Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Một cách nhìn tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Một cách nhìn tiểu thuyết
Việt Nam đầu thế kỷ XXI

“Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI-Lạ hóa một cuộc chơi” (NXB Đại học Huế, 2017) là chuyên luận đầu tay của Thái Phan Vàng Anh (Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế) nhưng đã sớm được độc giả trên cả nước đón nhận tích cực…
PGS-TS Thái Phan Vàng Anh
Tiểu thuyết là thể loại phát triển năng động nhất, được bạn đọc quan tâm đón đọc và cũng là thể loại có nhiều cách tân. Những nhà lý luận văn học nổi tiếng trên thế giới như M.M.Bakhtin hay Milan Kudera đều xem tiểu thuyết là nghệ thuật mang tinh thần thời đại, vượt qua ranh giới của một thể loại văn học thuần túy.
Khác với những thể loại khác đã đông cứng, trở nên hoàn kết, tiểu thuyết là thể loại đang vận động, chưa hoàn kết xong xuôi. Tiểu thuyết hàm chứa trong nghệ thuật khả năng lai ghép và dung hợp mọi thể loại văn học còn lại. Tinh thần của tiểu thuyết là tinh thần đa thanh, đối thoại. Nằm trong xu thế thời đại, tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI thực sự có nhiều thành tựu đáng chú ý. Thực tiễn sáng tạo sôi động như vậy, nên tất yếu đòi hỏi giới nghiên cứu văn học cần kịp thời tổng kết, đánh giá một giai đoạn văn học đã qua.
“Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI-Lạ hóa một cuộc chơi” (NXB Đại học Huế, 2017) là chuyên luận đầu tay của TS Thái Phan Vàng Anh (Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế) nhưng đã sớm được độc giả trên cả nước đón nhận tích cực. Đây là công trình khoa học nghiêm túc, đáng ghi nhận trong bối cảnh giới nghiên cứu văn học nước nhà đang khá im ắng trong năm 2017.
Tác giả đã thể hiện năng lực thẩm thấu văn chương và trình độ lý luận đa hệ thống thông qua công trình này. Thứ nhất, bởi đối tượng nghiên cứu của công trình khá thú vị, mới mẻ nhưng đầy phức tạp và nhạy cảm. Để có thể đọc và bao quát cả một thực tiễn sáng tạo tiểu thuyết sôi động trong gần 17 năm, chỉ tính riêng những tác gia và tác phẩm có thành tựu thôi đã là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức. Ở đây cần chú ý đến đặc trưng tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn, việc đọc và thông hiểu đòi hỏi rất nhiều thời gian và tầm đón nhận cao. Thứ hai, bởi tác giả công trình không chỉ tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ theo lối đơn tuyến về lý thuyết, hoặc trình bày theo “lối điểm danh” dựa vào lịch sử văn học. Trong công trình, bạn đọc có thể nhận ra người viết là người nắm chắc và bài bản nhiều hệ lý thuyết đương đại thời danh trên thế giới như: Phân tâm học, lý thuyết trò chơi, liên văn học, phê bình nữ quyền, thi pháp học, giải cấu trúc, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn, tân lịch sử, chủ nghĩa hiện sinh… Tuy nhiên, đọc công trình ta vẫn nhận ra tính xuyên suốt, thống nhất trong cách tiếp cận văn học, bởi tác giả đã biết cách lựa chọn lý thuyết có tính chất hệ thống cấu trúc, đó chính là chủ nghĩa hậu hiện đại. Tất cả hệ lý thuyết nói trên đều là những thành tố, biểu hiện và tiền đề của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Bìa sách “Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI-Lạ hóa một cuộc chơi” của Thái Phan Vàng Anh
