Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Vì nghĩa, vì tình 2

Vì nghĩa, vì tình 2

CHƯƠNG 11 - KHINH BỈ THÓI ĐỜI
Tư Tiền xuống Sài Gòn ở trọn năm năm. Nhờ có thằng Lành ở đậu coi nhà dùm, hễ nhà hư đâu nó sửa đó, nên khi Tư Tiền trở về, thì nhà cửa cũng còn y nguyên như cũ, mà chung quanh nhà lại dẫy cỏ quét rác sạch sẽ, trước cửa có thêm một giàn bầu trái treo lòng thòng, sau hè có thêm hai đám rau, một hàng ớt, một hàng cà, ớt trái chín đỏ lòm, cà trổ bông trắng nõn.
Vì chồng ở tù, nên Tư Tiền trở về Chí Hòa, mà chị ta cũng cho thằng Lành ở đậu luôn trong nhà chớ không đuổi nó đi ở chỗ khác. Mỗi bữa chị ta mua rau, cải, ớt, cà, chuối, mít rồi gánh xuống chợ Bến Thành mà bán.
Thằng Lành thì đi làm mướn trong làng, trong xóm, khi gánh đất, khi cuốc vồng, khi lợp nhà, khi đào giếng.
Thằng Hồi ở nhà coi nhà, đói bụng cứ lục cơm nguội mà ăn, có buồn lấy mủng vùa múc nước đem ra sân rồi đổ mấy hang cho dế bò lên mà bắt.
Trong năm ba bữa, Tư Tiền nghỉ bán một bữa. Mà hễ bữa nào Tư Tiền nghỉ thì thằng Lành nó cũng nghỉ, không chịu đi làm. Đã vậy mà bữa nào Tư Tiền với thằng Lành ở nhà đủ mặt thì Tư Tiền sai thằng Hồi đi theo mấy con đường trong xóm mà lượm củi khô, hoặc đi vét hầm đắp mương tát nước bắt cá.
Có một bữa thằng Hồi đi quơ củi. Bữa ấy nhờ trời gió mạnh nhánh cây khô rớt xuống nhiều, nên mặt trời mới đứng bóng mà nó đã lượm được một đống củi. Trời nắng chang chang, bờ vồng khô khốc, thằng Hồi khát nước đâm đầu về nhà, rồi đi riết ra sau múc nước mà uống. Phía trước vắng teo, dường như nhà đi khỏi hết.
Bị trời nắng đổ hào quang nên bước vô nhà cặp mắt chóa lòa, không thấy đường đi. Thằng Hồi chạy vừa tới cửa buồng, thằng Lành ở trong buồng cũng vừa bước ra. Thằng Hồi không ngó thấy mà tránh nên nó đụng thằng Lành một cái mạnh quá, làm cho nó té nghiêng vô vách một cái ầm. Nó lồm cồm đứng dậy đưa cánh tay trái ra coi thì thấy nẹp vách tre cấn tay rướm máu hai ba đường. Thằng Lành đụng người ta té, đã không thương hại lại nói rằng:
- Đáng kiếp! Chạy đi đâu dữ vậy?
Thằng Hồi đương đứng ứa nước mắt, kế Tư Tiền ở trong buồng ấy bước ra nữa hai tay bới đầu, miệng rủa rằng:
- Đồ ôn hoàng dịch lệ, tao biểu mầy đi quơ củi, mầy còn về chi đó hử?
Thằng Hồi đổ quạu, nên bỏ đi ra sau uống nước mà miệng nói cùn quằn rằng:
- Củi ta lượm rồi. Khát nước ta về uống nước không cho hay sao?
Tư Tiền vác roi rượt quất nó trót trót và chửi om sòm rằng:
- Cái ... mẹ tiên nhơn tổ đường thằng cha mầy, tao rầy sao mầy dám nói đi nói lại vậy hử. Tao đánh thấy con mẹ mầy cho coi. Thứ đồ phản, nuôi uổng cơm. Chết đâu sao nó không chết phứt cho rồi, sống chi cho cực lòng người ta vậy không biết. Từ rày sắp lên hễ tao sai mầy đi quơ củi hay là đi tát cá thì mặt trời lặn mầy mới được về, nếu mầy về trước nữa thì mầy coi tao.

Thằng Hồi vô tội mà bị đánh chửi; bởi vậy nó giận, không thèm uống nước, đi vòng ngả sau ra sân rồi đi tuốt.

Nó ghé nhà gần đó xin nước uống đầy một bụng rồi ra lộ ngồi khoanh tay dưới gốc cây gáo mà chơi.

Nó nhớ mấy lời của Tư Tiền chửi cha chửi mẹ nó thì nó buồn tủi tức giận hết sức. Nó muốn trở xuống Sài Gòn kiếm thằng Quì, rồi rủ nó dắt nhau mà đi, không biết đi xứ nào, đi đâu cũng được, miễn là thoát khỏi tay Tư Tiền là một người hay đào ông bà, bới cha mẹ nó, nên nó giận lắm. Mà chị Châu đã hết đau chưa? Nếu chỉ đau thì đi sao được, bởi thằng Quì nó nói nó đợi chỉ mạnh rồi nó mới dắt chỉ đi, chớ nó đi mà bỏ chỉ lại bị đòn bị bọng hoài thì tội nghiệp chỉ lắm, nó đi không đành. Còn sợ một nỗi chị Châu đã mạnh, thằng Quì với chỉ dắt nhau đi rồi, nếu hai đứa nó đi mất rồi mình đi với ai.

Thằng Hồi ngồi suy tới tính lui, nó nghĩ người ta cứ chửi rủa đánh đuổi mình hoài, mình còn ở đây làm chi nữa, mình đi ra hoặc may gặp ba má mình, chớ ở đây thì làm sao mà kiếm cho được. Nó nhứt định phải đi, song còn dụ dự chưa biết bữa nào đi. Nó nghĩ việc đó một hồi nữa, rồi quyết đoán sáng bữa sau Tư Tiền đi bán, thằng Lành đi làm, nó ở nhà một mình, nó sẽ bỏ nhà mà trốn. Nó tính xong rồi đứng dậy đi chơi, chẳng hiểu vì cớ nào nó rùng mình hai ba cái rồi bắt ngáp như lúc buồn ngủ vậy mà trên đầu lại nặng trìu trịu. Nó ngồi lại rồi khoanh tay, gục mặt, nhắm mắt.

Cách một hồi cặp mắt mở không ra, mà đầu cổ mình mẩy nó lại nóng hầm. Nó ngồi dựa lưng vào gốc cây gáo mà chịu, ai đi ngang qua thấy thằng nhỏ ngồi khoanh tay gục đầu cũng tưởng nó ngủ.

Đến chiều, thằng Hồi thấy trong mình càng thêm nóng, trên đầu càng thêm nặng. Nó vịn gốc cây đứng dậy, rồi ráng thủng thẳng đi về nhà. Nó bước vô cửa, Tư Tiền ngó thấy bèn nói rằng:

- Đồ mắc dịch, bây giờ mới về. Đánh nó rồi nó giận lẫy không về ăn cơm. Thây kệ, để bỏ đói nó một bữa cho nó biết chừng.

Thằng Hồi không nói đi nói lại, lần đi lại góc ván phía trong vách nằm chèo queo.

Thằng Lành ở đàng sau đi ra, Tư Tiền biểu nó sập cửa tắt đèn mà ngủ. Thằng Lành làm y lời rồi nằm chuồi trên bộ ván chung với thằng Hồi, song nó nằm đầu đàng nầy.

Thằng Hồi nằm mê man không biết chi hết. Đến khuya nó khát nước quá, nên ráng ngồi dậy, nó đi múc nước uống mà đi không nổi. Ngoài sân mặt trăng tỏ rạng, vì vách thưa nên ánh sáng dọi vào nhà thấy rõ ràng. Thằng Hồi tính mượn thằng Lành đi múc nước dùm té ra nó dòm chỗ thằng Lành nằm hồi hôm thì bộ ván bỏ trống trơn, không có thằng Lành nằm đó nữa. Nó cùng thế nên phải nằm xuống mà nhịn khát.

Đến sáng thằng Hồi mở mắt dòm cùng trong nhà thì trước sau vắng teo, Tư Tiền với thằng Lành đã đi rồi. Nó ráng đi múc nước uống rồi nằm lên chỗ cũ, đầu cũng nặng, mình cũng nóng hoài. Tư Tiền đi bán về hồi nào nó không hay.

Đến chiều thằng Lành về, bước lại rờ đầu nó, giở áo nó lên mà coi, rồi đi vô trong nói với Tư Tiền rằng:

- Nè, thằng Hồi nó lên trái, đầu nó nóng hực, mình nó nổi mụt đỏ đỏ mà dầy trạt. Phải coi chừng, kẻo không xong đa. Thằng Hồi nghe Tư Tiền đáp rằng:

- Có trái hay sao? Đâu đi dùm ra ruộng bứt ít bụi rạ về đặng sắc cho nó uống, chớ ai biết thuốc gì bây giờ.

Thiệt quả thằng Hồi bị trái giống. Trong vài bữa thì mặt mày, đầu cổ, mình mẩy, tay chơn có trái mọc đầy, mụt nào mụt nấy bóng lưỡng. Thằng Hồi nằm mê man luôn mấy bữa, mà không có thuốc men chi hết, chỉ uống nước rạ mà thôi.

Đứa mắc nạn nhờ có Trời nuôi, tuy mang chứng bịnh hiểm nghèo, song nhờ có Trời phò hộ, nên trái lên đều mà cũng xuống đều, bởi vậy trong ít ngày thì nó đã mạnh, ra vô được. Nó bị trận đau nầy nên mình nó ốm nhách, mặt nó rỗ chằng. Mấy người ở gần đây đã biết mặt nó cháo chan, mà bây giờ thấy nó lạ hoắc.

Tư Tiền thấy nó đã mạnh rồi, bèn sai đi quơ củi bắt cá nữa.

Một bữa nọ, ăn cơm sớm mai rồi, thằng Hồi xách một cái giỏ với một cái thùng ra đi. Nó đi dọc theo lộ được một khúc xa xa, gặp một cái vũng nước dựa bờ lộ, nó bèn cởi áo quần bỏ trên cỏ, rồi nhảy xuống móc đất be vòng theo vũng nước.

Nó làm thủng thẳng và làm và chơi, nên đắp bờ coi láng lẫy.

Đắp bờ xong rồi nó mới lấy thùng mà tát nước. Nó tát một hồi mỏi tay, nên buông thùng mà nghỉ. Nó ngó mông trên bờ lộ, trời nắng chang chang, có một cái xe hơi ở phía Sài Gòn chạy lên, máy kêu vù vù, kèn bóp te te, sau xe bụi bay mịt mù. Xe chạy ngang qua nó một cái ồ, nó đứng ngó theo, trong lòng khoan khoái, không biết làm sao mà ngồi trên cái xe như vậy, đặng chạy thử coi trong bụng nó vui sướng đến bực nào.

Xe hơi đã chạy mất rồi, không còn nghe tiếng máy kêu và tiếng kèn bóp nữa, mà thằng Hồi vẫn còn đứng ngó mông theo. Nó đương thầm tính hễ nó gặp được ba má nó rồi nó sẽ biểu ba nó mua một cái xe hơi đặng cho nó đi chơi.

Thình lình có một đứa nhỏ đi ngang qua lộ. Nó ngó lên thấy quả là thằng Quì, vùng kêu lớn mà hỏi rằng:

- Quì, mầy đi đâu lên trên nầy?

Thằng Quì đứng khựng lại, ngó nó chưng hửng.

Thằng Hồi buông cái thùng lật đật leo lên lộ, chạy lại nắm tay thằng Quì mà hỏi nữa rằng:

- Mầy đi đâu đây?

- Tao đi kiếm mầy chớ đi đâu.

- Sao mầy biết tao ở đây mà kiếm?

- Hôm kỳ xưa, tao nghe má mầy nói về Chí Hòa. Tao hỏi thăm họ rồi tao đi. Nhà mầy ở đâu?

- Ở dưới kia.

- Mặt mầy sao mà có lỗ có hang cùng hết vậy?

- Tao bị lên mùa.

- Vậy hay sao? Hồi nào?

- Hôm trước. Tao mới hết.

- Mặt mầy rỗ, bây giờ coi mầy lạ quá. Tao thấy mầy mà tao không dè, nghe chừng mầy lên tiếng tao mới biết.

- Tao tính tao xuống Đất Hộ kiếm mầy, té ra tao mới tính rồi kế bị lên mùa nên không đi được. Mầy đi thăm tao chơi rồi về hay đi đâu? Chị Châu hết đau hay chưa?

- Chỉ chết rồi, còn đâu mà hỏi.

- Úy chà! Sao mà chết vậy? Chết hồi nào?

- Chết hôm kia, kể về bữa nay là ba bữa rồi. Không chết sao được. Chị tao đau mà tía tao không thèm ngó ngàng gì hết. Tía tao bỏ liều không mua được lấy một cắc bạc thuốc cho chị tao uống. Còn má tao thì cứ nói chị tao làm bộ, hễ ra vô thấy chị tao nằm thì chửi rủa. Tội nghiệp quá! Cái đêm mà rồi sáng ra chỉ chết đó, tao lén rờ mặt chỉ coi chỉ nóng nhiều ít. Chỉ mượn tao đắp chiếu dùm cho chỉ rồi chỉ khóc chỉ nói với tao như vầy: "Chị có chết rồi, em phải trốn đi đi, đừng có ở đây nữa! Em ở đây, em cũng chết theo chị vậy đa, nói cho biết".

Thằng Quì nói tới đó rồi nó ngồi trên bờ lề mà khóc. Thằng Hồi còn ở trần ở truồng, nó thấy vậy nó cũng ngồi xề dựa bên đó mà nói rằng:

- Mầy với chị Châu là con ghẻ mà má mầy thương sao được. Tao đây cũng vậy, tao không phải con ruột nên má tao cũng đánh chửi tao hoài.

Thằng Quì lặng thinh một hồi rồi đáp rằng:

- Tao nghĩ lại tao không giận má tao cho lắm. Tao phiền là phiền tía tao, cứ nghe lời má tao mà đánh hai chị em tao hoài. Tại tía tao nên chị tao mới chết đó.

- Nè Quì, hổm nay tao về trên nầy, má tao trai gái với anh Lành mầy a.

- Anh Lành nào?

- Anh Lành ở đậu nhà má tao đó.

- Tao không biết ảnh bao lớn?

- Ảnh bằng anh Kim vậy, mà mập hơn.

- Mọi rợ quá! Chồng bị ở tù, má mầy ở nhà lấy trai hay sao?

- Vậy mới kỳ. Tao nói cho mầy biết thôi, mầy đừng có nói bậy, má tao hay má tao đánh chết.

- Ai nói làm gì.

- Mầy lên chơi chừng nào mầy về?

- Tao không về. Về làm gì nữa?

- Mầy tính trốn luôn hay sao?

- Ừ.

- Nếu mầy đi luôn thì tao đi với mầy.

- Tao tính lên rủ mầy đi đây.

- Hổm nay tao cũng muốn rủ mầy; tao sợ chị Châu còn đau mầy chưa đi được, nên tao chưa xuống. Thôi, bây giờ chị Châu chết rồi thì hai đứa mình đi. Để tao tắm rửa bận quần áo rồi đi.

Thằng Hồi nhảy xuống vũng nước rửa sạch mình mẩy, đầu cổ rồi nó leo lên bận quần áo. Nó bận một cái áo vải cũ khi trước màu trắng mà bây giờ đã trổ màu vàng với cái quần vải đen đứt lai lại rách đầu gối. Nó ngó thằng Quì, thấy nó cũng bận quần vải đen như nó, còn ở trên thì bận một cái áo thun rách, đã rộng mà lại dài, nó bèn cười mà nói rằng:

- Mình bận áo xấu quá! Mình đi ra bầy trẻ thấy mình chắc nó cười. Mà thây kệ, nếu tao gặp được ba má tao thì thiếu gì đồ tốt mà lo.

Bận đồ xong rồi, thằng Hồi mới hỏi rằng:

- Bây giờ mình đi đâu?

- Đi xuống Sài Gòn.

- Xuống Sài Gòn rủi gặp tía mầy rồi sao?

- Ờ, xuống đó khó há... Thây kệ, xuống đó rồi mình sẽ tính.

- Cha chả, xuống Sài Gòn bây giờ phải trở lại đi ngang nhà tao. Bữa nay có má tao ở nhà, tao sợ đi ngang má tao ngó thấy quá.

- Có đường nào khác hôn? Mình đi vòng, bất quá đi xa một chút có hại gì.

- Ờ được. Tao nghe nói lên trên đây một chút có cái ngả trổ xuống Sài Gòn. Thôi mình lên đó rồi hỏi thăm đường đi.

- Đi bây giờ thúng với giỏ của mầy làm sao?

- Thây kệ, bỏ cho rảnh, cần gì.

- Uổng lắm chớ.

- Đồ bậy bạ mà tiếc giống gì mậy. Thôi đi nè.

Thằng Hồi ngó cái thúng với cái giỏ rồi cười và nói rằng:

- Tụi bây nằm đó chơi nghe hôn. Ở đó mạnh giỏi.

Thằng Quì thấy vậy tức cười, nó kéo thằng Hồi đi và nói rằng:

- Mọi rợ quá.

- Mầy nói cái gì mọi rợ?

- Tao nói má mầy.

- Má tao sao mà mọi rợ.

- Chồng đi ăn trộm cho mà ăn, rủi bị bắt ở tù, ở nhà lấy trai, má mầy làm như vậy không phải mọi rợ hay sao?

- Ờ phải. Mọi rợ thiệt.

Thằng Hồi nói dứt lời, liền day lại, đưa tay phía nhà Tư Tiền ở và nói rằng:

- Thôi má ở với tía Lành nghe hôn má. Tôi đi đa.

Hai đứa ngó nhau cười ngất rồi cặp kè nhau mà đi.

CHƯƠNG 12 - TẠO HÓA TRỚ TRÊU

T

rời nắng thiệt là gắt, trên lộ cát nóng muốn phồng chưn, nhưng vì thằng Hồi với thằng Quì thoát thân ra khỏi nhà chẳng khác nào cặp chim sổ lồng, bởi vậy chúng nó vui mừng không sợ nóng chưn, không kể trời nắng.

Chúng nó đi một lát thì tới một cái ngã tư, nếu đi thẳng thì lên Bà Quẹo, nếu đi phía tay mặt thì qua Lăng Cha Cả, còn nếu đi phía tay trái thì qua sở dây thép gió rồi vô Chợ Lớn.

Chúng nó dụ dự không biết phải đi ngả nào may có một người đi ngang, thằng Hồi hỏi thăm mới biết đi phía tay mặt thì đi xuống Sài Gòn được. Thằng Hồi liền kéo tay thằng Quì mà biểu đi qua ngả Lăng Cha Cả. Thằng Quì trì lại mà nói rằng:

- Xuống Sài Gòn làm giống gì?

- Xuống đó mình lượm banh kiếm tiền chơi.

- Tối chỗ đâu mình ngủ?

- Vườn Bồ-rô đó chi? Ngủ được mà.

- Ngủ bậy lính bắt chớ?

- Mình ngủ, chớ phải mình ăn trộm, ăn cắp đồ của ai hay sao mà sợ.

- Không phải tao sợ, mà điều ở Sài Gòn cò bót hay nhiều chuyện, khó chơi lắm. Đã vậy mà hễ rủi gặp tía tao rồi làm sao?

- Vậy chớ mầy muốn đi đâu bây giờ?

- Đi đâu cũng được hết, miễn là đừng xuống Sài Gòn thì thôi.

- Vậy mình đi vô Chợ Lớn.

- Ừ, được.

Hai đứa dắt nhau quẹo qua tay trái. Chúng nó đi tới sở dây thép gió, thấy một cột dây thép cao vòi vọi thì đứng lại coi chơi. Thằng Hồi ngước mặt ngó một hồi rồi nói rằng:

- Cao quá! Hồi đó họ làm sao họ dựng vậy mầy há?

- Cha chả! Cao quá, leo lên té chết còn gì.

- Chết thì chịu chớ, ăn tiền của người ta thì phải làm.

- Mầy dám leo lên đó hôn?

- Leo lên làm gì?

- Tao hỏi cho biết vậy mà, mầy dám leo hôn?

- Chừng tao lớn rồi tao mới dám.

- Chớ bây giờ mầy không dám hay sao?

- Bây giờ tay chưn mình còn yếu quá, leo sao nổi.

- Họ trồng mấy cây đó làm chi mà cao quá vậy mầy há?

- Cột dây thép gió mà.

- Dây thép gió là giống gì mầy há?

- Ai làm việc gì ở đâu hễ gió đưa đến mấy cột đó thì họ biết hết thảy.

- Nếu vậy thì dở lắm.

- Sao mầy chê dở?

- Bởi vì mấy chỗ ở dưới gió họ làm việc gì, ở đây có biết được đâu.

- Ở dưới gió thì thôi, chớ mầy muốn biết hết làm sao cho được.

Hai đứa coi chơi cho đã rồi thủng thẳng đi lần vô Chợ Lớn.

Mặt trời chen lặn, chúng nó mới vô tới Châu Thành.

Chúng nó không tính trước, nên cứ ngó trước mắt mà đi. Gặp xe đụng chúng nó đứng lại coi chơi, thấy tiệm lớn chúng nó xẩn bẩn dòm ngó. Chúng nó đi mút đường nầy rồi quẹo qua đường khác, ban đầu thì vui cười hớn hở, mà lần lần rồi thằng Hồi hết cười nữa, lại lệt bệt ở đàng sau.

Đến gần 10 giờ tối, hai đứa nó đi qua đường Cây Mai. Trên đường người đi đã thưa thớt, còn hai bên phố thì phần nhiều đã đóng cửa ngủ rồi. Thằng Quì thấy thằng Hồi đi lụt thụt đằng sau xa, nó bèn đứng lại và kêu mà nói rằng:

- Hồi, đi riết, mậy! Bộ mầy mỏi cẳng rồi sao?

