Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Ánh sáng song trùng trong thơ Halmosi Sándor

Ánh sáng song trùng
trong thơ Halmosi Sándor

Đọc tập thơ “Mười ngày 57 - Bản chất nước đôi của im lặng” của Halmosi Sándor, do Nguyễn Chí Hoan dịch
Nhà thơ Halmosi Sándor sinh năm 1971, tại thành phố Szatmárnémeti của Ru-ma-ni. Ông định cư ở Đức 16 năm, hiện sống cùng gia đình tại Budapest, Hung-ga-ry. Halmosi đồng thời là dịch giả văn học uy tín, biên tập viên nhà xuất bản, nhà toán học. Ông đã xuất bản hơn mười cuốn sách bằng tiếng Hung-ga-ry và các ngôn ngữ khác.
Ánh sáng ấy tỏa rạng liên tục, mạnh mẽ từ lưỡng cực và đa cực, tựa những lưỡi lửa trên đỉnh ngọn đuốc bốc cháy, hay nắng sớm tinh khôi ùa vào căn phòng tối tăm khi cánh cửa đột mở… Đó là trực cảm sơ khởi của tôi khi đọc tập thơ “Mười ngày 57 – Bản chất nước đôi của im lặng” của nhà thơ Hung-ga-ry, Halmosi Sándor, do Nguyễn Chí Hoan dịch từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt.
Ánh sáng thơ Halmosi Sándor đã đưa tôi đến với thế giới thanh khiết, màu nhiệm và cả lạ lẫm, để tôi hiểu hơn chính tôi và cảm nhận đầy đủ hơn về thế giới xung quanh bằng hệ hình thẩm mỹ khác, từ nền văn hóa khác. Nó cũng cho tôi nhận diện mình là một thái cực luôn khao khát tìm đến những thái cực khác, và ngược lại. Tập thơ này, với tôi tựa những thước phim quay chậm về đường đi của ánh sáng. Chúng đan xen, hòa vào nhau, chuyển động lúc nhanh lúc chậm. Tôi gọi đó là những luồng ánh sáng song trùng làm nên một cõi thơ độc đáo và hiện đại.
Sự giao thoa, song trùng ấy thể hiện rất rõ ngay từ những bài mở đầu tập thơ: “Nếu anh nghĩ về em/ Hồ kia thành dịu êm/ Nếu em nghĩ đến anh/ Hồ xáo động bất yên” (Bản chất nước đôi của im lặng). Bài thơ gần với cách diễn ngôn của thơ thiền phương Đông, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. Người và cảnh vật ở đây, cụ thể hơn, nhà thơ và hồ nước “trợ duyên nhau”, là nơi an trú của nhau. Nó gợi cho bạn đọc liên tưởng đến học thuyết âm-dương, một định đề cơ bản của thái cực sinh lưỡng nghi. Bài thơ là sự sóng đôi tự nhiên của hai thanh âm từ hai tiêu điểm được cất lên trong thênh thang tĩnh lặng. Đó là hai bản thể riêng biệt được hòa vào nhau trong “dung môi” tình yêu để làm nên một không-thời-gian lạ kỳ với chuyển động chậm. Bài thơ tạo nên vẻ đẹp mới lạ, bừng tỉnh tâm thức người đọc. Nó gợi cho tôi nhớ lại câu thơ rất ấn tượng của nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học năm 1996 Wisława Szymborska nói về cái riêng-chung trong tình yêu: “Chúng ta ôm nhau, miệng cười/ Cố tìm điều thân thiện/ Dẫu rằng ta biết/ Mình khác nhau như hai giọt nước trong veo” (“Không có gì hai lần” – Tạ Minh Châu dịch). Mỗi nhà thơ có cách biểu đạt riêng tính lưỡng phân của phạm trù “anh & em”, nhưng với bài thơ trên, Halmosi Sándor như cố ý kìm giữ những dịch chuyển hình ảnh trong không gian thơ của ông. Tốc độ chậm dần trong bài thơ có thể được quan sát từ hai phía “Em” và “Anh” mà hồ nước ở giữa làm “trọng tài”, một đối tượng bị động thứ ba. Ba tiêu điểm (anh, em, hồ nước) trong bài thơ đã tạo ra những vòng sóng giao thoa, phủ trùm lên một không gian rộng mở mang ánh sáng trinh bạch của người quán tưởng hành thiền.
