Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Nhà văn Cao Duy Thảo và con đường nghệ thuật

Nhà văn Cao Duy Thảo
và con đường nghệ thuật

Nhà văn Cao Duy Thảo sinh năm Nhâm Ngọ (1943) tại Bình Định, hiện sinh sống và viết văn tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa hai nhiệm kỳ (1994 – 2004). Từ truyện ngắn đầu tay (năm 1967) đến nay, ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm bút. Ông đã in 12 tập sách, bao gồm 1 tiểu thuyết, 1 tập thơ, 4 tập truyện ngắn, 4 tập bút ký, 2 tuyển tập truyện ngắn và bút ký.
Nhà văn Cao Duy Thảo
Truyện ngắn
Truyện ngắn là thể loại đầu tay và sở trường, cũng là thể loại làm nên tên tuổi nhà văn Cao Duy Thảo. Từ tập truyện ngắn đầu tiên Im lặng của đá (NXB Văn nghệ giải phóng, 1975) đến nay, ông đã in bốn tập truyện ngắn (Im lặng của đá, Thành phố lúc bình minh (1979), Ngọn đèn (1985), Thời gian (1998) và hai tập tuyển truyện ngắn và bút ký (Xứ bình yên (2001), Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học (2012).
Truyện ngắn của ông gồm hai giai đoạn: trước và sau năm 1975, chủ yếu vẫn là đề tài chiến tranh và người lính. Độ tuổi lên mười, sau Hiệp định Genève, ông được tập kết ra Bắc học tập trong trường học sinh miền Nam. Năm 1966, với tư cách là nhà biên kịch – nhà báo (phóng viên chiến trường), ông trở về miền Nam, hoạt động tại Liên khu V, chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định – quê hương ông… cho đến khi đất nước hoà bình, thống nhất. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời, mà chính tác giả cũng tự nhận định: đánh giặc mười năm đời kiêu hãnh (Về thăm người chị nuôi).
Về đề tài chiến tranh và người lính cách mạng, ông có nhiều truyện nổi tiếng như Thời gian, Ngọn đèn, Chuyện ghi ở gành đá Tân Phú (sau tác giả đổi thành Chuyện ở Tân Phú), Ở một ngả vùng ven,… Bối cảnh của truyện ngắn Cao Duy Thảo thường là miền biển, miền núi, miền đồng bằng ven sông thuộc dải đất Nam Trung Bộ gian khổ, ác liệt trong chiến tranh. Ngoài hình tượng người lính, thì hình tượng người phụ nữ, nhất là người phụ nữ nông dân, phụ nữ miền biển tham gia hoạt động cách mạng đã trở thành hình tượng có sức hút nhất của ngòi bút Cao Duy Thảo.
Truyện Ngọn đèn xoay quanh câu chuyện mẹ con chị Ba bám trụ ở một “xóm cửa” (cửa biển) đã bị bom đạn cày xới, chằng chịt những hố bom. Thằng Hà, con của chị, đêm đêm vẫn thắp sáng một ngọn đèn trên bực cửa sổ với niềm hi vọng anh Ba tập kết ra Bắc, đang công tác trên một đường dây vận tải đường thủy ở Quảng Bình nếu trở về xóm cửa sẽ nhìn thấy ngọn đèn ấy, “ngọn đèn mang tâm tình tha thiết của người vợ và đứa con anh, chong chong như con mắt chờ đợi”. Xây dựng hình tượng người phụ nữ miền biển, tác giả chú ý bước chân của chị, bước chân của những người đi trên cát và bám vào cát: “Chị Ba về đến nhà lúc hừng đông. Đúng như thằng Hà nói, gà canh hai vừa dứt tiếng thì tôi nghe bước chân quen thuộc của chị đi vào ngõ. Và lập tức chị liền bị giữ chân lại đó để trả lời cho hết lượt những câu hỏi tíu tít của hàng xóm về trận đánh hồi khuya. Chị đứng xoạc một chân, cây đòn gánh chống xuống đất, một tay chống nạnh, dõng dạc diễn tả trận đánh bằng một giọng hồ hởi khác thường”.