Thằng Hồi ráng đi tới và nói rằng:

- Tao mỏi cẳng quá, mà ruột tao nó làm giống gì không biết, nó thắt lại, đau dữ.

- Mầy có đói bụng hôn?

- Không.

- Vậy chớ sao mà thắt ruột. Chắc là mầy đói bụng chớ gì?

- Mầy nói phải. Chắc là nó đói bụng.

Lúc ấy hai đứa nó đứng dựa cây cột đèn khí. Ở phía trên lại có một gánh mì thánh đi xuống, gõ lắc cắc cụp. Thằng Quì thấy thằng Hồi đổ mồ hôi ướt mặt ướt cổ, bộ coi mệt lắm, nó bèn hỏi rằng:

- Mầy muốn ăn mì hôn mậy?

- Tiền đâu có mà ăn.

- Tao có tiền.

- Mầy làm giống gì mà có tiền?

- Tao có ba cắc. Hổm nay mầy về trển tao ở dưới nầy tao đi lượm banh, tao mắc ăn bánh với mua dầu cho chị Châu, chớ không tao còn tới hai ba đồng.

Thằng Quì và nói và móc lưng lấy ba cắc bạc đưa cho thằng Hồi coi. Thằng Hồi cười.

Gánh mì lần lần đi tới. Thằng Quì nói rằng:

- Thuở nay mầy chưa ăn mì, thôi mầy ăn một tô đi.

- Mầy có ăn rồi chưa?

- Tao có ăn rồi. Hôm mầy về trển, ở dưới nhà tao có ăn.

- Mầy có cho chị Châu ăn hôn?

- Chỉ mắc đau hoài ăn giống gì được.

- Té ra chỉ chết mà chưa ăn một tô mì nào hết.

- Chưa.

- Tội nghiệp chỉ quá há.

- Ừ. Thôi, bữa nay mầy ăn đi, ăn cho biết với người ta.

- Mầy ăn hôn?

- Không.

- Mầy không ăn mầy đói bụng làm sao?

- Thây kệ, để một lát nữa tao mua một ổ bánh mì nhỏ tao ăn.

- Một tô mì năm đồng xu. Tao ăn rồi hết tiền mầy còn gì?

- Thây kệ mà! Hết rồi mình kiếm cái khác, lo gì mậy.

Thằng Quì liền kêu chú bán mì đứng lại và biểu nấu một tô mì năm xu. Chú chệt để gánh mì dựa lề đường, rồi kéo hộc tủ lấy mì và giở thùng nước bỏ vô mà nấu. Thằng Hồi đứng một bên, tay vịn thùng mà coi.

Chú chệt lau tô, chế mỡ, rót nước tàu vị yểu, bỏ hành rồi vớt mì làm coi gọn gàng. Thằng Quì xẩn bẩn ở đầu đàng kia, thấy chú chệt mắc lăng xăng đầu đằng nọ, nó mới thừa dịp chú xây lưng nó bèn lấy ba bốn miếng thịt cầm trong tay, rồi bước lại coi chú làm, bộ tề chỉnh như thường. Chú bưng tô mì qua đầu kia bỏ thịt, nó lại nói rằng:

- Chú bỏ thịt nhiều một chút chú. Bỏ thêm vài miếng nữa mà.

Chú chệt nói lớn rằng:

- Thêm cái gì à? Đủ thì thôi chớ, nhiều làm sao được. C

hú rắc tiêu rồi bưng tô mì đưa ra.

Thằng Hồi đưa hai tay bưng lấy tô mì, bộ nó vui vẻ lắm. Nó vừa sửa soạn ngồi xuống mà ăn, thằng Quì nói rằng:

- Thôi mầy ở đây mầy ăn, để tao chạy lại đàng kia tao mua một ổ bánh mì rồi tao trở lại nghe hôn.

Nó nói rồi liền bỏ mà đi. Thằng Hồi ăn mì, coi bộ ngon biết chừng nào. Nó ăn vài miếng rồi bưng tô mà húp nước, mà một lát lại ngó chừng thằng Quì một cái, sợ thằng Quì đi mất, không tiền mà trả, chắc chú chệt kéo đầu. Nó ăn chậm chậm, gần hết rồi thằng nọ mới trở lại, trong tay cầm một ổ bánh mì với một gói giấy nhựt trình nhỏ nhỏ.

Thằng Quì móc lưng đưa cho chú chệt một cắc bạc. Chú thối lại năm xu. Nó lận xu vào lưng rồi bẻ bánh mì ra làm hai đưa cho chú chệt mà nói rằng:

- Chú làm ơn chế cho tôi một chút nước tàu vị yểu trong bánh mì đặng tôi ăn chơi chú.

Chú chệt cùn quằn, song chú cũng chế nước tàu vị yểu vào hai khúc bánh mì.

Thằng Quì lại dựa lưng vào cây cột đèn khí mà ăn. Thằng Hồi ăn hết mì, húp cạn nước rồi nó bưng tô mà trả.

Chú chệt lau tô, lau đũa, rồi kề vai gánh mì đi, tay nhịp hai miếng cây kêu lắc cắc cụp. Thằng Hồi lấy vạt áo lau miệng, rồi day lại thấy thằng Quì đương mở gói giấy lấy thịt mà ăn với bánh mì, thì nó hỏi rằng:

- Thịt đâu mầy mua mà ăn đó?

- Thịt tao thộp của thằng chệt mì hồi nãy.

- Mầy thộp hồi nào? Sao tao không thấy?

- Hồi nó mắc lăng xăng lo vớt mì, ở đàng nầy tao thỉnh một nắm, ăn với bánh mì sướng quá. Nó còn chế nước tàu vị yểu dùm cho tao nữa, mới thiệt là khỏe chớ!

- Mầy hay quá! Tao không thấy chút nào hết.

- Làm bậy ăn chơi vậy mà, để nó bán dư rồi nó đổ cũng vậy.

- Mầy tưởng đâu nó dại đa. Nó bán dư thì nó ăn, chớ cái gì lại đổ.

- Thằng chệt làm thịt ngon quá. Nó nấu mì ngon hôn mậy?

- Ngon lắm.

- Bây giờ mầy còn đau thắt ruột nữa thôi?

- Hết rồi.

- Tao biết lắm! Hồi nãy tại mầy đói bụng nên nó làm như vậy, chớ có phải đau đâu. Bây giờ mầy khỏe hay chưa?

- Khỏe .

- Tao ăn hết ổ bánh mì nầy rồi, tao cũng khỏe. Mầy còn đói hôn?

- Hết đói rồi.

- Tưởng còn đói thì ăn thêm một miếng bánh mì đây.

- Không, tao no nốc rồi. Để cho mầy ăn.

- Tao mua có tiền xu mà ổ bánh mì lớn quá. Trong nầy bánh mì bán rẻ hơn ngoài Đất Hộ.

- Ăn rồi đây mình đi đâu mậy?

- Ăn rồi thì ngủ, chớ khuya rồi mà còn đi đâu.

- Chỗ đâu mình ngủ?

- Mầy khéo lo dữ hôn! Phố đầy hai bên đó, muốn ngủ căn nào lại hổng được.

- Biết họ có cho hay không?

- Ai biểu mầy hỏi làm chi, mà họ không cho. Cứ vô ngủ nhầu thôi mà.

- Ngủ bậy họ đuổi chớ.

- Họ đóng cửa họ ngủ rồi, mình ngủ đàng trước họ có hay đâu mà đuổi. Chừng sáng họ hay họ đuổi thì mình ngủ rồi, có cần ở đó nữa làm gì.

Thằng Hồi gật đầu cười. Thằng Quì ăn bánh mì thịt rồi nó đứng dậy mà nói rằng:

- Bây giờ đi kiếm nước uống rồi ngủ nè.

Hai đứa dắt nhau lại góc đường lấy nước phông tên mà uống và rửa tay rửa mặt. Uống nước rồi chúng nó đi lần theo đường Cây Mai, thấy có một dãy phố lầu năm căn đều đóng cửa ngủ hết, mà căn đầu lại có treo một bức sáo kín mít. Thằng Quì giở bức sáo chun vô, thấy có một bộ ván nhỏ thì mừng, nên ngoắc thằng Hồi vô theo.

Hai đứa nó len lên bộ ván mà nằm, lóng tai nghe thì trong nhà im lìm, song có tiếng giầy đi qua đi lại trên lầu.

Thằng Hồi nói nho nhỏ rằng:

- Họ còn thức mầy à.

Thằng Quì xô nó một cái mạnh và nói rằng:

- Ngủ đi, đừng có nói chớ.

Hai đứa nằm nín khe một lát rồi ngủ khò.

Căn nhà nầy là căn nhà của Cẩm Vân, mẹ đẻ của thằng Hồi. Trong lúc hai đứa vô đó thì Cẩm Vân còn thức ở trên lầu.

Trót năm năm nay, không có giây phút nào nàng quên con được. Tuy nàng ăn ngủ như thường, không lộ sắc thương nhớ con cho người nhà biết, song nàng nằm chỗ nào hay là ngồi chỗ nào cũng thấy hình dạng con phất phơ trước mắt, nàng cũng nghe tiếng nói của con văng vẳng bên tai hoài. Nàng cấm tuyệt chồng không cho tới nhà, ấy là muốn chồng ra công tìm kiếm con mà trả cho nàng; nàng hay dạo chơi, khi ra Sài Gòn, khi rảo khắp mấy nẻo đường trong Chợ Lớn, ấy là cố ý đi coi may có gặp con hay không. Nàng trông đợi tìm kiếm con lâu quá rồi mà không được, bởi vậy lần lần rồi nàng thối chí ngã lòng hết trông gặp con nữa.

Tối bữa nay, khi đồng hồ gõ 9 giờ, cô Ba Hài biểu con Ngó là đứa ở, đóng cửa rồi giăng mùng cho cô ngủ, thì Cẩm Vân đi lên lầu, nàng cũng tính ngủ phứt cho rồi. Thường bữa hễ đến giờ đó thì nàng ngủ, chẳng hiểu vì cớ nào đêm nay nàng lại xốn xang trong lòng, nên trăn trở hoài không ngủ được. Nàng thương nhớ con hết sức, nhớ tới bàn tay bàn chơn, nhớ tới cái trán, cái mặt, nhớ tới tướng đi, tướng đứng, nhớ tới giọng nói, giọng cười, nhứt là nàng nhớ trên đầu nó, phía sau cái sọ có một cái bớt son bằng hai ngón tay, còn dựa hai bên cạnh tai lại có hai lỗ nhỏ. Nàng nhớ con bao nhiêu thì nàng cũng phiền chồng bấy nhiêu, nàng phiền đến nỗi tóc của nàng năm nay đã dài rồi mà nàng muốn cạo nữa.

Cẩm Vân nhớ con, giận chồng, ngủ không được, nàng đi qua đi lại trên lầu, nên thằng Hồi mới nghe tiếng giầy đó.

Nàng đi cho tới đồng hồ gõ 12 giờ, nàng khát nước, bèn xuống tầng dưới vặn đèn khí lên rồi rót nước trà mà uống. Uống nước rồi, nàng cũng chưa chịu đi ngủ. Nàng ra bộ ghế giữa ngồi chơi. Có cái hình nàng chụp với con hồi năm trước, nàng mới vói tay lấy hình mà nhìn. Nàng coi hình mà nàng rưng rưng nước mắt. Nàng ngồi đó cho đến gần một giờ nàng mới chịu trở lên lầu.

Tạo hóa trớ trêu! Mẹ thương nhớ con, con quyết tìm mẹ. Trót năm năm mẹ con lìa nhau. Hôm nay xui khiến cho con vào nhà mẹ rồi, mẹ con cách nhau có một cái cửa mà thôi, sao lại không khiến luôn cho mẹ mở cửa bước ra, đặng mẹ con nhìn nhau, cho mẹ hết cơn sầu thảm, cho con hết khổ tấm thân? Làm chi cho ra nông nỗi xa rồi lại gần, mà gần rồi lại còn xa nữa? Hay là số mạng của mẹ con nàng Cẩm Vân mãn đời có khi gần nhau mà không gặp nhau được, nên trời đất mới cắc cớ làm như vậy chăng?

Thằng Hồi nằm ngoài cửa, nó không dè mẹ nó vì nó mà chau mày rơi lụy, nát ruột, bầm gan ở trong nầy. Nó ôm chặt thằng Quì mà ngủ. Hai đứa nó ngủ cho đến sáng.

Con Ngó thức dậy mở cửa ra quét nhà, còn cô Ba Hài với Cẩm Vân còn ngủ hết.

Nó bước ra ngó thấy thằng Hồi với thằng Quì nằm ngủ trên ván, nó không biết con nhà ai ở đâu vô đó, nó mới trở cán chổi thọc hai đứa thức dậy rồi hỏi rằng:

- Bây ở đâu, sao dám lén vô đây mà ngủ như vậy hử? Phải đi cho mau, không thì tao khệnh cho một cây chổi chết bây giờ.

Thằng Quì ngồi dậy, hai tay dụi con mắt, còn thằng Hồi cứ nằm ngửa trên ván mà vun vai, rồi khuynh tay khuynh chưn và ngó con Ngó mà hỏi rằng:

- Chị nói giống gì?

Con Ngó nổi giận đáp rằng:

- Đuổi bây đi, chớ nói giống gì.

Thằng Quì ríu ríu bước ra ngoài đường. Thằng Hồi thủng thẳng ngồi dậy, một tay gãi đầu hai ba cái rồi ngó con nọ và cười và nói rằng:

- Ngủ ngon quá, chị kêu làm lộn xộn mất giấc ngủ.

- Cha chả! Mầy bắt lỗi tao phải hôn? Muốn ngủ ngon thì về nhà mầy mà ngủ chớ.

- Nhà đâu bây giờ mà về?

- Không có nhà thì ra ngoài chớ.

- Lính bắt.

- Bắt thì chịu, chớ nói với ai?

- Ngủ bộ ván nầy mát quá. Phải mỗi đêm chị cho hai đứa tôi ngủ nhờ ở đây hoài thì sướng lắm.

- Khéo nói hôn! Ai sắm ván để cho bây ngủ hay sao? Thôi đừng có nói nhiều, đi đi đặng cho ta quét ván.

Con Ngó nói dứt lời rồi nắm cánh tay thằng nọ mà xô ra đường. Thằng Hồi giở bức sáo chun ra, miệng chúm chím cười.

Nó ra tới đường rồi day mặt trở vô mà ngó chừng lên lầu một cái rồi mới đi theo thằng Quì.

CHƯƠNG 13 - PHONG TRẦN DẠN MẶT

T

hằng Quì dắt thằng Hồi đi lại phông-tên, chen lấn với mấy con xẩm gánh nước mà rửa mặt gội đầu, rồi thủng thẳng đi lên phía Chùa Bà, mặt hớn hở, trí không lo chi hết.

Hai đứa nó lần lần lên Chợ Cũ, đứng coi đàn bà chen với khách trú, kẻ mua cá, người mua khô, quẹo qua hàng rau, thấy bán bánh bò, mua mỗi đứa một miếng mà ăn ngổm ngoảm, rồi đi thẳng xuống mé sông, thấy ghe chài, ghe củi đậu dầy đặt thì thấy làm lạ, nên đứng lại ngó hoài.

Cách một lát, có tiếng súp-lê thổi oét oét, thằng Hồi vừa nghe thì nói với thằng Quì rằng:

- Ý! Xe lửa nào thổi tiếng in xe lửa ngoài Đất Hộ vậy mậy?

- Thì xe lửa Đất Hộ vô luôn trong nầy chớ sao.

- Ai nói với mầy đó? Tao tưởng không phải đâu, xe khác mà. Xe chỗ nào, chạy chỗ nấy chớ.

- Mầy cãi hoài! Xe Gò Vấp nó ra Đất Hộ, xuống Bến Thành rồi chạy thẳng vô Chợ Lớn, chớ xe nào đâu mà khác.

- Vậy hay sao? Đâu lại đó coi chơi.

Hai đứa nắm tay nhau đi riết lại nhà ga. Khi hai đứa nó tới thì xe lửa rút mà chạy ra Sài Gòn. Thằng Hồi đứng ngó theo và nói rằng:

- Mầy nói giỏi quá! Phải rồi, xe lửa Đất Hộ vô tới trong nầy mà. Vậy mà tao không ngờ chớ. Phải mình có tiền đi xe nầy về Đất Hộ chơi được đã, mầy nha?

Thằng Quì xụ mặt xuống đáp rằng:

- Còn về làm gì nữa, mậy?

Thằng Quì bước vào nhà ga rồi lại băng ngồi dựa lưng trong vách tường. Thằng Hồi đứng chơi trước ga một lát rồi cũng vô ngồi một bên đó. Hồi chúng nó mới lại thì trong nhà ga trống trơn, không có một người nào hết, mà lần lần một lát cứ vô thêm một vài người, trong 15 phút đồng hồ thì trong nhà ga đã đông nứt.

Có một người đàn ông bước vô ga rồi ngồi một bên chúng nó. Người ấy tuổi lối 50, y phục coi quê mùa, áo quảng đông lụa tám công, quần lãnh đen mới, đầu trần mà có đầu tóc, tay cầm một cây dù may vải đen, chơn mang một đôi giầy hàm ếch da láng, râu le the mấy sợi, miệng ngậm trầu bô bô.

Lúc ấy thằng chệt bán lẻng kẻng cũng gánh một gánh trái cây rim đường đem vô nhà ga.

Thằng Quì day lại hỏi thằng Hồi rằng:

- Mầy muốn ăn lẻng kẻng hôn?

- Sao lại không muốn, mà điều ăn tốn vô ích.

- Mầy muốn ăn thì ăn, chớ sợ nỗi gì.

- Còn hai cắc mấy, phải để dành mua cơm mà ăn, mình ăn bánh bậy hết tiền rồi nhịn đói chết.

- Còn hai cắc mốt. Thôi để tao mua một đồng xu rồi hai đứa mình chia nhau mà ăn chơi.

Thằng Hồi gật đầu. Thằng Quì đi mua một đồng xu được hai trái táo, nó đem lại chia cho thằng Hồi một trái, nó một trái, hai đứa ngồi ăn coi bộ ngon lắm, mà sợ hết, nên cắn nhín từ miếng nhỏ, chớ không dám ngốn hết.

Người mặc đồ quê mùa ngồi một bên đó, ngó thấy như vậy, bèn lấy ra một cắc bạc đưa cho thằng Quì mà nói rằng:

- Qua cho em một cắc đây em, lại mua hết rồi hai đứa ăn với nhau.

Thằng Quì co tay không chịu lấy. Người ấy mới đưa cắc bạc cho thằng Hồi. Thằng Hồi cũng thụt tay lắc đầu và nói rằng:

- Không. Tôi không lấy đâu.

- Qua cho mà.

- Không. Tôi có làm việc gì mà cho ông đâu, mà ông cho tiền.

- Qua thấy hai em muốn ăn bánh mà không có tiền nên qua cho, chớ làm việc gì.

- Không. Ông cất đi. Thằng Quì còn tiền kia.

Người ấy cười rồi bỏ cắc bạc vô túi. Có một đứa nhỏ chừng 12, 13 tuổi, hai tay ôm chồng sách, truyện bìa xanh, đỏ, vàng, trắng đủ màu, đi lại đứng trước mặt người ấy mà nói rằng:

- Ông mua thơ truyện đây mà coi ông, tôi có bán đủ thứ hết. Ông mua thứ nào ông lựa đi, rồi tôi bán rẻ cho.

Người ấy lắc đầu. Thằng nhỏ ôm đi mời người khác. Thằng Hồi với thằng Quì ngồi ngó theo, miệng chúm chím cười.

Xe lửa gần lại, thầy xếp ga mở cửa bán giấy. Ai nấy áp lại chen nhau mà mua. Người mặc đồ theo nhà quê hồi nãy đó cầm cắc bạc bước lại tính mua giấy, mà thấy nhiều người dành nhau, nên ông ta đứng xa xa mà ngó, không chịu chen lấn với họ. Xe lửa thổi súp-lê vang rân, người ta lại càng lấn nhau hơn nữa. Thằng Quì thấy người nhà quê đứng ngơ ngáo mua giấy không được, nó bèn bước lại nói rằng:

- Ông đi đâu? Ông đưa tiền tôi mua giấy cho.

Người ấy liền nói rằng:

- Ờ được. Em mua cho qua một cái vé đi cầu Ông Lãnh.

Thằng Quì lấy cắc bạc rồi a vô lấn mà mua.

Xe lửa vừa tới thì nó trở ra đưa cho người nhà quê một cái giấy với năm đồng xu.

Người ấy lấy cái giấy, chớ không chịu lấy xu, lại bỏ thêm trong tay thằng Quì một tấm giấy bạc một đồng và nói rằng:

- Qua cho em năm xu đó với cho thêm một đồng bạc nữa đây, em lấy mua bánh mà ăn.

Thằng Quì chưng hửng, chưa kịp chối từ thì người ấy đã bỏ đi ra và leo tuốt lên xe lửa. Nó day lạy kêu thằng Hồi mà nói rằng:

- Hồi, ông đó cho tao một đồng bạc lận mầy à.

Thằng Hồi chạy lại hỏi rằng:

- Đâu nà?

- Đây nè.

- Mầy mua dùm giấy xe lửa cho ổng, ổng trả tiền công chớ gì.

- Tiền công gì mà nhiều dữ vậy.

- Ủa! Người ta có tiền nhiều, người ta muốn trả bao nhiêu tự ý người ta, mầy cản sao được.

- Họ trả tiền công thì mình lấy, sợ cái gì, có phải mình xin họ đâu, phải hôn?

- Thây kệ, lấy đi.

- Bây giờ mầy xuất năm đồng xu lẻ, mình mua lẻng kẻng ăn chơi nè.

