Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Viết về Sài Gòn, dễ mà khó

Viết về Sài Gòn, dễ mà khó

Thời gian gần đây sách viết về Sài Gòn bỗng nhiên được xuất bản khá nhiều, đủ thể loại. Từ tiểu thuyết, tản văn đến thơ, nhạc, sưu khảo…
Tác giả cũng đa dạng, già có, trẻ có, nam có, nữ có. Dĩ nhiên phải yêu quý Sài Gòn lắm mới có thể gửi vào trang viết những suy nghĩ, những nét chấm phá về thành phố này. Tuy vậy, có tấm lòng thôi chưa đủ. Bởi viết về Sài Gòn thực ra tưởng dễ mà không dễ. Nếu chỉ biết khen Sài Gòn một cách cảm tính rất dễ rơi vào sa đà, dễ dãi.
Nhà thơ Phạm Chu Sa
Nhắc tới sách viết về Sài Gòn người ta nghĩ ngay đến “nhà Sài Gòn học” Vương Hồng Sển. Tôi vẫn thích gọi cụ Vương là nhà Sài Gòn học thay vì nhà văn hóa, nhà cổ ngoạn vì trong các tập hồi ký, tản văn, hầu hết cụ đều nói về Sài Gòn. Từ Sài Gòn năm xưa tới Sài Gòn tạp pín lù, với giọng văn rề rà, đôi khi lan man, cà rỡn nhưng các tư liệu cụ để lại về Sài Gòn xưa là vô giá. Rồi các nhà văn Nam Bộ khác như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… đều có những biên khảo về Sài Gòn, mỗi người nhìn Sài Gòn dưới một góc độ nghiêm túc, tâm huyết đáng để các thế hệ sau tham khảo, chiêm nghiệm. Các nhà văn gốc Bắc là Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long lấy bối cảnh tận đáy xã hội Sài Gòn trước 1975 đưa vào tiểu thuyết xã hội, thế giới ngầm đã phơi bày một mặt trái của Sài Gòn những năm chiến tranh, thiết nghĩ đó cũng là những tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu xã hội Sài Gòn trước 1975.
Gần đây nhà văn trào phúng nổi tiếng Lê Văn Nghĩa khi sắp bước vào tuổi lục tuần bỗng nhiên chuyển sang viết tiểu thuyết về tuổi học trò, trong vài năm đã tung ra hai cuốn tiểu thuyết viết về giới học sinh Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước rất thú vị. Đó là những hoài niệm về một thời tuổi trẻ đáng yêu và đáng nhớ của nhà văn gửi đến người đọc – những người cùng thế hệ hay trẻ hơn nhưng đồng cảm với nhà văn.
Có quá nhiều áng thơ văn, âm nhạc, hội họa tuyệt vời về Hà Nội. Những nhà văn Hà Nội ở Hà Nội viết về Hà Nội, người Hà Nội đi xa viết về Hà Nội và cả những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ từ phương xa đến Hà Nội cũng viết rất hay về Hà Nội. Nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ người Sài Gòn không có nhiều tác phẩm hay về Sài Gòn. Không phải họ không yêu quý Sài Gòn. Ngược lại là khác. Nếu ví Hà Nội như cô gái đài các, kiêu sa thì Sài Gòn là một cô gái Nam Bộ với bộ đồ bà ba dễ thương mà thôi. Bài hát Sài Gòn Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân được nhiều người khen ngợi, thậm chí được coi như bài ca tiêu biểu về Sài Gòn nhưng theo tôi bài hát thường thôi, không xứng với tầm vóc dáng lớn lao và đa dạng của Sài Gòn. Có lẽ tác giả của các ca khúc bất hủ Lòng mẹ, Ngăn cách, Ảo ảnh… viết bài hát ấy khi vừa mới đặt chân đến Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, vẫn chưa thấy được cái hay, cái đẹp tiềm ẩn của Sài Gòn. Tuy vậy, thật đáng buồn khi hơn 50 năm qua vẫn chưa có bài hát nào về Sài Gòn vượt được ca khúc này.
Một ông bạn nhà thơ nói vui nhưng tôi nghiệm thấy có lẽ đúng. Viết về Sài Gòn như làm thơ lục bát, rất dễ làm nhưng rất khó hay. Làm không ra sao thì chỉ là phó bản ca dao, thậm chí như vè. Hơn 50 năm qua thơ viết về Sài Gòn hay đếm trên đầu ngón tay. Nguyên Sa viết bài thơ tình có chút Sài Gòn được nhiều người khen hay, được phổ nhạc phổ biến rộng rãi: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Câu thơ hay hình như cũng nhờ chút “áo lụa Hà Đông?”. Hoặc mấy câu của một nhà thơ đương đại: “Ở Sài Gòn thèm một ngày mưa bụi/ Thèm nhạc sầu của gió bấc heo may/ Đưa người yêu dạo phố tay trong tay/ Thèm chút lạnh mùa thu Hà Nội…”. Bài thơ viết từ trước 1975 nên ở Sài Gòn chỉ có thể tưởng tượng Hà Nội: “Thèm Hà Nội nhìn em và tưởng tượng/ Em Bắc Kỳ mắt biếc với môi ngon / Sài Gòn mưa ôi quá đỗi bất thường/ Và nắng gắt cháy cả tình mới chớm…”.
30/10/2019
Phạm Chu Sa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...