Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Lửa thơ Zippo

Lửa thơ Zippo

Tôi nhóm một ngọn lửa/ Trời xanh đã bỏ tôi/ Một ngọn lửa để làm bầu bạn/ Một ngọn lửa để dẫn tôi vào đêm đông/ Một ngọn lửa để sống tốt hơn (Thơ E’luard) – Dịch thơ Equado của Bế Kiến Quốc.
Một người đồng đội cũ, hơn năm chục tuổi tại Berlin, đã kể cho tôi nghe chuyện này. Tôi chép lại nguyên văn, không hư cấu thêm. Việc đặt tên cho chuyện làm tôi suy nghĩ mãi.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Năm 1972, trung đội chúng tôi đang hành quân thì bị rơi vào ổ phục kích của đối phương. Bấy giờ trời vừa sẩm. Sương mù ở thung sâu mới tràn ra đã quánh đặc đoạn dốc đối phương phục kích, nên tiểu đội tiên phong chẳng phát hiện ra địch. Ngay từ loạt đạn đầu, số anh em tiền quân đã bị tử thương gần hết. Chúng tôi bắn trả quyết liệt, nhưng hỏa lực địch rất mạnh và chủ động. Thoáng một cái, chúng lại gọi máy bay lên thẳng từ Pleiku đến. Tình huống xấu, trung đội trưởng trước khi hy sinh ra lệnh rút lui.
Tôi lia hai loạt ngắn A.K 47 vào bụi cây lúp xúp, nơi có ổ đại liên đang khạc lửa, rồi hô anh bạn trẻ: “Quý! Theo tôi!”. Thoắt, tôi lăn mấy vòng rồi nhảy sang trái, thoát khỏi trảng cỏ. Bên kia, nơi có cánh rừng! Quay lại nhìn, Quý vẫn bám sát.
Anh là sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa vừa nhập ngũ, kinh nghiệm chiến đấu chẳng có là bao. Phải khom khom vọt tiến, dựa địa hình, địa vật thì chàng sinh viên cứ thẳng lưng chạy. Sắp thoát hiểm. Quý dính một vài mảnh cối cá nhân. Viên đạn trứng rơi phía chếch phải. Một vùng lửa da cam bùng lên cạnh bóng cậu. Đám khói vừa bốc lên trời thoáng thấy Quý khựng lại trong giây lát rồi chạy tiếp. Chúng tôi băng qua trảng cỏ và tiến vào rừng. Thế là chẳng biết ai còn, ai mất. Trên đầu, mấy chiếc trực thăng vẫn săm soi và khạc đạn xuống bên kia trảng rừng. Về sau tôi mới biết, chúng tôi đụng tiểu đoàn rằn ri Số Tám chuyên đánh rừng, địch vừa tăng cường từ Sài Gòn lên.
Quý và tôi cuối cùng cũng tới một con suối nhỏ. Quý bị thương ở bụng và bắp đùi phải. Máu đã ra ướt đẫm ống quần. Hắn ôm gốc cây nhỏ, trợn trạo nhìn tôi cầu khẩn. Tôi động viên: “Không trúng động mạch đâu! Đừng sợ!”. Chúng tôi chỉ có bốn cuộn băng. Tôi băng cho Quý rồi định hướng tìm về chỉ huy sở tiểu đoàn.
Khi muốn thoát chết thì người ta hăng lắm. Nhưng tới ngoài vòng hiểm thì mới biết sức đã kiệt. Quý đi rất chậm và luôn gọi: “Mẹ ơi!”. Lại nói: “Anh ơi, em chết mất!”.
Tôi là lính cựu, ở cảnh huống này không lúng túng, nhưng cũng lo cho Quý. Thỉnh thoảng tôi dừng lại kiểm tra, vết thương ở ổ bụng vẫn nhớm rỉ máu. Trời tối rất nhanh. Không trăng sao, lại mây đen ào ào từ mấy triền núi thấp kéo tới. Rồi mưa. Bắt đầu nhẹ hạt, sau mưa như một thác trắng ngút ngàn: Sầm sập xối xuống. Vâng, mưa rất lớn đến nỗi khi khát, tôi hứng nước mưa bằng mũ vải, loáng một cái được cả bát nước. Ai từng ở Trường Sơn, biết mưa rừng. Mưa lớn tới mức tạo thành dòng nước màn màn cuốn dưới chân. Khắp mặt đất như có trăm ngàn con suối nhỏ.