Những năm đầu sau năm 1975, tác giả vẫn đi theo đề tài chiến tranh nhưng nghiêng hẳn sang khuynh hướng hậu chiến với những trăn trở về nhân phẩm, danh tiết con người với bi kịch của những góc khuất, bi kịch bị nghi ngờ (do hoàn cảnh chiến tranh). Đây cũng là một trong những nguồn cảm hứng của tiểu thuyết Chim bay về núi. Điều đó có nghĩa là, có một sự nhất quán trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn – cảm hứng đậm chất nhân bản. Truyện ngắn Thời gian là tiêu biểu nhất.
Thời gian được sáng tác năm 1983, được Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải Nhì nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, Nhà xuất bản Văn học chọn Thời gian vào Tuyển tập Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1985. Truyện cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học địa phương của tỉnh Khánh Hòa.
Truyện viết về nỗi đau của một người mẹ (bà Chín) có người con trai (Long) mất tích trong chiến tranh. Có nhiều lời đồn hư thực là Long đã chiêu hồi. Hết chiến tranh, suốt bảy, tám năm, người mẹ vẫn âm thầm đi tìm sự thật với một niềm tin là con mình không thể là kẻ phản bội. Người mẹ chỉ có thể ra đi thanh thản sau khi tìm thấy bộ hài cốt liệt sĩ cùng với chiếc đồng hồ Seiko – kỷ vật bà mẹ tặng con khi ra chiến trường. Kỳ lạ thay, “khi tay bà vừa chạm đến cái vật nhỏ tưởng chừng chết lịm vĩnh viễn ấy, chiếc kim giây mảnh mai của chiếc đồng hồ bỗng vụt chạy như một cơ thể sống.”
Cảm hứng đi tìm hạt ngọc trong trẻo trong tâm hồn con người, dù có bị bụi đất và “thời gian” vùi lấp thì vẫn trong ngần, lấp lánh của truyện ngắn Thời gian chứng tỏ nhà văn rất tin vào con người, tin vào những điều tốt đẹp trên đời: Hoa vẫn là hoa ấy/ Như không hề thương đau. (Hoa dáy Ô Loan).
Năm 1998, khi in lại trong tập truyện cùng tên, tác giả có thay đổi cái kết một chút cho “đời” hơn, dựa trên biên tập của Ban giám khảo tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984 khi trao giải Nhì cho tác phẩm. Đó là trong hồi ức của “tôi” (người kể chuyện, cũng là nhân chứng) “vụt nhớ rất rõ ràng chính đêm ấy Long đã cho đồng chí phó đoàn mượn đồng hồ của mình để xem chừng, vì anh phó đoàn là người duy nhất thông thuộc đội hình và nắm được hoạt động của địch ở đây. Hôm đó anh phó đoàn dẫn đầu…”. Vậy là từ một cái kết đóng, khép lại một nỗi oan, tác giả chọn một cái kết mở, hài cốt liệt sĩ đó chưa hẳn là Long. Sự thật mà người mẹ đi tìm vẫn còn đó, hậu quả chiến tranh không phải muốn là giải quyết được ngay. Điều đó cũng có nghĩa là bút pháp đã thay đổi, “tác giả trao lại cho chúng ta – những người đọc – tiếp tục đi tìm…” (Cao Duy Thảo, Tôi viết truyện ngắn Thời gian). Còn hiệu quả nghệ thuật của sự thay đổi này lại tuỳ thuộc vào cảm nhận từng bạn đọc vậy.
