Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Nếp nhà ngày tết

Nếp nhà ngày tết

Mùa tết năm nay dường như đến sớm hơn. Thoắt một cái đã muộn ngày. Mà một ngày muộn nhanh là ngắt một thời khắc chạm gần với tết.
Không phải ngẫu nhiên tôi bắt gặp chút nao nao giao mùa ấy. Nó chính là hành trình tiếp nối của thói quen mang tính truyền thống đầy cảm xúc cho hương vị, cho nếp nhà ngày tết. Tôi nhớ những ngày xuân năm cũ…
TS. Hà Kim Phượng
Ngày xuân của sự trẻ dại. Trẻ đến độ chỉ cần hương gió xênh xang lành lạnh lùa qua khung cửa nhỏ ký túc xá mỗi sáng thôi cũng đủ làm tâm hồn tôi “say khướt” thương quê. Quê nhà ắt hẳn đã chạm mùi tết. Lúc ấy đang thi học kỳ một. Chúng bạn đứa nào cũng mong thi xong để được khăn gói trở về với gia đình. Tôi cũng vậy! Nhưng tôi khác tụi bạn là tôi không về nhà liền sau kỳ thi mà ở lại lo xin việc thời vụ làm thêm trước tết.
Đi làm mà trong dạ không yên, nhìn ra phố xá tiết trời trong trẻo, đâu đâu cũng mai đào, cũng bánh mứt bày bán tưng bừng, nhộn nhịp. Rồi những khu chợ tết có thức hàng quê dân dã: măng khô, miến dong, hành tím… không khí tết ngập tràn. Tôi cứ thắc thỏm mong chóng xong việc để về nhà, kịp dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt trang hoàng bàn thờ giúp ba má. Ba tôi quan tâm nhất là bàn thờ tổ tiên. Bốn chị em tôi luôn cố gắng để ba được vui lòng. Ba tôi từng nói: “Ngày tết là dịp tưởng nhớ và yêu thương. Bàn thờ gia tiên được bày biện chu đáo sẽ giúp các con luôn nhớ về cội nguồn, có trách nhiệm với người thân và tâm hồn sẽ hướng thiện, an lạc hơn”.
Bốn năm đại học, tôi đi về dịp tết gấp gáp thế, nhưng bao giờ tôi cũng cố gắng để bàn thờ ông bà được tươm tất, chu đáo nhất. Có lần, do bán hàng tết trong hội chợ đến sát ngày, chiều 30 tết mới được nghỉ. Giờ đó xe đông mà lại không còn vé. Quãng đường từ TPHCM về Định Quán (Đồng Nai) lúc ấy chỉ hơn 100km mà tôi thấy như xa thăm thẳm.
Đêm 30, 11 giờ tôi mới về được nhà. Ba má và các em vẫn chờ cửa. Tôi đưa mắt nhìn chiếc bàn thờ chưa được trang trí. Ba như hiểu, ba nói: “Các em muốn chờ con về để cùng bày biện. Và ai cũng tin con về kịp để đón giao thừa”. Nghe ba nói mà mắt tôi rưng rưng. Nhưng tôi không khóc. Không được khóc. Về quê rồi. Bình yên rồi. Tết thôi… Năm đó, giao thừa đến muộn với gia đình tôi nhưng ấm áp vô cùng. Quả thật, đến bây giờ, đi hơn nửa đời người, tôi mới thấu hết lời dạy của ba. Chưa năm nào tôi quên phận sự của mình, kể cả bây giờ, khi mà chị em tôi đều có gia đình riêng. Ngày tết, chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp quay về để cùng giúp ba má bày trí bàn thờ. Và điều ấy đã trở thành truyền thống trong nếp nghĩ, nếp sống của chị em tôi. Đặc biệt là với tôi!
Ngày xuân của sự trưởng thành. Người ta nói, có những thói quen tốt sẽ trở thành động lực cho một lối sống tốt. Và nếu lặp lại dần theo thời gian thì sẽ là một nếp sống tích cực, để lại dư vị hạnh phúc cho mỗi chúng ta. Tôi là kiểu người giản dị, nhưng lại thích sự chu đáo của một thói quen tốt được lặp đi lặp lại. Và mỗi lần như thế, tôi lại thấy một dấu ấn của sự hấp dẫn, thú vị và yêu thương.
Khi có gia đình, tôi luôn thích chạy xe đèo nhau lòng vòng khắp phố cuối đêm năm cũ, tận hưởng từng ngõ phố thưa người qua lại, tận hưởng những tụ điểm bán hoa chưng tết xôn xao, nhộn nhịp. Khoảng 9-10 giờ đêm 30 tết, hoa vẫn còn và người đi mua hoa vẫn còn. Chúng tôi vừa mua, vừa được khuyến mãi những cây hoa nhỏ xíu. Con gái tôi tíu tít cảm ơn cô bán hoa, rồi ôm chậu hoa về tưới nước. Sáng mùng 1, cả nhà toàn hoa là hoa. Rực rỡ, lộng lẫy… Có phải ấy là nếp nhà chăng? Và có phải đó là truyền thống của gia đình tôi không mà bao năm rồi, tôi chưa một lần xao nhãng! Cả gia đình cứ háo hức chờ đến đêm 30 mỗi năm. Nếp nhà chính là tinh hoa để rồi giữa tất cả những thăng trầm biến động của cuộc đời, còn chút gì để nhớ!
Năm nay xuân đang về. Đất trời đang dần ngọt lên. Nắng cũng ngọt vàng lên. Cây cối cũng ngọt xanh những chồi biếc. Tôi lại mong những ưu tư của mình cũng sẽ có hương xuân mà thấm ngọt. Con gió chiều qua mới hối hả rắc đợt lá vàng cuối cùng xuống phố. Ở xứ sở 2 mùa như phương Nam này thì cái lạnh cũng chỉ đủ phớt hồng thêm một chút đôi má của người thiếu nữ và xanh hơn một chút bím tóc của bé con đang tuổi đến trường. Bấy nhiêu thôi mà ngóng xuân đến nao lòng.
5/1/2020
Hà Kim Phượng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...