Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Những hạt ngọc thơ Hàn đầu thế kỷ XX

Những hạt ngọc thơ
Hàn đầu thế kỷ XX

Những hạt ngọc thơ Hàn Quốc là tập hợp gồm 140 bài thơ Hàn Quốc hiện đại được cho là hay nhất trong giai đoạn từ những năm 1920 đến giữa thập kỷ 1980 do Jaihiun J. Kim tuyển chọn, biên soạn và dịch ra tiếng Anh, xuất bản năm 1993.
Việc làm của chúng tôi là chọn ra một số nhà thơ bắt đầu nổi lên từ đầu thế kỷ XX, tên tuổi của họ có sức ảnh hưởng đến văn học Hàn Quốc hiện đại nói chung cùng một vài tác phẩm tiêu biểu của họ để giới thiệu đến bạn đọc. Chúng tôi lược dịch phần giới thiệu trong tập thơ này cùng phần tiểu sử và thơ của các nhà thơ mà chúng tôi nhận thấy là tiêu biểu nhất cho giai đoạn đầu của thơ hiện đại Hàn Quốc như Hang, Yongun; Chu, Yohan, Yi, Shangwa; Kim, Tonghwan; Park, Yongchol… Bênh cạnh đó chúng tôi cũng đưa thêm vào phần giới thiệu những đoạn trích dẫn ngắn từ những bài thơ mà chúng tôi chọn dịch từ bản tiếng Anh, để làm rõ hơn các nhận xét về phong cách thơ của từng tác giả.
Nhà nghiên cứu, dịch giả La Mai Thi Gia
Vào những năm đầu thế kỷ XX, văn chương Hàn Quốc bắt đầu tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài trong chốn ẩn thân của mình. Trong khi văn học truyền thống được khuyến khích phát triển chủ yếu dưới những tác động của văn chương Trung Quốc thì ngược lại, văn học hiện đại bắt đầu hình thành với ảnh hưởng từ nền văn học phương Tây, điều này vẫn được cho là bước ngoặc lớn trong văn học nước Hàn. Hàn Quốc bắt đầu giao lưu trực tiếp với phương Tây, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên ánh sáng, sau đó phát triển mạnh mẽ từ từ 1980 đến 1910.
Bị thúc giục bởi làn sóng cải cách chính trị và cải cách hệ thống xã hội của thời đại, văn chương Hàn Quốc đã sẵn sàng dấn thân vào công cuộc hiện đại hóa dưới ngọn cờ của văn học phong cách mới, bắt đầu với sự đổi mới của Nam Son Ch’oe trong thơ và Kwangsu Yi trong văn xuôi, đó là lý do vì sao hai nhân vật quan trọng này được xem là cha đẻ của văn chương Hàn Quốc hiện đại. Họ đóng vai trò như là chất xúc tác trong quá trình hiện đại hóa văn học nước Hàn. Tác phẩm của họ chú trọng nhiều hơn đến chức năng giáo huấn của văn học, họ hướng đến việc tận dụng nghệ thuật như là một phương tiện khai sáng con người và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Văn học Hàn Quốc nói chung và thơ ca nói riêng vào trước những năm cuối cùng của thập kỷ 1910 vẫn chưa thực sự phá vỡ được cái vỏ giáo huấn của mình cho đến khi các trào lưu văn học Phương Tây tràn vào Hàn Quốc gần 1 thế kỷ sau đó.
Xét  một cách chặt chẽ hơn có thể cho rằng thơ ca Hàn Quốc hiện đại thực sự bắt đầu với Yohan Chu và Ok Kim. Không chịu sự chi phối của thói đạo đức giả trong thơ ca kiểu mới và những tình cảm bồng bột của chủ nghĩa lãng mạn nhạt nhẽo, Chu và Kim đã thành công trong việc tạo ra dấu ấn của riêng mình từ những bài thơ được sáng tác theo kiểu truyền thống của những bài balat dân gian, đây là hai nhà thơ hiện đại của Hàn Quốc đã bắt đầu tạo được phong cách của riêng mình.
Tiến sĩ La Mai Thi Gia phát biểu tại hội thảo văn hóa Hàn – Việt ở Hàn Quốc, 01.2020.
