Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Mạch nước ngầm trong thơ Đinh Thị Như Thúy

Mạch nước ngầm trong
thơ Đinh Thị Như Thúy

Ở đâu đó đâu đó có thể đêm đang vĩnh hằng theo nhịp thơ thả buông. Đinh Thị Như Thúy
Đọc ba tập thơ đã xuất bản của Đinh Thị Như Thúy, “Cùng đi qua mùa hạ” (Nxb Văn Nghệ, 2005), “Phía bên kia cây cầu” (Nxb Phụ Nữ, 2007), “Ngày linh hương nở sáng” (Nxb Hội Nhà văn, 2011) và những bài thơ chị mới công bố, tôi cảm nhận bóng dáng một đời sống khác đang dần hiện rõ sau những ngổn ngang ý tưởng và “lớp vỏ” ngôn từ. Đời sống ấy không giống những vỉa quặng lộ thiên mà chìm ẩn nơi tầng sâu không dễ dàng nhận biết. Tôi muốn ví nội lực và vẻ đẹp ấy trong thơ Đinh Thị Như Thúy tựa mạch nước ngầm lặng lẽ chuyển dịch trong lòng đất, làm màu mỡ đất đai, cho cây lá tốt tươi, đơm hoa kết trái…
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy
Mới đọc lướt, dễ có cảm giác ngôn ngữ thơ Đinh Thị Như Thúy thiếu tinh lọc, có lúc như dễ dãi, thừa thãi. Tôi đồ rằng, do nhà thơ chú tâm đuổi theo mạch cảm xúc nên nhiều câu thơ của chị dài dòng, thậm chí gần với văn xuôi. Một số câu trong tập thơ “Cùng đi qua mùa hạ” còn ở tình trạng cũ kỹ, sáo mòn, như “phố núi ướt nhòa”, “xanh thắm nắng ngời”, “Buông mình vào xa thẳm mông mênh”… Đây cũng là những khiếm khuyết khó tránh khỏi trong tác phẩm đầu tay của một tác giả trẻ. Sự vụng dại ấy cũng từng xuất hiện trong một số bài thơ của chính tôi thời gian mới bén duyên thơ.
Nhưng khi đọc kỹ những tác phẩm của nhà thơ, tôi thực sự bị quyến rũ và ám ảnh bởi một cảnh giới khác hiện hữu trong đó. Cảnh giới ấy tựa những mạch nước ngầm đang ngưng tụ, cuộn chảy trong những tác phẩm của chị. Chúng ta đều biết, mạch nước ngầm, hay còn gọi nước trong lòng đất nằm dưới bề mặt đất và liên thông với nhau tạo nên những dòng chảy lớn nhỏ. Chúng ta thường đi qua những miền đất có dòng chảy ngầm này nhưng khó nhận biết sự hiện hữu ấy nếu không chú tâm quan sát quang cảnh, hình dáng cây lá ở đó…
Mạch nước trong thơ Đinh Thị Như Thúy đã gợi cho tôi liên tưởng tới người mẹ hiền can đảm, luôn âm thầm chịu đựng và hy sinh trong bóng tối, hiến dâng tâm lực mình cho những đứa con trưởng thành nơi ánh sáng. Đức hy sinh ấy thể hiện trong những câu thơ: có thể dòng chảy cuộc đời tôi/ chưa bao giờ cuồng loạn/ nhưng tim tôi sóng ngầm luôn cuộn/ vì những bông hoa dại/ thầm lặng nở trên cỏ ướt/ như những mảnh mặt trời (Trong khu vườn cỏ dại). Mạch nước ấy chính là những khao khát của nhà thơ nhằm đem lại mát lành, hạnh phúc cho cuộc đời, cho thế gian, khi Mặt đất bỏng sôi trái tim khao khát (Đất), và, Tất cả những tâm hồn nhất loạt trống rỗng (Và bản nhạc ấy).
