Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm: Tử tội

Truyện ngắn Võ
Đào Phương Trâm: Tử tội

Gã nằm trong căn phòng biệt giam, mắt vẫn đăm đăm nhìn lên trần nhà khi những song sắt vẫn chưa có màu ánh sáng nghĩa là gã vẫn còn lo sợ và hồi hộp, gã sợ tiếng khoá lộp cộp của người cán bộ quản giáo khoảng tầm 3 giờ sáng, sợ tiếng cửa sắt nặng trì kéo lê dưới sàn như tiếng gọi từ cửa tử. Gã nằm đấy, mắt vẫn dán lên trần nhà, đau đáu nhìn qua khe hở như ánh mắt một người ngây dại.
Kể từ khi bước vào căn phòng biệt giam ở nhà tù, gã tội phạm tên Đông đã bước vào trận đồ không có lối ra như con thú hoang thất thế, chờ ngày đền tội sau khi bị kết án tử hình vì tội giết người. Những ngày tháng của một tử tù đến trong đời gã như một định mệnh, oan khiên, đặt dấu chấm hết cho một gã kỹ sư nghèo, tàn độc và máu lạnh.
Ngày bước vào phòng điều tra xét hỏi, gã như người mất hồn, khi đứng trước vành móng ngựa và chờ nghe bản án, gã nuôi dưỡng hy vọng không phải là cái kết đắng nhất vì gã là một kỹ sư chưa có tiền án tiền sự lần nào, gã có nhiều thành tích ngày còn đi học và gia đình có nhân thân tốt. Gã hy vọng và chờ đợi cho đến khi Toà tuyên gã án “Tử hình”. Khi những viên cảnh sát áp giải gã ra chiếc xe thùng, loại xe kín và thô kệch như con quái thú để chở những tên tội phạm, gã đi quàng xiên, mềm nhũng như con gà mắc thóc, mặt gã tái xanh, không còn thần sắc nhưng gã cũng còn chút suy nghĩ khi quay lại phía băng ghế người thân, gã cố tìm trong đám đông xa lạ rồi mắt gã nhòe đi khi thấy Mẹ gã ngã gục trên tay hai người cán bộ, vợ gã thì ngồi một chỗ ôm hai đứa con, không dám ngẩng mặt nhìn ai, chiếc xe chầm chậm rời đi giữa dòng người vẫn còn bàn tán cho đến khi bóng người thân trong mắt gã nhỏ lại, xa dần.
Nhà văn Võ Đào Phương Trâm
Ngày đầu tiên đến trại giam, hai vị cán bộ quản giáo áp giải gã đi vào khu vực buồng giam đặc biệt, luồng qua một lối nhỏ dài và hẹp như một đường hầm, gã dừng lại ở khu buồng giam phía trước có tấm bảng với dòng chữ màu đen trắng “khu xà liêm tử hình”, sau khi làm xong thủ tục, gã bị đưa vào vào căn phòng ở khu E. Lúc này, người quản giáo mang vào cho gã một mâm cơm với một bát cơm trắng, một chén canh cải, cá kho và một dĩa rau luộc nhàn nhạt. Khi thấy gã bần thần, người cán bộ trại giam đến gần, động viên gã bằng sự cảm thông để lòng gã bớt đi phần u ám.
– Anh ăn uống rồi nghỉ ngơi, để cho tinh thần bình tĩnh.
Gã trầm ngâm, chén cơm trên tay gã nghe nặng trình trịch, rồi gã bắt đầu cho những câu chuyện như chưa bao giờ được kể trong cuộc đời mình
– Em có hai con, vào đây rồi không biết bọn nhỏ sẽ thế nào.
– Con anh bao nhiêu tuổi rồi?
– Đứa lớn 15, đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 rồi cán bộ ạ!
– Trai gái đủ cả chứ?
– Hai trai cán bộ ạ!
Nói đến đây, gã bỗng nhìn xuống bàn, đôi mắt gã trở nên nhăn nhúm và rầu rĩ, gã đặt chén cơm xuống mâm rồi ngước mặt nhìn ra khung cửa sắt nặng màu buồn bã.
– Anh ăn cơm đi, cố gắng chấp hành tốt. Gia đình sẽ lo cho hai đứa tốt thôi. – Người cán bộ động viên.
– Mẹ em già rồi, vậy mà ngày cuối đời còn gặp thằng con Trời đánh.
Cạnh buồng giam của gã là một tử tội tên Lâm, phạm tội giết người, hắn có một thói quen kì dị, không biết là đã hình thành từ trước hay chỉ mới xuất hiện khi bị bắt vào đây, từ sáng đến tối, hắn cứ đập tay xuống sàn như trò thẩy gạch của trẻ con, rồi lại làm dấu chéo ngang trước ngực như một kiểu tín đồ kỳ lạ, hắn thường lẩm nhẩm gì đó trong miệng, không ai nghe rõ, chỉ nghe được hai từ “Ban-đa, Ban-đa” (Bandage), sau hỏi ra mới biết, hắn là một tay nghiện game dữ dội, trong một lần vì túng quẫn, hắn đã giết người để cướp tiền nhằm thỏa mãn cơn nghiện game mù quáng.
Một tuần sau khi gã Đông bị đưa vào phòng biệt giam, trong một buổi chiều dịu nắng, ngoài Trời có lẽ đang bước qua những ngày đầu thu, vị cán bộ quản giáo đến trước cửa phòng gọi gã:
– Phạm nhân Ngô Mạnh Đông, có gia đình gửi quà vào thăm.
Gã lồm cồm ngồi dậy, lúc này, vị quản giáo bước vào đưa cho gã một gói quà, gồm một hộp bánh tây, gói kẹo lạc nhân thơm và vài quả táo, gã nhận mà mắt rơm rớm:
– Mẹ em vào thăm hở cán bộ?
– Ừ, Mẹ anh, hôm nay không phải ngày gia đình thăm phạm nhân nên chúng tôi cho bà về.
