Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

"Rạp chiếu phim" miễn phí của nhà tôi

"Rạp chiếu phim"
miễn phí của nhà tôi

Những năm của thập niên 1980, khi nhà nhà trong xóm hầu như tình trạng ăn cơm độn sắn khoai rất phổ biến thì có một thứ được coi như sở hữu nó là gia đình ấy được gọi là “đẳng cấp” của sự khá khả. Đó là chiếc ti vi đen trắng có giá trị như một gia tài lớn thời bấy giờ.
Toàn xã tôi, (bây giờ thì đã được nâng cấp lên thành phường rồi), chỉ duy nhất một nhà của ông chủ tịch xã là có, hồi ấy muốn đi coi ké ti vi nhà ông chúng tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến được cổng nhà của ông.
Không như bây giờ, đài truyền hình phát sóng chỉ một tuần ba buổi hai tư sáu, lâu lâu có thêm ngày chủ nhật được phát vào lúc hai giờ chiều. Mỗi lần muốn coi ti vi ké chúng tôi phải ăn cơm chiều thật sớm rồi rộn ràng rủ rê nhau cùng đi một lần cho vui. Mà cái sự coi ké hắn cực ơi là hắn cực, đi bộ cả quãng đường xa lại tối om lên dốc xuống hố, hăm hở là thế nhưng có nhiều lúc đến nơi nhà người ta bị cúp điện hoặc vì một lý do nào đó nhà họ không mở cho coi (đó là chưa kể có lần chúng tôi bị chó nhà họ rượt chạy bán mạng nữa), thế là lại tiu nghỉu lủi thủi lếch thếch đi về. Thời điểm đó, ở xã bên cũng có một nhà có ti vi nữa, nhưng nghe đâu ai muốn vô nhà đó coi là phải đưa tiền như kiểu vô rạp xi nê rứa nữa tề. Khổ!
Tác giả Trang Thùy (Nguyễn Thị Thùy Trang – Huế)
Một ngày nọ, ba mạ tôi cùng một bác hàng xóm làm nghề chữa điện tử khệ nệ chở một cái thùng to thiệt to vào nhà. Khỏi phải nói chị em nhà tôi vui mừng như thế nào khi thấy chiếc ti vi vỏ màu đỏ hiệu Việt rô níc của Nhật (Vietronic) được ba tôi trịnh trọng và cẩn thận đặt trên chiếc tủ chè. Nhìn chiếc ti vi mới cứng nguyên hộp được lấy ra từ cái thùng giấy có bọc lớp xốp mới tinh chúng tôi cứ ngỡ như mình đang nằm mơ vậy. Sau một hồi hì hục cắm dây điện và xoay qua xoay lại hai cái râu trên ti vi thì cuối cùng hình ảnh cũng đã có trên màn hình thay vào tiếng “hột mè” kêu ầm ĩ.
Tin đồn nhà tôi có ti vi lan truyền trong xóm thật nhanh, tối hôm đó làng trên xóm dưới kéo nhau qua chật kín nhà tôi từ trong ra ngoài. Ba tôi vui vẻ chào hỏi bà con rồi mở ti vi lên, có mấy em nhỏ chưa biết cái ti vi bao giờ cứ muốn đứng thật gần nhưng không dám đưa tay ra sờ mó rồi thắc mắc hỏi nhau: “Họ đứng chỗ mô mà thò đầu ra nói rồi hát múa đóng phim rứa hè?”
Sau hôm đó ba tôi rút kinh nghiệm từ buổi chiều đã sai chị em tôi nấu sẵn một nồi nước chè để mời lúc bà con đến xem ti vi. Khỏi phải nói chị em tôi vui như thế nào khi vào những hôm có chương trình phát sóng là nhà tôi bao nhiêu là khách, đông vui vô kể. Nhà tôi như một rạp chiếu phim, nhất là những hôm có phim hay thì ui chao người ở những làng xa cũng kéo đến coi chật cả từ nhà ra ngoài sân thậm chí ngoài ngõ. Có gia đình kéo đến coi cả nhà, thậm chí có những đôi tình nhân cũng coi nhà tôi như một điểm hò hẹn nữa mới vui nghe.
Nam thanh nữ tú diện những bộ cánh được coi là thời thượng nhứt, mấy anh chàng mặt mày non choẹt bày đặt để râu lún phún cho ra vẻ ta đây đã là đàn ông trưởng thành, tập tành hút thuốc mà thỉnh thoảng lại ho sặc sụa vì chưa quen, hay giả đò làm rứa để gây sự chú ý của các nàng con gái đứng ở góc sân đằng kia cười rúc rích rồi thì thầm to nhỏ với nhau, ý là nhận xét về mấy anh trai làng lóng ngóng vụng về nớ chơ chi!
Còn các chị các mệ thì lại đem theo vài củ sắn củ khoai, khi thì nắm hạt dưa khi thì gói đậu phụng rang, mấy mệ cũng không quên đem theo bên túi áo mình gói thuốc lá Cẩm Lệ để vừa coi vừa bì bập hút thuốc và nhai trầu. Có em vì mẹ mê coi phim quá mà bồng theo rồi ngủ say trong tay mẹ ngon lành khi vừa coi xong chương trình “Bông hoa nhỏ” trong khi mẹ phải coi xong phim truyện mới chịu về.
Mà hỏi răng không mê cho được khi hồi nớ những phim có diễn viên Tần Hán – Lưu Tuyết Hoa đóng trong Xóm Vắng, Dòng Sông Ly Biệt đầy mê say và cuốn hút. Ban đêm coi phim xong là ban ngày đi mô cũng nghe bàn luận sôi nổi từ người trẻ đến người già. Và những phim như Bài Ca Người Lính, Nơi Đàn Sếu Bay Qua, Cánh Đồng Chết ui chao đã lấy không biết bao nhiêu là nước mắt người coi, thậm chí chúng tôi còn chạy theo mốt áo quần, tóc cắt ngang vai như Y Bình trong Dòng Sông Ly Biệt nữa mới chịu lận tề.
Khổ một cái là thời nớ điện hay chập chờn, tắt đỏ là chuyện bình thường nên nhiều khi đang coi phim ngon lành hắn cúp cái rụp thì ui cha hắn tức chi tức lạ, tiếc chi mà tiếc, rứa là đã sắm con trâu phải sắm cái cày: ba tôi mần luôn cái bình ắc quy, sạc sẵn để đó phòng khi cúp điện mà dùng.
Có một cái khổ trong sự hiếu khách của nhà tôi là vườn ổi hoặc là mấy bụi ớt, bể cá nhà tôi cứ dần dần bị vặt trộm, bắt trộm mà trong đêm tối lại đông người làm sao mà trông coi cho hết. Ba mạ tôi đành bấm bụng cho qua: “Kệ, làng nước với nhau chơ ai mô xa lạ mà nói cho mất lòng!”. Hàng ngày ba mạ tôi vẫn nhắc chúng tôi nấu nước chè để sẵn một nồi to trong nhà phục vụ bà con coi ti vi miễn phí.
Đêm nay, trước khi kết thúc chương trình phát sóng giọng cô biên tập viên Thu Hoa vang lên: “…Và cuối cùng chúng tôi xin mời quý vị và các bạn đón xem tập 1 của bộ phim Tây Du Kí trong chương trình phim truyện tối mai. Xin thân ái kính chào quý vị và các bạn!”
Rứa là ngày mai, chị em tôi lại nấu một nồi nước chè thật to nữa rồi!.
21/2/2020
Trang Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...