Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Thục Uyên - Tiếng thơ buồn của người đàn bà giàu lòng trắc ẩn

Thục Uyên - Tiếng thơ buồn của
người đàn bà giàu lòng trắc ẩn

Thơ Thục Uyên là tiếng thơ buồn của một người đàn bà giàu lòng trắc ẩn. Mỗi bài thơ của chị là biết bao nỗi niềm chất chứa được gửi gắm vào đó. Chị làm thơ từ khi rời quê hương. Thục Uyên lặng lẽ viết, viết như để giãi bày những gan ruột, những gì chị nhìn thấy, những gì chị rung cảm, đau xót trước bao thăng trầm, biến cố của con người và thời cuộc. Do vậy, Thục Uyên đến với thơ không phải để khẳng định tên tuổi, cũng không phải để mình được danh xưng nhà thơ mà chị đến với thơ một cách tự nhiên, hồn hậu.
Tìm đến thơ, trải lòng với thơ đó là cách mà Thục Uyên cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, thư thái và an toàn nhất. Đến với thơ và coi thơ như một Đức tin tôn giáo, một sự cứu rỗi tâm hồn. Vì thế, chị sống vẹn toàn với thơ bằng sự hồn nhiên, trong trẻo. Mỗi câu thơ, bài thơ chị viết đều như trút cả tâm can mình vào đó. Người đọc thấy hầu như bài thơ nào của chị cũng man mác nỗi buồn. Nỗi buồn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung vẫn là những nỗi đau đáu hoài niệm về quê hương, về người thân, về bạn bè và cả những nỗi đau nhân thế.
Nhà thơ Thục Uyên
Hạnh phúc đích thực là khi con người hướng đến những giá trị tinh thần mang tính nhân văn sâu sắc. Đó có thể là những điều quá đỗi bình thường, giản dị nhưng đôi khi vì mải mê công việc, vì nặng nợ áo cơm hoặc cũng có thể vì hiện tại cuộc sống đủ đầy mà có người đã quên đi quá khứ của những năm tháng khổ nghèo. Với Thục Uyên, nỗi niềm với mảnh đất quê hương, với bao kỷ niệm một thời lần lượt hiện diện trong thơ của chị.
Con sẽ về thăm lại căn nhà nhỏ
Ngọn đèn dầu le lói thắp đêm khuya
Con sẽ về để thấy mẹ hôm xưa
Lom khom nấu chiều khơi trong bếp nhỏ
Cơn mưa về trơn ướt đường đất đỏ
Mẹ loay hoay mớ củi ướt bên hiên
Khói bếp cay hong mắt mẹ triền miên
Tuổi thơ con buồn như những ngày ám khói
Con sẽ về giữa mùa gió nổi
Gió đầu mùa xao xác những giấc mơ
Gió mênh mông, tan vào đêm hiu quạnh
Gió âm thầm qua ruộng bắp xác xơ
Con sẽ về cao nguyên mù sương khói
Mơ cơm chiều được bên mẹ ấm êm
Nắng lung linh hoa cà phê nở trắng
Đàn trẻ đùa trong đất đỏ lấm lem
Chưa về được nên nghe lòng quặn thắt
Dáng mẹ ngồi bên bếp lửa chiều đông
Thương những đứa con lạc loài đâu đó
Mắt mẹ buồn chạm tới mênh mông.
