Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Xốn xang vườn Tết

Xốn xang vườn Tết

Xóm nhỏ Gò Tre của tôi ngày ấy dường như chỉ có một “e” xây nhà. Ngôi nhà nằm giữa thửa đất rộng, phía trước mặt là vườn, phía sau nhà cũng là vườn. Giếng nước thường được vét ở bên hông mảnh vườn phía trước nhà để quãng đường xách nước, gánh nước tưới rau, tưới cây được ngắn hơn.
Khu vườn vẫn là… vườn đấy thôi, nhưng vườn Tết luôn rộn ràng, xốn xang và nhiều màu sắc, âm thanh hơn hẳn những mùa khác. Đầu Chạp, những cơn mưa “thúi đất” đã dần xa vắng, trời thường xanh trong vắt, thi thoảng “điểm xuyết” vài trận mưa rào nhẹ hay mưa phùn lây rây xuyên qua ánh nắng vàng tươi giữa tiết trời vừa se lạnh, vừa ấm áp. Ấy là lúc bà ngoại hay má tôi nhìn mưa rồi nói: “Mưa gieo cải, gieo ngò”, thì lũ trẻ chúng tôi biết khu vườn đã chuẩn bị vào Tết.
Nhà báo Nguyễn Quốc Khương 
Cải và ngò là những loại rau đương nhiên phải có mặt trong khu vườn Tết. Cải để mẹ làm dưa cải, kho với thịt heo ba chỉ, còn ngò là để nêm thơm nồi canh xương nấu ngọt khi được chia thịt Tết, để nấu cúng ông Táo, tất niên hay tạo mùi thơm cho rổ rau sống tươi rói. Những luống cải lên hoa vàng, những luống ngò xanh thơm ngát, lại thêm đám rau xà lách xanh non, khóm diếp cá xanh rờn… khiến khu vườn Tết mơn mởn, thơm tho chuẩn bị đón những ngày đầu năm mới tươi đẹp.
Nhiều ngày trước khi “mưa gieo cải, gieo ngò”, ba tôi đã trồng những vồng dưa leo, đỗ côve trong khu vườn nhà. Ông cẩn thận dùng những miếng tre chẻ nhỏ dựng thành hình chữ V lộn ngược, cao bằng cả cái với tay người lớn để thân dưa, thân đỗ bám vào. Đỗ côve để làm món xào trong mâm cúng Tết, để luộc chấm mắm cá cơm trong thạp nhỉ ra trong mâm cơm mỗi ngày.
Lũ trẻ chúng tôi “ưa” nhất là những dây dưa leo. Trái dưa lủng lẳng treo trên thân các miếng tre. Cứ ra thăm vườn, thấy đoi đói trong bụng là bẻ ngay một trái, chùi lớp phấn trắng bên ngoài vào tà áo hay… quần đùi, cắn ngập răng, nghe tiếng giòn rụm, mùi thơm tươi, vị ngọt lịm trong miệng, cảm nhận như đang… ăn Tết.
Vườn Tết còn có những chòm chuối, cây mãng cầu luống tuổi, mấy bụi mía tím mơn mởn… đã có từ lâu, nhưng dường như gần đến Tết, những loại cây này cũng tươi vui, hớn hở lên. Đặc biệt, nhiều ngày trước đó, ba tôi đã gieo một góc vườn những cây vạn thọ.
Cây vạn thọ càng lớn thì Tết đến càng gần. Đến một sớm mai nào đó, khi sương còn trĩu trên cành lá, lúc bước ra vườn còn ngái ngủ, thì mắt tôi và lũ con Nở, thằng Ình đều… bừng sáng khi thấy những cái búp vạn họ trồi lên trên ngọn cây. Lúc ấy trong bụng lũ trẻ chúng tôi như mở cờ vì cảm nhận Tết đã thật gần.
Lũ nhóc chúng tôi “theo dõi” lũ rau cỏ, cây cối, hoa vạn thọ trong vườn mỗi sớm, mỗi chiều như một kiểu đếm Tết riêng của tuổi thơ. Đến khi hoa lá lên xanh, cây cải trổ ngồng, côve ra trái, vạn thọ đơm hoa, bung nở, thì coi như Tết thật sự rồi. Tết không đến sao được khi tụi ong bầu vo ve đu hoa hút mật, bươm bướm đủ màu sắc vui đùa nhộn nhịp, chuồn chuồn các loại giương mắt tròn to bay lượn, cả những đàn sẻ nhỏ cũng nhào vào khu vườn ríu ran…
Rồi một sáng xuân nào đó, khi chúng tôi mặc những bộ quần áo mới tinh tươm, thơm lừng mùi vải mới nhưng chưa được ba má cho sang nhà người thân, hàng xóm sớm vì phong tục kiêng kỵ buổi sáng đầu năm, anh em chúng tôi dung dăng ra vườn chơi Tết.
Chúng tôi hỏi lũ dưa leo, đỗ côve, buồng chuối, trái mãng cầu… đêm qua đón giao thừa ra sao, “tụi nó” có biết lát nữa đây anh em chúng tôi sẽ tung tăng ra đường cái quan, đi vào chợ xã để ăn chè đỗ, ăn cà-rem, chơi trò máy bay hay không… Dĩ nhiên, “tụi nó” không thể trả lời được, nhưng tôi cảm giác như chúng vừa vui lây với mình vì Tết đến, lại vừa có chút ganh tị vì không được… theo chúng tôi đi chơi…
Khu vườn Tết tuổi thơ chúng tôi tuyệt vời như vậy đấy!.
31/1/2020
Nguyễn Quốc Khương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...