Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Nỗi cô đơn bản thể trong thơ Hoàng Việt Hằng

Nỗi cô đơn bản thể
trong thơ Hoàng Việt Hằng

Nỗi khắc khoải yêu thương trong trái tim của người đàn bà làm thơ dường như không có giới hạn. Và với sự tinh tế của một tâm hồn giàu tình yêu thương, sẵn sàng mở lòng chia sẻ, cảm thông cùng những thân phận đau khổ, bất hạnh, Hoàng Việt Hằng đã nhìn sâu vào mỗi sự việc, hiện tượng của đời sống, đọc thấy đằng sau đó bao uẩn khúc, đắng cay, ngang trái của con người…
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng
1. Không phải ngẫu nhiên Hoàng Việt Hằng lấy tên bài thơ Em đã đốt thơ tình anh tặng đặt tên cho cả tập thơ. Người đàn bà cô đơn đến mức “không hiện vật/ không bảo tàng lưu giữ/ em chẳng có gì/ cả câu thơ cũ/ ngoài mưa phùn gió bấc đem theo” liệu có “đốt” nổi thơ tình!? Câu hỏi mới nghe tưởng chừng giản đơn mà suy nghĩ kỹ lại không hề đơn giản chút nào.
Không ai có thể tự vò nát trái tim mình, nhất là một trái tim đang yêu và dám vượt lên mọi trở lực để bảo vệ sự tồn sinh của tình yêu thì lại không thể đốt thơ tình được tặng. Bởi những bài thơ tình ấy nó không chỉ là một văn bản với những ngữ ngôn vô hồn mà nó là một diễn ngôn tình yêu chứa đựng trong đó những hoài niệm, những ký ức chất chứa bao yêu thương. Có lẽ đó chỉ là cách nói hình tượng để khẳng định bản lĩnh của người đàn bà dám dấn thân, dám vượt lên nỗi đau để yêu và sống trong tột cùng của nỗi cô đơn bản thể.  Chị sống với tinh thần như “thác lũ” đổ về, tình cảm với con người và cuộc đời luôn cuộn cuồn dâng trào trong trái tim nồng cháy của chị…do vậy, dù chị có chối bỏ, có nói lời “buông”, dù muốn “xóa”, muốn “đốt” thì cuối cùng người đọc vẫn nhận ra trong thơ chị, một Hoàng Việt Hằng đắm đuối, thiết tha yêu thương không chỉ tận hiến với người mình yêu mà còn với bao phận số của những con người nghèo khổ bất hạnh. Cho nên dù viết về điều gì, cuối cùng điều sâu lắng trong tập thơ Em đã đốt thơ tình anh tặng là những khắc khoải trước nỗi đau phận người.
2. Với 61 bài thơ đong đầy những suy ngẫm về cuộc đời, tập thơ Em đã đốt thơ tình anh tặng, Hoàng Việt Hằng chuyển tải nhiều thông điệp khác nhau trước thế sự nhân sinh. Thi nhân bộc bạch cảm xúc một cách mộc mạc, chân tình xung quanh thế giới hiện thực mà chị cảm niệm được: Thả bước dưới quê nhà, Nước mắt của sống còn, Mắt biếc, Mai vàng nghe cau rụng, Nỗi tha hương, Lá phong đỏ trong rừng phong đỏ, Người mẹ Quảng Bình, Chiếc đồng hồ đã cũ, Thác, Bước chậm ở Hoàng Liên, Giếng đất ở quê ngoại, Ký ức của Tết cũ, Trái tim thác lũ, Bên suối Yến, Không có quê để về, Sau di chúc, Mùa lá đổ… Thi giới trong thơ Hoàng Việt Hằng, vì thế, khá phong phú, đa dạng và người đọc dễ dàng tri nhận nhiều cung bậc cảm xúc trào dâng trong thơ chị.
