đội, một ở Campuchia, một ở Việt Nam họ đi làm các việc mà lương tâm họ thúc giục phải làm. Nhờ kết cấu này mà tiểu thuyết cuốn hút người đọc, đưa người đọc từ trạng thái này sang trạng thái khác một cách tự nhiên, không có gì gượng ép.
Từ lễ cầu hồn bên sân bay S’tung T’reng của nhà sư đến việc thăm anh Rich ở Mai Châu của Đoàn Tuấn. Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, nơi nhộn nhịp khách du lịch, đối với tác giả ở đó chỉ có hai thắng cảnh là hai người đồng đội Mạc Văn Tường và Hà Văn Rich. Anh Rich bị thần kinh vì mảnh đạn trong đầu chưa lấy ra được, tay trái trúng đạn thì bị khèo. Giấy chứng thương bị mất nên chữa trị qua loa. Hành trình của anh là bị thương, đi viện rồi về nhà luôn. Tuy bị khèo tay, nhưng chơi đàn hay có tiếng, chơi đàn ở các bản trong huyện Mai Châu, có lúc đi các tỉnh xa. Dân các bản nuôi anh, chơi đàn xong người ta mời ăn uống có khi ngủ lại luôn, gần đây anh hay bị đau đầu, nhiều lúc đập đầu vào cột nhà máu chảy đầm đìa. Đoàn Tuấn đến thăm thấy ngôi nhà cháy dở nằm giữa vườn, khung cảnh chẳng khác gì cái phun bỏ hoang bên Campuchia.
Anh Rich, sao anh đốt nhà? Tác giả hỏi/ Mình nhớ Along Veng quá, cái đêm đốt Along Veng mình cũng vừa đi vừa thầm hát. Đoàn Tuấn cũng đến khổ với Rich vì anh thương gọi điện lúc 1 giờ đêm lúc thì 3 giờ sáng vì cứ tưởng Tuấn có phép màu cấp lại cho anh cái giấy chứng thương, Rồi trong tiệc rượu Rich nói: Tôi bị thương là vì đánh giặc không giỏi, đúng không? Không chết là may, giờ về nhà lại bắt đền chính phủ. Tôi nghĩ mình phải đòi tiền thằng Pôn Pốt mới đúng./ Pôn Pốt chết lâu rồi./ Chết thì thôi không bắt đền nó nữa. Mình bị thương cái đầu hơi ngớ ngẩn, ông trời đã cho mình có vợ. Thế là đền bù rồi. Từ hôm nay vợ con không được lên xã, lên huyện đòi chính sách gì nữa. Nào nâng chén !
Nhà sư Phteach Saniphap lên dãy Dangrêc cùng với một người lính Pôn Pốt năm xưa, tên là Bua Thong. Trận đó đơn vị của Bua Thong chết gần hết. Anh bị thương không thuốc chữa đành liều tìm đến viện quân y 21 của quân khu 5. Khi gần khỏi Bua Thong trốn viện vì sợ các bác sĩ phát hiện ra nhân thân. Bác sĩ Việt Nam nói với anh: Chúng tôi biết anh là lính Pôn Pốt nhưnng chúng tôi vẫn chăm sóc cho anh như một bệnh nhân, không phân biệt ta hay địch. Vết thương sắp khỏi anh không nên trốn. Ra viện, anh về làm dân thường. Đơn vị quân tình nguyện đánh tiêu diệt đại đội của Bua Thong là đơn vị của Ánh, nhà sư. Bây giờ Bua Thong dẫn Ánh đến cầu siêu cho những linh hồn của đại đội anh ta. Nhà sư đọc một bài khấn dài kể lại diễn biến của trận đánh đó.