Trong suốt tập thơ, nhân vật “Em” và “Anh” luôn song hành từ hai “thái cực”. Theo triết gia đạo Lão Trang Tử, thì “thái cực” ấy có thuộc tính, biểu hiện và được luân chuyển, nhưng không dễ thu nhận. Nhưng “thái cực” trong thơ Halmosi Sándor cho bạn đọc dễ dàng thâu nhận những hình ảnh trực giác được tác giả bầy đặt, làm hiển lộ sinh động “từng chân tơ kẽ tóc” bản thể trong câu chữ.
Trong bài thơ “Chín giờ ba mươi sáu phút” Halmosi Sándor viết: “Anh nhớ em/ Mái nhà mất tích trên những phòng ngủ/ Rơm trên món bê hấp/ Một cú thót tim cho thế giới này”. Sự kiện đặc biệt đáng nhớ này xảy ra vào lúc 9 giờ 36 phút, như tiêu đề bài thơ, trong một thời điểm nhất định, lúc “thái cực Anh” phát sóng làm đảo lộn trật tự thế giới quanh mình: “chính anh là một thí dụ, nhìn kìa vẫn 9:36, dẫu rằng/ anh đã thử qua mọi thứ, đã trải qua hai/ cuộc đời, anh nhảy múa, anh tha thẩn quanh em”.
Khái niệm về chuyển động song trùng trong thơ Halmosi Sándor, đôi lúc không thuộc về tự nhiên mà như ràng buộc, tựa như căn duyên tiền định mở ra muôn lối đi cho đời sống. “Bởi mọi thứ đều nối vào mọi thứ/ Khác/ trên hết là em với anh/ và anh với em” (Hân hoan bởi mình yên lặng).
Tập thơ “Mười ngày 57 – Bản chất nước đôi của im lặng”
Trong bài thơ “Anh sẽ chỉ ngồi bên cửa sổ”, nhà thơ đã biểu đạt tình yêu như những chuyển động lẻ loi, đơn phương. Ánh sáng trong bài thơ này ngỡ như không song trùng, mà chỉ duy nhất phát ra từ thái cực “Anh”. Nhưng đọc toàn bài thơ sẽ thấy, ánh sáng từ thái cực “Em” không tắt, mà đơn giản nó chỉ không hiển thị trên văn bản thơ. Nhưng nó tạo ra sức hút mạnh mẽ để làm nên mọi chuyển dịch trong đó. “anh sẽ cắm một bông hoa/ ở mỗi chai/ anh sẽ đặt chúng khắp nơi/ sao cho hợp với bài trí căn phòng/ và thức của nó; Hay: và trong lúc em nấu nướng/ anh lúc nào cũng xăng xái quanh em/ mà dĩ nhiên chẳng để làm gì/ vì bếp thì nhỏ/ lúc ấy thành chật chội/ và không có mấy việc để làm/ nhưng anh bóc vỏ nếm náp…/ anh sẽ treo áo ngực của em lên cửa sổ nơi chốt,/ để cho mặt trời lên và Laci và Béla/ cũng sẽ vui mừng và thấy/ rằng thật đáng để trỗi dậy”. Thủ pháp đặc tả vừa nêu giống như một chiếc đèn kéo quân của trẻ em Việt Nam trong ngày Tết Trung Thu. Các hình ảnh từ thái cực “Anh” được tác giả cho sáng lên quay quanh một cái trục đỡ “Em”. Nhịp quay và tốc độ của chiếc đèn ấy tùy thuộc vào thời gian tiếp cận văn bản của người đọc. Và bài thơ cho bạn đọc hiểu rằng, chiếc đèn kéo quân kia quay được, cũng như các hình ảnh trên mặt giấy bóng màu sáng lên lung linh đều do năng lượng từ chính cái trục ngọn đèn “Em” được thắp sáng. Ngọn đèn ấy truyền nhiệt ra xung quanh, làm không khí nóng lên giãn nở và tăng thể tích, sinh ra công làm xoay chao đèn.