Với quá trình nghiệm sinh sâu sắc, Hoàng Việt Hằng thấu hiểu sinh ra trong cõi đời, mỗi người dều có một “nhân vị”. Nhưng để khẳng định “nhân vị” của mình là việc không dễ dàng. Thế nên, chỉ khi tự vượt qua giới hạn chính mình để đạt đến độ “an nhiên” mới có thể  “thả bước dưới quê nhà” để “mai vàng nghe cau rụng”. Và với trái tim nhạy cảm, với tâm thế thư thái, tự tại của một thi nhân, Hoàng Việt Hằng đã “nghe” được rất nhiều âm thanh trong bộn bề cuộc sống, thấu được muôn vàn chuyển động lan tỏa trong vạn vật, thiên nhiên, con người… Phương châm sống chậm, “không chạy đua cả với chính mình” để cảm nhận  “chiều chiều nghiêng giọt nắng xuống vai/ ánh nắng xiên về sân sau rơm rạ/ nơi bờ rào vách đất có giọt gianh/ … dưới mai vàng, cau rụng quanh sân/ ” (Mai vàng nghe cau rụng) – đó là một chọn lựa hiện sinh của người cầm bút và đó phải chăng cũng chính là nhân cách, bản lĩnh sống của người thơ?! Ra đời trên nền tảng của tư tưởng nhân văn, thấm nhuần tinh thần bao dung, vị tha, nhân ái, rũ bỏ mọi “sân si” “không khát vọng, được thua, không cố chấp/ chỉ lên chùa học thở với nghe kinh”, thơ Hoàng Việt Hằng thực sự là nỗi khắc khoải từ một niềm cô đơn bản thể  của chính thân phận mình và cho những người mà chị yêu thương đến đau đớn, xót xa…
Tập thơ Em đã đốt thơ tình anh tặng của Hoàng Việt Hằng, Nxb Phụ nữ, H.2019
Đọc thơ Hoàng Việt Hằng, ta thấy rất rõ hình ảnh một người đàn bà cô đơn như một định mệnh – cô đơn đến mức phải yêu chính mình. Hoàng Việt Hằng yêu thương mình bằng cách nào? Trước hết ta bắt gặp trong thơ chị một người đàn bà biết trân quí bản thân, biết chăm mình, lo toan mọi việc, lúc khóc, khi cười, tự cho mình những giây phút “sống chậm” khi rong chơi “trên mọi ngã đời” và có khi lại “thả bước dưới quê nhà” để nghe “hơi thở xa của đất”. Nhưng bao trùm lên mọi cảm thức trong thơ chị vẫn là sự ám ảnh của một nõi cô đơn thân phận: dặn mình tha thủi sớm trưa/ bóng mình, bóng tường, thôi nhé (Đi thăm bạn).
Tập thơ, hiện lên hình ảnh người đàn bà, dù sống trong tận cùng của nỗi cô đơn đã vượt qua những đoạn trường khốn khó, và bằng chính nghị lực của mình thực hiện thiên chức của một người mẹ mà thượng đế đã ban tặng để nuôi những mầm sống được tạo nên từ vườn địa đàng tình yêu của mình – Một tình yêu kết tinh của tin yêu và lòng tự trọng: chỉ có nụ cười vương xanh xao/ em nuôi con qua cơn sốt ra vào/ xe cấp cứu mình em và con nhỏ/ nếu không có những ngày giông gió/ em chối từ để được cô đơn/ để leo núi nuôi địa đàng lan tím… (Người ấy). Một mình xây nhà/ một mình sinh nở/ một mình một thuyền trên cạn/ một mình đối mặt với vận hạn/ may ra còn câu thơ nằm lòng (…). Hình ảnh người mẹ đơn độc, chịu vất vả, nhọc nhằn, thiệt thòi, hy sinh hiện