Hai đứa nó kêu chú chệt lẻng kẻng lại mà mua lẻng kẻng năm xu, rồi cũng lại chỗ hồi nãy đó mà ngồi ăn. Thằng Hồi nhai nhóc nhách và cười rằng:

- Mình ở đây lãnh mua giấy xe lửa cho họ, nếu họ cho tiền như vậy chắc một tháng mình làm giàu.

- Mầy tưởng ai cũng cho như ông nọ hết sao? Trời ơi, một đồng xu nhỏ họ cũng không lọi ra nữa a. Tao tưởng mình đi hết đất nầy cũng kiếm không được một người như ông già đó nữa.

- Mầy biết ông già ấy ở đâu hôn?

- Ai mà biết.

- Chớ phải mình biết nhà ổng, mình tới chơi, chắc ổng tử tế lắm há?

- Bộ ổng ở đâu dưới ruộng, chớ không phải ở đây.

Thằng Hồi ngó quanh quất trong nhà ga rồi nói rằng:

- Mình đi chơi rồi tối mình lại đây nằm mấy cái băng nầy mà ngủ chắc là mát lắm.

- Ngủ đây sao được. Lính bắt bỏ bót chớ.

- Ờ, mấy ông lính khó quá.

Thằng nhỏ bán sách hồi nãy nó trở vô nhà ga, lại để chồng sách dựa bên thằng Hồi rồi ngồi móc tiền trong túi ra mà điếm. Thằng Hồi đợi nó đếm tiền rồi mới hỏi rằng:

- Mầy bán sách gì mà nhiều dữ vậy?.

- Truyện thơ chớ sách gì.

- Truyện là sao?

- Hỏi kỳ hôn! Truyện là truyện, chớ ai biết sao mà nói. Truyện là Phong Thần; Tây Du, Phản Đường, Tam Quốc, vậy chớ truyện là sao.

- Mầy bán một cuốn bao nhiêu?

- Mầy muốn mua hay sao mà hỏi?

- Không. Hỏi cho biết vậy thôi, chớ mua làm chi.

- Dốt đặc, không biết chữ a, chữ b mà hỏi truyện sách chớ.

Thằng nhỏ nói dứt lời rồi đứng dậy ôm chồng sách ngoe nguẩy bỏ ra đường. Thằng Hồi ngó theo và nói rằng:

- Thằng đó làm phách quá, nó khi mình dốt chớ.

Thằng Quì cười mà nói rằng:

- Tại cha mẹ mình không cho mình học, mình dốt nó nói mình dốt chớ sao.

- Tao kiếm được ba má tao rồi tao biểu ba má tao cho tao đi học. Tao học giỏi rồi tao kiếm thằng đó tao xài nó chơi.

- Thôi, chừng học giỏi rồi sẽ hay, bây giờ mình đi chơi nè.

Thằng Quì đứng dậy nắm tay thằng Hồi mà kéo đi, thằng Hồi đi theo mà cứ lẩm bẩm về sự chúng khinh khi nó dốt đó hoài.

Hai đứa nó đi đường nầy qua đường kia, đến trưa đói bụng, gặp một người đàn bà ngồi dựa gốc me mà bán cơm với cà ri, mới ngồi xề xuống rồi mua hai dĩa, mỗi dĩa một cắc, mà ăn với nhau. Thằng Quì móc tiền mà trả rồi còn chẳn chòi có một đồng bạc của người ta cho đó mà thôi. Đến chiều nó đổi đồng bạc ra mua hai ổ bánh mì, mỗi ổ ba xu mà ăn nữa, rồi tính đi kiếm cái căn nhà hồi hôm đó đặng lén vô mà ngủ nữa.

Chúng nó đi tầm ruồng, không biết ở đường nào mà kiếm, còn mấy căn nhà khác thì cửa sát lề đường không thể ngủ được, bởi vậy chúng nó đi hoài, đi đến 10 giờ khuya, gặp nhà ga xe lửa Mỹ Tho, mới dắt nhau vô đó ngồi nghỉ ngơi chơn. Thằng Hồi ngáp và nói rằng:

- Ở đây coi bộ khó quá.

- Khó cái gì?

- Lính nhiều chuyện, nên khó kiếm chỗ ngủ lắm.

- Tại mình không có nhà cửa, nên phải chịu như vậy, chớ biết làm sao bây giờ.

- Tao muốn đi chỗ khác.

- Đi đâu?

- Đi đâu cũng được, miễn là có chỗ ăn chỗ ngủ, chớ tối ngày sáng đêm như vậy hoài, mỏi chưn lại buồn ngủ quá.

- Ở đây vui chớ.

- Phải. Ở đây vui thiệt, ngặt có cái ban đêm không có chỗ ngủ. Mà mình còn mấy cắc bạc, ăn hết rồi làm sao.

- Còn tới chín cắc tư lận mà.

- Mình ăn cơm, ăn bánh mì, mỗi ngày gần ba cắc bạc. Chín cắc tư đó, giỏi lắm ba bốn bữa thì hết chớ gì.

- Hết thì mình đi kiếm cái khác.

- Làm sao mà kiếm? Tao coi ở đây khó kiếm tiền lắm. Phải ra Sài Gòn lượm banh mới có tiền.

- Ra Sài Gòn rủi gặp tía má tao rồi làm sao?

Hai đứa nhỏ vừa nói tới đó, kế có một cái chú lính bước vô thấy đứa nằm nghiêng, đứa nằm ngửa trên một cái băng, thì hỏi rằng:

- Hai đứa nhỏ làm cái gì mà nằm đó hử?

Hai đứa lật đật ngồi dậy gọn gàng. Thằng Hồi nói rằng:

- Nằm chơi mà.

Chú lính nạt rằng:

- Chơi cái gì mà chừng nầy nè? Đi cho mau, a lê!

Chú và nói và đưa cái roi mây cầm trong tay lên mà quất. Hai đứa sợ roi, nên lật đật tránh mà chạy ra ngoài đường, tuy vậy mà ngọn roi cũng phớt đít thằng Quì mát rượi.

Cái thân của hai đứa nhỏ thiệt là cùng khổ, không có cơm mà ăn, không có nhà mà ở, nên trong nhà ga chỗ lúc ban đêm bỏ trống không cần dùng chi hết, mà lính cũng rượt đánh, không chịu cho nằm. Nhưng vì sự an thân của con nít khác, theo ý chúng nó, thì là khổ thân; bởi vậy hổm nay chúng nó không lấy sự không ăn cơm, không nhà ngủ đó mà làm buồn; chúng nó bị lính rượt chạy ra ngoài đường rồi ngó vào mà cười ngất.

- Chú lính đó làm phách quá, mầy há?

- Lính thì vậy chớ sao.

- Nó quất trúng mầy hôn?

- Không. Phớt sau đít mà không trúng.

- Tao nghe một cái trót, tao tưởng nó trúng mầy rồi chớ. Bây giờ đi đâu mậy?

- Đi bậy theo đường rầy xe lửa nầy chơi, đi thử coi nó đi đâu.

- Chắc đi Sài Gòn chớ gì?

- Không phải đâu. Đi xe Sài Gòn chạy dựa mé sông mà, mầy không nhớ hay sao? Ở đây đâu có sông, chắc là xe đi Biên Hoà.

Mặt trăng đã mọc lên khỏi nóc nhà, dòm trên trời sáng quắc.

Hai đứa nhỏ nắm tay nhau cứ đi tới hoài.

Bên tay mặt đường rầy lót thẳng băng. Bên tay trái nhà cửa lần lần coi thưa thớt.

Hai đứa nhỏ đi một hồi lâu hết nhà người ta ở, ngó hai bên đường chỉ thấy trăng rọi đồng ruộng minh mông.

Thằng Hồi đứng lại nói rằng:

- Ý! Hết nhà họ rồi, bây giờ mình đi đâu nữa? Đi bậy đây ma giấu chết.

- Ma đâu đây mầy nà. Thây kệ, đi đại coi xe lửa đi đâu mà.

- Không được đâu mầy à. Không có nhà ai hết mà đi giống gì.

- Có nhà mà làm giống gì mậy. Nhà thì họ ngủ, chớ mình được ngủ hay sao? Tao tưởng mầy đi ngoài đồng còn tốt hơn.

- Tự ý mầy, muốn đi thì đi. Ma có giấu thì nó giấu hết hai đứa, chớ có giấu gì một mình tao hay sao mà tao sợ.

Trăng trên trời sáng rỡ, đường trước mặt thẳng băng, ruộng hai bên minh mông, đêm thâm canh vắng vẻ.

Hai đứa nhỏ thì buồn ngủ, phần thì mỏi chơn, phần thì sợ ma, phần thì đói bụng, nên cúi mặt xuống mà đi, ít nói chuyện nữa. Chúng nó đi một khúc thiệt là xa, rồi ngó thấy trước mặt, có xóm nhà người ta ở. Thằng Hồi mừng bèn nói rằng:

- Tới xóm nầy ghé ngủ nghe hôn mậy. Thây kệ, nhà nào cũng được, vô cửa nằm ngủ nhầu, buồn ngủ quá.

Hai đứa nhỏ vừa tới xóm, ngó thấy nhà ga trống rỗng. Thằng Quì rủ thằng Hồi vô đó ngủ, Thằng Hồi hỏi rằng:

- Lính đánh hôn?

- Lính đâu xuống tới đây.

- Thây kệ, chừng nào nó đánh sẽ hay. Buồn ngủ quá, đi đâu nữa được.

Hai đứa nhỏ dắt nhau vô nhà ga, không thấy bàn ghế chi hết, bèn nằm đại xuống gạch mà ngủ.

Chúng nó vừa mới nhắm mắt thì ngủ liền.

Trời sáng bét rồi mà hai đứa nhỏ còn đeo nhau ngủ ngon lắm. Thình lình có người hất đít chúng nó mỗi đứa mỗi cái. Đó là thầy xếp ga mở cửa sửa soạn bán giấy, thấy hai đứa nhỏ nằm đấy không biết là con nhà ai, nên kêu chúng nó dậy. Chúng nó lồm cồm đứng dậy, dụi con mắt. Thầy xếp ga hỏi rằng:

- Bây ở đâu lại ngủ đây.

Hai đứa không trả lời. Thằng Hồi lại hỏi thầy nọ rằng:

- Đường xe lửa nầy đi đâu hả anh há?

- Tao là anh mầy hay sao? Đi cho mau, con heo. Thằng Hồi không hiểu thầy bắt lỗi, nó nghe lời thầy mắng lại thấy bộ thầy giận thì sợ, nên lật đật đi ra ngoài đường. Thằng Quì cũng đi theo. Ra đến lộ, chúng nó gặp một ông già, cặp cây dù trong nách, đương ngồi chồm hổm mà hút thuốc. Thằng Hồi men lại hỏi ông rằng:

- Xe lửa ở đây đi đâu vậy ông?

- Đi xuống dưới nầy là đi Tân An, Mỹ Tho, còn đi lên phía tay nầy là đi Chợ Lớn, Sài Gòn, chớ đi đâu.

- Té ra đường xe lửa đi Mỹ Tho mà; vậy mà thằng Quì nói đường xe lửa Biên Hoà chớ.

Thằng Hồi liền kêu thằng Quì mà nói rằng:

- Quì! Hồi hôm mầy nói bậy. Đường nầy đi Mỹ Tho mà.

- Vậy hay sao? Nè, hồi đó tao nghe anh Kim nói chuyện với tía tao, ảnh nói Mỹ Tho vui lắm. Đi xuống dưới chơi.

- Đi thì đi.

Thằng Quì hỏi ông già rằng:

- Cứ đi thẳng đường nầy hoài thì xuống Mỹ Tho được phải hôn ông?

-Ừ, bây có đi thì đi xe lửa, chớ đi bộ được hay sao mà hỏi.

- Sao đi bộ không được?.

- Xa lắm chớ sao.

- Xa chừng đây đi Sài Gòn hôn?

- Dễ hôn! Xa lắm. Xa bằng năm bằng bảy lận chớ.

- Đi chừng mấy bữa tới!

- Ai có đi bộ đâu mà biết.

- Dọc đường có nhà họ ở hôn ông?

- Sao lại không có.

Thằng Quì day lại hỏi thằng Hồi rằng:

- Đi mầy, Hồi. Thây kệ, xa thì xa, có nhà họ ở mà sợ giống gì.

Thằng Hồi dục dặc nói rằng:

- Đi bây giờ rồi cơm đâu mà ăn, tao đói bụng rồi đa.

Thằng Quì cười và đáp rằng:

- Mầy cứ đói bụng hoài. Đi rồi tao kiếm cơm mua cho mầy ăn.

Hai đứa nhỏ cặp tay nhau mà đi liền, đường xa lối sáu chục ngàn thước tây, mà chúng nó không lo sợ, bộ hân hoan cũng như ở Đất Hộ dắt nhau xuống chợ Bến Thành mà chơi vậy.

CHƯƠNG 14 - MAY GẶP VIỆC MAY

N

gủ hơn nửa đêm, tuy bụng đói chút đỉnh, song thân thể đã khoẻ khoắn.

Sớm mơi trời mát, gặp người ta đi đường thường, nên thằng Quì với thằng Hồi đi mạnh dạn, hay nói chuyện.

Chúng nó đi một hồi, trời nắng lên, lưng rịn mồ hôi, bụng rục rịch đói, cổ lại khát nước, nên chúng nó hết cười, ít nói.

Đến cầu Chợ Đệm, thằng Quì nói rằng:

- Thế nào cũng phải kiếm cơm mua ăn, rồi đi nữa mới nổi.

Thắng Hồi nghe như vậy liền nói rằng:

- Tao cũng đói quá, mà đây có ai bán cơm đâu mà mua.

- Mình coi nhà nào mình vô đại rồi hỏi mà mua; nhưng họ không có thì họ nấu họ bán cho mình chớ gì.

- Họ không bán cơm, mình hỏi bậy bạ họ rầy chớ.

- Bán hay là không bán thì thôi, chớ rầy ai mậy.

- Bây giờ có cơm, dầu ăn lạt, không có cá thịt chi hết tao ăn chắc cũng được tới năm chén.

- Mầy nói phách, chớ ăn giống gì cho hết.

- Tao nói thiệt a. Tao đói bụng lắm, mầy mua thử coi tao ăn hết hôn.

Hai đứa nhỏ đương cãi với nhau, bỗng thấy có một cái quán bên đường, trước cửa có buồng dừa xiêm, trên có để kẹo, cốm, thuốc, giấy, đường tán, hột quẹt, trên nữa lại có treo năm nải chuối sứ.

Chúng nó ghé vô, thấy có một bà già mặc quần vải đen, áo khỉ mà cũng bằng vải đen, đương ngồi dưới đất lột chuối phơi khô. Thằng Quì nói lớn rằng:

- Bà ơi, bà làm ơn bán cho hai đứa cháu một cắc cơm ăn được hôn, bà?

Bà già giựt mình ngó ra thấy hai đứa nhỏ đứng ngoài cửa thì cười mà nói rằng:

- Bây ở đâu mà lại đây mua cơm?

Thằng Quì đáp rằng:

- Hai đứa tôi ở Sài Gòn đi Mỹ Tho, lỡ đường đói bụng quá, bà.

- Bây đi bộ hay sao?

- Đi bộ.

- Dữ hôn! Mẹ ôi! Bây đi sao cho nổi?

- Nổi chớ.

- Bây là con của ai, đi đâu vậy?

- Hai đứa tôi không có cha mẹ chi hết, nên đi kiếm công việc làm ăn.

- Mới bây lớn mà làm ăn nỗi gì!

Thằng Hồi đói bụng quá, mà bà già hỏi vòng vo thì nó chịu không được, nên bước vô trong và nói rằng:

- Hai đứa tôi đói bụng quá, bà. Bà có cơm làm ơn bán dùm mau mau. Tôi không cần gì đồ ăn, có cơm không cũng được.

- Quán tao bán dừa chuối, kẹo cốm, chớ có cơm cháo gì đâu.

- Như không có cơm sẵn thì bà nấu rồi bán cũng được mà.

- Ai mà bán kỳ cục vậy mà, để tao coi cơm còn nhiều hay ít tao cho mà ăn, chớ bán giống gì.

Bà già chau mày đứng dậy bỏ đi vô đằng sau bếp.

Hai đứa nhỏ ngó nhau mà cười. Thằng Quì nói nhỏ rằng:

- Có cơm không cũng được, mình mua ít trái chuối, ăn với cơm cũng sướng lắm chớ. Hồi đó tới bây giờ mầy có ăn cơm với chuối lần nào chưa?

Thằng Hồi lắc đầu. Bà già bưng một cái nồi bước ra, rồi nghiêng nồi cho hai đứa nhỏ coi và nói rằng:

- May quá, hồi sớm mơi nó nấu nhiều nên cơm còn dư bộn đây. Để tao lấy chén đũa cho mà ăn.

Bà già để cái nồi trên ván, rồi trở vô đằng sau nữa. Thằng Hồi bước lại dòm thì thấy cơm gần nửa nồi. Bà già trở ra tay cầm hai cái chén, hai đôi đũa, còn một tay bưng một cái ơ. Bà nói rằng :

- Còn có nửa khứa cá, bây ăn đỡ, có cái muỗng ở trong ơ, mầy múc nước cá đó chan cơm mà ăn.

Thằng Quì hỏi bà già vậy chớ chuối bà bán bao nhiêu một trái. Bà nói bà bán xu nhỏ hai trái. Nó biểu bà bẻ cho nó bốn trái. Bà già bẻ cho hai đứa bốn trái chuối rồi hai đứa nhỏ leo lên ván ngồi xúc cơm mà ăn. Hai đứa nó ăn cơm với chuối, ăn vài miếng thì lấy muỗng múc nước cá mà húp một cái cho mặn, cơm nguội lạnh, đồ ăn không có, mà vì chúng nó đói bụng nên ăn ngon lắm. Mỗi đứa ăn được hai chén thì hết cơm. Bà già múc nước cho chúng nó uống rồi bưng nồi cơm và ơ, chén đũa dẹp. Thằng Quì chạy lại dành bưng và nói rằng:

- Bà để cho tôi đi rửa cho bà. Bà già cả, để tôi làm cho.

Bà già không cho không được, nên túng thế đi dẹp nồi, cất ơ, còn để chén đũa cho thằng Quì rửa.

Thằng Quì làm xong công việc rồi, nó trở ra ngoài hỏi bà già rằng:

- Bốn trái chuối hai đồng xu, còn cơm đó bà đòi tiền bao nhiêu, bà?

- Thôi trả tiền bốn trái chuối mà thôi. Cơm đó tao cho mầy ăn, chớ bán chác gì.

- Bà tử tế quá! Tôi chúc cho bà già sống tới ba trăm tuổi.

Bà già tức cười và nói rằng:

- Sống làm chi mà lâu dữ vậy?

Thằng Quì móc trong lưng lấy ra hai đồng xu trả cho bà già và nói rằng:

- Hai đứa tôi cảm ơn bà quá. Thưa bà tôi đi.

Thằng Hồi thấy Thằng Quì xá bà già, nó cũng chấp tay cúi đầu mà xá bà già rồi hai đứa bước ra đi.

Bà già đó ngó theo mà nói rằng:

- Trời nắng chang chang mà hai đứa nó đi không có giống gì đội trên đầu hết chớ!

Hai đứa nhỏ day lại mà cười rồi đi tuốt.

Đường tuy xa, song mình không biết nó xa là bao nhiêu, lại không ai định hạn phải đi chừng nào cho tới; bởi vậy mình đi không biết ngán, mà cũng không mệt. Thằng Quì với thằng Hồi được no bụng rồi thì đi xăng xái, không còn lo chi nữa. Chúng nó đi tới Bình Chánh, thấy họ bán mía, mới mua mỗi đứa một khúc đem ra gốc me mà ăn. Ăn hết mía, bèn trở vô xin nước uống, ở lẩn quẩn lối xóm đó chơi đến xế rồi mới đi nữa.

Đến chiều hai đứa nó xuống tới ga xe lửa Gò Đen. Chúng nó đứng ngắm nghía, tính với nhau kiếm cơm mua ăn rồi ở đó mà ngủ, bỗng nghe gần bên đó có tiếng trống tan học. Thằng Hồi kéo thằng Quì lại đó mà coi học trò chơi.

Hai đứa nó đi ngang trường học thì thấy học trò ở trong trường sắp hàng đi ra, đứa thì đội nón, đứa thì cắp dù, mà đứa nào trong tay cũng có ôm sách vở. Thằng Hồi đứng nép bên đường mà coi học trò, nó đếm từng đứa, bộ nó vui vẻ lắm.

Một lúc sau, thằng Hồi thấy có thầy giáo ra nữa, trong bụng nó kiêng sợ, nên càng đứng nép vô trong xa. Thầy giáo và học trò đi khỏi rồi, thằng Hồi mới nói với thằng Quì rằng:

- Một trăm mười hai đứa học trò.

- Mầy có đếm hay sao?

- Có. Tao muốn học quá mậy.

- Trời ơi! Mầy khéo nói dữ hôn! Không có cơm mà ăn làm sao mà học.

- Mầy không nhớ thằng nhỏ bán sách khi mình dốt hay sao? Tao muốn học cho giỏi, đặng tao kiếm nó, tao xài nó chơi.

- Mầy muốn chuyện khó quá. Thôi để đi kiếm cơm mà ăn đỡ, đói bụng rồi.

Hai đứa nhỏ trở lại ga xe lửa. Người ta đứng chờ xe, nên kẻ qua người lại trước ga có vài chục người, lại có một đứa con gái ngồi bán dừa xiêm với bánh mì. Thằng Quì bàn tính với thằng Hồi rồi bước lại mua một cắc được hai ổ bánh mì nhỏ, theo trên Chợ Lớn mỗi ổ đáng chừng ba xu. Chúng nó chia nhau, mỗi đứa một ổ rồi ngồi bẹp xuống đất mà ăn.

