Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Tiểu luận của Văn Đắc: Núi ngực em đang hát

Tiểu luận của Văn Đắc:
Núi ngực em đang hát

Có nhiều nhà thơ viết về làng quê rất hay, rất đẹp, sâu sắc và thi vị nhưng sao cứ thấy làng quê mà không rõ tác giả. Kim Khánh thật tình, thật mình, làng bản từ trong hồn vía của Khánh hiện ra, con người thơ hiện ra. Ngay trong cấu trúc bài thơ, giọng thơ thấy như Khánh thấm ngấm trong câu chữ, tục ngữ ca dao truyện cổ, nhất là sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của dân tộc Mường, một lối thơ, truyện kể bằng khẩu ngữ giàu tượng hình, thường xử dụng điệp từ, điệp ngữ, vần nối ngay trong câu, đối ý, đối hình. Hầu hết thơ viết về xứ Mường, Khánh đều sử dụng giọng điệu ấy một cách biến hoá nhiều vẻ thật tài tình.
Phạm Thị Kim Khánh đã xuất bản 4 tập thơ “Vườn tháng giêng” (Nxb HNV – 2014); “Hai ngọn gió” – NXB Văn học – 2016; “Cõi vọng” – NXB VHDT – 2018; “Mùa lá” – NXB HNV – 2021. Chị chính gốc con gái Mường – Cầm Thuỷ – Thanh Hoá – nơi sinh ra sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, một vùng đất bên thượng nguồn sông Mã. Thiên nhiên rừng núi, suối khe kỳ ảo ẩn hiện trong tục ngữ dân ca, huyền thoại, truyện cổ Mường và sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Khánh sinh ra lớn lên, trưởng thành ở đó thấm đẫm hồn vía của rừng núi, cồng chiêng, bếp lửa nhà sàn với giọng đọc ma mị của thầy mo và giọng hát xường của trai gái làng bản. Đây là cái nôi văn hoá, bầu vú sữa của trời đất đã nối tiếp nuôi dưỡng và tạo nguồn thi ca trữ tình rất riêng của chị.
Nhà thơ Văn Đắc
​Ta đã gặp cảm hứng rạo rực tình yêu rừng suối, cây quả, vườn tược trong tập thơ “Vườn tháng Giêng”:
​Em ùa vào tháng Hai
​Xoay tít một vòng sực nức

Đánh thức lãng quên
Vực dậy yếu mềm
Rì rào rì rào
Sinh nở.
Đây là những câu thơ đánh thức tình yêu nhưng còn phải nhờ vào hoa quả vườn tược nói hộ. Đến tập thơ “Hai ngọn gió” người thơ đã tự lộ diện, nói thật về mình, sửa soạn đến với tình yêu:
Từ đấy ngày xuân tôi thường chải tóc
Ngắm gương mặt mình qua mó nước ban mai
(Mùa xuân của tôi)
Bước vào tập “Cõi vọng” thì toàn cảnh hiện ra với những hình ảnh xôn xao tình trai gái tinh tế rất thật đời mà ý vị:
Rừng kiêu hãnh dâng mùa thơm tho
Giục trai bản khiêng bọng ong lên rừng lấy mật
Mùa gái làng vấn hương vào khăn áo
Thả xuống suối một dòng hương
(Mùa hoa rừng)
Đến tập “Mùa lá” Kim Khánh về với rừng, với bản, nơi cất giữ lá bùa tình yêu rồi hoá thân vào người và cảnh như Khánh khai sinh lại lần đầu, bước vào mùa thiếu nữ dậy thì đang yêu.
“Kìa phiến vai
Núi ngực em đang hát lời luyến thương
Kìa tóc kìa gáy kìa vai trần
Quấn riết ta trong vòng xoáy nõn nường
(Tắm tiên)
Rồi hẹn người yêu: “Lên con dốc/ váy sai dưới chân cánh bướm thêu nhịp bước/ khăn thùa trên vai phơ phất nhịp chân nàng/cạp thổ cẩm roi rói màu nhuộm- như nàng roi rói xuân thì”
Rồi chờ người yêu đến “Con chim khách đã thóc mách hồi nhà/ nàng còn dậy sớm hơn chim khách/ mặc váy áo mới vấn khăn từ tối đất/ nàng ra vại nước soi lại khăn thùa.​​​(Chờ)
Rồi mê man tưởng tượng:
Chàng ca rô quần bò
Cưỡi trên con ngựa tơ
Lên núi
Nàng váy sại áo khóm lùm lùm bầu ngực
Trên dốc
Đang vẫy
… chàng và nàng cười
Ngất ngư
Mệt nhoài
Oải ra
Thả mình
Trên đá…
(Tưởng tượng)
Bài thơ ngắn gọn, lời lẽ, nhịp điệu tự do phóng túng giống như những thước phim quay chậm thật sinh động với vẻ hồn nhiên dân dã, hiện đại và duyên dáng.
