Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Nhà văn Thanh Châu sống và viết

Nhà văn Thanh Châu sống và viết

Nhà văn Thanh Châu có một chỗ đứng không thể thiếu trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà văn Thanh Châu
Nhà văn Thanh Châu được xem là một hiện tượng bất bình thường trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một nhà văn, nhà báo đã nổi tiếng từ giai đoạn trước 1945 với hàng loạt các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết gây xôn xao văn đàn lúc bấy giờ. Ông là tác giả “đầu trò” của vụ Hai sắc hoa ti-gôn và T. T.Kh – một nghi án văn chương đã đi vào bất tử. Sau 1945, ông đi theo kháng chiến và cầm bút phụng sự cách mạng. Nhưng khoảng những năm giáp ranh hai thập kỷ 50-60, khi đang làm ở báo Văn nghệ, ông lại xin về hưu sớm, lúc mới chừng 55-56 tuổi. Sau đó, người ta thấy ông hầu như vắng bóng trên văn đàn. Thỉnh thoảng, năm thì mười họa ông có viết đôi cái, chưa đủ cho người của thời này nhắc nhớ đến ông. Về cơ bản, sự nghiệp văn chương của nhà văn Thanh Châu từ sau 1954 trở đi bị rơi vào im lặng, gần như bị bỏ quên. Xin nói ngay để tránh hiểu lầm: không phải do tổ chức nào quên, hoặc ai đó cố tình quên, mà chủ yếu do bạn đọc quên, đời sống văn học quên với nhiều lý do khác nhau. Và trong câu chuyện này, bạn đọc cũng không có lỗi…
Có thể hình dung cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Thanh Châu được chia làm hai chặng lớn: chặng trước 1945 và chặng sau 1945.
Theo như tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, tác phẩm sớm nhất của Thanh Châu là thơ chứ không phải là truyện ngắn. Ông đã từng đăng bài thơ Lá run trên tờ Phong hóa của nhóm Tự lực văn đoàn, số 66, ra ngày thứ Sáu, 29/9/1933. Sau đó, năm 1934, nhà văn cho đăng truyện ngắn Trong bóng tối trên tờ Trung Bắc Tân văn(1) – tờ báo do nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Kể từ đó, Thanh Châu cộng tác chặt chẽ với tờ Trung Bắc Tân văn (TBTV), và cho đăng liên tục các truyện ngắn ở tờ này. Riêng trong năm 1936, theo thống kê trên những gì sưu tầm được, ít nhất nhà văn Thanh Châu cho đăng 13 truyện trên tờ TBTV.
Bắt đầu năm 1937, nhà văn Thanh Châu chuyển sang cộng tác cho tờ Phổ thông bán nguyệt san (PTBNS)(2), một ấn phẩm của nhà Tân Dân do ông Vũ Đình Long làm chủ bút. Truyện ngắn đầu tiên nhà văn Thanh Châu cho đăng ở tờ báo này là Hoa ti-gôn, và sau đấy xuất hiện nhà thơ T. T.Kh của bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và mấy bài thơ khác như một nỗi bí ẩn đẹp đẽ mang tinh thần lãng mạn. Cũng không hiểu lý do vì sao, từ bấy trở đi, tuyệt nhiên không thấy Thanh Châu cho đăng tác phẩm ở TBTV nữa. Ông chuyển hẳn sang viết cho PTBNS và Tiểu thuyết thứ bảy (TTTB). Theo chính tác giả trong bài viết Mười năm với tiểu thuyết thứ bảy (xem trong sách này), thì từ năm 1934, năm Tiểu thuyết thứ bảy ra đời, ông đã chính thức cộng tác với nhà Tân Dân cho đến tận 1943. Lại theo hồi ký Vũ Bằng trong Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Thanh Châu là cộng tác viên thân thiết của tờ báo này, lại là bạn thân của Vũ Bằng, có nhiều ý tưởng gợi ý cho Vũ Bằng và ông Vũ Đình Long phát triển tờ báo(3). Như vậy, bắt đầu từ 1937, nhà văn Thanh Châu chính thức thôi không cộng tác cho TBTV nữa, mà chuyển hẳn sang cộng tác cho PTBNS và TTTB. Phần lớn những truyện ngắn, tiểu thuyết hay nhất của Thanh Châu đều đăng ở hai ấn phẩm báo chí kể trên. Cũng phải thôi, những năm đầu tiên mới vào nghề, những cái viết chưa phải đã già tay. Từ 1937 trở đi, nhà văn Thanh Châu viết nhiều, viết khỏe, và tay nghề vững lên trông thấy. Có thể kể đến một số tác phẩm đặc sắc gồm các truyện ngắn như: Hoa ti-gôn, Lớp cuối cùng, Vườn chanh, Nhớ quê, Cái ngõ tối; các tiểu thuyết: Tà áo lụa, Bóng dáng xưa, Cùng một ánh trăng. Tất cả đều cho đăng trên TTTB.
