Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Nơi những phần đời hao khuyết

Nơi những phần đời hao khuyết

Khi biết tôi có ý định đến Trung tâm điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng, một người bạn hỏi: “Anh định nhốt ai vào trong ấy?” - Câu hỏi nầy hình như được cài đặt sẵn trong bộ nhớ của anh ta.
– Xí trước một chỗ cho mình – Tôi nói đùa như vậy.
– Ai đã vào đấy rồi thì không điên cũng sẽ điên, điên ít hoá điên nhiều. Không đùa được đâu anh ạ!
Tôi chọn một ngày mát trời để đến trung tâm. Nghe nói những ngày như thế, người bệnh tâm thần thường tỉnh táo. Bà hàng nước nơi đầu hẻm mới vừa nghe tôi ngỏ lời hỏi thăm đường đã trả lời ngay, hơi ngờ vực nhưng lại không thèm nhìn tôi:
– Bác đi làm từ thiện hay là đi thăm nuôi? Cứ thẳng vô rồi quẹo phải. Nhớ cẩn thận đấy nhé!
– Cảm ơn bà!
 Hóa ra là như thế! Không phải là chỗ chết người nhưng một nơi có nguy hiểm. Tôi chợt cảm thấy hơi lo âu.
Nhà văn Bùi Tự Lực
Người ra mở cổng, cất ba-ri-e đón tôi vào là một cô gái nhỏ nhắn, dáng nhanh nhẹn. Tôi đoán chắc đó là một cán bộ trực ban của trung tâm. Cô gái thay lời chào mời bằng một nụ cười rất tươi rồi dẫn tôi vào thẳng phòng Ban giám đốc. Trên đường đi tôi gặp nhiều người, gặp ai họ cũng tay bắt mặt mừng chào hỏi nói cười thân thiện như với người quen cũ. Lần đầu tiên tôi đến một cơ quan lạ, có cổng ngõ ra vào khép đóng, có người trông coi Ba-ri-e cẩn thận mà không cần phải xưng tên và xuất trình giấy thông hành. Chắc ở đây dù là kẻ gian manh cũng không dám bén mảng đến “vương quốc” của người tâm thần!
Chị Hệ Thị Thanh Hương - Phó giám đốc trung tâm- tiếp chuyện tôi. Tôi cảm thấy lòng mình bình yên và thầm nghĩ: “Trẻ trung và duyên dáng như thế kia, nên làm nghề hướng dẫn viên lữ hành thì phù hợp hơn là đi nuôi dưỡng người tâm thần”. Chị Hương cho biết cô gái lúc nãy đưa tôi vào tên là Vân, nhà ở quận Hải Châu, thể loại bệnh nhân tâm thần phân liệt mới nhập vào trung tâm. Thấy tôi ngạc nhiên, chị gọi Vân lại cho tôi hỏi chuyện.
Nghe tôi hỏi tuổi, Vân bấm tay trả lời:
– Muốn biết số tuổi, cứ lấy năm hiện tại (2006) trừ cho năm sinh (1972) thành 34 tuổi; ngược lại muốn biết năm sinh, lấy năm hiện tại (2006) trừ đi số tuổi (34) là biết năm 1972.
Nghe tôi hỏi đến ước muốn, Vân e thẹn:
– Em muốn về nhà đi học, được đọc kinh, rồi… cưới chồng.
Sau khi tiếp chuyện cô gái, tôi hơi ngỡ ngàng. Người bị bệnh tâm thần là như thế đấy ư! Họ hiền lành, hiểu biết, thông minh, có khát vọng và dễ mến như mọi người. Sau khi Vân đi ra ngoài, chị Hương cho tôi biết thêm rằng, ở trung tâm thì khôn ngoan, hiền lành như thế đó, chứ ở nhà thì quậy phá tưng bừng không ai trị nổi.