Thơ Đinh Thị Như Thuý cho tôi hình dung một người đàn bà sống trong ngôi nhà nhỏ ven rừng cao nguyên với chồng chất những lo toan vất vả, có lúc cảm thấy chị như “quá tải” với bổn phận làm mẹ, làm vợ, làm một người bình thường. Nhưng chị đã tìm thấy cái tôi đích thực trong nỗi cô đơn tột cùng của mình. Khu vườn nhà, bông hoa quỳ vàng có vẻ như chỉ mình chị nhìn thấy, tiếng nước tưới lên tán lá café mỗi sáng tưởng chừng chỉ mỗi chị nghe… Nhưng không, thế giới tưởng chừng riêng biệt ấy của Đinh Thị Như Thúy lại phản chiếu rất rõ trong nó nhiều vấn đề mang tính phổ quát của đời sống cá nhân và thời đại hôm nay. Đọc thơ chị, tôi bỗng nhớ đến nhà văn Emily Bronte (người Anh) – sống đơn độc gần như cả đời trên một ngọn đồi trơ trọi, cách biệt với xã hội bên ngoài, nhưng bà đã viết nên “Đồi gió hú” (Wuthering Heights) bất hủ.(1)
Em vẫn nghe gió nổi/ Gió vun vút rượt đuổi/ Kiểu này một thế giới khác sẽ được mang đến/ Khi một thế giới khác đã được mang đi (Ở một nơi không còn rừng). Những câu thơ ấy khiến tôi ngỡ ngàng tự hỏi, người đàn bà ấy đã đứng ở đâu và khi nào, để có thể trở thành nhân chứng cho những dịch chuyển của vạn hữu trong thiên nhiên, đời sống. Trong Lời tác giả của tập thơ “Phía bên kia cây cầu”, nhà thơ từng bày tỏ: “Giữa những bổn phận, những ràng buộc tôi có cơ hội trốn chạy, trốn chạy bao nặng nề, sợ hãi, ám ảnh về cái chết, sự chia ly, cái vô nghĩa, sự phản bội, muôn vạn mệt mỏi, và muôn vạn phiền muộn khác mà mỗi con người đều phải gánh chịu trong cuộc đời… Cây cầu trở thành ranh giới để tôi qua lại giữa cuộc sống thực với bộn bề công việc buộc ta phải thăng bằng, và cuộc sống mộng nơi ta có thể tự do buông thả, chiêm nghiệm. Vì thế trốn chạy không có nghĩa là vuột thoát mà mang ý nghĩa kiếm tìm.”(2)
Cuộc trốn chạy-kiếm tìm (xin ghép hai từ để có chung nội hàm mới) của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, theo tôi, được bắt đầu từ tập thơ “Phía bên kia cây cầu”. Những câu hỏi truy vấn, hành động truy tìm thường xuyên xuất hiện trong tập thơ này, trở thành cách nhìn đời sống và thủ pháp mô tả đặc trưng của nhà thơ. Trong bài thơ “Hát ở làng chài”, cụm từ “Ở đâu đó đâu đó” là câu hỏi và cũng là câu nhà thơ tự trả lời trước một hiện trạng đời sống xã hội. Những câu thơ thể hiện trạng thái bơ vơ, bâng quơ, khó xác định nhưng len lỏi vào nơi sâu kín nhất trong tâm thức và tình cảm con người: Ở đâu đó đâu đó có thể đang đi ra đi vào một đôi chân bị bùa mê không tìm thấy con đường cỏ lông chông ven biển/ … Ở đâu đó đâu đó có thể tự dưng rồi thấy mình giữa đám đông ồn ã…/ … Đâu rồi đâu rồi đâu rồi khuôn mặt hân hoan ngày nắng đẹp…/ … Ở đâu đó đâu đó có thể cát đang chuồi đi…/ … Những mắt lưới rã rời câm lặng, những tay sóng bải hoải ôm ghì, những môi cát lăn lăn trì níu…/ Ở đâu đó đâu đó có thể đêm đang vĩnh hằng theo nhịp thở thả buông.
