Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Thong thả nhâm nhi Trần Đức Tiến

Thong thả nhâm nhi Trần Đức Tiến

Có thể nói, kể từ những tác phẩm nổi danh cách đây mấy chục năm như Chuyện về những con cá cờ, Soạn và U, rồi hàng loạt tác phẩm sau đó in trong tập Mười lăm năm mưa xói, Tuyệt đối yên tĩnh,… Trần Đức Tiến vẫn giữ được hai điều quan trọng với một nhà văn: Tính độc đáo của lối kể và sự nghiêm túc.
Cách đây 30 năm, khi sự nghiệp văn chương bắt đầu có dấu hiệu rực rỡ, vì sinh nhai và không hề cân nhắc, ông bỏ Hà Nội, bỏ đất Bắc rông thẳng vào Vũng Tàu. Lạ nước lạ cái, bị bứng ra khỏi cái gốc vốn có sức bám rất chặt nhưng Trần Đức Tiến đã được chuẩn bị để đủ sức kháng cự lại quá trình chuyển vùng ấy. Nói khác đi, ông luôn là ông trong bất kể môi trường nào. Và đó chính là bi kịch, đồng thời cũng là nguồn năng lượng bổ sung để ông khởi tạo một sự nghiệp mới bằng cách đào sâu hơn vào bản ngã của mình, theo một cách hoàn toàn khác. Dấu hiệu này rất rõ ràng ở những sáng tác về sau của ông, đặc biệt trong tập truyện ngắn Lỏng và tuột.
Nhà văn Trần Đức Tiến
Nhân vật trong nhiều truyện của ông có một nét chung là chẳng biết họ nghĩ gì, muốn gì. Họ giống như thứ hình nộm bị giật dây. Những vận hành mà hình nộm - nhân vật ấy thể hiện được điều khiển ở một tầng rất sâu của bản năng cùng với bên cạnh nó luôn luôn có kẻ song trùng - tồn tại như cái hình ảnh thứ hai - tinh khôn như rắn, đầy dục vọng của quỷ nhưng lại có nỗi bất an chỉ thấy ở con người.
Điểm đáng lưu ý nữa là trong hầu hết các truyện của Trần Đức Tiến, chúng ta chỉ lờ mờ nhận ra ở đâu đó vài hình bóng mang giá trị quan sát, được mô tả qua quýt nhưng cũng có thể từ đó suy ra một vùng đất na ná như thành phố Vũng Tàu, nơi được coi là vùng văn hoá hay là lãnh địa nghề nghiệp thứ hai của ông. Còn lại nó hoàn toàn là một không gian giả định, không gian sắp đặt. Không thể khoanh vùng được không gian này vì nó phi địa lý. Những nhân vật trong đó cũng không thể xác định họ đang sống ở đâu với tất cả những đặc điểm cụ thể về ngôn ngữ, lối sống…
Và nó chỉ có thể là những công dân của cái vùng đất mang tên Trần Đức Tiến. Đây là một nỗ lực nghiêm túc và đáng kể của tác giả. Nhưng những thứ đó mới chỉ là cái phông, là mảnh toan đã được căng lên, cho dù rất cẩn thận, cho dù bằng chất liệu tốt thì cũng chưa đáng bàn. Vấn đề quan trọng là cái gì sẽ hiện lên trên đó. Và ta có thể trả lời, đó là những hình hài, mảng tối sáng, những khoảng trắng đầy ám ảnh, rất khó giải mã theo kiểu đi tìm cái ẩn ý của sự sắp đặt. Nó tạo cảm giác bất định về mặt nội dung nhưng lại được bố cục cực kỳ chặt chẽ, chặt chẽ đến nỗi có cảm giác thêm hoặc bớt bất cứ chi tiết nào cũng không còn là cái mà Trần Đức Tiến tạo ra.
Trong truyện ngắn Mưa Núi ta thấy bắt đầu là hình ảnh một người đàn ông rời nhà đi bộ lúc 13h5. Tại sao lại là 13h5? Loại câu hỏi đó là thừa nhưng oái oăm thay lại cứ phải hỏi. Chúng ta không biết ông ta là ai, cũng hoàn toàn không có chút thông tin nào để hình dung chẳng hạn như tuổi tác, tầm vóc, một vài đặc điểm nhận dạng ngoài cái tên K..
 “K. cắm cúi đi. Hôm nay là ngày nghỉ, ông có thể ngủ trưa thoải mái, nhưng không hiểu sao lại mất ngủ. Có thể vì thời tiết thay đổi. Cũng có thể vì bà vợ nằm bên cạnh. Vợ K. có thói quen nằm cùng giường với chồng, ngay cả lúc nghỉ trưa. Tiếng ngáy đều đều rền rĩ của bà kéo dài vô tận, bền bỉ đan bện vào nhau thành tấm lưới âm thanh bùng nhùng… K. không hề nhận ra rằng, cứ đi mãi như thế này, ông sẽ lại quay về nhà, thậm chí về đúng chiếc giường mà cách đây ít phút ông đã phải thận trọng trườn qua người vợ để thoát ra ngoài. Nhưng đúng lúc đó, có một người đàn ông lạ hoắc bỗng mỉm cười với ông. Người này đứng bên trong cửa sổ ngôi nhà quay mặt ra đường. Nụ cười đầy vẻ cảm thông khiến K. bừng tỉnh. Ông đột ngột thay đổi hướng đi, rẽ ngoặt vào con đường nhỏ dẫn lên núi”.
