Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Thơ Trương Đăng Dung - Lời tự bạch của đứa trẻ biết già

Thơ Trương Đăng Dung
Lời tự bạch của đứa trẻ biết già

Năm 2011, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng xuất hiện với những hiệu ứng mới lạ trên thi đàn thơ Việt Nam. Độc giả ngỡ ngàng trước một diện mạo khác của nhà nghiên cứu, dịch giả Trương Đăng Dung. Với những cách tân ấn tượng cả về nội dung lẫn hình thức, tập thơ mang đến cho người đọc nhiều khoái cảm thẩm mỹ và đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng hạng mục thơ. Từ đó, Trương Đăng Dung được biết đến như một nhà thơ đương đại có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thơ ca giai đoạn đầu thế kỷ XXI.
Đến năm 2018, tập thơ đã được dịch sang tiếng Hungari, nhà xuất bản Europe đã mang đến cho công chúng một phiên bản song ngữ Những kỷ niệm tưởng tượng. Điều đó khẳng định, tập thơ của ông đã có những cái vươn tay rất dài, vượt qua những bức tường ngôn ngữ, văn hóa để đến với bạn đọc Hungari và cộng đồng người Việt ở Đông Âu… Rất nhiều yếu tố hội tụ để làm nên sự thành công của tập thơ, làm nên một nhà thơ Trương Đăng Dung. Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến những bài thơ mang tính tự bạch của tác giả. Với ảnh hưởng của triết học hiện sinh, những bài thơ ấy trở thành diễn ngôn tự bạch của “đứa trẻ biết già”.
Nhà thơ Trương Đăng Dung tại lễ nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 cho tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng
Trong bài phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ Những kỉ niệm tưởng tượng, Trương Đăng Dung quan niệm: “Thơ ca có thể và cần phải là một trong những hình thức biểu hiện của tư duy triết học”. Xuất phát từ quan niệm ấy, thơ ông chọn triết học hiện sinh là nền tảng lý luận và cũng là mục đích biểu hiện. Đồng thời, ông cũng cho rằng “thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện”. Ông tìm đến thơ “như một diễn ngôn có khả năng thể hiện một cách phong phú hơn, đa dạng hơn cái tôi luôn bất an trước thế giới”. Chủ nghĩa hiện sinh với những quan niệm của nó về con người, thực sự đã thức chạm những xúc cảm dồn nén của Trương Đăng Dung. Rất nhiều bài thơ mang hình thức tự bạch của ông được ra đời từ sự thôi thúc bên trong của cảm hứng mang sắc màu hiện sinh.
Tôi có tác phẩm đầu tiên là tiếng khóc chào đời sau chín tháng ngồi im tập xếp hình dấu hỏi.
Tôi sinh ra bên một dòng sông, phía trước là cánh đồng, phía sau là biển. Làng tôi nghèo, biển nổi sóng, sóng đẩy gió, gió thổi lên trời cao. Những ngôi sao lung linh hình hạt gạo, gieo giữa trời xa hy vọng của bao đời.
Tôi nghe đêm đêm tiếng bước chân người, tiếng trẻ khóc đòi ăn, tiếng mèo kêu ma quái, tiếng mưa rơi da diết gọi bình minh. Bóng những người cha lặng lẽ vô tình, như vết máu đổ dài trên vách, những người mẹ ôm bụng trào nước mắt, sung sướng lo âu nghe nhịp đạp con người.
Tôi không nói được chính xác bằng lời về những điều cảm nhận. Ngôn từ như con tắc kè hoa, có đời sống riêng và không ngừng thay đổi.
Tôi đi giữa mọi người, bên những hàng cây im lặng, lòng thầm biết ơn thân cây nào rồi đây ngã xuống, xẻ mình ra ôm tôi về cát bụi.
Tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già.
