Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Trần Nam Phong và Những dịch chuyển cảm xúc bất ngờ

Trần Nam Phong và Những
dịch chuyển cảm xúc bất ngờ

Tôi chỉ muốn nói với Trần Nam Phong, sau khi đọc anh rằng: Anh đi đâu, làm gì, có thể làm chính trị, phi chính trị, thì anh cũng “đừng hòng” thoát khỏi kiếp thi nhân…
Trong một số lần sang Hội VHNT Hà Tĩnh, tôi gặp nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội và có nghe nói về Trần Nam Phong. Lúc đó, tôi chưa biết anh là ai. Và bằng sự tò mò, tôi kết bạn facebook và bắt đầu đọc thơ anh với niềm hứng thú và phấn khích.
Nhà thơ Trần Nam Phong
Trần Nam Phong quê ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh. Anh là cử nhân văn chương Đại học sư phạm Huế, sau đó là Thạc sĩ chính trị. Hiện anh là Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Kỳ Anh. Cái điều mà tôi vẫn thường hay nói với những người viết rằng: Có nhiều người không thể chạy trốn thơ văn, và  không bao giờ trốn được. Trần Nam Phong nằm trong số những người đó. Anh lạ hơn ở chỗ là thơ anh không chỉ chịu ảnh hưởng của văn hóa Hà Tĩnh, miền quê nắng gió với nhiều thi sĩ nổi tiếng, mà còn bởi tư tưởng Phật giáo.
Và không có gì lạ, khi Viết chờ sen lên có rất nhiều mối quan hệ cảm xúc rất Người, đó là Quê hương, đó là Em, là Cha, là Mẹ. Nhiều câu thơ lục bát hay: Em như trăng sáng cả chiều/Anh như mây móc đổ liều trận giông ( Bờ đê, thả gió, chăn trâu). Và rất nhiều bài thơ anh viết về đức Phật : Nắng từ bi/Lộc vừng dâng tràng hạt/, câu thơ anh có dư âm thanh tịnh của cõi cao vọng. Nói như nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú nhận xét về thơ anh trong bài “Sen thì đang tím trong ta nỗi thiền”,  không phải để thoát tục mà để nhập thế với cuộc đời hơn…
Lúc sinh thời, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có viết “Ai đó nói rằng, cá tính sáng tạo bị triệt tiêu thì văn học có chung một gương mặt, đấy là cái mặt nạ của thần chết. Sự tôn trọng cá tính, phong cách, trường phái bao giờ cũng làm cho văn học phong phú và đa phức.” (Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻ  – Nguyễn Trọng Tạo).
Tôi thích đọc Trần Nam Phong khi nhận ra anh có giọng điệu riêng.  Điều rất khó đối với sáng tác văn chương hiện nay. Nét riêng đó không chỉ ở cách diễn đạt, ngôn ngữ, mà ở cách cảm nhận thế giới xung quanh, những sự vật, hiện tượng, cảm xúc, suy nghĩ với những dịch chuyển cảm xúc bất ngờ. Tập thơ Viết chờ sen lên (NXB Hội Nhà văn, 2019) của Trần Nam Phong có 3 phần: Nơi bắt đầu, Thời gian và Mật mã không gian với 66 bài thơ.
Tập thơ “Viết chờ sen lên “của Trần Nam Phong
Cảm nhận đầu tiên đó là ngay ở tên của tập thơ: Viết chờ sen lên. Đoá sen thanh tịnh của cõi niết bàn? Hay là đoá sen đời người? Đoá sen của sự sống? Đoá sen của cõi hương thiền thoát tục? Mà trong cõi thơ hư ảo, nửa thực nửa mơ đó, thi sĩ thấy mình vừa như có, vừa như không: “Biết đâu trong cõi vô thường/ Nguyện làm ngọn cỏ lót đường người đi/Biết đâu trên nẻo thiên di/ Nguyện làm chiếc lá yêu vì mùa xuân (Viết chờ sen lên). Viết – Chờ – Sen – Lên: Sự dịch chuyển đầy ngụ ý của nhà thơ, nhưng cũng gửi gắm một thông điệp, đó là sự kỳ vọng vào điều tốt đẹp, vào những điều bất ngờ của vũ trụ và sự sống.  Trong thơ anh, luôn gặp rất nhiều những câu thơ hay với nhiều sự dịch chuyển bất ngờ: Thế gian thì rộng lớn/ Có kẻ bán, người mua/ Người không mua, không bán/ Biết tìm đâu bây giờ/ Bên đường con chó đá/ Bỗng thức giấc, nằm mơ (Cố hương).
