Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh: Chạy trốn

Truyện ngắn của
Đào Quốc Vịnh: Chạy trốn

Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho những người thân xung quanh mình ghê tởm mình. Có lẽ tôi sắp trở thành con cóc sắp chết thối trong cái giếng khơi của làng. Chẳng ai nỡ vì con cóc thối mà lấp cả cái giếng. Chắc chắn họ sẽ vớt con cóc vứt ra thật xa, mặc cho nó sống hay chết, miễn là có cơ hội giữ được cái giếng nước cho cả làng ăn.
Nhà văn Đào Quốc Vịnh ở Hà Nội 
Kỷ niệm ngày thành lập trường năm ấy, sau mấy chục năm kể từ khi chuyển công tác, tôi mới dám quay lại trường, nơi tôi bắt đầu sự nghiệp dạy học của mình. Gặp lại những đồng nghiệp cũ cười nói vui vẻ, tay bắt mặt mừng, tôi cảm thấy như mình hoàn toàn là một người xa lạ rơi vào chốn này. Những nhà giáo lớp đàn anh nhìn thấy tôi thì ngờ ngợ, phần vì lâu không gặp, phần vì tôi thay đổi quá nhiều so với mấy chục năm trước khi còn dạy học ở đây. Có những bác đầu tóc bạc phơ, khi nghe tôi giới thiệu không nhớ ra tôi là ai, phải vỗ vào trán nghĩ mãi vẫn không sao nhớ nổi tôi tên gì, về trường năm nào và chuyển đi năm nào. Ấy vậy mà tôi cứ vỗ ngực cho rằng tôi là một trường hợp đặc biệt, đã chuyển trường vùng về Hà Nội một cách ngoạn mục như thế nào.
Một cụ già tóc bạc phơ, có đôi mắt sáng như hai ngọn đuốc, tay chống một chiếc gậy trúc nhìn thẳng vào mắt tôi, hơi nhếch mép cười, hỏi:
– Cậu có nhận ra tớ không? Vừa hỏi cụ vừa tiến lại gần rồi chuyển cây gậy sang tay trái, đưa tay phải lên vỗ nhẹ lên vai tôi.
– Dạ, thưa chú… tôi vừa trả lời vừa lục trong trí nhớ về người có đôi mắt sáng rực như hai ngọn đuốc kia, bất chợt reo lên: Chú Luân trưởng khoa cơ bản.
Ông cụ già gõ gõ cây gậy xuống sân bê tông cộc cộc vài tiếng, húng hắng ho vài tiếng rồi nói:
–  Chinh, cậu khá lắm! Bây giờ cậu công tác ở đâu?
– Thưa chú, con công tác bên ngành thương mại dưới Hà Nội.
– Thế chắc kinh tế cậu khá lắm hả! Lát mời cậu vào chơi! Nhà vẫn chỗ cũ đấy!
– Thưa chú, cô và các em khỏe chứ ạ?
– Cám ơn cậu, nhà tôi mất hơn chục năm rồi. Các em đều đã có gia đình. Lát vào mình chơi nhé, giờ mình vào khu hiệu bộ gặp mấy ông bạn già trong đó đã…
– Dạ, cháu cảm ơn chú! Lát xong việc cháu vào ạ!
Tôi đưa tay nắm chặt tay ông, nhưng bất chợt tôi cảm nhận được cái lạnh đến rợn người từ nơi bàn tay thả lỏng nằm trong bàn tay nhiệt tình siết chặt của tôi.
Tôi tách ra khỏi những đám người đang say sưa hồ hởi nói nói cười cười, lặng lẽ lê bước dọc theo con đường trải nhựa rộng thênh thang rợp bóng cây xanh chạy dọc giữa những tòa nhà giảng đường cao tầng sáng một mầu sơn mới vàng tươi. Tôi đi về phía những ngôi nhà hiệu bộ cũ đã được xây dựng từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, nghe nói được giữ lại như một khu lưu trữ của nhà trường. Phía trước mặt tôi là ba tòa nhà ba tầng thấp lè tè nằm chênh vênh trên triền đồi. Phía bên kia là khu bệnh xá cũ, nơi tôi đã có nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ, mới độ hai mươi tư hai lăm tuổi.
… Tôi lên Thái Nguyên nhận công tác vào cuối năm 1978. Tổ bộ môn tôi vào nhận công tác nhiệt tình đón tiếp tôi như đón một người mà đã từ quá lâu họ mong đợi. Anh tổ trưởng bộ môn tên là Hùng reo lên như bắt được của. Sau vài ngày nhận công tác, giao lưu với các giáo viên cùng lứa tôi mới biết ngôi trường này tuyển giáo viên rất khó khăn. Những thầy giáo sống trong cảnh độc thân, xa vợ con ở đây gần như ai cũng muốn nhoai về xuôi công tác. Mà muốn vậy họ phải tìm được người để thay thế. Mãi sau này tôi mới hiểu được Hùng đã nhiều lần xuống trường tôi đang học để xin đích danh tôi.
Tôi được tổ bộ môn cho nhận lớp dạy ngay trong học kỳ hai năm học ấy. Qua việc phân công nhiệm vụ, tôi biết Hùng thật ưu ái với tôi. Anh đăng ký cho tôi vào học bồi dưỡng về dẫn luận ngôn ngữ do các chuyên gia đầu ngành như Hà Đình Cẩn, Hoàng Trọng Phiến dạy ở dưới Hà Nội, phần để tôi có dịp tranh thủ về nhà với bố mẹ, phần vì muốn bồi dưỡng cho tôi có những kiến thức cần thiết để có thể thi nghiên cứu sinh, xây dựng bộ môn lâu dài. Tôi rất say sưa với công việc mà bộ môn giao, chăm chỉ học tập tự bồi dưỡng, phấn đấu để có thể thi đỗ nghiên cứu sinh nếu được cấp trên giao chỉ tiêu. Riêng Hùng thì sướng ra mặt bởi theo tôi hiểu, nếu bồi dưỡng được tôi thay anh, anh sẽ có điều kiện chuyển về Hà Nội với vợ con trong thời gian sớm nhất nếu có thể. Bộ môn tuy ít người nhưng trình độ và tuổi tác lại không đồng đều, đa số là các anh chị đã lớn tuổi không còn tuổi để đi nghiên cứu sinh nữa. Vì vậy tôi là ứng viên số một của bộ môn cho xuất nghiên cứu sinh ở nước ngoài nay mai thôi.
Hè năm 81 tôi về nghỉ hè cùng bố mẹ ở quê bên Thuận Thành Hà Bắc nay là tỉnh Bắc Ninh. Điều không may là bệnh hen vốn đã đeo đẳng tôi từ lúc tôi mới lên ba tuổi lâu nay tưởng như đã khỏi dứt bỗng lại tái phát trở lại. Gia đình tôi lo lắng đến hoảng loạn, đưa tôi đi hết ông lang nọ đến ông lang kia để chạy chữa cho tôi. Cơn hen bất ngờ ập đến, hành hạ tôi hàng ngày khiến tôi mỏi mệt đến rã rời. Mỗi lúc trời đổi thời tiết hay đang bức con nước ở một vùng miền rất xa nào đó cũng làm cho cổ tôi như thít lại. Tôi ngồi thu lu chống nạnh, ngửa cổ lên trời vừa cố gắng hít lấy ít khí trời trong cơn co thắt phế quản đến ngột ngạt. Mồ hôi tôi vã ra như tắm, trong lòng thì bực tức, hễ có ai đi qua nhìn tôi một cái tôi cũng đủ để tôi lên cơn tam bành mặc cho cổ họng vẫn đang thít lại.