Ngược dòng thời gian trở về hơn hai mươi năm trước, tiền thân của Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần bây giờ, trước đây gọi là “Trại sa sút” của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được Nhà nước xây dựng từ năm 1982, tại Xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Với qui mô khiêm tốn ban đầu biên chế là một tổ công tác năm bảy người, quản lý khoảng hai chục bệnh nhân. Đến làm việc với trại lúc bấy giờ chủ yếu là những người chịu thương chịu khó và lòng nhiệt tình cách mạng, anh bảo vệ kiêm công việc tiếp phẩm, chị y tá kiêm luôn hộ lí và cấp dưỡng. Có thể hiểu đại khái rằng, đó là nơi tập trung canh giữ những người có hệ thần kinh không bình thường, nuôi nấng thì ít mà tập trung canh giữ thì nhiều. Ngay cái tên gọi “Trại sa sút” lúc ấy cũng đã gợi lên một sự hư hao, mất mát, không hoàn thiện của thân phận những con người.
Xã Bình Định là một vùng bán sơn địa nằm phía Tây huyện Thăng Bình đất rộng người thưa, vùng đất cỗi cằn thiếu mưa thừa nắng, người xưa gọi là nơi “Địa sấu dân bần”, nghĩa là đất xấu dân nghèo; cây lúa deo héo hắt khát từng giọt mưa, bụi sắn vồng khoai cũng cong queo trong nắng hạn, chôn chân trông ngóng nước trời. Đời sống nhân dân Bình Định ngày ấy thuộc loại nghèo khó nhất nhì trong tỉnh.
Để Trại sa sút nằm lọt thỏm giữa vùng đồi dân cư thưa thớt, trong suy nghĩ của các cấp lãnh đạo thời ấy cũng nhiều trăn trở lắm. Những cảnh đời bất hạnh như thế, nếu chưa bù đắp được một phần “sa sút” trí tuệ, về phần người, thì chúng ta cũng không thể để họ sống trong hoàn cảnh bất hạnh thêm. Những suy tư như thế xuất phát từ những tấc lòng nhân ái, phù hợp với đạo đức con người mới. Và đến tháng 01 năm 1993 “Trại sa sút” được chuyển về khối phố Tân An, phường An Khê, thành phố Đà Nẵng và đổi tên thành “Khu điều dưỡng người tâm thần”. Đến năm 1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và Khu điều dưỡng cũng được nâng lên thành Trung tâm điều dưỡng người tâm thần như ngày nay, với một hệ thống tổ chức bộ máy quản lý và điều dưỡng tương đối hoàn thiện.
Tổng số cán bộ công chức của trung tâm hiện có 35 người. Trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 y tá và 1 dược tá trung cấp; số còn lại làm công việc văn phòng, công tác bảo vệ, hộ lý và cấp dưỡng. So với số lượng 270 bệnh nhân trung tâm đang quản lý, thì những con số ấy còn cách rất xa để đáp ứng được yêu cầu nuôi dưỡng và chữa bệnh hằng ngày theo chức năng qui định. Điều nầy ai cũng biết, nhiều người đều phân vân lo nghĩ, nhưng cũng có thể nói là chưa gặp được cái tâm đức hướng thiện của những tấm lòng “Lương y như từ mẫu” có trình độ chuyên môn y khoa . Một bác sĩ sẵn sàng chấp nhận làm hợp đồng cho Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện C hay ở một bệnh viện tư nhân nào đó, chứ không đến Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, dù được tuyển vào biên chế và hưởng thêm các khoản phụ cấp khác không dưới 70%. Không biết đến bao giờ những mặc cảm về “nhà thương điên” mới phai nhạt trong người đời. Có như thế chúng ta mới biết kính phục những con người có đến những mấy mươi năm gắn bó với người tâm thần.