Bài thơ Nhớ cao nguyên là một trong những bài thơ hay của Thục Uyên. Hình ảnh người mẹ tảo tần, vất vả, hi sinh hôm sớm đã trở thành biểu tượng, trở thành lẽ sống cho chị. Nhớ cao nguyên là nỗi nhớ bao trùm nhưng mẹ chính là trung tâm của nỗi nhớ. Ở đó gắn liền với nhiều thứ bình dị, gẫn gũi và đã in đậm trong trí não đứa con. Người con ấy, dù đã rời xa mảnh đất quê hương, nơi chở che và ghi dấu những năm tháng đầy ắp kỷ niệm. Nơi có căn nhà nhỏ, có ngọn đèn dầu le lói thắp đêm khuya, có hình ảnh của mẹ lom khom nấu chiều khơi trong bếp nhỏ. Bao hình ảnh thân thương lại hiện về, những năm tháng gian lao, khốn khó hiện diện trong tâm thức của người con. Điệp khúc Con sẽ về được lặp đi lặp lại 4 lần. Đó là nỗi mong chờ da diết của một đứa con xa quê muốn được trở về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn với bao ký ức niềm thương mà con và cả gia đình đã trải qua. Cơ bản là những chuỗi dài buồn, nỗi buồn được chắt lắng và trở thành nỗi ám ảnh, day dứt. Vùng đất khắc nghiệt: nắng – gió – mưa – bão nên con người phải luôn chống chọi với thời tiết bất thường này. Vùng đất ấy đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương, nỗi nhung nhớ không thể nguôi ngoai trong tâm khảm của một người đứa con (giờ đã đứng tuổi) xa quê nhưng lại rất nặng nợ với quê nhà. Nhà thơ tự thức:
Tôi đã mất mùa xuân từ daọ ấy
Từ thuở đời tao loạn buổi chia ly..
Thân trôi nổi với chợ đời cơm áo
Dám mong gì xuân đến với xuân đi!
Hai mấy năm xuân về trên đất lạ…
Luôn nhớ về mùa xuân tuổi ấu thơ
Dòng sông kia có ngược về dĩ vãng
Chuyên chở cho tôi mùa xuân cũ đợi chờ.
Tha thiết và gắn bó với quê hương, với cuộc đời nên nhà thơ Thục Uyên đã có rất nhiều bài thơ hay viết về đề tài này. Có thể kể ra một số bài như: Soi bóng cội nguồn, Kinh khổ, Tìm mãi mùa xuân, Những cơn gió cuối mùa, Em đi, Này em có nhớ, Từ lúc em đi, Nhớ Huế, Nhớ cao nguyên, Những sợi buồn… mà khi đọc, người đọc sẽ không thể nào không nghĩ suy, không day dứt. Đặc biệt là những người con xa xứ nhưng trong trái tim vẫn luôn hướng về nơi cội nguồn sinh dưỡng, nơi chứa đựng không biết bao nhiêu mối ân tình.
Thơ Thục Uyên đọng lại trong tâm hồn người đọc bởi những liên tưởng phong phú, tứ thơ lạ cùng với những hình ảnh mang tính biểu trưng. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng chứa đầy cảm xúc, bộc lộ được bản sắc cá nhân – đó là một hồn thơ trữ tình da diết, đau đáu nỗi đời, nỗi người. Thơ chị là tiếng lòng của một người phụ nữ đầy bao dung và giàu lòng nhân ái. Những kỷ niệm thường trực thao thức tạo nên những dòng chảy bền bỉ vừa thực, vừa mang nét u huyền. Đôi lúc là nỗi đau, sự u uất, nghẹn ngào của nhà thơ.
Em đi là một trong số những bài thơ ấn tượng của Thục Uyên. Ở đó trùng điệp những nỗi buồn. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng nó như vết dao cắt cứa vào tâm can, giăng mắc vào lòng người bao nhiêu câu hỏi. Nhà thơ đã trải qua những năm tháng thăng trầm, nhiều mất mát, tổn thương và vốn là người nặng tình nên điều gì cũng làm cho chị trăn trở, day dứt.
Gió vẫn phất phơ chiều đông muộn
Nắng võ vàng thấp thoáng dáng em
Lũ chim trắng u hoài như phế tích
Vỗ cánh buồn luyến nhớ dấu chân êm..
Nắng bàng hoàng hôm em xa vắng
Đường em đi ngơ ngác lối rẽ hai ..
Chiều hôm đó ngập tràn hoa lau trắng
Nắng rất vàng sao hiu hắt tàn phai..
Lối em đi rừng xưa đã khép
Màu lá xanh chia biệt buốt cô đơn
Em chỉ còn phôi pha như ký ức
Trăng lụi tàn tan tác giấc mơ đêm..
Em đã về chưa con ngõ vắng?
Dốc mơ cao, mùa cỏ úa hoang vu…
Tiếng gà gáy vọng trong trưa nắng
Em có còn thương nhớ tiếng mẹ ru?
Em đã xa, mịt mù như bóng tối...
Như loài chim vỗ cánh dị kỳ
Chỉ hiển linh trong cạn cùng nỗi nhớ...