Xe lửa Sài Gòn xuống đậu rồi chạy đi, cách một lát xe lửa Mỹ Tho cũng lên đậu rồi chạy đi nữa. Thằng Quì với thằng Hồi ngồi ăn bánh mì coi xe qua lại chơi, thì lấy làm đắc ý lắm. Xe qua hết rồi, người ta cũng đi hết, trong nhà ga trống trơn, duy có hai vợ chồng thầy xếp ga đương ngồi bên nhà ăn cơm mà thôi.

Thằng Quì với thằng Hồi đi thơ thẩn ngoài đường đến chạng vạng tối mới rủ nhau vô coi trường học chơi. Hai đứa đứng ngoài cửa đương kiếm lỗ mà dòm vô mấy lớp học, thình lình có tiếng người ở sau lưng chúng nó hỏi lớn rằng:

- Bây dòm giống gì, muốn phá cửa vô ăn cắp đồ phải không?

Hai đứa nhỏ giựt mình dạy lại, ngó thấy một người cao lớn, tuổi trên bốn mươi, có đầu tóc mà không bịt khăn, bận áo xuyến dài, quần lãnh đen, dưới chân mang giầy đen trắng. Chúng nó đã có thấy người nầy đi với học trò hồi chiều, biết chắc là thầy giáo, nên chấp tay cúi đầu mà xá. Người ấy hỏi nữa rằng:

- Bây vô trường làm cái gì đây hử? Tao bắt bây tao đem giao cho làng giải bây ở tù cho bây biết chừng.

Thằng Quì sợ quá, nói không được. Thằng Hồi phải bước tới thưa rằng:

- Bẩm thầy, hai đứa tôi muốn học, nên vô coi trường chơi, chớ có ăn cắp cái giống gì đâu. Xin thầy tha, tội nghiệp.

Người ấy cười gằn và hỏi thằng Hồi rằng:

- Nhà bây ở đâu?

- Bẩm thầy, hai đứa tôi ở Sài Gòn.

- Ở trên Sài Gòn đi xuống đây làm gì?

- Bẩm thầy, hai đứa tôi đi Mỹ Tho.

- Khéo nói láo hôn! Đi Mỹ Tho mà ghé đây làm gì?

- Bẩm. Đi mới tới đây.

- Bây đi bằng gì mới tới đây?

- Bẩm. Đi bộ.

- Đi bộ xuống tới đây lận sao? Đi Mỹ Tho làm gì?

- Bẩm, đi kiếm chỗ làm ăn.

- Làm ăn cái gì thứ bây lớn đó! Cha mẹ bây cho đi như vậy hay sao?

- Bẩm thầy, hai đứa tôi không có cha mẹ.

Người ấy nghe nói như vậy đứng suy nghĩ rồi nói rằng:

- Bây đi theo lại đây cho tao hỏi một chút nữa.

Người ấy dắt hai đứa nhỏ đi lại căn nhà phía tay trái.

Người nầy là thầy giáo Bình, làm đốc học trường nầy. Thầy gốc ở Bà Chiểu, thuở nay dạy lớp nhứt trường tỉnh Gia Định. Năm ngoái lúc gần bãi trường thầy với quan Đốc học Tây có việc cãi lẽ với nhau: quan Đốc học nói một tiếng nặng nề, thầy không thể nhịn được nên sanh ra việc bất hoà, rồi hôm khai trường đầu năm nay, quan trên đổi thầy xuống làm Cai trường Gò Đen và dạy lớp nhứt.

Thầy giáo Bình có nhà cửa ở tại Bà Chiểu. Thầy xuống đây đã được hai tháng rồi, thầy có một mình còn vợ con đều để trên Bà Chiểu hết, đến chủ nhật thầy về thăm mà thôi. Thầy là cai trường nên được ở căn đầu.

Từ hôm thầy mới xuống, thầy có mướn một đứa ở 17, 18 tuổi ở đi chợ nấu cơm cho thầy ăn. Thầy cho mượn trước mười đồng bạc, mà cách mấy bữa rày nó bỏ thầy nó trốn, thầy kiếm mướn đứa khác mà mướn chưa được, nên phải đi ăn cơm quán đỡ nơi nhà cha mẹ của đứa học trò ở gần trường. Chiều bữa nay hồi tan học, thầy đi ăn cơm, nên chạng vạng mới về, thầy mới gặp thằng Quì với thằng Hồi đương dọ mọ dòm mấy lớp học đó.

Thầy dắt hai đứa nhỏ lại tới cửa rồi thầy rút chìa khoá trong túi ra mà mở cửa.

Thầy quẹt hộp quẹt đốt đèn rồi kêu hai đứa nó vô. Thằng Quì với thằng Hồi đứng khoanh tay dựa vào vách; thầy giáo Bình thay áo, mở giầy mà thầy liếc nhắm tướng mạo hai đứa nó hoài. Chừng thay đồ xong rồi thầy mới hỏi rằng:

- Hồi nãy bây nói bây không cha mẹ, vậy chớ bà con của bây cũng chết hay sao mà bây đi bậy đi bạ như vậy?

- Bẩm thầy không có bà con.

- Bây nói bây đi Mỹ Tho kiếm công việc làm ăn. Mới bây lớn mà làm giống gì được? Bây muốn ở đây với tao không?

Thằng Quì ngó thằng Hồi và dụ dự không biết trả lời làm sao. Thằng Hồi cười và đáp rằng:

- Bẩm thầy, như thầy cho ở thì hai đứa tôi ở. Mà đây rồi tôi học chữ được hôn thầy?

- Được, bây ở đây ban đêm có rảnh tao dạy dùm cho. Bây biết đọc sách hay chưa?

- Bẩm chưa. Thuở nay hai đứa tôi có học đâu.

- Bây muốn học lắm hay sao?

- Thưa, muốn lắm.

- Được. Thôi bây ở đây làm công chuyện cho tao, tao chỉ cho mà mua đồ, tao dạy cho mà nấu cơm. Hễ giờ nào rảnh thì qua trường mà học. Ban đêm tao dạy dùm cho nữa.

- Học chừng bao lâu rồi biết chữ thầy há?

- Thằng hỏi kỳ quá! Biết sao mà gọi rằng biết chữ, mậy. Học đến già sợ cũng chưa dám xưng là biết chữ a, mầy ạ.

- Trời ơi! Vậy thì sao được! Tôi thấy bầy trẻ nhỏ bằng tôi mà nó cũng biết chữ, mà sao thầy nói học gì đến già vậy. Tôi muốn biết chữ đặng coi chữ xem chơi vậy mà.

- Ờ, nếu mầy muốn coi truyện cho được thì dễ. Hễ mầy cần học thì chừng ba tháng, mầy đọc được hết thảy?

- Thiệt hôn thầy.

- Ai nói láo với mầy làm chi.

- Được, tôi chịu ở. Mà thầy phải cho hai đứa tôi ăn cơm chớ?

- Sao lại không cho. Có lẽ nào bây ở với tao rồi tao lại bỏ đói bây hay sao?

Thằng Hồi cười, thầy giáo hỏi tên tuổi từng đứa rồi sai thằng Quì bưng cái thau ra sau múc nước cho thầy rửa mặt, và biểu thằng Hồi lấy bàn chải mà chải đôi giầy cho thầy. Thằng Hồi thấy bộ thằng Quì không vui, nên cách một lát, hai đứa bước ra ngoài sân chơi, thằng Hồi mới vỗ vai thằng Quì mà nói rằng:

- Sướng rồi, tao ráng tao học cho biết chữ chơi. Sao tao coi bộ mầy không mừng vậy mậy?

- Tao muốn xuống Mỹ Tho chơi.

- Chơi cái gì? Mầy lo chơi hoài. Phải ở đây mà học cho biết chữ, đặng chừng mình lớn rồi mình làm ăn cho dễ chớ.

- Biết chữ làm gì? Không biết chữ lại làm ăn không được hay sao?

- Biết chữ mình làm thầy thông, thầy ký, không sướng hay sao?

- Mầy tưởng dễ a há!

- Mầy nghe lời tao mà ở học chơi, thủng thẳng để sau rồi sẽ đi. Lật đật làm gì mậy.

- Ở thì ở, mà điều tao sợ thầy giáo thầy nói gạt, thầy bắt mình làm công việc mà thầy không dạy chữ chớ.

- Thì mình ở thử ít bữa coi, như không xong thì mình dông.

- Được.

Thằng Hồi với thằng Quì gặp thầy giáo Bình thiệt là may mắn. Tuy thầy bắt hai đứa nó quét nhà, đi chợ, nấu cơm và làm các công việc lặt vặt trong nhà nhưng mà thầy cho cơm ăn, thầy cho chiếu ngủ, thầy mua bánh trái cho ăn thường, thầy mướn may áo quần cho mặc sạch sẽ. Mới ngày đầu mà thầy phát cho mỗi đứa một cuốn vần, hễ thấy làm công việc xong rồi thì thầy kêu qua lớp chót ngồi học. Ban đêm thầy lại dạy riêng cho nữa, mà thầy dạy ân cần chớ không phải dạy cho có chừng. Thằng Quì ban đầu muốn đi chớ không muốn ở, mà chừng nó thấy tánh ý thầy như vậy thì nó muốn ở, chớ hết muốn đi. Thằng Hồi trí sáng sủa hơn mà học cũng cần cố hơn, nên mới vừa hai tháng thì nó đã thuộc hết vần ngược và khởi sự tập đọc.Tuy thằng Quì chậm hơn, song ba tháng rồi hai đứa đều biết đọc, biết viết hết thảy.

Chúng nó ở được năm tháng, kế có giấy quan trên đổi thầy giáo Bình về dạy phụ trường Đa - kao. Thầy biểu chúng nó đi theo thầy. Chúng nó mến tình nên muốn đi theo thầy, ngặt vì về Đa kao, thằng Quì sợ gặp tía má nó nên nó với thằng Hồi không dám chịu. Đến bữa thầy hỏi hai đứa tính đi đâu, chúng nó không biết đi đâu mà nói, túng thế phải nhứt định đi Mỹ Tho. Thầy cho chúng nó ba đồng bạc rồi thầy trò dắt nhau ra ga xe lửa một lượt. Chuyến xe Mỹ Tho qua, thầy giáo Bình lên xe đi rồi, thì chuyến xe Sài Gòn xuống tới nữa, hai đứa nhỏ cũng mua giấy đi Mỹ Tho.

Nhờ thầy giáo có nói dùm với thầy xếp ga, nên hai đứa mua giấy phân nửa tiền và chừng lên xe trong lưng cũng còn được hai đồng tư.

Xuống tới Mỹ Tho, hai đứa dắt nhau đi dạo mấy nẻo đường chơi. Đi ngang qua tiệm bán sách, thằng Hồi thấy truyện sách để trong tủ, nó nhớ chuyện thằng nhỏ bán truyện khinh khi nó, nên nó muốn lãnh truyện sách, thơ tuồng, ôm đi bán như thằng nhỏ ấy vậy. Nó bàn tính với thằng Quì thì thằng Quì cũng chịu. Chủ tiệm sách cũng sẵn lòng giao truyện sách cho hai đứa đi bán.

Từ đây hai đứa nó được yên thân, ban ngày ôm truyện sách đi bán theo ga xe lửa và mấy bến tàu, mỗi bữa lời được năm bảy cắc đủ tiền nuôi miệng. Ban đêm chúng nó ngủ tại tiệm sách, khỏi trôi nổi bị lính đánh đuổi như hồi ở Chợ Lớn nữa.

CHƯƠNG 15 - KẺ CỐ Ý MUA CON

L

ữ Trọng Quí là một nhà tân học, tánh tình cang trực, khí sắc hiên ngang, hễ quyết làm việc chi thì làm đùa, hễ muốn nói điều chi thì nói đại, chớ không phải như mấy tay xảo quyệt, mỗi lời nói đều cân đo lợi hại, mỗi việc làm đều sắp đặt mưu kế. Nhưng vì thấy Chánh Tâm thất chí não lòng, mà lại nghĩ cái họa của Chánh Tâm đó bởi tại mình gây ra; bởi vậy chàng bỏ cái thói cang trực, và phải lo mưu mà cứu Chánh Tâm trước rồi sau sẽ lập thế mà làm cho cha con tương phùng, vợ chồng hòa hiệp.

Khi Trọng Quí dụng mỹ nhơn kế, thì chàng tính làm đỡ trong năm ba tháng cho Chánh Tâm bớt sầu bớt não, đặng cho chàng kiếm tìm Chánh Hội mà thôi, chẳng dè trót năm năm trường chàng làm đủ cách mà tìm Chánh Hội cũng chưa ra mối, chàng nói hết lời mà Cẩm Vân cũng chưa chịu tha lỗi cho chồng.

Tuy cái công của chàng không đặng kết quả, song cái kế của chàng ước mơ Lý Chánh Tâm nhờ cô Năm Đào khêu động ái tình, mà lại nhờ cô khéo an ủi nữa, nên tuy chàng không hết buồn về nỗi lìa vợ mất con, song chàng an lòng lay lất cho qua ngày tháng khỏi sầu não đến sanh bịnh.

Khi mãn tang mẹ rồi thì Chánh Tâm bằng lòng để Tòa chia gia tài cho cháu là Phùng Sanh một phần. Phần của Phùng Sanh mỗi năm thâu huê lợi chín ngàn giạ lúa thì cha nó là Phùng Xuân nhận lãnh. Còn phần của Chánh Tâm thì chàng giao cho vợ chồng Hương bộ Huỷnh cai quản, đặng chàng thong thả mà lo nỗi vợ con.

Việc nhà sắp đặt xong rồi, Chánh Tâm cứ qua ở miết bên nhà Trọng Quí.

Cái tình của chàng dan díu với cô Năm Đào ai cũng đều ngó thấy; hễ cô Năm Đào có về Trà Bang mà thăm nhà thì chàng buồn bực ngóng trông, ăn ngủ không được, làm cho Trọng Quí phải cho xe vô rước cô ra, thì chàng mới hết buồn.

Tuy cái tình của chàng như vậy, mà trong năm năm trường chàng gần gũi với cô, chàng quyến luyến cô, song chẳng hề chàng tỏ một lời nào gọi là trêu hoa ghẹo nguyệt. Có nhiều khi canh khuya trò chuyện, có nhiều lúc dưới nguyệt nhìn nhau, trai bát ngát lòng vàng, gái ngẩn ngơ dạ ngọc, sóng tình dồi dập, biển ái mênh mông, chàng không thể dằn lòng được, muốn mở miệng ép liễu nài hoa. Mà chàng vừa tính nói ra thì chàng liền thấy hình của nàng Cẩm Vân ở trước mắt chàng, khiến chàng áo não bâng khuâng, rồi bỏ đi chỗ khác hoặc nói lảng chuyện khác.

Còn cô Năm Đào, khi cô chịu lãnh trách nhậm giải sầu cho chàng Chánh Tâm thì cô đã ái ngại lắm rồi; đến chừng cô gần gũi trò chuyện với chàng thì cô càng xốn xang nhiều hơn nữa. Chưa được mấy ngày thì cô đã muốn xa lánh chàng rồi, ngặt vì Trọng Quí theo năn nỉ quá, cực chẳng đã cô phải ép mình mà làm nghĩa, nên trong năm năm cô ở đây, cô nhọc lòng khổ trí không biết chừng nào.

Một buổi chiều, Chánh Tâm, Trọng Quí và cô Năm Đào đương ngồi nói chuyện với nhau trong nhà, còn con Lý thì hái bông chơi đàng trước. Người đi phát thơ bước vô cửa ngõ mà đưa một phong thơ cho con Lý. Con nhỏ nhờ mẹ nó dạy nên nó đã biết đọc rồi. Nó cầm phong thơ mà coi, nó thấy đề tên Lý Chánh Tâm thì lật đật đem vô trao cho chàng.

Chánh Tâm mở thơ ra coi thì thơ nói như vầy:

"Cher cậu Ba...

Tôi cầm viết mà viết bức thơ nầy, thì tôi lấy làm ái ngại lắm. Nhưng vì tôi biết bụng cậu, dầu thế nào cậu cũng không nỡ bỏ cha con tôi, nên tôi mới dám tỏ thiệt việc nhà của tôi cho cậu Ba hiểu, rồi xin cậu vui lòng cứu giúp cha con tôi một phen.

Từ ngày tôi lãnh phần ăn của con tôi, thì tôi hết lòng lo làm ăn, chớ không chơi bời như hồi trước nữa. Vì tôi muốn làm giàu thêm cho con, nên tôi cho mướn ruộng luôn năm năm, tôi lấy bạc trước để làm vốn buôn bán làm ăn. Chẳng dè thời vận của tôi thật là xui xẻo, tôi đút tiền vô đâu thì mất đó, tôi làm việc gì thì lỗ việc nấy, bởi vậy bây giờ cha con tôi không còn một đồng xu, còn ruộng thì họ còn ăn huê lợi ba năm nữa rồi tôi mới lấy lại cho mướn được.

Cậu Ba ơi, thân cha con tôi bây giờ nghèo khổ lắm! Xin cậu Ba làm ơn cho tôi mượn đỡ vài ngàn đồng bạc đặng tôi nuôi con tôi. Tôi hứa chắc chừng tôi cho mướn ruộng nữa được thì tôi sẽ lấy bạc mà trả lại cho cậu y số.

Xin cậu Ba vui lòng giúp tôi trong cơn túng rối, ơn nầy chẳng hề khi nào cha con tôi dám quên. Tôi trông cậy cậu lung lắm. Bây giờ tôi ở đường Mayer, số nhà 165.

Như cậu sẵn lòng với tôi thì xin trả lời cho tôi biết và nói coi bây giờ cậu đang ở đâu đặng tôi xuống đó mà lấy bạc.

Chúc cậu mạnh giỏi,

LÊ PHÙNG XUÂN"

Chánh Tâm đọc thơ rồi chàng ngó Trọng Quí mà nói rằng:

- Anh đó khốn nạn quá. Thiệt tôi nói không sai. Ảnh làm hết tiền của thằng nhỏ rồi.

- Anh nào?

- Anh Hai tôi, chớ anh nào.

- Té ra thầy Phùng Xuân gởi thơ cho cậu đó hay sao? Thẩy nói giống gì đó. Thẩy có nói thằng nhỏ ra thế nào hôn?

- Anh coi thơ đây thì biết.

Chánh Tâm đưa bức thơ của Phùng Xuân cho Trọng Quí xem. Trọng Quí đọc rồi liền đứng dậy và cười và nói rằng:

- May lắm!

- May giống gì?

- Nếu cậu sẵn lòng giúp tôi thì chuyến nầy tôi bắt con tôi được.

- Ảnh dễ cho hôn !

- Không cho không được. Để tôi nói cho cậu nghe; gia tài của cậu chia cho đó là gia tài của thằng nhỏ. Thầy Phùng Xuân không có quyền gì hết, thẩy làm thủ hộ thì coi thâu góp để dành đặng chừng thằng nhỏ khôn lớn giao hết huê lợi cho nó, chớ sao thẩy được phép lấy xài. Cậu là trưởng tộc của thằng nhỏ, nếu cậu vô Tòa mà thưa, thì thầy Phùng Xuân sẽ bị án sang đoạt.

- Ảnh bị án thì bị, chớ làm sao mà bắt con ảnh cho được.

- Ậy! Để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói tới. Bây giờ cậu làm ơn đi với tôi lên nhà thẩy, cậu hăm dọa đòi đi kiện cho thẩy run rồi cậu buộc thẩy phải làm tờ giao con lại cho cậu nuôi. Như thẩy dục dặc thì cậu làm tờ giao huê lợi cho thẩy hưởng đi, cậu cho thêm một hai ngàn đồng bạc nữa cũng được. Số tiền ấy tôi chịu cho, miễn là cậu bắt dùm thằng nhỏ cho tôi thì, dầu tốn hao bao nhiêu tôi không nệ.

Chánh Tâm ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:

- Anh tính như vậy thì phải lắm. Phải bắt thằng nhỏ về mà nuôi đặng cho nó ăn học, chớ để nó ở với anh đó chắc nó phải hư.

- Thầy Phùng Xuân láo xược quá! Thẩy làm việc gì đâu mà thẩy khoe làm ăn. Mấy lần đi Sài Gòn, tôi có dọ cách ăn ở của thẩy. Thẩy bỏ thằng nhỏ ở nhà với thằng bồi, thẩy đi đánh bài sáng đêm tối ngày. Thẩy cho mướn ruộng, lấy mấy chục ngàn đồng bạc rồi đi hốt me riết cụt vốn, chớ buôn bán giống gì.

- Tôi nghĩ thiệt tôi giận ảnh lung lắm. Vì ảnh nên chị Hai tôi mới chết, mà cũng vì ảnh nên mới gây chuyện làm cho tôi tan nhà nát cửa, lìa vợ mất con như vầy đây.

Chánh Tâm nói tới đó rồi cúi mặt xuống đất, hai hàng nước mắt rưng rưng. Trọng Quí lấy làm xốn xang trong lòng, nên chàng ngó lơ mà sắc mặt coi buồn thiu.

Cô Năm Đào nãy giờ lóng tai mà nghe, chớ cô không nói một tiếng chi hết.

Đến chừng cô thấy tình cảnh như vậy, cô mới chen vào mà nói rằng:

- Anh Hai tôi ảnh tính như vậy thì hay lắm. Tốn hao bao nhiêu thì tốn, miễn bắt cháu tôi được thì quý hơn hết. Thôi, cậu Tú làm ơn dùm cho ảnh. Xưa rày cậu lâu đi Sài Gòn. Vậy cậu nên nhơn dịp nầy lên thăm mợ Tú luôn thể.

Vì cái xe hơi của Trọng Quí hư máy kéo vô hãng hơn một tuần rồi mà sửa chưa xong, nên sáng bữa sau hai người đi tàu qua Mỹ Tho rồi ngồi xe lửa mà lên Sài Gòn.

Hai người mướn phòng tại Bá Huê Lầu mà nghỉ, và tính để qua ngày sau sẽ đi kiếm Phùng Xuân.

Tối lại, Chánh Tâm cậy Trọng Quí vô Chợ Lớn thăm nàng Cẩm Vân, và xin nàng vui lòng để cho chàng đến thăm.