Sau thành công của Yohan Chu và Ok Kim là thành công của hai nhà thơ Tonghwan Kim và Sowol Kim vào giữa thập kỷ 1920.  Được đánh giá là nhà thơ xuất sắc nhất của giai đoàn này, Sowo Kim đã vượt xa khỏi cái bóng của người mà mình chịu ơn – Ok Kim –  là người thầy và là người cố vấn văn học của ông. Sowo Kim đã khẳng định được tài năng thi ca của mình bằng cách mêu tả kết hợp giữa tình yêu xứ sở với cảm hứng bất tận về con người trong một chuỗi những bài thơ được đánh giá rất cao của ông như Hoa đỗ quyên, Những bông hoa trên núi và Lời cầu khấn. Ông là người đầu tiên của giai đoạn này chú ý đến việc miêu tả thiên nhiên và cũng là người có kiến thức sâu rộng về vấn đề này.  Ông ngắm nhìn thiên nhiên không chỉ như là trung tâm của cái đẹp mà còn như là mạch nguồn gợi ra những cảm hứng về cuộc sống.
Bông hoa nở rộ
Trên đồi núi xa
Xuân rồi đến hạ
Và thu đi qua
Hoa kia vẫn nở
Trên đồi núi xa
(Những bông hoa trên núi – Sowo Kim)
Cùng thời với Sowol Kim có Tonghwan Kim, một nhà thơ luôn hồi tưởng về vẻ đẹp của vùng đất đã bị mất chủ quyền. Tonghwan Kim ra đời ở Kyongsong và học đại học Tokyo ở Nhật, suốt những năm chiến tranh ông bị đưa về phía bắc Hàn Quốc. Khi con sông tuôn trào và Tuyết đang rơi là những bài thơ đáng chú ý của ông trong giai đoạn này.
Và khi sông đã tuôn trào
Thuyền kia sẽ tới cập vào bến thôi
Tình yêu dịu ngọt của tôi
Cũng theo thuyền ấy nàng thời đến đây
(Khi con sông tuôn trào – Tonghwan Kim)
Yongno Pyon và Tongmyong Kim cũng là những nhà thơ mang tâm trạng tiếc nuối quá khứ như Tonghwan Kim và cũng đã viết nên những bài thơ có giá trị. Tuy nhiên hấu hết những bài thơ ra đời trong thời kỳ này đều có hạn chế về đề tài và lĩnh vực thể hiện, đa số đều tập trung nói về tình cảm.  Tongmyong Kim ra đời ở Kangnung và đến học viện Aoyama của Nhật để học thần học. Sự nghiệp của ông trải rộng ở nhiều lĩnh vực như nhà giáo, người biên tập báo chí và là thành viên của quốc hội. Dưới những luật lệ thống trị của Nhật Bản, ông đã bỏ về nông thôn và ở đây ông đã viết trong một nỗi nhớ da diết về vẻ đẹp của đất nước trước khi chúng bị kẻ tàn bạo dày xéo. Tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm Đàn lia của tôi (1930), Cây chuối (1938), Chứng nhân (1955) và Tâm trí tôi(1964)…
Tâm trí tôi là một chiếc lá rơi
Hãy cho chiếc lá tôi nằm lại trong vườn em một khắc
Rồi tôi sẽ từ giã em ra đi trong lặng thầm đơn độc
Khi thêm một lần gió lại thổi lên
(Tâm trí tôi – Tongmyong Kim)
Vào những năm về sau của thập kỷ 1920, Shangwa Yi và Yong’un Han đã mang lại sức vóc mới cho thi ca Hàn Quốc bằng sự hợp nhất vào trong thơ chiều sâu siêu hình và cái nhìn thấu đáo vào ý thức con người. Ra đời ở Taegu, Shangwa Yi học tiếng Pháp tại trường đại học dành cho người nước ngoài ở Tokyo, Nhật Bản. Thơ của ông tiêu biểu  cho xu hướng lãng mạn của thế kỷ 20. Nếu không kể đến việc dấn thân của Yi vào bên trong sự tăm tối hão huyền của nhục thể và nỗi sầu muộn chán chường thì rõ ràng chính Yi là một nhà thơ hiếm hoi đã biết cách thể hiện được rõ ràng những quan niệm của mình:
Trăng khuya còn mỏng mảnh