Những mạch nước ngầm thường được gọi là Long mạch. Đất có Long mạch là đất tốt, vượng khí. Người đi tìm Long mạch là tìm các Huyệt vị trong đất, hay còn gọi thuật tầm Long, điểm Huyệt. Trốn chạy-kiếm tìm cũng là cách “tầm Long”, “điểm Huyệt” của Đinh Thị Như Thúy để tìm cho được những mạch nước ngầm nuôi dưỡng cỏ cây, sinh vật trên mặt đất. Bài “Đã có sai lầm ở đâu đó” in trong tập thơ “Phía bên kia cây cầu”, theo đánh giá của tôi, là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách của Đinh Thị Như Thúy. Nguyên văn bài thơ như sau:
Đã có sai lầm ở đâu đó
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu
đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống
đã có điều gì đó không kịp thời
đã có cái gì đó chắn ngang đường
giá như chúng ta được lùi lại
giá như chúng ta được bắt đầu
giá như chúng ta biết mình phải làm gì
ký ức là thùng rác nhưng không phải chỉ là thùng rác
chúng ta phải bới tung lên
đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi
như cơn cuồng phong đi qua cánh đồng
kéo theo đi những bông bồ công anh khô nỏ
Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, kết hợp với cách kiến tạo hình ảnh chính xác, gọn nhẹ, mang đến một ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh về một đời sống quái đản, dị thường… Trong một khung cảnh bừa bộn được dựng lên, người đọc thấy con người bị tước đoạt hết những quyền tối thiểu, như “chạm được chân vào đất”, “nụ cười”, “chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu”… Hiện thực đời sống đương thời bỗng chốc được phô bầy ngổn ngang trong bài thơ. Bài thơ không đặt dấu hỏi cho một hiện tượng cụ thể nào trong xã hội, nhưng tinh thần của nó là sự cật vấn/ truy xét thẳng thắn và dữ dội với cái xấu, cái tiêu cực đang diễn ra hàng ngày, trong những góc khuất của mỗi con người… Cách đặt tên bài thơ “Đã có sai lầm ở đâu đó” chính là một câu nghi vấn, đồng thời là sự khẳng định nhà thơ đã tìm ra cái “lỗi hệ thống” đó ở đâu, đã “bắt tận tay day tận trán” nó. Khác với thái độ có phần e dè ở những tác phẩm khác, trong bài thơ này Đinh Thị Như Thúy thể hiện thái độ quyết liệt truy tìm bằng được những “sai lầm” nằm ở đâu và khi nào (?): ký ức là thùng rác nhưng không phải chỉ là thùng rác/ chúng ta phải bới tung lên. Đến đây, người đọc đã rõ nguyên nhân và có thể tự trả lời hàng loạt câu hỏi mà nhà thơ đặt ra từ đầu bài thơ. Vào thời điểm này, nhà thơ đã “đứng lại” để bạn đọc được quyền “đi tiếp” theo những suy tưởng, phán đoán của riêng mỗi người: đã quá lâu rồi/ thói bè phái kéo chúng ta đi/ lòng ích kỷ kéo chúng ta đi/ nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi. Tất cả những điều khủng khiếp ấy được nhà thơ ví như “cơn cuồng phong” quét trên mặt đất, và con người trong đó tựa những “bông bồ công anh khô nỏ”. Những hình ảnh trong bài thơ, đặc biệt là câu thơ kết cho tôi liên tưởng tới bức tranh Tiếng thét (The Scream) của danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863-1944). Tranh vẽ một người đàn ông không có tóc với vẻ mặt đầy âu lo, tuyệt vọng đến đỉnh điểm trên nền trời màu vàng cam. Bằng những đường nét xổ thẳng, kết hợp với màu sắc tương phản chói gắt, họa sĩ lột tả được cảm xúc hoảng loạn, nỗi sợ hãi của nhân vật trước hiện thực đời sống đang diễn ra và những dự cảm bất an đến gần.