(Tự bạch)
Đây là bài thơ văn xuôi với sự xuất hiện trực tiếp của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “Tôi” kết hợp với phương thức tự sự và giọng điệu triết lý, Trương Đăng Dung như đang kể về cuộc đời mình. Con người hiện sinh trong thơ Trương Đăng Dung luôn băn khoăn: Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? … Trong hành trình tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi đó, ông nghiệm thấy, ngay từ khi con người bắt đầu được phôi thai đã dự báo một thân phận khổ đau. Theo ông, đứa trẻ khi đang nằm trong bào thai đã mang hình dấu hỏi: “Tôi có tác phẩm đầu tiên là tiếng khóc chào đời sau chín tháng ngồi im tập xếp hình dấu hỏi”. Với phát hiện này, Trương Đăng Dung đã khẳng định con người đã hiện sinh ngay từ khi hiện hữu về thân xác. Các triết gia hiện sinh phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm “hiện sinh” và “sinh tồn”. Bám vào sự sống như rễ cây bám chặt vào đất là sinh tồn chứ chưa phải là hiện sinh. Chủ nghĩa sinh tồn làm cho con người coi sự sống như là của báu duy nhất và như tất cả ý nghĩa của cuộc đời. Trái lại, hiện sinh là vươn lên trên mức sống sinh vật. Hiện sinh là ý nghĩa của đời sống. Người ta chỉ vươn đến hiện sinh khi nào người ta ý thức được mình sống để làm gì, nghĩa là khi con người biết phản tỉnh. Tôi ngay từ 9 tháng trong bụng mẹ đã suy tư về tôi (ngồi tập xếp hình dấu hỏi). Nghĩa là khi tôi hiện hữu về thân xác thì tôi đã hiện sinh. Đây là phát hiện mới mẻ và độc đáo của Trương Đăng Dung. Từ thế nằm của bào thai trong bụng mẹ, ông đã liên tưởng tới hình thù dấu hỏi (?). Một sự liên tưởng bất ngờ và đầy tính sáng tạo, thể hiện sự suy tư của ông về kiếp con người. Theo Từ điển Ngữ pháp tiếng Việt, dấu chấm hỏi (?), còn gọi là dấu hỏi chấm, dấu hỏi, là một trong các dấu kết thúc câu dùng để kết thúc một câu hỏi. Tuy là một ký tự La tinh nhưng dấu này được sử dụng trong hầu hết các bộ chữ viết, nhiều chữ viết tượng hình cũng mượn dấu này. Trong nhiều văn bản nghệ thuật, đôi khi dấu chấm hỏi “?” được đặt trong ngoặc đơn (?), hoặc ngoặc vuông [?] để trỏ tới một lời giải thích. Vai trò chủ yếu của dấu hỏi (?) là để kết thúc câu có mục đích hỏi. Tuy nhiên, trong những ngữ cảnh khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau, hay nói theo cách của Trương Đăng Dung là trong sự “thỏa thuận” ngôn ngữ của người giao tiếp, trong trường liên tưởng của người tiếp nhận, nó được mở rộng biên độ biểu đạt nên có sự đa dạng về sắc thái tình cảm như sự suy tư, trăn trở, hoài nghi, ngạc nhiên…và đôi lúc là sự bất lực của người phát ngôn trước những vấn đề bất khả giải. Có thể khẳng định, “Hình dấu hỏi” trong Tự bạch là một ký hiệu thẩm mỹ đa giá trị, đa thông điệp. Quá trình giải mã nó sẽ đọc được những ý nghĩa bất ngờ mà Trương Đăng Dung muốn truyền đạt.
Trong hành trình tìm kiếm bản thể, con người ta luôn trăn trở trước những câu hỏi có thể trả lời hoặc mãi mãi không có câu trả lời. Vì sao ta “bị sinh ra”?  Vì sao ta sống? Vì sao qua quá trình vất vả để sống thì kết cục là cái chết đợi ta ở cuối con đường? Với Trương Đăng Dung, không phải là “tôi được sinh ra” mà là “tôi bị sinh ra”: “Tôi bị sinh ra/ tôi phải dấn thân/ tôi hội đủ những điều kiện chết/ tôi không hy vọng gì” (Tự do của Kazantzakis). Như vậy, khởi nguyên của con người đã bị tước mất quyền tự quyết. Điều bi đát của con người là ngay cả sự xuất hiện của mình cũng không được chủ động. “Tôi bị sinh ra” cũng đồng nghĩa với tôi không mong muốn được sinh ra. Từ khi sinh ra “Tôi nghe đêm đêm tiếng bước chân người, tiếng trẻ khóc đòi ăn, tiếng mèo kêu ma quái, tiếng mưa rơi da diết gọi bình minh. Bóng những người cha lặng lẽ vô tình, như vết máu đổ dài trên vách, những người mẹ ôm bụng trào nước mắt, sung sướng lo âu nghe nhịp đạp con người” (Tự bạch). Và sau một quá trình sống, xót xa nghiệm thấy: “Tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già”. Điều phi lý nhất là một đứa trẻ không được sống với cuộc đời thực của nó, đã vội sống kiếp người già bởi những suy tư về phận người, phi lý hơn là chưa kịp “trẻ” thì đã già.
