Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Đỗ Thị Thanh Bình, tiếng thơ từ trái tim đa cảm

Đỗ Thị Thanh Bình,
tiếng thơ từ trái tim đa cảm

Thơ chị ít những chữ, hình ảnh tân kỳ nhưng đằm thắm thiết tha; một chất thơ tinh tế giàu nữ tính đã làm nên đặc trưng phong cách thơ Đỗ Thị Thanh Bình.
Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình
Tôi biết Đỗ Thị Thanh Bình trước khi gặp chị, gần như thuộc lòng, đó là bài hát “Huế – tình yêu của tôi” do nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ nhạc.
Đã bao lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng thể nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư.
Chị khéo khái quát được đặc điểm của danh thắng tiêu biểu của đất đế đô chỉ bằng đôi nét chấm phá: “Nét diu dàng pha lẫn trầm tư”. Viết được như thế không phải dễ chút nào, nhưng đọc câu thơ ta cảm thấy như chị viết tự nhiên, nhẹ nhàng như không. Thực ra, đấy mới là cái khó khăn nhất của nghệ thuật. Chị Đỗ Thanh Bình vào nghề càm bút khá sớm, đầu tiên là viết báo, biên tập rồi viết văn, làm thơ. Do công  việc làm báo, chị đi nhiều và trải nghiệm nhiều nên đề tài thơ của chị luôn mở rộng, khá phong phú ra các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều bài thơ trong tập “Giọt mật đắng cay”, “Mây hoàng hôn”, “Giọt mưa” và “Chiều Tây Hồ”, chị viết về các vùng đất, những con người, cảnh trí tự nhiên, danh lam thắng cảnh… ghi lại được nhiều ấn tượng cảm xúc yêu thương cho người đọc.
Suốt đời mang theo màu nhớ
Nổi trôi bao lạch, bao sông
Nơi nào sẽ là bến đậu
Bao giờ thôi nhớ thôi mong.
(Hoa lục bình)
Đọc bốn câu thơ trên, tôi cứ hình dung nhà thơ nữ với trái tim đa cảm, đi đến đâu chị cũng để lại nhiều tình thương nỗi nhớ và luôn nặng lòng với cuộc đời.
Về một góc riêng của trái tim, Đỗ Thị Thanh Bình có những rung cảm tinh tế rất thơ:
Từ khi nào em bị vướng vào dây
Người thơ thẩn chông chênh không vững bước
Đó là phút giây đầu tiên của cung bậc yêu đương, cái thuở ban đầu. Rồi đến khi đã có một người cùng đi trong hảnh trình cuộc đời, chị nói với người ấy câu chân thật tự đáy lòng:
Xin anh đừng là mây bay
Suốt đời em không với tới…
Anh cứ là anh, thế thôi
ấm nồng vòng tay thân thiết.
(Ấm nồng)
Trí tưởng tượng của nhà thơ thường bay bổng cao vời, vậy mà nhà thơ nữ này lại chỉ mong muốn cái anh người thương của mình chỉ chính “là anh”, thế thôi. Mới nghe tưởng đơn giản nhưng gợi nhiều suy ngẫm. “Là chính mình” “thật là mình” không dễ chút nào. Trong đời sống xã hội, với nhiều mối quan hệ phức tạp buộc ta phải làm điều không ai muốn đó là phải có nhiều gương mặt, nhập vào nhiều “vai diễn” để ứng phó với nhiều tình huống khác nhau. Bài thơ tình, ngỡ rất riêng tư mà mang tầm khái quát xã hội. Câu thơ mang một triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Câu sau đây, nói về biển, nhưng cũng có sự khái quát đời người:
Tuổi thơ mẹ – một thoáng thôi – trở lại
Sóng cuộc đời cứ đẩy mãi, trôi xa.
(Con và biển)
Hình ảnh trong thơ Đỗ Thị Thanh Bình thường tự nhiên nhẹ nhàng “sóng cuộc đời” là một kết hợp từ khá mới mẻ, đẹp một cách bình dị, “cứ đẩy mãi trôi xa”, sâu lắng và xa xót, khá gợi cảm.
Bài “gửi con xa”:
Mẹ muốn làm tấm thảm bình yên
Lót chân con muôn dặm đường gai góc
Một đời người cũng chỉ là gang tấc
Mà tháng năm xa cách lại quá dài.
(Gửi con xa)
Hai câu trên là tình mẹ đối với đứa con đi xa rất cảm động; hai câu dưới có sự liên tưởng bất ngờ. “Một đời người” so với “những tháng năm xa cách” của chính những con người ấy thì “đời người” phải dài hơn chứ. Nhưng đấy là cách đối chiếu cơ học. Xét về tình cảm thì ngược lại. Đỗ Thị Thanh Bình đã có cách xoay chiều thẩm mỹ, đảo ngược rất ngoạn mục, tạo nên cặp câu thơ mang tính nghịch lý thật đẹp và sâu sắc.