Đến với Trung tâm điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng, tôi thực sự khâm phục những con người có một quá trình thâm niên kỳ cựu làm công tác xã hội:
Anh Trần Công Be (Giám đốc trung tâm) quê ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Nét nổi bật ở anh là sự rắn rõi và từng trải, trông anh có vẻ cứng cáp hơn so với lứa tuổi bốn tám cầm tinh con lợn; vậy mà đã có ba mươi năm hoạt động công tác xã hội. Chắc có lẽ vì cuộc sống lăn bạt của một chiến sĩ thanh niên xung phong ngay từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phong thống nhất đất nước, đi tiên phong trên các công trường, hết công trường Ba Viên (Hoà Ninh) đến thuỷ lợi Phú Ninh (Quảng Nam), nên anh có làn da đượm màu nắng gió. Rồi những tháng ngày đi bộ đội bạt rừng trên chiến trường biên giới Tây Nam, sau khi giải ngũ về, đi từ công tác ở B2 (Cưỡng bức lao động các đối tượng xã hội) đến Trung tâm bảo trợ xã hội, hiện đang dừng chân ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần. Những tháng năm lăn lộn ở những nơi nóng bỏng ấy đã hun đúc thêm cho anh sự gan góc cương trường.
Hãy nghe anh Trần Công Be nhận xét về mình:
– Người ta thường nói rằng “tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, vậy mà mình cứ bôn ba khắp chốn, chắc có lẽ trước khi nghỉ hưu tôi xin chuyển đến làm việc ở Ban Nghĩa trang ít năm nữa là đạt danh hiệu người làm công tác xã hội toàn năng.
Bên trong con người hơi xù xì ấy, cùng với tính khôi hài còn ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm. Những lời tâm sự của anh nghe thật chí tình. Khi nói lời nầy chắc lòng anh đang se lại:
– Trước một bệnh nhân khác giới, thấy người ta xé bỏ áo quần đứng cười nói vô tư, mình chỉ thương xót chứ không cảm thấy xấu hổ; có khi người ta bôi bẩn quá còn phải dắt ra tắm rồi tìm quần áo khác mặc lại cho họ. Cũng là con người nhưng lại thiếu hành vi làm người, cái dâm cái tà cũng sinh ra từ cái tâm. Nếu có xấu hổ thì xấu hổ với chính mình vì chưa làm được một điều gì cho những mảnh đời bất hạnh kia khá hơn.
Chính anh Trần Công Be cũng có một cậu em út đang học đại học năm thứ hai tại Huế thì phát bệnh tâm thần. Trước nỗi đau của nhiều người, nỗi đau riêng mình thường lặn vào trong.
Cùng với anh Trần Công Be là những con người đã trải qua gian khổ, đã từng mất mát ít nhiều, có độ nhạy cảm thẩm thấu được nỗi đau của người khác, như anh Hoàng Minh Long, chị Ngô Thị Hồng, anh Phạm Văn Tâm… Mỗi người một quê, chênh nhau độ chừng năm bảy tuổi, nhưng cũng có thể gọi  là những người cùng thời. Đó là những chiến sĩ trưởng thành từ trong quân ngũ, dù làm bất cứ công việc gì các anh chị vẫn giữ nguyên dòng máu nóng “bộ đội cụ Hồ” và họ gặp nhau trên chặng đường làm công tác xã hội. Mỗi người ít nhất cũng đã trải qua vài chục năm vui buồn với những mảnh đời bất hạnh, những con người không lành lặn thịt da, hao khuyết tâm thần:
Chị Ngô Thị Hồng từ Trại thương binh nặng Hội An chuyển ra làm nữ y tá. Với âm giọng Quảng Nam chân chất chị bộc lộ một cách chân thành:
- Mình từ bộ đội chuyển ra phục vụ ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Hội An, rồi về làm ở trung tâm điều dưỡng nầy, tính đến nay đã hai mươi hai năm rồi. Phải nói thiệt, lúc đầu cũng vì nhiệm vụ, vì kế sinh nhai mà xin làm, nhưng rồi từ trong công việc, từ cuộc sống của những con người bất hạnh ấy nó phát sinh tình yêu thương và trách nhiệm rồi gắn bó với công việc; bớt được một chút xíu gì đó của riêng mình giúp cho người tật nguyền làm cho họ vui là mình cảm thấy vui lây.