Ngoài bài thơ Tự bạch, còn có một số tác phẩm cũng thể hiện lời giãi bày về bản thể với tinh thần hiện sinh thấm đẫm như Những kỉ niệm tưởng tượng, Ghi chép hè 2009, Chúa đã ra đi… Macxim Gorki trong tác phẩm Một con người ra đời đã viết: “Cao cả thay các chức vị làm người trên trái đất – được thấy bao nhiêu điều kỳ diệu, trái tim được rung động một cách ngọt ngào mãnh liệt biết bao nhiêu trong khi nín lặng chiêm ngưỡng cái đẹp tuyệt vời!”. Và nhà văn lớn của nước Nga đã xúc động diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ sau bao đau đớn để sinh con: “… thỉnh thoảng người mẹ lại dừng bước thở một hơi rõ dài, hất mái đầu lên ngoảnh nhìn xung quanh, nhìn biển, nhìn rừng, nhìn núi, rồi lại nhìn mặt đứa con trai. Nước mắt đau thương đã rửa sạch mắt chị, và giờ đây, đôi mắt ấy lại trong trẻo và sáng bừng lên với ngọn lửa biếc của tình thương không bao giờ cạn. Có một lần dừng lại như thế, chị nói: – Lạy Chúa tôi, Chúa ơi! Sung sướng quá, thích quá đi mất! Ước gì cứ thế này mà đi, đi mãi cho đến cùng đường cuối đất, và thằng con tôi cứ thế lớn lên, nép vào lòng mẹ mà lớn lên mãi trong cảnh tự do, con yêu của tôi” (Macxim Gorki, Một con người ra đời). Còn trong thơ Trương Đăng Dung, lại là một cảm giác hoàn toàn trái ngược. Thay vì hân hoan đón chào sự có mặt của con người là nỗi khổ đau, nỗi buồn mênh mang sâu thẳm: “Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời/ khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ/ mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi/ em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn/ giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn” (Những kỷ niệm tưởng tượng).
Đó là cảm giác ngỡ ngàng đến đau xót của con người “bị sinh ra”. Tại sao mẹ sinh em ra ở cuộc đời này? Tại sao em phải sống cuộc sống này? Người đàn bà sau chín tháng nặng nhọc mang thai, những tưởng nở nụ cười hân hoan khi con cất tiếng khóc chào đời nhưng “khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ”. Bởi mẹ hiểu, từ đây con bắt đầu một kiếp lưu đày, tự mình gánh gồng bao nặng nhọc của kiếp con người; mẹ đau khổ vì dù sinh em đâu phải là tội lỗi nhưng mẹ cảm thấy có lỗi vì đã sinh con ra trong kiếp làm người.
Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Chế Lan Viên, tác giả của Điêu tàn cũng đã cho rằng “Chúng ta ở trên đời không phải lộc ra hoa mà còn để mang thương tích”. Các nhà hiện sinh thì quan niệm “Làm người khổ lắm!”. Bởi vì, từ khi con người sinh ra vốn đã bị bỏ rơi. Phải tự chịu trách nhiệm về mình, không ai gánh vác, lựa chọn định mệnh cho mình, không ai sống thay, làm thay cho mình. Vì vậy, con người lúc nào cũng cảm thấy cô đơn (cô đơn bản thể), luôn cảm thấy bất an, luôn trăn trở về tương lai. “Tôi lớn lên ngơ ngác cõi người/ tình thương, thù hận, buồn, vui/hun hút đường xa cát bụi/ người đi không biết về đâu” (Chúa đã ra đi).