Có thể thấy, sau năm 1975, nhất là sau năm 1986, truyện ngắn Cao Duy Thảo vẫn trung thành với đề tài người lính nhưng giờ đây là người lính trong thời kỳ cả nước vừa lao động xây dựng vừa phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Truyện Cỏ chân vịt (1980 – 1999) là một ví dụ. Cỏ chân vịt, tên chữ mà lính ta vẫn gọi là cây trường sinh – “một thứ cỏ có mùi thơm hăng hắc, khó bứt, bẻ không gãy, khi sống trên đất đá một chùm rễ dài, đen đúa tỏa rộng ra xung quanh. Có cảm giác khi đem vứt nó vào nước sôi rồi vớt ra trồng lại, nó vẫn sống bình thường. Đức bảo bỏ vào nước đun sôi cỏ chân vịt sẽ trở nên xanh biếc nở lá nở rễ như một cây sống thực thụ”. Thứ cỏ ấy làm Thư, khi đến nhận nhiệm vụ chính trị viên đại đội đóng quân trên chóp của một vũng biển thuộc tỉnh Bình Định, cảm thấy, cảm nhận rất rõ sức mạnh bất tận của sức lính, sức trẻ, sức mạnh của tình yêu, của sự hoàn lương, sự bao dung,… Hình ảnh kết thúc tác phẩm là hình tượng mang nghĩa và đầy triết mỹ: “Sau cơn mưa, những dải cỏ Chân Vịt (tác giả viết hoa từ “Chân Vịt”) khô quắt chết lịm vào buổi trưa bắt đầu ngu ngơ thức dậy. Mới đó, mặt cỏ đang từ vàng chuyển sang xanh, rồi xanh đậm. Những rẻ cỏ ngả ngớn mở ra các tán lá tròn xoe giống hàng trăm cái vũng xoáy nhỏ xíu nhìn đến rối mắt. Tất cả đều hân hoan sống lại. Chẳng mấy chốc những cây cỏ Chân Vịt tầm thường ít ai để ý bỗng nhất tề đứng thẳng xum xuê, rồi cứ thế, đám cỏ lan đến tận bờ vực, nơi đang có một người lính đứng gác”.
Nếu ở thể loại tiểu thuyết, ngòi bút Cao Duy Thảo tỏ rõ thế mạnh là nghệ thuật xây dựng nhân vật thì ở thể loại truyện ngắn, thành công nhất là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện – tình huống nhận thức và tình huống tâm lý đan cài nhau. Truyện Thời gian là tiêu biểu. Truyện xoay quanh tình huống một người mẹ đau đớn khi đất nước đã im tiếng súng nhưng người con trai không thấy trở về. Tưởng như vậy là đã tột cùng đau đớn, nhưng không, đau đớn hơn là con trai bà bị nghi là đầu hàng, là phản bội. Suốt bảy, tám năm, bà ăn không ngon, ngủ không yên để đi tìm những manh mối dẫu mong manh nhất, mơ hồ nhất. Ngày biết chắc là con hi sinh, thì người mẹ thanh thản về với đất vì con trai, và cả bà nữa, đã được chiêu tuyết.
Truyện ngắn Ở một ngả vùng ven cũng là một tình huống nhận thức. Tác phẩm lấy bối cảnh ngoại ô thị xã Hội An – “một vùng đầm lầy chằng chịt kênh lạch”, “tầm mắt không thể nhìn xa hơn ngoài rặng dừa nước chập chờn trước mặt” – trong chiến tranh. Vì vậy, nếu không có giao liên dẫn đường và không có những chuyến đò ngang thì bộ đội gặp vô vàn khó khăn khi hành quân. Một cô gái giao liên nhỏ nhắn xuất hiện trong đêm, giọng nói lúc nào cũng như reo lên, tiếng cười khanh khách trong trẻo vang lên trong bóng tối vừa có sức gợi cảm, gây tò mò lại vừa có thể làm người khác bực bội. Trên cửa miệng cô thường trực tiếng kêu: “Mẹ ơi!” “gần như trẻ thơ, vừa như cầu cứu lại vừa như vòi vĩnh”, ban đầu có thể làm người đối diện phì cười, nhưng khi cô buột miệng không ít lần trong hành trình thì lại làm người ta tò mò, thậm chí, cả bực mình. Chỉ đến khi tất cả đội hình phải dừng chân trên bờ một con sông rộng, chính tiếng kêu “Mẹ ơi!” của cô gái lại là tín hiệu để mẹ cô xuất hiện cùng chiếc thuyền đưa bộ đội sang sông. Cô gái ấy tên là Thanh, tiếng kêu “mẹ ơi” thơ trẻ, đến cuối truyện lại vỡ oà ra một cảm giác vừa biết ơn vừa thương yêu. À, ra tiếng kêu cửa miệng “mẹ ơi” là vậy!