Bớt một chút xíu của riêng mình. Vui lây niềm vui của người khác. Đó là những suy nghĩ của một tấm lòng nhân hậu, là nơi bắt đầu sự hy sinh vì đồng loại. Một cán bộ công chức bình thường có được những ý nghĩ cao thượng rất đáng trân trọng như thế, quí giá hơn nhiều lần những con người có chức trọng quyền cao mà cái tâm vô cảm. Tôi sực nhớ đến một câu nói nổi tiếng “Người hạnh phúc nhất là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người.”
Cục đất đem bỏ lên ca-bin ô tô rồi cũng biết nói. Một cán bộ công chức dù có sức ì bao nhiêu đi nữa, nếu đưa vào làm việc tại Trại nuôi dưỡng người tâm thần rồi cũng sẽ năng động, linh hoạt như ai. Bởi ở môi trường ấy, mọi tình huống, mọi việc bất ngờ đều có thể xảy ra. Gặp bất cứ ai từ lãnh đạo trung tâm đến anh chị em bảo vệ, hộ lí, mọi người đều vui, nhưng rất tất bật. Đang đứng nói chuyên ngon trớn lại lội vội “Xin lỗi, em phải đi đã, đến giờ cho uống thuốc rồi”. Lại xin lỗi nữa “Em phải đi đã, đến giờ cơm rồi”. Ngồi chưa nóng chỗ lại “Em phải đi đã, đến giờ tắm rồi”. Và biết bao nhiêu thứ ùm bà chằn cứ từ trên trời rơi xuống. Những công việc ấy rất đời, rất người mà rắc rối, nhiêu khê đến độ kỳ khôi; phải có cánh  bảo  vệ  làm “vệ sĩ” đi kèm thì y tá, hộ lý mới yên tâm làm việc được. Sạch sẻ, mát mẻ, thơm tho ai cũng thích, nhưng bệnh nhân tâm thần lại là những người lười tắm nhất thế giới, đi tắm phải dụ dỗ nịnh nọt, có vệ sĩ đi kèm. “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, “Thuốc đắng giã tật”, những điều ấy đối với người tâm thần là ngược ngạo. Họ trí tráo việc uống thuốc nhanh hơn làm xiếc, coi chữa lành bệnh là một trò đùa mua vui. Các anh bảo vệ cũng tìm cách bắt bài gian xảo, mưu mẹo đón trước ngừa sau, cười vui hiền hoà nhiều hơn quát nạt; y tá hộ lý hầu hết là chị em chân yếu tay mềm, nhưng đôi mắt có sức hút hồn và trong tim có lửa.
Điều dễ dàng nhận thấy ở các anh chị là nhiều người trẻ hơn tuổi đời. Trẻ trung, luôn cười nói, lắm nỗi buồn vui và nhiều chuyện, phải nói là rất nhiều chuyện khôi hài… Theo như anh Nguyễn Văn Sĩ- Đội trưởng đội bảo vệ: Đó là lưng vốn của mấy chục năm trong nghề sống với người tâm thần mà có. Cực lắm, hơi nguy hiểm nhưng đáo để vui!
Ngày còn ở Trại sa sút trong Thăng Bình, phát hiện một bệnh nhân quê ở xã Bình Minh (một xã ven biển) chạy trốn, Sỹ tắt đường rượt theo bắt lại. Thấy Sỹ đứng chặn đường, bệnh nhân ấy vội cởi cái áo rách nát trên người, rồi quì xuống hai tay dâng lên, miệng thưa gửi kính cẩn:
– Em có mỗi cái nầy là quý nhất, anh cầm tạm rồi tha cho em về, thăm con ít bữa rồi trở lên, em sẽ biếu mực tươi cho anh nhậu chơi.