Đoạn rừng nào có đất đỏ, đất nhão ra rất nhanh, thành thứ nhựa quánh, mút chặt lấy dép lốp. Quý luôn luôn vấp ngã. Mỗi lần như thế hắn ngóc cổ lên nhìn tôi. Mắt như mắt nai. Thương lắm. Tôi vẫn nghiêm khắc: “Đứng dậy”! Một giờ sau tôi cũng đuối sức. Tôi phải ném balô hắn đi, giữ lại khẩu súng. Tất cả nặng chịch như cùm, dằn lên vai tôi. Giật đoạn dây rừng treo hai đôi dép lên cổ. May mắn sao, bên cạnh một cái nương trơ mấy gốc rạ, gốc sắn tơ hơ trên đất, tôi tìm thấy một hầm chữ A ung úng nước. “Gần về tới nhà rồi” – Tôi lại động viên hắn. “Mày nhìn đây!”. Tôi chỉ hầm: “Cái này, chỉ có quân ta mới có. Sắp tới nhà rồi!”. Tôi bảo.
Đi dưới mưa, ngấm lạnh, Quý sẽ chết! Tôi nghĩ vậy và quyết định: “Ngủ! Mai đi tiếp!”.
Tôi dìu Quý, gần như ấn hắn chui vào hầm. Tôi lấy nylon trải xuống nền hầm. Lựa chiều cho Quý vào góc hầm và lấy dao găm rạch quần áo, tìm chỗ bị thương. Vết thương ở đùi nông, mảnh đạn hình như chỉ chém trượt. “May đấy, nhóc!”. Tôi nói vậy nhưng vẫn ái ngại nhìn vết chém toác cái miệng đỏ lòm, dài nửa gang tay. Thế mà Quý chạy được hơn bốn, năm cây số đường rừng!
– Khá lắm, thằng em ạ, hồi mới nhập ngũ tao không được như mày! Trận đầu, đánh ở Quảng Trị. Tao nằm dưới làn đạn mà cảm giác cả một thác đạn xanh đỏ chi chít, như viên nào cũng nhằm vào riêng tao. Đại đội khối thằng đái ra quần. Thế mà đâu vào đấy – Tôi bảo Quý và cố ngoác cười cho hắn an lòng.
Nhưng thật ra tôi bắt đầu lo. Vết thương ở bụng có thể nguy hiểm. Một lỗ nhỏ hút vào chậu bụng phải. Từ chỗ đó, máu nhểu ra qua mấy lượt băng, đọng thành vệt như tiết đọng. Tôi ấn ngón tay vào chỗ bụng hắn, hỏi, có đau không? Quý bảo, đau, nhưng không đau lắm!
“Không đau lắm thì mừng rồi! Tao tin là chưa thủng ruột”. Tôi nói. Quý nhăn mặt rồi cười méo mó.
Tôi nghĩ là mảnh đạn không xé đứt ruột và nằm ở đâu đó. “Rồi người ta sẽ tìm thấy nó! Gắp nó ra và thằng em sẽ lại chạy như sáo!”. Tôi vẫn đùa hắn! Tôi xé màn làm băng quấn chặt thêm cho Quý. Vừa làm vừa giảng giải: “Nếu có đoạn ruột lòi ra thì phải lấy cái bát úp vào rồi mới băng! Nhớ chưa?”. Quý nhăn mặt. “Trời ơi!”.
Hắn chắc chết thôi, nếu máu cứ ra và lạnh cóng thế kia, tôi thoáng nghĩ. Trong ánh sáng bật lửa zippo của tôi, mặt Quý xám ngắt. Đôi mắt mọi hôm đen, đầy sinh khí thế mà giờ đây trắng nhờ. Hồn phách đi đâu rồi? Hắn rùng mình liên tục rồi run rẩy như con cheo(1) sũng nước.