Mất dấu rồi biền biệt cánh thiên di!
Thục Uyên miên man trong ký ức về những câu chuyện thuở thiếu thời, về những năm tháng khổ nghèo nhưng sống trong tình yêu thương đầy ắp. Vùng quê chị đã sinh ra, lớn lên và gắn bó thuở nào (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Lâm Đồng) giờ đã trở thành không gian hoài niệm vĩnh cửu.
Vì thế, trong thơ Thục Uyên tứ thơ phần nhiều bắt nguồn từ nỗi nhớ: tôi đi tìm mãi trong màu nhớ, tôi đi tìm lại một mùa xuân, Bao giờ nhớ Huế về thăm Huế, Bước người xa thầm lặng mỏi mòn, em giờ xa xôi quá, Đất mẹ gầy ôm ấp cả tuổi thơ, màu kỷ niệm ươm vàng nỗi nhớ, Từng đêm về giấc mơ đời vụn vỡ, Em có còn thương nhớ tiếng mẹ ru? Tôi đã mất mùa xuân từ dạo ấy…
Nỗi buồn giăng mắc vào cả không gian và thời gian, Thục Uyên chỉ biết trải lòng mình bằng những giọt buồn xốn xang của một trái tim đa cảm.
tôi đi tìm mãi trong màu nhớ/ ô, nắng xuân về dọi thiết tha/ xuân vẫn đến mùa vui không về nữa/ nỗi nhớ xuân heo hút đến phôi pha (Tìm mãi mùa xuân).
Đêm nghe gió thì thầm đâu đó
Tiền kiếp nào dắt lối buồn thiu
Sương từng giọt rớt trong tan vỡ
Đêm dịu dàng đưa tay nắm quạnh hiu
Đêm che khuất vầng trăng khuyết tật
Nghe linh hồn thoát kiếp giấc mơ
Nghe tiếng đá thở dài mệt nhọc
Tiếng chim kêu thảng thốt bơ vơ
(Tiễn biệt)
Nhà thơ khao khát trở về những năm tháng của tuổi thơ vô tư, hồn nhiên như cỏ cây hoa lá. Điều ước ấy tưởng đơn giản nhưng không thể thực hiện được khi mọi thứ đã đổi thay và thời gian đã không cho phép. Bởi tuổi già đã ập đến và đặc biệt hơn đó là khoảng cách về mặt không gian xa tít mù khơi!
Nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Tình thương và sự sẻ chia đã xây nên những vần thơ chân thành, mộc mạc mà giàu tình nghĩa. Lòng quặn đau khi nhà thơ chứng kiến nhiều hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh. Đó có thể là cảnh ngộ của cô gái Việt sống tha hương nơi đất khách:
tháng mười hai
đàn sẻ nhỏ thèm rúc vào hang ổ
sợ những ngày khắc nghiệt mùa đông
sợ đường bay tuyết rơi trắng xóa
sợ những lúc bão giông…
là tháng cuối trong năm
em trộn lẫn với dòng người xa lạ
giữa đám hàng Giáng Sinh sáng chóa
rực rỡ sắc màu
dáng em thu nhỏ
đôi mắt buồn ẩn số Á Châu…
(Tháng mười hai)
Này em người con gái da vàng
Số phận khắc ghi em bằng sắc tố
Dòng máu Việt Nam da vàng ôi khốn khổ
Chạy lang thang khắp mặt địa cầu
Có những chiều ảo não tiếng đàn bầu
Những cánh chim tựa vào nhau xơ xác
Những ngày vui quê hương ơi xa lắc
Còn được không về soi bóng cội nguồn?
Em chưa lớn lên sao đã biết buồn
Ước mơ đi qua tủi hờn rất thật
Vị mặn trên môi, vị sầu lên mắt
Lịch sử ngậm ngùi đắng ngắt tuổi thơ
Tới xứ người những khuôn mặt ngây ngô
Miệng khờ khạo vài ba câu sinh ngữ
Bập bẹ áo cơm, thuộc lòng năm ba chữ
Nguôi ngoai không, đêm viễn xứ đầy sao..
