Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Đặng Thị Thúy: Bà ngoại

Truyện ngắn của
Đặng Thị Thúy: Bà ngoại

Bà Ngoại không chỉ là bà ngoại. Bà Ngoại còn như là mẹ của nó.
Nhà nó có 3 chị em. Năm nó 7 tuổi, bố nó đi lao động hợp tác ở nước ngoài. Mẹ nó chỉ nuôi được hai đứa lớn, vì chúng có thể tự chăm nhau khi mẹ nó đi làm. Còn đứa em út mới 3 tuổi phải gửi Bà Ngoại nuôi. Bà Ngoại là người phụ nữ nhanh nhẹn, đảm đang, tháo vát. Vì là công nhân của công ty vận tải biển nên bà tranh thủ buôn hàng từ những chuyến tàu Thống Nhất tuyến Bắc Nam. Cái thời bao cấp ấy, người ta coi buôn bán kiểu như thế là buôn lậu. Bà Ngoại buôn lậu để nuôi con, nuôi cháu. Bà buôn đủ các loại hàng, gặp gì buôn nấy, từ săm lốp, phụ tùng xe đạp, gạo, mỳ chính, dừa già, hạt dưa, hoa quả. Mỗi lần tàu cập cảng, cả nhà được huy động xuống bến chở hàng về. Vừa chở vừa canh để trốn quản lý thị trường. Sau đó người ta đến nhà mua hoặc bà và các cậu, các dì lại mang hàng lên giao cho các quầy ở chợ Sắt. Cứ thế, ông bà nuôi nấng, chống chèo cả cái gia đình gồm 12 thành viên – hơn cả một tiểu đội người.
Mỗi tuần một lần, nó và đứa em kế nó (con Ốc) lại được mẹ lai lên nhà Bà Ngoại chơi với em út – con Rô. Dù chỉ cách nhau có 3 cây số nhưng là cả một sự cố gắng vì mẹ nó đi làm cả tuần. Cái thời bao cấp, chỉ trông vào đồng lương còm và chế độ tem phiếu của bố mẹ, nó với con Ốc còm nhom trong khi con Rô ở với Bà Ngoại được chăm bẵm đầy đủ nên béo trục béo tròn, chân tay mũm ma mũm mĩm. Hai đứa chị nhìn con Rô kiểu như con nông dân nhìn con địa chủ, vừa ngưỡng mộ vừa ganh tị, và ước giá như mình cũng được ở cùng Bà Ngoại như con Rô.
Nhà văn Đặng Thị Thúy ở Hải Phòng
Thế rồi, cái ước muốn ấy thành hiện thực khi mẹ nó ốm nặng lúc nó 8 tuổi. Bố vẫn ở nước ngoài. Mẹ và cả 2 chị em nó nhập khẩu về nhà Bà Ngoại, nâng quân số từ tiểu đội lên thành nửa trung đội người. Gánh nặng lại trĩu thêm trên vai bà: vừa lo chữa bệnh cứu con, vừa lo thêm cái ăn cái mặc để nuôi thêm cháu.
Hồi nhỏ, nó từng thấy bà khóc hai lần: một lần bà cúi mặt, lau nước mắt khi ông bác sỹ Xích – người phụ trách điều trị cho mẹ nó, gắt om lên với bà rồi ném phịch mấy lon bia mà bà mang đến làm quà xuống bàn. Chắc tại tiêu chuẩn mỗi lần nằm viện của bệnh nhân được 3 tháng, mà mẹ nó nằm bất động trên gường bệnh viện liền tù tì 6 tháng trời rồi, còn nước còn tát. Mỗi lần gia hạn là một lần xin xỏ, van nài, đút lót đủ kiểu. Lần thứ hai nó thấy bà khóc rất nhiều khi hai bà cháu vào rạp Thành Đội xem bộ phim Phạm Công – Cúc Hoa. Nó hỏi sao bà khóc nhiều thế, bà bảo bà sợ chị em nó mất mẹ, cũng bị khổ như Nghi Xuân, Tấn Lực. Bà chiến đấu kiên cường với lão tử thần để giữ mẹ cho nó.
Nó từng biết bà vất vả, nhọc nhằn, nhẫn nhục vì gia đình, nhưng nó chưa thấy bà kêu ca, kể khổ bao giờ. Bà làm quần quật, chỉ ngơi khi ngồi hút thuốc lá. Bà nghiện thuốc lá. Nó ghét mùi thuốc, ghét ngồi gần những người hút thuốc, trừ bà và mùi của bà. Nhìn bà ngồi hút thuốc, bao giờ nó cũng có cảm giác thanh thản, bình yên đến lạ lùng.