Trong như là sợi tơ
Gió bắt đầu lay động
Và dường như bất ngờ
Mùa xuân đang rơi xuống
Từ các vì sao đêm
(Mưa mùa xuân – Shangwa Yi)
Sinh ra ở Hongsong, thuộc tỉnh Chungchong, từ nhỏ đã dành trọn đời mình cho đức phật, Yong’un Han là một trong 33 thành viên ký vào bản tuyên ngôn lịch sử công nhận quyền độc lập tự chủ của Hàn Quốc dưới sự kiểm soát thuộc địa của Nhật Bản vào năm 1919. Bản thân là một tu sĩ và cũng là một nhà yêu nước, tên tuổi của Yong’un Han đã trở nên bất tử với một chuỗi những bài thơ tiếng tăm của ông trong tập Sự im lặng của tình yêu (1925), nó là hiện thân của sự phức tạp siêu hình và những nghịch lý trong thân phận con người, theo ông các thể thức của đạo phật cũng chẳng khác gì sự thể hiện của thơ ca. Theo phật giáo bản thể và khách thể có thể được chuyển hóa cho nhau, chỉ cần giữa chúng có tồn tại nghiệp chướng, và cùng với sự lạc mất của mối lương duyên nghiệp chướng thì bản thể và khách thể sẽ cùng diệt vong tại một thời điểm:
Lời thề tình yêu đôi lứa
Tưởng rằng còn mãi muôn đời
Như đóa hoa vàng bất tử
Nay còn là đống tàn tro
Ngọn gió nào mang đi xa
Khi loài người biết yêu nhau
Trong em đã nhiều lo sợ
Sợ rằng ta sẽ chia xa
Vào ngay khi ta gặp gỡ
Cách ngăn đến thật bất ngờ
Tim em thành trăm mảnh vỡ
(Sự im lặng của tình yêu – Yong’un Han)
Vào năm 1910, sau gần 1 thập kỷ đánh mất chính mình, Hàn Quốc bắt đầu đứng lên chống lại những luật lệ thuộc địa hà khắc của Nhật, tuy nhiên phong trào độc lập lại mau chóng bị dập tắt bởi bàn tay tàn bạo của kẻ áp bức. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc vừa mới nhen nhóm lại gặp ngay cảm giác về sự mất mát và thất vọng quá mạnh mẽ, và điều này lại mau chóng dìm dân tộc vào lại trong thời kỳ đen tối. Trong màn sương ảm đạm ấy, ý nghĩ thịnh hành của thuyết chủ bại đã đem đến lối thoát cho tâm trạng vỡ mộng và chủ nghĩa bi quan. Đồng thời, giữa cơn lốc hỗn loạn và điêu tàn ấy đã nổi lên một nhóm các nhà thơ cộng sản phương đông, những người đã nhận ra rằng nghệ thuật chỉ là phương tiện đấu tranh chống lại kẻ áp bức. Tuy nhiên những tác phẩm của họ cũng đạt phần nào đạt được những tiêu chuẩn nghệ thuật thẩm mỹ. Giữa không khí xã hội đó, nhà thơ Shanghwa Yi đã rất thành công trong việc diễn đạt về nỗi buồn đau của một quốc gia đang bị đàn áp trong bài thơ Có phải mùa xuân về trên vùng đất đã bị mất đi in trong tập Sanghwa và Sowol (1951).
Có phải mùa xuân đã về trên mảnh đất này không?
Mảnh đất không còn là của chúng tôi
Mảnh đất mà người ta chiếm mất?
Đắm mình trong ánh mặt trời, tôi đi như thể trong một giấc mơ
Dọc theo con đường nhỏ xuyên qua bao đồng lúa như mái tóc xõa tung
Nơi mà bầu trời xanh và những cánh đồng xanh đang hòa quyện vào nhau.
Đến trước đầu những năm 1930, trái tim rộng mở quá mức và tính đa cảm ốm yếu đã dần dần lùi xa bởi sự xuất hiện của thuyết duy lí cùng với những tiếng nói mạnh mẽ của các nhà thơ cộng sản phê phán quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Yongnang Kim, Chiyong Chong và Sok-Chong Shin là những nhà thơ trong số các nhà thơ cuối cùng của giai đoạn này.