Gã lẳng lặng cầm gói quà, mặt gã vẫn bần thần không hỏi thêm gì nữa, dường như gã tiếc nuối vì không gặp được Mẹ gã trong những ngày ngắn ngủi mà gã còn được sống trên đời. Gã lấy trong bọc quà gói bánh nhỏ đưa cho người quản giáo để gửi đến cho các tử tội buồng giam bên cạnh, khi chiếc bánh được đưa đến, tên phạm nhân nghiện game cứ huơ tay huơ chân loạn xạ như kẻ thần kinh, thỉnh thoảng, hắn lại đấm huỳnh huỵch xuống chiếc giường xi măng thô cứng. Không biết gã thanh niên này nhập trại bao lâu nhưng từ khi vào đây, chưa thấy ai vào thăm hắn, ngay cả tên tử tội luống tuổi nằm ở buồng giam E1, cũng chẳng có bóng dáng người thân nào vào thăm hỏi.
– Này, ăn bánh đi.
Lúc này, tên tử tù nghiện game chợt dừng lại hành động dị thường, hắn nhìn chằm chằm vào tay người quản giáo rồi bất ngờ khoác tay nguầy nguậy: “Chỉ lấy súng và máu”
Nói xong, tên tử tù với gương mặt non choẹt lại quay sang huơ tay loạn xạ, đến khi mệt, hắn lại làm cái dấu thập trước ngực rồi từ từ nằm gục xuống giường, như vừa trải qua một trận chiến đấu giằng co dữ dội. Người quản giáo chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
– Ở đây, mỗi ngày nghe đủ thứ âm thanh la hét chửi rủa, riết rồi cũng quen tai – Vị cán bộ quản giáo nói với gã Đông bằng giọng thân tình.
– Anh có tâm sự gì thì cứ nói, đừng để bức bách rồi hỗn loạn.
– Em chỉ nhớ đến gia đình, vợ con, giờ em chẳng biết nói gì, chỉ thương Mẹ.
Giọng gã lại trầm xuống, nghe nghèn nghẹn. Bất chợt tiếng la rú vang lên, người quản giáo chạy sang thì thấy tên tử tù ngây dại đang lăn ra vật vã, hắn đập đầu vào tường nghe đôm đốp, rồi lại ngã vật xuống sàn, tay cứ đập vào người thình thịch, miệng hắn gào lên: “Chết đi, chết đi”. Vị cán bộ quản giáo vội mở cửa bước vào, chạy nhanh về phía hắn để trấn an:
– Này, anh bình tĩnh lại nào!
Người quản giáo nắm lấy tay của gã tử tù hay lên cơn kích động để hắn bớt đi hành động vô thần dữ tợn, hắn vẫn cứ vật vã rồi kêu khóc như một kẻ không còn tự chủ, mắt hắn nhìn lăm lăm vào cái bóng đèn như có thứ gì đó trên đó làm hắn ám ảnh.
– Đi tiểu, mắc tiểu rồi.
Hắn cứ loay hoay, mắt vẫn nhìn cái bóng đèn trong khi tay chân cứ quơ quào loạn xạ, lúc này, vị quản giáo mới đem vào một cái bô cho hắn giải quyết việc vệ sinh, đi tiểu xong, hắn chỉ tay vào bô nước tiểu rồi cất giọng cười như Tề Thiên Đại Thánh, người quản giáo khẽ lắc đầu, đợi cho hắn nghiêm chỉnh áo quần rồi mang cái bô đi đổ nhưng chưa kịp thu dọn thì ông đã bất ngờ lãnh trọn cả bô nước tiểu của gã phạm nhân vào mặt, ông vội lấy tay áo lau lên mặt trong khi mặt mày tóc tai ướt nhẹp cái thứ nước bốc mùi ngai ngái
– Ôi Trời Đất ơi! Phải bình tĩnh lại chứ, ai lại thế này!
Nhìn mặt vị cán bộ ướt sũng, hắn bật cười khoái trá.
– Nước thánh, nước thánh!
Vị cán bộ với đầu tóc, quần áo ướt mem mùi nước tiểu, vẫn cố gắng ngồi lại động viên và trấn an tên phạm nhân đang lên cơn kích động, sau khi hắn đã dần dần trở nên bình tĩnh và chịu ngồi lại ngay ngắn trên giường, người quản giáo mới chậm rãi bước ra, khi đi ngang qua chỗ gã Đông, ông nở nụ cười gượng gạo với gương mặt đầy chịu đựng
– Đấy, chuyện thường ngày của người quản giáo.
Gã nhìn dáng vẻ của người cán bộ với gương mặt và áo quần ướt sũng, tự dưng gã lại thấy thương thương và tồi tội, lần đầu tiên một tên sát nhân như gã lại cảm thấy có chút đồng cảm với những người ở bên bờ đối lập.
Hôm nay, gã ăn được gần nửa bát cơm với món canh rau đay mà gã thích. Ngoài song sắt buồng giam, bóng trưa ngả màu nhàn nhạt trên nền sân cũ kỹ, chỗ gã nằm gần với cửa ra vào nên thỉnh thoảng gã vẫn nhìn ra cửa để nói chuyện cùng người quản giáo.
– Anh có thuốc, cho em xin một điếu. – Gã cất giọng từ tốn và lễ phép.
– Quy định không cho hút thuốc trong buồng giam, anh chấp hành đúng quy định nhé.
Người cán bộ từ chối yêu cầu của gã vì phải thực hiện theo đúng nội quy, gã thở dài im lặng, có lẽ lúc này, thuốc lá là thứ duy nhất để gã giải tỏa căng thẳng và ức chế thần kinh nhưng gã nhận ra là gã không còn cơ hội để thỏa mãn mọi nhu cầu như người bình thường được nữa.