Mùa lá – tập thơ của Phạm Thị Kim Khánh
Từ khi tìm được “lá bùa nắn nót chữ tình yêu” trong “Vườn tháng Giêng”, ở đâu, lúc nào Khánh cũng nghe tiếng rừng gọi vía, “Vía ơi/ về nhà đường vào có hoa pông páo/ lối ra có hoa bông trăng… ta hong trên giàn ta sấy nong bếp… về đi vía à!” cánh rừng mở ra, nhà sàn chống lửa, một miền quê Mường hiển hiện với muôn vẻ đời sống mới tinh như Khánh được cởi mở mọi luấn quấn trói buộc, uống cạn suối mát thèm khát của mình.
Chiều nay ngồi bên sông mênh mông nơi
cửa bể
Vốc nước lên, thác réo thượng nguồn
​​​​( Sông quê thác réo)
Về lại với rừng thì núi trơ trọc, rừng bỏ đi đâu, người ngơ ngác lo sợ, bà con dân bản róng riết gọi vía rừng:
Ơi vía rừng/ ơi hồn núi/ dạt về miền nào nương/ bay về niềm nào náu/ nương náu đâu xin về lại đồi ta…bấm rễ vào đồi làm bóng/ tựa thân vào đá làm đôi
Lắm khi thấy như mưa gió đổ xuống vai mình không yên:
Đêm mưa tôi nghe/ tiếng đồi rên nỗi trọc/ mưa xói lở bờ vai…núi long đồi lở/ nỗi đau gầm/ người không còn chỗ náu/ người không còn bóng nương/ người mênh mông với những tai ương (Tiếng đêm)
Rồi chứng kiến những trận lũ ập xuống: Nước dâng như thang bắc/ tiếng mẹ gọi ô làng…/ núi sập/ đồi lở…
Bài “Lũ” như một phóng sự ngắn viết bằng thơ tự do, khẩu ngữ dân tộc Mường, đoạn kết trầm hẳn xuống, xót xa:
Trong lấm láp bùn/ ướt lượt thượt/ có tiếng cầu khẩn/ có tiếng oán thán/ sao trời không thương/ sao núi không che chắn/ rừng đâu rồi/ rừng ơi!
Rõ ràng Kim Khánh đã hoàn toàn sống hoà nhập, chia sẻ nỗi niềm cùng dân bản, nhận ra nỗi buồn, niềm vui, nỗi lo lắng của họ, nhất là nỗi cô đơn của người mẹ vào ngày tết đợi con xa bên bếp lửa.
Con trai mế đi chăn gà nước ngoài/ con dâu trông trẻ dọn nhà đất khách… đêm tháng chạp không người bàn chuyện tết/ chỉ mình mế với lửa và củi…”.(Tiếng tắc kè)
Miền quê ấy còn nhiều khó khổ, vất vả nhưng cũng có rất nhiều đổi mới mở ra và Khánh dào lên niềm vui rất thật:
Ta chạy về thăm mế, thăm Mường nhà/ cổng chào để tên màu son làng văn hóa/ con đường bê tông san phẳng gập ghềnh… (Đường về)
Rồi bao nhiêu hình ảnh làng xưa, đời xưa, những ngôi rừng, làng bản hiện ra như trong huyền thoại. Làng nay mà rất xưa.
​“Nơi tuổi thơ ta ngồi bờ chờ cha quăng cá/ mẹ giặt tơ giũ sợi héo tay/ tháng Chạp theo bạn ra sông rửa lá/ tập đôi váy tắm tiên thẹn cả ngày (Sông quê thác réo)
​Thơ viết về bản làng nồng nàn hơn cả là những bài viết về người mẹ, tình yêu, tình vợ chồng… người và cảnh lồng vào nhau ấm sáng lên tình người, hồn vía văn hoá làng bản. Ta nghe cô gái “đáp lời trai bản”
… nghe anh rủ về lòng đã thương
Nghe anh rủ lại lòng vẫn nhớ
Nhưng ông chú bà bác, cha mẹ không gả mường xa
Tiếng con chim Păng Păng kêu đêm nghe mà đứt ruột
Tiếng con quăng quăng giục chiều nước mặt nhoà chan
Không làm bạn anh kiếp này
Sông không có mú
Rú không có ma…
Lời đáp của cô gái Mường sao mà thương, mà nhớ, khôn khéo nết na như vậy thì xa quê, bỏ quê sao được! Khánh kể chuyện tình của người quê nhà như có mình trong đó xôn xao:
Mùa lá xôn xao quá
Ta ôm mùa đầy tay
Rồi lại nối tiếc than thở: Tình ơi!/ đêm nay rừng xa đá lạnh/ tình một mình nằm co ro!