Yongchol Park thì lại có sở trường ở việc nêu ra lý luận sáng tác hơn là những tác phẩm văn chương thực thụ. Khi đề cập đến bài thơ Tàu đang cập bến Park có vẻ thích thú với danh hiệu của một nhà phê bình giỏi hơn là một nhà thơ hay. Ông chú ý một cách nghiêm  túc đến những thể thức và tính nhạc của ngôn ngữ.
Sinh ở Kanglin, đến học tiếng Anh tại học viện Aoyama Nhật bản, Yongnag Kim thì lại rất thành công trong việc tạo tác giấc mộng – như một bầu khí quyển xuyên qua sự hòa âm giữa cảm giác và âm thanh. Ông quan niệm  một cách nghiêm túc rằng thơ ca là một loại hình nghệ thuật biểu hiện cái đẹp của kinh nghiệm. Từ những bài thơ của ông, ngôn ngữ Hàn Quốc dường như được khoác lên vẻ đẹp mới, tao nhã và tinh tế:
Này tôi ước mộng vời xa
Đã tan thành bụi theo hoa còn gì
Rồi khi hoa đã ra đi
Là khi tôi chẳng còn gì tháng năm
(Đến khi mẫu đơn khai hoa – Yongnag Kim)
Ở một phương diện khác, thơ Chiyong Chong đã khắc nên được bức tranh truyền thống nổi bật kết hợp với những nét vẽ hiện đại của phương Tây. Sinh ra ở Okchon, Chong học văn học Anh ở đại học Tojisha – Nhật Bản. Suốt trong thế chiến thứ 2 ông dạy học tại một trường trung học và sau chiến tranh ông là giáo sư tiếng Anh tại trường đại học nữ Ehwa. Ông bị buộc phải về miền Bắc Hàn Quốc suốt chiến tranh Hàn Quốc (1950 – 1953). Là một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, ông mang những hình ảnh hiện đại và mạnh mẽ hòa trộn với tình yêu bản xứ vào trong thơ Hàn. Tác phẩm chính của ông là Tuyển tập thơ (1935), Hồ Paeknok (1941) và Tinh tuyển thơ (1946).
Qua vùng sa mạc gió bay
Trong lò lửa tắt phủ đầy bụi than
Gối đầu lên cuộn rơm vàng
Cha tôi chợp mắt mơ màng giấc trưa
Dầu trong những giấc mơ đêm
Làm sao tôi có thể quên chốn này?
(Vọng cố hương – Chiyong Chong)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương ở Puan, Sokchong Shin theo cha mẹ chuyển đến một ngôi làng hẻo lánh ở vùng nông thôn, nơi đây ông đã trải qua thời thơ ấu không có dấu ấn cai trị của đế quốc Nhật. Gia đình ông trải qua một giai đoạn kiệt quệ, nhưng ông lại có được những nhận thức phong phú về thiên nhiên đang bao bọc xung quanh. Đó là lý do vì sao mà  Sokchong Shin lại được nhắc đến như một nhà thơ đồng quê. Tập thơ đầu tiên Ánh sáng ngọn nến của ông đã đưa ông lên vị trí như là một nhà thơ của nơi thôn dã.
Chỉ cần em gọi
Là tôi về đây
Như dòng suối mát
Lượn theo gió bay
Về xa tít tắp
Chân trời xuân phai
(Chỉ cần em gọi – Sokchong Shin)
Nhìn chung, qua một vài bài thơ hiện đại Hàn Quốc vào những năm đầu thế kỷ XX, có thể thấy rằng chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Hàn Quốc không phải là sự sao chép chính xác từ nguyên mẫu phương Tây. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, mọi sự so sánh về văn học Hàn Quốc cần phải được đặt trong bối cảnh văn hóa của đất nước. Sự thật là các nhà thơ Hàn Quốc cũng hướng về cái tôi cá nhân và đề cao đời sống cảm xúc riêng tư như những nhà thơ của các nước phương Tây. Tuy nhiên quan niệm lãng mạn về sự hợp nhất giữa con người với tự nhiên lại được các nhà thơ Hàn thêm vào đó một chút dư vị cay đắng xót xa của nỗi ưu tư sầu muộn do tinh thần thời đại tạo nên.
8/4/2020
La Mai Thi Gia
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Márai Sándor viết về nghề viết Trong hai tập tản văn nổi tiếng – “Bốn mùa” và “Trời và Đất”*, Márai Sándor dành khá nhiều chữ để viết về...