– Anh chấp hành cho tốt, đời người là một vòng luân hồi. Còn sống ngày nào thì thành tâm sám hối ngày đó, mới mong dứt nghiệp.
Người cán bộ trầm ngâm, thỉnh thoảng ông cũng trở thành người thuyết giảng đạo pháp nhà Phật cho những tử tù, như một cách xoa dịu nỗi đau đớn dày vò, những bất ổn tinh thần mà phạm nhân đang chịu đựng trong thời khắc sinh tử này.
Đã hai tuần trôi qua, gã tội phạm tên Đông mỗi đêm vẫn trùm kín chăn để cố tìm giấc ngủ cho lành lặn, nhưng dường như chưa đêm nào gã ngủ được ngon, với tử tù, một giấc ngủ sâu có lẽ chỉ là giấc ngủ khi đã thi hành án tử.
Đang trùm kín chăn và đếm từng giây trong bóng tối đen đặc, gã Đông linh cảm buồng bên có điều gì đó bất thường khi tiếng bước chân ngoài hành lang song sắt chạy dồn gấp rút, đó là khi người quản giáo nghe tiếng ú ớ của tên phạm nhân phát ra từ buồng giam E1, gã giở cái chăn ra và nhìn về phía bên ngoài, trong bóng tối nhập nhoạng, bóng người quản giáo vừa chạy lướt qua.
Gã phạm nhân hay hát cải lương đang nằm vặt vẹo dưới sàn, trong miệng chảy ra đầy máu và tiếng người quản giáo cất lên hốt hoảng:
– Anh làm cái gì thế?
Người quản giáo vội mở khóa buồng giam, ông chạy vội về phía tên tử tội đang nằm sóng soài dưới nền xi măng lạnh ngắt, một chân vẫn còn bị vắt trên chiếc còng sắt ở cuối giường. Khi lật tên tử tội lên, máu vẫn trào ra từ miệng từng dòng ràn rụa, người quản giáo buồng giam nói với anh đồng nghiệp:
– Tự tử rồi.
Lúc này, khu biệt giam bắt đầu những tiếng ồn ào, người giám thị gấp rút gọi cho cấp trên để thông báo đến cơ quan chức năng và lực lượng y bác sĩ, khoảng vài phút sau, những cảnh sát điều tra và nhân viên y tế đã có mặt tại phòng biệt giam, vị bác sĩ kết luận bằng giọng trầm nặng sau khi theo dõi các dấu hiệu sinh tồn:
– Phạm nhân cắn lưỡi, tử vong rồi.
Căn phòng giam vốn u ám nặng nề nay lại càng lạnh lẽo và đáng sợ, người quản giáo khẽ lắc đầu, gương mặt ông trở nên căng thẳng…
Chiếc băng ca trắng đưa vào khu vực buồng giam, thi thể được đặt lên ngay ngắn với một mảnh vải trắng che phủ toàn thân, chiếc băng ca nhanh chóng được đẩy nhanh ra khỏi hiện trường, những vệt máu đỏ loang ướt lên tấm vải. Khi chiếc băng ca lướt qua cánh cửa song sắt với hơi lạnh lẫn mùi tử khí, những tử tội rúc vào góc phòng rúm ró, thất thần, ánh mắt vừa ngây dại, vừa hoảng loạn khi nhìn thấy cảnh tượng chết chóc diễn ra trước mắt.
Gã phạm nhân khờ khạo với cặp mắt hay nhìn lên phía bóng đèn, bỗng òa khóc như ngây dại. Tên phạm nhân nghiện game cũng không còn huơ tay múa chân loạn xạ như mọi lần, hắn im lặng thẫn thờ khi cái chết hiện ra trước mắt. Trước đó một hôm, gã phạm nhân vừa mất vẫn còn nghêu ngao vài ba câu vọng cổ trong bài “Tần Quỳnh khóc bạn”của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn, ai ngờ hôm nay, gã đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Gã nhắm mắt lại, chiếc chăn trùm kín lên thân thể và gã tưởng tượng, ngày gã ra pháp trường, trói tay vào cột, những viên đạn sẽ ghim vào tim gã, gã không biết có đau nhiều không? Có chết liền không? Trong mụ mị và hỗn loạn, gã lại bắt đầu đếm nhịp thời gian…
Gã chìm vào giấc ngủ mông lung, độ chừng nửa tiếng, gã bất chợt tung cái mền rồi ngồi bật dậy như kẻ mộng du, gã đứng lên và bỏ chạy thất thần, chiếc cùm chân giật ngược khiến gã ngã nhoài xuống đất, chân gã treo tòng teng nửa trên nửa dưới. Nghe tiếng động, người quản giáo vội bước lại phía cửa nhìn vào trong, thấy gã có biểu hiện khác thường, ông hỏi một cách nghi ngờ dè dặt
– Anh làm gì thế? Sao giờ này chưa ngủ.
– Dạ, em bị mộng du.
– Ôi Trời, tưởng gì chứ mộng mị, ở đây có người nào không bị. Anh ngủ đi. Còn ngày nào thì vẫn phải sống ngày đấy, đừng có nghĩ quẩn làm liều.
Người quản giáo vẫn đứng đó, nhìn vào bên trong cho đến khi gã đã leo lên giường và nằm ngay ngắn trở lại thì ông mới đi ra ngoài. Lúc này, gã Đông bắt đầu thở dồn dập vì mệt và sợ hãi, lúc nãy, gã nhảy xuống giường, không phải vì gã mộng du mà vì loáng thoáng qua chiếc mền, gã thấy người chủ nợ, người bị gã giết với gần hai mươi nhát dao chí mạng, đang đứng ngay đầu giường, tóc tai rũ rượi, thân người máu me bê bết, bà ta cứ nhìn chằm chặp vào mặt gã bằng cái nhìn ma quái, cặp mắt mở trừng trừng, gương mặt bà ta là một cái xác u hồn như đang muốn đòi mạng gã và gã thất kinh hồn vía khi thấy bàn tay đen ngòm đầy máu của người đàn bà đưa ra, mỗi lúc một gần về phía mặt gã, gã giật mình bỏ chạy, đến khi gã té sấp mặt dưới sàn, gã mới nhận ra là gã nằm mơ.