Cùng lúc đó Đoàn Tuấn đi tìm một nhân vật đặc biệt xứ Lạng. Khu Năm dằng dặc Khúc ruột ông Hoàng Kiên. Một cựu binh đặc sắc mà cả trung đoàn ai cũng khâm phục ông Kiên là người tán gái giỏi nhất. Anh lý lẽ: Người yếu nhất là người thích chinh phục người khác, còn người mạnh nhất là người chinh phục được chính mình. Có người hỏi anh đã có người yêu đủ 63 dân tộc chưa? Anh chỉ cười. Nhưng có một điều ai cũng biết điểm chung của những cuộc tình của Kiên là không một người phụ nữ nào nói xấu anh. Anh sống chân tình, hòa thuận với mọi người và khi chia tay anh thường để lại hết tài sản, tay không ra khỏi nhà. Đồng đội hỏi sao anh hạnh phúc vậy. Kiên trả lời: Khi quan hệ với phụ nữ, các ông luôn bất hạnh. Vì sao? Vì các ông tính toán quá nhiều. Đối với phụ nữ các ông chỉ được quyền cho, không được quyền nhận. Và khi cho các ông không được phép cân nhắc. Hoàn toàn vô tư. Đừng bao giờ đặt mục đích quan hệ tình dục lên hàng đầu. Luôn hết lòng vì họ. Hết lòng như đối với chính cha mẹ mình. Và khi tạm biệt họ các ông nên trút hết cho họ đến đồng xu cuối cùng. Ra đi người không, nhẹ nhàng và vừa đi vừa huýt sáo…
Ở Kampong Speu có một gia đình trí thức Khmer. Mặc dù trong nhà có người con đi tu, nhưng ông Som Him phải thỉnh cho được nhà sư Phteah Saniphap về cầu siêu cho những người trong gia đình bị tàn sát dưới thời Son Sen và Pôn Pốt. Dưới thời Pôn Pốt các nhà sư bị cho là kẻ ăn bám. Hàng chục nghìn nhà sư bị hành quyết. Hàng ngàn ngôi chùa bị phá nát. Nhà sư Som Manbun con trai ông Som Him kể: Họ làm thịt chó bắt chung tôi ăn. Lại bắt cả uống rượu nữa. Lúc hứng lên họ còn bắt chúng tôi đốt kinh Phật. Nhiều người không chịu nổi, đã tự vẫn. Nhưng tôi tự nhủ, các quyển kinh đó có trong đầu mình cả. Mình vừa làm vừa khấn Phật gia hộ để mình còn sống. Tôi tin sẽ có ngày trở về phục hồi đạo pháp…
Ông Som Him là chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế từng tháp tùng Hoàng thân Norodom Sihanuok lần tướng Lon Nol nhưng cảm thấy bất an nên xin nghỉ sớm. Ông nói tư tưởng kỳ thị dân tộc của Pôn Pốt có phần giống Lon Nol. Người gốc Việt, gốc Chăm, gốc Hoa bị giết nhiều nhất. Mấy đứa con ông bị giết vì có nước da trắng. Chúng muốn xây dựng một nước Campuchia toàn người Khmer thuần chủng, thành lập nhà nước Đại Khmer bao gồm cả người Khmer ở Thái Lan và Việt Nam. Để đạt được mục đích của mình họ kích động máu dân tộc cực đoan, tiêu diệt các dân tộc khác. Nhà sư hỏi: tại sao họ tàn ác vậy. Ông Som Him trả lời: Tôi nghĩ vì họ sợ hại. Tàn ác là biểu hiện của sự sợ hãi. Và những kẻ độc tài thường hay hoang tưởng. Những nhà cầm quyền trên thế giới nếu có biểu hiện hoang tưởng trong lời nói và việc làm thì nhân loại cần phải cảnh giác.
Tác giả tìm đến một đồng đội tên là Thanh. Từ ngày xuất ngũ đồng đội mới đặt cho biệt hiệu Thanh gàn. Vì Thanh gàn nghe tiếng đồng đội nào bị chết là đi viếng, không đi một mình luôn hô hào anh em đồng đội cùng đi. “Alo. Tin buồn đây. Thằng Quang “dô” ở Quảng Nam chết rồi” hay: “Chào bạn. Tôi vừa nhận được tin ông Kham ở Phú Thọ vừa mất”, “Này đồng hương, ông Năng ở Bình Định vừa chết. Anh em bảo gửi vòng hoa. Nhưng ngày kia mới chôn, Mai anh em mình bay vào Bình Định luôn đi”. Cứ nghe điện thoại của Thanh gàn là biết có đồng đội chết, chuẩn bị đi viếng.