Tiểu thuyết
Tiểu thuyết Chim bay về núi được hoàn thành năm 2010, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Tác phẩm viết về tài chiến tranh, từ những ghi chép trong sổ tay cất trong ngăn kéo. Đến một lúc, những ghi chép ấy đòi cất tiếng, nhà văn buộc phải viết ra như lời tự nhắc nhủ phải khắc ghi và trả ân nghĩa nhân dân: lon gạo nhân dân viên thuốc nhân dân/ tấm lòng rộng không đủ lời nói hết.(Khu Đông, một đêm).
Nội dung cuốn tiểu thuyết dựa trên câu chuyện có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên dải đất Nam Trung Bộ từ phong trào Đồng Khởi đến trước Tết Mậu Thân (tức là từ năm 1960 đến năm 1968). Nguyên mẫu là chị Ba Minh mà tác giả được gặp năm 2000, khi chị là Giám đốc Sở Thương binh – Xã hội tỉnh Khánh Hoà. Chị Ba Minh trở thành nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết với cái tên là Ngàn, một cô thôn nữ lăn lộn trong phong trào đấu tranh, trải qua nhiều thử thách đã trưởng thành, trở thành cán bộ Khu ủy Khu V. Trong khi nhiều tác giả lấy hình tượng anh bộ đội làm nhân vật trung tâm thì trong Chim bay về núi, nhà văn Cao Duy Thảo chọn lực lượng dân sự (bao gồm cán bộ chính trị, dân quân du kích, dân lành) đánh giặc bằng vũ khí “ba mũi giáp công” (chính trị, quân sự, binh-địch vận) trong các chảo lửa chiến tranh ở Nam Trung Bộ.
Bên cạnh nhân vật chính là cô du kích Ngàn, nhà văn còn xây dựng hình tượng người trí thức (qua nhân vật huyện uỷ viên tên là Trung) và cả văn nghệ sĩ (qua họa sĩ tên Văn Tuấn). Nhân vật Trung xuất thân trong một gia đình điền chủ, Trung đã lấy bằng cử nhân, giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng theo lý tưởng của tuổi trẻ. Khác với kiểu xây dựng nhân vật thường thấy trong tiểu thuyết, truyện ngắn thời chống Mỹ, nhân vật thường tham gia hoạt động cách mạng hoặc gia nhập bộ đội chủ lực là do thù nhà hoà với nợ nước, nhân vật Trung “theo cách mạng vì giác ngộ lý tưởng cao đẹp muốn cứu nước cứu dân của cách mạng, chớ không vì thù riêng”. Vì vậy, Trung được xây dựng với “vóc dáng thư sinh”, cách ăn nói “thẳng ruột ngựa” của “dân có học”, bản lĩnh vượt qua mọi định kiến giai cấp, trung thành với lý tưởng, rồi anh dũng ngã xuống cho lý tưởng.
Còn nhân vật Văn Tuấn là một hoạ sĩ trẻ, vì thế tâm hồn rất mộng mơ, luôn tin vào câu nói của Dostoyevsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Văn Tuấn vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật, xung phong vào chiến trường miền Nam, được phân công về An Nhuệ, quê hương của Ngàn – một vùng quê đang trong thế giằng co tranh chấp dữ dội giữa “ta” và “địch”. Dù đã được dặn dò không được xuống quá cầu Ngòi – ranh giới giữa đất ta và đất địch – nhưng vì quá say mê cảnh đẹp như tranh vẽ nên Văn Tuấn đã “quên mất mình đang ở đâu, quên cả những lời dặn dò” trước đó. Văn Tuấn bị bọn thám báo bắt, nhưng lại “cho hưởng biệt đãi”, cố tình dàn dựng cho những tù nhân cách mạng chứng kiến. Mỗi lần ngồi trong trại giam nguệch ngoạc vẽ vời, Văn Tuấn đã tự bao biện rằng “việc anh làm không gây thương tổn đến ai”. Rồi Văn Tuấn “được trả tự do” ngay chỗ bị bắt để bị mang tiếng là tên chiêu hồi trở về “vẽ địa đồ do thám” cho địch. Sau đó, Văn Tuấn bị lính chư hầu Nam Triều Tiên bắn chết lúc anh tìm đường trở về khu căn cứ trên núi. Văn Tuấn phải trả giá đắt cho sự ngây thơ về chiến tranh, “chàng họa sĩ ấy không biết rằng chiến tranh (nhất là chiến tranh ở Việt Nam) vốn tạo ra lằn ranh về lý tưởng và anh chỉ có thể đứng về một phía” (Cao Duy Thảo, trả lời phỏng vấn của Tập san Áo trắng).