Hôm nay là ngày trại cho người thân vào thăm phạm nhân, từ rất sớm, gã Đông đã thức dậy, gã thấp thỏm chờ đợi tiếng gọi của quản giáo kêu tên gã, gã suy nghĩ mông lung bằng những cảm xúc phân tán rời rạc, chắp vá chỗ này rồi sang chỗ nọ, cứ chạm vào cái gì, gã lại nghĩ về cái đó, hỗn loạn, rối bời. Khi tiếng mở cửa vang lên, người cán bộ bước vào thông báo:
– Phạm nhân Ngô Mạnh Đông, có người nhà vào thăm.
Gã giật mình, gương mặt gã bừng lên một thần sắc khác hẳn mọi ngày, người quản giáo vào buồng giam và mở cùm chân cho gã, khi đến khu vực buồng thăm khám, nhìn qua khung kính, gã thoáng thấy Mẹ gã đang ngồi chờ đợi, cổ gã tự nhiên nghe nghèn nghẹn, gã lẳng lặng ngồi xuống ghế, vị cán bộ quản giáo tra chiếc cùm chân gã vào thanh sắt dài bên dưới dãy bàn thăm khám.
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
Gã nhìn Mẹ rồi nhấc vội chiếc điện thoại, bên ngoài, Mẹ gã cũng đã cầm chiếc điện thoại rồi, nhìn gương mặt hốc hác, gầy gò và nhăn nheo của Mẹ, giọng gã run run:
– Mẹ khỏe không?
– Mẹ khỏe!
– Mẹ gầy đi nhiều quá, phải ráng ăn uống vào chứ.
Gã khẽ dặn dò bằng giọng trầm buồn khi nhìn Mẹ gã gầy đi thấy rõ, những lời quan tâm mà ngày trước, đã bao giờ gã biết dành cho Mẹ gã đâu! Gã xót xa, rồi tự dưng giọng gã lạc đi
– Con xin lỗi Mẹ, con là thằng con bất hiếu, con đã làm khổ Mẹ, khổ vợ con con.
Dường như gã không thể nén lại cảm xúc như một con đê bị vỡ, nước mắt gã trào ra, gã khóc như đứa trẻ, gã nghe mùi nước mắt nồng nồng mằn mặn rớt trên gương mặt chai sần của gã. Giọng gã ngắt quãng, những câu nói đứt đoạn vì cổ họng gã ứ lại như có ai bóp ngay chính giữa, qua điện thoại, gã nghe tiếng Mẹ gã buồn và chậm chạp
– Con khỏe chứ?
– Con khỏe – Gã im lặng một lát rồi vẫn bằng cái giọng run run
– Vợ con con vẫn khỏe chứ Mẹ?
– Ừ, nó vẫn khỏe.
– Hai đứa nhỏ vẫn đi học đàng hoàng hở Mẹ?
– Ừ, nó vẫn đi học.
Nói đến đây, giọng người đàn bà chùn xuống, bà khẽ cất tiếng thở dài.
– Có thật là thằng lớn vẫn đi học đàng hoàng không Mẹ? Con sợ…
– Không, nó vẫn đi học, cái Khuê hằng ngày vẫn đưa đón nó.
Bà vội cắt ngang nhưng cặp mắt thẫn thờ vì thằng cháu 15 tuổi đã bỏ học hơn nửa tháng nay bởi không chịu nổi áp lực gièm pha từ những đứa bạn cùng trường, từ những lời ra vào qua lại.
– Mẹ ráng động viên bọn nhỏ đi học giúp con. Mẹ cũng giữ gìn sức khỏe, con mang tội với Mẹ vì Mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi con cực khổ bao năm trời, mà giờ con trả hiếu thế này.
Gã ngừng lại vì những tiếng nấc nghẹn cuộn về trong lòng cổ họng, nghe đau buốt. Nước mắt gã rơi lã chã ướt cả chiếc điện thoại đang cầm.
– Con xin lỗi Mẹ, Mẹ đừng buồn đừng khổ vì con nữa, xem như kiếp này, con vay thì phải trả, chỉ mong Mẹ bình an, khỏe mạnh. Còn hai đứa cháu, sau này, nó sẽ thay con mà lo cho Mẹ.
Giọng gã lạc đi, một câu nói với gã giờ đây cũng khó diễn đạt trôi chảy bằng lời.
– Mẹ nói với vợ con, khi nào con đã trả án rồi, nó có gặp ai tốt thì cứ đi bước nữa, nhưng đừng bỏ hai đứa nhỏ là được.
Gã cúi mặt xuống bàn, những giọt nước mắt tuôn dài trên gò má.
– Được rồi, để Mẹ nhắn lại cái Khuê, con ở đây, chịu khó ăn năn sám hối, Mẹ không trách gì con, chỉ trách Mẹ không khéo dạy con để con phải ra nông nỗi này, giờ Mẹ chỉ mong con ăn năn sám hối, tụng kinh niệm Phật cho bớt đi tội nghiệp.
Người đàn bà khẽ quệt tay lên mắt, đôi mắt lõm sâu và chuyển màu đùn đục của người già.
Một giờ thăm phạm nhân cũng trôi qua, gã tạm biệt Mẹ rồi theo người quản giáo trở lại buồng giam, gã cố ngoáy ra sau nhìn theo bóng Mẹ gã gầy gò với chiếc áo nâu sờn cũ, bàn tay thô ráp đang kéo vội chiếc nón lá ố màu, chập chờn nghiêng ngã giữa nắng trưa, gã nhìn theo bóng lưng của Mẹ gã khuất xa cánh cổng mà lòng ngập ngụa những cơn đau vì hối hận.
