Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Văn Nghệ Giải phóng - Những ký ức không thể phai

Văn Nghệ Giải phóng
Những ký ức không thể phai

Văn Nghệ Giải phóng thực sự đã thâm nhập được vào những điều bí ẩn lớn lao của cuộc sống và nâng lên thành những khái quát nghệ thuật đầy sức sống. Hoàn cảnh và sự tự ý thức của nhà văn đã kích thích những sáng tạo độc đáo, nhất là khi nhà văn đã có một trình độ hiểu biết nghệ thuật, một tâm thế đang sục sôi trước những nhu cầu đời sống…
Nhà thơ Hoài Vũ làm Tổng Biên tập Văn Nghệ Giải phóng từ 1973
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp1954, Hiệp định Genève được ký kết, tạm thời phân chia hai miền Nam Bắc, hai năm sau sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bộc lộ ngay bản chất phản động, chống lại Tổng tuyển cử, dùng các thủ đoạn, đặc biệt là luật 10/59 (5-1959) khủng bố, tàn sát rất dã man những người dân yêu nước và cách mạng. Những năm từ 1957 đến 1960, nhiều lần Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị thực hiện Tổng tuyển cử nhưng chính quyền ở miền Nam hoặc là phủ nhận hoặc không trả lời. Nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân đã nổ ra, tiêu biểu là phong trào Đồng khởi ở Bến Tre 1960, sau lan ra khắp miền Nam. Và đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Giải phóng) vào ngày 20-12-1960, nhằm đoàn kết toàn dân chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ và tay sai. Trong xu thế cách mạng ấy, ngày 20-7-1961, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận được thành lập, do soạn giả nổi tiếng Trần Hữu Trang làm Chủ tịch, nhằm đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ toàn miền Nam trong cuộc đấu tranh chung. Hội ra tuyên ngôn, nhấn mạnh nhiệm vụ “Đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai”, “Cống hiến nhiều nhứt cho sự tự do của Tổ quốc”. Năm sau đó, 1962, từ vùng căn cứ nằm sâu trong cánh rừng đại ngàn thuộc tỉnh Tây Ninh, báo Văn nghệ Giải phóng-Diễn đàn của Hội, do nhà thơ Giang Nam làm Tổng biên tập, được ra mắt. Lúc đầu báo còn hình thức tập san, sau ra khổ rộng và thành tuần báo khi xuất bản ở Sài Gòn sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975.
Ngay từ lúc đầu, Hội Văn nghệ Giải phóng đã quy tụ được nhiều anh em văn nghệ sĩ, từ nhiều nguồn, và có ảnh hưởng rộng khắp miền Nam. Có những nghệ sĩ danh tiếng từng hoạt động ở thành ra chiến khu như Trần Hữu Trang, Thanh Loan, Tám Vân, Chín Châu, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Mai Quân, Vũ Quách. Những anh em ở chiến khu như Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Giang Nam, Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn, lúc này đang làm báo Văn nghệ Quân Giải phóng), Anh Đức (Bùi Đức Ái), Hoài Vũ, Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ), Hoàng Việt, Thái Ly, Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Trần Đình Vân, Đinh Quang Nhã, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Nguyễn Chí Hiếu,Thạch Cương, Diệp Minh Tuyền, Thanh Thảo,… Đội ngũ này còn kéo dài nữa với những anh em văn nghệ sĩ chiến đấu ở chiến trường Khu Năm và chiến trường Trị Thiên như Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Thanh Hải, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc), Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong và còn nhiều nữa. Năm 1971, Hội được bổ sung một lực lượng vốn là sinh viên khoa Văn và khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và một số nơi khác, chuyển sang học khóa IV -Khóa đặc biệt bồi dưỡng lực lượng viết trẻ cho chiến trường, của Hội Nhà văn Việt Nam, như Vũ Ân Thy, Lê Quang Trang, Dương Trọng Dật, Hà Phương, Trần Thị Thắng, Khuynh Diệp, Lê Điệp, Đỗ Nam Cao,Trần Đức Cường, Phan An, Hà Công Tài, Phùng Đức Thắng, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên; một số chiến đấu ở chiến trường khu Năm như Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng, Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh …Vào chiến trường các anh chị đã tỏa đi các mặt trận như, Hà Phương, Trần Thị Thắng, Khuynh Diệp, Hà Công Tài, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Phan An về Khu Sài Gòn -Gia Định. Dương Trọng Dật về một xã ở tỉnh Bình Phước. Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng đi với bộ đội chủ lực. Rồi Trần Đức Cường đi Đồng Xoài, Hà Công Tài cùng họa sĩ Thanh Châu đi mặt trận núi Bà Đen,Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Trẩn Thị Thắng, Phùng Đức Thắng, Hà Phương cùng đi với bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Mỹ Tho; Phan Xuân Biên, Hà Công Tài theo một cánh quân của sư đoàn 7 vào giải phóng Biên Hòa…Trong ác liệt của chiến tranh, Nguyễn Hồng đã anh dũng hy sinh trong trận quyết giữ cao điểm, không cho kẻ thù chiếm đất ở chiến trường Khu Năm; Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Kim đã không qua khỏi vì sốt rét ởTrường Sơn, để lại những trang viết nhiều hứa hẹn.