Bố tôi phải nhờ một cô y tá gần nhà tiêm tĩnh mạch cho một ống thuốc cắt cơn hen tôi mới cảm thấy dễ chịu đi đôi chút. Bỗng chiều ấy, bố tôi nhận được một bức điện báo từ nơi tôi dạy học đánh về với nội dung:” Đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Chinh lên trường gấp! Nếu quá ngày 25 tháng 7 không có mặt tại trường sẽ phải chịu hình thức kỷ luật”. Bức điện báo như một lá thư bỏ ngỏ nên cái tin tôi sẽ bị kỷ luật lan nhanh khắp làng. Bố tôi rất lo lắng cho tôi. Ông tức tốc đưa tôi ra xe tuyến ra Bến Nứa để mua vé cho tôi đi Thái Nguyên kịp về trường trình diện. Tôi còn khá mệt, ngồi trên xe cứ phải lấy khăn mặt bông liên tục lau mồ hôi. Cơn hen tuy đã được cắt nhưng những liều thuốc tiêm tĩnh mạch làm cho tôi mệt lả ngồi cũng không vững. Cổ họng tôi vẫn khò khè, thỉnh thoảng lại lên cơn hắt hơi, sổ mũi, rất khổ sở.
Tôi xuống xe ngay cạnh cổng sau của trường, lê bước vào ngồi nghỉ ở một quán nươc ngay cổng phụ. Người chủ quán nước là cô Thê góa chồng. Cô có thằng con trai duy nhất học lớp tôi dạy môn ngoại ngữ. Vừa thấy tôi ngồi vào quán, cô Thê  đã đon đả:
– Thế nào anh? nghỉ gì mà để người ta làm ầm lên thế!
– Cô có tin gì không ạ? – Tôi hỏi lại.
– Cô thấy Việt nó nói sẽ kỷ luật anh nặng lắm đấy! – cô Thê thủng thẳng đáp.
Lúc ấy tôi không còn đủ sức lực và sự khiên nhẫn để tìm hiểu căn nguyên thế nào nữa. Tôi vào trong góc nhà cô Thê, lấy một cái gậy tre ra, vắt chiếc khăn mặt bông lên cổ, tay chống cây gậy tre cố gắng hơn nữa để có một dáng đi của một người đang trong cơn bệnh nặng. Trưa hè vắng ngắt, đường không một bóng người nhưng tôi vẫn chậm rãi lê từng bước chân, miệng thở phì phò đi dưới cái nắng như thiêu như đốt đang đổ xuống một vùng đồi trọc không một cây xanh bóng mát. Đi được một đoạn, tôi lại ngồi bệt xuống ven đường phơi mình trước nắng. Bỗng có người đi xe đạp từ phía xa đang đà xuống dốc lao rất nhanh, vừa nhìn thấy tôi đã bóp vội hai phanh, xoạc cả hai chân tì gót đôi dép cao su xuống đường khiến chiếc xe đang lao dốc đột ngột dừng lại.
– Thầy Chinh! Sao thế này?
Tôi từ từ ngước mắt lên nhìn và nói giọng đứt đoạn:
– Anh Pha đấy à! cho… cho em nhờ về… bệnh xá!
Anh pha là nhân viên phòng tài vụ của trường, năm ngoái có đứa em vợ học K14 do tôi dạy môn ngoại ngữ nên có gửi gắm để tôi giúp đỡ. Thấy tôi trong một bộ dạng chẳng ra gì thì tỏ lòng thương xót lắm. Anh dựng chiếc xe đạp cà tàng rồi cúi xuống đỡ tôi dậy, một tay giữ xe, một tay giúp tôi ngồi rạng háng trên gác-ba-ga,vừa đạp đạp hai chân xuống đường vừa nói to như quát:
– Thầy ốm yếu thế này, ai bắt tội thầy lên đây làm gì!
Tôi im lặng không trả lời anh. Hai tay ôm chặt lấy thắt lưng anh, miệng nín thở khò khè, thỉnh thoảng lại đằng hắng trong cổ họng rồi lại ho lên từng hồi khiến nước mắt nước mũi chảy ra giàn giụa.
Anh Pha lao thẳng chiếc xe đạp xuống dốc vào sân trạm y tế cơ quan rồi lại xoạng hai chân ra miết hai cái gót dép cao su xuống và nghiến răng nghiến lợi bóp cả hai tay phanh khiến chiếc xe dừng khự lại trước cửa phòng cô Liên trưởng trạm y tế, miệng hô lên thất thanh:
– Có ai đấy cho cấp cứu với!
Từ trong phòng trưởng trạm y tế có tiếng con gái vọng ra:
– Cấp cứu ai đấy?
Anh Pha chưa kịp trả lời thì Liên trạm trưởng y tế trường đã chạy ra giữ lấy chiếc xe đạp vẫn còn tôi ngồi nguyên trên đấy. Vừa nhìn thấy tôi, sắc mặt Liên biến sắc. Cô không nói một lời nào, chỉ cẩn thận đỡ tôi đứng dậy rồi dìu tôi vào phòng khám, đặt tôi lên giường. Khi anh Pha đã ra khỏi bệnh xá, chỉ còn mỗi hai người, Liên mới nhẹ nhàng gặng hỏi:
– Ốm đau, lại trời nắng thế này sao anh không ở nhà, tàu xe lên đây làm gì?
Tôi nằm im lặng, nghe những lời càu nhàu của Liên mà mát lòng, mát dạ. Mãi sau, tôi mới rút từ trong túi ra đưa cho Liên bức điện báo như để giải thích với Liên về lý do tôi lên trường vào lúc này. Lật trái, lật phải tờ điện báo, đọc đi đọc lại nội dung bức điện, Liên làu bàu:
– Em phải làm cho ra nhẽ! Người ta ốm đau chưa thăm nom được thì thôi, ai lại làm cái trò này làm người ta mất mặt với làng xóm.
Tôi xua tay gạt đi, húng hắng ho vài cái rồi thu hai chân lại đổi tư thế ngồi, nằm gục đầu xuống chiếu, chổng mông lên trời, miệng khe khẽ thở, tạo ra cái thế hai vai so lên mà thở như đang lên cơn hen vậy.
Liên đo huyết áp cho tôi, cặp nhiệt độ cho tôi rồi nhẹ nhàng luồn ống nghe vào lưng, vào ngực tôi nghe tim, phổi tôi. Bàn tay Liên mềm mại và mát như thạch chạm vào da thịt làm tôi cảm thấy xốn xang. Tôi bỗng kiềm chế cảm xúc của mình lại, thều thào hỏi nhỏ trong tiếng rít của đờm rãi trong cổ họng:
– Anh thế nào, Liên?
– Phổi nhiều ran lắm, phải điều trị tích cực. Huyết áp anh thấp quá, dễ nguy hiểm lắm!