Lấy một thái cực làm trụ cho thái cực kia làm vệ tinh quay quanh, được Halmosi Sándor sử dụng trong một số trường hợp để diễn tả trạng thái dị/ đặc biệt của vận động song trùng. Trong bài thơ “Thoạt đầu em chạm vào tôi”, lưỡng cực “Anh” được tác giả lấy làm trụ cột để lưỡng cực “Em” chuyển động: “Đầu tiên thì em chạm vào tôi. Rồi độ bóng/ bong mất, rồi bản ngã em chia tách/ Em bước vào đó, hú vang”. Cách hoán chuyển tiêu điểm chuyển động, hoặc đảo lộn ngôi thứ các nhân vật trong tác phẩm thường được nhà thơ sử dụng như một thủ pháp. Cách dịch chuyển này đã làm sáng rõ các thi ảnh, cũng như gợi mở và khiêu khích người đọc. “Và chim chóc nhìn anh/ Và các thiên thần dõi trông anh/ Đôi lúc họ đổi chỗ” (Nhà thơ đoạt giải Ja viết một bài thơ khi quay lưng lại biển).
Những chuyển động trong thơ Halmosi Sándor thường diễn ra trong không gian, trạng thái tĩnh lặng hoặc có ý hướng vươn tới cảnh giới ấy. Đây thực sự là điều ít thấy trong tác phẩm của các nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ phương Tây. Chúng ta đều biết từ giữa thế kỷ trước, các học giả phương Tây đã hành trình tìm về phương Đông mở ra chân trời mới. Đó là sự hội ngộ giữa hai nền văn minh Đông và Tây, cổ xưa và hiện đại. Thơ của Halmosi Sándor nằm trong từ trường tìm về cội nguồn văn hóa ấy.
Halmosi Sándor nhắc nhiều đến khái niệm tĩnh lặng hoặc cận tĩnh lặng. Trong tập thơ (bản tiếng Việt) có hơn 30 từ diễn tả trạng thái đó, như “lặng yên, im lặng, lặng lẽ, tĩnh mịch, tĩnh lặng, điềm tĩnh, điềm nhiên…” Những từ ngữ này diễn tả muôn sắc diện đời sống và tâm trạng người viết. “vậy chúng mình nên cứ lặng im dần” (Anh sẽ chỉ ngồi bên cửa sổ); “thậm chí cho yên lặng. Và cho tràn ngập” (Và bây giờ cũng chuyện này); “Về sau dẫu gì rồi sẽ là yên lặng” (Cho tôi thời-gian-người); “Và nội tại lặng yên” (Liên khúc Wamsler II)… Tĩnh lặng vốn là một trạng thái mà các thiền giả luôn hướng tới, là cảnh giới của bản lĩnh, trí tuệ và lòng cao thượng. Tĩnh lặng trong thơ Halmosi Sándor đã làm mọi chuyển động diễn ra liên tục trong văn bản thơ, cũng như trong tưởng tượng “hậu văn bản” của người đọc. Nó đồng thời làm cho các dòng ánh sáng hòa trộn làm một, tạo ra những năng lượng khác.
Ánh sáng song trùng đã làm nên sức mạnh, sự bền vững của từng cá thể. Bài thơ “Nếu họ rạch anh lúc này” cho thấy, tình yêu đôi lứa gắn bó được hiển lộ tựa một thân cây lớn, bến bờ rộng mở. Tình yêu ấy tuyệt đẹp và bất tử như sự sống, thiên nhiên trên trái đất này: “Nếu họ rạch anh lúc này, em sẽ tuôn chảy/ từ anh ra thành những dòng như suối/ Anh chẳng dám ngay cả ngáp xuông”. Hoặc trong bài thơ “Hồ không đáy”, khúc triết và tối giản tựa một bài haiku Nhật, đã gợi mở một không gian rộng lan đi bất tận: “Tối đen sẫm dần, dẫu thế/ anh suốt cả ngày dài nghĩ em”.