Vì mẹ nó là chị lớn nên nó gần như cùng trang lứa với các cậu út dì út. Những năm tháng được Bà Ngoại nuôi nấng, nó chơi chung bạn và lớn lên cùng các cậu các dì. Nửa tiểu đội sàn sàn tuổi nhau ấy ăn như núi lở, cái nồi gang to vật nấu đầy cơm, loáng cái đã hết veo mà nồi vẫn còn nóng giẫy. Nửa tiểu đội sàn sàn tuổi nhau ấy cũng phá rối bà không biết bao nhiêu lần. Nào là dùng thuốn chọc rút từng ống bơ hạt dưa để cắn tí tách với nhau và mang đãi bạn, đến lúc giao hàng cho khách, mỗi bao hao đến vài cân. Nào là dùng đũa đục lỗ ở đầu quả dừa già, rút nước uống với nhau, bán hết mẻ hàng thể nào cũng lòi ra hàng chục quả dừa không có nước. Nào là tối tối, cả bọn lẵng nhẵng rồng rắn bám đuôi bà ra đầu ngõ, hôm thì đòi ăn chè bà Ngát, hôm đòi ăn phở bà Sinh, hôm đòi bánh mỳ pate, đòi ăn tào phớ đựng trong cái thùng gỗ của ông già người Tàu. Ông ngoại khó tính và nghiêm khắc nên bà toàn giấu ông để chiều cả bọn. Có lần bị ông bắt gặp, cả bọn bị ăn đòn vì tội vòi vĩnh hư thân.
Những trận đòn tập thể là một trong những ký ức khó quên đối với nó, vừa đau vừa sợ. Mỗi lần mắc lỗi, dù là lỗi của một người thì cả bọn cũng đều phải nằm úp mông hết lên giường, thứ tự lớn đến bé, từ trong ra ngoài vừa khít hết một giường. Ông ngoại cầm cái roi dài, xong màn hỏi tội từng đứa mới đến màn vụt. Lớn nhất bị nhiều roi nhất, đến nó bé nhất chỉ còn một roi. Ông không đánh thì thôi, đã đánh là đánh mạnh tay không khoan nhượng. Nó hãi nhất là cái cảm giác nghe tiếng roi vun vút sau gáy mình. Sau mỗi tiếng vút ấy là một lần cái mông của cậu nó, dì nó giật nảy lên kèm theo tiếng suýt. Đau nhưng cấm khóc, ai khóc sẽ bị ăn thêm đòn. Nó vẫn nhớ mình được là ngoại lệ, nghĩa là được cái roi chạm nhẹ vào mông một cái trước khi bị vụt chính thức, kiểu như là lấy đà cho tinh thần ấy. Lần nào cũng thế, cứ nhận cái chạm lấy đà ấy là nó rùng mình, cong mông lên. Ông ngoại lại quát: “Đã đánh đâu mà cong đít lên”, thế là cả bọn cười ồ, có lẽ vì thế mà cái roi ấy bớt đau hơn rất nhiều. Khi ông hết cơn giận đi ra ngoài, Bà Ngoại mới dám vào, thầm thì bảo cả bọn: “Lần sau từng đứa đi ra thôi, đừng kéo cả đoàn theo một lượt như thế nữa”.
Về hưu, bà ngoại tiếp quản cái quán chè xít của ông. Lại sáng sáng dậy sớm, đun nước pha chè bán, kiếm tiền thêm thắt cho cháu, cho con. Nó không còn ở với bà nữa, chỉ thường tranh thủ tiện đường đi học rẽ qua quán chè xít ngồi với bà một lúc, kể vài câu chuyện học hành, giúp bà rửa vài cái chén, rót vài cốc nước cho khách. Lần nào bà cũng giúi cho nó mấy đồng, bảo là thêm vào mà đóng tiền học. Bà ngoại chẳng bao giờ khen nó một câu, nhưng lúc nào cũng khoe hàng xóm: “Nhà nó thế mà mấy chị em đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi”. Bà là người an ủi khi biết nó thi đỗ nhưng không học đại học. Bà biết nó nhường cơ hội ấy cho em. Bà biết nó vừa học trung cấp vừa đi gia sư, tiền kiếm được không đủ cho em ăn học. Bà bảo: Mỗi tháng bà cho năm chục, thêm vào mà gửi cho con Hồng Hạnh (cả nhà gọi nó là con Ốc, mỗi bà lúc nào cũng gọi nó như thế).