lên trong thơ của Hoàng Việt Hằng khiến chúng ta không khỏi không ngậm ngùi, chia sẻ, cảm thông. Song, có một sự khác biệt mà không phải trong thơ phụ nữ nào cũng có. Đó là, đằng sau sự cực nhọc, cô đơn tưởng như có thể gục ngã lại hiện lên hình ảnh một người phụ nữ can đảm, lạc quan và khao khát sống, khao khát yêu, khao khao tận hiến mà không hề có một sự tính toán, so đo như ta vẫn thường gặp trong cuộc sống đời thường. Trong thơ Hoàng Việt Hằng dường như không có chỗ cho sự yếu mềm, thở than như ta thường thấy ở những bài ca dao than than trong văn học dân gian. Đồng hành với chị có khi chỉ là “nửa ánh trăng trong”, song, chị vẫn nhẫn nại, âm thầm vững bước trên đường xa vạn dặm giữa chốn nhân gian: Số phận cho tôi gánh gồng nhẫn nại/ để đi biển rộng sa mạc cát dài/ để hiểu không thể tựa vào vai ai/ ngoài bờ vai của mình (Cùng nửa ánh trăng trong). Trong cuộc đời người đàn bà, nỗi bất hạnh lớn nhất là không có một bờ vai vững chãi để nương tựa. Nhưng đó cũng chính là thử thách để khi vượt qua, người phụ nữ nào cũng có quyền tự hào, để tự tin, kiêu hãnh vì làm một người đàn bà luôn được sống là chính mình, luôn hướng về phía trước, phía của tương lai…
Những bài thơ có sức ám gợi tâm thức người đọc là những bài thơ có giọng thủ thỉ tâm tình: Em đã đốt thơ tình anh tặng, Vẫn giẫm lên thủy tinh vỡ, Đào phai, Một bông sen gục đầu, Phía trong cánh cửa, Không thể nào giải thích, Có đá xám sông Hồng làm chứng, Dẫu hư không thăm thẳm… Đó cũng là những bài thơ nghĩ về “người mình yêu” trong nỗi đau dài dằng dặc: Mưa vẫn mưa ngâu ấy/ vạt áo bạc dãi dầu/ thoắt chiều nghe tin vắn/ thoắt chiều di ảnh, anh/ đơn phương em đứng lặng/ quan họ buồn trăm năm (mưa ngâu chạm cửa).
Âm vang sau câu chữ mỗi bài thơ cho thấy quy luật sinh tử, sự hư hao tất yếu của kiếp người trong cõi nhân sinh luôn là nỗi xót xa sâu thẳm trong tâm thức thi nhân. Thế giới xung quanh nhiều lúc hiện lên hư thực như sương khói mơ hồ, có đấy rồi không đấy: câu thơ cũ, một bông sen khóc, một bông sen gục đầu, mưa phùn,mưa ngâu, đào phai, vầng trăng đầu tháng, bờ vai mưa lạnh, rét cuối năm, anh về trong mộng, thăm thẳm hư không… nối tiếp những hình ảnh tưởng như không hề ăn khớp, liên quan gì với nhau…Song, đằng sau những câu chữ ấy, chất chứa nhiều thông điệp, với những lời yêu da diết, những nhớ mong quay quắt, giận hờn, day dứt, ân hận, tiếc nuối… Thời gian quả là “bóng câu qua cửa sổ”, đời người chỉ là hư ảo, “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Vạn Hạnh Thiền Sư), và nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, những người thân yêu lần lượt ra đi sang thế giới vĩnh hằng, để lại chị – người đàn bà độc hành trên con đường xa vời vợi: Những người thân mờ dần