Đội ngũ này tiếp tục làm báo Văn Nghệ Giải phóng – Do nhà thơ Hoài Vũ làm Tổng Biên tập (từ 1973) với một Tòa soạn khá hoàn chỉnh như Tổ Văn do Thạch Cương Tổ trưởng, tổ viên có Lê Văn Thảo, Trần Thị Thắng; Tổ Thơ do Diệp Minh Tuyền Tổ trưởng, tổ viên có Chim Trắng, Hà Phương, Bùi Quốc Việt; Tổ Lý luận phê bình do Lê Quang Trang Tổ trưởng, tổ viên có Dương Trọng Dật, Hà Công Tài; và các tổ khác cùng sự bổ sung nhiều nhân sự mới sau khi về Sài Gòn như Nguyễn Duy, Mai Quốc Liên, Hữu Trí, Lê Thanh Trừ,Trang Nghị, Hiền Mai, Văn Lê, Trần Manh Hảo, Trần Văn Tuấn, Trần Ninh Hồ, Trần Nhật Thu. Tòa soạn hoạt động cho đến năm 1977 khi Văn nghệ Giải phóng hợp nhất với tờ Văn nghệ trung ương.
Những năm chiến tranh, lưc lượng văn nghệ giải phóng đã có mặt ở hầu khắp các mặt trận, các địa phương, sống, chiến đấu cùng với nhân dân, với du kích và bộ đội chủ lực như những người chiến sĩ thực thụ. Trần Hiếu Minh hoạt động ở Sài Gòn với “vỏ bọc” công khai, lấy bút danh là Lý Nguyên Trung, Phượng  Nguyễn, Vương Quế Lâm viết những bài báo sắc sảo trên báo chí công khai, rồi đến Bến Tre, U Minh, Cà Mau, viết Cửu Long cuộn sóng (ký, 1965), Rừng U Minh (tiểu thuyết, 1966), Sài Gòn ta đó (ký, 1969), Áo trắng (tiểu thuyết, 1973)… Anh Đức về Rạch Giá, Cần Thơ, Cà Mau, bám dân bám đất, viết tiểu thuyết Hòn đất và nhiều truyện ngắn và ký khác như Khói, Đất, Đứa con, Con chị Lộc, Giấc mơ ông lão vườn chim… Lê Văn Thảo đi với bộ đội chủ lực ở Đồng Tháp Mười, viết Ngoài mặt trận. Hoài Vũ tham gia các chiến dịch như Đồng Xoài, viết Dọc đường số 2, Bông sứ  trắng, Tổng công kích Mậu thân vào Sài Gòn, viết Đường ra tiền tuyến, Nữ pháo binh thành phố, Thư Tân Sơn Nhất, ở Củ Chi, viết Lên vành đai, Gái thời chiến, ở Long An, viết Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Gửi miền hạ.
Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, 1965, các nhà văn đã tham dự, lấy tài liệu viết về những tấm gương anh hùng. Cùng với vốn sống và sự trải nghiệm thực tiễn chiến đấu, Lê Anh Xuân viết bài thơ xúc động Gặp những Anh hùng, truyện Giữ đất viết về Anh hùng Nguyễn Văn Tư. Anh Đức có tác phẩm Chim đầu đàn viết về Anh hùng Bi Năng Tắc. Nguyễn Thi có tác phẩm Người mẹ cầm súng viết về Anh hùng Nguyễn Thị Út cô gái đất Ba Dừa Trà Vinh và các tùy bút Đại hội Anh hùng, Những câu nói trong Đại hội, Dòng kênh quê hương. Truyện ngắn Mẹ vắng nhà cũng là từ tấm gương người phụ nữ Trà Vinh ấy. Nguyễn Thi đã có mặt ở hầu khắp các mặt trận, các “điểm nóng” như Ấp Bắc, Củ Chi, Đồng Xoài, Bến Tre, viết các tác phẩm Ở xã Trung Nghĩa, Những sự tích ở đất thép, Cô gái đất Ba Dừa, Ước mơ của đất… Lê Anh Xuân vốn là một giảng viên trẻ tài hoa của khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã từ chối đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài để trở về quê hương chiến đấu, đã viết nhiều tác phẩm như Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, tập thơ Hoa dừa trong đó có bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam.