Quý hằng ngày là sơn ca của trung đội. Thích hát, giọng tàm tạm. Nhưng khi hát, cái mặt búng sữa, đôi môi mọng hồng vì chưa dính sốt rét, làm giọng hát khoái nghe lắm. Bây giờ hắn chả hát được nữa. Đôi chân choài ườn trên nền bùn lạnh. Cái đầu rũ ra ngửa vào vách hầm. Cổ mềm như cọng khoai nước đã hơ lửa và đôi mắt nhắm. Thở dốc. Phải sưởi cho hắn! Tôi tuốt dao găm, cầm súng trườn ra ngoài hầm. Bên ngoài mưa vẫn như thác.
Gió sàn sạt táp từng cơn trên màn rừng. Lần mò trong đêm mãi vẫn không thấy một gốc săng lẻ nào để tước vỏ làm củi. Tôi văng tục, tôi chửi thề. Tôi căm giận nhìn lên bầu trời vẫn tàn nhẫn, lạnh lùng. Mưa vẫn đều đều rót xuống như không hề biết nơi đây có hai sinh mạng mong trời tạnh để sống. Tôi quay lại hầm. Cởi áo ướt của Quý ra. Lấy cái võng quấn thêm cho Quý khi hai hàm răng hắn bắt đầu gõ phách.
– Mẹ ơi! – Quý lại gọi. Đôi khi hắn rên rỉ: “Anh ơi, em chết mất!”.
Tôi nhìn Quý. Đôi mắt Quý nhìn tôi lo âu, tràn ngập sự sợ hãi. Bị thương. Lạc đơn vị. Mưa lạnh và bóng tối, địch có thể vây quanh. Từng đấy với một tân binh là một thử thách lớn! Tôi hiểu!
“Không, mày không chết. Đừng kêu như thế, tao sốt ruột!” – Tôi nói với hắn và chợt lóe lên ý định.
Vốn là quản ca của đại đội, tôi thích văn chương từ thuở học trò. Chính trị viên cho tôi tùy nghi sử dụng báo chí ngay khi còn ở Quảng Bình. Tôi rất yêu thơ. Sưu tầm nhiều bài thơ chép vào cuốn sổ tay khá dày. Tạp chí Văn nghệ Quân đội bấy giờ in khá nhiều bài thơ hay của nhiều thi sĩ. Tôi thường tích cóp vốn liếng thơ hay, đọc thơ cho đồng đội nghe. Tôi cũng làm nhiều bài thơ con cóc, ghi lại cảnh đi gùi, nhớ mẹ, chuyện chúng tôi đánh nhau trên Boloven, Khuonsedon, chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Những bài thơ không vần của tôi và anh em cùng với nhiều bài thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp, quả thực khi ấy giúp chúng tôi dễ sống hơn. Tất cả kho tàng thơ ấy theo tôi suốt bao năm hành quân, ngủ rừng, đánh trận và khi đã đầy ắp kỷ niệm trong ấy, nó bỗng nhiên trở thành những vật báu không chỉ của tôi mà là tài sản của cả đại đội. Những ngày hành quân xa, nặng, có vứt đồ đạc nào thì vứt, chứ tập thơ đầy nửa balô ấy, tôi giành lấy, luôn mang theo bên mình. Bây giờ phải nhóm lửa lên sưởi cho Quý thôi.
– Có đốt nó không? – Phải đốt! – Không! Cả tám năm trời? Gom cóp bao lâu! Bao nhiêu người trong đó! – Phải cho Quý sống! Đốt! Tôi cứ hỏi và đáp như vậy!
Tôi ra ngoài hầm bẻ lá rừng tấp kín cửa hầm. Lại cào con chạch cho nước không thể chảy thêm vào hầm nữa. Tôi vơ đại được vài cành củi khô đẫm nước, bẻ vụn, rải làm nền bếp. Tôi lấy mũ tai bèo, cào bùn ướt trát dày làm thành cái lò đặt giữa hai đứa.
Phải sống đã! Tôi lục balô, lôi bọc nylon nặng thơ của đơn vị ra. Các thi sĩ ở trong đó! Cha tôi cũng ở trong đó. Những lá thư của ông và những bài thơ Đường ông chép nắn nót cho tôi. Lại vài người đã hy sinh ở trong đó! Thằng Hòa Hàng Bột có bài thơ Nhớ Hà Nội, tử trận ở đồi Sú. Nó chạy cạnh tôi. Viên đạn 12 ly 8 bắn thẳng vào ngực trái nó, phá ra sau một lỗ rõ lớn.