trong mưa phùn/ nhà quạnh vắng có con mèo chờ phơi nắng/ đêm đầu tháng mong mỏi có trăng/ trên bờ vai hình như mưa lạnh/ thôi, cái rét cuối đông phần áo mỏng/ sẽ quay quắt với hư không/ hư không/ hình như anh vừa về trong mộng (Đào phai). Ý niệm đau đớn về sự sinh tử rất rõ ràng, và sống cùng mộng tưởng với những gì đẹp nhất của người đã khuất để lại, nên thi nhân biết trân quý từng phút giây hiện hữu còn lại của mình trên cuộc đời vốn đầy những giới hạn này. Vì vậy, chị chấp nhận sống lặng lẽ, âm thầm trong thế giới của riêng mình. Chị quay lưng với thế giới bên ngoài vốn ồn ào, náo nhiệt và đầy những phi lý, chỉ để dành thời gian: lau hăng gô nhìn cái rút dép/ kỷ vật một thời gắn bó với anh/ thư viện nhà mình còn góc chiến tranh/còn hơi thở của em dành cho ký ức… ngoài cánh cửa kia vui như tết và hoa/ trong cánh cửa có anh, góc bảo tàng vô giá (Phía sau cánh cửa). Quá khứ cùng những kỷ niệm trở thành điểm tựa cho niềm tin và hy vọng. Trước thử thách của phận số, mỗi người phải tìm cho mình một lựa chọn hiện sinh… người đàn bà trong thơ Hoàng Việt Hằng không gục ngã, mà đứng dậy, chấp nhận và ngẩng cao đầu bước tiếp…
Nhà phê bình Cao Thị Hồng
Như vậy, dưới ánh sáng của cảm thức hiện sinh chúng ta thấy, nhà thơ đã chấp nhận cảm giác cô đơn như một định mệnh của cuộc sống, cho dù đó là định mệnh đầy đắng cay và nghiệt ngã. Và điều kỳ diệu ở đây, thi nhân đã biết cách chuyển hóa nỗi cô đơn nghiệt ngã này, thăng hoa thành những dự phóng sáng tạo. Hoàng Việt Hằng đắm đuối với thơ, và thơ theo chị như người bạn đồng hành để mỗi lúc “ngã lòng” thi nhân “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Trong hành trình sáng tạo của mình, đã có lúc người đàn bà ấy “bỏ thơ đi lấy chồng và đi chợ” nhưng cuối cùng vẫn không thể giã từ thơ. Bởi những câu chữ luôn trong đầu nhảy múa/ em viết ở xó bếp/ viết nhẩm trong đầu khi nhặt rau/ bỏ quên hành khô, bỏ quên rau ngò/ chồng em nhìn em không mắng (Mới tám phảy năm centimet). Để rồi như một sự đặt để của số phận khiến chị đã chọn con đường “tái giá với thơ”. Tại sao lại như vậy? bởi lẽ khi trải nghiệm cuộc sống hơn, và rơi vào hoàn cảnh “đến sập chiều cuộc đời bơ vơ/ như cây rơm vàng ngu ngơ cùng đá xám”, thi nhân mới ngộ ra, thơ như một bến đỗ cuối cùng của đời mình, bởi một điều giản dị “thơ nghiêng về phía khuất hẻo/ thơ lên tiếng, nhạt nhòa cùng nước mắt” (Mới tám phảy…). Những câu thơ theo chị là “giúp được người bạc phận/ có lòng tin vào cuộc đời xô dạt/ còn nhiều người tốt lắm phía chân mây/ còn nhường cơm sẻ áo thế gian này”. Và như một phép màu, thơ trở thành nguồn sống, tiếp thêm niềm tin yêu cho con người tìm đến những mỹ cảm tốt đẹp để làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.