Thanh lý giải: Nếu không có đồng đội ở đó, chắc mình phải có mặt, và biết đâu mình sẽ chết. Nhưng mình vẫn ngạc nhiên làm thế nào mà mình sống sót? Khi làm lính mình chỉ bị thương nhẹ. Khi làm chỉ huy trung đội đánh không biết bao nhiêu trận, mình cũng không việc gì. Trong khi ấy đồng đội bị thương và hy sinh rất nhiều. Chắc mọi người chết thay cho tôi. Hay phải chăng tôi được thiên thần phù hộ? Nhiều đêm tôi thầm hỏi. Nhưng không tìm ra câu trả lời. Tôi cũng không có ai để hỏi. Chỉ biết tôi còn sống. Đồng đội tôi bao nhiêu người nằm dưới đất. Và tôi cảm thấy để nhẹ lòng, để thanh thản sống, chỉ bằng cách quan tâm đến đồng đội mình. Không kể thân hay sơ, biết hay không biết. Mình đến với tấm lòng chân thành, đồng đội vừa nằm xuống họ cảm thấy được an ủi. Họ đã sống cuộc đời vất vả, và khi ra khỏi cuộc đời này họ được ra đi trong vòng tay ấm áp của người thân, của tình đồng đội.
Trong lúc nhà sư Phteah Saniphap đến bên sông Bassac cầu siêu cho những người Việt bị Lon Nol sát hại năm 1970 rồi lên Kratié cầu siêu cho các y tá bị lính Pôn Pốt sát hại thì Đoàn Tuấn cùng các đồng đội đưa một người mẹ từ Hà Nội vào Gia Lai để đưa hài cốt liệt sĩ Minh hồi hương. Gia cảnh người mẹ liệt sĩ này rất nghèo và uẩn khúc. Đồng đội góp được 50 triệu đồng rồi cử đến các địa phương như Quảng Nam, Bình Định lại bổ sung thêm người cùng đơn vị để đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai. Khi hương đã thắp lên mộ liệt sĩ, đồng đội đứng sau người mẹ. Giọng mẹ nghẹn ngào: Minh ơi! Sau khi con hy sinh, bố con mất theo, các em con hư hỏng cả. Một đứa chết vì HIV, một đứa ở tù, một đứa đang bị truy nã. Mình mẹ mải mưu sinh không còn thì giờ dạy dỗ chúng…
Nghe lời khấn của người mẹ chúng ta cảm nhận chiến tranh tàn khốc đến cỡ nào.
Từ Kratié, nhà sư lên Preah Vihear, đến điểm cao 547 để làm lễ cầu siêu cho gần một trăm người lính của sư đoàn 307 chết khát năm 1983. Trận đó nhà sư cũng tham dự nhưng may thoát chết. Nhà sư có nhờ tác giả viết bài văn tế đồng đội chết khát trận 547. Sau hai ngày chiến đấu, quân ta không dứt điểm được căn cứ địch. Những téc nước do xe tăng T54 kéo trúng mìn vỡ toang, các can nước màu vàng là mục tiêu cho bọn Pôn Pốt trên cao điểm xạ. Sư đoàn ra lệnh rút quân, trận đánh thua, quân ta thương vong nhiều, rồi sau đó đến chuyện chết khát. Văn tế viết:
“… Nhưng lính rút đi/ vẫn mang súng đến cùng/ gặp địch vẫn/ kiên gan nỏ súng/ Nhưng lính phải/ đầu hàng/ khuất phục/ Một kẻ thù/ Dội lửa lên đầu lính/ Ấy là nước/ Nước mùa khô cạn kiệt/ Không có nước/ Lính chết ngồi chết rục/ Kiến bò lên/ Côn trùng cắn khắp người/ Họng cháy khô/ Không nói được nữa rồi/ không chịu nổi/ Bao người cũng muốn/ Đưa mũi súng vào thái dương/ và/ bóp/ óc phót ra/ Thoát kiếp đọa đầy…”
Trận đánh này đã hằn sâu vào ký ức của mọi người lính trên chiến trường K. Năm 1984, khi về làm Tư lệnh quân khu 5, trực tiếp chuẩn bị đánh 547 lần nữa, tướng Nguyễn Chơn đã chỉ thị hậu cần quân khu huy động các vòm tôn Mỹ để lại, hàn lại thành các tex nước, từ Đà Nẵng chở lên chiến trường, không phải hàng chục mà hàng trăm tex như vậy, rải đều ở các hướng bộ đội sẽ tấn công, bơm đầy nước vào. Trận đánh này thắng dồn dã, quân ta làm chủ 547.