Phi cơ lướt bánh trên phi đạo
Nghiến tái tê rách nát mặt đường
Mẹ rưng rưng nhìn con tiễn biệt
Em nhớ rằng em có một quê hương …
(Này em có nhớ)
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra về kiếp người, lẽ sống, niềm tin, sự hạnh phúc – khổ đau… của những cô gái da vàng đang mưu sinh ở hải ngoại. Càng xót xa hơn là những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc, “sang sông” rồi từ đó biền biệt không về!
Sang sông hôm ấy đò đưa/ Hương cau ngan ngát, bến xưa mẹ buồn/ Em cười vén vạt áo hường/ Con đi dăm bữa về thường mẹ yêu!
Em ngoan xinh đẹp mỹ miều.../ Mắt thơ ngây, dáng yêu kiều thướt tha/ Đàn em nhỏ chạy ra xa/ Níu lấy tay chị ở nhà với em…
Vậy là bao buổi chiều êm/ Nhà vắng bóng chị buồn tênh mẹ ngồi…/ Mâm cơm chiều đã dọn rồi/ Cha ngồi chống đũa mắt trôi phương nào…
Bến sông chiều ấy lao xao/ Nước như phẳng lặng sóng trào rẻ đôi…/ Xác xơ nhánh lục bình trôi/ Em trôi trôi mãi… bên đời quạnh hiu!
Mẹ buồn gói hết thương yêu/ Ôm con trong mộng, lưng chiều sao sa…/ Mẹ ơi đừng gả con xa (*)/ Chim kêu vượn hú biết nhà mẹ đâu?
Giấc mộng đổi đời, “sính” lấy chồng ngoại quốc để rồi biết bao cô gái phải “sập bẫy”. Ở phương trời xa, họ mòn mỏi được trở về nhà, về quê hương nơi có mẹ cha, gia đình, bè bạn nhưng tất cả đều vô vọng. Đau đớn. Buồn tủi. Nhục nhã. Ê chề…
Khi biết tin người bạn trẻ không may mắc bệnh hiểm nghèo, trái tim đa cảm của chị lại nhói đau. Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hóa, chị đã khéo léo gửi gắm rất nhiều điều vào bài thơ Kinh khổ.
Có những ngày lòng buồn như lá úa
Lay lắt trên cành đợi gió thu phai
Lá vẫn xanh sao gánh nhiều oan trái
Hành trình nào mờ mịt dấu tương lai ..
Em lớn lên giữa những mùa lúa chín
Đồng ruộng xanh xanh ngát ước mơ
Cánh diều bay chập chùng cơn viễn mộng
Đất mẹ gầy ôm ấp cả tuổi thơ…
Rồi một buổi bão về cơn sóng dữ
Cắn chặt môi chua xót nỗi đau thương
Từng đêm về giấc mơ đời vụn vỡ
Hồn tả tơi xơ xác những đấu trường…
Định mệnh nào
giữa trùng trùng gươm giáo
Cánh chim buồn tha thiết níu trời cao
Đêm từng đêm lời nguyện cầu vang vọng
Gởi ước mơ lên tới những vì sao…
Hay sự ra đi của những người thân yêu, ruột thịt làm cho Thục Uyên hụt hẫng, bàng hoàng. Chị thấm thía sự mất mát của đời người. Dẫu biết rằng đó là quy luật tất yếu. Điều quan trọng không phải là những tháng ngày tồn tại dài hay ngắn mà ý nghĩa của cuộc sống – giá trị của con người mới là điều đáng lưu tâm. Sự sống – cái chết dưới cái nhìn đầy nhân văn, với sự liên tưởng, so sánh độc đáo, nhà thơ đã làm sáng tỏ ý nghĩa triết mỹ của nó.
Thục Uyên đã vận dụng sáng tạo các biện pháp nghệ thuật để tạo ra những dòng thơ ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Ẩn dụ, so sánh, nhân hóa và tương phản là những phương thức được nhà thơ chú trọng.
Em đợi mưa về mưa tháng bảy/ Bớt héo khô những ngọn cỏ lưu đày/ Lũ chim biệt xứ thôi nhớ tổ/ Dấu hạ buồn trên những cánh bay (Những sợi buồn).
Biển vẫy gọi những bến bờ xưa cũ/ Cánh buồm nào căng gió nhớ bến mơ?/ Hàng dừa xanh lả ngọn cười soi bóng/ Vật vờ trong nỗi nhớ đã tàn tro… (Biển nhớ).