Bà ngoại là người đại diện nhà gái nói chuyện đăng đối với nhà trai khi người ta đến hỏi cưới nó. Bài phát biểu nôm na của bà có đoạn: “Cháu nó có lớn mà chưa hẳn đã có khôn, nay về làm dâu con trong nhà, hai gia đình đắp nấm trồng cây chung, mong các bác tiếp tục dạy dỗ cháu”. Sau khi nó lấy chồng xa, ở chung với nhà chồng, chỉ có mỗi bà là người hỏi nó rằng: chồng cháu đối xử với cháu có tốt không, nhà chồng đối xử với cháu có tốt không? Có một hôm, nó bất ngờ thấy bác cả đến nhà chơi, sau nó mới biết là bà bảo bác tiện đi công tác Quảng Ninh, tranh thủ vào thăm xem nó sống thế nào. Bác về kể với bà: nó ở với nhà chồng trong căn nhà ba tầng ngay mặt phố, đang chửa to, chưa phải đi làm. Bà yên tâm về nó, nhưng hễ nó biếu bà vài đồng ăn quà là bà dứt khoát không nhận. Bà thương nó chẳng khác gì thương các cậu các dì. Bà lo cho nó như để bù đắp những phần thiếu mà mẹ nó không làm được cho con. Đến tận khi nó mua đất, làm nhà ra ở riêng, bà đến ở chơi cả tháng, biết nó ổn thật rồi, biết nó có của ăn của để, bà mới chịu nhận quà nó biếu mỗi lần về thăm. Nhưng bà nhận không phải để cho mình. Bà gom góp, bù trì cho cậu.
Chẳng ai như bà, bị cậu lừa hết lần này đến lần khác, biết là lừa mà vẫn cứ để bị mắc lừa. Cứ com cóp được món con con là y như rằng lại phải âm thầm lặng lẽ bỏ ra để đi chuộc xe, chuộc người. Bà không dám nói với ai, sợ bị mắng. Có chuyện gì bà chỉ hay tâm sự với nó mỗi khi nó về. Các cậu các dì và cả nó đều trưởng thành hết rồi, tưởng bà sẽ được an nhàn, nhưng nó lại phải chứng kiến bà rơi nước mắt nhiều hơn cả hồi xưa. Biết bà buồn vì cậu hư, khổ vì bao che cho cậu, nó bực nhưng không dám và không nỡ nói gì, bởi bà bảo: “Bà già rồi, không biết lo cho cậu được bao lâu nữa, bà mà chết đi thì cậu khổ vì chả biết bấu vào đâu”. Bà có cái lý của người mẹ.
Chẳng có ai như bà, chỉ toàn bênh dâu, bênh rể chằm chặp. Vợ chồng nhà nào có chuyện xích mích, bao giờ bà cũng bảo tại người nhà mình, bất luận đúng sai. Với bà, lúc nào người nhà mình cũng sai, người nhà mình toàn đứa gớm ghê, đanh đá, trai thì bắt nạt vợ, gái thì bắt nạt chồng. Bà lo nếu không có bà, mợ này khổ vì chuyện này, cậu kia khổ vì chuyện nọ. Đến tận khi 85 tuổi trời, bà còn lo đến cả việc cậu không nấu nổi bữa cơm mà ăn.
Chẳng ai như bà, chuyện vui thì kể rổn rảng, chuyện buồn giấu kỹ trong lòng, cùng lắm thì nói vu vơ xa xôi, kiểu như:
– Lâu lắm rồi không thấy thằng A lên chơi nhỉ (kỳ thực bà biết trăm phần trăm chuyện trục trặc của nhà đấy).
– Cái con B, toàn khó tính chuyện không đâu, chỉ khổ thân thằng bé (kỳ thực bà biết thừa là nhà dì nó vừa cãi nhau vì chuyện gì, và thằng bé mà bà nhắc đến chính là con rể của bà).
– Cái thằng C lại đi suốt đêm qua không về (thực ra là cả đêm qua bà cũng không ngủ được, lo lắng không biết cậu đi đâu, làm gì, có biến cố gì xảy ra nữa không).
Chẳng ai như bà, ốm đau mỏi mệt chẳng kêu ca, toàn cố chịu nên ai cũng tưởng bà khỏe, chả ốm vặt bao giờ. Nó nhớ lần đầu tiên bà kêu không khỏe với nó cách đây lâu lắm rồi. Hôm ấy thấy bà có vẻ mệt, nó hỏi, bà bảo không sao. Nó vằng lên: “ông bà nội ngoại bốn bên, cháu chỉ còn có mỗi mình bà, con cháu chỉ còn mỗi mình cụ, bà mà làm sao thì bọn cháu còn ai để thăm nom nữa”. Đến lúc ấy bà mới bảo với nó là tim bà hình như có vấn đề. Thế là khám, là mua thuốc uống cho ổn. Nhưng hết thuốc bà cũng không gọi mua, chỉ khi nào có người qua, kiểm tra thấy hết, mua tiếp thì bà dùng.
