Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Mưa bình nguyên của Trần Bảo Định - Một thứ văn được chưng cất

Mưa bình nguyên của Trần Bảo Định
Một thứ văn được chưng cất

”… Khó nói hết, văn anh nó lạ lắm, tưởng dễ mà khó đọc; bởi vì văn ấy chất lắm tầng nhiều lớp, vừa gân guốc vừa hư và vừa thực - một thứ văn được chưng cất ấp ủ lâu ngày… cứ thế… và cứ thế, ào ạt tuôn trào tự nhiên – một cách, rất tự nhiên… Tôi có cảm tưởng như Trần Bảo Định không làm văn, song chất văn đặc sắc của anh chính là ở đấy!”.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Dư Khánh
Mưa bình Nguyên (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành 2019) là tập truyện thứ 12 trong chủ đề “Đất và Người Nam Bộ mến yêu” của Trần Bảo Định, tính từ 2012, năm anh đến với nghiệp văn, ở tuổi sắp chạm ngõ thất thập; đó là, chưa kể 6 tập thơ đã xuất bản và không ít những tác phẩm văn – thơ còn ở dạng bản thảo, chưa in.
Viết văn, như anh nói, “là một liệu pháp chữa bệnh và cứ hễ mỗi lần ngồi trước bàn phím đùa con chữ thì y như rằng, mọi đau đớn tật bệnh tủm tỉm cười… rút lui!”. Nhìn vào khối lượng tác phẩm ra mắt độc giả liên tục (năm từ 2 đến 3 và có khi, tới 4 cuốn) trong điều kiện sáng tác như vậy, tôi thực sự ngộp và phục anh vô số kể.
Song, điều đáng nói và đáng nể hơn, là chất lượng văn Trần Bảo Định. Đó là, một thứ văn giàu cá tính và bản sắc, đặc quánh chất Nam Bộ, rất Đời và cũng rất Người; với sinh hoạt, lời ăn tiếng nói và khung cảnh dân dã của miền sông nước đồng bằng Sông Cửu Long; khẩu ngữ, tục ngữ, phương ngữ, ca dao, dân ca… được anh sử dụng nhuần nhuyễn đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên, đầy hương vị.
Tập truyện Mưa bình nguyên của Trần Bảo Định
Mưa bình nguyên, theo tôi, là tác phẩm bộc lộ khá tập trung những nét đặc sắc của phong cách văn Trần Bảo Định. Tôi đã khá quen văn Trần Bảo Định –  chí những từ 11 tập truyện trước, với lối văn khó trộn lẫn; vậy mà, khi tôi đọc 16 truyện trong tập truyện Mưa bình nguyên thì truyện nào, tôi cũng cảm nhận sự độc đáo, hấp dẫn và lôi cuốn từ tên truyện – dù, hình như – có vẽ tên truyện hơi quê mùa, ít chất văn vẽ: Lão Năm Cối Đá, Hai Siêu Đất, Tư Giải Quyết, Hai Lá Tre, Dì Ba Chẻ Chữ, Cô Bảy Sòng Phẳng… Song, sự hấp dẫn văn Trần Bảo Định không là ở chỗ “ít chất văn vẽ” mà nó, trước hết, ở chỗ bình dị và sống động, chân tình và nghĩa nhân trong đáy lòng của những con người rất đỗi bình thường “bầu ơi thương lấy bí cùng” giữa cuộc đời dù ngang trái nhưng đầy ắp yêu thương.
Thấm và ngấm vậy, nhưng thật ra, cũng không chắc dễ gì đi đến tận cùng chiều sâu của văn Trần Bảo Định; bởi lẽ, văn anh chất chứa nội hàm nhiều tầng ý nghĩa thực và hư, lịch sử và sử điền dã, bình dân và bác học… đan xen và cài cắm vào điển tích, triết lý và cả minh triết Việt… Theo tôi, đó là nền tảng của sự học hòa quyện sự từng trải đầy vốn sống mà anh, là người đã thụ đắc. Và, sự thụ đắc đó, chẳng những đã làm nên cái phông, cái bề dày tác phẩm mà còn, tạo cảm giác như thật trong tiếp nhận của người đọc.