Thơ Đinh Thị Như Thúy đưa bạn đọc đến với cảm nhận về một hiện thực đời sống đầy trăn trở âu lo như vậy. So với tập “Phía bên kia cây cầu”, trong “Ngày linh hương nở sáng” và những bài thơ công bố gần đây cho thấy, trạng thái u uẩn, quẫn bách của nhà thơ dường như ngày càng gia tăng… Tâm trạng ấy được chị dồn đẩy tới mức, tựa như con chim trúng tên, chuột chạy cùng sào, con thú bị thương… Hãy cùng điểm tên một số bài thơ sau để thấy cách “định vị” của nhà thơ trên vùng đất tranh tối tranh sáng, bị nhiễu sóng này: “Ở một nơi không còn rừng”, “Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này”, “Ngày nhiễm độc”, “Rằng không có con đường nào khác”, “Bão số 6”, “Trong thế giới hoảng loạn của sự mục ruỗng”, “Với con tầu mắc cạn”, “Những hoảng loạn của con chim sa lưới”, “Tháng tư, cơn nhức đầu và những hoảng loạn”, “Chúng ta đã phải mang vác quá nhiều”, “Những ám ảnh bất động”, “Một vòm cây xác xơ không gió”, “Những ban mai không có mặt trời”, “Trận cảm cúm và sự im lặng (không phải của bầy cừu)”, “Cái gì đã xảy ra giữa chúng ta”…
Bài thơ “Một công viên xây mãi không thành” được nhà thơ công bố sau tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” khẳng định cái nhìn của Đinh Thị Như Thúy ngày càng chính xác, sắc lạnh hơn về hiện thực đời sống, về những dự báo tiêu cực sẽ đến. Giai đoạn gần đây, ngôn ngữ thơ của chị được chắt lọc, tối giản hơn trước. Cách sử dụng liên tiếp những động từ và đặt cạnh nhau đã đẩy tốc độ hình ảnh đi nhanh hơn, những thông điệp chuyển đến bạn đọc cũng hiệu quả hơn. Những chi tiết hình ảnh trong bài thơ tái hiện một công viên đang xây dở và sẽ không thể hoàn thành được bởi nhiều lý do (!). Đu quay chưa bao giờ quay. Vòng ghế tròn như cánh quạt của chiếc cối xay gió khổng lồ. Cô đơn. Sừng sững. Han gỉ rồi mục ruỗng. Bài thơ có câu kết đột ngột rất lạ, tựa như ngọn đèn bất ngờ bật sáng cho bạn đọc nhìn thấy được mọi bí mật trong những góc khuất tối tăm nhất của đời sống này: Nơi đây. Tràn đầy nỗi sợ.
Có thể thấy, tâm thế trốn chạy-kiếm tìm chính là giải pháp tinh thần duy nhất để Đinh Thị Như Thúy tìm thấy những mạch nước ngầm còn tiềm ẩn trong con người, trong đời sống này. Em nghĩ là em không còn con đường nào để trốn chạy/ Em vùi em vào thân thể anh (Ở một nơi không còn rừng). Cuộc kiếm tìm miền đất tự do, sự công bằng, bác ái không phải lúc nào cũng thấy và dễ gặp. Nhà thơ cho chúng ta nhận biết cái đích của chân lý thường ở phía sau màn sương mù dày đặc, mà ai muốn đi đến đó phải vượt qua muôn vàn gian khó, cạm bẫy hiểm nguy: ngay lúc đó nàng cay đắng nhận ra mình đã đánh mất chiếc lưỡi trong những triền miên trốn chạy (Ngày nhiễm độc). Đoạn thơ sau đây trong bài “Chúng ta đã phải mang vác quá nhiều” gợi cho tôi liên tưởng tới một con cá bị mắc cạn. Con cá ấy không biết quẫy về hướng nào, làm cách nào để thoát khỏi lưỡi dao tử thần đang kề sát nó. Ngôn ngữ trong đoạn thơ này biểu hiện một trạng thái mê sảng, lẫn lộn và rối loạn: Nhìn hay không nhìn có khi nhìn mà không thấy không nhìn mà thấy cũng như bước vào và đứng yên có khi đứng yên mà tràn ngập cảm giác bước vào còn bước vào lại trống rỗng hay như đối đầu hoặc chạy trốn có khi nào đối đầu lại là chạy trốn không làm thế nào mà biết.