Buổi chiều chạng vạng những ngày Trời bước sang thu, dù miền Nam chẳng có mùa nào rõ rệt nhưng hôm nay, gã lại nghe âm ỉ mùi hương nồng nồng hoa cải trỗi dậy trong tiềm thức. Gã bần thần nhìn ra song sắt lạnh lẽo, im lìm, cánh cửa buồng giam vẫn khóa chắc và người quản giáo đang đi bên ngoài để kiểm tra diễn biến các phạm nhân.
– Hôm nay trăng tròn, ngày rằm phải không cán bộ?
Gã cất giọng trầm buồn khi thấy người quản giáo đang đứng phía trước buồng giam.
– Ừ, hôm nay là rằm Trung thu đấy anh.
– Cán bộ có bận gì không? Nếu có chút thời gian thì ngồi đây với em một chút.
– Anh có gì muốn nói à?
– Dạ vâng.
Người quản giáo tìm một chiếc ghế đẩu rồi bắt bên ngoài cửa phòng giam, ông bắt đầu cho một cuộc trò chuyện với phạm nhân như một cách chia sẻ tâm tư với họ trong những lúc họ cần.
– Từ khi vào đây đến giờ, hôm nay mới thấy trăng ngay cửa sổ, tức cảnh sinh tình phải không nào? – người giám thị hỏi gã bằng giọng thân thiện.
– Dạ vâng, nhìn cảnh này, em lại nhớ quê.
– Quê anh ở đâu?
– Em ở Mộc Châu ạ!
Nói đến đây, gã im lặng trầm ngâm, giọng gã trở nên buồn buồn khi nhắc về quê hương của gã
– Nhà em gần một cánh đồng hoa cải trắng, tầm vào đông, hoa cải nở trắng cả cánh đồi, đẹp lắm cán bộ ạ!
– Ừ, Mộc Châu mà, đẹp thơ mộng lắm!
– Cán bộ biết không, ở miền Trung du, vào mùa đông lạnh teo bu-ri, thế là mấy ông trong bản xúm nhau uống rượu cần hoặc trà Shan Tuyết, ngon thần sầu luôn cán bộ ạ!
– Ôi Trời, nghe anh kể mà phát thèm!
– Hồi xưa, em gặp vợ em ở đấy, cô ấy là sơn nữ cán bộ ạ, dân tộc Nà Mường, chuyên đi hái chè Shan Tuyết, cổ hiền và đẹp. Lúc cưới nhau, em mới hai lăm chứ mấy, cưới xong, vợ chồng em đùm túm vào Nam sinh sống. Đủ thứ cảnh khổ.
Nói đến đây, gã chợt im lặng, giọng gã bắt đầu chùng xuống, xuyên qua ánh trăng bàng bạc, ánh mắt gã buồn buồn.
– Vào Nam thì cái gì cũng phải có tiền, em đi làm thời gian đầu cũng nuôi đủ vợ con, vợ em thì xin đi bán hàng, cũng có chút đỉnh tiền ra vào, tiếc là em lại không cố gắng giữ mà lại lâm vào cờ bạc, càng ngày càng mê, không dứt được, không đủ tiền đánh bạc, em quay qua mượn nợ, mượn dần lên cả trăm triệu. Người ta theo đòi miết, em không trả nổi, lại đùm túm vợ con đổi nơi thuê trọ, một lần, chủ trọ họ tìm đến được, họ hăm em không trả tiền thì sẽ chém em, thế là em hẹn họ đến nhà trọ để trả nợ nhưng thật ra là em muốn thanh toán họ, lúc đó em chỉ nghĩ “giết họ rồi sẽ không còn phải lo trả nợ nữa”, nhưng em đâu có biết….
Gã chợt cúi mặt xuống khi cảm xúc tội lỗi trong lòng gã ùa về, giọng gã vẫn chầm chậm, đều đều:
– Em giết bà ấy bằng 25 nhát dao rồi bỏ vào bao tải phi tang. Đến giờ, thỉnh thoảng em vẫn thấy bà ấy hiện về đòi mạng, bà ấy cứ đứng im lặng, tóc tai rũ rượi, quần áo máu me, cứ đưa tay ra chồm về phía em, chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn em chằm chằm rồi dí tay vào mặt em, em sợ quá cán bộ ạ!
– Ừ, gây ra tội ác, đoạt mạng người thì vong linh người ta thường đeo bám, anh cố gắng cầu nguyện và niệm Phật, khấn thành tâm bằng lòng ăn năn sám hối, mong họ tha tội mà đừng quấy nhiễu, cầu nguyện cho họ siêu thoát về cõi Phật, anh niệm Phật và sám hối để lòng thanh thản, bớt đi cảm giác ám ảnh tà ma.
– Dạ, đêm nào em cũng nằm niệm Phật, dù không bài bản gì cả, em chỉ niệm bằng tâm của mình rồi khấn vong linh người chủ nợ tha tội cho em, mà từ khi em niệm Phật tới giờ, em không thấy bà ấy hiện về nữa ạ!
– Ừ! Anh niệm Phật và thành tâm sám hối để tinh thần bình an. Cuộc đời là cõi tạm, nhưng đừng chết mà gây ra đau khổ cho người khác, gây tội lỗi cho mình, đoạt mạng người là chịu nghiệp nặng lắm, dù đã ngồi trong trại giam, anh cũng phải thành tâm sám hối để bớt nghiệp cho mình, còn ngày nào, ráng tu dưỡng ngày đó, anh nhé!
– Dạ vâng! Em cảm ơn cán bộ! Phải chi em không mang án tử, ngày về, em mời cán bộ đến nhà, ở Mộc Châu ấy, cho cán bộ ngắm vườn hoa cải và uống chè Shan Tuyết, nhưng tiếc là….
– Ừm! Thôi, khi nào có dịp, tôi sẽ đến Mộc Châu. Anh cứ yên tâm, vợ tôi cũng thích cánh đồng hoa cải ở miền đồi núi, có dịp, tôi sẽ đến quê anh.