Ta nhớ lắm bạn bè và lớp học./ Phấn trắng bảng đen cùng các cô thầy/ Ta đau xót tuổi hoa niên dang dở/ Số phận mang ta xa tít tắp chân mây…
Chiều đã xuống về thăm dòng sông cũ./ Nơi ta về một nửa đã cạn khô./ Một nửa dòng kia đang chảy lặng lờ/ Sa mạc trong hồn nuối tiếc tuổi ngây thơ…
(Về thăm Quảng Ngãi)
Thục Uyên không bao giờ dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà luôn đi vào bên trong để khám phá, phát hiện bản chất của vấn đề. Từ đó, chị nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, tình người một cách sâu sắc. Nhà thơ suốt đời kiếm tìm hạnh phúc trong những trăn trở và suy tư. Nhưng giữa sâu thẳm của dòng thời gian, hạnh phúc vĩnh viễn chỉ là một niềm mơ ước.
Các hệ từ chỉ sự buồn đau, xa vắng, chia ly… được nhà thơ sử dụng dày đặc. Không khó để bạn đọc nhận ra các từ như: lưu lạc, bơ vơ, buốt lạnh, vụn vỡ, lịm tắt, đọa đày, nhạt màu, điệu buồn, hiu hắt, đơn côi, mịt mù, hỗn mang, truân chuyên, đổ vỡ, xác xơ, chông chênh, loang đong, u uất, vỡ nát, mịt mùng, vết đau, bạc bẽo, rụng rơi, tái tê, tao loạn, nghiệp, nợ, nỗi sầu, xót xa, ngàn trùng, trầm luân, mỏi mệt, tro bụi, âm u, tan hoang, ngơ ngác, nổi trôi, quạnh hiu, khóc, lao đao, đa đoan, chua xót, băng giá, lâm chung, thoi thóp, tan tác…
Trong hành trình sáng tạo, Thục Uyên viết về cái tôi bản thể có lẽ là những vần thơ sinh động và để lại nhiều dư âm nhất trong lòng độc giả. Bởi ở đó, chị đã bộc bạch, giãi bày thành thật nhất, rõ ràng nhất những điều sâu kín của tâm hồn. Đâu đó có tiếng nấc nghẹn vì buồn tủi, tiếng thở dài của những ước vọng không thành, những giọt nước mắt vọng lại từ nỗi đau còn mới nguyên hay cả những tiếc nuối xa xôi ngỡ như đã ngủ yên.
Người hỏi tôi khi nào về cố xứ?
Đến khi nào mỏi mệt cánh thiên di!!
Mưa vần vũ trên bầu trời u ám
Mây cũng bẽ bàng với cuộc chia ly…
Yêu ca dao từ khi “trăng là nguyệt...”
Yêu truyện Kiều từ thuở rất ấu thơ…
Nhớ tha thiết tiếng rao hàng cuối phố
Chợ nhóm xôn xao trong cả giấc mơ…
Chim bạt gió từ khi xa tổ ấm
Cánh bôn ba đời cơm áo tha phương…
Thân phiêu bạt vẫn nhớ miền đất hứa
Nữa linh hồn đã để lại quê hương.
(Cánh chim Việt)
Thơ Thục Uyên chứa nhiều gam màu trái ngược, nỗi buồn xuyên suốt nhưng không phải là sự tuyệt vọng mà đó là những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, về tình đời, tình người. Hiện tại – Quá khứ – Tương lai đan cài vào nhau và mở ra nhiều không gian khác đã làm cho tâm hồn thi sĩ tha hương như chị luôn khắc khoải, buồn thương và cả sự xót xa khi nhớ về quê cha đất Tổ. Giọng thơ Thục Uyên vừa tâm tình, thủ thỉ, vừa trữ tình sâu lắng và cũng không kém phần cay đắng xót xa. Từ sắc thái, giọng điệu thơ; người đọc có thể hình dung ra hình ảnh của thi nhân. Đó là một đứa con của tình yêu quê hương sâu đậm, lặn sâu vào thân phận dân tộc mình, bản thể mình để suy tư, để nghiệm sinh về bản thể đời sống, con người.
Phú Yên, 7/1/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...