Có một bác sĩ chủ nhiệm quân y sư đoàn, khi giải ngũ thường bỏ nhà đi lang thang hoặc chiều chiều lên đê ngồi một mình. Người ta đồn ông bị ma ám. Ông nói: “Tôi là người thần kinh vững vàng, đầu óc minh mẫn, luôn làm việc tốt giúp thiên hạ. Tôi hiểu tôi chứ. Nhưng các ông biết không. Tôi bị ám ảnh cái nghĩa trang. Nghĩa trang sư đoàn mình”.
“Cắt chân, cắt chân”. Lúc ăn cũng thấy cắt chân. Lúc ngủ cũng mơ thấy cắt chân. Tôi quay cuồng trong mỗi việc cắt chân. Tôi cố giữ lại cho anh em nhưng không được. Dù có thuốc tê, nhưng khi cắt, tôi có cảm giác như cắt chính thịt, xương mình… Khi cắt chân xong, tranh thủ lúc anh em chưa tỉnh, tôi xách cái chân ra nghĩa trang. Tôi không muốn nhờ y tá. Sợ họ chôn cẩu thả. Tôi muốn tự tay mình chôn. Tha lỗi cho tôi. Tôi chôn một phần thân thể, một phần linh hồn đồng đội nơi này. Khác với mộ đắp cao, mộ chân tay đều bằng. Làm sao nhớ được. Tôi đánh dấu mộ chân, mộ tay của đồng đội. Nhỡ khi họ tỉnh hỏi chân tay tôi đâu, mình còn có chỗ chỉ.
Người bác sĩ ấy luôn nhớ về nghĩa trang tay chân đồng đội. Nghe anh em đi thăm chiến trường K về kể nơi ấy đã thành thị trấn, có khách sạn hẳn hoi. Ông có một mơ ước. Mơ ước nhỏ thôi là hôm nào sang lại K đến vị trí trạm phẫu sư đoàn dựng tấm bia. Trên tấm bia này không ghi gì cả. Chỉ khắc đôi bàn chân. Tác giả hỏi: Mục đích anh dựng bia làm gì? Vị bác sĩ trả lời: Mình không biết nữa. Mà cũng chẳng để làm gì. Thật đấy. Ít ra cũng để an lòng mình, an lòng anh em thương binh. Cái chân cái tay cũng biết nghĩ đấy! …
Có một người lính trinh sát kể:
– Bọn tôi mười trinh sát Sư, mà phải mười tay thiện chiến nhất. AK bảng gập. Theo sau là một đại đội bộ binh yểm trợ. Nhiệm vụ là giải cứu Sư đoàn trưởng Heng Samrin bị Pôn Pốt giam vì chúng phát hiện âm mưu đảo chính…
Câu chuyện của người lính trinh sát dài và có nhiều tình tiết ly kỳ. Tóm tắt các anh vào được nơi giam giữ sư trưởng Heng Samrin. Trói được bọn lính gác, đưa được sự trưởng ra nửa đường thì bị lộ. Địch nổ súng khắp nơi. Ông Heng Samrin vấp ngã, chân đau đi khập khiểng. Người trinh sát không chần chừ xốc ông lên lưng. Đạn địch bay chiu chỉu. Ông to con nhưng không hiểu sức lực đâu mà anh cõng ông chạy hơn cây số. Cứu thoát được một người sau này là lãnh tụ cuộc hồi sinh của dân tộc Khmer. Về sau ông Heng Samrin có hỏi thăm, nhưng anh dấu tên mình. Làm việc nghĩa thì nên khiêm nhường. Khi giải ngũ, người lính trinh sát lên Thái Nguyên trồng chè và thường kể chuyện cõng ông Heng Samrin. Một hôm anh hỏi Đoàn Tuấn: Dạo này ông có đi công tác ở Campuchia không?/ Có việc gì anh?/ Tôi có cân chè ngon muốn biếu ông Heng Samrin. Mỗi lần sắp kể chuyện cõng Heng Samrin chị vợ lại gào lên “Giời ạ! Suốt ngày lúc nào cũng Heng Samrin thôi. Cõng ông ấy có một lần mà kể hàng chục năm không chán. Giờ thử sang bên ấy xem! Ông ấy có cho mình cõng nữa không? Người vợ muốn đưa anh trở về thực tại. Nhưng tấm lòng anh vẫn như xưa, phải gửi một cân trà ngon biếu ông ấy./ Làm sao để ông ấy biết người gửi?/ Chỉ cần nói một người lính trinh sát sư đoàn 10 là ông ấy nhớ ngay…