Có thể nói, giai đoạn những năm trước 1945 của nhà văn Thanh Châu đúng là một thời “vang bóng”. Ông đã có những đóng góp thực sự vào nền văn học lúc bấy giờ với những thành tựu đáng kể. Tên tuổi của nhà văn đã được xác lập ngay từ giai đoạn này.
Giai đoạn sau 1945 của nhà văn Thanh Châu được tính từ lúc ông đi theo cách mạng cho đến khi ông mất: năm 2007. Nhìn vào quãng thời gian này, ai đó thấy có vẻ hơi kéo dài, có điều gì đó bất bình thường. Nhưng xin thưa: không. Căn cứ vào hoạt động văn học của ông, việc phân chia ra làm hai giai đoạn như vậy là thích hợp. Số là, từ sau 1945 trở đi ông viết không nhiều. Số lượng những cái viết của ông đếm không hết những đốt ngón tay trên một bàn tay. Dĩ nhiên, văn chương không nên tính theo số lượng. Nhưng vẫn phải thành thực mà nói: bao nhiêu anh hoa của nhà văn đã có vẻ như “tiêu hoang” gần hết cho giai đoạn trước rồi. Đến giai đoạn này, ông viết vài cái phóng sự, bút ký trong tư cách nhà báo, vài cái hồi ức kỷ niệm, dịch một vở kịch, viết một truyện ngắn. Thế thôi.
Nhìn vào thực tế này, không ít người thắc mắc tại sao giai đoạn sau này nhà văn lại ít viết như vậy? Trong khi đó, trước 1945, nhà văn Thanh Châu là người được coi là viết khỏe, viết dễ dàng. Và trên thực tế lúc bấy giờ, ông đã có một số lượng truyện ngắn và tiểu thuyết đáng nể. Sinh thời lúc nhà văn còn sống, tôi cũng đã từng có lúc hỏi ông như vậy. Nhưng thường thì ông không trả lời trực diện. Căn cứ vào nhiều lần nói chuyện, chắp nhặt những mẩu chuyện đây đó của ông, kết hợp với việc đọc tài liệu, thì có thể có mấy lý do:
Thứ nhất, hiện thực đời sống từ những năm 1945 trở đi thay đổi nhanh quá so với thời trước đó. Mọi sự thay đổi bao giờ cũng có tính chất phức tạp. Nó không chỉ có những điều như ta mong, mà có cả những điều không mong. Nhìn vào hàng loạt các nhà văn nhà thơ của giai đoạn trước 1945 đi theo cách mạng và kháng chiến, số chuyển đổi ngòi bút viết kịp thời mau lẹ về cuộc sống mới không có nhiều, và số thành công ngay lập tức thì hầu như không có. Mỗi nhà văn trước một hiện thực mới, khả năng thức thời, khả năng chuyển đổi tương thích không giống nhau. Ở đây chưa bàn đến lập trường – thứ mà người ta dễ quy kết nhất – mà chỉ bàn về cảm quan của người cầm bút. Cùng là trước hiện thực cách mạng sau 1945, Xuân Diệu là người nồng nhiệt đến mức vồ vập với cách mạng, với kháng chiến. Ngay trong những ngày Cách mạng tháng Tám đã có Ngọn quốc kỳ (1945), Hội nghị non sông (1945). Trong khi đó, những bài thơ đầu tiên của Chế Lan Viên sau cách mạng được làm vào năm 1952, tức là sau đó đến 7 năm, được in trong tập Gửi các anh (1954). Nhìn sang bên văn xuôi thấy rõ hơn: hầu hết các nhà văn phải bắt đầu từ quãng 1948 trở đi mới bắt đầu viết trở lại, mà cũng chưa có những thành công đáng kể như sau này. Tiêu biểu như Nam Cao chẳng hạn, viết Đôi mắt năm 1948; Nguyễn Huy Tưởng viết vở kịch Những người ở lại (1948); Tô Hoài viết Núi cứu quốc (tập truyện) cũng vào năm 1948… Tuy nhiên, các cây bút này cũng chỉ bỡ ngỡ mất vài năm, sau đó nhập cuộc khá nhuần nhuyễn với văn nghệ kháng chiến. Riêng ngòi bút Thanh Châu là một trường hợp chậm thích nghi với đời sống mới. Cái nhanh, chậm trước hết tùy thuộc vào tạng của mỗi người.