Tôi khe khẽ thở để cố giấu đi những tiếng khò khè phát ra từ trong cổ họng. Với tôi, trong những tháng ngày gần đây có những kỷ niệm nho nhỏ. Gặp nhau thường ngày, tôi thường nhận được sự quan tâm mà tôi cảm thấy đặc biệt của Liên. Liên tốt nghiệp trung cấp y thì về công tác sau tôi một năm. Lúc đó trưởng trạm y tế trường là bác sĩ Ôn Thị Kim Phượng. Bác sĩ Phượng là người gốc Hoa, là người có trình độ chuyên môn cao, tính tình hòa nhã, vui vẻ nên được mọi người yêu mến. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Quân Trung Quốc tràn sang đốt phá, bắn giết đồng bào ta ở dọc tuyến biên giới phía Bắc. Trường chúng tôi thuộc khu vực phòng tuyến hai chuẩn bị tinh thần chiến đấu chống bành trướng Trung Quốc. Một buổi sáng chủ nhật, những người hàng xóm của bác sĩ Phương bỗng phát hiện căn nhà bác sĩ Phương mở toang các cửa. Đồ đạc bị dọn đi không để lại một thứ gì. Người ta đồ đoán rằng gia đình bác sĩ Phương chạy đi di tản. Thế là bệnh xá của trường thiếu chân trạm trưởng. Ở cái ngôi trường đèo heo hút gió này, tìm được một bác sĩ về thay thế không hề đơn giản. Học làm bác sĩ mất sáu bảy năm mới ra trường, người ta thường mong muốn về làm chuyên môn ở những bệnh viện lớn. Đến bệnh viện tuyến huyện còn khó tìm bác sĩ nữa là cái trạm y tế bé tí này. Ở trạm y tế này còn có bác Dương, một y tá già người Hà Tây, lên công tác trên này hồi chiến tranh bắn phá Hà Nội của Mỹ đang ở thời kỳ căng thẳng nhất, một số khoa của trường Đại học bách khoa sơ tán lên đây và bác Dương khoác ba lô đi theo. Nghe đâu chỉ còn mấy năm nữa là bác nghỉ hưu. Thế rồi người ta giao cho Liên phụ trách cái trạm y tế này. Liên quê Phú Thọ, chưa chồng, có khuôn mặt khả ái và một đôi mắt cười, lúc nào cũng tươi như hoa. Cánh giáo viên trẻ chúng tôi anh nào cũng ngấp nghé tìm cơ hội tiếp cận Liên. Nhưng dường như lần nào lấy cớ đến gặp Liên mọi người cũng chạm trán với tay Vinh phó phòng tổ chức cán bộ. Có lần tôi bắt gặp hai người đang ngồi tâm sự gì đó nên lảng đi chỗ khác thì Liên chạy ra, đi sát vào cạnh tôi, nói như thanh minh:
– Anh Chinh, không phải như anh nghĩ đâu!
Liên lấy tay khẽ dúi vào sườn tôi một cái rồi ném một cái nhìn tình tứ làm cơ thể tôi nóng bừng lên…
Từ đó cứ mỗi lần sổ mũi nhức đầu lên trạm xá xin thuốc bao giờ tôi cũng được Liên quan tâm nhất. Mấy cậu bạn đồng nghiệp cũng bắt đầu tỏ ra tị với tôi. Chỉ cần thấy tôi hắt hơi một cái là chúng bảo phải có “xuyên tâm Liên “…Những chủ nhật tôi không về quê thường được Liên sang phòng tôi chơi. Nhưng tôi không thích lắm, bởi thỉnh thoảng tôi thấy Liên hay đi lại ăn uống với lão Vinh phó phòng tổ chức cán bộ. Thực tình, tôi cảm thấy ghen với Vinh. Nhưng chẳng ai dại gì mà động vào cái tổ kiến lửa ấy. Hắn là phó phòng trực tiếp phụ trách cán bộ dây vào hắn không phải đầu cũng phải tai. Thế rồi tôi lân la làm thân với Vinh. Hắn người Hải Phòng, có vợ và các con cũng đã đi học phổ thông cả rồi. Nghe nói hắn là bộ đội chuyển ngành về đi học đại học. Học xong vì là đảng viên nên hắn được giữ lại trường làm cán bộ tổ chức, ban đầu là phụ trách khối học sinh sinh viên, sau lên phó phòng phụ trách công tác cán bộ của trường. Quyền sinh, quyền sát trong tay hắn cho nên các cô giáo trẻ mới về nhận công tác, đám nhân viên nữ công ăn việc làm chưa đâu ra đâu hay những kẻ muốn coi hắn là nấc thang thăng tiến đều phải bám lấy hắn. Hơn nữa, ở cái ngôi trường còn heo hút này không có chỗ nào cho các nam thanh nữ tú đi chơi hay giải khuây thì tốt nhất là tìm đến những chỗ như nơi ở của lão Vinh là hay nhất. Hắn ở ngay trên nhà hiệu bộ, tại văn phòng làm việc của mình. Phòng hắn lại có cái vô tuyến em trai hắn gửi ở Tiệp Khắc về cho, tuy hình không được nét nhưng còn hơn ngồi nói chuyện suông với nhau. Tôi thường sưu tầm các loại chè ngon, mang đến để cả hội thử xem nếu ngon thì sáng hôm sau ra hàng mua mỗi người một bơ. Vì sống trên đất chè nên chúng tôi không bao giờ mua nhiều. Mỗi lần đi chợ chỉ mua khoảng nửa bơ hoặc nhà nào nhiều khách lắm thì mua lấy một bơ là cùng. Tôi có tính ba hoa, chuyện gì cũng có thể tham gia làm mọi người cười tít mắt. Vì thế tôi dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi người, trong đó có Vinh. Vinh ít nói và nếu có nói thường chỉ lấp lửng rồi cười xòa. Nhưng hắn chẳng phải là người dễ dàng gì. Hắn có một khuôn mặt đẹp của một kẻ bặm trợn hơn là một trí thức. Bộ râu quai nón của hắn dù có cạo thường ngày thì nom vẫn cứ rậm rì như chưa cạo. Đôi mắt nhỏ nhìn xụp xuống như mắt rắn nom lanh lợi đến sợ. Mọi người trước mặt thì xun xoe, nhưng sau lưng thì đàm tiếu đủ điều về hắn. Riêng tôi, tôi không quan tâm tới phẩm chất của hắn. Phẩm chất của hắn ra sao là việc của cấp trên hắn. Tôi chỉ cần có hắn để công việc của tôi được thông đồng bén giọt. Tôi biết Liên cũng chẳng thích gì hắn. Qua ánh mắt nhìn tôi như thanh minh, tôi hiểu Liên nghĩ gì và muốn gì.
– Anh nằm điều trị ở dưới này nhé! Để em báo về khoa cho họ biết! – Liên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
– Điều trị lâu không Liên? – tôi cố lấy cái giọng khàn khàn đầy đờm dãi trong cổ họng hỏi nhỏ, vẻ lo lắng.
– Anh đã vào đây điều trị thì yên tâm. Em chịu trách nhiệm. Em sẽ báo khoa .- Liên quả quyết.
Thế rồi Liên làm bệnh án cho tôi nằm điều trị ở bệnh xá nhà trường. Liên dìu tôi rời căn phòng làm việc, đi theo con đường ngoằn ngoèo lên dãy nhà dành cho bệnh nhân ở phía trên đỉnh đồi trọc, không một bóng cây xanh, phơi mình trong cái nắng tháng sáu gay gắt như thiêu như đốt. Tôi cố trì người xuống, vừa lê từng bước nặng nhọc, vừa khò khè thở, thỉnh thoảng lại đằng hắng giọng như thể đang cố kiềm chế một cơn ho sắp dồn lên dữ dội. Hai bàn tay to bè, mũm mĩm của Liên xốc nách tôi lên, cố đưa thân hình ốm yếu của tôi lê từng bước lên dốc. Tay phải tôi ngượng ngùng quàng lấy vai Liên.
– Cố lên anh nhé! Đang giờ trưa, mọi người nghỉ cả, hai anh em mình phải cố gắng lên một chút. Liên vừa thở vừa nói giọng ngắt quãng.
Tôi cố víu vai Liên xuống. Bất giác mùi thơm con gái từ da thịt Liên xộc vào mũi tôi. Tôi cố dằn lòng, nhè nhẹ hít sâu vào lồng ngực mình thứ mùi thơm đàn bà quện lẫn mùi thơm nhè nhè của một chút son phấn và hương thơm của lá hương nhu từ mái tóc của Liên lan tỏa lên mặt tôi. Tôi như muốn ôm chặt lấy Liên, nhưng một ý nghĩ khác lóe lên khiến tôi dằn lòng mình lại. Tôi khe khẽ thở khò khè và lê bước theo Liên. Liên đỡ tôi ngồi xuống chiếc giường khung sắt thấp tè rồi mở tủ lấy cho tôi một chiếc vỏ chăn mỏng, gối, mùng màn và một vài thứ nhu yếu phẩm khác. Cô trải tấm ga trắng tinh còn thơm sức mùi hồ vải mới giúp tôi nằm xuống, nói:
– Chính ơi, anh nằm nghỉ đi nhé! Lát em nói người mang thuốc và phích nước cho anh!