Dựng chuyện như thật, một đặc thù cơ bản của nghệ thuật tiểu thuyết đã được Trần Bảo Định sử dụng một cách thật thành thục, thuận lẽ tự nhiên nên người đọc, đôi lúc đọc xong trang văn của Trần Bảo Định, truyện vẫn còn ở lại trong lòng người đọc. Thật vậy, trong Mưa bình nguyên, người đọc bắt gặp rất nhiều kiểu nhân vật và phần lớn, là câu chuyện của những mảnh đời khốn khó, cô quạnh, lang bạt… Đồng mênh mông, ruộng cò bay thẳng cánh… nhiều nhân vật trong truyện không có mảnh đất cắm dùi, không có cục đất để chọi chim… Ít chữ nhưng không thiếu nghĩa mà trái lại, tràn nghĩa ngập tình được thể hiện qua tấm lòng hào hiệp, khí chất “trượng nghĩa khinh tài”, lấy việc cứu người giúp đời làm mục đích tối thượng và họ, sẵn sàng xả thân hy sinh cả những gì quý nhất mà họ có. Hai Siêu Đất (tr.107), là câu chuyện thật hay – một câu chuyện rất cảm động và đặc sắc về phương diện này.
Chuyện và Người trong Mưa bình nguyên khá phong phú, đa dạng. Ta bắt gặp trên trang văn của Trần Bảo Định những nhân vật lịch sử có thật từ vua chúa đến công hầu khanh tướng; những sĩ phu, đạo sĩ; những nghĩa sĩ anh hùng hào kiệt và những nhân vật hư cấu, như thật… Viết về ai, về chuyện gì, tác giả đều thấu hiểu tỏ tường chi tiết chẳng khác gì từ trong cảnh ngộ và nội tâm của từng nhân vật bước ra trên trang giấy…
Nhà văn Trần Bảo Định
Hình như, Trần Bảo Định bén duyên với nhiều nhân vật nữ: những má Tư, cô Năm, thím Hai, dì Ba, mợ Bảy, … những người phụ nữ không có tên riêng, chỉ có tấm chân tình hồn hậu, thủy chung… hiện lên thật đẹp, thật sáng ngời về nhân cách; vừa quyết liệt mà bao dung, vừa bình dị hiền lành mà thông minh nhạy bén trong hành vi ứng xử khi gặp phải việc khó xử. Những triết lý trong đạo lý muôn đời giản dị và sâu sắc hiện lên qua lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Đây là, lời của Ngoại nói với con gái: “- Muốn không phụ ai thì đừng hứa bậy, muốn không ai phụ mình thì đừng tin bây, nha con!”, hoặc “- Một đêm đồng tịch đồng sàng đủ đạo tào khang trọn kiếp!” (Dì Ba chẻ chữ, tr.259). Và, người đàn bà ấy đã rất mưu lược, bình tĩnh cứu Hai Tịch thoát chết trong cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù.
Những con người ít chữ nhưng đặc đầy nghĩa của chữ, biết chẻ chữ để bật ra các mối liên kết thâm hậu ẩn chứa bên trong và đôi khi, chúng ta bất ngờ khâm phục. “- Chẻ chữ, trói mà không nhứt thiết phải buộc và dù có buộc, thì rồi cũng buông…” (Dì Ba chẻ chữ, tr.260). Đó là, lời dì Ba giải thích những gì cháu Bảy Chờ, thắc mắc. Đọc truyện, chúng ta sẽ ngộ ra cái thật sâu và cũng thật xa của sự thông tuệ từ cách chiết tự nghĩa đặc sắc này.
Sức mạnh của lòng dân – một khi, hợp lòng dân. Và, lòng dân từ cái nôi tình đất nước, yêu con người mà nảy sinh tinh thần hòa giải đoàn kết, chuộng chính nghĩa… như những nguồn mạch tinh thần bất diệt chẳng gì có thể làm lung lay. Tất cả hiện lên một cách tự nhiên, sắc nét qua từng câu chuyện trong tập truyện Mưa bình nguyên và thật đúng, như lời nhận xét của GS-TS. Huỳnh Như Phương: “Đọc Trần Bảo Định, cái nhìn của ta về đất nước, quê hương mở rộng hơn mà cái nghĩ của ta về tiền nhân và lịch sử cũng sâu hơn” (Gửi theo bông trái quê nhà).
Cũng như nhiều tác phẩm khác, Trần Bảo Định rất thạo và thành thục khi đề cập đến những vấn đề lịch sử thuộc vế quá khứ; anh viết, tất nhiên là dành cho độc giả hôm nay - nhất là những người bạn trẻ; và cho cả mai sau, những bài học về nhân thế không thể quên.
18/2/2020
Nguyễn Thị Dư Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: M...