– Dạ vâng! Em rất vui, cán bộ ạ!
– Thôi, anh nghỉ ngơi đi, tôi còn phải đi kiểm tra một vài khu vực nữa, cứ ngủ đi nhé!
– Dạ vâng, em cảm ơn cán bộ!
Trăng vẫn toả làn ánh sáng trong trẻo xuống khu buồng giam vắng lạnh. Sau cuộc trò chuyện đêm nay, gã thấy lòng mơ hồ một chút bình yên, gã nằm xuống và nhớ về hai đứa con nhỏ, mùa Trung thu hằng năm, khi còn ở Mộc Châu, gã vẫn đục đẽo chiếc lon sữa bò thành cái đèn lồng, cắm vào bên trong cây đèn cầy rồi gắn một thanh tre cho con gã đẩy đi chơi. Năm nay, gã chỉ còn nghĩ đến con với mùa Trung thu cũ kỹ trong tiềm thức, mắt gã bắt đầu cảm thấy cay cay vì gã chẳng còn cơ hội nào để làm cho con chiếc đèn trung thu và nhìn gương mặt ngây thơ, hồ hởi của đứa con nhỏ đẩy chiếc đèn chạy tung tăng khắp xóm.
Hằng đêm, gã vẫn trùm kín chăn và âm thầm niệm Phật nhưng hôm nay, gã thấy tinh thần bấn loạn khi tiếng mở cửa buồng giam bên cạnh vang lên. Kẻ phạm nhân ngồi trong góc thu mình sợ sệt, ánh mắt nhớn nhác nhìn người quản giáo, hắn ngồi im lặng rúc sâu vào góc tường như con thú cùng đường và hồi hộp chờ nghe tên gọi, không gian buồng giam vắng lạnh và bóng người quản giáo như một tử thần gọi tên người hết số.
Người cán bộ quản giáo lẳng lặng bước đến phía tử tù “Đỗ Minh Lâm”, gã thanh niên nghiện game và hay múa may trong buồng biệt giam, ông ngồi xuống mở chiếc cùm sắt dưới chân hắn, lúc này, tên phạm nhân trẻ tuổi bắt đầu run lên bần bật, hắn cứ lắc đầu liên tục trong khi gương mặt vẫn hoảng loạn không chấp nhận cho sự ra đi, hắn ú ớ gì đó trong miệng, bàn tay co quắp lại vì thần kinh đang bị căng lên tột độ. Sau khi tháo cùm chân, hai người quản giáo áp giải hắn ra phía bên ngoài, tên tử tội cố lết những bước chân không cảm giác, hai người cán bộ trại giam phải xốc nách hắn để dẫn đi vì bàn chân hắn cứ bệt xuống sàn nhà, kéo lê dưới đất như người đã chết lâm sàn, không nhấc lên được nữa, những vệt nước tiểu rơi vương vãi khắp dọc đoạn đường ra đến cửa phòng, đầu hắn ngoẹo sang một bên cho đến khi cánh cửa xà lim khóa lại.
Gã Đông vẫn lặng im, mặt không còn thần sắc, phía bên kia, tên tử tội lớn tuổi ngây ngô vẫn ngồi thu mình rúm ró rồi hắn bất chợt rú lên gào khóc, tiếng khóc của hắn nghe ghê rợn, man dại như tiếng tru của con sói bị thương, hắn ngã gục xuống chiếc giường xi măng lạnh ngắt và nằm bất động…
Một đêm kinh hoàng trong tâm trí gã Đông khi đối diện giây phút bên bờ sinh tử, gã ngồi thừ một góc, tâm trí gã trống không, trước mắt gã chỉ là một màu u tối, tiếng khóa lách cách, tiếng ú ớ sợ hãi làm gã ám ảnh đến rợn người. Chợt gã thở phào một tiếng vì hôm nay, gã chưa bị gọi tên, vậy là gã vẫn còn được sống thêm ngày nữa, giờ đây, mỗi giây phút được sống là điều gì đó thật diệu kỳ với gã.
Những năm tháng trôi qua trong căn buồng biệt giam tử tội là những tháng ngày không khác gì sống trong địa ngục, gã chưa lần nào cảm nhận những bữa cơm ngon dù có lúc gã cũng xót ruột cồn cào, gã thèm thuốc như người lên cơn nghiện, không có nó, gã bứt rứt, mệt mỏi, bần thần, giá như có một điếu thuốc cho gã rít một hơi, một chút nicotin sẽ làm cho gã nhẹ nhàng, thư giãn thì biết đâu sẽ bớt đi cơn căng thẳng nhưng giờ đây, gã chỉ có thể nuốt cơn thèm vào bụng để đối diện với những nỗi sợ hãi tột cùng.
Gói quà mà gia đình gửi đến, ngày còn ở quê gã nhâm nhi món kẹo lạc với bình trà Shan Tuyết, ngày đó gã nghe vị ngon đến tê đầu lưỡi, mà bây giờ, mở gói kẹo lạc trên tay, bỏ vào miệng nhai, gã chỉ nghe một thứ găn gắt trong cổ họng, gã lại nhớ đến tên thanh niên nghiện game mà lần trước gã gửi cho hắn gói bánh, hắn từ chối vì chỉ mê súng và mê máu, giờ chắc xác của hắn đã rã thành tro bụi. Miếng kẹo trong miệng gã trở nên chát đắng.
Đêm nay là tròn ba tháng gã nằm trong phòng biệt giam chờ ngày thi hành án tử, chân gã hằn lên một lằn đỏ quạch vì chiếc cùm sắt nặng trì luôn xích chặt vào chân, cảm giác khó chịu lẫn mỏi nhừ khi chân gã không thể co duỗi thẳng, cơ thể gã xuất hiện những cơn đau do xương cốt lâu ngày không vận động, điều duy nhất gã còn có thể bám víu lúc này là giữ tinh thần bình an niệm Phật.