Trong thực tế, nhiều khi, nỗi buồn, niềm cô đơn, sự bất hạnh lại là những “tài sản” vô giá, là chất xúc tác làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống đặc biệt là trong nghệ thuật. Vì vậy, trong sáng tạo thơ ca, tạo ra cho bản mình một thế giới riêng với đủ sự cô đơn bản thể để không chỉ khám phá cuộc đời mà còn khám phá chính mình nhằm trả lời câu hỏi: Tôi là ai?, không phải là chuyện đơn giản đối với người cầm bút. Luôn tự xác quyết “nhân vị” của mình để không bị lẫn vào đám đông lạnh lùng, vô cảm với những “bộ đồng phục” tinh thần đơn điệu đó cũng là sự thể hiện bản lĩnh và phẩm tính của người nghệ sĩ chân chính, không tự dối lừa mình. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Chạm vào nỗi cô đơn bản thể với những cảm xúc và suy tư đầy chất triết luận về cuộc đời và con người, Hoàng Việt Hằng thực sự là một nghệ sĩ bản lĩnh. Và tôi tin, chừng nào thi nhân còn sáng tạo thi ca, người đọc vẫn còn được chia sẻ những bài thơ mang khối tình: “Một mình trôi giữa bao la…” (Valentine) với  sắc màu độc, lạ nhưng gần gũi, giản dị, ấm áp và chân tình của chị.
Như vậy, trong dòng chảy của tư tưởng hiện sinh nhân bản, cô đơn chỉ đáng sợ khi ta tuyệt tình với vạn vật và tha nhân, để chỉ sống với bản thân mình. Hoàng Việt Hằng đã dũng cảm đối diện với sự cô đơn, mang yêu thương trùm lên tất cả, để dám sống và khẳng định sự hiện hữu của bản thể – đó là một giá trị nhân văn sâu sắc cần được ghi nhận trong thơ của chị. Điều này lý giải vì sao trong Em đã đốt thơ tình anh tặng, bên cạnh những bài thơ khắc khoải yêu thương cho thân phận chính mình và những người thân yêu, ngòi bút Hoàng Việt Hằng không hề thơ ơ với bao kiếp người trên cõi nhân gian. Vì thế, những bi kịch, đau khổ của bao kiếp người luôn ám ảnh tâm thức thi nhân. Chị xót xa cho một người phụ nữ lấy chồng xứ xa, phiêu bạt góc bể chân trời, rồi gia đình tan nát trong trận “sóng gió điêu tàn”: Chồng con bay theo cơn lốc/ chị dò dẫm trong đổ nát (Về quê thôi), chị đau cho những thân phận “Không có quê để về”: Nhà thờ họ bán đi rồi chia chác/ làng đã trở thành dự án/ con cháu di dời về làng Sét/ giờ tết đến/ không còn quê để về (Không có quê để về ). Nhà thơ cúi xuống nỗi buồn của trẻ thơ bơ vơ không cha không mẹ: Em đang ước gì? Em ước ăn cơm tối với mẹ/ được như bạn Tuân một lần bố bế/ khi đường trơn lũ ống tràn về. (Mắt biếc), thương xót cho em bé sống sót sau cơn động đất tận xứ xa:  Em còn sót lại trong cuộc động đất…em như sợi tóc mong manh… không có sự hoang tàn nào không đổ vỡ niềm tin/ nhưng nụ cười của em màu da đầy bụi bám / trong vận hạn nhân gian không súng đạn (Nụ cười của em bé chăn cừu Nê pan);  Tâm hồn mong manh, dễ vỡ của chị thậm chí còn thẫn thờ, day dứt mãi câu chuyện về một người chồng “thay van tim” vợ phải “sang tên bán xong vườn tược” và “ một trăm triệu rao bán ngôi nhà gió lộng ở ven sông”. Sự bất hạnh này kéo theo sự bất khác. Và khi người chồng được cứu sống thì cơ nghiệp không còn gì nữa… và nói như Nam Cao: “Hạnh phúc là một tấm chăn quá hẹp”. Với tấm lòng nhân ái, nhà thơ đã thấu cảm tâm trạng và nỗi lo âu sâu thẳm nỗi đau phận người. Đó là ảnh hình người vợ trẻ:  Trong bước đi người vợ trẻ/ nước mắt vợ như vò nhàu. Hay tiếng lòng giục giã hướng về: Ở miền Trung miền Trung thiếu nước/ trẻ con đói dài trong mỗi bữa cơm khoai... (Không đề của đối thoại ), hoặc có khi tâm hồn lại gửi miền Cao nguyên ngô lúa vẫn xanh non/ trên kẽ đá người vắt mồ hôi đá/ người vẫn đổ nghiêng gùi ngô gùi quả/ trong bao mùa sương giá lẫn mùa hoa/ những ngôi nhà đất ám ảnh ta/ cả ngựa trắng chở trăng vàng mộng mị (Ngôi nhà đất thó gọi trăng lên).