Trung và cả Văn Tuấn đều là nhân vật tư tưởng của tác giả, nhưng nếu Trung là lý tưởng, bản lĩnh vững vàng, can trường thì Tuấn lại là điểm yếu thuộc về tâm hồn nghệ sĩ mà tác giả thấy rằng cần phải cảnh tỉnh để tránh đi những vết xe đổ, tránh những đau thương không đáng có và không nên có. Hai nhân vật như hai mặt của một con người, tốt có xấu có, điểm mạnh có điểm yếu cũng có, tỉnh táo và mơ mộng, lý trí và đam mê,…

So với truyện ngắn, nhà văn Cao Duy Thảo đến với thể loại ký (bút ký, tuỳ bút, ghi chép) muộn hơn. Truyện ngắn đầu tay ra đời trong chiến tranh, vào giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ XX, còn ký thì phải từ sau năm 1975. Điều này, có lẽ cũng có nguyên nhân là do tuổi tác, phần nữa là do ông có điều kiện đi nhiều, chiêm nghiệm nhiều hơn trong hoàn cảnh đất nước hoà bình: dấu trầm luân một thuở đã sang trang. (Làng)
Sắp xếp theo thời gian, Xứ bình yên (truyện và bút ký văn học, 2001), Bút ký văn học (2004), Sóng vỗ mạn thuyền (bút ký, 2012), Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học (2012), Đi nhiều thành đường (tuỳ bút, 2017), Ven cánh rừng ký ức (bút ký, 2018) sẽ dễ dàng nhận thấy: tác phẩm ký của Cao Duy Thảo số lượng không hề ít, nếu không muốn nói là nhiều, thậm chí nhiều hơn cả thể loại truyện ngắn.
Một chuyến đi Nga (Dưới tán lá phong), một lần đi Trung Quốc (Kể chuyện đi Trung Quốc), đi Mỹ (Xứ người), đi Malaysia và Singapore (Theo chân doanh nhân Việt),… được ông ghi lại với nhiều quan sát, liên tưởng, liên hệ tạt ngang rất thú vị, đem đến cho bạn đọc khá nhiều tri thức, kinh nghiệm xuất ngoại, dù không đao to búa lớn, dù viết bằng một giọng văn khá dí dỏm và rất tự nhiên.
Nhiều nhất chính là những bài ký ghi lại kỷ niệm chiến trường (Chiến trường), những chuyến “về nguồn” thăm lại chiến trường xưa, gặp lại nhân dân, nhớ đồng đội cũ, nhất là những đồng đội đã hi sinh (Bạn ở rừng, Ngàn xanh, Ven cánh rừng ký ức, Những người bạn ở chiến khu,…), những lần trở về quê hương gặp lại người thân (Chuyện quê),…
Đọc bút ký-du ký của Cao Duy Thảo, ta bắt gặp một con người nặng ân tình, ân nghĩa. Ông trân trọng sự hi sinh cao cả nhưng thầm lặng; ông cảm động trước cái đẹp của tình người, của sự thuỷ chung, sự trong sáng; ông rung động trước cái đẹp mộc mạc, chân chất của tâm hồn, nhất là tâm hồn của những người nữ. Những dòng văn hồi tưởng về những nghệ sĩ-liệt sĩ như nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, diễn viên múa Phương Thảo thật ngậm ngùi mà trang trọng.