Chương cuối của tiểu thuyết Đoàn Tuấn dựng cảnh nhà sư Phteah Saniphap gọi hồn Pôn Pốt. Không biết tác giả lấy tài liệu ở đâu, nhưng chân dung nhà độc tài hiện lên rõ ràng với những chi tiết thật cụ thể, thuyết phục người đọc. Cuộc trò chuyện bắt đầu: ”Chào ông Pôn Pốt/ Chào nhà sư Phteah Saniphap/ Trước tiên xin chúc mừng ông. Con gái ông, cô Sar Patchath vừa làm lễ thành hôn/ Khi tôi mất cháu mới mười tuổi. Nó là con gái duy nhất của tôi với người vợ thứ hai/ Ông có hai người vợ? Người vợ đầu bị bệnh tâm thần phân liệt. Tôi đã đưa bà ấy đi chữa ở nhiều nơi, kể cả ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhưng đều không đỡ. Tôi kết hôn với bà hai sau khi bà cả mất./ Về cuộc sống gia đình, mọi người đầu dành cho ông những lời tôn trọng. Song còn một số vấn đề trong cuộc đời của ông, chúng tôi muốn tìm hiểu. Ông có vui lòng trả lời?/ Nhà sư cứ tự nhiên.”
Cứ như vậy qua câu chuyện, chân dung kẻ sát nhân, chân dung cả một thời đen tối hiện ra.
“- Người Campuchean nghĩa là gì? Đó là người Campuchean thuần chủng. Da đen, tóc xoăn. Đó là giống người vượt trội, hơn hẳn các dân tộc khác xung quanh/ Thế còn tên gọi người Khmer?/ Tên ấy pha tạp nhiều dân tộc. Khmer gốc Chàm, người Khmer gốc Việt, gốc Hoa, gốc Thái v.v... Tôi không thích/ Từ đó dẫn tới chiến dịch thanh lọc sắc tộc? Tôi chỉ muốn người Campuchean sống trên đất Campuchia. Những dân tộc khác không cần thiết. Họ là những phần tử xấu. Phương châm của chúng tôi là: để các người sống chúng tôi không có lợi, giết các người, chúng tôi không mất gì.”
Cuộc đối thoại kéo dài hàng chục trang. Pôn Pốt kể về những việc làm của ông ta, thanh lọc dân tộc, thanh lọc Đảng với những biện pháp cực đoan, tàn bạo nhất. Nhà sư hỏi: “Nhưng thưa ông, trong tiểu sử ông cũng không phải là người Campuchean – người Campuchean thuần chất như cách ông gọi. Ông sinh ra trong một gia đình có bố là người Hoa, mẹ là người Khmer?/ Đó là chuyện trẻ con, chuyện ngày xưa. Tôi học nhiều, đi nhiều nơi trên thế giới, tôi càng tự hào về sự vĩ đại của dân tộc Campuchean. Tôi luôn nung nấu lòng căm thù ngoại bang. Và tôi luôn nuôi dưỡng ý tưởng phải thanh lọc quốc gia, thanh lọc dân tộc./ Và thanh lọc đảng nữa?/ Khẩu hiệu của chúng tôi là: Thanh lọc Đảng, thanh lọc quân đội, thanh lọc cán bộ. Trong đảng, trong quân đội, trong chính quyền chúng tôi có nhiều người là gián điệp của CIA, của KFB, của Việt Nam …/ Ông có vẻ nhầm giữa chủ nghĩa dân tộc cực đoan với chủ nghĩa yêu nước/ Nghĩa là thế nào?/ Theo tôi hiểu lòng yêu nước gắn với tình yêu đối với người khác. Còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan thường gắn với lòng thù hận với các dân tộc khác./ Điều này còn có thể tranh luận dài.”