Liên rời khỏi phòng bệnh của tôi. Dáng đi khỏe mạnh, đẫy đà của Liên thoăn thoắt đi xuống trên con đường mòn ngoằn ngoèo xuống khu văn phòng bệnh xá.
Tôi vuốt ngược mái tóc cho nó rối tung lên cho đúng với cái bộ dạng của một kẻ ốm nặng. Bất giác tôi vẫn thấy mùi hương thoang thoảng của Liên còn phảng phất nơi bàn tay tôi.
Từ khi đặt chân lên cái nơi khỉ ho cò gáy này, tôi đã quyết phấn đấu làm thật tốt mọi việc, xác định công tác lâu dài ở đây. Nhà trường cũng đã quan tâm quy hoạch nên vệc đi nghiên cứu sinh gần như đã nằm trong tầm tay của tôi. Bản thân tôi cũng có ông bác ruột làm Bộ trưởng một Bộ dưới Hà Nội. Sở dĩ tôi phải lên đây chẳng qua cũng chỉ là vì cái sự khái tính của tôi mà thôi. Cái lần tôi đến gặp bác nhờ bác xin việc cho lại đúng vào lúc bác tôi đang có chuyện bực mình ở cơ quan nên chẳng những việc bất thành mà tôi còn bị bác tôi mắng cho một trận, tưởng không dám ngẩng mặt lên vì cái thói chọn việc của lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy- ấy là ông bác tôi bảo thế! Tôi chẳng nói, chẳng rằng, thậm chí cũng chẳng chào ông bác ruột tôi lấy một tiếng, lặng lẽ ra về, trong lòng đầy ấm ức. Ngay sáng sớm hôm sau tôi đến thẳng vụ tổ chức của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhận quyết định công tác. Ông chuyên viên của vụ tổ chức cho tôi chọn một trong hai nơi, một là Đại học Tây Nguyên tận mãi trong Đà Lạt, hai là Đại học kỹ thuật Thái Nguyên. Tôi không cần đắn đo lựa chọn mà xin ông cho tôi lên Thái Nguyên công tác. Tôi nhẩm tính Thái Nguyên về Hà Nội chỉ bảy mươi cây số, về thăm bố mẹ già chắc thuận lợi hơn.
Ông cán bộ vụ tổ chức lấy một tờ giấy đã in roneo theo một mẫu sẵn, có chữ ký và con dấu đỏ chót ở dưới rồi hí hoáy điền thêm một số thông tin vào cho đầy đủ rồi khẽ ngước đôi mắt có cái tròng mắt vàng ệch lên nhìn tôi, bảo:
– Cậu thi hành quyết định sớm đi nhé! Giờ không thay đổi nữa đâu nhé!
Tôi run run hai tay cầm tờ quyết định phân công công tác của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp rồi lễ phép đi dật lùi, chào ông cán bộ của vụ tổ chức, trong bụng mừng thầm vì thoát không phải vào tận trong Đà Lạt xa bố mẹ.
– Thế nào con? – có tiếng phụ nữ lớn tuổi hỏi vọng vào phòng bệnh.
Tôi ho lên rũ rượi, đoạn trở mình với chiếc khăn mặt bông vắt trên đầu giường lau mặt mũi đờm rãi rồi khe khẽ trả lời:
– Dạ, thưa cô con hen…hen quá! Không thở được!
Nói xong, tôi khẽ dặng dăng mấy tiếng trong cổ họng, rồi lại gù lưng nằm sấp mặt xuống giường, miệng khe khẽ rên theo nhịp thở khò khè. Người phụ nữ bước vào phòng, ngồi xuống giường bên cạnh tôi an ủi:
– Cô cũng có cậu em ruột bị hen như con, khổ cực lắm. Cứ đông giở gió là lên cơn, mồ hôi nhễ nhại, chổng mông chổng tĩ lên mà thở. Có mấy đám rậm rạp rồi nhưng có ai người ta lấy đâu. Thế con mắc chứng này lâu chưa? Khổ!
Tôi chợt nhận ra người phụ nữ ngồi bên tôi than thở với tôi là cô Chấp vợ chú Luân trưởng khoa cơ bản. Tôi khẽ chống tay định ngồi dậy thì cô đỡ lấy tôi, đặt tôi nằm lại tư thế úp mặt, chổng mông lên trời, bụng thóp lại thở khò khè. Cô Chấp xoa xoa lên đầu tôi như xoa lên đầu cậu con trai bệnh tật của mình rồi đứng dậy đi lấy cho tôi một phích nước nóng, ít bát đũa, bàn chải và thuốc đáng răng, một bộ quần áo người bệnh.
Cô Chấp làm các công việc tạp vụ kiêm nấu ăn ở bênh xá từ khi trường chuyển lên sơ tán trên Thái Nguyên này, nghe nói từ mãi năm 67. Cô và chú Luân quê tận trong Thanh Hóa. Cô chú lấy nhau hồi chú còn đi học đại học. Sống ở quê những năm chiến tranh đánh phá của Mỹ, cô vẫn tần tảo làm ruộng nuôi con để chú học xong đại học, làm xong nghiên cứu sinh ở mãi Liên Xô. Năm 67 trường chuyển lên Thái Nguyên, chú về Thanh Hóa đưa cả gia đình lên Thái Nguyên cho hợp lý hóa gia đình.
Chừng năm giờ chiều, cô Chấp bưng lên bệnh xá cho tôi một mâm cơm khá đầy đủ các món. Nhìn mâm cơm cô đặt xuống bàn, xộc vào mũi, vào miệng tôi mùi thơm nức của cơm gạo mới, thứ mà thời bao cấp chúng tôi không bao giờ được mơ đến. Kế tiếp là món thịt lợn ba chỉ rang xém cạnh với nước mắm thơm đến điếc mũi. Và kia là đĩa rau muống xào tỏi và một bát nước luộc rau muống có mùi thơm mát của chanh tươi mới vắt. Tôi định vùng dậy ăn cho đã cơn đói vì từ sáng đến giờ tôi chưa ăn miếng cơm nào vào bụng. Nhưng một ma lực khác mạnh hơn sự thèm khát một bữa ăn cho sướng miệng. Thú thực bữa cơm hàng ngày của cánh giáo viên chúng tôi không thể đầy đủ và thịnh soạn như thế. Tôi gắng gượng dậy, đưa hai chân thõng xuống đất, tay chống vào đùi, lưng hơi gù xuống, giọng thều thào:
– Cô ơi cháu nhìn thấy thịt là cháu ghê cổ lắm! Cô để gọn ra ngoài, mang về nói các em ăn giúp cháu. Bảo các em còn nguyên, cháu chưa động đũa vào đâu!
– Sao lại thế? Ăn đi con, cô rang thịt ngon lắm đấy! – vừa nói, cô vừa lấy đũa gắp cho tôi một miếng thịt rang xém cạnh thơm phức khiến nước miếng tôi ứa ra đến không kiểm soát được. Tôi quay mặt ra phía khác, cố dài cổ ra ọe một cái thật mạnh, khiến miếng cơm tôi vừa nuốt khỏi cổ phụt ra bằng hết. Tôi cố ọe tiếp vài cái khiến nước mắt, nước mũi trào ra.
– Cô ơi, cháu sợ mùi thịt! cô bỏ ra xa cho cháu! Bảo các em ăn giúp cháu!- tôi nói giọng khò khè, ngồi thở một lúc rồi mệt nhọc gắp từng hạt cơm cho vào miệng, cố tình chậm rãi nhai, mặc cho cái đói đang hành hạ, lũ ruột non, ruột già, dạ dày và lục phủ ngũ tạng đang sôi lên rầm rầm.