Xưa nay, thơ vẫn được xem là loại hình mang tính chủ quan, độc thoại (M. Bakhtin). Lời thơ là lời quyền uy của tác giả. Cái tôi trữ tình phát ngôn, bày tỏ thái độ, tình cảm, giọng điệu của mình trong thơ với tính chất đại diện cho chủ thể sáng tạo. Dĩ nhiên, cái tôi trữ tình không hoàn toàn đồng nhất, trùng khít với tác giả. Cái tôi của Trương Đăng Dung là cái tôi bản thể, tức là cái tôi đại diện của chủ thể tính trong không gian đương đại. Cái tôi đó đang ưu tư về thân phận, băn khoăn triết lý về sự ra đời của chính mình – một chủ thể người. Tự bạch của Trương Đăng Dung như lời trần tình của nhà thơ trước cuộc đời, lời tự bạch về thân phận. Và điều đáng nói là, đó đều là những lời tự bạch thấm đẫm sắc thái hiện sinh. Con người hiện sinh không quan tâm đến quá khứ, chỉ quan tâm đến hiện tại. Người hiện sinh chủ trương cắt đứt với quá khứ, chặn đứng nẻo đường tương lai, chỉ chú trọng cái thực tại hiện tồn. Satre nói: “Chỉ có thực tại mới đáng kể còn thì những mơ màng, những sự chờ đợi, những niềm hi vọng cho phép ta định nghĩa con người như một giấc mộng tàn tạ, như một hy vọng bất thành, một sự chờ đợi luống công”. Marcel là người chống lại khách thể tính, chống lại mọi hình thức cứng đọng. Ông lay tỉnh con người để họ đừng triền miên trong tình trạng phóng thể về dĩ vãng của họ. Con người hiện sinh phải luôn tiến về phía trước. Trương Đăng Dung ảnh hưởng một phần quan niệm ấy của chủ nghĩa hiện sinh khi tự bạch rằng: tôi không còn ký ức.
Bài thơ Ghi chép hè 2009 ra đời trong cảm hứng “chấn thương” của chính tác giả. Sau sáu năm du học, tháng 9 năm 1978, tác giả trở về tổ quốc, lòng rưng rưng vì được sống trên cảnh quê hương, những tưởng mình sẽ hạnh phúc khi được gặp lại những con người thân thuộc. Nhưng rồi, trong giây phút hằng mong đợi ấy, khi gặp lại những người mẹ của các bạn thời học sinh của mình, khi họ ôm lấy mình khóc và hỏi: “Cháu ở đây nhưng thằng Đức của Bác đâu rồi?” thì tác giả cảm thấy nghẹn ngào, chua xót. Trong khoảnh khắc ấy, tác giả cảm thấy mình như lạc lõng bơ vơ trong niềm vui sum họp. Mọi thứ như đã mất. Bão tố chiến tranh đã cướp đi những hình ảnh kỷ niệm về một thời đã qua: bạn bè, cây gạo đầu làng, ký ức tuổi thơ… Lòng như tan hoang: “Hơn nửa thế kỷ đi lại trên mặt đất này/ tôi không còn nhiều bạn/ cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi/ tôi không còn ký ức/những giọt máu cuối trời tuổi thơ” (Ghi chép hè 2009).
Cũng suy nghĩ đó, trong Tinh thần Kafka, ông đối thoại với thần tượng của mình:
– Con quyết định đến ngôi chùa gần nhất
– Biết nó ở đâu?
– Nhìn ngọn cây đa con thấy nó rất gần.
– Cây đa không còn mãi.
– Con còn ký ức.
– Ký ức cũng tàn phai. Ký ức đổi thay khác màu cỏ tự thay trên các nấm mồ.
Trương Đăng Dung đã đem đến một diện mạo mới cho thơ Việt khi đã tạo dáng lại cho bài thơ với hình thức mới. Cảm xúc của chủ thể trữ tình được bộc lộ qua cuộc đối thoại mang tính tranh luận. Người này nói, người kia phủ nhận. Những lời thoại giàu chất suy tưởng triết lý mà thực chất là sự phân tách của chủ thể trữ tình để tự soi chiếu thể hiện những chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình về chính mình. Trong cuộc đối thoại ấy, vẫn vang lên tiếng nói Tôi không còn kí ức. Tâm thế đó tựa như tâm trạng hoang mang đánh mất kí ức, đánh mất tuổi thơ trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Proust đã viết: “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Tư tưởng này gợi cảm hứng cho Trương Đăng Dung trong hành trình soi nghiệm bản thân và tìm được sự gặp gỡ của những cái tôi “không còn ký ức”.
“Tôi không còn ký ức”, lời tự bạch này của Trương Đăng Dung một mặt nói lên cảm thức lạc lõng của con người trước thời gian, mặt khác, nó là cách thức để tác giả thể hiện sự “đối kháng” với cái quá khứ “buồn nôn” của mình. Có quá nhiều niềm đau không muốn nhớ. Vì mỗi lần “ăn mày dĩ vãng” là một lần “xin” được ở dĩ vãng không gì ngoài sự khổ đau, và nỗi xót xa một thời. Ký ức và kỷ niệm nhiều lúc lại là điểm tựa, là nơi nương náu cuối cùng của những tâm hồn không tìm được sự bình yên trong cuộc đời. Giữa dòng đời đầy mưu toan, ngờ vực nhiều lúc ta tự hỏi mình, hiện tại và quá khứ, cái gì nâng đỡ, ôm ấp ta nhiều hơn? Có lẽ không chỉ là hiện tại. Vậy mà, với Trương Đăng Dung, ngay cả ký ức, cả những kỷ niệm tuổi thơ cũng bị đánh mất khiến con người chìm sâu vào bi kịch cô đơn.