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn  
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng
   (…)
Không một tấm hình không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng – đứng – Việt – Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân
(Dáng đứng Việt Nam, 1968)                      
Trong đợt Tổng công kích Mậu thân tháng 5-1968, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời mình cho cách mạng và cho nền văn học cách mạng của dân tộc.Nhà văn Nguyễn Thi, Nhà thơ Lê Anh Xuân, được Nhà nước và Nhân dân tôn vinh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cho nên, có thể nói văn nghệ Giải phóng là dòng văn nghệ sinh ra từ trong máu lửa của cuộc chiến đấu và luôn cuộn chảy trong nó tất cả máu và lửa của tình yêu quê hương đất nước và ý chí cách mạng. Nó có tính khuynh hướng rõ ràng là phục vụ cuộc kháng chiến, là động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu, là chép sử và ghi lại hiện thực đấu tranh cách mạng, ghi lại cuộc sống chiến đấu và những tấm gương anh hùng. Và hơn thế nữa, nó cũng bộc lộ mặt bản chất nhất của sáng tạo văn học khi được sáng tác trực tiếp trong cuộc đấu tranh sinh tử của con người để giành lại cuộc sống. Nó khác văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chỗ không phải nhận đường, không bị ảnh hưởng bởi những buồn rớt, nhắm rớt, không có sự day dứt giữa nhà văn và chiến sĩ, không phải mất thời gian để xây dựng tính chất quần chúng, không có cảnh, tình của áo rách vai, quần vài mảnh vá và con người, người chiến sĩ không phải gặp nhau từ thời chưa biết chữ. Thời đại của văn nghệ giải phóng. ngược lại, là thời đại kết tinh cao nhất các giá trị tinh thần dân tộc, thời đại liên tục sáng tạo các giá trị mới. Và mỗi nhà văn đạt tới cái nhìn (vision) riêng, độc đáo, là cơ sở hình thành những phong cách nghệ thuật vô cùng phong phú, sinh động. Thời đại viết văn là viết về chính mình, là bộc lộ cao độ nhất phẩm chất tâm hồn và những khát khao cháy bỏng. Chính thơ văn đó, nói như nhà văn Mỹ đạt giải Nobel, Faulkner, là di tích của con người, là điểm tựa, là cột trụ giúp con người chịu đựng và chiến thắng.
Chiến tranh hơn bất cứ một lịch sử nào đã tác động đến những phần sâu xa nhất trong cuộc sống và tâm hồn, tư tưởng và tình cảm của nhà văn…Chiến tranh “Nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước/thử lòng ta chung thủy vô tư” (Thanh Thảo) vì thế cũng bộc lộ tất cả những kinh nghiệm cuộc đời, tâm lý, đạo đức, nhân cách, đem lại cho con người những suy tư và nỗi thấu hiểu mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại và ảnh hưởng của nó tới tương lai. Có thể nói nhà văn Nguyễn Thi là tiêu biểu cho thế hệ nhà văn của văn nghệ Giải phóng, là một tâm hồn nghệ sĩ theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Nhưng có lẽ trước hết ở trong anh là một người chiến sĩ. Và phải chăng đó cũng là đặc điểm của một lớp người cầm bút thế hệ Nguyễn Thi. Tâm sự của Nguyễn Thi sẽ là minh chứng để chúng ta suy ngẫm xác đáng hơn về đặc điểm của thế hệ cầm bút đó. Nhà văn đã có ý thức hơn bao giờ hết về sứ mệnh rất thiêng liêng và cũng rất thực của mình khi trở lại miền Nam. “Ở trong ấy lúc này chúng ta chưa có dân, chưa có đất, toàn bộ chính quyền còn trong tay kẻ thù. Gần như phải bắt đầu từ tay không mà đi tới giành lại tất cả. Tình hình như vậy mà mình về để làm văn chương thì vô nghĩa, vô duyên quá chừng! Về trong ấy có lẽ mình sẽ làm tất cả việc gì cần làm cùng với đồng chí đồng bào, làm gì cũng được, bất cứ việc gì có ích dù nhỏ nhất. Mình sẽ chỉ trở lại cầm bút khi nào cầm bút thực sự cần thiết và có ích cho cầm bút, hoặc hơn thế”. Sau này về chiến trường Nam bộ, Nguyễn Thi đã sống như thế, đã trực tiếp cầm súng và đã viết những tác phẩm Ở xã Trung Nghĩa (1963), Người mẹ cầm súng (1965), Ước mơ của đất (1968)… Người mẹ cầm súng là một thành công của Nguyễn Thi về sự cảm nhận phẩm chất cao đẹp và triết lý giản dị của người anh hùng dân gian như chị Út Tịch. Ước mơ của đất, truyện về anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được viết sau Đại hội Anh hùng toàn miền Nam lần thứ hai, là sự rung động sâu sắc của nhà văn về chiến tranh nhân dân, về Đồng khởi. Giữa chiến trường khắc nghiệt, Nguyễn Thi từng tâm sự “tình hình này ngồi viết tiểu thuyết, nó chướng lắm”. Điều này càng cho ta hiểu về nhà văn và tác phẩm,- những tác phẩm phản ánh thật độc đáo sự biến chuyển của cách mạng miền Nam. Dường như Nguyễn Thi, bằng tất cả sự tự ý thức của mình, đã nói lên, rất thầm thì, những điều dự báo lớn lao, đẹp và thiêng liêng về số phận những con người đang cầm súng giữa chiến trường máu lửa, về sự thắng lợi tất yếu và thiêng liêng kỳ lạ của Cách mạng miền Nam ngay từ những năm tháng ác liệt nhất của lịch sử, và hơn hết là về những con người dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này khi cần quyết đứng lên bảo vệ cuộc sống của mình, bảo vệ Tổ quốc của mình.
