Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Nguyễn Phan Quế Mai và Tháng tư

Nguyễn Phan Quế Mai
và Tháng tư

Tôi biết đến cái tên Nguyễn Phan Quế Mai qua tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình”. Gặp chị ngoài đời, một người phụ nữ nhỏ nhắn, mỏng manh, chân chất, trái ngược hẳn với các mác Việt kiều phốp pháp, sành điệu như mọi người thường nghĩ. Ấn tượng ấy đã cuốn hút tôi, kéo tôi vào theo cả trong những bài thơ của chị. Những bài thơ mộc mạc, dung dị nhưng đầy sức lôi cuốn.  
Tâm hồn người phụ nữ vốn nhạy cảm, chị lại là một người phụ nữ có cuộc sống ly hương, những cảm nhận tinh tế như được tăng thêm mấy nhịp. Chỉ một nụ hoa, một cơn mưa giao mùa cũng mang lại biết bao cảm xúc. Bài thơ “Tháng Tư” của chị như một minh chứng rõ hơn bao giờ hết.
“Chạm môi vào tháng tư
Giật mình nghe môi tháng tư là nụ hoa gạo đỏ
Những nụ hoa run rẫy gửi nụ hôn về phía chân trời
Không người nhận
Tan tác rơi
Tôi nhặt mang về ủ cho mình giấc mơ màu lửa”
Hai nhà thơ Phạm Phương Lan và Nguyễn Phan Quế Mai
Mở đầu bài thơ, tác giả đã đưa ta vào mê trận của những cảm xúc đối lập, đan xen. Tháng Tư được ví như nụ môi hôn ngọt ngào, thắm đỏ màu hoa gạo. Khái niệm thời gian vốn rất trừu tượng, vô hình đã được tác giả hình tượng hóa một cách cụ thể, tự nhiên đến lạ. Nụ hôn tưởng như ngọt ngào khi tác giả chạm môi vào thángTư phút chốc đã rơi vào “tan tác”, mênh mang. Những nụ hôn gửi “về phía trời xa không người nhận”. Để rồi có một người con gái nhặt nó mang về, “ủ cho mình một giác mơ màu lửa” – giấc mơ ấy sẽ bùng cháy những khát khao, hi vọng.
“Chạm tay vào tháng tư
Thảng thốt khi da thịt tháng Tư là cánh đồng mạ mơn mởn xanh
Lá mạ sắc lẹm cứa tay tôi rỉ máu
Tôi gói mùi thơm dịu dàng vào áo
Ủ làm giấc mơ buồn”
Tháng tư được nhân cách hóa trở thành một người tình mà da thịt “là cánh đồng mạ mơn mởn xanh”. Tháng Tư mang những ký ức tuổi thơ về, để những lần nghịch dại trên đồng lá mạ cứa vào tay chảy máu, cho mùi thơm rơm rạ quyện vương vào vạt áo năm nào. Trái tim vốn nhạy cảm hay tâm hồn đa đoan đã khiến những ký ức ấy thoáng trong trẻo như giọt sương mai lại buồn ngay ở đó. Hương mạ non của ruộng đồng tinh khiết bỗng thành cơn sóng buồn vô cớ trong lòng tác giả:
“Chạm ngực vào tháng Tư
Nhịp tim tháng Tư chênh vênh thở vào ngực tôi lời lang thang của gió
Tôi ủ vào trái tim để ngỏ
Lời tình không men”
Đây là lần thứ ba tác giả “chạm” vào tháng Tư. Cái chạm hoàn toàn mang yếu tố cọ xát, va chạm giữa hai thực thể bằng xương bằng thịt. Cái chạm tưởng như rất thật ấy đã cho tác giả cảm nhận được nhịp tim chênh vênh của tháng Tư. Và thánh Tư đã thở vào ngực chị lời lang thang của gió. Sự tương tác hai chiều trong câu thơ khiến ta cảm thấy tháng Tư như một người tình, một người yêu có cả tâm hồn và thể xác. Nghệ thuật nhân hóa đã đạt đến cao trào. Trái tim tác giả như run lên trước người tình tháng Tư. Lời yêu thương còn để ngỏ cho trái tim ngóng chờ.
“Ngước mắt nhìn lên tháng Tư
Lệ tháng Tư khóc vào mắt tôi bằng giọt mưa mùa đông để quên
Cơn mưa hạ sải chân trên cánh đồng loáng nước
Tôi gói vào tóc ướt
Ủ giấc mơ phiêu bạt về phía trời xa
Tháng tư nở hoa
Bằng những đôi – môi – hoa – gạo – đỏ”
Giờ đây, tháng tư như muốn rời xa bằng những cơm mưa loáng nước. Tác giả không còn chạm vào tháng Tư được nữa mà phải “ngước mắt nhìn”. Tháng Tư, tháng của giao mùa, của những thay đổi mưa – nắng thất thường. Những cơn mưa bất ngờ chợt đến, chợt đi. Và kỳ lạ thay, tác giả không hề hờn trách, mà “…gói vào tóc ướt/ Ủ giấc mơ phiêu bạt về phía trời xa”. Hình ảnh “gói vào tóc ướt” hay gói vào ký ức những cơn mưa trong veo đầu hạ mới thật dịu dàng, nên thơ. Dường như đây là hình ảnh đắt giá, đáng yêu nhất của bài thơ thì phải.
Tháng tư đẹp đẽ, tháng tư hồn nhiên, tháng tư trong veo, tháng tư dỗi hờn như người tình nhỏ, để cho trái tim tác giả thổn thức không nguôi. Những kỷ vật của tháng tư được nâng niu, giữ gìn như báu vật. “Tôi nhặt mang về ủ cho mình giấc mơ màu lửa”, “Ủ làm giấc mơ buồn”, “Tôi ủ vào trái tim để ngỏ”, “Ủ giấc mơ phiêu bạt về phía trời xa”.
Cuộc đời Nguyễn Phan Quế Mai như cánh chim bằng, sải cánh khắp mọi miền năm châu bốn biển. Có lẽ vì thế mà trái tim chị luôn sẵn sàng cho những chuyến miên di. Phải chăng đó là lý do vì sao trái tim ấy luôn thường trực cảm giác sợ phải rời xa, sợ vụt mất những gì yêu dấu. Nên dù chỉ là một cánh hoa rơi, một làn gió thoảng, chút hương mạ non hay những sợi tóc mây đẫm mưa mùa hạ cũng trở thành những kỷ niệm đáng yêu, đáng trân quý vô ngần. Và hơn hết, trong chị, Tháng Tư như một nốt thăng bừng lên trong bản nhạc giao mùa. “Tháng tư nở hoa/ Bằng những đôi – môi – hoa – gạo – đỏ”. Hai câu thơ cuối bài như tiếng reo vui, làm bừng sáng cả bài thơ, gieo vào lòng người đọc cảm xúc trong sáng, lạc quan và tràn đầy hi vọng.
Bài thơ Tháng Tư như một câu chuyện ngôn tình với phong vị lãng mạn. Nó có những nốt trầm, những khúc ca reo vui trong trẻo. Thể thơ tự do cộng với biện pháp tu từ nhân hóa và điệp từ, điệp ngữ được tác giả sử dụng điêu luyện, mang đến cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, tự nhiên như tình yêu vốn dĩ. Suốt cả bài thơ không hề có một dấu câu nào. Phải chăng tác giả cố ý để cho ngôn từ thỏa sức ngân lên những câu hát tự do, bay bổng, vang xa.
20/3/2020
Phạm Phương Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...