Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Những đốm lửa ấu thơ

Những đốm lửa ấu thơ

Có thể bây giờ các bạn trẻ không hiểu khái niệm “đi xin lửa” của chúng tôi hồi bé có nghĩa là gì.
Tôi thuở thiếu thời sống ở làng quê, cỏ hoa cây lá ngờm ngợp ruộng vườn. Mỗi lần nấu ăn, thỉnh thoảng hôm trước lỡ có quên un lửa trấu, mẹ tôi lại sai tôi sang hàng xóm “xin lửa”.
Tôi cầm trên tay cây đèn dầu hỏa bé nhỏ mà dân làng tôi gọi là đèn Hoa Kỳ, chạy lút cút sang nhà bà Đào, thập thò ngoài ngõ nhìn vào sân, thấy bà đang ngồi giần gạo, liền tới bên: “Mẹ cháu bảo cháu sang bà xin tí lửa”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Bà Đào kéo tôi vào góc nhà, moi trong cái túi thắt lưng cũ kỹ mãi mới tòi ra cái máy lửa. Cái máy lửa! Đó là điều kỳ diệu đối với trí tưởng tượng của tôi.
Bà mở nắp thận trọng, khum tay, bật từng nhát chắc nịch. Nhưng không phải lần nào ngọn lửa cũng hiện ra ngay. Có lần bà bật đến mỏi tay mà chỉ thấy lửa lóe lên yếu ớt.
Bà lấy kim băng gại gại cái bấc, rồi tháo nắp sau, phồng má thổi, rồi lại thận trọng bật những nhát chắc nịch, ngọn lửa vàng khè, khói cay giàn nước mắt. Bà bảo hết rầu (quê tôi gọi dầu hỏa là rầu lửa). Tôi lớn lên bằng thứ ánh sáng đèn dầu đỏ cạch ấy.
Thầy tôi (quê tôi gọi bố là thầy) là một ông giáo làng, còn gọi là “bác khóa”. Thường thì tối nào thầy tôi cũng bảo tôi đi ngủ sớm, sáng mai khi con chích chòe lửa hót trên ngọn cây thị trước nhà thì thầy gọi dậy học bài. Học bài lúc đói, không học lúc no.
Ngọn đèn dầu của tôi để trên cái mâm giống như chõng tre nhỏ làm bàn, tôi trùm chăn học. Thầy tôi cũng khoác cái chăn chiên ngồi trên giường, thõng chân xuống đất, trước mặt là cái cánh cửa được kê lên hai cái niễng để làm bàn.
Thầy tôi vẽ cuốn thư, vẽ tranh “Anh hùng tương ngộ”, “Tam anh chiến Lã Bố”, “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Cuốn thư”, “Câu đối”… Ai đặt gì vẽ nấy. Vừa vẽ vừa trông tôi học.
Tôi học bài gì đều phải đọc to lên để thầy cùng nghe, trừ khi làm toán. Cái ngòi bút tre, cái lọ mực tím, trang vở giấy kẻ và bóng thầy tôi ngồi im phăng phắc trước ngọn đèn dầu vẽ những bức tranh thuốc nước từ trong truyện cổ tích xưa, từ trong huyền thoại dân gian là biểu tượng tuổi thơ tôi.
Tôi thường kể lại với con trai, thời tuổi thơ tôi lớn lên với những chiều đông mưa phùn gió bấc, bọn trẻ trâu rủ nhau nhặt củi ven sông rồi đốt lửa chân đê vừa để sưởi cho ấm vừa để nướng khoai, nướng chuối, nướng cá, nướng cua.
Các thứ “nướng” ấy đều tình cờ bắt được nơi ruộng đồng. Thế rồi Bắc Nam phân chia, chiến tranh ngày càng kéo dài, thế hệ tôi rời những đống lửa chân đê vào lính.
Đêm trước ngày ra đi, mẹ tôi ngồi chò chõ bên bếp lửa. Sáng ra, trong hành trang của con trai mẹ có gói xôi ám khói và mấy con cá rô nướng cũng ám khói. Và thêm nữa là một mảnh giấy thầy chép cho mấy câu thơ của cụ Trạng Trình rằng:
“Trời sinh trời ắt đã dành phần
Sống hãy cho hiền dạ có nhân
Khó chớ oán thân thân mới nhẹ
Giàu mà yêu chúng chúng càng gần
Bạo hung chỉn đã gươm mài đá
Phúc đức đành hay cỏ dặm xuân
Chớ có hại nhân mà ích kỷ
Giấu người khôn giấu được linh thần”.
Rồi bố tôi lại viết thêm:
Mọi chuyện con nhớ câu: “Làm trai chí ở cho bền, nhưng phải thận trọng như con đang bưng bát nước đầy, con nhé!”.
Vâng, chúng tôi như những chú chim mới ra ràng bay lên bầu trời cao vòi vọi với hành trang như vậy đấy.
Hành trang khi xa quê của chúng tôi còn có rất nhiều những câu ca dao dân ca, những câu thành ngữ tục ngữ mà cha ông để lại, như những nét vẽ thân thương của thầy tôi.
Tôi giờ đây đã hai thứ tóc, đêm đêm vẫn miệt mài với công việc của mình, lòng luôn khắc khoải hướng về đốm lửa chân đê, đốm lửa tuổi thơ “xin được lửa” của nhà bà Đào, người hàng xóm luôn dè sẻn nhưng tốt bụng vô cùng.
Tôi vẫn thường thấy bóng mẹ tôi trong bếp đun nồi cám lợn, rồi mẹ cời than trấu rấm bếp ủ cái nồi cám to vật ấy cho mẹ con con lợn sề lúc nào cũng hau háu đòi ăn, rít lên rộn cả chiều.
Đôi lúc tôi lại thấy bóng thầy tôi ngồi im phăng phắc trong đêm, trước mặt người là ngọn đèn nhòe nhoẹt khuya, bất chợt bốc lên, thầy tôi vung bút múa trên tấm vải căng trước mặt, tạo nên những tuyệt tác mà chỉ có cái trong lành của hồn quê nơi thôn dã mới tạo ra được vẻ đẹp huyền bí nhưng cũng gần gũi xiết bao với một đời người.
Vâng, với một đời người, vì tuổi tôi bây giờ cũng trạc tuổi thầy tôi hồi ấy, vậy mà những khoảnh khắc tưởng như bình thường thuở thiếu thời đã theo tôi cho mãi đến bây giờ.
Tưởng như mới hôm qua hôm kia, mới vừa đấy thôi, thầy tôi, mẹ tôi đang ngồi trên chõng tre ngoài hiên, bên ngọn đèn dầu bàn đi tính lại một chuyện gì đó, hình như chuyện ruộng lúa chân đê nhiều sâu, chuyện con trâu nhà mình chung với nhà anh Tám đẻ bên đống rơm và hình như chú Phong con bà Đào vừa được đơn vị cho ghé thăm nhà…
Đó là những khoảnh khắc linh thiêng, những khoảnh khắc đời người mà tôi được hưởng. 
10/11/2019
Trung Trung Đỉnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...