Đi nhiều – quan sát giỏi, ghi nhớ tài – ưa suy tư, suy ngẫm – thích khái quát, triết lý, đó là những phẩm chất của một ngòi bút ký có sức mạnh, sức nặng. Ký Cao Duy Thảo có tất cả những phẩm chất ấy. Chẳng hạn, ông nhớ sâu sắc kỷ niệm năm 1966, đang là biên kịch điện ảnh, đang độ tuổi 23, từ Hà Nội đi vào chiến trường Khu V, một trong những người mà Cao Duy Thảo gặp đầu tiên là nhà văn Chu Cẩm Phong (tên thật là Trần Tiến) – lớn hơn nhà văn Cao Duy Thảo hai tuổi. Chu Cẩm Phong hy sinh tại chiến trường Quảng Nam năm 1971. Chuyến “về nguồn” tại huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) vào tháng 12/2006, về nơi mà Chu Cẩm Phong đã ngã xuống, nhà văn Cao Duy Thảo ngậm ngùi: “Bây giờ Chu Cẩm Phong đã về nằm lại trên đất Hội An quê anh, nhưng nơi anh ngã xuống vẫn còn đây, một bờ tre ngút ngàn và xanh đến nao lòng! Lại nhớ trong Nhật ký chiến tranh, năm 1968 Chu Cẩm Phong về Xuyên Phú thì không thể có bờ tre tươi tốt này. Làng xóm vườn tược khi ấy tất cả đều bị san ủi, bom pháo Mỹ đào xới biến thành bình địa, còn sót lại có chăng chỉ là mấy dề rau muống thả trên hồ nước vốn hình thành từ những hố bom và nó như thể nói lên cái sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.”
Nhà văn Cao Duy Thảo in riêng một cuốn tuỳ bút – Đi nhiều thành đường, trong đó có một bài “đinh”: Cái tôi của Nguyễn Tuân trong văn Tuỳ bút. Ông đọc Nguyễn Tuân khá nhiều và rất kỹ để từ tuỳ bút Nguyễn Tuân, ông khái quát đặc điểm của thể tài, nhân tiện trình bày quan điểm sáng tác tuỳ bút của chính mình. Nhận xét về văn tuỳ bút Nguyễn Tuân: “Bên sau những trang tuỳ bút trước cách mạng của Nguyễn Tuân người ta bắt gặp bóng dáng một con người lịch lãm với nụ cười tỉm. Lịch lãm với cái nghĩa từng trải, hiểu đời, pha chút cười cợt – tâm tính của một con người không chịu hoà hợp với đồng loại, phải mượn văn chương để bày biện thế giới riêng của mình”. Từ đó, nhà văn khái quát: “Văn học, nói chung, nhân tố chủ quan của người viết là không sao tránh khỏi. Nó là sản phẩm tinh thần của con người cụ thể, nó mang dáng dấp và giọng điệu riêng của con người ấy”. Hoặc: “Ta biết, nhu cầu của con người muốn tự bộc lộ mình cũng là nhu cầu của con người ấy muốn tìm thấy mình trong vạn vật xung quanh”. Nâng cao lên, ông muốn ký thác với bạn đọc một tâm thế cần thiết khi đọc tuỳ bút (cả tuỳ bút của ông): “Cái “tôi” của nhà văn trong tác phẩm chính là những biểu tượng khác nhau của con người”.
Nhà văn Hồ Phương nhận xét về bút ký văn học của Cao Duy Thảo như sau: “Có thể nói ngay, hai  phần (du ký và đời sống người lính) là hai phần tôi thích nhất, hai phần lấp lánh khá rõ sắc màu tài hoa của ngòi bút Cao Duy Thảo. Về du ký, tôi cũng như nhiều bạn đọc đã từng được đọc không ít bài, thậm chí cả quyển những ký sự đi Tây, đi Mỹ, đi Trung Hoa, đi Ấn Độ,… của nhiều cây bút tài hoa lớn, tài hoa bé, kể cả những nhà khoa học, những nhà kinh tế… có điều kiện ra ngoại quốc hứng lên cũng cầm bút. Nhưng khi đọc ký của Cao Duy Thảo ở đây vẫn thấy hấp dẫn, không phải bỏ dở bất cứ trang nào, thậm chí dòng nào, mặc dầu chuyện Nga, chuyện Trung Hoa… biết cả rồi. Cái hấp dẫn ở đây, của Cao Duy Thảo, không phải là ở chuyện này thú vị, cảnh kia đặc sắc, mà cái chính là những nhận xét cứ tưởng như rất nhỏ và hết sức tự nhiên của anh, nhưng té ra rất có duyên và nhất là rất tế nhị, hàm súc. Cao Duy Thảo đã tỏ rõ là một cây bút kể chuyện rất phóng khoáng, rất tự nhiên và rất có duyên và ý nhị. Có lẽ với thể ký, điều này thật là quan trọng”.