Trong bài “Hà Nội trước lúc đi xa”, chị có hai câu kết thúc bài thơ thật ý nghĩa:
Hôm nay phải chia tay cùng Hà Nội
Để có nhiều Hà Nội ở nơi xa.
Đó là ngày gia đình chị chuyển vô Nam theo yêu cầu công tác. Đã từng có nhiều câu thơ xa Hà Nội rất xúc động và hay, nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình cũng đóng góp được bài thơ hay, câu thơ hay khó quên.
Tôi rất cảm động bài thơ về truyền thuyết Nàng Tô Thị trong tập “Giọt mưa”. Nhà thơ kể người chồng của Nàng Tô Thị tử trận ở biên cương bỗng một đêm hiện lại thành người, trở về bên vợ con đã hóa đá, anh xúc động chạm tay vào cơ thể đá của vợ:
Chàng chạm tới đâu
Đá lạnh ấm dần
Mạch máu rậm rịch
Và họ đã có một đêm gặp gỡ hạnh phúc. Nhưng trời sáng mau quá, chàng phai trở lại nấm mồ của mình. Chị vợ lại trở về kiếp đá.
Một đêm hạnh phúc
Để rồi hóa đá
Ngàn năm giữa đời.
(Huyền thoại về Nàng Tô Thị)
Đã có nhiều tác phẩm văn chương viết về huyền thoại Nàng Tô Thị, Đỗ Thanh Bình vẫn khám phá cảm xúc nội tâm để có được tứ thơ mới lạ. Nỗi chờ đợi và khao khát yêu đương đã liêu trai hóa tượng hình thành bài thơ độc đáo.
Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình đã quá tuổi “xưa nay hiếm”, thơ chị đằm thắm tình đời và đôi khi cũng đặt ra những vấn đề để mọi người cung suy ngẫm.
Ta từ đâu
Ta về đâu?
Trăm năm câu hỏi trên đầu lửng lơ.
(Lửng lơ)
Câu hỏi lửng lơ này sẽ còn mãi với thời gian, mỗi thế hệ lạ đặt ra và có cách tìm hiểu tiêng để mỗi ngày một tiếp cận và hoàn thiện hơn cuộc sống của mình. Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình đặt ra và muốn gửi gắm thế hệ sau, hay thể hiện một khát vọng nghệ thuật? Dẫu là gì thì đây vẫn là câu thơ đẹp và sâu sắc về triết lý nhân sinh.
Từ cảm hứng chiêm nghiệm, Đỗ Thị Thanh Bình có những câu thơ thật đẹp về hát ca trù:
Mộng và thực giữa hai bờ hư ảo
Phút lắng đọng những tâm hồn giông bão
Phút tìm về nguồn cội ông cha
Những ngập ngừng khơi gợi sâu xa
Những luyến láy như nỗi niềm chẳng dứt
Phút đồng vọng của ông cha thuở trước
Để hồn xưa thấm đẫm đến hồn nay.
Những câu thơ giàu cảm xúc và tâm trạng, phải chăng nỗi niềm sâu kín đã gặp lời ca đồng điệu? “Phút lắng đọng những tâm hồn giông bão”, câu này hơi bất ngờ, bởi xưa nay nói đến ca trù người ta thường nghĩ đến cung nhịp tình cảm chơi vơi thương nhớ hay than thở nỉ non… chữ “giông bão” e bị “phô” chăng? Nhưng không, thời cuộc đổi thay, nửa sau của thế kỷ XX những trận bão giông thời cuộc đã chẳng làm xáo trộn bao nhiêu quốc gia dân tộc trong ấy có Việt Nam đó sao? Chính câu thơ này đã làm cho bài thơ vững vàng hơn, ấn tượng hơn. Câu “Những luyến láy như nỗi niềm chẳng dứt” là câu thơ hay gói được đa tầng ý nghĩa.
Thơ Đỗ Thị Thanh Bình tài hoa một cách dung dị, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc, đây là nét đáng quý. Thơ chị ít những chữ, hình ảnh tân kỳ nhưng đằm thắm thiết tha; một chất thơ tinh tế giàu nữ tính đã làm nên đặc trưng phong cách thơ Đỗ Thị Thanh Bình.
Phú Nhuận - Sài Gòn, 11/11/2019
Nguyễn Vũ Tiềm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Đi Khám Bệnh Cô lên chương trình ngày mai đi khám bệnh. Tất cả hồ sơ, sổ khám bệnh chuẩn bị sẵn. Kiểm tra lại xem còn sót gì không? Tu...