Trung tâm điều dưỡng người tâm thần có bác sĩ nhưng chuyên khoa thần kinh, khi gặp những trường hợp cấp cứu phải chuyển đi tuyến khác.
Hôm ấy có một bệnh nhân nữ đang đêm ôm bụng lăn lộn kêu van, Bác sĩ trung tâm chẩn đoán bị ruột thừa, cho chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa.
Mới vừa đến bệnh viện chị ta nhào đến ôm chân bác sỹ khóc lóc năn nỉ:
– Chắc em sắp chết mất, bác sĩ hãy nhón tay làm phước cứu em! Em chẳng có  chi cả, chỉ có mỗi một tấm lòng, em biết ơn. Bác sĩ hãy rộng lòng giúp em, rồi sau nầy bác có mệnh hệ gì thì sẽ có người khác giúp lại bác.
Một bệnh nhân nam nhà ở quận Hải Châu trốn về, anh nầy rất to và khoẻ, người bình thường không dễ gì bắt giữ được. Người nhà lập kế dụ anh ta ngồi uống cà-phê và lén gọi thoại điện báo cho trung tâm.
Khi thấy Sỹ cùng một bảo vệ khác đến, anh ta kéo ghế mời ngồi rất tử tế, rồi ghé tai hỏi nhỏ :
- Hai ông già ấy (anh ta chỉ người bố và ông chú) thuê ông Sỹ bao nhiêu tiền để đến bắt tôi?
- Bao nhiêu mặc kệ, hỏi làm chi?
- Tôi sẽ trả tiền gấp đôi. Ông hãy bắt hai cha già ấy đem về trung tâm nuôi đi!
Cái dại của người tâm thần nó khôn như thế đấy, gần đạt đến cái ngây ngô bác học. Có thể kể đến en nờ chuyện buồn vui, không ít chuyện cười rơi nước mắt. Và đó cũng là một trong những sợi dây ràng buộc níu kéo các anh chị theo đuổi công việc, hành xử mạnh mẽ và cũng rất đằm thắm sự yêu thương con người.
Tôi đứng nơi tiền sảnh gác 2 khu nhà hành chính của khu điều dưỡng, tại đây có thể nhìn bao quát toàn bộ khu bệnh nhân. Hai khu nam nữ riêng biệt, hệ thống phòng bệnh là những ngôi nhà cấp 4, lưng tựa vào tường rào mặt quay vào nhau; chính giữa là một sân chơi rất rộng rợp mát bóng cây. Tôi có cảm giác hình như đang là giờ ra chơi của một lớp bình dân học vụ, đủ các lứa tuổi, khó có thể ước tính được bao nhiêu người và thống kê phân loại bao nhiêu kiểu áo quần, bao nhiêu tư thế đi đứng hoạt động khác nhau. Có một cái chung nhất là tất cả mọi người đang chuyển động. Trong một tập hợp người đang xao động ấy là cả một xã hội thu nhỏ khá đầy đủ giai tầng nghề nghiệp, tài tử giai nhân: thầy giáo, sinh viên, nhà văn, nhà báo, bộ đội, công an, giám đốc, thường dân… Tình trạng bệnh lý cũng nhiều kiểu dạng khó tiên lường như nắng mưa, giông bão: Những người tỏ ra dễ thương như mộng mơ, hiền lành như bụt, có thể là hội chứng tâm thần phân liệt; những gương mặt có toát ra hung khí, đột nhiên đùng đùng nổi giận như Từ Hải, Trương Phi, là thuộc dạng động kinh; còn những ai chưa phân định được rõ ràng cứ gộp chung vào dạng tâm thần khác.