Cô Chấp nhìn tôi rơm rớm nước mắt, động viên mãi tôi cũng chỉ ăn được nửa bát cơm, vài cọng rau muống và húp lưng bát nước rau muống vắt chanh tươi. Cô Chấp thở dài đứng dậy, bưng mâm cơm còn nguyên thịt và thức ăn ra khỏi phòng.
Tôi chẳng thèm xỉa răng, súc miệng, cứ thế nằm lăn quay ra giường.
Trong suốt những ngày tôi nằm bệnh xá, tôi đều lấy lý do sợ nhìn thấy thịt nên không hề động đũa đến đĩa thức ăn mặn, hôm là thịt lợn rang, hôm là thịt gà rang muối ướp lá chanh, có hôm là cá biển. Vào những năm tháng bao cấp ấy, không phải dễ dàng gì có được những món ăn mặn ngon như thế. Nhưng tôi nhất quyết không ăn. Không ăn thịt cá đã đành, mỗi bữa tôi chỉ ăn một lưng cơm với nước canh, khi là nước rau luộc, khi là canh rau nấu tôm khô…Số thuốc men bệnh xá cấp cho tôi gồm các loại thuốc chống co thắt phế quản như Theophilin, Ephedrin và các loại thuốc bổ như các loại vitamin, tôi chỉ sử dụng một cơ số nhất định để sao cho những cơn hen thực sự không hành hạ tôi nhưng luôn luôn còn những tiếng ran trong các phế nang, còn những tiếng khò khè trong cổ họng. Cơ số thuốc còn lại, tôi cất vào một nơi kín đáo để dành lúc cần thiết. Hết một liệu trình điều trị ở bệnh xá nhà trường, tôi được chuyển lên tuyến trên là khoa nội Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.
Ở bệnh viện đa khoa Thái Nguyên tôi được một nữ bác sĩ người dân tộc Tày trực tiếp theo dõi và điều trị. Chế độ ăn uống của tôi vẫn thế. Tôi không ăn quá cái quy định ngầm của mình. Lúc nào tôi cũng lảo đảo đi không vững vì đói, vì cơ thể suy kiệt. Đi đâu tôi cũng vẫn cầm cây gậy trúc hôm mới lên trường lấy ở quán nước cô Thê. Chị bác sĩ ái ngại nhìn tôi. Ăn uống không đủ lương và không đủ chất cộng với căn bệnh hen không ngày nào dứt cơn, phổi đầy ran, ho khùng khục và cổ họng khò khè tiếng rít của đờm rãi làm tôi tàn tệ rất nhanh. Những năm của tuổi thanh niên, với chiều cao1,64 m tôi luôn ổn định với một trọng lượng cơ thể là 54 kg. Vậy mà chỉ sau một thời gian diễn, tôi đã giảm xuống chỉ còn 45kg. Nếu ai biết cả dòng tộc nhà tôi đã tự hào thế nào khi tôi được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng, nếu ai biết cha tôi đã sung sướng thế nào khi biết xuất đi nghiên cứu sinh tận Liên Xô gần như đã chắc chắn nằm trong tay tôi. Được đứng trên giảng đường đại học giảng bài cho sinh viên thật là một niềm vinh dự lớn mà tôi đã cảm nhận được, dù rằng cuộc sống vật chất còn quá khó khăn. Những người phải ngoác mồm ra nói ra rả cả ngày trước học sinh chẳng hiểu vì sao người ta lại cho định mức có 13 kg gạo một tháng như một lao động gián tiếp. Mỗi khi mua 13kg gạo về, tôi thường phải chia ra làm 60 hoặc 62 gói nếu tháng 31 ngày. Lương thấp, sống xa nhà, làm không đủ ăn vậy mà vẫn đeo trên ngực một niềm kiêu hãnh đến lạ lùng. Nhưng từ khi bức điện báo như một bức thư để ngỏ gửi về làm cho cả làng tôi nghĩ rằng tôi sắp bị kỷ luật thì tôi không còn thiết gì những cái danh hão huyền ấy nữa.Tôi quyết vùng cho ra khỏi cái nơi khổ cực này. Ở đây muốn chuyển đi nơi khác khó lắm. Có nhiều anh chị công tác mấy chục năm rồi mà không chuyển nổi. Ai muốn chuyển đi thì ít nhất phải tìm cho được người thay thế mình. Rồi còn bao nhiêu lý do khác nữa ràng buộc. Gần đây nghe nói có tay Quang Cận làm bên tổ hình họa phải giả bị bệnh lòi dom mất mấy năm, ngày nào cũng đóng băng vệ sinh phụ nữ phồng cả đũng quần ra nom gớm ghiếc, rồi lại phải quen với ông nọ bà kia trong lãnh đạo nhà trường mới có cơ mà chuyển được. Nghe mấy ông bên hình họa vẽ kỹ thuật nói, sau khi cầm quyết định của hiệu trưởng cho chuyển về Hà Nội, tay Quang nhẩy cẫng lên. Đám cán bộ tổ chức từ đó cảnh giác với bọn ốm đau hơn. Họ thường nghi là đám này diễn. Điều ấy khiến tôi cẩn trọng từng nếp ăn, lời nói, cách đi đứng.
Một buổi tối, tôi chống gậy, lê bước đi từ bệnh viện đa khoa sang bên nhà anh Võ Thúc Nhàn, tiến sĩ Vật lý, học ở Ba Lan về, có vợ dạy bên trường Đại học y khoa Thái Nguyên. Thấy tôi, cả hai vợ chồng đưa cặp mắt không mấy thiện cảm đối với lũ bệnh nhân, nhìn tôi một lượt, mãi sau mới mời tôi vào nhà. Ngồi uống nước với anh Nhàn, tôi cố tình nhấp miệng vào xung quanh cái miệng chén nước trà mà anh Nhàn rót mời tôi. Vừa nhấp chén nước trà, tôi vừa cố tạo ra những tiếng ho nhẹ khùng khục khiến những người làm trong ngành y hay đã sống ở bên Tây về thì kinh tởm lắm. Ngồi uống trà với anh Nhàn chừng nửa tiếng mà tôi thấy anh liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ poljot đến năm sáu lần.
Tôi chào anh Nhàn bằng một cái bắt tay. Tôi nắm chặt tay anh. Bàn tay chuyên cầm bút của anh mềm và lạnh toát thả lỏng trong hai bàn tay gầy guộc của tôi. Tôi lê bước với cây gậy trúc ra về. Đi được chừng mười bước, tôi giả bộ cúi xuống sửa lại quai dép rồi đưa mắt nhìn vào căn phòng khách nhà anh Nhàn sáng chưng ánh đèn neon. Tôi thấy chị vợ anh Nhàn dường như đang lầu bầu một chuyện gì đó, một tay đang dốc ngược cái phích nước nóng xuống bộ ấm chén mà anh vừa rót nước mời tôi. Còn anh Nhàn đang cầm một chiếc giẻ lau, lau đi lau lại chỗ tôi ngồi. Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho những người thân xung quanh mình ghê tởm mình. Có lẽ tôi sắp trở thành con cóc sắp chết thối trong cái giếng khơi của làng. Chẳng ai nỡ vì con cóc thối mà lấp cả cái giếng. Chắc chắn họ sẽ vớt con cóc vứt ra thật xa, mặc cho nó sống hay chết, miễn là có cơ hội giữ được cái giếng nước cho cả làng ăn.
Hết một liệu trình chữa bệnh trên bệnh viện đa khoa, tôi được ra viện. Anh Pha phòng tài vụ lên làm thủ tục thanh toán viện phí rồi đón tôi về. Trên đường về, anh Pha dừng xe đạp cho tôi mua mấy cái bánh nếp về ăn dần đỡ phải thổi cơm. Đến cổng trường, anh Pha thả tôi xuống để tôi đi bộ, còn mình thì tất tả dựng xe chạy về phòng làm việc.