Nỗi khắc khoải yêu thương trong trái tim của người đàn bà làm thơ dường như không có giới hạn. Và với sự tinh tế của một tâm hồn giàu tình yêu thương, sẵn sàng mở lòng chia sẻ, cảm thông cùng những thân phận đau khổ, bất hạnh, Hoàng Việt Hằng đã nhìn sâu vào mỗi sự việc, hiện tượng của đời sống, đọc thấy đằng sau đó bao uẩn khúc, đắng cay, ngang trái của con người: Bốn mươi năm sau li hôn/ bà lão thảo tờ di chúc cho con/ ngôi nhà và mảnh vườn đã bán/ tiền đã chuyển khoản/ và bà lão ra đi/ một chiều mùa đông tuyết tan/ người mẹ ngóng con không gặp. (Sau di chúc); Có những người lính vẫn khoác ba lô/ thời bình vào rừng lặn lội tìm mộ/ đồng đội nhiều năm không về/ … mối tình sau cơn sốt/ mối tình chỉ có cây làm chứng/ đã thành lá xanh du dương (Có những người lính đi tìm)…
3. Hàn Mặc Tử viết: “Người thơ phong vận như thơ ấy”, đây là một điều đã được xác tín. Không phải vô cớ mở đầu tập thơ Em đã đốt thơ tình anh tặng là bài thơ Thả bước dưới quê nhà với cái tình trong tư thế người thơ an nhiên, tự tại: Thôi cứ chậm đến mùa vàng lá đổ/ đến mùa sen hoa nở chán rồi tàn/ đến vẻ đẹp cũng dịu dàng bên lúa… và kết thúc tập thơ là bài Cùng nửa ánh trăng trong mang cái tình của người đàn bà đối diện với tận cùng nỗi cô đơn bản thể: Một mình xây nhà/ một mình sinh nở/ một mình một thuyền trên cạn/ một mình đối mặt với vận hạn/ may ra còn câu thơ nằm lòng… tất cả cho thấy vẻ đẹp của nỗi cô đơn bản thể, vừa dịu dàng, đằm thắm, vừa sắc sảo, kiên định, trong một trái tim khắc khoải những yêu thương với con người và cuộc sống của Hoàng Việt Hằng. Đó cũng là phong cách chỉ có thể có ở những nghệ sĩ cầm bút dám dấn thân sống và viết như chính suy tư của mình chứ không phải là những suy tư mang tính “phải đạo”. Tôi trân trọng và yêu quý thi nhân – người đàn bà dám dấn thân đi trên sa mạc chữ “cùng nửa ánh trăng trong” để làm nên những “mùa vàng” trên cánh đồng thi ca của mình. Và chắc chắn, người đàn bà – thi nhân đầy kiêu hãnh ấy sẽ tiếp tục bền bỉ khắc ghi  những dấu ấn mới về Thơ trên hành trình sáng tạo của mình để sớm vươn ra “biển rộng”. Bởi, hơn ai hết, chị luôn thấu hiểu nỗi cô đơn bản thể, một phẩm tính tất yếu của sáng tạo thi ca mà nếu không có nó thi ca sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn thiện và hài hòa: Rồi một ngày một đời mất ngủ/ nhớ như khêu trượt dốc sớm trưa/ thời gian tàn phai màu xưa cũ/ nhưng trái tim thác lũ vẫn quay về (Trái tim thác lũ).
Vâng! Đối với Hoàng Việt Hằng, phải chăng, thơ cũng là một cõi quay về…
3/6/2019
Cao Thị Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...