Thực chất, Trương Đăng Dung hiện sinh từ tâm thức, nên luôn ráo riết với hiện tại. Nhưng thỉnh thoảng, ông lại ngược dòng:
Có một thời
đến bữa cơm mẹ ngồi đợi vét nồi
răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa.
Có một thời
trẻ con sợ búp bê và không thích sữa.
Có một thời
anh đi bên tôi mà sao cách trở.
có một thời
đi về đâu mà ai cũng vội.
(Có một thời)
Theo Hoàng Thụy Anh thì “Thời gian trong tập Những kỷ niệm tưởng tượng được phóng chiếu tự do, không theo chiều véc-tơ” (Những kỷ niệm tưởng tượng – thế giới của sự phi lý).  Đó là thời gian dung chứa tâm tình của nhà thơ. Thời gian gắn với nỗi xót xa khi “răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa”, với những kí ức mà nhà thơ cảm thấy “tôi không còn ký ức/ tôi không còn những bông hoa gạo”. Bởi tất cả chỉ là “Những giọt máu cuối trời tuổi thơ”. Đời sống quẩn quanh, tầm thường bế tắc (Có một thời/ hạt bụi cũng quẩn quanh), con người ngày càng vô cảm, sống mỏi mòn (nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi, nghe lá vàng rơi lòng ta không xào xạc, đứng trước tổ chim lòng ta đầy mưu toan độc ác). Con người tự cật vấn lương tâm nhói buốt: “Có một thời/ có một thời/ ta đã sống thật sao?”. Câu hỏi tu từ vang lên thảng thốt, xót xa. Dường như, chủ thể trữ tình không tin rằng mình đã trải qua một thời như thế, không tin được mình và mọi người đã từng sống một cuộc sống như thế. Không thể tin vì nó quá khó tin hay vì không muốn tin? Có lẽ cả hai!. Con người trở nên lạc lõng trong chính một phần đã đến, đã có trong cuộc đời mình. Tức là lạc lõng với những cái bên trong con người, với chính mình. Cho nên, con người như không có quá khứ, nói đúng hơn là muốn chối từ quá khứ. Vì vậy, trong thơ, Trương Đăng Dung trộn những khoảng thời gian quá khứ – hiện tại vào nhau. Đôi lúc, người thơ không nhớ chính xác những điều đã cảm nhận “Tôi không nói được chính xác bằng lời về những điều cảm nhận” (Tự bạch).
Trong bài thơ Có một thời xuất hiện nghịch lý từ cách diễn đạt. “Có một thời” là sự mơ hồ không rõ ràng về mốc thời gian vì nó là thì quá khứ nên có độ nhòe nhất định. Nhưng sau điệp khúc đó lại là sự liệt kê, gọi tên cụ thể rõ ràng kỉ niệm. Điệp khúc “có một thời” láy đi láy lại trong bài thơ như nhấn mạnh độ bền lâu, khắc sâu của ký ức như bằng chứng rành rành về quá khứ. Sau cái mơ hồ là cái cụ thể, sau cái Hư vô là cái Hiện hữu. Nhưng đó là một “nghịch lý” có mật mã. “Lùi lại để hiểu, tiến lên để sống!”, câu nói của Soren Kierkegaard, một trong những triết gia tiên phong của thuyết hiện sinh thật đúng với Trương Đăng Dung. Nhìn lại quá khứ để hiểu giá trị của hiện tại, để thức nhận về bản thân, cũng là bước chuẩn bị để quăng thân về phía trước. Hôm qua là nền tảng của hôm nay.
