Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Ngoài vùng phủ sóng

Ngoài vùng phủ sóng

Tôi lấy phải một ông chồng tài hoa. Khi hay tin chồng chưa cưới của tôi là một họa sĩ, Quyên, bạn tôi đã phục lăn ra đất. Nó ngắm tới ngắm lui tôi suốt buổi cố gắng tìm cho được “cái gì đó” ở tôi. Bởi theo nó thì tôi phải có cái gì độc đáo lắm mới cuốn hút được cái nhìn của một nghệ sĩ. Bị mê hoặc bởi lý lẽ của nó, về nhà tôi cũng lấy gương ra ngắm nghía nhưng kết quả vẫn là sự thất vọng đế ê chề.
Tôi không đẹp. Điều này hiển nhiên như hai với hai là bốn. Tôi lại không hề có “tâm hồn” như các nghệ sĩ vẫn thường ca tụng. Thuở còn đi học cứ mỗi lần làm văn tôi chỉ thầm khấn vái cầu xin năm điểm. Thế thì tại sao anh ấy lại chọn tôi? Tôi cũng chẳng hiểu. Trước khi là chồng tôi anh ấy đã là bạn của anh Hai. Bạn cũng khá tương đắc nên hai ông vẫn thường tới lui chuyện trò rôm rã. Anh Hai tôi thì phục ông bạn tên Viên này lắm. Kết thúc câu chuyện bao giờ anh cũng vỗ vai bạn cười khoái trá: “Hay, thằng này hay!” Những lần như vậy tôi lại giật mình quay lại ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì cả. Thế mà chỉ vài ba câu trao đổi vu vơ anh ấy đi đến quyết định ngỏ lời với tôi và xin thưa chuyện với gia đình. Anh Hai cười hể hả vì sung sướng còn mẹ tôi thì thở phào như vừa trút một gánh nặng. Nhà đông chị em. Gã được đứa nào mừng đứa đó. Tôi thì chẳng suy nghĩ gì cho xa xôi. Bây giờ đã “hăm” rồi, một hai năm nữ lên “băm” thì là ế. Vả lại, trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn lên phải lấy chồng. Anh Viên… ừ, anh ấy cũng cao ráo hiền lành. Có khối đứa ganh với tôi ra mặt đấy. Mấy cái miệng ác khẩu trong đám bạn bè đã bỉu dài môi ra thì thầm bàn tán:
– Họa sĩ hả? Một chục tên như một, chuyên “làm việc” với người mẫu khỏa thân.
Tôi đỏ bừng mặt, tự nhiên trở nên uyên bác:
– Tranh anh Viên không hề có phụ nữ. Anh ấy theo trường phái trừu tượng.
Mấy cái miệng thoa đủ loại son cùng nhao nhao một lúc:
– Trừu tượng với lại lập thể!
– Ông ấy vẽ cái gì mày có biết không? Làm sao mày biết không có đàn bà?
– Nguy hiểm là ở chỗ đó.
Tôi tối tăm mặt mũi quay sang Quyên cầu cứu nhưng nó bỗng trầm ngâm:
– Ừ nhỉ, làm sao biết? Mà có bức nào ông ấy vẽ mày không?
Nhà văn Ngô Thị Ý Nhi
Tôi chợt ngớ người ra. Chưa bao giờ tôi tìm thấy dáng dấp của mình trong đám tranh xanh đỏ rối rắm của anh cả. Và anh cũng chẳng bao giờ tán tỉnh tôi một câu đại loại như tôi là “nguồn cảm hứng” của anh. Kể ra như vậy thì cũng hơi cải lương nhưng làm người yêu, làm vợ sắp cưới của một họa sĩ mà không để lại một dấu ấn nào thì cũng là điều đáng tủi. Chút ngậm ngùi đó thoáng qua rất nhanh. Vốn không nhiều mơ mộng, cuối cùng tôi cũng bước lên xe hoa về nhà chồng như bao phụ nữ bình thường khác.
Cuộc sống vợ chồng tôi khởi đầu không mấy dễ dàng. Sau một thời gian khổ sở vì chỗ ở chị Tư tôi thương tình cho ở nhờ một căn nhà nhỏ xa trung tâm thành phố. Chị làm ăn ngày một phất nên chẳng nghĩ đến chuyện bán nhà. Cứ giữ đó làm của.