3 giờ sáng, tiếng bước chân người quản giáo vang lên ở dãy hành lang khu xà lim của gã, gã nằm im lặng, thấp thỏm, gã nắm chặt bàn tay và dõi theo tiếng bước chân đang ngày một rõ dần. Gã hồi hộp lo âu vì không biết bước chân người quản giáo sẽ dừng lại ở đâu và buồng giam nào sẽ mở. Gã cầu nguyện cho bước chân người quản giáo bước qua khỏi dãy phòng biệt giam của gã, tim gã đập liên hồi, hơi thở gã dồn dập theo mỗi bước chân và đầu gã nóng bừng như thiêu như đốt. Tay gã run lên cầm cập khi tiếng bước chân đang gần về phía căn phòng. Giờ thì dãy buồng giam chỉ còn gã và tên tử tù luống tuổi ngây ngây dại dại, đôi lúc gã vẫn muốn ra đi trước hắn nhưng rồi hôm nay, gã luống cuống sợ hãi khi đối diện cuộc gọi tử thần, những dũng cảm, trượng phu còn sót lại trong con người gã đã tiêu tan, biến mất.
Tiếng bước chân dừng lại, tiếng khoá lách cách rõ mồn một ở ngay buồng giam của gã, gã nghe lồng ngực như có tảng đá hàng trăm tấn đặt lên làm gã không thở nổi. Tay chân gã lạnh toát, mồ hôi trên trán rỉ giọt đầm đìa dù buồng giam lạnh lẽo, gã không còn đủ sức tung cái mền ra để ngồi nhỏm dậy, gã cứ nằm yên đó, nín thở lại, giờ thì gã cầu mong đừng ai đến gần chỗ gã, đừng ai gọi tên gã, gã sợ hãi cái chết, gã sợ phát súng ân huệ dí thẳng vào thái dương, gã sợ không còn được nghĩ về gia đình, nghĩ về Mẹ già và vợ con gã nữa. Trong không gian chật chội u tối của chiếc chăn, gã mếu máo và khóc vô thức như đứa trẻ. Hai tay gã vẫn nắm chặt, cổ họng gã nghẹn đắng và đau buốt, gã cố nín thở trong thời khắc đáng sợ này.
– Phạm nhân Ngô Mạnh Đông đi trả án.
Gã như chết lặng trong chăn. Gã không còn đủ sức bung chiếc chăn ra khỏi người, tay chân gã dường như không thể cử động vì nó cứ run lên bần bật cho đến khi người quản giáo đến mở chiếc cùm và giở chiếc chăn ra khỏi người gã, thân người gã lúc này chẳng khác nào một cái xác không hồn, nặng trịch và lõng thõng, tay gã lạnh buốt, mồ hôi trên trán gã tuôn ra ướt đẫm. Gã cố gắng bước đi, gã nhắm mắt lại và nghĩ:”Hôm nay sẽ không còn nợ máu, hôm nay sẽ được về nhà” và gã đã vững vàng hơn một chút. Người cán bộ vỗ vào vai gã khi nhận ra bước chân gã không còn nặng trịch và xiêu vẹo, gã đã chủ động đi theo người quản giáo thay vì người ta phải dìu dắt, cặp nách gã đi.
Gã được người giám thị đưa lại khu vực một chiếc bàn, trên bàn đặt một mâm thức ăn để sẵn, gã lẳng lặng ngồi xuống, tay run run cầm đôi đũa, gã gắp một miếng gà cho vào trong chén, gã ăn nham nhở một chút rồi buông đũa, mắt gã nhìn mông lung, gã chống tay xuống bàn rồi ôm mặt một lúc, giá như ngày trước, gã nhận ra ai cũng cần được sống thì gã không ra tay sát hại dã man người chủ nợ, giá như gã nhận ra hơn hai mươi nhát dao của gã sẽ tước đi mạng sống con người trong đau đớn thì gã đâu phải sợ hãi như hôm nay, giá như gã biết thương mình và thương gia đình của gã thì gã đâu đến nông nỗi như này.
– Cán bộ cho em xin tờ giấy với cây viết nhé, em muốn viết thư về cho gia đình.
– Ừ, anh ngồi đấy, để tôi đưa.
Người cán bộ quản giáo lấy một tờ giấy A4 và một cây bút đưa cho gã, gã bắt đầu viết những dòng thư nguệch ngoạch bằng đôi tay cứng ngắt, run run, khóe mắt gã đỏ ngầu.
– Nhờ cán bộ gửi về cho Mẹ em nhé! Em cảm ơn cán bộ.
– Ừ, tôi sẽ gửi lại cho Mẹ của anh, cứ yên tâm nhé!
Sau khi ăn xong bữa ăn cuối cùng, gã được người cán bộ quản giáo bàn giao sang cho viên Cảnh sát để áp giải đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử, người cán bộ quản giáo vỗ vỗ vào vai gã với lời dặn bằng giọng trầm buồn:
– Anh đi thanh thản nhé!
Gã khẽ gật đầu rồi cúi mặt lầm lũi bước đi vì buồn rầu, sợ hãi, đầu gã trống không, vô định. Đi được vài bước, gã quay lại, nói với người quản giáo:
– Anh ở lại mạnh khỏe, em sẽ phù hộ cho anh!