Còn một đặc điểm chung nữa không nhìn thấy nhưng cảm nhận được bằng nỗi xót xa: Những người được đưa vào trung tâm gần như có chung thân phận bị gia đình bỏ rơi, gia đình chịu hết nổi đành phó mặc họ cho xã hội; có nhiều người được thu gom từ kẻ lang thang vào, nên không thể xác định được gia đình, quê quán ở những đâu.
Tôi đã có một lần đến Trại giam Hoà Sơn, có gặp nhiều người đi thăm nuôi tôi phạm; lần thứ ba tôi đến Trung tâm điều dưỡng người tâm thần mà chưa một lần được gặp ai đi thăm người thân. Phải chăng, tên tội phạm lãnh án chung thân còn hy vọng sẽ có ngày được giảm án, còn với người không may mắc bệnh tâm thần thì…?!
Cuộc sống của những bệnh nhân ở đây sẽ ra sao với mức trợ cấp bình quân của Ngân sách Nhà nước hằng tháng: hai trăm ba mươi ngàn đồng một người, trong đó tiền ăn hết một trăm sáu mươi ngàn, còn lại gói gọn cho sinh hoạt, quần áo, thuốc men…? Theo quy định hiện nay của thành phố, như vậy là ở dưới mức sống của người nghèo.
Điều nầy có thể lý giải ít nhiều cho câu hỏi ấy: Bên cạnh lịch công tác hằng tuần của trung tâm, còn có một cái lịch khác đánh dấu sao rải rác kéo dài cả tháng, cứ tạm gọi là “Lịch từ thiện”. Cách ghi cũng rất đơn giản: “Ngày 01, cô Hồng, Mì Quảng”, nghĩa là ngày hôm ấy có một chị tên Hồng mời toàn thể bệnh nhân một bữa Mì Quảng. Cứ như thế, chị Xuân bánh mì ca ri, chị Yến mì tôm, Thuận Thành cháo, rồi anh Hiền, anh Hậu, các nhà chùa… và có cả những nhóm sinh viên Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Riêng một số nhà chùa có lịch cố định hàng tuần cho “Nồi cháo tình thương”.
Xin cảm ơn những tấm lòng từ thiện luôn hướng về những mảnh đời bất hạnh, không cần một dòng địa chỉ để lại, không kèm theo một điều kiện để lưu danh. Đó là sự tự nguyện xẻ chia những gánh nặng trong cộng đồng, đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn, gặp cảnh eo nghèo.
Sống ở giữa đời có ai dám khẳng định chắc chắn hậu vận của mình sẽ ra sao? Hãy cứ nhìn dưới sân kia để có sự đồng cảm cho mỗi thân phận làm người! Triệu chứng tâm thần nó có chừa ra giới tính, tuổi tác, thành phần xã hội nào đâu. Anh bộ đội đi chiến trường về do ảnh hưởng của chất độc hoá học hay sự hành hạ của mảnh đạn còn sót lại trong đầu, trong thịt da xương tuỷ mà nổi cơn động kinh triền miên. Những trai thanh gái lịch đang nhẹ bước đời vui với giấc mơ hồng bỗng dưng bị tình đời, tình người dông phụ hoá thành kẻ ngẩn ngơ. Vị lãnh đạo nọ đang chức tước quyền hành đổi trắng thay đen, lật trái xoay phải đúng sai như một trò ảo thuật, nhưng lại vụng đường quan nên bị cơn sốc quyền lực dọa đày mà đâm ra rối loạn tâm thần, sinh ra hoan tưởng. Thậm chí những con người không làm chủ được mình trót sa chân vào vào ăn chơi vô độ rượu bia, chích choác xì ke ma túy tự huỷ hoại trí não của mình. Và hàng trăm nguyên nhân khác xô đẩy, những tai biến khôn lường trong cuộc sống mỗi người.
