Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Đi trong sương khói tháng Giêng

Đi trong sương khói tháng Giêng

Buổi sáng, sương giăng bạc trắng con đường. Đồi núi cũng trở nên mênh mông ảo mờ mây khói. Sương tháng Giêng vờn trong căm căm gió núi, lạnh cắt da. Càng tản sáng, sương càng giăng mù mịt. Chỉ đến khi gần nửa buổi, nắng lên cao, sương tan đi nhưng còn tiếc nuối bỏ lại cái se se trong từng nếp áo.
Dân gian có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nói vậy nhưng người dân quê một đời lam lũ, khi nắng xuân vẫn còn hây hây đã vào việc đồng áng tự khi nào. Mà cũng có thể tại tiếng kêu nỉ non của con chim sắn gọi mùa khi nương sắn đổ màu vàng lên lớp lá cuối cùng. Tiếng chim “năm trâu sáu cột” báo hiệu mùa thu hoạch sắn bắt đầu. Lúc ấy, vạn thọ trước sân nhà nhà bắt đầu tàn, trẻ con bứt đi đánh chuyền vương đầy thôn xóm. Đó cũng là thời điểm người lớn bỏ những miếng cốm gừng to bằng bàn tay vào đáy quang gánh, lũ lượt lên nương sắn để bắt đầu vào mùa.
Nhà văn trẻ Nguyên Hậu
Năm nào, gặp tiết trời mưa ẩm ướt, sắn phơi nửa chừng ứ nhựa nằm ngổn ngang khắp xóm bãi. Vậy nên cứ ra Giêng, nhìn cái nắng như thiêu như đốt, nắng cháy đôi vai trần đàn ông, mọi người vẫn cứ vui mừng khấp khởi, mơ những lát sắn trắng tinh thơm mùi bột.
Tuổi thơ của những đứa trẻ quê đã đi qua không biết bao nhiêu mùa chim vọng chiều như thế. Sáng tinh sương, những bà mẹ tất tả quang gánh, chứa dao rựa làm vỏ sắn, gạo muối cho cả ngày. Đường lên rẫy sắn khúc khuỷu gập ghềnh theo từng bước chân cao thấp của mẹ. Khi mặt trời đứng bóng, cha vẫn còn khom lưng nhổ cho hết vạt sắn bên đồi. Mẹ cần mẫn bào vỏ, dát ra từng miếng phơi ngay trên dải đất trống, bên cạnh nồi cơm đang sôi tràn miệng giữa trời. Suốt mấy năm trời sống nơi thành thị, quán xá ngập tràn mà cứ thi thoảng vụt qua một mùi hương từ miền ký ức. Đó là mùi của những dây nù nụ, bìm bìm dập nát xen lẫn mùi cơm gạo đá đỏ tháng ba đang bốc khói. Đó là mùi của những chùm núc nát chín mọng, quả thồ lồ vàng ruộm khô vỏ dưới gốc sắn già. Đó là mùi của nồi sắn gòn trắng tinh mẹ nấu và dỡ ra tàu lá chuối hái vội bên bìa rẫy… Tất cả trộn vào nhau thành niềm mong nhớ, khắc khoải không nguôi.
Bây giờ, người làm sắn vẫn còn nhiều nhưng chẳng còn những mùa mới mờ hơi sương đã quang gánh cùng nhau đi đào sắn như thế nữa. Tiếng chim “năm trâu sáu cột” cũng vọng thưa thớt hơn. Cứ đến mùa, thương lái thu mua cho xe dọn đường đi vào tận ruộng. Thấy vui vui vì sự đổi thay của xóm làng mà sao cũng thấy nhơ nhớ những buổi tinh mơ cùng lên rẫy sắn hôm nào.
Chỉ có mẹ vẫn cần mẫn, dù bán được với giá cao hay thấp đều chọn thật nhiều củ no tròn như quả bắp để tự tay mài bột, tự tay ngâm nước, hong nắng chín chiều để thu bột trắng tinh mềm mịn. Tôi hết ăn học lại mải mê sự nghiệp riêng mình, thi thoảng về nhà đã thấy mẹ cặm cụi đồ bột, hết làm món này đến thức khác cho mình. Mỗi lần ngửi thấy mùi bánh sắn gói lá lại thấy mắt rưng rưng, thấy nhớ tiếng chim vọng chiều và nhớ bao khuất lấp của một thời xa lắc.
Năm nay, tháng Giêng lại đã về. Tháng Giêng mùa thương nhớ…
1/3/2020
Nguyên Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Lê Hồng Thiện Nhà thơ Lê Hồng Thiện còn có các bút danh khác: Lê Hồng Bảo Anh, Lê Lam Sơn, Lê Hồng Bảo Uyên, Lê H...