Trọng Quí đi chừng vài giờ đồng hồ rồi chàng trở về nói rằng:

- Lúc nầy mợ Ba mạnh mẽ như thường. Tóc mợ đã dài ra rồi, nên mợ bới coi cũng vẻn vang như hồi trước. Tôi năn nỉ hết sức, mà mợ thiệt là chắc dạ. Mợ không chịu cho cậu tới nhà. Mợ nói rằng dầu cậu có tới nhà, mợ không cho cậu thấy mặt đâu mà tới cho uổng công.

Chánh Tâm nghe nói như vậy thì khóc mà nói rằng:

- Đã năm năm rồi mà cũng chưa hết giận, thiệt là khổ cái thân tôi quá! Buộc tôi phải kiếm cho được con; tôi kiếm hết sức mà không được, bây giờ biết làm sao?

Sáng bữa sau, Chánh Tâm với Trọng Quí thay đổi y phục, rồi ngồi mỗi người một cái xe kéo mà đi lên đường Mayer.

Tới căn phố trệt 165, hai người biểu xa phu ngừng lại rồi thủng thẳng bước xuống xe.

Trọng Quí thấy Phùng Sanh đương ngồi dựa lề đường, mình mặc quần vải trắng, áo vải trắng, mà quần thì dĩ mô dĩ quẹt rách tét, hai lai áo xề xệ không gài nút. Trọng Quí bước lại gần; thằng nhỏ buông hai nắm cát, vùng đứng dậy phủi tay lia lịa, hít mũi một cái chụt, rồi đứng ngó hai người mới xuống xe. Trọng Quí nắm cánh tay nó mà hỏi rằng:

- Nhà con ở đây phải hôn?

Phùng Sanh gật đầu, mà cậu nó là Chánh Tâm bước lại gần nó mà cũng không chào hỏi. Chánh Tâm hỏi rằng:

- Có ba cháu ở nhà hôn?

Nó lắc đầu rồi bỏ đi vô nhà.

Trọng Quí với Chánh Tâm đi theo. Trọng Quí cúi mặt xuống đất hoài, coi bộ không vui. Vừa bước vô cửa thì thấy có một đứa con trai trạc chừng 25, 26 tuổi, đương nằm ngửa trên ván mà ngủ, nó ở trần, bày cái ngực với hai cánh tay có xâm hình xâm chữ xanh xanh. Nhà không quét, nên dưới gạch nào là giấy, nào là rác tràn lan.

Bàn không dọn, nên trên bàn nào là nhựt trình, nào là ly, nào là tách lộn xộn; có bốn cái ghế để không ngay hàng ngay lối, có hai khuôn hình mà treo không đối không đồng; cửa mở có một cánh nên bảy giờ sớm mơi mà trong nhà mờ mờ, vách không quét nước vôi, nên màu trắng hồi trước bây giờ hóa ra màu xám.

Phùng Sanh thấy khách đi theo vô nhà, nó bèn chạy lại kéo chưn thằng nằm ngủ đó mà kêu nó dậy. Thằng nọ lồm cồm ngồi dậy dụi con mắt rồi bỏ đi ra đàng sau, không hỏi không nói chi hết.

Chánh Tâm với Trọng Quí kéo ghế mà ngồi. Trọng Quí kêu Phùng Sanh lại ngồi rồi ôm nó trum trủm trong lòng, lấy khăn mu soa chùi mũi cho nó, gài nút áo lại ngay thẳng, vuốt tóc nó cho xuôi, vận quần nó cho chặt. Coi bộ thằng nhỏ vui lòng vì nó đứng im lìm để cho Trọng Quí sửa soạn, nó không nói chi hết.

Chánh Tâm ngó cháu hỏi rằng:

- Ba cháu đi đâu?

- Không biết. Ba tôi đi hoài đi hủy, tôi không biết đi đâu.

- Đi hồi nào?

- Đi hôm qua.

- Chừng nào về, có nói với cháu hôn?

- Không có nói.

- Đi hoài như vậy rồi bỏ cháu ở nhà với ai?

- Ở nhà với anh Tám đó.

- Có để tiền ở nhà cho cháu ăn bánh hôn?

- Hổng có.

Chánh Tâm ứa nước mắt và nói với Trọng Quí rằng:

- Coi anh đó phải khốn nạn quá hay không hử? Huê lợi của thằng nhỏ mỗi năm tới bạc muôn, mà ảnh không lo cho ăn học, lại bỏ nó bận rách bận rưới, nhịn đói nhịn thèm như vầy. Thiệt là quá quắt rồi.

Trọng Quí chau mày mà đáp rằng:

- Cậu mới thấy đây chớ tôi đã nghe lâu rồi.

Chánh Tâm ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi nói nữa rằng:

- Bây giờ biết chừng nào ảnh về nên ngồi đây mà chờ. Thôi để tôi viết ít chữ bỏ lại đây cho ảnh rồi mình trở về nhà ngủ. Chừng nào ảnh về ảnh xuống kiếm mình.

Trọng Quí gật đầu. Chánh Tâm móc bóp ra lấy cây viết chì mà viết. Trọng Quí vỗ đầu Phùng Sanh và hỏi rằng:

- Con chịu đi theo cậu hôn? Con về ở với cậu sướng lắm, cậu may quần áo tốt cho con bận, con muốn ăn vật chi cậu mua hết thảy. Con chịu hôn?

Thằng nhỏ gật đầu. Chánh Tâm cười và tính dắt nó xuống dưới nhà ngủ. Chàng biểu Phùng Sanh kêu thằng Tám ra, chàng đưa miếng danh thiếp cho nó mà nói rằng:

- Mầy cất cái giấy nầy, hễ thầy mầy về thì mầy đưa liền cho thầy mầy coi, nghe hôn. Bây giờ tao dắt Phùng Sanh xuống dưới Bá Huê Lầu chơi, thầy mầy xuống đó kiếm thì có tao.

Thằng Tám nghe nói dắt Phùng Sanh đi, coi bộ nó lo, nên muốn ngăn cản, mà nó vừa muốn mở miệng thì Trọng Quí nói rằng:

- Ông đây là cậu ruột của Phùng Sanh chớ không phải ai đâu mà sợ. Thầy về em nói lại như vậy, thì thầy biết.

Chánh Tâm với Trọng Quí đứng dậy đi về.

Trọng Quí dắt Phùng Sanh đem lên xe, thằng nhỏ líu ríu đi theo, không nghi ngại dục dặc chi hết.

Về tới Bá Huê Lầu, Trọng Quí kêu bồi tắm gội Phùng Sanh cho sạch sẽ.

Chàng đi một lát rồi trở về, có ôm ba bốn gói; chàng mở lấy một bộ quần áo may sẵn rồi mà bận cho Phùng Sanh, đồ mua nhắm chừng mà bận coi vừa lắm. Gói thứ nhì là một cái nón với một đôi giầy, nón thì đội vừa, giầy thì rộng một chút xíu. Còn hai gói nữa là một gói bòn bon và một gói nho tươi, chàng mở ra biểu Phùng Sanh ăn. Phùng Sanh được bận áo mới lại ăn đồ ngon, nên mặt coi vui vẻ lắm.

Đến 11 giờ, Chánh Tâm với Trọng Quí dắt Phùng Sanh đi lại nhà hàng mà ăn cơm.

Chừng trở về nhà ngủ, hai người khép cửa phòng đặng thay quần áo nghỉ trưa. Phùng Sang đương xẩn bẩn một bên Trọng Quí mà nói chuyện, thình lình nghe có tiếng giầy lên thang lầu rồi lại nghe gõ cửa cộp cộp. Trọng Quí nói:

- Ai đó? Xin mời vô.

Phùng Xuân mở cửa bước vô thấy Phùng Sanh mặc áo quần lạ hoắc, lại thấy Trọng Quí ngồi đó chớ không thấy Chánh Tâm thì chưng hửng nên đứng khựng lại. Trọng Quí chào và mời ngồi. Chánh Tâm ở trong bước ra, ngó Phùng Xuân một cách rất nghiêm nghị và nói rằng:

- Anh làm gì tệ quá vậy! Anh ăn của cháu tôi bạc muôn mà anh bỏ nó bò lăn bò lóc, nhịn đói nhịn khát như con ăn mày. Tôi phải đi kiện anh mới được.

- Tôi ở có một mình, phần tôi mắc lo làm ăn, làm sao mà săn sóc nó cho được. Tuy vậy mà tôi có mướn bồi ở giữ tắm rửa nó, tại tôi đi khỏi, ở nhà nó bỏ thằng nhỏ chơi dơ dáy, nên cậu lên cậu gặp đó chớ.

- Anh đi đánh bài bạc, chớ làm ăn giống gì?

- Ai nói với cậu đó? Trời ơi, tôi có bài bạc xin Trời Đất giết tôi đi. Từ ngày tôi lãnh gia tài của cậu chia đến nay, tôi có rờ tới lá bài thì thiên tru địa lục tôi đi.

- Anh hốt me, chớ anh có đánh bài nữa đâu mà không dám thề.

- Cậu nghe lời người ta, cậu nói như vậy thì tội nghiệp cho tôi quá.

- Tôi chia gia tài cho cháu tôi, anh làm tiêu hết, rồi anh dám viết thơ mượn bạc tôi nữa chớ. Tôi lên đây đặng nói anh hay rằng tôi sẽ kiện anh.

- Tôi làm sao mà cậu kiện tôi?

- Anh thủ hộ cho cháu tôi; anh phải thâu góp huê lợi của nó mà để dành đặng chừng nó đúng tuổi anh giao cho nó, chớ sao anh dám làm ngang, cho mướn ruộng của nó đặng lấy bạc trước mà hốt me cho thua hết đi.

- Tôi cho mướn ruộng lấy bạc mặt đặng có vốn làm ăn, may thì làm giàu cho nó. Rủi lỗ lã cụt vốn thì thôi, chớ tôi có muốn chi vậy mà cậu phiền.

- Anh nói anh không có lỗi. Để tôi vô đơn trong Tòa, tôi kiện anh về tội sang đoạt của con nít chưa thành định, anh giỏi thì anh đối nại với trạng sư của tôi.

- Cậu không thương, cậu làm như vậy thì tội nghiệp tôi lắm.

Chánh Tâm bỏ đi ra ngoài cửa phòng mà đứng. Phùng Xuân ngồi chống tay trên ghế, mặt coi buồn thiu.

Trọng Quí nắm tay Phùng Sanh mà kéo và chỉ dĩa nho tươi biểu nó ăn. Cách một hồi Chánh Tâm trở vô hỏi nữa rằng:

- Anh giết chị tôi chết rồi, bây giờ anh còn muốn báo hại cho cháu tôi mạt nữa. Tôi bắt nó về tôi nuôi. Tôi không cho nó ở với anh nữa.

- Tôi ăn gia tài của nó mà tôi để nó cho cậu nuôi thì coi sao được.

- Thiệt anh không chịu hay sao? Nếu anh không chịu thì tôi vô đơn rồi Tòa kêu án anh và giao nó cho tôi thủ hộ cho nó, coi tôi có bắt được nó hay không?

Phùng Xuân nghe mấy lời cứng cỏi mà lại trúng luật thì sợ nên nói xuôi xị rằng:

- Cậu muốn bắt nó thì cậu bắt, tôi đâu dám cản. Mà nếu cậu làm như vậy thì tội nghiệp cho tôi chớ.

Chánh Tâm trợn mắt đáp rằng:

- Tội nghiệp cái gì?

- Tôi nói thiệt với cậu, tôi nghèo quá, cậu Ba ôi! Tôi nhờ nó có của, nên tôi mới có cơm mà ăn, nếu cậu bắt nó rồi tôi làm sao?

- Hứ! Anh cứ lo ăn chực của con nít hoài! Anh thiệt là không nên thân! Anh tưởng tôi dành nó mà nuôi hay sao! Tôi không thèm đâu. Tôi thương chị tôi, nên tôi không nỡ để cho cháu tôi bò lăn bò lóc, tôi muốn đem nó về nuôi đặng cho nó ăn học, chớ không phải tôi muốn ăn của nó đâu.

- Cậu bắt nó mà cậu cũng để cho tôi hưởng huê lợi ruộng đất hoài hay sao?

- Tôi cho anh ăn đa. Tôi không thèm đâu. Mà chừng nó khôn lớn, anh phải trả lại cho nó.

- Trả huê lợi hay là trả ruộng đất?

- Trả hết thảy.

- Úy! Huê lợi xài hết còn đâu mà trả. Có trả thì trả ruộng đất mà thôi chớ.

- Được đâu.

Trọng Quí thấy Chánh Tâm buộc gắt quá. Chàng sợ Phùng Xuân chống cự rồi việc phải thưa kiện lòng vòng thất công, nên chàng chen vô mà nói giúp với Chánh Tâm dùm cho Phùng Xuân. Chánh Tâm dục dặc gần một giờ đồng hồ rồi mới chịu để ruộng đất của Phùng Sanh cho Phùng Xuân ăn, chừng nó lớn rồi thì trả ruộng đất chớ khỏi phải trả huê lợi. Nhưng mà chàng buộc Phùng Xuân phải làm một tờ nhận rằng mình đã sang đoạt con, và bằng lòng giao nó cho Chánh Tâm nuôi, không được phép tới lui mà thăm và nuôi cách nào cũng không được phép kêu nài chi hết.

Phùng Xuân cần ăn gia tài, chớ không cần gì nuôi Phùng Sanh bởi vậy nghe nói được hưởng huê lợi ruộng đất thì chàng chịu liền, dầu buộc cách nào chàng cũng chịu hết thảy. Nhưng vì chàng nghi Chánh Tâm vì Trọng Quí mới sanh chuyện mà bắt thằng nhỏ, nên chàng dục dặc làm khó mà nài xin thêm năm ngàn đồng bạc. Chánh Tâm cự hẳn không chịu cho và hăm đi kiện. Phùng Xuân sụt bớt xuống ba ngàn, Chánh Tâm cũng không chịu. Trọng Quí nóng nảy nên ra dấu biểu Chánh Tâm chịu phứt cho rồi, chừng ấy Chánh Tâm mới chịu, song buộc phải làm giấy mượn số bạc đó.

Phùng Xuân làm hai tờ giấy, một tờ mượn ba ngàn đồng bạc, một tờ giao con cho Chánh Tâm. Tờ giấy làm xong rồi, Chánh Tâm mới giao bạc. Phùng Xuân đếm đủ ba chục tờ giấy xăng rồi bỏ vô túi, miệng cười ngỏn ngoẻn. Chàng cúi xuống hun Phùng Sanh một cái và nói rằng:

- Thôi, con đi theo cậu Ba về dưới mà ở, nghe hôn con!

Thằng nhỏ gật đầu. Phùng Xuân từ giã bước ra, thằng nhỏ ngó theo mà nó cười, coi ý không trìu mến chút nào hết.

Trọng Quí nghe tiếng giầy của Phùng Xuân bước xuống thang lầu thì chàng chạy lại bồng Phùng Sanh hun trơ hun trất và nói rằng:

- Từ rày về sau, cha con mình sum hiệp rồi, cha hết lo nữa.

Chánh Tâm đứng ngó trân trân, mà nước mắt chảy dầm dề.

CHƯƠNG 16 - NGƯỜI TÌNH CỜ GẶP CON

T

rọng Quí bắt được con thì chàng mừng không kể xiết.

Chàng dắt con đi dạo mấy nhà hàng, nó muốn vật gì thì chàng mua vật ấy cho nó. Tối lại chàng mướn một cái xe hơi, rồi mời Chánh Tâm đi chơi. Chánh Tâm buồn nên không muốn đi. Trọng Quí theo năn nỉ biểu đi một vòng rồi vô Chợ Lớn ghé thăm Cẩm Vân. Chừng nghe nói như vậy, chàng mới chịu đi.

Xe hơi chạy vù vù. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi hai bên, để Phùng Sanh ngồi giữa. Trọng Quí rờ con, mặt mày hớn hở vô cùng, còn Chánh Tâm thấy cháu lòng dạ càng thêm bát ngát.

Vô tới Chợ Lớn, Chánh Tâm xốn xang quá chịu không được nên muốn đi thẳng lại thăm vợ, mà Trọng Quí cũng muốn khoe con, nên không ngăn cản; bởi vậy hai người cùng đồng biểu sớp – phơ chạy đường Cây Mai rồi ngừng ngay nhà Cẩm Vân. Chẳng hiểu Cẩm Vân có dặn trước hay không mà cô Ba Hài thấy Chánh Tâm thì cô niềm nở tử tế, song hỏi tới Cẩm Vân thì cô nói rằng đi khỏi không có ở nhà.

Chánh Tâm ngồi xuôi xị, bộ coi buồn thảm lắm. Cô Ba Hài thấy vậy mới bước lại gần và nói nhỏ rằng:

- Tao biết ý nó rồi, hễ mầy kiếm được con cho nó thì nó hết giận. Ráng kiếm cho được, chớ nếu mầy kiếm không được thì nó giận hoài, không cho mầy gặp mặt đâu.

Chánh Tâm chau mày nhăn mặt mà đáp rằng:

- Cháu kiếm tìm đã hết sức rồi mà không được, bây giờ biết làm sao. Nếu vợ cháu nó không nghĩ, cứ giận cháu hoài thì chắc cháu phải chết.

Chàng nói mấy lời rồi ngồi khóc rấm rứt.

Cô Ba Hài động lòng nên cô theo an ủi, biểu Chánh Tâm đừng có buồn, phải ráng mà tìm con nữa, tìm riết có lẽ phải gặp, chớ nếu thối chí mà bỏ qua thì làm sao mà gặp cho được. Trọng Quí cũng theo khuyên lơn chàng, lại xin cô Ba Hài hết lòng lo khuyên giải Cẩm Vân cho nàng hết giận chồng nữa, rồi vợ chồng hoà hiệp với nhau mà kiếm con cho dễ.

Chánh Tâm với Trọng Quí tính mướn một chiếc xe hơi mà đi chung với nhau mà về Cần Thơ.

Chánh Tâm nói rằng chàng phải về Trà Vinh thăm nhà ít bữa rồi qua Cần Thơ mới được. Trọng Quí đáp rằng:

- Cậu muốn về Trà Vinh cũng được. Để tôi đưa cậu tới nhà rồi cha con tôi sẽ về Cần Thơ.

Chánh Tâm không chịu, chàng nói để chàng đi tàu cho khoẻ. Trọng Quí không nỡ bỏ Chánh Tâm mà về trước, nên chàng tính lại, chàng cũng đi với Chánh Tâm xuống Mỹ Tho rồi sẽ phân rẽ nhau.

Vì Chánh Tâm muốn đi trước xuống Mỹ Tho mà nghỉ một đêm đặng sáng xuống tàu cho khỏi chộn rộn, bởi vậy ăn cơm trưa rồi hai người mướn xe hơi mà đi Mỹ Tho. Khi xe đang chạy xuống tới chỗ Trọng Quí bị đụng năm trước may nhờ Tố Nga là mẹ của Phùng Sanh chở dùm lên Chợ Lớn, rồi mới quen nhau, thì Trọng Quí chỉ mà nói rằng:

- Cậu gặp má của con lần thứ nhứt tại ở chỗ nầy đây. Cậu nhớ hoài không biết đời nào quên cho được.

Gần hai giờ chiều, xe hơi mới xuống tới Mỹ Tho.

Trọng Quí dắt Chánh Tâm và Phùng Sanh vào nhà ngủ, mướn hai cái phòng thượng hạng mà nghỉ.

Đến 4 giờ rưỡi đã dịu nắng, mà gió lại mát mẻ, Trọng Quí mới rủ Chánh Tâm thay đồ đi dạo chơi.

Hai người dắt Phùng Sanh thủng thẳng đi bộ ra nhà ga xe lửa, rồi lần lại cầu tàu Lục Tỉnh.

Ngoài cầu tàu trống trơn, có lót sẵn hai cái băng mà không có ai ngồi. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi một cái và kêu Phùng Sanh mà biểu ngồi vô giữa.

Nước lớn đầy sông trước mắt, gió thổi mặt nước xôn xao. Cây trồng mấy hàng sau lưng, chói nắng ngọn cây đỏ đỏ. Trời chiều nắng dịu, gió thổi sóng đùa, cảnh tú tốt tươi, lòng vàng khoan khoái.

Trọng Quí ngắm cảnh một hồi rồi ôm hun Phùng Sanh mà nói rằng:

- Cậu đây là cha ruột của con đa, con biết hôn? Thầy Phùng Xuân đó là cha ghẻ. Từ rày sắp lên con ở với cậu, cậu sẽ cho con đi Tây. Cậu thiếu gì tiền, con ở đây với cậu, con muốn vật gì cậu cũng mua cho hết thảy.

Mấy năm nay Phùng Sanh không thấy ai hun hít, nựng nịu mình mà cũng không nghe được những lời khuyên dỗ dịu ngọt; bởi vậy nó thấy Trọng Quí ân cần săn sóc, thương yêu đoái tưởng đến nó thì nó thấy làm vui lòng nên nó ngó Trọng Quí mà cười. Trọng Quí vừa muốn nói nữa thì có hai đứa nhỏ mỗi đứa ôm một chồng sách đi ra cầu và đi và nói chuyện với nhau om sòm. Chánh Tâm với Trọng Quí day lại thì thấy đứa nhỏ đi trước mặt rỗ chằng, còn đứa lớn đi sau vóc vạm vỡ, mà coi bộ hai đứa đều vui vẻ cả hai.

Hai đứa nầy là thằng Hồi với Thằng Quì đi bán truyện sách.

Thằng Hồi đi trước, nó đứng lại ngay mặt Chánh Tâm đưa chồng sách ra mà nói rằng:

- Thầy mua truyện mà coi, thầy. Có nhiều bộ tiểu thuyết mới hay lắm. Thầy mua ít bộ để coi cho biết truyện đời xưa, việc đời nay chơi. Thầy mua nhiều nhiều, tôi tính nhẹ giá cho.