Thứ hai, hiện thực cuộc sống thay đổi không nên hiểu chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài. Đối với mỗi nhà văn, nó có thể kéo theo sự thay đổi cả vùng thẩm mỹ. Có người giữ được vùng thẩm mỹ nhất quán, có người không. Nam Cao chuyên chú vào vấn đề nhân cách con người. Đi theo kháng chiến, tuy hiện thực cuộc sống đã mới hẳn, nhưng vấn đề nhân cách con người vẫn được tiếp tục đặt ra. Thế cho nên Nam Cao có ngay Đôi mắt. Đối với Thanh Châu, vùng thẩm mỹ của ông trước Cách mạng tháng Tám về cơ bản tập trung vào cuộc sống tinh thần của tầng lớp thị dân đô thị với tất cả tính chất phong phú và phức tạp của nó. Và công chúng độc giả mà ông hướng tới (trên thực tế là ông đã có được) chính là tầng lớp thị dân đô thị đông đảo lúc bấy giờ. Khi cuộc kháng chiến xảy ra, đương nhiên cái vùng thẩm mỹ quen thuộc đó đã bị tan vỡ. Nhà văn Thanh Châu không kịp trở tay. Hoặc ông cũng không muốn trở tay. Một người đã từng viết những áng văn nhuốm màu lãng mạn và nghiêng về chủ nghĩa duy mỹ như Hoa ti-gôn, Vườn chanh, Tà áo lụa, Cùng một ánh trăng… không dễ gì nhập vào nền văn nghệ kháng chiến mà công chúng của nó phần lớn là tầng lớp công nông binh. Ông cũng đã cố gắng nhập cuộc, cũng đã viết mấy cái ký, phóng sự, nhưng chưa thể nói là đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của kháng chiến đối với mỗi văn nghệ sĩ.
Lý do cuối cùng, vào những năm 1958-1960 ông mang tâm trạng bất hòa đối với cung cách lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ. Ông không phải là người theo cánh Nhân văn. Sau khi ông cho đăng phóng sự Mua hàng mậu dịch (1956), ông chịu nhiều lời dị nghị. Ông cảm thấy mệt mỏi, thấy có điều gì không ổn trong đời sống văn nghệ, nên ông đã chủ động xin nghỉ hưu sớm. Như các nhà thi sĩ đời xưa, ông đã tìm cách lánh đời, bảo toàn danh tiết.
Dĩ nhiên, ông cũng chưa triệt để đi theo lựa chọn này như cái cách thế tồn tại của nhà nghiên cứu Trương Tửu, hoặc nhà văn Kim Lân (sau khi in truyện Con chó xấu xí). Thỉnh thoảng ông vẫn viết vài ba cái, tuy rất ít thôi. Viết như một sự nhớ nghề. Cái viết cuối cùng của ông, ở thể loại truyện là Từ Thức (1995), ở hồi ký là Chặng đường làm báo thời Pháp thuộc – Từ những bài báo đầu tiên (1997). Với số lượng quá ít ỏi như vậy, lúc này ngòi bút Thanh Châu đã không còn đủ mạnh để giành lấy độc giả về phía mình như giai đoạn trước 1945 ông đã từng có một cách huy hoàng.