Tôi kéo cây gậy lê bước dọc theo con đường đổ đất cấp phối chạy giữa khu giảng đường về khu hiệu bộ. Mắt như đờ đẫn nhìn thẳng, nhưng tôi có cảm giác hai bên con đường cấp phối và phía sau lưng tôi kia có hàng chục, hàng trăm đôi mắt nhìn theo, tò mò, thương hại, đàm tiếu. Kệ! Tôi đã quyết là không bao giờ làm đơn xin chuyển công tác. Nhìn mãi cái con người bẩn thỉu, bệnh tật và vô dụng kia, chắc chắn sẽ có một lúc tôi sẽ bị người ta gọi lên và gợi ý đuổi ra khỏi trường cho khuất mắt, cho trong sạch ngôi trường này.Trời đã gần về trưa, nắng đổ lên khu đồi trọc không một bóng cây đã bắt đầu gay gắt. Tôi vẫn chậm rãi lê bước trong cái nắng cháy da cháy thịt. Khi lê bước qua cái hàng rào ngăn con đường đất đỏ với trạm y tế trường, tôi vẫn thẳng theo hướng con đường lê bước nhưng mắt hơi đảo về phía hiên của phòng khám bệnh xá một cái xem sao. Bất giác cái dáng béo đậm của Liên trong bộ áo trắng blue như vừa vô tình ló ra, dường như nhìn thấy tôi lại vội vàng quay lại, cố tình tránh mặt tôi. Tôi khẽ dấu nụ cười trên môi để không ai nhìn thấy…
Về đến căn phòng riêng, tôi mở khóa. Chuẩn bị bước vào phòng thì con bé Lý – con anh Trình mới từ Nghệ An ra chơi với bố, reo lên:
– Cháu chào chú Chinh!
Tôi vẫy con bé lại, gỡ trong xâu bánh ra cho nó một cái bánh nếp tôi mua ban nãy, rồi lặng lẽ vào nhà. Tôi thò tay ra ngoài khóa trái cửa lại, người ngoài nhìn vào coi như tôi không có nhà. Tôi nằm xuống cái giường lâu không có hơi người, một mùi ẩm mốc xộc lên khiến tôi ho rũ rượi. Tôi thu cả đống chăn màn ẩm mốc vứt vào một góc phòng rồi nằm xuống gường. Tôi miên man trong suy nghĩ rồi thiếp đi lúc nào không rõ. Bên phía phòng bên, bố con anh Trình đã tra soát nhau một cái gì đó. Rồi tôi nghe con bé khóc ré lên và tiếng Trình rít lên:
– Ba hỏi lại, chiếc bánh ni có phải chú Chinh cho bay không?
– Dạ, phải! - Con bé ấp úng đáp.
– Ba nói phải nghe, từ ni chú Chinh cho bất kỳ bánh trái chi là không có được ăn nghe không. Lây bệnh là chết đó!
Tôi lặng người đi, cố nhịn từng hơi thở để không bật ra một tiếng động nhẹ. Lòng buồn đến tận đáy tâm can. Nhưng sau đó tôi lại tự nhủ với lòng mình, rằng mình chả đã thành công rồi đó sao!
Tôi cứ diễn mãi như thế, hết đi viện tỉnh lại về bệnh xá trường. Dù ở đâu, có nhiều người hay chỉ một mình, bên cạnh đồng nghiệp hay với họ hàng, thậm chí là về quê thăm cha mẹ, tôi cũng trong vai một người bệnh tật đến tàn phế. Cha mẹ tôi thương tôi đến tận cùng. Tôi không dám nhìn trực diện vào đôi mắt cha tôi nữa vì đôi mắt cương nghị của ông vì đau xót mà như ứa máu vì thương cho tôi. Dường như mọi hy vọng, niềm tự hào về tôi đã từng làm ông sung sướng và hạnh phúc trước đây đã hoàn toàn tam biến. Hình ảnh một thằng con trai tài hoa, giỏi giang, niềm kiêu hãnh của ông, thần tượng về lòng quyết tâm vượt khó học tập để thành đạt đã hoàn toàn sụp đổ. Cha tôi thường ngồi bên chiếc bàn trà đã cũ, đôi mắt đục ngầu vì tuyệt vọng luôn nhìn về một nơi nào đó, những ngón tay thô ráp của ông thỉnh thoảng lại gõ nhịp cho một bản nhạc không tên nào đó lộc cộc lên mặt bàn. Mẹ tôi thì khác, bà ngồi thu lu nơi ra vào của bậc thềm, tựa lưng vào cánh dại tre đã cũ. Mắt bà nhìn về hư vô như không bao giờ chớp. Đôi mắt mờ đục vừa vì tuổi tác, vừa vì suốt đời mình, bà đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu sự nghiệt ngã của số phận. Thỉnh thoảng, tiếng thở dài của bà, dù đã được kìm nén từ rất sâu, tận mãi đáy tâm can, nhưng vẫn buột ra não nuột đến khôn cùng. Nếu là những việc khác, tôi đã có thể dãi bày, giải thích hoặc động viên để bố mẹ tôi yên lòng. Nhưng việc này, cái việc tôi đang diễn trước công chúng, cha mẹ và bạn bè, đồng nghiệp và cấp trên này, làm sao tôi có thể nói ra cho cha mẹ mình được dẫu biết rằng lừa dối cha mẹ mình, diễn trước cha mẹ mình là một điều khốn nạn nhất trong những điều khốn nạn. Nhưng nếu nói thật với cha tôi rằng tôi đang diễn thì điều gì sẽ xảy ra. Tôi biết chắc chắn cha tôi, người đi theo Việt Minh từ khi cướp chính quyền, đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp, với tù đày và thịt da bầm nát vì đòn thù, với những vết thương chi chít trên thân thể, không hề tham danh lợi, không hề tranh giành chức tước và lợi lộc, hết chiến tranh lại trở về với con trâu và cái cày, liệu cha tôi có để yên cho không. Tôi đành mang tội lừa dối cha mẹ mà diễn cho xong cái màn kịch này, dẫu biết rằng diễn, dù là diễn ở đâu, diễn với ai, mục đích của diễn để làm gì thì cũng đều là khốn nạn, đều là lừa đảo mà thôi.
Tôi nhập vào điều trị tại bệnh xá nhà trường lần cuối cùng vào hè năm 1982, tức là sau hơn mười lăm tháng tôi sắm một vai ốm đau, nhếch nhác, hôi hám và bẩn thỉu nhất. Mười lăm tháng qua,tôi ăn mỗi ngày hai lưng cơm, một tháng chỉ tắm rửa có một lần, không đánh răng rửa mặt khiến mọi người không ai muốn ngồi gần tôi, một kẻ bệnh tật, hôi hám, mồm miệng thối hoăng đầy vi trùng.
Tôi nhận quần áo, tư trang, hai tay chống gối, vừa đi vừa nghỉ lôi túi tư trang lên phòng dành cho bệnh nhân nằm chênh vênh trên đỉnh gần đỉnh đồi, đẩy cửa rồi khẽ khàng ngồi xuống mép giường, thở một lúc rồi khẽ đặt lưng xuống, khép hờ đôi mắt thả hồn vào một cõi vô hư xa xăm.