Các nhà hiện sinh cho rằng, quá khứ là lực cản trên hành trình sống của con người. Họ luôn tự nhắc nhở, hiện tại là khung thời gian duy nhất ta thực sự được “ăn ở”, vì vậy ta nên nỗ lực ở với nó một cách thân mật, nồng nhiệt, cũng như tránh phán xét những gì xảy ra trong quá khứ. Con người hiện sinh phải đoạn tuyệt với quá khứ để tiến lên. Nhưng với Trương Đăng Dung, văn hóa Việt, văn hóa tri ân nguồn cội vẫn đậm từ tâm thức. Chảy trong huyết quản của ông vẫn là dòng máu nồng ấm của con Rồng cháu Tiên nên thái độ sống ấy hiện sinh theo kiểu dạng khác biệt. “Tôi không còn ký ức” không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ mà chỉ là một cách nói ngược, một cách nói có hàm ý. Vì con người ấy vẫn luôn có những cái ngoái đầu tha thiết: “Có thể em quên rằng anh đã gặp em/ hai mươi ba ngàn năm về trước/ ở một bến sông/ Có thể em đã quên cánh buồm nâu ngày ấy/ trôi giữa trời xanh không biết đến bao giờ” (Có thể). “Tôi không còn ký ức” không phải vì tôi đã lãng quên. Quy luật tâm lý là niềm vui có thể qua nhanh nhưng nỗi buồn, niềm đau thì đọng mãi. Huống hồ gì quá khứ của Trương Đăng Dung có quá nhiều niềm đau, nhiều “chấn thương”. Nên có muốn quên thì cũng không dễ dàng quên được. Con người ấy vẫn nặng nợ với một thời đã đến, đã qua trong cuộc đời mình. Thế nên, một mặt tác giả tự bạch “tôi không còn kí ức” nhưng mặt khác vẫn nhắc nhở lòng mình “Em đừng ngoảnh lại/ cứ để những chuyến tàu chạy ngược chiều kí ức/ không bao giờ vào ga”. Tận sâu đáy lòng vẫn muốn “em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại”, vẫn thú nhận “Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người”. Một con người luôn sống trong tư thế để ý nghĩ chạy theo những chuyến tàu thời gian trong đêm vắng “Tôi thức với trái tim/ những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực” thì không lý gì “không còn ký ức”.
“Tôi không còn kí ức”, lời tự bạch mang đậm sắc thái hiện sinh ấy hé lộ cho ta biết một đời sống tinh thần hiện tại không mấy bình yên của nhà thơ. Sau hơn nửa thế kỉ “đi lại trên mặt đất này”, Trương Đăng Dung nhận ra mình cần đến thơ “như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được một cách phong phú hơn, đa diện hơn cái tôi luôn bất an trước thế giới”. Với quan niệm ấy, sáng tác thơ đối với Trương Đăng Dung không gì khác ngoài việc tìm kiếm cái tôi bản thể, tìm kiếm chính mình. Đây cũng chính là nhu cầu tự thân trong hành trình sáng tạo của những nhà văn, nhà thơ chân chính. Tất cả đều có nhu cầu khám phá, khẳng định cái Tôi bản thể bởi họ hiểu rằng, “kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong một cuộc tìm kiếm chẳng chút bình yên” (Nhạc sĩ Phú Quang). Trương Đăng Dung cũng như vậy. Sự va chạm với chủ nghĩa hiện sinh đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong quá trình nghệ thuật của ông. Giữa “vùng ánh sáng động đậy” của thứ triết học nhân bản ấy, Trương Đăng Dung đã bắt đầu đến với thơ. Chủ nghĩa hiện sinh có tác động lớn đến sáng tác của ông, giúp nhà thơ nhìn lại mình, phản tư trên hành trình tìm kiếm bản thể. Nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì Trương Đăng Dung làm thơ “là một cách để cái tôi lý tưởng trong anh được trình hiện” (Trương Đăng Dung… như một thi sĩ). Tự bạch như một phương cách hữu hiệu trong cuộc tìm kiếm chính mình không chút bình yên. Với hình thức này, thơ Trương Đăng Dung vừa đạt đến sự mới mẻ của hình thức, vừa khắc sâu những trạng huống tinh thần phổ quát của con người trong cõi nhân sinh.
Tài liệu tham khảo:
- Trương Đăng Dung (2011), Những kỷ niệm tưởng tượng, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Trương Đăng Dung (2011), “Những kỷ niệm tưởng tượng” - Tác phẩm và dư luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
- Trương Đăng Dung (2017), “Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại”, Tạp chí Thơ, số 5-6, Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội.
- Trương Đăng Dung (2019), “Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại”, Tạp chí Thơ, số 1-2, Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội.
- Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, Hà Nội.
- Jean- Paul Satre, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, Đinh Hồng Phúc dịch (2018), Nxb Tri thức, Hà Nội.
- Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung… như một thi sĩ, http://www.vanhoanghean.com.vn/.
14/2/2020
Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...