Chánh Tâm ngó thằng nhỏ mà không nói chi hết.

Trọng Quí đương vui với con, lại gặp thằng nhỏ cũng vui, nên chàng cười và hỏi nó rằng:

- Mầy lãnh sách đem đi bán, nếu mầy tính giá nhẹ rồi làm sao mầy có lời cho được?

- Không. Tôi buôn bán mấy tháng nay. Tôi cầu danh chớ bất cầu lợi mà.

Chánh Tâm đương buồn mà nghe thằng Hồi nói trớ trêu như vậy thì chàng cười ngất.

Thằng Hồi thấy vậy nó cũng cười và nói nữa rằng:

- Tôi nói phải lắm chớ. Tôi nói theo truyện mà sao thầy cười tôi?

Trọng Quí hỏi rằng:

- Mầy nói theo truyện nào?

-Truyện Tam Quốc chớ truyện nào.

- Truyện Tam Quốc có người nào nói như vậy hay sao mà mầy bắt chước?

- Có chớ. Thầy mua một bộ coi thử có người nào nói như vậy hay không thì biết. Nếu thầy coi mà không có thì thầy trả lại cho tôi.

- Tao mua tao đem về tao coi như không có rồi tao biết mầy ở đâu mà trả?

- Tôi ở đây luôn luôn mà. Thầy hỏi Mơ-xừ Hồi bán truyện sách thì ai ai cũng biết hết thảy.

Trọng Quí với Chánh Tâm nghe thằng nhỏ nói giễu cợt có duyên như vậy lại càng tức cười hơn nữa.

Chánh Tâm bèn hỏi nó rằng:

- Em bán một bộ truyện Tam Quốc là bao nhiêu tiền?

- Thiệt tình tôi bán cho người ta là mười đồng, còn khách trú mua tôi bán mười lăm đồng. Nếu thầy mua tôi bán tám đồng mà thôi.

- Tại sao bán cho qua, em lại bán rẻ như vậy?

- Tại thầy bận đồ Tây.

- Bận đồ Tây sao lại bán rẻ?

- Thầy không hiểu hay sao?

- Không.

- Mấy người bận đồ Tây họ làm phách lắm, họ chê sách quốc ngữ nhục cho họ, nên họ cứ mua sách Tây, rồi đi đâu họ ôm theo đặng khoe với thiên hạ rằng mình biết đọc sách chữ Tây. Tại như vậy đó, nên ai bận đồ Tây mà hỏi mua sách quốc ngữ thì tôi bán rẻ; tôi muốn tập cho họ đọc sách của người Việt Nam mình đặng cho họ bớt làm phách.

- Nãy giờ hai anh em qua có làm phách với em chút nào đâu, sao em lại...

- Xin lỗi thầy, tôi nói là nói họ, chớ tôi đâu dám nói hai thầy.

Trọng Quí thấy thằng Hồi lanh lợi quá, muốn thử nó chơi, nên chận mà hỏi:

- Còn tại sao bán cho khách trú mầy lại bán mắc?

-À phải! Bán cho khách trú phải bán mắc mới được. Giống đó hễ có biết tới chữ quốc ngữ thì nó đã giựt của người Việt Nam mình nhiều lắm, nên có dịp nào mình giựt nó lại được một chút đỉnh thì cứ giựt nhầu, sợ gì...

Chánh Tâm với Trọng Quí ngó nhau mà cười.

Chánh Tâm muốn thưởng tài lanh lợi của thằng Hồi, nên biểu lựa một bộ truyện Tam Quốc cho chàng mua. Chàng móc túi lấy hai tấm giấy bạc mỗi tấm năm đồng mà trả cho nó. Nó mò trong lưng lấy hai đồng bạc mà thối lại.

Chánh Tâm không chịu, chàng nói rằng:

- Qua cho em luôn đó, thối làm chi.

Thằng Hồi cười và đáp rằng:

- Thầy làm như vậy, té ra tôi bán bộ sách truyện cho thầy tới mười đồng .

- Thì em bán cho họ bao nhiêu, qua cũng trả bấy nhiêu chớ sao?

- Không được. Người buôn bán phải trọng lời nói. Tôi nhứt định bán cho thầy tám đồng thì tôi lấy tám đồng mà thôi, nếu lấy mười đồng thì thành ra ăn gian. Làm như vậy không tốt.

- Còn hai đồng dư đó, qua cho em luôn mà, chớ không phải qua trả tiền sách đâu em.

- À, như thầy cho thì tôi lấy, chớ nếu nói trả tiền sách thì tôi từ, vì lấy như vậy thì mất danh tiếng người buôn bán.

Nãy giờ thằng Quí đứng coi thằng Hồi chuốt ngót mà bán sách, nó không nói tiếng chi hết. Chừng nó thấy thằng Hồi bán cho Chánh Tâm được bộ sách truyện rồi nó mới xề lại ngồi ngay mặt Trọng Quí và nói rằng:

- Thầy mua dùm cho tôi một bộ, thầy. Nè, thầy mua tiểu thuyết mới xuất bản đây mà coi, hay lắm! Thầy coi thầy khóc được lận ạ.

Trọng Quí ngó mà đáp rằng:

- Coi sách đặng giải buồn, nếu coi mà phải khóc thì coi làm gì mậy?

- Sách của người ta viết như vậy mới hay chớ. Như thầy đương vui mà thầy coi thì thầy phải khóc, còn như thầy đương buồn mà thầy coi thì thầy phải cười.

Thằng Hồi day lại nói rằng:

- Nó nói dóc a thầy á. Không có sách nào mà kỳ cục như vậy đâu. Đừng có tin nó.

Thằng Quì trợn mắt đáp rằng:

- Mầy xấu quá. Mầy bán được rồi, mầy muốn phá tao hay sao, mậy?

- Ủa! Buôn bán thì phải cạnh tranh chớ. Rất đỗi mấy nhà buôn bán lớn họ còn gây với nhau thay, huống chi là tao với mầy.

- Tao với mầy cũng như nhau, mà cạnh tranh cái gì?

- Phải, tao với mầy cũng một thứ. Mà tao đã nói dóc, mầy còn nói dóc hơn tao nữa, tức quá, tao không gây sao được.

- Tao làm sao tao làm, miễn là được thì thôi. Mầy có giỏi mà nói cho hơn tao đi, chớ sao mầy lại kiếm chuyện hạ tao. Nếu mầy nói sách tao đó là đồ bỏ thì sách của mầy đó cũng vậy, biết hôn? Mầy ngu quá.

Thằng Hồi nhăn răng cười hề hề. Chánh Tâm với Trọng Quí cũng cười. Trọng Quí không muốn để cho hai đứa nhỏ bán sách một đứa vui, một đứa buồn, nên chàng biểu thằng Quì lại lựa cho chàng mua mười đồng bạc.

Thằng Quì mừng quá, lật đật phành gói sách ra mà lựa chọn lăng xăng. Trọng Quí thấy Phùng Sanh ngồi châm bẩm ngó đống sách thì cúi xuống mà hun và hỏi rằng:

- Con biết đọc sách hay chưa?

Phùng Sanh lắc đầu. Thằng Hồi thấy vậy vùng nói rằng:

- Sao không học đặng đọc sách chơi? Học đi mà. Dễ lắm, không có khó đâu. Tôi học có mấy tháng, bây giờ sách gì tôi đọc cũng được hết thảy. Tập đọc đi rồi mua sách mà coi với người ta; đời nầy mà dốt thì họ cười chết.

Phùng Sanh thẹn thùng nên day mặt chỗ khác, không ngó thằng Hồi, mà cũng không nói chi hết.

Chánh Tâm ngó thằng Hồi một lát rồi chàng hỏi:

- Cha mẹ của em làm nghề gì?

- Tôi là con trời sanh, không có cha mẹ.

- Vậy chớ em ở với ai?

- Ở với thằng Quì đó.

- Thằng Quì có cha mẹ gì hôn? Chớ hai em còn nhỏ quá, không lẽ ở với nhau mà không có người lớn.

- Thằng Quì cũng như tôi vậy; nó cũng là con trời sanh đa, không có ai hết.

- Vậy chớ hai em ở đâu?

- Ở tiệm bán sách.

- Cơm đâu hai em ăn?

- Họ bán thiếu gì, chỗ nào lại ăn không được.

- Em năm nay mấy tuổi rồi?

- Mười tuổi.

- Còn thằng kia?

- Thằng Quì hả? Nó lớn hơn tôi hai tuổi.

- Hai em từ nhỏ chí lớn ở đây, hay là ở đâu?

- Hai đứa tôi là dân Nam Việt, sanh đẻ trong nước Việt Nam, con rồng cháu tiên.

Thằng Hồi nói mấy tiếng đó, rồi nó cười ngỏn ngoẻn, coi bộ đắc ý lắm.

Nó với thằng Quì lui cui sắp sách truyện lại đặng ôm đi bán chỗ khác. Chánh Tâm ngẫm nghĩ đến chừng hai đứa nó muốn đi, chàng mới kêu chúng nó lại mà hỏi rằng:

- Qua muốn hai em đi theo qua về ở với qua chơi, hai em chịu hôn?

Thằng Hồi hỏi rằng:

- Nhà thầy ở đâu?

- Ở dưới Trà Vinh.

- Mẹ ơi! Xa quá, đi sao được?

- Như hai em chịu đi thì qua dắt cho mà đi chớ.

- Rồi làm sao mà bán sách? Ở Trà Vinh có tiệm sách như trên nầy hôn?

- Như ở với qua thì bỏ nghề bán sách đi chớ.

- Úy! Bỏ rồi cơm đâu mà ăn?

- Ăn cơm của qua. Ở nhà qua thì qua nuôi cơm, qua may áo quần cho mà bận, qua cho tiền ăn bánh ăn hàng chớ.

- Dưới Trà Vinh vui bằng trên nầy không thầy?

- Sao lại không vui.

- Có xe lửa, có tàu như ở đây vậy không?

- Xe lửa không có, còn tàu thì là tàu trên nầy lên xuống mỗi ngày.

- Không có xe lửa mà vui giống gì. Tôi ưa xe lửa lắm. Nó thổi hoét hoét rồi xịt xịt ầm ầm coi sướng quá.

- Trên nầy có xe lửa, còn ở dưới có cái khác cũng vui vậy chớ.

- Cái gì?

- Cái gì cũng có hết thảy.

- Nhà thầy có xe máy hôn?

- Không có.

- Xe máy cũng không có, vậy mà thầy nói giống gì cũng có đủ hết thảy.

- Xe máy mà bao nhiêu tiền, nếu muốn có thì mua, có gì khó.

- Tôi muốn tập đi xe máy quá. Hễ biết đi thì chiều chiều cỡi đi chơi, khoái biết chừng nào.

- Xuống dưới ở với qua rồi qua mua xe máy cho mà tập đi.

- Được a! Có vậy thì tôi chịu đi.

Thằng Hồi day qua nói với thằng Quì rằng:

- Đi nghe hôn, Quì. Xuống Trà Vinh chơi mầy.

Thằng Quì lắc đầu không chịu đi. Thằng Hồi hỏi rằng:

- Sao mầy không chịu đi? Mầy sợ giống gì?

- Ở đây sướng rồi, đi đâu làm chi mậy.

Thằng Quì nói dứt lời, liền bỏ mà đi. Thằng Hồi chau mày ngó theo. Nó thấy thằng nọ lên khỏi đầu cầu rồi quẹo qua đường xuống nhà ga, nó kêu om sòm, thằng nọ đi tuốt. Túng thế, nó xá Chánh Tâm với Trọng Quí rồi đâm đầu chạy riết theo.

Trọng Quí hỏi Chánh Tâm rằng:

- Cậu rủ hai đứa nhỏ xuống Trà Vinh làm gì?

- Thấy hai đứa nó lanh lợi, muốn đem về nuôi để sai vặt trong nhà, và buồn để chúng nó nói chuyện bậy bạ nghe chơi vậy mà. Thằng nhỏ đó một tuổi với con tôi, năm nay mười tuổi. Con người ta không cha không mẹ mà chúng nó được như vậy đó không biết mấy năm nay thân con tôi nó ra thế nào.

Chánh Tâm vừa nói vừa ứa nước mắt. Trọng Quí không muốn cho Chánh Tâm nhớ tới chuyện buồn nữa, chàng ôm sách truyện đứng dậy rủ Chánh Tâm đi chỗ khác chơi.

Còn thằng Hồi nó chạy theo kịp thằng Quí rồi hỏi thằng nọ vì cớ nào mà không chịu đi Trà Vinh. Thằng Quì cứ nói ở đây bán truyện sách ăn không hết, cần gì mà phải đi chỗ khác.Thằng Hồi nổi giận nói rằng:

- Tao tưởng mầy có ý gì khác, té ra mầy không chịu đi là tại ở đây bán sách kiếm tiền được, đi ra mầy sợ chết đói. Mầy kể có cái ăn, chớ không kể khôn dại gì hết.

- Ủa, có ăn mới sống, nếu không kể ăn thì làm sao mà sống được?

- Mình đi theo thầy đó, tự nhiên thầy phải cho mình ăn cơm chớ, lo cái gì. Mầy đọc nhựt trình với tao hôm trước mầy quên rồi sao?

- Nhựt trình gì?

- Nhựt trình họ biểu phải đi du lịch đặng mở trí khôn, mầy nhớ hôn?

- Ờ nhớ. Mà mình đi theo thầy đó là mình ở đợ với thầy, chớ có phải đi chơi hay sao mà kêu là du lịch.

- Ối! Ở đợ hay là ở giống gì cũng vậy, cần gì mậy. Miễn là trong trí mình không sợ ai, không cần ai, không phục ai là đủ rồi.Tao biểu mầy đi với tao. Mình đi cho biết xứ Trà Vinh chơi, như vui thì mình ở, còn như không vui thì mình về, có hại gì đâu.

Thằng Quì ngẫm nghĩ một mình rồi nói xui xị rằng:

- Thôi, mầy muốn đi thì đi.

Thằng Hồi mừng rỡ, nó vỗ vai thằng nọ và nói rằng :

- Mầy biết nghe lời tao như vậy tao chịu đa. Mình xuống Trà Vinh rồi mình đi chỗ khác nữa, mình đi cho giáp Lục Tỉnh chơi mà.

Hai đứa nó mới dắt nhau đi kiếm hai thầy hồi nãy. Lên tới trước cửa Toà Bố chúng nó gặp. Thằng Hồi tỏ cho Chánh Tâm biết rằng chúng nó chịu đi theo.

Chánh Tâm gật đầu, hỏi tên từ đứa và biểu chúng nó trả truyện sách cho người ta rồi lại nhà ngủ Nhơn Hoà mà ở, đặng sáng buổi sau đi tàu một lượt. Hai đứa nhỏ vưng lời trở lại tính tiền và trả truyện sách cho nhà bán sách. Chủ tiệm hỏi chúng nó vì cớ nào mà không bán sách nữa thì thằng Hồi nó bướng:

- Tôi gặp cha tôi, nên cha tôi bắt tôi về.

Thằng Quì nghe lời xáo xược thì tức cười nôn ruột, nó chịu không được nên bỏ đi trước. Thằng Hồi còn ở nói dóc một hồi nữa rồi mới chịu đi.

Sáng bữa sau, Trọng Quí dắt Phùng Sanh xuống tàu Cần Thơ, còn Chánh Tâm thì dắt thằng Hồi và thằng Quì xuống tàu Trà Vinh. Khi anh em từ giã nhau, Trọng Quí nói rằng:

- Cậu về dưới nhà, hễ xe tôi sửa rồi thì tôi đem Phùng Sanh qua ở ít bữa, rồi tôi rước cậu qua bên tôi.

Chánh Tâm gật đầu.

CHƯƠNG 17 - BẮT MỐI PHĂNG LẦN

S

ông rộng nước lớn đầy lai láng, tàu lui chưn vịt quạt đùng đùng. Trên đầu đôi bần giao nhánh xanh xanh, dưới khúc vịnh ghe giương buồm trắng trắng. Gió đùa nước lao xao dợn sóng, mây che trời lố xố tượng hình.

Cửu long giang mà phía dưới Mỹ Tho có cảnh rất u nhàn, người du lịch ai lạc bước đến đó cũng động tình khắp khởi.

Chánh Tâm đi tàu Mỹ Tho xuống Trà Vinh đã nhiều lần rồi mà đến đây chàng nằm ngửa trên ghế bố, liếc mắt xem trời ngó nước, tấc dạ cũng bồi hồi, huống chi thằng Hồi với thằng Quì thuở nay chưa đi tàu lần nào, chưa thấy được sông lớn, có lẽ nào chúng nó gặp cảnh như vậy mà khỏi buâng khuâng trong dạ. Chúng nó ngồi dựa bên nhau, ngó nước minh mông tứ phía, ngó buồm lấp ló xa xa, ngó hành khách qua lại dưới tàu, ngó cây cối mê mê trong mé, rồi trong lòng lo mà không biết lo việc chi, sợ mà không biết sợ việc chi, nên sững sờ, không nói chuyện, không giỡn trửng. Chánh Tâm nằm ngó hai đứa nhỏ một hồi, rồi kêu chúng nó lại một bên mà hỏi rằng:

- Hai em có đói bụng thì lấy bánh mì trong giỏ đó mà ăn.

Thằng Hồi lắc đầu cười và đáp rằng:

- Thầy đừng lo. Để chừng nào đói rồi hai đứa tôi sẽ ăn.

- Bây đi tàu coi vui hôn?

- Vui, mà sao trong bụng tôi lộn xộn quá.

- Sao lộn xộn?

- Không hiểu. Trong bụng tôi làm như thể sợ vậy.

- Sợ cái gì? Sợ chìm tàu hay sao?

- Phải a. Tôi sợ cái đó quá.

- Hổng có đâu. Giống gì mà tới chìm. Mà như có chìm thì chết hết, chớ chết gì một mình em hay sao mà em sợ.

Thằng Hồi cười ngỏn ngoẻn, tỏ ý nó sợ bậy. Chánh Tâm day qua hỏi thằng Quì rằng:

- Còn thằng Quì, em sợ hôn?

Thằng Quì lắc đầu.

Chánh Tâm buồn, bèn mở hoa ly lấy bộ truyện Tam Quốc ra rồi biểu thằng Hồi ngồi một bên mà đọc cho chàng nghe. Thằng Hồi ngồi đọc truyện, Chánh Tâm nằm ngó nó không nháy mắt.

Tàu vô vàm kinh Giao Hoà, thổi súp lê inh ỏi. Thằng Hồi ngưng đọc mà ngó. Chánh Tâm mới hỏi nó rằng:

- Em có trái giống hồi nào mà mặt rỗ chẳng như vậy?

- Hồi năm ngoái.

- Hồi em đau bịnh nầy, em ở đâu, ai nuôi em?

Thằng Hồi nghe hỏi tới đó thì ngó Chánh Tâm, rồi đứng dậy dòm hai bên bờ kinh, không chịu trả lời.

Chánh Tâm nghi hai đứa nhỏ có ý riêng nên không chịu tỏ gốc gác, song nghĩ dần cho biết cũng không ích lợi gì, nên chàng không thèm hỏi tới nữa.

Tàu tới Trà Vinh, Chánh Tâm dắt hai đứa nhỏ lên chợ rồi mướn xe lên Láng Thê, xe chạy ra khỏi châu thành, thằng Hồi chưng hửng bèn hỏi Chánh Tâm rằng:

- Nhà thầy ở đâu thầy?

- Ở trên Láng Thê.

- Ủa! Sao thầy nói thầy ở Trà Vinh.

- Thì Láng Thê cũng thuộc trong tỉnh Trà Vinh chớ đâu.

- Láng Thê là cái gì?

- Tên xứ chớ cái gì.

- Có chợ hôn?

- Có.

- Ờ được. Mà chợ Láng Thê bằng chợ Mỹ Tho hôn? Có tiệm bán sách hôn?

- Láng Thê là chợ nhà quê, bằng chợ Mỹ Tho sao được.

- Nếu vậy thì buồn lắm!

- Không có buồn đâu. Để lên đó mà coi.

- Chắc là như chợ Gò Đen vậy chớ gì. Phải hôn thầy?

- Ừ.

Thằng Hồi day qua ngó thằng Quì, coi bộ hai đứa không được vui.

Xe về tới nhà. Chánh Tâm kêu trẻ ở ra xách hành lý.

Thằng Quì ngó quanh quất, không thấy chợ, không thấy tiệm mà lại thấy trâu, bò ăn ngoài ruộng, rơm cỏ chứa trong sân, đường đi đất cục sắp lông chông, gió thổi tre kêu trèo trẹo, thì nó lấy làm lạ, nên hỏi Chánh Tâm rằng:

- Thầy ở đây sao thầy?

- Ừ, tới nhà qua rồi.

- Trời ơi! Ở đây buồn quá, thầy chịu nổi hay sao thầy?

- Thú vui theo ở đồng, chớ buồn là sao em.

Thằng Hồi và đi vô và nói tiếp rằng:

- Tôi chịu ở chỗ như vầy lắm, mình tập cỡi trâu rồi chiều chiều mình cỡi đi chơi, ngộ chớ, phải hôn thầy? Thầy có trâu hôn?

Chánh Tâm gật đầu mà cười rồi dắt hai đứa nhỏ vô nhà.

Vợ chồng hương bộ Huỷnh là người quản lý tài sản của Chánh Tâm.

Thấy có hai đứa nhỏ lạ, không biết chúng nó là con của ai nên hỏi thăm liền. Chánh Tâm cười và nói rằng :

- Hai đứa nầy ở trên Mỹ Tho, tôi đem về tôi nuôi chơi.

Hương bộ Huỷnh hối vợ ví gà bắt làm thịt đặng dọn cơm, còn anh ta thì xẩn bẩn trên nhà trên với Chánh Tâm và hai đứa nhỏ. Anh ta thấy thằng Quì lớn hơn thằng Hồi mà hai đứa đều bận áo vải trắng, quần vải đen như nhau, anh ta hồ nghi nên hỏi rằng:

- Hai đứa bây phải là anh em ruột hay không?