Về giá trị tư tưởng, nghệ thuật và phong cách của nhà văn Thanh Châu tôi đã có bài viết khá kỹ Thanh Châu – nhà văn “Chuyên kể đẹp chuyện đời” (có trong tuyển tập này). Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh mấy điểm có tính chất khái quát nhất để bạn đọc dễ hình dung về những đóng góp đặc sắc của nhà văn Thanh Châu trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Thứ nhất, nhìn một cách tổng quát, văn của nhà văn Thanh Châu thuộc về xu hướng văn chương trữ tình lãng mạn. Nó được thể hiện khá nhất quán ở mấy điểm: chuyên quan tâm và miêu tả thế giới nhân vật ở phương diện nội tâm; thế giới nhân vật phần lớn là những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản thành thị, trong đó nhiều hơn cả là lớp người nghệ sĩ (họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, diễn viên… ) hoặc các cô gái dáng dấp tiểu thư khuê các được học hành và cung cách sống theo lối Tây; đề tài phần lớn là những câu chuyện thuộc về tình yêu trai gái với đủ các cung bậc của khổ đau và hạnh phúc; cách miêu tả tâm trạng nghiêng về hồi cố; lời văn đẹp với giọng điệu trữ tình, giàu chất thơ, nhiều hình ảnh mĩ lệ, ngôn từ tinh tế… Tất cả những điều này về cơ bản khác hẳn với văn chương của trào lưu hiện thực, nơi mà các nghệ sĩ cố nắm bắt và miêu tả đời sống như nó vốn có với mục đích phê phán và cải tạo xã hội. Cũng xin nói thêm, tuy không đi theo khuynh hướng hiện thực, nhưng trong hồn văn Thanh Châu, cảm quan hiện thực đôi khi cũng khá mạnh và chi phối vào một số truyện của ông. Cũng có cảnh lầm than, đói khổ như các truyện Ngày sinh nhật, Rước xuân vào, Quạnh hiu… Tuy nhiên kiểu truyện như thế này chiếm số lượng không nhiều.
Có một điểm đáng chú ý ở đây: phần lớn các nhà văn viết cho Tiểu thuyết thứ bảy của nhà Tân Dân như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nam Cao… đều là các nhà văn hiện thực. Tuy nhiên, trên tờ báo này, họ cũng chấp nhận những tác phẩm của các tác giả có khuynh hướng lãng mạn, thí dụ như Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, Thanh Châu, Thâm Tâm… chẳng hạn. Chủ trương của ông chủ bút Vũ Đình Long khi sáng lập ra tờ báo này (và một số phụ bản khác) nhằm hướng tới công chúng bạn đọc bình dân đô thị (hơi khác một chút với Ngày nay của Tự lực văn đoàn, hướng chủ yếu vào thanh niên trí thức Tây học đô thị). Chính vì thế, nếu chỉ xét về sự đa dạng của lối viết, của tác giả và công chúng tiếp nhận, Tiểu thuyết thứ bảy thực sự hơn hẳn Ngày nay.
Thứ hai, về mặt quan niệm thẩm mỹ, đồng thời cũng là quan niệm nghệ thuật của nhà văn Thanh Châu, có thể thấy người nghệ sĩ này đã nhất quán trong một tinh thần coi Cái Đẹp chính là vẻ đẹp tâm hồn sang quý ở con người. Thế giới nhân vật của Thanh Châu khá đa dạng: nhiều đẳng cấp người khác nhau (giàu nghèo, con nhà tiểu tư sản, con nhà lao động; người trí thức, người làm thuê…); với những không gian và hoàn cảnh khác nhau: phố xá, khu du lịch, nơi bãi biển, vùng thôn quê, trang ấp… Tất cả các nhân vật đó đều toát lên một đời sống tinh thần tinh tế, giàu có, biết coi trọng và chăm sóc thế giới nội tâm, biết lắng nghe và giao cảm với thế giới bên ngoài. Tâm hồn các nhân vật trong cách biểu đạt của nhà văn đều toát lên vẻ sang quý đáng trọng, đáng yêu. Nhà văn Thanh Châu ít có hứng thú miêu tả kiếp sống mưu sinh mà thường tập trung vào những diễn biến nội tâm của con người. Ở đó, con người bộc lộ niềm yêu sống, khát vọng sống, hoặc những phút giây cố gắng đến tuyệt vọng giành giật lấy sự sống từ bàn tay của tử thần. Ở đó, niềm yêu sống và khát sống còn tràn ra cả những loài hoa cỏ thảo mộc, côn trùng, vũ trụ… Những truyện như Lớp cuối cùng, Vườn chanh, Tà áo lụa, Cái ngõ tối, Cùng một ánh trăng… đều nhiệt thành biểu đạt niềm khát sống của con người và tạo vật như vậy. Rõ ràng, văn Thanh Châu đã biểu đạt thật xuất sắc tình yêu sự sống của con người. Đó là giá trị nhân văn phổ quát mà văn chương của ông đã tới được. Nhờ thế, một số tác phẩm của Thanh Châu có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.