Chồng tôi chỉ là họa sĩ nghiệp dư. Anh chẳng có tiếng tăm nổi đình nổi đám gì trong giới nghệ sĩ. Mỗi tối, với tấm bằng sinh ngữ anh dạy thêm các trung tâm và ban ngày dịch thêm sách báo. Khổ nỗi anh dạy tiếng Pháp nên thù lao rất hạn hẹp. Lớp học cứ lèo tèo một nhóm học viên theo đuổi thứ ngôn ngữ đã gần như lạc hậu này. Tôi bảo anh xem lại đôi chút Anh văn lấy cái bằng B bằng C gì đó rồi kiếm học trò về nhà dạy thêm. Tụi nhỏ đâu cần bao nhiêu chữ nghĩa. Anh lắc đầu, cương quyết lắc đầu. Cứ như làm vậy là xúc phạm nặng nề đến thứ ngôn ngữ anh đã chọn, đã sống chết với nó hết bốn năm trời Đại học. Anh Hai tôi thì luôn gật gù tấm tắc: “Thằng Viên nó phát âm tiếng Tây cứ y như một Parisien thứ thiệt.” Tôi phát cáu. Paris với chẳng Paris. Tôi cần gì cái thành phố quỷ quái đó. Có đem mài ra mà nuôi sống vợ con được không? Tôi ấm ức nói với anh Hai. Anh ấy nghiêm nét mặt hỏi tôi:
– Thế em muốn có một ông chồng hay một cái máy in tiền?
Tôi nhếch môi cười, nụ cười của người phụ nữ vào những ngày cuối tháng:
– In được tiền thì đã phúc.
– Này em, đừng dại dột. Đàn ông nó đã in được tiền thì chỉ có trời mới biết nó sẽ in thêm những thứ gì. Khi đó sáng mắt ra.
Trước khi ra cửa anh còn quay lại nhấn từng tiếng:
– Thằng Viên nó biết cười, nó biết yêu, nó biết sống.
Tôi đành tự an ủi rằng mình may mắn có được một ông chồng “biết sống”, còn chồng thiên hạ thì hầu như đã chết cả rồi. Còn may một điều sau khi cưới vợ anh không còn mê vẽ nữa mà lo đầu tắt mặt tối chạy gạo theo cách của mình. Những mảng màu bí hiểm của anh bị xếp vào một xó đầy mạng nhện giăng dọc giăng ngang. Nhưng hình như nó vẫn chưa chịu tắt hẳn. Thỉnh thoảng tôi lại thấy anh lục tìm đâu đó một bức phủi hết bụi bặm, treo lên tường ngồi trầm ngâm để tâm hồn bay bổng phiêu lưu. Những lần như vậy tôi lại tức tối. Chắc lại hoài niệm tình xưa. Chuyện này là căn bệnh chung của các nhà nghệ sĩ. Ông nào cũng năm bảy cuộc tình nặng nhẹ đậm nhạt khác nhau. Anh Hai đã chẳng bảo anh ấy “biết yêu” là gì! Còn tôi thì không. Tôi đâu có biết yêu. Đúng hơn là tôi chưa kịp yêu thì đã phải lấy chồng. Tôi tầm thường và vô vị. Tôi xa lạ hoàn toàn với các nhân vật trong truyện trong phim. Đã đôi lần tôi tò mò muốn đi vào “cõi riêng tư” của anh nhưng lần nào cũng vậy, anh chặn đứng tôi bằng một nụ cười bí ẩn. Tôi uất ức. Tôi biết thừa đi ba cái lăng nhăng của mấy ông nghệ sĩ. Nhưng tôi cần biết cụ thể anh đã từng không đàng hoàng thế nào? Rồi sao bỗng dưng lại trở thành đàng hoàng? Và… mai mốt có khi nào anh lại hết đàng hoàng không?Tất cả rối rắm lung tung như mớ tranh lớn nhỏ đỏ xanh ngổn ngang trong xó góc nhà tôi. Cái xó góc mỗi lần anh lục lọi là mỗi lần tôi khó chịu. Hóa ra trường phái trừu tượng nguy hiểm thật. Tôi chẳng hiểu mô tê gì ráo. Chẳng thà anh vẽ mặt nào ra mặt đó. Chứ như thế này thì tôi chẳng biết tình địch của tôi có bao nhiêu cô, mặt ngang mày dọc xinh đẹp cỡ nào.
Tiếng búa đập vào tường làm tôi giật mình bừng tỉnh. Bỏ mớ rau đang nhặt dở tôi chạy lên nhà. Giữa mớ tranh lớn nhỏ ngổn ngang chồng tôi đang đứng trên ghế quay lại ngó tôi cười hớn hở:
– Chỗ này mà treo một bức tranh thì tuyệt.