Hình ảnh ngọn đồi và cơn gió luôn hiện lên phóng khoáng và rất đỗi gần gũi trong cuộc trốn chạy-kiếm tìm của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Những hình ảnh này thường ấp ủ và mang những giấc mơ của nhà thơ đi xa. Anh sẽ không thể biết/ Sóng gió đang dậy lên/ Những nụ hoa đang gấp gáp lớn/ Những lá cỏ đang gấp gáp xanh (Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này); Nhớ làm sao những ngọn gió phóng túng rượt đuổi qua những ngọn đồi/ Những lượn cỏ ngả nghiêng đổi sắc màu đắm đuối (Nhớ gió); gió là một thực thể tồn tại rõ rệt và xâm chiếm dày đặc suốt không gian thời gian còn hơn cả con người (Và… gió đêm lại đến).
Đồi núi cũng là hình ảnh thường hiện ra hùng vĩ và ấm áp trong thơ Đinh Thị Như Thúy. Đồi núi tựa như bóng dáng người cha, một trụ cột vững chãi che chở cho chị, luôn cưu mang, nâng đỡ chị qua những cơn hiểm nghèo: Sự phơi mở luôn làm choáng ngợp ngọn đồi. Dẫu vẫn ngần ngại, nhưng để thoát khỏi bóng tối nở bung là con đường nụ hoa phải đi (Cõi ảo). Đồi núi cũng hiện hữu thành ngôi nhà thân thuộc để nhà thơ đi về, thành miền chờ đợi qua đêm tối để con người đến với bình minh nắng ấm hôm sau: Những người đàn bà mang giấc mơ bất ổn chôn trên sườn đồi đêm đêm chờ mưa chờ quên lãng nghe trong tiếng sấm khắc khoải có niềm âu lo rồi đồi hoang sẽ không còn là đồi hoang nữa (Dâng hiến dã quỳ).
Như tôi đã nói ngay từ đầu, thơ của Đinh Thị Như Thúy cho tôi cảm nhận dưới bề mặt thô nhám, ngổn ngang của đời sống hiện thực là mạch nước ngầm luôn ngưng tụ, chảy trôi. Dù phản ánh những âu lo, sợ hãi…, song ẩn sâu trong những câu thơ của Đinh Thị Như Thúy vẫn lóe lên ánh sáng và hy vọng. Phải chăng, vùng đất Tây Nguyên với thiên nhiên nguyên sơ, trong sạch đã đem đến cho thơ Đinh Thị Như Thúy nhiều ý tưởng mới cùng cảm xúc tự do, khoáng đạt. Nhà thơ từng tâm sự: “Tôi cho rằng mình đã may mắn khi được sống ở Tây Nguyên. Một vùng đất khắc nghiệt dữ dội nhưng đẹp đẽ sống động không để cho ai có cơ hội nhàm chán. Tôi luôn ngạc nhiên trước những thay đổi của thiên nhiên nơi này”(3).
Tây Nguyên với bề dày lịch sử hàng nghìn năm đã trầm tích những giá trị văn hoá độc đáo và phong phú. Vùng đất này đã hiện lên những sắc thái trong thơ Đinh Thị Như Thúy, lúc trùng điệp khoáng hoạt khi chị viết về những nông trường café bạt ngàn trên mảnh đất bazan: Ào ạt mưa theo gió lướt nhanh thành từng vệt dài trên các ngọn đồi trên những con đường trên các bụi cây trụi lá mưa dần trắng xoá không sao nhìn thấy nữa những rẫy café ngút ngát (Chuyện tháng tư); Lúc ám ảnh, khắc nghiệt khi nhà thơ lên tiếng về một vùng thiên nhiên bị chính con người hủy hoại, tàn phá: Mùa bướm/ Tất thảy những khung cửa đều mở ra rờn rợn/ Tất thảy những con suối đều khô/ Tất thảy những bông hoa đều cúi mặt (Mùa bướm).