Pôn Pốt giải thích về chủ trương xây dựng một xã hội Campuchia không tôn giáo, không tiêu tiền, không có đời sống gia đình, trẻ em 7 tuổi phải tách khỏi cha mẹ, không thành thị vì chủ nghĩa tư bản chỉ phát triển ở thành phố. Trục xuất dân ra khỏi thành phố còn làm suy giảm quyền lực của ông Sihanouk. Chỉ có đời sống công xã. Bếp ăn cộng đồng. Ăn tập trung, không ăn ở nhà riêng. Không ai được kiếm ăn riêng. Tất cả mọi sinh vật đều do Ăngkor quản lý. Ai không tuân theo sẽ bị trừng phạt, xác sẽ biến thành phân bón.
Pon Pôt nói về quan hệ với Trung Quốc, với Việt Nam. Coi cách mạng văn hóa Trung Quốc là chuẩn mực. Coi phát động chiến tranh với Việt Nam là quốc sách.
Và đây là đoạn cuối của cuộc đời Pon Pôt.
“- Vì sao ông từ chức Tổng Tư lệnh Khmer Đỏ?/ Tôi từ chức vào năm 1985 do vấn đề sức khỏe. Hơn nữa tôi muốn làm vậy để ủng hộ Son Sen/ Nhưng sau này không ngờ Son Sen và đồng bọn của ông ta phản bội tôi./ Việc này cụ thể ra sao, thưa ông?/ Trong thời gian tôi đi Trung Quốc chữa bệnh thì phe Sihanouk và phe Son Sen bắt đầu đàm phán với Chính phu Hun Sen. Họ dự định tiến hành bầu cử. Dân chúng đang căm ghét Khmer Đỏ, bầu cử thì chúng tôi thất bại./ Ông có hành động gì khi đó?/ Tôi ra lệnh giết Son Sen. Giết tất cả các thành viên gia đình cũng như các phụ tá của ông ta… / Nhưng sau đó chính ông bị Ta Mok quản thúc./ Ta Mok chắc sợ tôi sẽ hành quyết nên ông ta ra tay trước. Ông ta vu cho tôi phản bội phong trào. Tôi tổ chức cuộc chạy trốn cùng gia dình và mấy vệ sĩ. Lúc đó tôi đã yếu. Các vệ sĩ phải cõng tôi. Ta Mok cho quân đuổi theo. Họ bắt tôi giam giữ ở Along Veng. Tôi cầu cứu Noon Chea và Khiêu Samphan. Nhưng hai người bạn cũ của tôi cũng chống lại tôi/ Những ngày cuối cùng của ông thế nào?/ Tôi bị đột qụy, liệt nửa người. Căn bệnh ung thư không có thuốc chữa. Tôi lại bị hẹp động mạch chủ, phải thở oxy./ Hình như khi ông chết người dân không ai khóc?/ Không ai khóc tôi và tôi cũng không khóc ai/ Khi chết ông tiếc điều gì?/ Con gái tôi còn quá nhỏ/ Dư luận nói khi hỏa thiêu, cánh tay ông vẫn nắm lại, giơ lên?/ Họ đồn vậy thôi, khi chết cơ thể cứng lại, gặp trời nóng chân tay co lại là bình thường. Còn giơ lên? Vì họ đặt tôi nằm trên đống củi…”
Tôi đã đọc tác phẩm gần 300 trang này một mạch. Những câu văn xúc tích, những đối thoại sinh động đã ám ảnh tôi, đưa tôi đến gần hơn với sự thật, một sự thật mà tôi từng nghe, từng đọc, từng đến tận nơi nhưng lại còn rất mơ hồ, có lúc còn ngại tiếp cận với nó bởi sự tàn bạo, vô nhân tính quá sức tưởng tượng của con người. Và cũng trong cái hiện thực đen tối đó lòng yêu thương, sự chở che đùm bọc nhau, tình đồng loại, đồng bào lại sống lên làm ta cảm động, làm ta tin vào sức mạnh không thể vùi đạp được của con người dù vào bất cứ hoàn cảnh nào.
Cảm ơn những điều cuốn tiểu thuyết đã mang đến cho bạn đọc với những tình tiết trung thực cùng tấm lòng của tác giả.
Nhận biết hiện thực một cách trung thực là phẩm chất đầu tiên của nhà văn.
21/4/2022
Thái Bá Lợi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...