Đoán biết tôi chẳng mặn mà gì mấy với sự nghiệp nghệ thuật của mình anh bước xuống chỉ vào những tác phẩm “không ai hiểu chỉ một mình anh hiểu”:
– Không phải nhà nào cũng có tranh mà treo đâu nhé. Mình cứ chọn một bức…
“Mình cứ chọn”. Thế này là anh đồng ý cho tôi vào “ban giám khảo” rồi. Tôi sà xuống ngồi bệt bên đống tranh cầm bức này lật bức kia. Chẳng cần quái gì kiến thức mỹ thuật. Tôi làm việc rất nhanh và đầy tinh thần khoa học. Liếc qua một cái, bắt anh khai ra tựa đề rồi cứ thế mà quyết. “Chiều không em” hở? Bức này loại ngay từ vòng sơ khảo. “Phố nghiêng”? Cái đề nghe không có cảm tình. Ai làm gì mà nghiêng cả phố? “Giấc mộng đêm hè” có phần nguy hiểm. Có trời mới biết anh mơ thấy gì trong đêm quái quỷ ấy. “Sợi thương” thì chắc ẩn hiện hình bóng “cô ta” rồi. À, bức này coi được đây. Trông có vẻ hắc bạch phân minh. Tôi chúa ghét loại tranh sắc màu quằn quại trông hoa cả mắt. Tựa đề nghe cũng đường được. “Hoài niệm trắng”. Bức tranh chẳng hề có màu trắng nhưng chữ “trắng” làm tôi có cảm tình. Hoài niệm mà trắng thì đâu có gì mà hoài niệm. Tôi gật đầu đồng ý. Anh quay đi, hàng ria mép nhếch lên một nụ cười rồi tự tay treo nó lên tường. Bước lui ba bước anh nheo nheo đôi mắt:
– Đó em xem, Căn phòng sang trọng hẳn ra. Chị Ba ở Mỹ về rồi cũng phục lăn.
Tôi ngẩn người. Lần đầu tiên tôi lờ mờ ý thức được cái giá trị của mỹ thuật. Bức tranh nổi bật lên trên màu vôi vàng mơ mới quét như một khẳng định đầy tự tin và kiêu hãnh. Tôi nhìn quanh. Bộ salon mới tân trang lại màu nâu thẫm phẳng lì sáng bóng. Cái tủ trà nho nhỏ mới mua ly tách lấp lánh bên mấy cánh hoa khô. Tất cả đơn giản thôi mà sao tươm tất ấm áp lạ. Năm nay vợ chồng tôi quyết định ăn tết cho ra tết, tu bổ nhà cửa cho được bằng anh bằng em. Hơn nữa, chị Ba ở Mỹ sắp về lụi xụi quá thì cũng tủi. Nhưng lý do chính đáng hơn cả là tôi có một món tiền kha khá. Tôi gọi đó là “tiền trời cho”. Số là tự dưng chồng tôi xin được việc làm. Chuyện này nằm mơ cũng không thấy được. Tôi những tưởng chẳng có ông giám đốc nào phiêu lưu tuyển nhân viên kiểu “tưng tửng” như chồng tôi. Thế mà chuyện đó có thật. Một tháng rồi hai tháng đem lương về cho vợ. Cũng triệu nọ triệu kia như người ta. Tôi cầm tiền hồi hộp cất riêng ra một chỗ vì biết sẽ không bền. Nhiều lắm là chừng dăm tháng. Thế mà đã gần một năm mọi chuyện suông sẽ, êm xuôi. Tôi vừa mừng vừa lo, quản lý tài sản kỷ càng. Tiền tiêu hàng tháng không dám vượt mức xâm phạm vào khoản “tiền trời cho” đó vì cứ sợ lỡ trời không cho nữa rồi cứ quen nếp ăn xài thì đào đâu ra của. Số tiền này bỏ ra tân trang nhà cửa là hợp lý nhất.
Nhưng việc “cách tân” của vợ chồng tôi không ngừng ở đó. Ngay chiều hôm sau chồng tôi ngắm tới ngắm lui công trình của mình đã quyết định phải có một chậu cây đặt ngay dưới bức tranh mới cân đối. Thế là anh buộc tôi phải tháp tùng anh đến vườn cây cảnh. Chúng tôi lùng sục ba bốn vườn hoa. Túi tiền của tôi cứ nhói lên vì giá cả. Một cái chậu không theo đúng tiêu chuẩn của anh đã mất sáu chục ngàn. Cây trúc Nhật để trồng trong nhà hai chục ngàn nữa. Thêm tiền xe pháo cũng cả trăm ngàn. Nhưng anh chưa chịu vì mấy ngọn trúc vươn cao quá trông không có “thế”. Khi anh chỉ vào cây cọ Nam Mỹ một trăm rưỡi ngàn chưa kể chậu và nấn ná dừng chân ở đó thì trái tim tôi teo lại bằng mút đũa. Tôi kéo anh đi chỗ khác vừa rên rỉ:
– Mình mua cây trúc Nhật cũng được. Nhật Bản hay Nam Mỹ gì cũng là hàng ngoại hết. Với lại Mỹ chắc gì đã hay. Như xe gắn máy người ta chỉ chuộng xe Nhật.
Anh đem cái gọi là thẩm mỹ ra cố gắng giải thích cho tôi:
– Ở vị trí phòng khách nhà mình phải đặt một cây có cái thế thâm thấp lòa xòa. Cây cọ này là hợp nhất.