Thằng Hồi cười ngất mà đáp rằng:

- Chú hỏi kỳ quá! Tuồng mặt thằng Quì như vậy mà anh ai.

Thằng Quì nghe lời nói hỗn như vậy mà nó không giận, nó lại cười ngỏn ngoẻn và nói với Hương bộ Huỷnh rằng:

- Không phải đâu chú. Hai đứa tôi là anh em bạn.

Khi ăn cơm rồi, thì trời bắt đầu chuyển mưa, mây giăng đen kịt, gió thổi ồ ào, nên Hương bộ Huỷnh sửa soạn đốt đèn và đóng cửa; hai đứa nhỏ tính ham chơi bời, mà xuống đây lạ người, lạ cảnh, trên trời ầm ĩ, ngoài sân tối mò, chúng nó đi không được, nên nằm trên ván buồn hiu một hồi ngủ khò.

Qua bữa sau, vừa mới tảng sáng. Chánh Tâm còn ngủ, hai đứa mò ra phía sau kiếm nước rửa mặt, rồi dắt nhau đi chơi, cho đến mặt trời cao được vài sào chúng nó mới trở về. Chánh Tâm thấy chúng nó bước vô, bèn hỏi rằng:

- Đi đâu từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ? Lạ đi bây không sợ họ bắt hay sao?

Thằng Hồi đáp rằng:

- Bắt à? Hai đứa tôi đi chơi mà bắt giống gì, chớ phải ngủ bậy ngủ bạ như hồi ở trên Chợ Lớn hay sao mà sợ họ bắt.

- Bây có ở trên Chợ Lớn hay sao?

- Có chớ. Ở trên Chợ Lớn rồi mới xuống Mỹ Tho đó đa. Hai đứa tôi đi có ai dám bắt đâu.

Thằng Quì bước lại hỏi Chánh Tâm rằng:

- Ở đây có người gì mà kỳ cục quá vậy, thầy há?

- Người nào đâu?

- Tôi gặp ngoài đường nhiều lắm. Da đen thui, tóc quăn nín, coi in là Chà-và mà không râu, sóng mũi cao lại nói tiếng nghe khác Chà-và quá.

- Dân Cao Miên đó đa.

- Dân Cao Miên đó hay sao? Vậy mà tôi không ngờ chớ, ngộ quá há.

Chúng nó nói với nhau để thủng thẳng làm quen, rồi học nói tiếng, đặng đi Nam Vang chơi.

Đến trưa có một người thổ tên là Thạch Ken, tá điền của Chánh Tâm, đến nhà hỏi Hương bộ Huỷnh mà mượn lúa.

Thằng Hồi với thằng Quì ngó thấy thì mừng lắm, nên đeo theo một bên mà nói chuyện.

Thạch Ken có đi tập lính hai năm, lại trong sóc có người Việt Nam ở chung bộn bộn; bởi vậy nó biết nói tiếng Vệt Nam giỏi mà lại thông thạo phong tục Việt Nam nữa. Nó thấy hai đứa nhỏ vui vẻ, nó thương, nên hai đứa nhỏ không hiểu điều nào thì nó cắt nghĩa điều ấy, không nhút nhát chi hết. Chừng Thạch Ken về, thằng Hồi với thằng Quì xin phép Chánh Tâm đặng đi theo chơi cho biết trong sóc. Chánh Tâm muốn cho hai đứa nhỏ vui lòng mà ở với mình, nên cho phép chúng nó đi chơi thong thả, không ngăn cản.

Thằng Hồi với thằng Quì lại nhà Thạch Ken chơi một lát rồi bắt Thạch Ken dắt đi cùng trong sóc, thấy đàn bà con gái bận áo cổ bồng thì ngó trân trân, nghe người Thổ nói chuyện với nhau thì biểu cắt nghĩa. Hai đứa nó quen được với Thạch Ken thì đắc ý lắm, nên ngày nào cũng kiếm Thạch Ken mà chơi, bữa thì theo lại Chùa coi mấy ông Lục lạy Phật, bữa thì dắt nhau ra ruộng câu cá, hoặc liệng chim.

Có một việc thằng Hồi ưa hơn hết là ngồi trên lưng trâu mà chơi, bởi vậy hễ ra đồng gặp trâu thì nó hay mượn Thạch Ken để cho nó cỡi chơi.

Khi mới xuống tới Láng Thê thì hai đứa nó buồn, mà ở được ít ngày rồi chúng nó quen thú thôn quê, lại không thấy Chánh Tâm bắt làm công việc chi hết, duy chỉ ghẹo cho chúng nó nói chuyện bậy bạ đặng cười chơi mà thôi, bởi vậy chúng nó hết buồn và không tính đi đâu nữa hết.

Một buổi chiều thằng Hồi rủ thằng Quì đi ra ruộng kiếm trâu của Hương bộ Huỷnh mà cỡi chơi. Thằng Quì không chịu đi, nó giận bỏ đi ra một mình.

Chánh Tâm thấy trời mát mẻ, nên xách một cái ghế ra để trước cửa mà ngồi coi sách. Thằng Quì ngồi trên thềm, dựa bên đó mà chơi. Thình lình nó hỏi rằng:

- Thầy biết tại sao nó ưa cỡi trâu hôn?

- Em nói giống gì?

- Tôi hỏi vậy chớ thầy có biết tại sao mà thằng Hồi nó ưa cỡi trâu hôn?

- Không.

- Tôi biết. Tại gốc nó ở ruộng, nên nó ưa trâu bò lắm.

- Nó nói với em cũng vậy, mà sao em không ưa còn nó lại ưa?

- Không. Tôi với nó khác chớ. Tôi từ nhỏ chí lớn ở chợ luôn luôn còn nó ở ruộng, sau mới về chợ mà!

- À. Hổm nay qua tính để qua hỏi em thử coi mà qua quên hoài, tới bữa nay mới nhớ. Mấy lần hỏi thăm thằng Hồi coi gốc gác cha mẹ nó ở đâu thì nó kiếm chuyện nói lảng không chịu tỏ thiệt cho qua biết. Tại sao vậy em?

Thằng Quì cúi mặt xuống đất, dụ dự không chịu nói. Chánh Tâm thấy làm kỳ, nên nói dịu ngọt rằng:

- Qua thấy hai em còn nhỏ mà xiêu lạc bơ vơ qua thương, nên đem về mà nuôi. Nếu có việc gì thì nói thiệt cho qua biết, qua nỡ nào hại hai em hay sao, nên sợ mà không dám nói.

Thằng Quì ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng:

- Hai đứa tôi có sợ gì đâu. Tại hai đứa tôi trốn cha mẹ mà đi, sợ cha mẹ theo bắt lại nên không muốn nói gốc gác cho ai biết.

- Đâu em nói thiệt qua nghe thử coi, em là con của ai ở đâu?

- Tôi là con của cặp rằng Hơn ở trên Đất Hộ.

- Còn thằng Hồi, nó là con của ai?

- Tôi không biết. Hồi nó được năm, sáu tuổi, hai vợ chồng Tư Cu dọn nhà xuống ở trong đường hẻm, ngang cửa tôi đó, thì nó theo ở đó. Nó kêu chú Tư Cu bằng tía, kêu thím Tư Tiền bằng má, mà nó nói không phải cha mẹ nó. Nó nói cha mẹ ruột nó giàu lắm. Hồi trước nó ở nhà lầu với má nó, có bà nội nó và cô hai ở chung với má nó nữa.

Chánh Tâm nghe nói tới đó thì la lên một tiếng “Úy”, rồi buông cuốn sách và đứng dậy, mặt mày tái xanh.

Thằng Quì tưởng có việc gì hại đến, nên nó cũng lật đật đứng dậy. Chánh Tâm chụp nắm tay nó mà hỏi rằng:

- Em nói thiệt hay là nói chơi?

Thằng Quì chưng hửng, nên nó ngó Chánh Tâm trân trân và hỏi rằng:

- Nói thiệt giống gì?

- Em nói thằng Hồi là con nhà giàu, hồi trước nó ở nhà lầu với mẹ nó, có bà nội và cô hai ở đó nữa, thiệt như vậy hôn?

- Tôi không hiểu. Nó khoe với tôi như vậy đó, mà thằng đó nó nói dóc lắm, nên tôi sợ nó nói láo.

- Nó có nói với em, cha mẹ nó tên là gì hay không?

- Không.

- Còn người nuôi nó ở ngang cửa em đó, tên gì? Làm nghề gì?

- Tên là Tư Cu, làm sở Ba Son.

- Bây giờ còn ở đó hay không?

- Không. Năm xưa chú đi ăn trộm, bị cò bắt ở tù. Thím trả phố rồi dắt thằng Hồi trở về trên Chí Hoà. Chừng má tôi làm chị tôi chết. Tôi giận bỏ nhà mà đi, tôi mới lên Chí Hoà mà kiếm thằng Hồi, rồi hai đứa tôi trốn đi xưa rày đây.

Chánh Tâm mắt ngó xuống đất, tay vuốt tóc, miệng nói lầm thầm rằng:

- Tư Cu đi ăn trộm mà bị ở tù...Vợ trở về Chí Hoà.

Chàng đứng ngẫm nghĩ rồi biểu thằng Quì chạy kiếm thằng Hồi về lập tức.

Thằng Quì vừa thót ra sân thì chàng kêu lại và dặn rằng:

- Em kêu nó về cho qua biểu mà thôi. Như nó có hỏi có việc gì thì em cứ nói không biết.

Thằng Quì gật đầu rồi chạy tuốt ra cửa.

Thằng Quì vừa mới đi được một chút xíu thì có tiếng xe hơi chạy ồ ồ bóp kèn, rồi thấy Trọng Quí quẹo vô cửa.

Chánh Tâm dòm ra thấy Trọng Quí với Phùng Sanh ngồi trên xe thì mừng quýnh, lật đật chạy ra, tay thì mở cửa xe, miệng thì nói với Trọng Quí rằng:

- Anh qua may quá. Không biết chừng tôi gặp được con tôi rồi anh.

Trọng Quí nghe nói như vậy thì nhảy phóc xuống đất và hỏi rằng:

- Gặp hay là không gặp, chớ sao lại nói là không biết chừng?

Chánh Tâm nắm tay Trọng Quí mà dắt đi ra ngoài đường, và đi và thuật cho Trọng Quí nghe mấy điều mà thằng Quì mới nói với chàng hồi nãy đó. Trọng Quí nghe rõ đầu đuôi rồi thì nói rằng:

- Nếu vậy thì phải rồi. Chắc là nó đó chớ ai.

- Khoan! Đừng có vội lắm.

- Tôi dám chắc phải rồi. Đi kiếm năm sáu năm mà không gặp, bây giờ khi không mà nó lại về nhà cậu. Trời đất khiến kỳ quá. Thôi, sẵn có xe hơi tôi đây, hai anh em mình đem nó lên cho mợ Ba mừng. Mợ gặp nó mợ hết giận nữa, thì cậu rước mợ về chớ gì.

- Nóng quá như vậy không được...

- Phải rồi mà! Hồi nhỏ nó ở nhà lầu với má nó, bà nội và cô hai nó, sau người nuôi nó là thằng ăn trộm; chuyện rõ ràng như vậy đó, cậu còn nghĩ gì nữa?

- Không có được. Để nó về đây tôi hỏi cho kỹ, rồi tôi lên Chí Hoà tôi kiếm vợ Tư Cu mà hỏi lại nữa. Chừng nào mình biết rõ Tư Cu chính là người mình cho con hồi trước thì mình mới dám chắc chớ.

- Tôi chắc rồi. Chánh Hội là nó đó.

- Sao ai lại cãi tên nó mà kêu là “Hồi”?

Trọng Quí đương ngẫm nghĩ, bỗng thằng Hồi và thằng Quì dắt nhau chạy về .

Hai người đứng mà chờ hai đứa nhỏ. Chừng hai đứa nó về tới, thằng Hồi thấy Trọng Quí thì hỏi rằng:

- Hổm nay thầy có đọc mấy bộ truyện của thằng Quì bán cho thầy đó rồi hay chưa? Phải là đồ bỏ hay không thầy?

Chánh Tâm với Trọng Quí cười rồi dắt nhau vô nhà. Vô tới sân, Thằng Quì thấy xe hơi, liền chạy lại leo lên bóp kèn, còn thằng Hồi thấy Phùng Sanh thì hỏi rằng:

- Ê tụi! Hôm nay tụi có học hay chưa?.

Phùng Sanh mắc cỡ, day mặt chỗ khác, không thèm trả lời. Thằng Hồi lại nói với Chánh Tâm rằng:

- Hổm nay tôi tập đã quen, nên bây giờ tôi leo lên lưng trâu một mình được rồi thầy. Khỏi ai đỡ nữa, sướng quá.

Trọng Quí đứng cười ngất. Vô nhà rồi, Chánh Tâm liền kêu thằng Hồi lại đứng một bên và dùng lời dịu ngọt mà biểu nó thuật rõ ràng coi hồi nhỏ nó ở đâu, ở với ai, tại sao mà Tư Cu nuôi nó. Trọng Quí dắt Phùng Sanh lại ngồi ngang đó có ý đợi mà nghe coi thằng Hồi nó nói làm sao. Thằng Hồi đáp rằng:

- Thầy hỏi chuyện đó làm chi, thầy. Thôi mà để tôi ra coi xe hơi chơi mà.

Nó nói dứt lời rồi dợm bỏ mà đi. Chánh Tâm nắm tay kéo lại mà hỏi nữa. Thằng Hồi đứng dụ dự mà không muốn nói. Thằng Quì liền biểu nó rằng:

- Mầy cứ nói thiệt cho thầy nghe đi mà. Hồi nãy tao nói với thầy rồi, không còn gì nữa đâu mà mầy giấu.

Thằng Hồi ngó thằng Quì rồi lại ngó Chánh Tâm mà hỏi rằng:

- Thằng Quì nói với thầy rồi hả?

- Ừ, nó nói rồi.

- Nó nói rồi thì thầy còn biểu tôi nói làm gì nữa?

- Qua muốn cho em nói đặng qua nghe rõ hơn.

- Vậy hả? Tía tôi tên Tư Cu bị ở tù, còn má tôi tên Tư Tiền, bây giờ ở trên Chí Hoà. Má tôi lấy anh Lành rồi chửi tôi hoài, tôi ghét tôi trốn đi theo chơi với thằng Quì đây.

- Tư Cu với Tư Tiền là cha mẹ nuôi của em, chớ không phải là cha mẹ ruột mà, phải hôn?

- Phải.

- Vậy chớ thiệt em là con của ai?

- Tôi không biết.

- Vậy sao thằng Quì nó nói hồi nhỏ em ở nhà lầu có bà nội, có cô Hai nữa?

- Phải, ba tôi đi Tây.

Chánh Tâm nghe thằng Hồi câu chót đó thì biến sắc nên chụp tay kéo lại ngay trước mặt rồi nhìn nó trân trân. Trọng Quí cũng vùng đứng dậy và hỏi rằng:

- Em biết ba em tên gì hay không?

Thằng Hồi lắc đầu. Chàng hỏi nữa rằng:

- Em nói hồi nhỏ em ở nhà lầu, mà em nhà ở đâu hay không?

Thằng nhỏ cũng lắc đầu nữa.

Chánh Tâm nhìn nó một hồi lâu rồi gục gặc đầu mà hỏi rằng:

- Ai đặt tên cho em là Hồi đó?

- Tía má tôi.

- Hồi em ở nhà lầu đó, má em kêu em bằng tên gì?

- Tên Hội.

- Hả?

- Hồi nhỏ tôi tên Hội.

Chánh Tâm ngó Trọng Quí và nói rằng:

- Phải rồi.

Trọng Quí gật đầu và đáp rằng:

- Tôi dắt nó lên cho mợ Ba coi.

Chánh Tâm đứng dậy chau mày và hỏi thằng Hồi nữa rằng:

- Em bị đau trái giống hồi nào?

- Năm ngoái, hồi tía tôi ở tù, má tôi đem về Chí Hoà rồi tôi mới đau.

Chánh Tâm nói với Trọng Quí rằng:

- Tôi phải dắt nó đi kiếm Tư Tiền mà hỏi thăm gốc gác cho chắc đã, chớ không nên hốp tốp lắm.

Trọng Quí gật đầu đáp rằng:

- Vậy thì cậu sửa soạn rồi đi liền bây giờ. Sẵn có xe tôi đây. Tôi đi với cậu nữa.

Chánh Tâm lật đật đi thâu xếp áo quần bỏ vô hoa ly.

Còn Trọng Quí kêu thằng Quì với thằng Hồi mà biểu sửa soạn đặng đi Sài Gòn.

Thằng Quì nói rằng:

- Tôi không đi Sài Gòn đâu thầy. Về trển lỡ gặp tía má tôi rồi sao?

Thằng Hồi lại hỏi rằng:

- Tôi mới nghe nói phải đi kiếm má tôi. Kiếm chi vậy, thầy. Hễ má tôi thấy tôi thì má tôi bắt tôi còn gì?

Trọng Quí cười và hai tay vỗ vai hai đứa nhỏ mà nói rằng:

- Hai em đừng lo gì hết. Có qua với cậu bảo hộ cho, không hại gì đâu mà sợ. Em Hồi, để qua nói cho em biết, qua chắc em gần gặp ba mẹ ruột của em rồi. Em sẽ trở về cái nhà hồi nhỏ đó mà em ở.

Thằng Hồi ngó Trọng Quí trân trân, tuy nó không hiểu cha mẹ ruột nó ở đâu, song nó nghe nói như vậy thì bộ mặt coi tươi lắm.

Chánh Tâm sửa soạn đồ xong rồi, thì trời đã chạng vạng tối.

Trọng Quí kêu sớp phơ xách hành lý lên xe và thôi thúc Chánh Tâm với ba đứa nhỏ ra đi. Chàng sắp thằng Quì ngồi trước với sớp phơ, còn chàng với Chánh Tâm ngồi hai bên phía sau, thằng Hồi với Phùng Sanh ngồi giữa.

Sớp phơ đạp máy, phựt đèn lên sáng loà, rồi xe hơi rút chạy, tiếng máy ồ ồ, tiếng kèn te te.

Thằng Hồi phơi phới trong lòng nên dựa bên mình Chánh Tâm, miệng chúm chím cười hoài. Chánh Tâm choàng tay qua ôm nó và lại nói với Trọng Quí rằng:

- Nếu quý thiệt là nó thì tôi cảm ơn trời phật lắm.

Trọng Quí cười và hối sớp phơ chạy cho mau.

CHƯƠNG 18 - MỘT NHÀ SUM HIỆP

Đ

úng 12 giờ khuya, xe hơi lên tới Chợ Lớn. Trọng Quí muốn ghé phứt lại nhà Cẩm Vân mà biểu nàng nhìn thử coi thằng Hồi đó có phải là Chánh Hội hay không. Chánh Tâm không chịu, chàng nói rằng:

- Không được. Việc còn mờ ớ lắm. Mẹ con cách nhau đã năm sáu năm rồi, biết vợ tôi còn nhớ hay không mà nhìn. Chi bằng mình hỏi cho rõ gốc tích, mình biết chắc chắn rồi mình sẽ đem nó về, ví dầu mẹ nó nhìn không được thì mình sẽ có cớ mà nói.

Trọng Quí khen phải, rồi biểu xe chạy thẳng ra Sài Gòn.

Lần nầy cũng ghé khách sạn "Bá Huê Lầu" mà nghỉ nữa. Ba đứa nhỏ buồn ngủ quá, nên vô phòng rồi thì chúng nằm vùi mà ngủ liền. Chánh Tâm nửa mừng, nửa lo, nên cứ đi qua đi lại mà ngó thằng Hồi hoài; chắc nó là con, muốn ôm nó mà hun, mà rồi lại sợ lầm, nên đứng dụ dự. Trọng Quí ép hết sức, mà đến 3 giờ khuya chàng mới chịu vô mùng.

Mới tảng sáng thì Chánh Tâm đã kêu thức dậy hết thảy. Chàng hỏi thằng Hồi rằng:

- Em nói má em là Tư Tiền ở Chí Hòa phải hôn?

- Phải.

- Khỏi trường đua ngựa cũ bao xa, rồi mới tới nhà?

- Khỏi xa lắm. Đi hết xóm đó rồi mới tới.

- Em rửa mặt rồi dắt qua đi.

- Ý! Ai dám! Lên đó má tôi thấy rồi làm sao?

- Không hại gì. Lên đó em ở ngoài xe, để một mình qua vô nhà, thì má em thấy sao được.

- Ờ, thầy vô một mình, chớ tôi không vô đâu. Thằng Quì đi hôn thầy?

- Nó đi nữa.

- Ờ, được a. Có nó đi đặng như má tôi gặp, má tôi rầy, thì tôi nói tại nó rủ tôi đi.

Thằng Quì nghe nói như vậy thì trợn mắt đáp rằng:

- Mầy mọi quá! Đồng lòng với nhau mà đi, bây giờ còn đổ thừa cái gì mậy?

Thằng Hồi cười hề hề rồi nói rằng:

- Tao nói chơi với mầy, chớ tao đương thèm đổ thừa à. Tao sướng lắm mà, để rồi mầy coi.

Chánh Tâm mượn xe của Trọng Quí mà đi Chí Hòa. Trọng Quí đòi đi theo, nên khóa cửa phòng rồi dắt hết đi ra xe.

Xe chạy lên tới trường đua ngựa cũ, thằng Hồi day qua hỏi Trọng Quí rằng:

- Hôm qua thầy nói tôi gần gặp cha mẹ ruột tôi mà sao bây giờ lại trở về cha mẹ nuôi tôi vậy thầy?

Trọng Quí cười và đáp rằng:

- Chậm chậm một chút. Phải tới cha mẹ nuôi rồi mới tới cha mẹ ruột được chớ.