Thằng Long Hàng Chai có tờ bích báo tôi giữ bao năm trong balô, viết về chị. “Cha mẹ mất. Chị tôi làm ở xưởng than nuôi ba anh em chúng tôi. Hằng ngày, mãi năm sáu giờ tối chị mới về. Mặt chị đen sạm vì bụi than. Chị cười. Chỉ nhìn thấy hàm răng trắng xóa. Mặt chị tôi đen, hiền. Tôi ước mơ lớn lên đi làm đỡ chị. Chị già, nuôi chị vì chị tôi ba mươi chẳng lấy chồng, cho tụi tôi ăn học!”. Đấy, nó viết như thế rồi dán lên báo tường. Nó bị hạ giữa sông Sêpôn rồi chìm mất xác. Tôi bơi cạnh nó. Nhìn thấy khi bị đạn, nghe rõ nó kêu lên, tiếng xé vọt lên trời, thé như tiếng chim non. Phút cuối cùng ấy, cặp mắt của nó ngước nhìn tôi hoảng hốt, rồi mất tiêu trong dòng nước trong vắt, cuồn cuộn, đỏ loang máu. Hơn ai hết, tôi biết.
Tôi nhặt mấy viên đá ngoài hầm xếp quanh giữ nhiệt. Tôi rút tập thơ chép tay của tôi ra. Trong đêm tối, tôi sờ lên mặt giấy. Dưới ánh lửa zippo, những lá thư của cha tôi đã đổ màu; thư của cô bạn gái Hà Nội gửi hồi còn an dưỡng ở Quảng Bình. Cắn một viên đạn, dốc thuốc cháy ra. Tôi mồi lửa. Ngọn lửa bùng lên. “Cháy nhanh lên, xua đi bóng tối và khí lạnh”. Tôi thầm mong. Quý nhìn tôi, nhìn ngọn lửa. Khi ấy, mắt nó ánh lên chút ít, có gì tha thiết lắm, không thể tả được. “Thôi, tí nữa mày sẽ ấm lại và không sợ nữa. Bóng tối ai chả sợ, nhất là khi mày chưa thử thách nhiều như tao, hoàn cảnh thế này. Còn trẻ con lắm!”. Tôi nghĩ thầm.
Những bài thơ, dòng chữ trên giấy hiện lên từng dòng rồi biến dạng, mất hút khi ngọn lửa vàng lém vào! Tôi có cảm giác, hình dung, nhìn kỹ, từng bài thơ, từng câu thơ, cả tên của các nhà thơ, lần lượt theo nhau nóng lên, biến thành hơi ấm, lên khói, màn màn bốc ra tan trong hầm. Khói chầm chậm, rất chậm quẩn trên nóc hầm, rồi tất cả theo lỗ thông hơi bay về trời.
Trên đầu, máy bay C130 đôi khi vẫn ì ì bay qua. Tiếng bay rất nặng. Chếch phía trái, lại vọng vào lụp bụp một chùm pháo dù. Ánh sáng trắng bùng lên, qua kẽ lá cửa hầm, chém xéo vào. Tôi biết, trên không họ đang tìm chúng tôi. Không! Kệ mẹ chúng mày! Ông ngồi đây và đang đọc thơ cho bạn ông nghe đây! Tôi nghĩ vậy và đọc cho Quý nghe trọn vẹn cả bài Lá đỏ, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Lời mẹ dặn, Núi Đôi… Tôi đọc một lát thì xúc động lắm. Không hiểu sao như vậy. Nước mắt cứ tự động úa ra, đầm đìa má. Chùi đi! Không để Quý biết. Tôi cắn môi, nghiến răng. Không được khóc!