Người quản giáo khẽ gật đầu và đưa tay chào vĩnh biệt gã. Lúc này, hai chiến sĩ cảnh sát áp giải gã ra xe thùng để di chuyển đến nơi thi hành án tử. Ngồi trên xe bít bùng, gã không biết xe đang chạy đi đâu, nhưng gã biết là đang ra trường bắn. Trời vẫn còn tối âm âm, gã không nghe tiếng xe cộ chạy nhiều vì giờ đưa tử tội ra pháp trường, bao giờ cũng là lúc tờ mờ sáng. Ngồi trên xe, nước mắt gã lại ràn rụa khi nghĩ về Mẹ gã, vợ con gã đang ở nhà và gã đang trên đường để rời xa họ, vĩnh viễn không còn gặp lại, họ chưa biết rằng hôm nay gã sẽ ra đi, giờ đây, gã chẳng còn nghĩ về cái chết mà trong đầu gã chỉ ngập ngụa hình ảnh gia đình, gã cố dồn hết khoảng thời gian ít ỏi còn lại để nhớ về gương mặt từng người thân của gã khi tim gã còn đập và não gã vẫn còn hoạt động. Gã lẩm bẩm “Mẹ! con xin lỗi Mẹ! Hôm nay, con sẽ được về với gia đình.” rồi gã chắp tay trước ngực như khấn xin, tạ tội.
Chiếc xe dừng lại ở khu trường bắn, trời còn tờ mờ sương đêm, trông xa không rõ mặt người, hai viên cảnh sát dẫn giải gã phạm nhân Ngô Mạnh Đông bước xuống xe và đưa gã đến khu vực dành cho tử tội để tiến hành các thủ tục liên quan trước giờ thi hành án tử. Gã thoáng nhìn thấy những chiếc cọc gỗ xám đen đã được dựng lên, bên cạnh là quan tài có ghi sẵn tên từng tử tội, thân gã run lên bần bật, răng gã va lập cập vào nhau, chân gã không còn đứng vững khi cái chết đang hiện ra trước mắt, gã có cảm giác máu trong người gã đang đông cứng lại, hai bên thái dương nghe tê dại vì sự căng thẳng, hoảng loạn đang dâng lên tột độ.
Sau khi mọi thủ tục đã xong, hai cảnh sát vệ binh dìu gã đứng dậy để nghe Hội đồng thi hành án đọc các Quyết định  trước giờ thi hành án tử, lúc này, tai gã nóng hổi, lùng bùng như có ai đó đập liên hồi, những tội danh mà gã đã gây ra và hình phạt mà gã phải chịu vang lên bên tai gã, khi phần công bố các quyết định kết thúc, một viên cảnh sát mang đến một mảnh vải đen, họ tiến hành bịt mắt gã lại và áp giải gã về phía chiếc cọc đã được dựng sẵn, chân gã bỗng khụy xuống, tim gã như ngưng đập, gã không thể bước nổi những bước đi như người thường, dù đã tự trấn an suốt quãng đường rằng “Phải mạnh mẽ, phải bình tĩnh để đón nhận cái chết” nhưng khi cái chết đến gần từng giây từng phút, gã cảm thấy hoảng loạn đến mức không còn kiểm soát được hành vi, gã lấy hơi lên và tim gã vẫn đập thình thịch liên hồi, gã nghe khó thở khi những chiếc dây thừng quấn chặt ngang hông và tay gã bị trói quặt ra sau, mắt gã chỉ nhìn thấy một màu tối đen như mực sau tấm vải che kín mít, cho đến khi toàn thân gã không còn cử động vì đã bị buộc chặt vào chiếc cọc, bên cạnh là chiếc quan tài để sẵn. Người gã gần như chết đi một nửa, trong mông lung gã vẫn nghe được tiếng hô rắn rỏi và uy lực của người chỉ huy đội bắn: “Chuẩn bị!” và tiếng lên đạn lạch cạch khô khốc từ phía đội thi hành án tử.
– Bắn!
Gã nghe tiếng nổ vang lên, cũng là âm thanh cuối cùng gã còn nghe được bằng đôi tai người sống.
Bỗng chốc người gã nhẹ tênh như xuyên vào hư không, gã đứng đối diện nhìn về phía chiếc cột, khi người đội trưởng tiến lại gần, đặt họng súng vào đầu gã để ban cho gã một phát súng ân huệ cuối cùng, tiếng nổ chát chúa vang lên, đầu gã giật lên thật mạnh, làn khói tung ra từ phía đỉnh đầu, đội thi hành án tử buông súng và rời vị trí.
Lúc này, lực lượng cảnh vệ tháo dây và đặt gã nằm xuống mặt đất thô ráp, nhân viên pháp y bắt đầu kiểm tra kết quả thi hành án tử, họ mở chiếc áo gã ra, những vết đạn lỗ chỗ xuyên vào lồng ngực, khi vị bác sĩ lật người gã lại, những mảng máu ướt đầm cả lưng, nhuộm đỏ cả chiếc áo tù gã mặc. Tấm khăn che mắt được tháo ra khỏi mặt, cặp mắt gã vẫn mở trừng trừng.
Gã khẽ nhắm mắt lại, gã nghe xung quanh là tiếng chim đang ríu rít trên những nõn trà Shan Tuyết cao vợi, làn ánh sáng mỏng manh ngập tràn trong mắt gã, hiện lên mờ ảo khuôn mặt thân quen của Bố, người Bố đã mất đang đứng phía trước mặt nhìn gã, ông đưa bàn tay ra như để kéo gã về phía ông, gã nhìn sang bên cạnh, người đàn bà nạn nhân của gã trong bộ đồ màu trắng, nhưng lần này, bà ta không hù dọa gã nữa mà chỉ nở nụ cười, gã quay lưng đi về phía những linh hồn đã khuất, những bước chân nhẹ tênh như lướt giữa không trung. Trước mắt gã, cánh đồng hoa cải đang nở một màu trắng rực, phía sau lưng là pháp trường đẫm mùi tử khí với những viên cảnh sát đang tiến hành bàn giao thi hài tử tội trong chiếc quan tài để sẵn. Trong âm ba, gã nghe loáng thoáng tiếng người cảnh vệ: “Mắt nhắm lại rồi, lạ quá!”
Gã vẫn lướt đi, như làn khói mỏng, về phía cánh đồng nở đầy hoa cải trắng…!.
10/5/2023
Võ Đào Phương Trâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...