Tôi chẳng hiểu anh nói gì cả. Hơn hai trăm ngàn cho một chậu cây chỉ để nhìn cho đẹp. Không thể nào chấp nhận được. Con số này ám ảnh hành hạ tôi. Tôi đeo bám theo anh lẵng nhẵng:
– Mua cây trúc Nhật đi anh. Về nhà em cho anh mượn cây kéo cắt may của em, anh cắt cụt quách mấy cái ngọn thế là nó cũng có cái thế thâm thấp lòa xòa.
Không cần trả lời tôi anh bươn bả đi tìm ông chủ vườn quyết định bưng cây cọ Nam Mỹ. Chỉ trong vòng mười lăm phút tôi đã phải ngồi trên xích-lô với túi tiền rỗng tuếch ấm ức thểu não nhìn bốn gốc cây khẳng khiu như bốn cái cẳng gà lún sâu vào chậu đất đen thui phía trên phủ một mớ lá xanh lòa xòa vô nghĩa.
Cây cọ ở với chúng tôi không lâu. Còn hai hôm nữa chị Ba về, sáng hôm đó chưa kịp cầm chổi quét vuông sân bé tẹo trước nhà tôi bỗng thấy cái chậu trắng ai đặt giữa sân. Cái chậu không, y như cái chậu đúng tiêu chuẩn mỹ thuật mà anh đã chọn. Tôi ngơ ngác. Chẳng lẽ nửa đêm ai đó lén mang đến tặng vợ chồng tôi. Mắt tôi bắt gặp mấy đống đất mùn đen vương vãi trên sân giật mình hốt hoảng. Tôi chạy vào phòng khách. Chậu cây không còn ở đó. Tôi kêu trời. Việc này không ai ngoài anh ấy. Trời ạ! Cả trăm ngàn đem ra để giữa sân mời người ta ai mà không lấy. Tôi ca cẩm, tôi rên rỉ. Anh từ trong nhà đi ra lặng thinh chẳng nói gì cả rồi đột ngột buông một câu:
– Tưởng để giữa cươi cho có sương có nắng ai dè mới một bựa hắn dổ mất cơn còn lưa cái chậu.
Tôi im bặt. Anh nói cái gì vậy? Đang cơn nóng giận tôi không tài nào đủ bình tĩnh để lắng nghe và hiểu hết ý nghĩa của mớ thổ ngữ lổn ngổn này. Cái gì mà “cơn… cơn…” Chắc anh bảo tụi xì-ke lên cơn túng tiền làm bậy. Ừ, cứ để tụi nó bẻ khóa leo ra leo vào quen thói rồi thì có ngày nó vô tận nhà cướp của. Rồi thì anh nó cũng giết, tôi nó cũng giết. Lên cơn mà! Tôi uất ức nghĩ vậy nhưng không dám nói. Lần nào cũng vậy, để chấm dứt “cuộc chiến” không cần thiết là anh dùng ngay cái vốn từ ngữ lổn ngổn như cơm trộn ngô khoai. Đây không phải là thứ tiếng Huế sâu lắng trầm tư đầy chất thơ của xứ sở trai thanh gái lịch. Tôi không thể nào nghe thủng được cái chất giọng nặng chình chịch mà anh cố tình đưa ra làm kế đánh hỏa mù. Chỉ chờ tôi trả lời “trật đường ray” thế là anh được dịp tủm tỉm cười thích chí. Như mọi lần tôi đành chấp nhận “lui quân” lòng đầy ấm ức. Tiếc cái chậu không tôi khệ nệ bưng vào nhà đặt dưới bức tranh. Hôm sau đi chợ tôi mua mười cây phát tài cắm vào đó. Cả mười cây như một chục đều tăm tắp nhất loạt chỉa thẳng lên trời như hiên ngang thách đố với tất cả mọi trường phái của ngành mỹ thuật.
Chị Ba ở Mỹ về quê ăn tết kèm theo một mục đích nũa không kém phần quan trọng là xuống Châu Đốc lễ tạ ơn bà Chúa Xứ. Bà đã nhận lời cầu xin của chị cho chị trúng đậm mấy cái áp-phe. Mẹ tôi nghiêm nét mặt quay sang tôi:
– Vợ chồng con Năm không chăm lo lễ bái nên cứ lẹt đẹt hoài. Này con, phải biết đến người khuất mặt khuất mày thì mới ăn nên làm ra được.