Trời vừa chạng vạng tối, khi những ngọn đèn điện đỏ quạch vừa được bật lên tranh nhau phần sáng với ánh chiều chạng vạng còn xót lại những tia nắng cuối cùng đọng trên nóc căn nhà trên đỉnh đồi, cô Chấp chân đi ủng, hai tay bưng một mâm cơm, miệng tươi cười bước vào phòng bệnh của tôi. Tôi thầm cảm thấy có tội với cô. Cô có đứa con trai đầu bằng tuổi tôi. Nhìn những cử chỉ ân cần, tình cảm của cô như tình cảm của người mẹ dành cho đứa con ruột của mình, tôi ứa nước mắt. Những giọt nước mắt ân hận của một kẻ lừa dối khốn nạn bỗng làm cô Chấp động lòng. Tôi lại ọe mật xanh mật vàng ra trước lúc bưng bát cơm đưa lên miệng. Cô Chấp là người đã chăm sóc tôi hơn một năm nay. Cô đã dành cho tôi tình cảm lớn lao hơn tình cảm của một người phục vụ đối với bệnh nhân. Tình cảm cô cho tôi là tình mẹ với con.Vậy mà tôi đã khốn nạn đến mức lừa dối cô. Liệu khi cái sự thật này được phanh phui ra, cô Chấp sẽ ra sao!…Tôi rơm rớm nước mắt vừa thương cô lại vừa trách mình. Nhưng sự thể đã đến nước này rồi, tôi chỉ còn nước mặc cho nó muốn ra sao thì ra thôi.
Trời đã tối từ lúc nào không còn biết nữa. Nằm trên phòng bệnh nhân nằm trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh khu bệnh xá của trường, nằm gọn trong một cái lòng chảo nhỏ hẹp. Dưới phòng trạm trưởng đèn điện sáng trưng. Tôi nhìn thấy Liên trong bộ quần áo blue đang chuẩn bị mấy thứ thiết bị y tế tối thiểu để chuẩn bị đi thăm bệnh nhân. Tôi nằm sấp, úp mặt xuống gối. Đầu óc tôi tật trung nghĩ tới những điều tồi tệ nhất, đau đớn nhất và nước mắt tôi cứ thế ứa ra. Rồi tôi khóc thật sự. Tôi khóc trong nỗi cô đơn, trong nỗi tuyệt vọng, dường như là một sự cô đơn, tuyệt vọng thật sự, không còn là trong một vai diễn nữa. Sau hơn một năm diễn, sức khỏe tôi đã tàn tệ thật sự. Ăn uống quá ít làm tôi xuống cân rất nhanh. Lúc vào nhập bệnh xá, đứng lên bàn cân tôi thấy còn có 45 kg. Liên đã phải kêu lên lo lắng cho tôi. Bệnh hen không phải là căn bệnh khó cắt cơn, nhưng do tôi cố tình uống không đủ thuốc theo y lệnh của y, bác sĩ nên dây dưa hơn một năm trời, gần như ngày nào cũng lên cơn thật sự. Hơn một năm trời tôi không rửa mặt, khiến khuôn mặt gầy gò thót như một cái lưỡi cầy. Tóc tôi có cắt sửa nhưng không tắm gội nên lúc nào cũng bù xù cáu ghét. Ngần ấy tháng tôi không đánh răng nên không ai dám ngồi cạnh mà nói chuyện với tôi nữa. Cả cái trường này không còn ai nghĩ rằng tôi diễn nữa. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thương hại. Mãi tận sau này, tôi mới biết câu chuyện thực về bức điện báo ấy. Chuyện là thế này, chú Luân nghe tay Việt cùng bộ môn vốn ghen ăn ghét ở với tổ trưởng bộ môn nên thù lây sang cả tôi. Hắn lên tâu nộp với chú Luân rằng tôi về nghỉ hè quá phép rồi. Chú Luân bảo sẽ đánh bức điện báo hỏi xem tình hình ra sao. Hắn nhân cơ hội ấy ra bưu điện đánh ngay một bức điện nhân danh tổ chức để hạ gục tôi…Càng nghĩ tới bệnh tật, tới bạn bè, đồng nghiệp, tới gia đình, nước mắt tôi lại càng trào ra. Vai tôi tự nhiên rung lên trong nức nở. Tôi bỗng thấy có tiếng dép lướt nhè nhẹ vào phòng và mùi con gái thoang thoảng thơm đến tinh khiết của tinh khiết chạm vào cơ quan khứu giác của tôi. Bàn tay to bè và mẫm mụp của Liên vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi xốc tôi ngồi dậy.
– Trời ơi, sao anh khóc vậy?
Liên vừa âu yếm nói, vừa kiểm tra nhiệt độ của tôi, đo huyết áp cho tôi. Bàn tay Liên mát lạnh lan tỏa khắp thân thể tôi một thứ cảm giác kỳ lạ. Kiểm tra các chỉ số về huyết áp, nhiệt độ, nghe tim, phổi cho tôi xong Liên ghi chép lại vào quyển sổ trực, an ủi tôi rồi đi kiểm tra các bệnh nhân khác.
Sau cái tối hôm đó, cả trường ầm lên là tôi khó có thể qua khỏi. Lần đầu tiên công đoàn nhà trường và đích thân ông Nguyễn Văn Bình hiệu trưởng đến thăm. Ông Bình còn bảo:
– Bệnh của cậu phải chuyển vùng mới chữa được. Khí hậu tốt nhất là miền Nam, độ ẩm thấp, ít gió Bắc. Ở Thái Nguyên khu công nghiệp ô nhiễm không khỏi được, mà lên cơn bất ngờ nguy hiểm lắm! Tớ sẽ trao đổi với cậu Vinh tổ chức lo cho cậu. Thế bố mẹ anh em đâu không thấy lên chơi?
– Dạ, thưa thủ trưởng bố mẹ em già rồi không đi xa được. Em có mỗi cậu em trai trong quân đội ạ.
Ông Bình nắm lấy tay tôi thật mạnh.Tôi hoàn toàn không còn cái cảm giác diễn của mình nữa, nằm xuống và thiếp đi một giấc ngủ rất sâu.
Một bàn tay lay lay người tôi. Tôi mở mắt, từ từ ngồi dậy. Người đàn ông ấy là Vinh, phó phòng tổ chức cán bộ.
– Cậu thế nào rồi? – Vinh nhìn tôi cười và nhìn tôi bằng cặp mắt rắn tinh ranh.
– Em mệt! khó thở không ăn được anh ạ!
– Ban nãy anh Bình có trao đổi với anh Trình và tớ về trường hợp của cậu. Vấn đề là cậu có nơi nào tiếp nhận không, vì cậu rất yếu. Chúng tớ tạo điều kiện cho cậu!
– Dạ, em cảm ơn anh!
– Tớ bảo cô Liên cho tờ giấy và cái bút, cậu viết vài dòng vì lý do sức khỏe xin được chuyển cơ địa để phù hợp với sức khỏe !
Nghe Vinh nói, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn.
Rồi sau đó tôi được nhà trường đồng ý cho chuyển công tác. Vinh ký cho tôi một lúc mười tờ giấy giới thiệu để về Hà Nội liên hệ công tác. Lúc ấy tôi đã quá mệt mỏi với cái vai diễn của mình, thậm chí cố giấu nhẹm nó đi, không dám hé răng cho ai nữa…
…Tôi tách ra khỏi đám đông, rẽ vào nhà anh Pha. Mấy chục năm rồi mà gặp lại anh vẫn nhận ra tôi. Anh reo lên rồi chạy tới ôm chầm lấy tôi, giọng sang sảng:
– Mấy chục năm rồi còn gì! Nghe nói chú bây giờ thành đại gia rồi…! Anh mừng cho chú, chứ cứ ở đây cũng chỉ đến tiến sĩ, phó giáo sư là cùng…!
Tôi cảm thấy hơi xấu hổ bởi lời khen của Pha, vội quay sang hỏi thăm tình hình gia đình anh, lảng tránh những câu hỏi, những lời khen của anh, cho dù đó là những lời khen thật lòng đi nữa.
Nhà anh Pha đã được xây dựng lại khang trang, trong căn phòng khách đầy đủ tiện nghi của một gia đình thời hiện đại. Anh Pha lôi ra một két bia ngoại mà tôi chưa từng uống, nói:
– Có chú Chính lên chơi, ta làm lon bia ngoại cho nó lạ miệng.