Thơ ca
Công bằng mà đánh giá, thơ không phải là thế mạnh của ngòi bút Cao Duy Thảo. Bởi vậy, khi nói nhà văn Cao Duy Thảo có sáng tác thơ, nhiều người không giấu được sự ngạc nhiên. Ông làm thơ không nhiều (chỉ có một tập, Cảm ơn mùa xuân, NXB Đà Nẵng, 1998). Ông không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nên không đặt nặng yêu cầu sáng tạo về bút pháp. Cũng giống như những nhà văn chuyên nghiệp khác, khi cầm tạo tác thì ông chọn ngay văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tản văn,…) nhưng thơ sẽ hiện diện, sẽ bầu bạn khi ông có điều muốn “nói thầm”, muốn giãi bày tâm tư, suy tư một cách trầm tư nhất.
Khi “không đủ lời để nói cùng nhau” (Quy Nhơn), tác giả chọn cách nói bằng thơ. Khi hồi tưởng dâng trào, thơ cũng có mặt: Những triền núi ta qua/ giấu tình yêu không nói/ rừng âm vang tiếng gọi/ đồng bằng/ trưa nay/  tôi đến với sông/  tự nhiên và hồn hậu/  chẳng biết nói sao khi nước ùa vào lòng./ (Sông)
Khi cần khái quát có tính sử thi, tác giả cũng gửi gắm qua thơ: những ngón tay xòe bám dốc Trường Sơn/ sống như vòi nước xối/ (Sông)
Khi cần tổng kết về chính mình – cuộc đời và công việc, tình yêu cuộc sống và tình yêu văn chương – tác giả cũng vịn câu thơ: đời chiến khu và đời trang sách/sức sống nào cũng bền lâu/ (Gửi bạn).
Nghệ thuật sáng tạo ngôn từ
Sáng tạo văn học, với số đông, là nhu cầu tự thân; với nhiều người là công việc, là nhiệm vụ. Sáng tạo văn học với nhà văn Cao Duy Thảo có đủ hai động cơ ấy. Đang là biên kịch điện ảnh, nhưng “vô duyên với điện ảnh, vì ở chiến trường, một anh biên kịch chẳng là gì cả, anh ta chẳng làm được gì khi người quay phim chủ yếu ghi tư liệu và hoạt động hoàn toàn độc lập. Có thể vì lẽ đó mà tôi nhanh chóng được chuyển sang cơ quan Tiểu ban Văn nghệ”. Vậy là ông cầm bút, thoắt cái, đã 55 năm, với 12 tập sách. Viết văn lúc bấy giờ là nhiệm vụ, viết văn bây giờ là nhu cầu tự thân: muốn cất lời nói với mai sau.(Lên vùng cao)
Ông viết rất kỹ, viết cẩn trọng, trăn trở từng con chữ một, đúng nghĩa là “lao động với chữ”. Ông là người giỏi ngôn ngữ với một kho ngôn từ văn học trong sáng, phong phú, rất đời nhưng cũng rất thơ. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay, tập Im lặng của đá, chữ-nghĩa của nhà văn Cao Duy Thảo đã rất dày: “dừa xanh nghít một màu”, “đứng nhấp nhỉnh đến vai tôi rồi”, “mặt chị đỏ rựng lên”, “trả lời tránh trớ”,… (Ngọn đèn). Trong Ở một ngả vùng ven, cảnh “dải nước chân mực” trở đi trở lại: “Hình như phía ấy có một con sông, chúng tôi nghe rõ tiếng rào rào của con nước lên và nhìn thấy cái vệt trăng trắng chân mực bò loang trên lớp cỏ chỉ của cánh đồng.” Có thể nói, nhà văn đã dụng tâm tạo ra “dải nước chân mực” làm biểu tượng cho sức sống bám trụ thầm lặng mà mãnh liệt của nhân dân, của con người.