Quả tình tôi cũng có lung lay. Lúc trước nghèo kiết xác thì không sao. Nhưng từ khi anh có việc làm đến nay lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ. Công việc lại tốt đẹp đến không ngờ.Tôi không thể tưởng tượng có ngày giám đốc trang bị cho chồng tôi một điện thoại di động để phục vụ công việc.Thế là anh cũng có cái bỏ túi như người ta rồi thỉnh thoảng cũng như người ta rút ra áp một bên tai nói nói cười cười. Hơn tuần lễ sau tôi vẫn ngớ người chiêm ngưỡng hình ảnh đó như không thể tin vào mắt mình. Tôi không tin anh, tôi không tin tôi. Thế là tôi cầu cứu thánh thần che chở. Tôi hỏi chị Ba ngày giờ hành hương thì chị trả lời ngắn gọn và đơn giản: “Chiều thứ bảy đi, chúa nhật về.” Kể cũng khá tiện lợi. Tôi cố gắng thu xếp việc trường, việc nhà. Thế nhưng mọi việc cứ rối tung lên. Mấy bà chị dạy dỗ: “Thỉnh thoảng cũng phải đi đây đi đó chớ. Quăng việc nhà cho thằng Viên nó lo. Mày tệ hại đến mức từ ngày lấy chồng không bước ra khỏi cửa.” Mẹ tôi chép miệng thở dài: “Phận gái mười hai bến nước. Khổ cho con Năm lấy phải thằng chồng người Trung. Cái xứ con vua cháu chúa nó vậy đó.” Tôi không đính chánh nhưng than thầm. Vua chúa gì ông chồng tôi. Mẹ không biết giấy khai sinh ghi rõ ràng anh sinh ở Quảng Lượng, Triệu Phong, Quảng Trị, rồi lưu lạc vào đây. Cái xứ sở nghèo xác nghèo xơ gió nam lào quạt lửa. Nhưng anh ấy vốn thế. Vì quá tài hoa nên chẳng biết làm gì cả. Cầm con dao cắt cọng hành cắt cũng không xong. Biết thân biết phận tôi ẳm cu Tin sang gởi cho mẹ. Phần anh thì chẳng cần nấu nướng gì cả. Ăn đỡ mấy bữa cơm bụi rồi em về. Ở nhà anh tha hồ vẽ. Tôi bảo anh thế trước khi ra đi. Dạo này anh bắt đầu vẽ trở lại mặc tôi nhăn nhó kêu ca. Những hôm rãnh anh cứ ngồi lì trước khung vải tô màu này phết màu kia. Cu Tin thích lắm, cứ sà vào mà nghịch. Thế là một buổi đi chợ về tôi ngao ngán ngó cả hai bố con “nghệ sĩ”. Trên chiếc quần yếm mới mua cu Tin bắt chước bố tha hồ vừa chấm vừa phá lung tung. Xem qua ngó lại thì hình như cả hai bố con cùng một trường phái. Trong khi tôi dẹp giỏ thức ăn sang một bên, vật lộn tẩy rửa cho thằng con thì anh Hai đến chơi. Vẫn lối nói chuyện rôm rã tương đắc như ngày nào. Tôi nghe anh Hai hỏi tựa đề bức tranh. Ông tướng nhà tôi trầm ngâm nheo nheo con mắt rồi bảo:
– Chịu, không thể đặt cho nó một tựa đề nào cả. Thôi thì cứ gọi là bức “vô đề”.
Anh Hai lại đắc ý vỗ vai bạn:
– Hay, thằng này hay!
Tôi ghét nhất là bức “vô đề”. Tại sao lại không chọn nổi cho nó một tựa đề. Ngày ngày tôi thấy nó mất đi một vệt xanh, nhận thêm một vệt đỏ mà mù tịt. Anh tha hồ vùng vẫy trong thế giới bí ẩn cùa anh. Bức tranh hành hạ tôi bằng những sắc màu nổ đom đóm mắt. Còn anh thì cứ tỉnh bơ, thỉnh thoảng lại tủm tỉm một mình thích chí. Hôm nay ở nhà một mình thì cứ gọi là tha hồ quằn quại với mớ hoài niệm hữu hình và vô hình…