Quý vừa mê vừa tỉnh. Đôi khi cậu ấy mở mắt ra nhìn tôi. Và môi run run khe khẽ, rất khẽ hé một dáng dấp nào đó của môi cười. Tôi cũng nhìn hắn. Trong mắt hắn, phản chiếu một ngọn lửa, lửa bập bùng, bập bùng. Tự nhiên tôi thấy đỡ lo và có cảm giác ấm áp, tin là nó sống. Người ta ở cảnh huống ấy, dường như không hiểu sức mạnh kỳ diệu nào, từ tiềm thức hay vô thức nữa. Tôi chỉ nhớ khi ấy tôi không nghĩ gì tới nguy hiểm, loạn lạc, bom đạn. Tôi hành động hoàn toàn theo bản năng của lứa chúng tôi, đồng đội với đồng đội. Tôi, một lính cựu với một người lính trẻ. Anh ta ước mơ như mình, ham học như mình, giờ cần phải sống để trở về giảng đường đại học!
Cả tập giấy thơ dày đến gang tay theo tôi suốt bao trận chiến đấu, hành quân, vui, buồn, no, đói cứ như vậy vơi dần, vơi dần.
Rừng Trường Sơn ào ào lá đổ./ Em đứng; đứng bên đường./ Vai ba-lô áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi lặng lẽ!
Tôi đọc.
Nhớ hôm đầu vào Trường Sơn vượt qua cái dốc ở binh trạm 32; hôm ấy đổi hai cái quần đùi lấy một tảng thịt nai. Mưa dầm suốt cả ngày đêm năm ấy.
Này là Tiểu đội xe không kính và Tiếng cười đồng chí coi kho.
– Em ở Thạch Kim sao nỡ đùa anh Thạch Nhọn! (2)
Tôi nhớ cô gái ở Kỳ Anh. Hai đứa trú trong cái hầm nhỏ. Tôi đụng vào vai cô mà lòng xốn xang, tim đánh trống loạn hồi. Phải rồi, hàm răng trắng muốt, mắt sáng như sao nhấp nhánh cười. Đôi vú chạm vào nhồn nhột lưng tôi, khi tôi chép bài thơ này vào sổ tay em! Ôi, bàn tay cô ấy mềm mại lắm, chẳng thô ráp như tay tôi. Mà hôm ấy sao mình chỉ dám nắm tay cô ấy thôi nhỉ?
Tôi chưa có người yêu. Mười bảy tuổi yêu làm gì sớm! Đợt nhập ngũ 1965 ấy chúng tôi ra đi sau sự kiện bom Mỹ dội xuống miền Bắc. Còn Quý từng kể, nó có người yêu học ở Đại học Sư phạm. Tôi tưởng tượng, tóc con gái bao giờ chả thơm. Hình như có mùi thơm nào đó tỏa hương, lan ra? Không, mùi khói! Trong tập giấy cũ có lẫn vài tờ giấy thơm, tôi gìn giữ suốt bao năm. Cái con Hoan có vài sợi tóc bò liếm ở trán đã mua mấy tờ thơm ấy tại triển lãm Vân Hồ, giúi vào tay tôi hôm ra tiễn tôi lên đường. Tôi kẹp vào hai lá thư của nó nét chữ đã ố vàng, giờ cháy quăn queo. Tôi nhìn trân trân vào từng nét chữ mất hút, biến vào lửa. Bây giờ nó chắc đang dạy học ở nơi sơ tán!
Ngọn lửa bập bùng soi trên khuôn mặt ma xám ngắt của chàng thanh niên măng tơ, Quý của tôi. Ngọn lửa của từng bài thơ với bao nhiêu kỷ niệm của tôi, của những bài thơ mà nhiều người lớp chúng tôi coi như một sức mạnh giúp chúng tôi đã từng sống trong suốt gần tám năm chiến tranh ác liệt, quên đi tất cả, quên đi gian khổ, nguy hiểm để sau đêm thơ đại đội lại lên đường.
Hắn cựa mình, môi đen khi nãy mím lại, giờ dần có hồng bợt. Chắc đã bớt lạnh! Gian hầm ấm dần lên. Cứ như vậy, tôi vừa đọc những bài thơ đã thuộc lòng mỗi khi đốt nó cho Quý của tôi hy vọng qua cơn nguy biến. Đôi khi, ngọn lửa cháy sát mấy ngón tay mà tôi không biết cả nóng.