Chẳng ai như bà, không thích làm phiền người khác, cái gì tự làm được thì làm, đến độ đau và mệt nhiều cả đêm mà cũng cố chịu, nhất định không gọi con cháu đưa đi viện, sợ chúng nó mất giấc ngủ. Thế nên lúc đưa được bà lên bệnh viện thì đã quá ra mất rồi.
Chẳng ai như bà, đã thống nhất với nó là cố gắng chiến đấu với lão Tử thần, cố khỏe lên để đặt stent động mạch vành, chỉ cần đặt được stent là bà sẽ sống thêm được vài năm nữa với con cháu, thế mà bà không cố được. Cả đời bà chưa bao giờ chịu khuất phục trước ai hay trước bất cứ khó khăn nào, thế mà bà lại chấp nhận chịu thua lão ấy.
Bà Ngoại ra đi sớm là tại nó.
Chẳng ai ngu như nó. Bà đã kêu với nó là bà đau bụng, dì đưa đi khám rồi mà không ra bệnh, bác sỹ bảo có khi đau đại tràng, uống thuốc đại tràng vẫn không thấy đỡ. Nó lại đổ chắc tại bà đau bụng nóng, chịu khó ăn đồ mát, ăn bột sắn dây vào xem có đỡ không, làm bà tin, tích cực ăn bột sắn dây thay cơm cả mấy ngày liền.
Chẳng ai vô dụng như nó. Vô dụng vì không có quyền quyết định những điều quan trọng khi bà nằm bất động trên giường bệnh. Vô dụng vì nó chỉ là cháu chứ không phải là con của bà. Nó học được ở bà sự kiên cường trước mọi khó khăn, không khuất phục số phận, nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là kẻ vô dụng khi nó không thắng nổi lão Tử thần để giữ bà lại. Nó buộc phải buông tay nhìn lão cướp bà đi trong tuyệt vọng khôn cùng.
Nó tắm cho Bà Ngoại. Lần cuối cùng nó được sờ vào da thịt hiện hữu của bà. Từ ngày mai nó không còn được sờ ti, sờ bụng bà mỗi lần lên thăm nữa. Nó chải tóc, tô son, mặc quần áo đẹp cho bà, nhưng không phải để bà đi dự đám hỏi, đám cưới giống như mọi lần. Mỗi khi nước mắt chực trào ra, nó lại nghe thấy tiếng bà bảo: “Thôi, cố gắng lên!”. Nó đã cố, mà có lúc không cố nổi. Nó không thể chấp nhận sự thật. Nó chỉ muốn gào lên để nhiếc móc ai đó và nhiếc móc chính mình. Nhưng nó biết bà sẽ không muốn thế, bà sẽ rất đau lòng. Nó phải chôn chặt, phải tự hóa giải những ẩn ức, phải làm tất cả những gì tốt nhất còn có thể để bà thanh thản mà rời bỏ cái cõi trần khổ hạnh này.
Ai bảo chết đi là hết. Phần xác có thể trở về với cát bụi, nhưng linh hồn thì sẽ còn mãi mãi. Linh hồn của Bà Ngoại vẫn luôn ở quanh đây, thậm chí còn có thể bay theo nó đến mọi nơi. Trái tim bà đã ngừng đập, nhưng tình thương mà bà dành cho mọi người thì lúc nào cũng còn nguyên vẹn, tròn đầy. Chắc bà sẽ vẫn dõi theo xem con cháu ra sao. Mọi người còn chưa tự lo được cho mình cuộc sống an yên thì làm sao mà bà vui được. Không biết đến bao giờ mọi người mới hiểu được rằng: cách báo hiếu trước nhất, tốt nhất đối với ông bà cha mẹ mình không chỉ là cứ cho ăn ngon mặc đẹp là được, mà đơn giản chỉ là đừng để họ phải lo lắng về mình thêm nữa.
Người ta bảo nó phải dặn bà rằng: “Nếu bị hỏi là sống với ai, bà phải trả lời là sống một mình, không con không cháu. Bà phải quên con cháu để ma quỷ không theo về mà bắt thêm người nhà đi”. Nó chỉ dặn bà đi theo tiếng tụng kinh và ánh hào quang của Phật. Người nhân hậu đức độ như bà sẽ chẳng có ma quỷ nào làm hại được đâu. Phật sẽ độ cho linh hồn bà được siêu thoát khỏi những khổ hạnh trầm luân.
Nó sẽ không bao giờ quên được Bà Ngoại và nó cũng không muốn bà quên nó. Nó tin kiếp luân hồi là có thật. Nó mong kiếp sau, bà sẽ vẫn là Bà Ngoại, hoặc là mẹ của nó, để nó giống như các dì, được gọi bà bằng hai tiếng: Bu ơi!.
13/3/2023
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...