Xe ra khỏi thành phố khi trời lờ mờ tối bỏ lại sau lưng những con đường tấp nập ồn ào. Nhà cửa ở đây có vẻ khép kín hơn, trầm lắng hơn hay tại bầu trời chập choạng ngoài kia làm tôi nghĩ vậy. Loáng thoáng ánh đèn hắt ra sau những ô cửa vuông vức bình yên. Tôi chớp mắt nghe cái gì cồn cào rất lạ… Tôi cũng có một ô cửa vuông, một ngọn đèn vàng… Giờ này anh vẫn thường ngồi mãi mê sơn phết trong khi tôi chuẩn bị bữa cơm chiều. Cu Tin chạy tới chạy lui lăng xăng phá phách. Đặt dĩa thức ăn cuối cùng tôi lên tiếng gọi thế là anh bắt đầu thu dọn, tôi bắt đầu nhăn nhó cằn nhằn vì cái sàn nước loang lổ như một bức tranh ngẫu hứng. Còn thằng con, dù đã tẩy rửa kỹ càng nó vẫn rây một vệt màu như cố tình chứng minh cho người khác thấy nó là con nòi họa sĩ. Và giờ anh đã thu xếp đi ăn chưa? Cu Tin ở với ngoại. Cháo mẹ đã nấu sẵn rồi. Con ăn ngoan nhé. Đừng khóc. Khóc lại ho, ho lại ói. Chỉ chiều mai là mẹ về nhà thôi mà. Chiều mai thôi. Tôi chớp mắt, chớp mắt…
Gần tám giờ tối cả đoàn mới kéo nhau ghé vào quán cơm. Tôi lôi thôi, nhếch nhác ỉu xìu như cái bong bóng xì hơi trong khi cả bàn nói cười rôm rã. Hơn nửa tiếng thức ăn vẫn chưa được bưng lên nhưng chẳng ai sốt ruột. Đi chơi mà. Một giờ trưa tôi đúng hẹn có mặt ở nhà chị Tư thế mà đợi người này chờ người kia đến gần ba giờ mới ra khỏi cửa. Rồi nhẫn nha ghé chỗ này, ghé chỗ kia mua chục quýt, vài kí nho và cả mấy bao khăn giấy. Đến cầu Mỹ Thuận còn dừng lại tham quan chụp hình, chỉ trỏ nói cười trầm trồ bình phẩm rồi dung dăng dung dẻ cầm tay nhau tản bộ đón gió từ mặt sông lùa lên lồng lộng. Tôi chẳng còn bụng dạ đâu mà chiêm ngưỡng đất trời…
Dĩa thức ăn đầu tiên được bưng lên với tô cơm nghi ngút khói. Hình như là món gà xào sả ớt. Anh Hai rút đôi đũa cười khoái trá:
– Ăn món này lại nhớ đến thằng Viên. Nó thú thật “chịu” con Năm chỉ vì… gà xào sả ớt.
Cả bàn cười phá lên. Chị Tư nửa đùa nửa thực:
– Đừng ghẹo nó nữa. Bắt đầu nhớ nhà rồi đó.
Chị Ba đẩy chén cơm về phía tôi:
– Tội nghiệp em. Có những ông chồng vậy đó. Cột vợ vào chân giường bắt lo hầu hạ với phục vụ.
Chị Tư hất mặt:
– Con Năm hiền chớ gặp em ấy à… Mà em nói thật ru rú trong nhà chỉ thiệt thân. Đàn ông họ vừa vặn gì. Mình cũng phải biết hưởng chứ.
Út Tân vừa nói vừa nhai:
– Bây giờ anh Năm ở nhà một mình hưởng mới ác.
Cả bàn ăn cười phá lên nhao nhao một lượt;
– Sao không rủ nó theo nhân tiện giữ chồng luôn.
– Nó thích ở nhà vẽ.
– Ông đừng có bênh. “Xưa rồi Diễm”. Họa sĩ mà được tự do là đi thực tế để… tăng thêm vốn sóng.
Chị Ba, vẫn là người chị thương em nhiều nhất:
– Thì mình cũng đang đi thực tế đây. Mà này, sao miền Nam mình chẳng có nơi nào cảnh đẹp cả. Chỉ toàn là sông nước.
Út Tân hăm hở muốn tỏ ra mình đi nhiều biết nhiều:
– Tại chị chưa đến Hà Tiên thăm hòn phụ tử. Đi ca-nô rồi lội vào hang đá thích lắm. Cảnh đẹp tuyệt vời.
– Hà Tiên? Có phải Hà Tiên thập cảnh có Phù Dung tự, có… “áo cưới trước cổng chùa” không?
Anh Hai cao hứng:
– Đúng đó, hay mai trở về mình ghé Hà Tiên đi.
Chị Ba tán thành:
– Đồng ý. Chị cũng muốn ghé thăm ngôi chùa đó. Mà… cái áo cưới còn giữ trong chùa không?
Tôi hốt hoảng:
– Không, em không đi đâu cả. Em về nhà.
Thằng Bảy từ nảy đến giờ cắm cúi ăn buông đũa:
– Ai đưa chị về nhà? Vắng chị, cu Tin đã có mẹ lo, học trò được nghỉ càng thích, anh Viên ở nhà càng phơi phới tuổi xuân. Lâu lâu cũng phải trả tự do cho người ta chứ. Kìm kẹp quá mà.
Chị Tư rút điện thoại di động ra:
– Hay, thằng này mới tí tuổi đầu đã hiểu đời. Đó, Năm, mày gọi cho ông xã đi. Chừng ba bữa nữa về.