Hay là: Mưa tháng tư/ Mưa gạo/ Mẹ nấu cơm/ Khói trắng đòng đòng/ Bát canh/ Trần lưng sống khế/ Con tép mòi/ Nghi ngút mắt đen (Tháng tư). Rồi: Nắng mưa đắp đổi vuông tròn/ Nắng cong đòn gánh, mưa mòn võng ru (Về quê). Nhiều khi những hình ảnh thật dịch chuyển thành hình ảnh ảo, làm cho không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là mơ: Em buông chiều con mắt lưới trong ta/ Ta đối thoại em bằng mắt buồn của cá (Đêm Vũng Áng)
Trong con mắt thi sĩ của Trần Nam Phong, con người là bản thể vũ trụ bí ẩn, nên ẩn chứa một phần của thế giới, đó là Biển, Núi, Gió, Thời gian. Đó là những vật chất sinh ra thế giới, nhưng hòa quyện cõi Đời và cõi Trời, nên thiêng liêng vô cùng. Bài thơ Sinh nhật là một ví dụ. Sự dịch chuyển xúc cảm thật mạnh mẽ khi thi sĩ nghe những tiếng vọng về của quá khứ tới hiện tại và tương lai: Hôm nay tôi ngồi sinh nhật Biển/ Cúi lạy tiếng sóng ngàn thu…// Hôm nay tôi ngồi sinh nhật Núi/ Dằng dặc xương cốt tổ tiên… Hôm nay tôi ngồi sinh nhật Thời gian/ Ký ức tìm về thớ cây, vân lá/ Chợt thấy mắt em màu quả/ Mở ra năm tháng bình yên (Sinh nhật)
Sinh nhật Núi, Gió, Biển, Thời gian… hay cũng chính là sinh nhật mình, những khoảng khắc sống của mình trong thời gian. Có những bài thơ khiến người đọc giật mình về ý tứ lạ như thế, để rồi thấy niềm yêu thương, hy vọng tràn trề và sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. “Chợt thấy mắt em màu quả/ Mở ra năm tháng bình yên”.
Dù thế nào thì Trần Nam Phong vẫn không thể thoát được những trở trăn của một thi sĩ trước những điều có và không thể lý giải được của vũ trụ này. Phải chăng anh đang cố tìm câu trả lời cho những bí mật đó. Và có những điều anh không thể lý giải được bằng thơ, cho nên, anh đặt cho nó hẳn một chương Mật mã không gian, với những bài thơ đầy chất tuệ giác: Giăng lưới bắt chim/ Chỉ nhận được cái bóng/ Chuyển động cùng nước… Không thể đồ họa đường bay chim én/ Đơn giản/ Phía trước là bầu trời của chúng (Mật mã không gian).
Nhà thơ viết phê bình Nguyễn Thị Hạnh Loan
Dường như, tất cả những thi sĩ không ai là không trở trăn trước ý niệm thời gian. Bởi lẽ, thời gian chính là sự dịch chuyển lớn nhất, rõ nhất, sự thay đổi mạnh mẽ nhất và chi phối tất cả các sự dịch chuyển khác. Thời gian cũng là cảm hứng bất tận của các nhà thơ. Và Trần Nam Phong cũng đưa đến những trở trăn đó, thậm chí trong Viết chờ sen lên, anh dành hẳn chương 2 và đặt tên là Thời gian. Và góc nhìn của Trần Nam Phong, là những phát hiện khá bất ngờ: Thời gian lấy nhớ làm quên/ Lấy mưa làm nắng qua miền hanh hao (Gửi người đi xa).