Rồi lại nhớ “Lòng yêu mùa trước”… Nói câu xường hẹn ngày thương/ tưởng như măng rừng mới thức/ ngỡ mùa vừa mới dậy hương… sửa lại lòng mình đâu thể/ em ngồi đau lại vết xa
Có nhiều nhà thơ viết về làng quê rất hay, rất đẹp, sâu sắc và thi vị nhưng sao cứ thấy làng quê mà không rõ tác giả. Kim Khánh thật tình, thật mình, làng bản từ trong hồn vía của Khánh hiện ra, con người thơ hiện ra. Ngay trong cấu trúc bài thơ, giọng thơ thấy như Khánh thấm ngấm trong câu chữ, tục ngữ ca dao truyện cổ, nhất là sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của dân tộc Mường, một lối thơ, truyện kể bằng khẩu ngữ giàu tượng hình, thường xử dụng điệp từ, điệp ngữ, vần nối ngay trong câu, đối ý, đối hình. Hầu hết thơ viết về xứ Mường, Khánh đều sử dụng giọng điệu ấy một cách biến hoá nhiều vẻ thật tài tình.
Xin có một đối chiếu:
– Lời: “Đẻ đất đẻ nước”
Trống chim trào hào
Mái chim chiền chiện
Liệng vào núi đá hang trống
Đi ấp trứng ở núi đá Hang Hào
Hay:
Bố con vua trời
Các Ken nội ngoại
Cười râm ran như nước đổ
Cười nghiêng đầu nghiêng cổ
Cười vỗ chân vỗ tay
– Thơ Kim Khánh:
Không về làm bạn anh kiếp này
Sông không có mú
Rú không có ma
Khung dệt phá không thoi, nén tơ không suốt
Mẹ đùm em bằng lụa
Cha bọc em bằng vóc
Em không theo anh về đời này
Như sông không có cá
Như ná không có tên…
(Đáp lời trai bản)
Ở một số bài khác, Khánh lại vận dụng cách kể chuyện của dân tộc mình với lời kể mộc mạc, giọng kể rủ rỉ mà không rơi vào dài dòng buồn chán (vợ và chồng, gọi về đủ vía, mùa của mẹ, chuồn chuồn còn bay v,v…)
Nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh ở Thanh Hóa
Tôi chú ý một số bài thơ cấu trúc theo kiểu từ một ý chính, khai triển dần và kết thúc bằng những khái quát, ý vị. Tên bài thơ chỉ bằng một từ, câu chữ tự do, tung tẩy, không hề làm duyên. Đấy là sự tìm tòi đổi mới cho thơ mình không cũ, sáo rỗng, thơ đi trong dòng tình cảm theo dẫn dắt của trí tuệ, xúc cảm và ngẫm ngợi, hoà trộn rất Việt và cũng rất Mường, hiện đại và dân tộc lồng vào nhau không thấy dấu vết khập khễnh, ví như các bài: Biếc, Gọi, Hẹn, Chờ, Tưởng tượng v.v…
“Núi ngực em đang hát lời luyến thương” – câu thơ sức vóc, phô phang, đùa giỡn cái nõn nường với con suối sau mưa. Thấy như thiên nhiên và con người cũng hát lên niềm vui khát khao tình yêu hạnh phúc.
Dõi theo 4 tập thơ thấy rõ Phạm Thị Kim Khánh đang trở về khai thác nhiều màu vẻ văn hoá, đời sống xưa và nay ở chính làng bản dân tộc của mình. Thơ tình của chị cũng dần ngả mầu thổ cẩm nền nã của dân tộc Mường. Ý tứ, câu chữ hồn nhiên, thoải mái, nhiều tìm tòi, đổi mới cho thơ đến với công chúng rộng rãi. Trong khi nhiều cây bút đang tìm đường hoà nhập với thế giới Khánh lại tìm về tiếng mẹ đẻ, đem theo hơi thở của thời đại khẳng định cho thơ mình. Đấy chính là bản lĩnh sáng tạo. Thật đáng trân trọng và kỳ vọng!.
9/6/2022
Văn Đắc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...