Công trình nghiên cứu của TS Thái Phan Vàng Anh có dung lượng khá ngắn, với chỉ 260 trang, nhưng với lối viết súc tích, đan cài nhiều chủ đề, nhiều lý thuyết văn học đã phần nào giúp chúng ta có cái nhìn khá toàn cảnh về tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Công trình được kết cấu với 3 phần chính là: Lạ hóa từ tâm thức hậu hiện đại; Các khuynh hướng tiểu thuyết; Trò chơi và lối viết. Ba phần này lại được phân thành 10 mục khác nhau, có tính chất như các chương. Đây là một cấu trúc khá hợp lý. Trong đó, phần 1 “Lạ hóa từ tâm thức hậu hiện đại” có vai trò phác họa bối cảnh thời đại (toàn cầu hóa, hội nhập, đổi mới) và cơ sở lý thuyết có vai trò hệ thống cấu trúc (chủ nghĩa hậu hiện đại) khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Phần 2 “Các khuynh hướng tiểu thuyết” tiến hành phân tích bốn khuynh hướng sáng tác chính là: Tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết tính dục và tiểu thuyết nữ quyền. Phần 3 “Trò chơi và lối viết”, tác giả đi vào nghiên cứu các thủ pháp và quan niệm thẩm mỹ cơ bản của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI như: Mặt nạ tác giả, liên văn bản, giễu nhại, tự sự đa chủ thể, đa điểm nhìn trần thuật… Theo quan điểm của tôi, giá như Thái Phan Vàng Anh chuyển thứ tự của mục 2 với mục 3 thì cấu trúc công trình sẽ trở nên hợp lý hơn, bởi đi từ triết học, hoàn cảnh xã hội (ở phần 1) đến các thủ pháp nghệ thuật cụ thể (ở phần 3) rồi từ đó phân tích vào thực tiễn các khuynh hướng sáng tạo tiểu thuyết (ở phần 2) thì sẽ logic hơn.
Phần 1 của chuyên luận không có nhiều điểm đáng nói, do tri thức nền tảng về triết học hậu hiện đại và hoàn cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI chủ yếu được tác giả kế thừa từ những người đi trước, dẫu có nhắc tên hay không. Điểm đáng ghi nhận trong phần này đó là khả năng khái quát hóa, hệ thống hóa tri thức, luận điểm giữa những văn bản mênh mông của hậu hiện đại. Phần 2 của chuyên luận là đóng góp đáng kể nhất, bởi đây là phần mà Thái Phan Vàng Anh kết hợp được rõ nhất hai điểm mạnh của chị: Khả năng thẩm định/đọc văn chương tinh tế, sâu sắc kết hợp với khả năng làm chủ lý thuyết văn học mới. Những tìm tòi, phát hiện về tiểu thuyết lịch sử hậu hiện đại Việt Nam như: “Sự luận giải lịch sử từ góc nhìn khác được chú ý hơn so với việc tìm kiếm sự thật, khôi phục chân tướng lịch sử”; “lịch sử trở thành diễn ngôn cá nhân”, “vừa giải huyền thoại lại vừa có xu hướng huyền thoại hóa”… là rất mới mẻ. Phần 3 của chuyên luận có những phân tích sâu và cụ thể các cách tân về mặt bút pháp và thi pháp hình thức của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Những tác giả có nhiều cách tân trên phương diện này như Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… đã được phê bình khá kỹ từ góc độ hình thức tiểu thuyết. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhận ra hạn chế của phần này đó là có không ít phần trùng lặp, một số khác vấn đề lý thuyết đặt ra quá rộng nhưng thực tiễn phê bình cụ thể vào tác phẩm lại chưa tương xứng, hoặc khá mờ nhạt.
Nhìn nhận một cách tổng quan, công trình chuyên luận này là một nỗ lực đáng ghi nhận của một cây bút nghiên cứu trẻ nhưng đã sớm xác lập được giọng điệu, vị trí phê bình và năng lực lý thuyết trên văn đàn những năm vừa qua. Nhất là trong hoàn cảnh nghiên cứu văn học Việt Nam không có nhiều nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi đáng chú ý, dám mạnh dạn dấn thân vào văn chương hậu hiện đại. Tuy công trình này vẫn còn vài hạn chế, như sự ôm đồm kiến thức, các chương mục quá nhiều nhưng triển khai chưa tương xứng, vài chỗ còn “đẽo chân cho vừa giầy” giữa thực tiễn sáng tạo với lý thuyết… nhưng đó là những giới hạn tất yếu của mọi công trình khoa học. Tôi tin chuyên luận của TS Thái Phan Vàng Anh là một điểm mốc đáng ghi nhận trong sự nghiệp nghiên cứu của cá nhân chị, một dấu ấn giúp chúng ta có đủ niềm tin để chờ đợi chị sẽ tiến xa hơn trong tương lai gần.
21/5/2020
Phan Tuấn Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...