K. hoàn toàn không có bất cứ chủ định nào. Bản thân ông cũng không hiểu vì sao ông lại rời nhà ngoài mấy cái giả thiết không chắc chắn. Vậy mà ông lại bừng tỉnh sau nụ cười của người đàn ông lạ hoắc. K. bừng tỉnh về điều gì? Không ai biết, kể cả chính ông ta. Nhưng nhờ cái sự bừng tỉnh ấy mà ông đột ngột đổi hướng đi lên núi. Mấu chốt của truyện chính là sự đổi hướng đột ngột này. Nhưng sau đó chẳng có bất cứ điều gì đặc biệt ngoài những hạt mưa có từ trước nhưng bắt đầu nặng hạt, rơi đều theo mỗi bước chân ông. Và rồi ông gặp cô gái điên.
K. bị dẫn dắt bởi một ma lực nào đó để cuối cùng ông làm tình với cô ta. Từ đây ông thuộc về một thế giới khác, thế giới chỉ có mưa rơi và ngôn ngữ của người câm. Nhưng đó chính là những mảnh hiện thực trong suốt, là niềm hoan lạc đầy mầu sắc cứu rỗi mà K. không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Cuộc làm tình giống như một nghi lễ tẩy rửa hơn là thoả mãn thân xác. Khoảnh khắc siêu phàm, phi thực ấy là sự giải thoát của những ẩn ức bị đè nén đến độ không thể nào chịu đựng được nữa.
Nhưng đáng lẽ trong niềm hoan lạc con người phải quên đi mọi thứ tạp nham, thì hồi ức quái quỷ về những lần K. ân ái với nhiều loại phụ nữ khác cứ dần hiện lên và khép lại ở hình ảnh cái đầu trọc lốc của vợ mình. Chúng ta chỉ có thể mang máng nhận ra có cái gì đó trục trặc, nguy hiểm, không thể chấp nhận đang ngự trị đời sống để gán cho ý nghĩa của truyện ngắn này. Nhưng điều đó cũng không chắc chắn bởi biên độ của thông điệp là quá lớn. Và hiệu quả mà nó tạo ra là sự ám ảnh về cái điều chưa được giải mã.
Tương tự như vậy trong Thiếu phụ răng đen. Truyện ngắn này nếu đọc một cách cẩu thả sẽ thấy nó là một truyện cẩu thả về ý tưởng. Nhưng suy ngẫm kỹ sẽ thấy Trần Đức Tiến quả là cao tay trong bài binh bố trận. Lấy vẻ đơn giản, quen thuộc thường thấy để đánh lừa người đọc rồi ngầm chuyển tải một thông điệp tinh vi, độc đáo, khiến gây bổ chửng. Câu chuyện xảy ra ở thị trấn L. – cái thị trấn đầy bí hiểm – bỗng trở thành đề tài cho biết bao giả thiết, hư hư thực thực, hết hài sang bi, tạo nên hoặc thay đổi biết bao số phận để cuối cùng chính người trong cuộc – sau nhiều năm quay lại – cũng không biết có thực những chuyện như vậy đã từng xảy ra.
Thậm chí liệu có thực cái thị trấn L. nào đó mà chính mình từng sống và chứng kiến những chuyện thực một trăm phần trăm như vậy? Và liệu những ký ức ấy có phải là của mình? Hàng loạt câu hỏi kiểu như vậy lập tức bủa vây nhân vật, giống trò bày đặt của kẻ chuyên làm việc xoá trắng. Truyện kết thúc như bỏ dở, như hết chuyện thì dừng nhưng nỗi ám ảnh thì sẽ còn kéo dài với câu hỏi liệu có sự thật nào không phải là ảo ảnh của lý trí và khả năng kiểm soát tính xác thực của con người có đáng tin? Nó đòi hỏi mỗi người phải rất thận trọng khi đưa ra những phán quyết chủ quan khi mà cuộc đời bất định hơn anh tưởng rất nhiều.
Thế giới mà Trần Đức Tiến tạo ra luôn ở ranh giới giữa thực và ảo, giữa một bên là cuộc đời bề bộn, huyên náo, ngầu lên những dục vọng nhưng đầy bất trắc, đầy nguy cơ biến mất với một bên là những gì chỉ thoáng hiện, không dễ xác định nhưng lại luôn có cơ hội tồn tại phi thời gian. Một mặt nó báo động về nguy cơ mọi thứ bị xoá trắng do ô nhiễm tinh thần được tạo ra bởi vô vàn thói tật mà con người thản nhiên mắc phải hoặc hồn nhiên chấp nhận. Nhưng mặt khác, từ mỗi truyện ngắn của Trần Đức Tiến lại đều có thể là bản nhạc say đắm ca ngợi cõi tục này, với đầy cảm xúc về cái đẹp nhục dục, nhiều đam mê mãnh liệt.
Đọc Trần Đức Tiến, có thể vừa ghê sợ, khinh thường cái cuộc đời mà ông mô tả nhưng lại không thể không thèm khát nó, được tiếp tục sống với nó. Ông làm ngược lại cách của nhiều người khi dùng cái mông lung, huyền ảo, cái không thể nắm bắt bằng lý trí, cái tạo ra cảm giác về sự thẳm sâu, bao la để làm dung môi cho thứ vật liệu đơn giản hơn có tên là hiện thực. Bạn đọc luôn luôn phải tự xác định vị trí của mình trong toạ độ nghệ thuật do ông vẽ ra. Nhưng cái đích mà họ hướng tới hoá ra lại ở ngay trước mắt. Nó giống như cảm giác về giấc mộng Hoàng lương. Chỉ khác rằng, cuộc đời với Trần Đức Tiến không phải là cái chớp mắt của số phận. Cái cuộc đời ấy là trường cửu và đáng sống.
5/12/2019
Tạ Duy Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...