Một điều dễ dàng nhận thấy là cả khu sân chơi rộng lớn như vậy lại sạch sẽ đến bất ngờ, có thể nói không có một cọng rác hay một chiếc lá rơi. Các anh chị ở đây đều có một nhận xét như nhau: Hình như khi bị bệnh tâm thần người ta kỵ nhìn thấy rác; trên người có thể bẩn, quần áo có thể lôi thôi, nhưng ngoài sân phải sạch sẽ, sạch trơn, họ phải nhặt bằng hết những thứ gì trên sân có thể nhặt được đem cho vào thùng rác. Còn vì sao lại như thế thì không ai giải thích được.
Nếu mỗi một thị dân bình thường mà cũng kị nhìn thấy rác như thế thì thành phố ta không phải đặt ra mục tiêu xanh và sạch!
Một ngày như mọi ngày. Từ các anh chị trong Ban Giám đốc cho đến cán bộ công chức bình thường, mỗi người một việc và luôn luôn trong tư thế sẵn sàng 24 giờ/24 giờ. Những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết hay hết giờ làm việc đang ở nhà cũng có thể phải đến trung tâm ngay khi có sự cố, bởi vì ở đây mọi việc bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào: bệnh nhân vượt rào, đánh nhau, lên cơn la hét đập phá; rồi tai nạn lao động nghề nghiệp, sự cố điện nước, vân vân… và vân vân…
Thấy mọi người ai cũng tất bật, hình như luôn nhìn ngó, nghe ngóng một điều gì, tôi đặt một câu hỏi để tỏ lòng cảm thông và chia xẻ:
– Công việc của các anh chị ở đây chắc là vất vả lắm?
Chẳng ai trả lời vào câu hỏi của tôi cả, chỉ cười và lắc đầu. Cái lắc đầu ấy cho tôi tự hiểu là mình đã đặt một câu hỏi không đúng kiểu, chưa đúng đô. Trong nhà có một người thần kinh không bình thường đã cảm thấy khổ sở, huống chi tập trung lại đến mấy trăm con người thuộc các dạng tâm thần có đẳng cấp. Ở đây việc gì cũng khẩn trương, cũng đột biến, lúc nào cũng phải cảnh giác và đối phó thì vất vả là một khái niệm khá mơ hồ.
“Sống với người tâm thần để thể hiện phần người của mình nhiều hơn, làm việc ở đây không có thói quen nổi nóng, nóng tính là hỏng việc, có khi dẫn đến tai hoạ”. Đó là lời tâm sự của chị Hương (Phó giám đốc). Nửa đêm phát hiện một bệnh nhân đang chạy trên mái hiên tìm cách thoát ra ngoài, đừng vội tri hô vây bắt, mà chỉ cần khéo khéo đánh động “anh có thể bị lộ rồi đấy”; sau đó đi vòng lại kiểm tra phòng ở đã thấy anh ta giả vờ ngáy kho kho trên giường, cửa ngoài chốt chặt. Hình như những bước đi trên mái xối, cú nhảy xuống sân, chạy vào phòng ấy là những hành động của mộng du. Làm việc ở đây thể hiện vui tươi bao nhiêu cũng không đủ, diệu ngọt bao nhiêu cũng không thừa, những lời khen thái quá hay cử chỉ làm vừa lòng người khác (ngoài đời thường gọi là xu nịnh) hoàn toàn không vụ lợi; thậm chí những lời nói dối, hứa hảo, hứa lèo lại được việc. Bệnh nhân tâm thần họ vô tư và hồn nhiên như con trẻ, dùng cử chỉ nhỏ nhẹ, dỗ dành ngon ngọt thì bảo làm việc gì cũng được, nói điều gì cũng nghe; “Anh cho điếu thuốc nè, đi tắm và thay quần áo đi”, điếu thuốc được đốt lên chuyền tay nhau rít, sau đó có mấy anh mặt mũi sạch sẽ áo quần gọn gàng đứng ra trình diện. Đã gây được niềm tin là thương yêu hiếu nghĩa chí tình, có những chuyện tưởng chừng bình thường nhưng cảm động, cảm động hơn ở ngoài đời: Nhân ngày 8/3, bệnh nhân tên Phong (vốn là sinh viên Đại học Sài Gòn còn rất trẻ) gửi hoa sang tặng chị Lương bên nhà bệnh nhân nữ. Mọi người nói rằng hai anh chị phải lòng nhau, mối tình vượt qua ranh giới tuổi tác. Một chị y tá vắng mặt mấy ngày, khi biết tin chị ấy nghỉ ốm, mấy bệnh nhân góp tiền lại trốn ra ngoài mua quà đi thăm.