Halmosi Sándor viết nhiều về tình yêu, nhưng cũng bao trùm các đề tài khác như các mối tương giao con người, xã hội, thiên nhiên v.v. Nhưng dù viết về bất kỳ đề tài nào, nhà thơ luôn chủ ý tạo ra năng lượng mới, làm khởi sinh luồng ánh sáng chuyển động song đôi, tăng tính phức hợp trong cảm xúc cũng như mở rộng thêm trường liên tưởng. “Tôi lấy chúng từ áo ngô và ăn tất cả/ Tôi nay màu lơ, giống như một chợp mắt trong mưa”. Đó là trọn vẹn bài thơ gồm hai câu thơ, có tên “Hoa ngô”. Câu thơ “Tôi nay màu lơ” là sự hoán cải tài tình chủ thể với khách thể trong bài thơ này.
Thơ Halmosi Sándor được dịch và phát hành tại Việt Nam thông qua bản tiếng Anh là ngôn ngữ trung gian, do vậy tôi không dám lạm bàn về nghệ thuật ngôn từ trong tập thơ này. Nhưng bản dịch của nhà thơ Nguyễn Chí Hoan cho thấy, thơ Halmosi Sándor có nội lực mạnh, nhịp điệu chảy trôi tự nhiên, mang vẻ đẹp sinh động đời sống thi ca của một quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu, có địa chính trị, địa văn hóa khác với nước ta.
Nhịp điệu chảy trôi tự nhiên của thơ Halmosi Sándor cho bạn đọc cảm giác gần gũi như chính đời sống hiện đại đang lôi cuốn con người. Nhiều đoạn trong trong tập thơ khá giống với nhịp đồng dao của Việt Nam. Xin dẫn một đoạn thơ trong bài “Mặt trời lên” để thấy sức hút của từng câu thơ trong tập: “khi người ta phủ phục/ trước Cái Không Biết/ cái còn chưa Biết/ bí ẩn của tồn tại/ và phép lạ đó nắm giữ/ nó nắm lấy tinh thần/ và người ta những ai tin vào/ nó dựng nên trời và đất/ và giữ chính nó”. Đọc những câu thơ trên tôi có cảm giác như có ai đang dồn đẩy sau lưng, thôi thúc người đọc phải chạy tiếp, chạy gấp…
Nhà thơ Halmosi Sándor sinh năm 1971, tại thành phố Szatmárnémeti của Ru-ma-ni. Ông định cư ở Đức 16 năm, hiện sống cùng gia đình tại Budapest, Hung-ga-ry. Halmosi đồng thời là dịch giả văn học uy tín, biên tập viên nhà xuất bản, nhà toán học. Ông đã xuất bản hơn mười cuốn sách bằng tiếng Hung-ga-ry và các ngôn ngữ khác.
Chuyển ngữ và xuất bản thơ Halmosi Sándor ở Việt Nam lúc này là cách chúng ta mở rộng đường biên hệ hình thẩm mỹ, biết thêm thông tin về những biến động thi pháp ở bên ngoài, nhất là ở các nước Âu – Mỹ. Qua tập thơ “Mười ngày 57 – Bản chất nước đôi của im lặng” cho thấy, cách tạo ra ánh sáng song trùng trong văn bản thơ của Halmosi Sándor không chỉ là thủ pháp, thi pháp, mà dù ở phương Đông hay phương Tây, thơ ca mãi là câu chuyện của vẻ đẹp tâm hồn, của thế giới tâm linh kỳ bí và quyến rũ.
Hải Phòng, 25/12/2019
Mai Văn Phấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...