Chuyện trò cùng Pha, tôi được biết số người cùng dạy với tôi ngày xưa đều đã nghỉ hưu lâu rồi, hiện vẫn sống trong khu vực khuôn viên trường cũ. Cả hai vợ chồng anh chị cũng đều đã nghỉ hưu. Hai đứa con anh chị hồi tôi còn làm việc ở đây bé tí, bây giờ thằng lớn đã được phong phó giáo sư. Đứa con gái út cũng làm xong tiến sĩ mấy năm nay.
Bữa trưa ấy tôi ở lại ăn cơm với anh chị Pha. Có khách từ Hà Nội lên, anh chị chuẩn bị bữa cơm thật là thịnh soạn. Qua anh Pha tôi mới rõ cô Chấp mất đã gần hai chục năm. Sau khi cô Chấp mất được hơn một năm thì chú Luân lấy vợ kém chú hơn hai mươi tuổi và chuyển về dưới Sông Công sống với người vợ kế. Còn Vinh phó phòng tổ chức chết sau khi tôi chuyển khỏi trường khoảng năm năm. Nhưng trước khi chết Vinh bị Liên cho một vố đau thấu xương. Chả biết ả tỉ tê thế nào mà Vinh xác nhận vào đơn đi học đại học y xong Liên lại tếch đi nơi khác không về trường công tác nữa. Tổ chức họp kiểm điểm và kỷ luật cách chức Vinh và điều Vinh về làm chuyên viên ở phòng thí nghiệm điện. Vinh đau đớn gầy rộc đi rồi lâm bệnh chết. Còn Liên nghe nói về Hà Nội làm việc ở một bệnh viện lớn nhưng chưa có chồng con.
Ăn xong cơm trưa, tôi nhờ Pha lấy xe máy đưa tôi đến khu nghĩa địa cách trường chừng hai cây số, nằm sâu trong khu đồi guột ngày xưa chúng tôi thường vào khai hoang trồng sắn.
Pha dừng lại ven đường để tôi mua ít đồ lễ và một thẻ hương, cái bật lửa để vào nghĩa địa thắp nhang cho cô Chấp.
Pha đưa tôi đến gần ngôi mộ nhỏ, có vẻ như lâu nay không có người lui tới chăm sóc. Cỏ may mọc đầy trên mộ phần của cô Chấp. Tôi loay hoay tìm nơi đặt đồ lễ, rồi bóc thẻ hương ra bật lửa châm hương xin được cầu ở nơi cô một lời xin lỗi dù là lời xin lỗi muộn màng.
Chẳng hiểu sao tôi bật lửa châm đến mấy lần mà bó hương trên tay không bén lửa. Sốt ruột quá, Pha phải dành lấy phần châm hương và đưa bó hương anh châm đã bén lửa cháy đến bén tay cho tôi. Tôi cúi mình cắm bó hương trầm thơm ngát lên mộ cô Chấp rồi quỳ xuống trước mộ cô, lạy cô ba lạy.
Lòng tôi trào lên một cảm xúc đến kỳ lạ. Chính tôi đã diễn với cô, với người phụ nữ đã thay mẹ tôi chăm sóc tôi những ngày tôi diễn ở bệnh xá nhà trường. Nhờ cô mà sự diễn của tôi đã thấu đến khoa, thấu đến lãnh đạo nhà trường, để tôi có cơ hội chuyển khỏi cái nơi này, thời tôi ở đây hoang vu đến không thể tưởng nổi. Mấy chục năm trôi đi, tôi không dám nói rằng tôi đã diễn như thế nào để đạt được mục đích của mình. Tôi biết đấy là một chuyện xấu xa thậm chí còn là vô sỉ nữa. Đã có những năm tháng tôi đứng trên bục giảng, dạy cho các lớp sinh viên về kiến thức, về lẽ sống làm người của thế hệ thanh niên thời đại mới. Đã nhiều năm tôi giao giảng về đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa, về lý tưởng của thanh niên trong thời đại mới… Vậy mà vì một thứ mục đích thấp hèn của mình tôi đã dối trá, đã diễn một vở kịch dài để lừa dối những người tôi đã từng giao giảng về một thứ đạo đức cao siêu.
Cô Chấp ơi! con xin cắn cỏ cắn rác con lạy cô! Con là thằng Chinh đã lừa cô hơn một năm trời để cô phải cơm bưng nước rót phục vụ cho con, lo cho con như một người mẹ lo cho chính con trai mình. Trước vong linh cô, con cầu mong cô hãy tha thứ cho con! Diễn, hay lừa dối, cho dù mục đích là gì thì cũng đều là cái loại khốn nạn.Vậy con còn giao giảng dạy bao người, thì diễn, thì dối trá sẽ khốn nạn đến thế nào!
Con xin cô hãy nguyền rủa con, nguyền rủa kẻ đạo đức giả như con, cô ơi! Con biết con có tội với cô, với những người thân của con, đã chót giao cho con một lòng tin mù quáng vào nơi con…!
Dù là quá muộn, con mong cô tha tội cho con, cô nhé!
Nước mắt tôi trào ra, nỗi xấu hổ làm tôi ê chề không sao đứng dậy được.
– Tôi lễ bà ấy xong, ta về đi!
Pha vừa nói vừa lôi tôi đứng dậy. Tôi loạng choạng vịn vào tay Pha đứng dậy, mắt tôi nhạt nhòa trong nước mắt. Tôi nhìn ra một nơi rất xa, cố tránh cái nhìn của Pha, không muốn để Pha hiểu tôi là thằng dối trá và khốn nạn đến thế nào.
Trời ngả sang quá chiều từ lúc nào. Ánh nắng vàng nhạt và yếu ớt cuối thu cũng vội ẩn mình sau những triền đồi ngả màu thẫm xanh xa xa. Chúng tôi quay lại khu hiệu bộ nhà trường. Mọi người đã giải tán từ lâu. Sân nhà hiệu bộ vắng teo, không một bóng người.
Tôi chào Pha, cám ơn anh đã dành nhiều thời gian cho tôi ngày hôm nay. Chia tay Pha, tôi lên xe trở về Hà Nội mà lòng man mác một nỗi buồn. Tôi đã rời xa nơi đây gần bốn mươi năm. Mọi cái đã đổi thay. Ngôi trường nhỏ với những khu giảng đường xen lẫn với khu ký túc xá ẩm thấp, hôi hám và nhếch nhác không còn nữa. Ngôi trường giờ đã khang trang, hiện đại. Những đồng nghiệp cũ của tôi đã có rất nhiều người trở thành những nhà khoa học. Tôi cảm thấy mình thật lạc lõng và cô đơn trong cái náo nhiệt của buổi sáng hôm nay trước những dòng người đổ về trường với những khuôn mặt rạng rỡ vì được gặp lại người thân. Dường như không ai nhớ ra tôi. Hoặc cũng có thể họ đã nhận ra tôi là một thằng khốn nạn mà không thèm nhìn mặt nữa chăng? Ở đời, người ta có thể tha thứ cho một tên móc túi ngoài chợ nhưng không ai có thể tha thứ cho cái loại leo lẻo giao giảng về đạo đức, về lý tưởng này nọ mà lại công nhiên ăn cắp lòng tin, ăn cắp sự tín nhiệm của những người thân như tôi đã từng làm!
Tôi không dám bật đèn pha xe, từ từ rời ngôi trường, sợ hai cái đèn pha xe tôi sáng lóe và sợ bất chợt tiếng xe tôi rồ máy quá to làm mọi người phát hiện ra tôi. Khi xe đã ra khỏi cổng trường, tôi mới dám bật đèn pha và tăng ga cho xe lao về phía đi Hà Nội. Tôi vẫn hoang mang lo sợ những cặp mắt ai đó là người quen nhìn thấy xe tôi đang chạy trốn trong đêm…!.
25/2/2023
Đào Quốc Vịnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...