Tôi đẩy cái máy ra xa. Thực tình mà nói, tôi cũng không thuộc số máy của chồng. Đã có lần nào tôi sử dụng phương tiện văn minh này đâu. Anh Hai thản nhiên cầm lấy bấm số. Cả bàn yên lặng một phút. Khuôn mặt anh thoáng chút ngạc nhiên:
– Lạ… ngoài vùng phủ sóng.
Anh bấm máy lần nữa rồi đặt xuống lắc đầu. Út Tân chộp lấy bảo anh Hai đọc số nhấn thoăn thoắt. Khuôn mặt nó nghiêm lại ra dáng trịnh trọng;
– Số thuê bao của quý khách đang tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng.
Rồi nó toét miệng cười cùng thằng Bảy song ca:
– Vợ đi vắng… vợ đi vắng… anh đến chơi nhà bạn, í a… Anh cầm cây đàn anh hát, anh cầm cây đàn anh hát…
Anh Hai cố gắng gọi thử lần nữa, lắc đầu nhếch môi:
– Trời ạ! Cái kiểu này thằng Năm nó tính “hát” suốt đêm chắc.
Cả bàn cười phá lên. Chị Tư lên giọng:
– Đã thế thì không cần gọi nữa. Đi bốn năm ngày về cho biết tay.
Tôi tối tăm mặt mũi:
– Không, em về.
Út Tân được thể lại hất mặt lên:
– Ai đưa chị về?
Tôi đẩy ghế chạy ra ngoài. Chẳng biết bằng cách nào tôi xin quá giang được xe nhà của một cặp vợ chồng đang về thành phố. Tựa lưng vào nệm xe tôi thu mình vào bóng tối mặc nước mắt chảy tràn mà không hiểu tại sao mình khóc. Biết thế này thì chẳng phải đi đâu lễ bái. Thánh thần là ở lòng mình. Mới có tí tiền trong tay đã phải lo âu đủ thứ. Cứ nghèo như ngày xưa đã chết ai đâu. Đồng tiền sinh ra… sinh ra… Ừ, làm sao biết anh vẽ gì trong bức “vô đề” đó. Hoài niệm à? “Xưa rồi Diễm”. Nghệ sĩ mà! Tình cũ, tình mới nối nhau đến chết vẫn còn chưa dứt. Còn mình ư? Cái thứ nhạt phèo như mình mà lại đèo bòng lấy chồng họa sĩ. Mình đâu có biết yêu. Yêu phải là cái gì dữ dội lắm, ghê gớm lắm chứ cứ tối ngày cơm nước giặt giũ như mình thì biết quái gì mà yêu. Nhưng không, dứt khoát không thể nào để mất những gì mình đang có. Thiếu nó mình chết mất…
Tôi cố ghìm một tiếng nấc nhỏ dội lên trong lồng ngực. Phía trước xe, người vợ đang ngủ lơ mơ đầu nghiêng một bên tựa nhẹ vào vai chồng. Người đàn ông cầm lái chăm chú. Bờ vai rộng, chiếc cổ cồn thẳng đứng, gáy tóc hớt cao. Tôi nhớ anh, tôi nhớ chồng tôi. Tôi nhớ chiếc áo sơ-mi phẳng lì như thế do chính tay tôi giặt ủi, chính tay tôi sửa lại cho ngay ngắn mỗi khi anh vội vàng đến sở. Vợ chồng nghèo… Lần đầu tiên nghe tin anh phải dự cuộc họp quan trọng tôi đã dấm dúi xấu hổ đến nhà Quyên nhờ nó dạy cách thắt cà-vạt cho chồng. Đặt tay lên cổ áo anh, tôi ngắm nghía tác phẩm của mình rồi đỏ mặt quay đi khi anh nhìn vào mắt tôi mà cười. Không thể nào được. Ừ, thì tôi không biết yêu đấy. Nhưng tôi cấm bất cứ người phụ nữ nào đặt tay lên cổ áo chồng tôi. Tôi cấm bất cứ người phụ nũ nào tháo chiếc cà-vạt tôi từng nâng niu chăm sóc. Tôi cấm… tôi cấm… Chỉ mình tôi thôi, mình tôi biết chiều dài nó đến đâu là vừa với tầm vóc anh, biết sửa thế nào cho nút thắt thật đứng, thật gọn để anh mỉm cười bằng lòng mãn nguyện. Nụ cười đó là của tôi, của tôi cơ mà…
Tôi gục đầu xuống thành ghế trước. Cu Tin đâu? Con ngủ với ngoại có ngoan không? Đêm xa nhà đầu tiên không có mẹ. Ngoại có quạt cho con ngủ không hay lại dùng quạt máy. Chết rồi, mình quên dặn điều này. Nằm quạt máy thế nào cũng sổ mũi, cũng ho. Hồi trưa, bế con đến nhà mẹ, tôi đã dỗ con ngủ say rồi mới lén ra đi. Thức dậy không có tôi cu Tin sẽ khóc. Nước mắt lại tràn ra và lần này tôi không thể ghìm tiếng nấc.