Nhớ – quên, mưa – nắng âu cũng là quy luật biện chứng của tâm hồn con người, của vũ trụ này mà thôi, mà thi sĩ cảm nhận sự bồng bềnh, vô định của kiếp người mong manh, nhỏ nhoi: Đáy sâu vũ trụ ta ngồi/ Mênh mang hư ảnh nương trôi bóng thiền (Gửi người đi xa).
Trần Nam Phong có những câu thơ mà trường liên tưởng cảm xúc của anh rất sâu sắc. Khi đứng trước những tâm tư thành kính, chắp tay trước tiên tổ, thần phật, anh cảm nhận cả được những dịch chuyển sống động của ký ức, những huyền tích kết tinh ngàn năm và đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với nó, khiến ta như run lên thấm đẫm minh triết của nhà Phật: Lạy nỗi đau nguồn cội/ lạy lời nguyền cố hương.
Có khi, thi nhân còn dịch chuyển cảm xúc của mình cả nghìn năm: Ước chi sau ngàn năm thức dậy/ Lại thấy em trên mặt địa cầu/… Em hay là trái đất đã nhân đôi (Gửi em ngàn năm sau). Cho nên, thật không lạ vì những câu thơ có ý tứ, mang tính triết lý nhưng cũng đầy ẩn ức: Trên đời này có gì hoàn hảo đâu/ Đến cả bầu trời cũng có vài mảnh vá (Thơ chậm).
Trần Nam Phong có những câu thơ thật sự mới lạ khiến tôi cực kỳ thú vị bởi sự độc đáo cũng như bất ngờ bởi yếu tố đảo nghịch cảm xúc của anh: Gỡ buổi chiều/ Ra khỏi tiếng chim/ Gặp vành trăng/ Nghiêng/ Xuống. (Hoàng hôn) Hoặc: Ký ức chuyện trò/ Dây mắc kéo co/ Bức tường nhảy qua cửa sổ ( Đêm). Tôi thích câu thơ: Bức tường nhảy qua cửa sổ – Sự xô lệch, hoán đổi, biến thiên của sự vật hay chính cảm xúc chênh vênh của nhà thơ trước sự hữu hạn, vô thường của cuộc đời.
Viết chờ sen lên được viết bởi rất nhiều thể thơ khác nhau: Lục bát, 5 chữ, tự do, 7 chữ. Khi viết về tập thơ Viết chờ sen lên, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm rất tinh tường khi nói rằng: Nhà thơ Trần Nam Phong “cố gắng chạm tới ý nghĩa nhân sinh của cõi người”. Như tôi đã nói, không thể đòi hỏi nhà thơ mới tất cả. Mới tư tưởng, mới giọng điệu hay câu chữ một cách tuyệt đối, bởi nhiều khi, ta làm mới những điều đã cũ. Cho nên, đâu đó, tôi vẫn thấy những câu thơ cũ trong Viết chờ sen lên, đâu đó có những bài thơ ảnh hưởng của các nhà thơ Mới như Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn bình thường và chấp nhận được trong sáng tác văn học nghệ thuật.
Đọc thơ anh từ lâu, tôi hoàn toàn không bất ngờ khi Viết chờ sen lên đạt giải C giải thưởng VHNT Toàn quốc 2020 vừa qua của Ủy ban Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Tôi chỉ muốn nói với Trần Nam Phong, sau khi đọc anh rằng: Anh đi đâu, làm gì, có thể làm chính trị, phi chính trị, thì anh cũng “đừng hòng” thoát khỏi kiếp thi nhân! Bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã viết về anh: Hồn thơ thao thiết! Thao thiết, có nghĩa là thiết tha, không bao giờ dừng lại!.
Hà Tĩnh, 26/2/2020
Nguyễn Thị Hạnh Loan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...