Cái phần người tốt đẹp luôn lẩn khuất đâu đó chứ không bao giờ mất đi, khi tỉnh tâm, được khơi nguồn, lập tức nó trở về trong một cơ thể lương thiện.
Thật kỳ diệu biết bao nếu chúng ta được chứng kiến những cuộc tình duyên không hẹn trước ở ngoài đời. Các anh chị ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần đều có một nhận xét rất giống nhau rằng: Nếu nói riêng về sự yêu thương, lòng thuỷ chung, nghĩa phu thê và tình phụ tử, thì có nhiều điều người tỉnh táo như chúng ta phải soi vào họ mà xét lại mình:
Chị Đậu Bích Liên được thu gom về trung tâm từ những người đi lang thang trên phố. Qua những lần cùng ngồi xem ti vi, đi ăn cơm, ngồi chơi với nhau, chị đã phải lòng anh bệnh nhân tên Nghị (Anh nầy có dáng cao to và đẹp trai, người Đà Nẵng) từ lúc nào chẳng ai hay. Khi mọi người phát hiện ra thì chị Liên đã có mang, thai nhi khá lớn. Trung tâm cất công tìm được gia đình chị Liên ở Nghệ An. Gia đình hay chuyện vào đón chị Liên về nhà sinh nở. Một thời gian sau, anh Nghị đổ bệnh phải đưa đi bệnh viện chạy chữa; khi thấy khỏe người, anh trốn viện về nhà xin tiền mẹ, rồi một mình tìm ra tận Nghệ An đón mẹ con chị Liên về Đà Nẵng.
Anh tên là Mỹ âm thầm yêu thương một chị tên Sương. Kết quả sự yêu thương là một thai nhi gần sáu tháng tuổi chị Sương đang cưu mang. Gia đình đến đón chị Sương về sinh nở rồi cho triệt sản. Khi chị Sương trở lại trung tâm, tình yêu thương của hai anh chị càng nồng cháy hơn. Anh bên khu nhà nam, chị bên khu nhà nữ suốt ngày trông ngóng vọng về nhau.
Anh Nguyễn Thành Hưng (là bệnh binh, quê Núi Thành) yêu thương chị Nguyễn Thị Nhiên (là con liệt sĩ, quê Thăng Bình). Không biết bằng cách nào mà hai anh chị lại có giấy hôn thú hẳn hoi, do Ủy ban nhân dân xã cấp. Cuộc tình ấy đơm hoa kết trái ngay tại trung tâm và thằng Cu Kha chào đời. Sau khi sinh, Cu Kha được Trại trẻ mồ côi đón về nuôi giúp. Đến năm Cu Kha lên bốn, lên năm thì mẹ Nhiên khỏi bệnh. Hai mẹ con dắt nhau về quê mẹ Thăng Bình, bố Hưng còn ở lại trung tâm điều trị tiếp. Xuất lương bệnh binh của bố Hưng chia làm hai, một phần để lại, một phần gửi về góp nuôi nấng Cu Kha.
Còn nhiều những mối tình đẹp và chắc là có những mối tình đang trong vòng thầm kín chưa ai hay. Tất nhiên lãnh đạo trung tâm có biện pháp ngăn chặn những hậu quả, tách biệt hai khu nam và nữ. Nhưng tình yêu là huyền diệu có những đường đi riêng như trong cõi mộng du.
18/12/2019
Bùi Tự Lực
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...