Dừng xe trước hẻm nhà đôi vợ chồng trẻ ái ngại nhìn theo tôi một lúc mới quay xe. Tôi sững người lại khi thấy ánh đèn trong phòng ngủ vẫn sáng. Bây giờ là mấy giờ rồi. Nửa đêm hay đã gần về sáng. Tôi run rẩy đứng trước cửa nhà mình như sắp giở con bài số phận. Không còn sức để gõ cửa, tôi loay hoay, loay hoay một hồi mới sực nhớ mình có chìa khóa riêng. Cánh cửa mở ra, tôi hớt hải bước vào. Một sức mạnh vô hình cuốn tôi đi theo ánh đèn hướng về căn phòng nhỏ. Cánh của mở hé. Tôi tựa vào tường như sắp ngất. Sức mạnh nào đã giúp tôi đẩy cánh cửa khép hờ. Chồng tôi đó. Dưới ánh sáng vàng vọt của cái chụp đèn lụa anh nằm ngủ say, chăn gối lung tung nhàu nát và bên anh là một khuôn mặt thiên thần: thằng cu Tin. Tôi cắn môi quay mặt đi nghe nước mắt thánh thót rơi từng giọt một. Có tôi anh ngủ nhẹ nhàng thoải mái biết bao nhiêu. Tôi vẫn trêu anh có kiểu nằm “dài lưng tốn vải”. Thế mà bây giờ, cái vóc dáng to cao dềnh dàng ấy cứ cố co người lại như muốn vụng về ôm lấy con thơ. Bàn tay sải dài còn cầm hờ chiếc quạt. Những chiếc nan mở xòe ra như một cánh hoa. Thằng cu Tin nép vào bố, nước mắt còn vương trên khuôn mặt lấm lem. Thằng bé đã khóc nhưng cuối cùng đã ngủ thật bình yên. Đôi môi thơ dại thoáng nét cười còn non thơm mùi sữa. Tôi vén màn cúi xuống bên con, vuốt nhẹ mớ tóc tơ phủ vầng trán mịn. Anh bỗng mở bừng mắt ngạc nhiên:
– Em…
Tôi cười như mếu:
– Em vừa về đến…
Anh khẽ khàng ngồi dậy nhìn con rồi bỗng ngập ngừng. Cái ngượng ngùng của những kẻ bị bắt quả tang những gì mình giấu giếm. Tự nhiên tôi cũng đâm ra lúng túng. Tôi loay hoay sửa lại chăn vén lại màn rồi đụng phải một mớ gì bèo nhèo ướt nhẹp dưới chân giường. Mùi khai bốc lên nồng nặc. Thế này thì trhằng bé lại tè ra giường rồi. Bước ra khỏi phòng lại đụng vào một mớ vải khác nằm ngay trước cửa. Tôi cầm lên. Cái áo sơ-mi của anh bê bết nhầy nhụa cháo. Thằnh bé lại khóc, mà đã khóc thì ho, đã ho thì ói… Trên bàn, soong cháo , chén và thìa vứt bừa bãi. Một vệt nhọ nồi kéo vắt ngang đen sì. Rồi đồ chơi, quần áo, hộp sữa, hũ đường… Tôi nhìn giang sơn hai bố con “bài binh bố trận” mà ngao ngán. Kiểu này phải mất hết một sáng chúa nhật dọn dẹp mới mong đâu vào đấy.
Tôi quơ vội soong cháo bước ra, bắt gặp cái máy điện thoại di động đen thui nằm nghênh ngang ngạo nghễ trên bàn làm việc của anh. Tôi cầm lên tò mò lật tới lật lui ngắm nghía. Anh ở đâu bỗng xuất hiện ngó chiếc máy và khuôn mặt ngớ ngẩn của tôi. Hàng ria mép lún phún nhếch lên, anh vác mặt nhìn lên trần tủm tỉm cười với mấy con gián con thằn lằn đuổi nhau ở đó rồi buông gọn lỏn:
– Hết pin.
Tôi buông cái phương tiện văn minh hiện đại kia xuống bàn, cảm thấy máu dồn lên hai gò má nóng bừng bừng. Ngoài nhà, anh lại lôi bức “vô đề” ra đặt ngay ngắn khoanh tay ngắm nghía. Kéo một chiếc ghế thấp, anh ngồi dạng chân, chễm chệ, đường bệ như một hoàng đế ngự trên ngai vàng. Chấm vào bảng màu, bàn tay tài hoa bệt lên khung vải một vệt màu đầy ngẫu hứng rồi lại nheo nheo đôi mắt trầm ngâm suy nghĩ:
– Chừ… đặt đề chi đây hè?.
6/7/2021
Ngô Thị Ý Nhi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...