Thứ ba, lối viết truyện của ông khá đa dạng. Trước nhất nói về thể loại, ông viết cả tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn. Có một số truyện của ông khá dài so với dung lượng truyện ngắn thông thường, tạm gọi là truyện vừa: mấy truyện viết cho thiếu nhi như Cún số 5, Vàng, Thấy chim hồng nhạn bay đi. Một số tác phẩm được xếp vào tiểu thuyết như: Cái ngõ tối, Tà áo lụa, Cùng một ánh trăng. Riêng tiểu thuyết, Thanh Châu viết cũng không quá dài, cái dầy dặn nhất cũng già trăm trang in. Sinh thời, trong một lần trò chuyện, ông nói với tôi: truyện ngắn của phương Tây thường rất gọn, đã là truyện ngắn thì tiêu chuẩn đầu tiên phải ngắn đã; vì thế nếu đã viết truyện ngắn, cần rất cô đúc. Nếu nhìn kỹ vào các tác phẩm của Thanh Châu, có một điểm khá nhất quán: ông không sa vào kể sự, tức là không ham dựng chuyện, dựng đường dây sự kiện biến cố; nếu có một vài sự gì đó xảy ra cũng thường chỉ là cái cớ để nhân vật bộc lộ tâm trạng. Chính điều đó quy định dung lượng đạt đến độ ngắn gọn, cô đúc. Thêm nữa, nếu xét về bút pháp, có thể nói phần lớn truyện của ông là truyện tâm tình. Tiểu thuyết của ông cũng là tiểu thuyết tâm trạng. Ngoài một số ít truyện viết theo cảm quan hiện thực như đã dẫn trên kia, ông có viết một vài cái truyện theo tinh thần humour hóm hỉnh như: Ba hôm mưa bão, Tri kỷ. Những truyện này cũng có cái thú vị nhất định. Nó góp phần làm nên sự đa dạng. Tuy nhiên, vẫn phải thấy sự nhất quán ở nhà văn Thanh Châu: một cây bút trữ tình lãng mạn từ trong cốt tủy. Ngòi bút này cứ lặng lẽ đào vào những gì tế vi nhất của tâm hồn nhân vật. Điều đó làm nên sức quyến rũ trong văn Thanh Châu.
Điểm cuối cùng, không thể không nói đến vẻ đẹp ngôn ngữ trong văn Thanh Châu. Như chúng ta đã thấy, câu văn và ngôn từ của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1932-1945 so với giai đoạn trước 1930 đã có sự tiến bộ vượt trội. Nó chấm dứt câu văn biền ngẫu. Nó chấm dứt các điển tích điển cố. Nó đoạn tuyệt với những hình ảnh mang tính ước lệ của văn chương trung đại. Giờ đây câu văn co duỗi nhịp nhàng, ngôn từ và giọng điệu rất gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, tính khẩu ngữ của lời văn được tăng cường; đặc biệt các nhà văn có ý thức cá tính hóa ngôn ngữ trong mỗi sáng tạo của mình. Trong một tinh thần đó, văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực, càng những năm về sau của giai đoạn 1930-1945 càng rõ, đã thực sự đóng góp to lớn vào sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Nhà văn Thanh Châu cũng là một gương mặt nằm trong đội hình ấy. Cái đặc sắc riêng của nhà văn Thanh Châu ở phương diện ngôn ngữ đó là sự tinh tế, tinh xảo của câu văn, của chữ nghĩa, của từ dùng, của hình ảnh. Đọc văn ông có cái khoái thú khi thưởng thức những dụng công của một người nghệ sĩ tài hoa.
Tôi nghĩ rằng, văn học Việt Nam hiện đại còn mấy “món nợ” đối với nhà văn Thanh Châu.
Thứ nhất, về cơ bản, bạn đọc hiện nay chưa hiểu về nhà văn, chưa hình dung được vị trí và đóng góp của nhà văn như thế nào đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. Tuyển tập này ra đời là một việc làm cần thiết góp phần vào việc phục dựng lại diện mạo và tầm vóc của nhà văn trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Thứ hai, với lòng nhiệt thành của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng nhà văn Thanh Châu rất xứng đáng được vinh danh không chỉ trong các diễn đàn chính thức của sinh hoạt văn học quốc gia, mà còn cần được đặt tên cho một trường học, một con đường nào đó tại Nghệ An, Thanh Hóa, hoặc tại Hà Nội.