Mái tóc bết máu mà Quý thoa lên khi nào bắt đầu khô. Hắn không rên nữa và nằm ngoan ngoãn như con mèo con vẫn thường nằm trong lòng mẹ tôi ngày nào. Tôi bắt đầu đốt dè xẻn từng bài thơ cho đến một giờ sau đó thì mấy cây tre còn tươi cạp vách hầm cũng cảm như có hơi ấm.
Chúng tôi cùng thiếp đi, một giấc ngủ kỳ lạ chờ sáng. Tôi mơ thấy mình đọc thơ trong một quảng trường rất lớn và đọc chính những bài thơ con cóc tôi viết…
Trời sáng hẳn. Tôi lay Quý dậy. Anh chàng tưởng chết đêm qua ấy, nhờ giấc ngủ và thân thể ấm lại qua một đêm được ủ ấm, giờ đã lóe một nụ cười gượng gạo.
Chúng tôi ra khỏi hầm. Ngó lên cao, trời xanh thẳm và có đám mây trắng lạ lùng.
Tôi chặt một khúc cây cho hắn và dìu nhau lên đường tìm về đơn vị. Khi ra khỏi hầm, tôi giũ cái mũ. Lớp tro màu trắng xám lả tả rơi xuống. Đập cho hết đất bùn đã khô trắng. Không tiếc nuối, đã đốt tất cả thơ rồi mà sao buồn ghê!
Chiều hôm ấy, chúng tôi tìm được một đơn vị bạn. Quý theo cáng ra Bắc. Tôi quay lại đơn vị chiến đấu tới ngày chiến tranh chấm dứt. Năm 1978, tôi mới biết tin Quý. Lần ấy, anh điều trị hai tháng và quay lại một đơn vị khác chiến đấu. Hết chiến tranh Quý trở về trường học tiếp, sau ra công tác tại một tổng công ty ở Hà Nội.
Hôm tới ăn bữa cơm thân mật với vợ chồng cậu chiến binh xưa, Quý vẫn nhớ và nhắc lại cái đêm của chúng tôi năm nào và bảo: “Bây giờ người ta làm thơ không hay bằng dạo xưa anh nhỉ! Em nhớ lắm, lúc mê lúc tỉnh mà vẫn nghe anh đọc thơ, tưởng ở cõi nào vọng về. Bao năm sau chiến tranh, thỉnh thoảng vẫn mơ thấy như vậy. Tỉnh giấc nghĩ lại mà phát khóc”. Vâng, Quý khóc thật. Hắn ngồi trước vợ con, đưa ly rượu trắng cho tôi mà thấy rõ hai hàng lệ trong suốt từ đôi mắt, hôm nay chẳng còn đen nháy, chầm chậm chảy ra.
Tôi uống cạn ly rượu Quý rót tràn. Rượu nặng như bỏng họng, cay sè xông lên mũi.Tự nhiên mắt nhòa đi. Bỗng như có ngọn lửa bập bùng, bập bùng trên Trường Sơn năm xưa cháy trong họng, trong từng thớ thịt, mạch máu.
Người kể chuyện bỗng nhào ra cửa. Có mùi thoáng bén nồi của nồi cháo gạo, theo cánh cửa thông sang gian bếp hé mở, lùa vào phòng. Tôi, người chép lại chuyện này đang đắm chìm trong cảm giác, cảm giác có tiếng va đập, tiếng reo xa thẳm nơi đâu chợt giật mình khi người kể chuyện quay lại oang oang nói, cắt ngang sự suy nghĩ của tôi:
– Đấy, thơ phú văn chương nhiều khi nó dớ dẩn lắm. Tý nữa thì cháy mất nồi cháo của chúng ta.
Nồi cháo gà trên tay anh bạn già nghi ngút khói, tỏa mùi thơm trong lành hấp dẫn một cách dễ chịu. Tôi cười: “Dẫu sao khi ấy cũng cứu được một mạng người”.
“Vâng, phải rồi. Một mạng người!”. Anh bạn già vừa múc cháo vừa nói tiếp: “Không biết những thi sĩ ngày nào bây giờ ở đâu nhỉ? Ai còn, ai mất? Ai vẫn viết và dám sống kiêu hãnh như xưa, như với lớp chúng tôi một thời?”.
17/11/2019
Nguyễn Văn Thọ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...