Trong hoạt động nghệ thuật, sự độc đáo là yêu cầu không thể thiếu, sự nhìn nhận, cái nhìn, ở mỗi nghệ sĩ là khác nhau. Không chỉ ở văn xuôi Nguyễn Thi, những trang thơ từ chiến trường cũng là những kết hợp hết sức khác nhau giữa cảm xúc và tư tưởng. Cùng viết về quê hương nhưng trong sáng tác của Giang Nam, Hoài Vũ, Lê Anh Xuân là những kết hợp rất khác nhau.Ở Giang Nam dường như cấu trúc thơ ca dựa trên sự đối lập thống nhất giữa một bên là cái đẹp, là kỷ niệm tuổi thơ và bên kia là sự đau thương, mất mát, cái bi kịch của cuộc đời.
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
(Quê hương, 1960)
Ở Lê Anh Xuân là sự kết hợp những kỷ niệm và khát vọng cháy bỏng của người con đi xa trở về.
Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời trầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá (…)
Ta về đây chẳng mang gì cho em cả
Chỉ có trái tim chung thủy sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn
(Trở về quê nội, 1965)
Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ, bài thơ tràn đầy tình cảm ấm áp, thiết tha, thân thuộc có lẽ là bài thơ tình đầu tiên của văn nghệ giải phóng sau Quê hương của Giang Nam. Vàm Cỏ Đông chính là sự kết hợp giữa cảm hứng về sự thật lịch sử với ước mơ lãng mạn, bay bổng, một hòa điệu thực mơ mơ thực say đắm, tài tình, giầu cảm xúc.
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày (…)
Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông
Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng
(Vàm Cỏ Đông, 1964)
Bài thơ Thử nói về hạnh phúc của Thanh Thảo ra đời cuối năm 1972,được đọc rồi chép tay truyền nhau giữa những người lính trẻ, những thanh niên học sinh sinh viên tranh đấu trong các phong trào yêu nước ở đô thị miền Nam, trong cả nhà tù của địch. Bài thơ chia sẻ được với bao nhiêu con người, giúp họ đứng vững trước những thử thách khốc liệt của cuộc chiến, sống xứng đáng với một thời đại bi tráng và hào hùng đã sinh ra họ, Một cái nhìn sâu thẳm, không né tránh hiện thực phức tạp của đời sống và tâm hồn người chiến sĩ. Sự hóa thân kỳ diệu của nhà thơ vào số phận của đất nước, khắc họa cao độ nhất, trác tuyệt, về người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ.
chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng ta lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích 
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết
(Thử nói về hạnh phúc, 1972)
Văn nghệ Giải phóng thực sự đã thâm nhập được vào những điều bí ẩn lớn lao của cuộc sống và nâng lên thành những khái quát nghệ thuật đầy sức sống. Hoàn cảnh và sự tự ý thức của nhà văn đã kích thích những sáng tạo độc đáo, nhất là khi nhà văn đã có một trình độ hiểu biết nghệ thuật, một tâm thế đang sục sôi trước những nhu cầu đời sống. Nó như một chất đốt để tư chất và hiểu biết có thể cháy bùng lên và trở thành những ký ức không thể phai. Chính từ đây nó góp phần soi thấu phẩm giá con người, khẳng định những giá trị của con người Việt Nam yêu nước và cách mạng.
15/4/2020
Hà Công Tài
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...