Thứ ba, trong các bộ Lịch sử văn học Việt Nam của các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, rất cần bổ khuyết tên tuổi và vị trí của nhà văn Thanh Châu trong giai đoạn 1930-1945 nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
Sinh thời, nhà văn tự nhận mình như thân phận của một con dế “chuyên kể đẹp chuyện đêm khuya”. Chị Quỳnh Châu, con gái nhà văn kể: khi nhà văn mất tại TP. Hồ Chí Minh, gia đình đặt mộ của cụ tại Nghĩa trang “Đồng hương Bến Tre”; ít hôm sau đến thắp hương cho cha, chị bất ngờ thấy trên mộ cụ có một con dế to được tạc bằng đá, không ghi rõ của ai phúng tặng… Thế mới biết bạn đọc có cái cách ứng xử riêng của họ. Họ không lệ thuộc vào ai, không theo một chỉ thị nào. Họ chỉ xử sự bằng lòng yêu nghệ thuật. Có thể nói rằng đó là sự công bằng của cuộc đời đã đền đáp cho người nghệ sĩ. Dân gian đã từng nói: Ông Giời có mắt; lại cũng nói: cho đời bao nhiêu, đời sẽ đền đáp bấy nhiêu. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Thanh Châu là một minh chứng thuyết phục. Sinh thời ông có không ít thiệt thòi, nhưng cho đến ngày hôm nay, mọi mơ hồ về ông đã được giải tỏa, sự nghiệp văn chương của ông đã được ghi nhận lại một cách xứng đáng.
Có thể công việc sưu tầm của chúng tôi chưa đầy đủ. Nhìn lại, di sản mà ông để lại bao gồm 50 truyện ngắn/ vừa (trong đó gồm 3 truyện viết cho thiếu nhi: Vàng, Cún số 5, Thấy chim hồng nhạn bay đi), 3 tiểu thuyết và một số hồi ức, bình luận, dịch thuật. Bảo đó là một sự nghiệp đồ sộ thì chưa phải. Nhưng bảo là một sự nghiệp đáng kính trọng thì chắc không ai băn khoăn.
Nhà văn Thanh Châu có một chỗ đứng không thể thiếu trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Chú thích:
(1) Sau khi tờ Đông Dương Tạp chí ngừng hoạt động, tờ Trung Bắc Tân văn do Schneider làm chủ nhiệm và Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, ra số 1 ngày 7-1-1915; lúc đầu ra hàng tuần vào ngày Chủ nhật; từ tháng 10-1915 ra một tháng 2 kỳ sau đó nâng lên 3 kỳ. Đây là tờ báo ra hàng ngày duy nhất phát hành rộng ở Bắc và Trung kỳ. Chính quyền thực dân khai thác tờ báo như một diễn đàn chính trị xã hội phục vụ cho chế độ thuộc địa, nhưng nó cũng trở thành một diễn đàn quan trọng thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời trên các lĩnh vực văn hóa. Tờ báo tồn tại đến tháng 4-1941 mới đình bản (tổng cộng 7.265 số, được coi là một trong những tờ báo ra được nhiều số nhất). Sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất (5-1936), người kế tục là Nguyễn Văn Luận và Phạm Huy Lục.
(2) Phổ thông bán nguyệt san là tạp chí văn học được xem như tờ phụ trương của tờ Tiểu thuyết thứ bảy do nhà Tân Dân của ông Vũ Đình Long chủ trương. Số đầu tiên ra ngày 1/12/1936, mỗi tháng ra 2 kì vào ngày 1 và 15. Mỗi số khoảng 150 trang, đăng trọn vẹn một tiểu thuyết và một vài truyện ngắn cùng các tranh luận nhỏ về các vấn đề văn hóa, học thuật. Phổ thông bán nguyệt san được trình bày dưới dạng một quyển sách hơn là một tờ báo.
(3) Xem trong Bốn mươi năm nói láo (Mục Tiểu thuyết thứ bẩy, phần III-Báo xây dựng), Tuyển tập Vũ Bằng, tập 1, NXB Văn học, 2000).
Hà Nội, 22/7/2013
Văn Giá
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...