Tiểu thuyết Chim bay về núi có rất nhiều những sáng tạo ngôn từ đậm phương ngữ Nam Trung Bộ: “mùi bùn, mùi lúa chín phả lên ngờm ngợp, nồng nàn”, “trật nón ra quạt”, “khóc như mưa bấc”, “ngồi dựa nghỉnh trên ghế”, “lui bui nhiều công chuyện”, “một người đàn bà sồn sồn”, “cười tở mở”,…
Bút ký Cao Duy Thảo cũng là cả một kho ngôn ngữ sinh động, thú vị. Một đoạn ngăn ngắn mà ăm ắp sáng tạo ngôn từ: “Hai chiếc Oát hai cầu bám đuôi nhau nhảy chồm chồm qua những sống đá mấp mô, ngoặt phải ngoặt trái, có lúc lao xuống một lòng suối ràng rịt những rễ cây rồi gầm gừ bò lên. Mặc, tất cả chúng tôi cắn răng điu cứng vào thành xe chịu trận. Mà không vậy còn biết phải làm gì?” (Ngàn xanh)
Trong Cái “tôi” của Nguyễn Tuân trong văn Tuỳ bút, nhà văn Cao Duy Thảo đúc kết và đề xuất: “Sáng tạo ngôn ngữ là công việc hệ trọng gần như đồng thời với tư duy, để cụ thể hoá sáng tác và truyền đạt cái sức mạnh của sáng tác (Nhân tiện tôi xin mở ngoặc: Việc sáng tạo ngôn ngữ hay vấn đề xây dựng tiếng nói dân tộc của nhà văn, nếu nhìn theo phương diện xã hội, thì công lao ấy cũng phải được sánh ngang với bất cứ thứ công lao nào khác).
Thay cho lời kết
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định về Thời gian – tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Cao Duy Thảo, nhưng có thể xem đó là một nhận định công tâm về phong cách Cao Duy Thảo: “Tôi đọc Thời gian đã ba mươi năm, đến nay vẫn còn mãi ấn tượng. Truyện ngắn này rất tiêu biểu cho lối viết của Cao Duy Thảo: không cố ý tạo ra những tìm tòi đột phá về kỹ thuật, cũng không cố tình bố trí những “thắt nút”, “cao trào”, “cởi nút”… khéo léo, gay cấn; một lối kể chuyện đều đều, từ tốn, với rất nhiều chi tiết cụ thể, gây cảm giác hoàn toàn là chuyện thật… Cuối cùng một chi tiết rất nhỏ, giấu trong những chi tiết khác, bỗng phá vỡ tất cả cái dòng chảy hầu như tầm thường đến nhàm chán kia, và ta bỗng nhận ra: vậy đó, đằng sau cái bằng phẳng êm ả hằng ngày, là những bi kịch của con người, vừa sâu thẳm, đau đớn lắm, vừa nhân hậu biết bao, mà người cầm bút tinh tế nhỏ nhẹ phát hiện cho ta.
Đấy là cái tài riêng của Cao Duy Thảo, tạo một giọng riêng, như một vầng sáng nhỏ, khiêm nhường, soi cho ta một góc khuất lặng của cuộc sống ngổn ngang mà ta thường vô tư bỏ qua.” (Trích bìa 4 Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học)
Trả lời câu hỏi về những dự định trước mắt, dù đã bước qua tuổi bát thập, nhà văn Cao Duy Thảo vẫn đặt yêu cầu sáng tạo, đổi mới lên hàng đầu. Với bản tính rất thận trọng và điềm tĩnh, ông thổ lộ khá dè dặt: “Viết như cũ không còn thấy hứng thú, mà muốn khác đi chưa chắc vượt nổi chính mình”. Muốn làm khác là nhu cầu chính đáng của những nhà văn chân chính. Nhưng giữ vững phong cách độc đáo, đã định hình cũng là điều đáng ngưỡng mộ vậy. Chúc con đường sáng tạo của nhà văn Cao Duy Thảo tiếp tục thêm nhiều tán cổ thụ xanh tươi để làm nên một “ngàn xanh” trên sườn non văn học Khánh Hòa - Miền Trung!.
16/5/2022
Chế Diễm Trâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...