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy sinh năm 1965 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và dạy học tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc. Tây Nguyên vốn không phải nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ. Nhưng mạch khí vùng đất này đã tạo nên vóc dáng, thần thái thơ của chị. Có lẽ phần lớn những bài thơ có hương sắc đều được nhà thơ viết trên vùng đất cao nguyên với bạt ngàn café, thông reo, đường đèo vàng rực hoa dã quỳ… Tôi đặc biệt ấn tượng với tiêu đề một tập thơ của Đinh Thị Như Thúy: “Ngày linh hương nở sáng”. Tiêu đề này cho tôi hình dung một người đàn bà vừa thức dậy trong buổi sáng nắng ấm trên cao nguyên miền Trung. Khuôn mặt người đàn bà ấy rạng ngời giữa bạt ngàn bông hoa vừa nở. Và ai đó đã chụp được bức chân dung này. Mỗi người xem chắc có nhận xét riêng về nhân vật trung tâm tấm hình đó. Với cảm nhận riêng tôi, người đàn bà trong tấm hình như chưa từng phải gánh chịu những vất vả khó nhọc, chưa từng ốm đau, chưa từng sa vào những trạng huống bi phẫn… Chị đang cùng những bông hoa linh hương “đăng quang” đầy tự tin và rất đỗi khiêm nhường. Tựa đề tập thơ đầy ứng nghiệm ấy của Đinh Thị Như Thúy mở ra trước mắt bạn đọc như một dải ánh sáng, những “âm thanh của tưởng tượng” (Lê Hồ Quang), làn hương thanh khiết… Hay, một vạt nước trong lành! Vạt nước ấy vừa nhẫn nại bò đi trong đêm tối, qua những khu rừng gai góc rậm rạp để hiển lộ cùng ánh sáng ngày mới.
Những mạch ngầm đã tạo ra bản sắc, phong cách riêng trong thơ Đinh Thị Như Thúy, làm hiển lộ một gương mặt quan trọng thuộc lớp các nhà thơ tiếp theo các tác giả đã trưởng thành cận kề sau cuộc chiến, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Tùng, Trần Tiến Dũng… Đồng hành với những tác giả tiêu biểu cùng thế hệ, như Lê Vĩnh Tài, Lê Ngân Hằng, Đỗ Doãn Phương… Đinh Thị Như Thúy góp phần làm nên diện mạo mới cho thơ Việt Nam đương đại. Thế hệ thơ mới này hiện đang sung sức với những cách tân, tìm tòi mới lạ, táo bạo. Thơ họ mỗi người một vẻ, tựa những lớp sóng gối lên nhau của những dòng hải lưu mới trên đại dương. Theo cách nhìn của các nhà hải dương học, có hai loại hải lưu: hải lưu bề mặt và hải lưu sâu. Các hải lưu sâu luôn chảy trong lưu vực dưới đáy đại dương nên khó phát hiện và được gọi là các con sông ngầm dưới đáy biển. Tôi liên tưởng thơ của nhà thơ Đinh Thị Như Thuý tựa như những dòng hải lưu thứ hai, hải lưu sâu. Mọi dòng hải lưu đều tạo ra khí hậu ôn hòa làm mát lành hành tinh chúng ta.
Chú thích:
(1) Mai Văn Phấn trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Trẻ, số 2/2012.
(2) Lời tác giả, in trong tập thơ “Phía bên kia cây cầu” (Nxb Phụ Nữ, 2007).
(3) Đinh Thị Như Thúy trả lời báo Thể thao và Văn hóa, 15/02/2012.
25/3/2016
Mai Văn Phấn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...