Thằng Hồi không hiểu nên ngồi bơ bơ mà ngó hai bên xóm.

Xe chạy ngang qua cái đường nhỏ vô nhà Tư Tiền, thằng Hồi liền chỉ tay mà nói rằng:

- Đó, nhà má tôi đó.

Chánh Tâm kêu sơp-phơ ngừng lại, mà vì xe đương trớn chạy nên chừng ngừng được thì đã khỏi hơn một khoảng dây thép.

Sơp-phơ muốn thụt xe lại. Chánh Tâm không cho, biểu phải đậu luôn chỗ đó.

Chàng leo xuống xe, biểu thằng Hồi chỉ nhà lại cho chắc, rồi chàng thủng thẳng mà đi.

Trọng Quí dặn sơp-phơ coi chừng ba đứa nhỏ, đừng cho chúng nó xuống xe, rồi chàng chạy theo Chánh Tâm.

Khi hai người bước vô cái đường nhỏ rậm rạp, trên cây dưới cỏ, thì Chánh Tâm trong lòng hồi hộp nên nói với Trọng Quí rằng:

- Đêm nay tôi vái Trời Phật, Ông Bà lung lắm, tôi cầu nguyện hỏi cho trúng, đặng cha con nhìn nhau, chồng vợ hiệp nhau, cho hết buồn rầu nữa. Không biết Trời Phật có chứng cho lòng của tôi hay không?

Trọng Quí chúm chím cười và đáp rằng:

- Cậu vái làm gì. Nếu không phải, mà cậu vái rồi Trời Phật làm cho phải được hay sao? Mà tôi chắc phải rồi, cậu đừng lo.

Chánh Tâm với Trọng Quí bước vô tới sân thì thấy một cái nhà tranh xịch xạc, vách phên trống lỗng, cửa nẻo rệu rạo.

Có một người đàn ông đương nằm tại bộ ván ngay cửa, ngóc đầu ngó thấy hai chàng vô gần tới cửa thì ngồi dậy bước xuống đất mà cặp mắt dớn dác. Chánh Tâm ngó thấy người ấy rồi day lại nói với Trọng Quí rằng:

- Phải rồi.

Người ấy thụt vô trong, bộ như muốn chạy trốn. Chánh Tâm cười và hỏi rằng:

- Phải chú là Tư Cu không? Không có sao đâu mà sợ. Ở đây cho tôi hỏi thăm một chút.

- Thưa, hai thầy ở đâu mà hỏi thăm Tư Cu?

- Chú quên tôi hay sao?

- Thưa, quên.

- Tôi ở đường Thuận Kiều, cách năm sáu năm nay, tôi cho chú một đứa nhỏ với mấy trăm đồng bạc đó, chú nhớ hôn?

- Thưa nhớ. Bây giờ tôi nhớ rồi. Mắc hồi đó nhằm ban đêm, phần thì lâu quá rồi, nên tôi quên, xin thầy đừng chấp tôi tội nghiệp. Mời hai thầy vô nhà.

- Thôi đứng đây cũng được. Vợ chú tên gì?

- Thưa, tên Tiền.

- Thím đi đâu?

- Thưa thầy, con đó khốn nạn quá. Nó bỏ tôi theo trai hơn một tháng nay rồi.

- Tôi nghe nói chú bị ở tù, chú ra hồi nào mà bây giờ chú ở nhà đây?

- Thưa thầy, tôi ra cũng hơn một tháng nay. Cũng tại con vợ tôi nên tôi mới bị ở tù đa thầy. Tôi nói cho thầy thương. Thầy cho tôi mấy trăm đồng bạc, tôi ca cởm để dành đặng nuôi thằng nhỏ. Con vợ tôi nó lén lấy thua bài thua bạc hết, nó báo hại cho tôi nghèo quá, làm không đủ ăn, túng thể phải đi làm bậy nữa. Tôi bị ở tù, nó ở nhà lại lấy thằng Lành, là đứa con nít đáng tuổi con nó, rồi chừng tôi ra hai đứa nó sợ, nên dắt nhau trốn mất.

- Thím ở mọi rợ quá như vậy, thôi thì chú bỏ thím cho rồi còn kể mà làm gì?

- Thưa không, tôi có kể nữa đâu. Nó bỏ tôi thiệt là may cho tôi lắm chớ. Nếu nó còn ở với tôi nữa, chắc là tôi không khỏi bị đày.

- Còn thằng nhỏ tôi cho chú đó, bây giờ nó ở đâu? Thím dắt theo hay là thím để lại cho chú?

- Thưa thầy, hồi tôi bị ở tù, nó ở nhà, nó bỏ thằng nhỏ để theo ai không biết, đến chừng tôi về đây, tôi không thấy nó nữa.

Chánh Tâm cười, liếc ngó Trọng Quí thì thấy Trọng quí cũng cười. Chánh Tâm ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi Tư Cu nữa rằng:

- Chú có dạy thằng nhỏ đó ăn trộm hay không?

- Thưa thầy, thầy dặn tôi như vậy, mà nó còn nhỏ quá, dạy giống gì được.

- Bây giờ chú nghèo lắm hay sao?

- Thưa nghèo quá.

Chánh Tâm móc bóp phơi ra, đếm lấy ba tấm giấy bạc xăng mà đưa cho Tư Cu và nói rằng:

- Tôi cho chú thêm ba trăm đồng bạc nữa đây. Chú để dành làm vốn buôn bán kiếm lời mà ăn, đừng có đi ăn trộm nữa, mà cũng đừng có trở lại với thím nữa đa, nghe không. Thôi, tôi về.

Chánh Tâm nói dứt lời rồi kéo Trọng Quí trở ra.

Tư Cu cầm lấy ba tấm giấy xăng, trong lòng ngẩn ngơ, không hiểu tại sao mà thầy đó cứ cho tiền hoài như vậy? Anh ta chạy theo tạ ơn, thì Chánh Tâm đứng lại, khoát tay và nói rằng:

- Chú trở vô. Đừng có nói chi hết, đừng có nói chi hết... Nè, phải nghe lời tôi đừng có trở lại với thím nữa, nghe hôn.

Tư Cu dạ rân, song đứng lại mà ngó, chớ không dám theo.

Ra tới xe, Chánh Tâm thót lên, ôm thằng Hồi vào lòng mà hun và nói rằng:

- Con ôi, con, cha ruột con đây nè, con biết hôn.

Trọng Quí liền biểu sơp-phơ chạy thẳng vô Chợ Lớn.

Xe chạy vùn vụt, Chánh Tâm ôm riết thằng Hồi nựng nịu mà nước mắt chảy ròng ròng. Trọng Quí ngồi cười hoài.

Thằng Hồi không hiểu chi hết, cứ ngồi lặng thinh, mà mặt nó hớn hở lắm.

Chừng xe gần tới Chợ Lớn nó mới hỏi rằng:

- Còn má ruột của tôi đâu?

Chánh Tâm lau nước mắt và nói rằng:

- Một lát nữa con sẽ gặp má con.

Vô tới Chợ Lớn, Trọng Quí biểu sơp-phơ chạy qua đường Cây Mai đặng ghé nhà Cẩm Vân.

Xe vừa ngừng, Trọng Quí nhảy xuống trước, chạy vô nhà, thấy Cẩm Vân đương ngồi trên bộ ván với cô Ba Hài thì nói lớn lên rằng:

- Mợ Ba, cậu Ba kiếm được cháu rồi, cậu dắt vô trả cho mợ kia.

Cẩm Vân nghe nói như vậy vùng đứng lên gọn gàng.

Chánh Tâm nắm tay thằng Hồi bước vô, còn thằng Quì với Phùng Sanh thì đi theo sau.

Chánh Tâm vừa thấy vợ thì khóc và nói rằng:

- Tôi mới tìm được con, nên dắt nó vô cho mình đây.

Cẩm Vân bước tới nắm tay thằng Hồi mà nhìn, nàng rờ tay chơn, đầu cổ, nàng vạch lỗ tai, nàng vuốt mái tóc, nàng coi cùng hết, rồi nàng ôm nó và khóc và nói rằng:

- Phải con tôi rồi, hai cạnh tai nó có hai cái lỗ, đời nào mà tôi quên cho được. Con ôi! Mấy năm nay con ở đâu vậy con? Con lên mùa hồi nào mà mặt mày rỗ chằng như vầy nè hử? Tại ba con độc ác lắm, nên mấy năm nay con lìa mẹ, mẹ buồn rầu, con cực khổ, mà mẹ cũng khóc hết nước mắt.

Cẩm Vân ôm con và khóc và nói không dứt. Chánh Tâm ngồi trên ghế, chàng cũng khóc.

Trong nhà ai nấy đều động lòng, đứng ngó nhau, không ai nói được một tiếng. Thằng Hồi mừng mà chảy nước mắt ròng ròng. Cẩm Vân khóc kể đã thèm rồi nàng nói rằng:

- À, tôi có may sẵn một bộ quần áo mà chờ con tôi. Ngó à, mầy lên lầu, kéo hộc tủ phía trái đó, lấy cái áo lụa với cái quần lụa tao may hôm trước đó, đem đây đặng tao bận cho con tao. Tội nghiệp quá! Bận áo quần gì như vầy hổng biết.

Nàng cởi áo cởi quần thằng Hồi rồi, chừng con Ngó đem bộ đồ xuống, nàng bận vô cho nó, đứng ngắm nghía và cười và nói rằng:

- Tôi may nhắm chừng mà vừa quá chớ há?

Chánh Tâm thấy vợ vui rồi, chàng mới lau nước mắt và bước lại gần mà nói rằng:

- Bây giờ tôi kiếm con được rồi, vậy xin mình đừng có phiền tôi nữa. Tại số mạng vợ chồng mình trắc trở ít năm, nên mới khiến cho có chuyện như vậy, chớ phải tại tôi oán thù vợ con đâu mà mình phiền. Tôi biết năm sáu năm nay mình buồn rầu lung lắm. Tôi đây, tôi lại vui sướng gì hay sao. Mình hỏi anh Trọng Quí đây coi cái thân tôi ra thể nào thì mình biết.

Cẩm Vân day mặt qua chỗ khác mà đáp rằng:

- Ủa, thầy buồn thì thầy chịu, tại thầy làm chớ phải tại tôi hay sao mà thầy trách. Thôi, thầy trả con cho tôi rồi thì thôi, tôi có giận thầy nữa đâu. Thầy muốn về thì về đi. Tôi gặp con tôi thì đủ rồi.

Chánh Tâm không biết nói sao nữa được, nên đứng ngó vợ mà mặt coi buồn hiu.

Chừng đó cô Ba Hài với Trọng Quí mới xen vô mà nói chuyện om sòm.

Cẩm Vân lăng xăng dắt con đi rửa mặt, lấy nước chải đầu cho nó, lấy bánh đưa cho nó ăn.

Nàng mắc mừng con, nên quên hết thiên hạ. Chừng nàng tĩnh trí, dòm thấy Phùng Sanh với thằng Quì, nàng mới hỏi hai đứa nó là con của ai. Trọng Quí nói rằng:

- Thằng Quì đây là anh em bạn của Chánh Hội, nhờ nó dắt Chánh Hội trốn, nên cậu Ba mới gặp được.

Chàng lại nắm tay Phùng Sanh kéo tới mà nói rằng:

- Thằng nầy là con của tôi.

Cẩm Vân chưng hửng hỏi rằng:

- Ông có con tới bây lớn lận sao?

- Phải. Nó đẻ một lượt với Chánh Hội.

- Hồi nào đâu? Sao tôi không nghe nói?

- Mợ khéo giả ngộ thì thôi. Cô Hai Tố Nga đẻ nó một lượt và một nhà với mợ, sao lại không hay!

- Ủa! Té ra con của chị Hai tôi đây hay sao? Phùng Sanh phải hôn?

- Phải.

- Bất nhơn dữ hôn! Ai dè đâu. Sao mà nó lại về với ông?

- Thầy Phùng Xuân làm tờ giao nó cho cậu Ba, có vậy nên tôi mới bắt được chớ. Nầy, mà bây giờ mợ gặp được cháu rồi, mợ phải đãi tiệc đi chớ. Đi từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ đã đói bụng rồi. Mợ sai mua đồ về dọn cơm ăn, mợ Ba.

- Được. Tôi với dì Ba cũng chưa ăn cơm.

Cẩm Vân với cô Ba Hài kêu con Ngó mà sai ra chợ mua đồ đặng về dọn cơm ăn. Con Ngó bước ra đi, thằng Quì ngó theo trân trân rồi nó kêu thằng Hồi mà hỏi rằng:

- Hồi, mầy nhớ chị đó hôn mậy?

Thằng Hồi lơ láo hỏi rằng:

- Nhớ giống gì?

- Tao với mầy ngủ ngoài trước kia, sáng ngày chỉ mở cửa ra đuổi mình, chỉ đưa chổi muốn đánh mình đó, mầy quên hay sao?

- À, à, phải a.

Cẩm Vân nghe hai đứa nhỏ nói như vậy, nàng không hiểu, nên nàng hỏi. Chừng thằng Hồi cắt nghĩa cho nàng biết rằng hồi năm ngoái nó với thằng Quì có ngủ tại bộ ván để ngoài đó một đêm, thì nàng chưng hửng rồi nàng chắt lưỡi mà than rằng:

- Bất nhơn quá! Trời khiến con tôi về nhà mà tôi không hay chớ.

Chánh Tâm nghe lời than ấy thì chàng nói rằng:

- Vậy chớ tôi đây lại giỏi gì. Tôi rước nó về nhà ở mấy bữa mà tôi có dè nó là con của mình đâu. Hỏi nó thì nó không chịu nói gốc tích. May nhờ có thằng Quì nói nên mới tìm ra mối, chớ không thì nó ở mấy năm, tôi cũng không hiểu được.

Con Ngó mua đồ về một xe kiếng. Chánh Tâm với Trọng Quí phụ khiêng một cái bàn lớn để giữa nhà, rồi cô Ba Hài với Cẩm Vân coi sắp đặt dọn đồ đem lên mà ăn. Trọng Quí sắp chỗ ngồi, chàng để Chánh Hội ngồi giữa, còn cha mẹ nó ngồi hai bên. Cẩm Vân gắp ép con ăn, bộ nàng vui vẻ lắm, chớ không phải buồn rầu như trước kia nữa.

Trong lúc ăn cơm, cô Ba Hài hỏi thăm tại sao mà tìm Chánh Hội được. Chánh Tâm nhơn dịp ấy mới thuật chuyện lại cho dì với vợ nghe. Đến chừng chàng nói tới lúc chàng cho Tư Cu ba trăm đồng bạc thì thằng Hồi hỏi rằng:

- Trời ơi! Cho chi vậy?

- Ba thưởng nó. Nó không hay ba kiếm con, chớ phải nó hay nó đến nhà mà cho chuộc, nó đòi mấy muôn ba cũng chịu hết.

- Tía tôi ở tù mà về hồi nào đó kia.

- Tư Cu nói với ba, chú về hơn một tháng rồi. Còn vợ chú lấy thằng nhỏ nào đó, nghe mãn tù thì sợ, nên dắt nhau trốn mất.

- Lấy anh Lành.

- Phải a.

- Tôi hay chuyện đó. Tại cái đó nên tôi bị đòn gần chết. Nó lấy nhau, tôi thấy rồi nó sợ tôi nói bậy, nó trở lại đánh tôi chớ.

Ai nấy nghe nó nói như vậy đều tức cười. Trọng Quí kêu Chánh Hội mà nói rằng:

- Hồi hôm qua, qua nói cháu gần gặp cha mẹ ruột cháu, bây giờ cháu gặp rồi đó, cháu tin qua hay không?

Chánh Hội gật đầu rồi kêu thằng Quì mà nói rằng:

- Quì, tao nói cha mẹ tao giàu lắm, ở nhà lầu, mầy nói tao nói dóc, bây giờ mầy thấy hay chưa hả?

Chánh Hội nói tới đó rồi ngẫm nghĩ và day qua hỏi mẹ rằng:

- Nè má, tôi nhớ hồi đó nhà mình không phải như vầy mà.

Cẩm Vân nghe kêu tiếng "Má" thì thơ thới trong lòng, tươi rói ngoài mặt, nàng liếc chồng mà cười, rồi trả lời với con rằng:

- Ờ, hồi trước con ở ngoài Sài Gòn, chớ đâu ở đây. Con nhớ hôn? Con ngủ trên lầu với má, còn bà nội với cô Hai ngủ dưới, có con Nên, con Lại nó tắm cho con hoài đó.

- Ờ, ờ! Tôi nhớ rồi. Cô Hai cũng có con như tôi vậy, phải hôn má?

- Kia, kìa, con của cô Hai con đó.

Cẩm Vân và nói và chỉ Phùng Sanh. Chánh Hội ngó sửng và nói rằng:

- Ủa! Vậy mà hổm nay không dè chớ.

Nó liền đứng dậy chạy lại Phùng Sanh rồi nắm tay thằng nọ mà dục dặc hai ba cái và nói rằng:

- Bon dua, tụi. Từ đó đến bây giờ mạnh giỏi, hả?

Ai nấy cười rộ, mấy đứa nhỏ cũng cười.

Chánh Hội trở lại ngồi dựa bên mẹ nó, rồi day qua hỏi cha nó rằng:

- Bà nội với cô Hai bây giờ đâu, ba?

- Chết hết rồi còn đâu mà hỏi.

Chánh Tâm nói mà ứa nước mắt. Chánh Hội ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:

- Cái nhà lầu hồi đó bây giờ còn hôn, má? Tôi muốn về đó ở với ba má, chớ tôi không muốn ở đây.

Cẩm Vân với Chánh Tâm ngó nhau mà cười. Cô Ba Hài nói rằng:

- Mẹ kiếp nó! Nó xiêu lạc mấy năm nay mà cũng không quên nhau rún. Con như vậy mà không nhớ sao được.

Trời xui khiến thiệt là kỳ. Chánh Hội lìa mẹ, cách mẹ đã lâu, mà bây giờ sum hiệp, nó trìu mến như thuở nay ở chung một nhà. Nó nói chuyện với mẹ mà cũng nói chuyện với cha; nó chọc cho hai người phải nói chuyện với nhau, nó muốn hai người đều thương nó, nó nói tía lia, nó tính tưng bừng, làm cho Cẩm Vân chừng ăn rồi thì hết giận chồng nữa được.

Trọng Quí muốn thừa dịp nầy mà làm lành cho vợ chồng Chánh Tâm hòa hiệp với nhau, nên biểu Chánh Tâm ra khách sạn lấy hành lý đem vô đây mà ở. Chánh Tâm sửa soạn đi, Chánh Hội đòi đi theo, nó lại biểu mẹ nó cũng đi nữa, đặng chỉ cái nhà lầu hồi trước cho nó coi. Cẩm Vân dục dặc không chịu đi, mà không muốn cho con đi, ngặt vì Chánh Hội đòi quá, nên nàng phải đội khăn mà đi với chồng con. Trọng Quí ngồi trước với sơp-phơ và Phùng Sanh, thằng Quì ngồi kế một bên còn hai vợ chồng Chánh Tâm với Chánh Hội thì ngồi phía sau.

Xe chạy ra đường Thuận Kiều, chừng đi ngang qua nhà lầu, thì Chánh Tâm chỉ mà nói với con rằng:

- Đó, nhà của mình đó. Để ít bữa ba kêu họ đi rồi ba dọn đồ về đó cho con ở với ba má.

Thằng Hồi gật đầu và cười. Nó lại ngó thằng Quì và nói với cha nó rằng:

- Nè, ba nuôi thằng Quì nữa, nghe hôn ba. Tôi có hứa với nó hễ tôi gặp ba má tôi biểu ba má nuôi luôn nó nữa.

Chánh Tâm gật đầu, Chánh Hội cười.

Nó lại day qua nắm tay má nó nói rằng:

- Má biểu ba mua cái xe hơi cho tôi đi chơi nghe hôn má.

Cẩm Vân ngó Chánh Tâm mà cười. Chánh Tâm cũng cười và nói rằng:

- Con muốn xe hơi, để chiều ba mua cho.

Chánh Hội khoái chí bèn vói tay vỗ lưng thằng Quì mà hỏi rằng:

- Sướng hôn mậy? Chiều nay tao có xe hơi.

Ra tới khách sạn, Trọng Quí ở lại đó với Phùng Sanh và thằng Quì, còn để Chánh Tâm lấy hành lý đi với Chánh Hội vô Chợ Lớn mà thôi. Cẩm Vân không chịu, cứ theo nài nỉ phải đi hết vô trong nhà nàng mà nghỉ.

Trọng Quí lấy làm vui mà thấy Cẩm Vân thuận với chồng rồi, chàng không dám trái ý nàng, nên kêu sơp-phơ biểu đi trả tiền phòng và đem hết hành lý xuống xe.

Khi sửa soạn đi, Chánh Tâm bèn nói rằng:

- Trong lúc con tôi bị hoạn nạn thì nó nhờ có thằng Quì bảo hộ. Công ơn của thằng Quì tôi không thể quên được. Tôi muốn đem nó về nuôi cũng như con tôi vậy, ngặt vì không biết tía nó có ngăn trở hay không. Vậy sẵn dịp đây, tưởng đi lên Đất Hộ kiếm cặp rằng Hơn đặng tôi nói chuyện một chút.

Trọng Quí với Cẩm Vân đều khen phải, nên biểu sơp-phơ chạy lên Đất Hộ.

Thằng Quì chỉ lối cho xe ghé ngay đường hẻm vô nhà nó. Chánh Tâm với Trọng Quí xuống xe rồi đứng bợ ngợ không biết đâu mà đi. Thằng Quì không dám chường mặt ra mà chỉ đường. Chánh Hội thấy vậy mới leo xuống mà nói rằng:

- Ba đi theo tôi đây, tôi chỉ nhà tía thằng Quì cho.

Mấy người đi vô hẻm một hồi rồi trở ra mặt mày buồn xo. Trọng Quí liền biểu sơp-phơ chạy vô Chợ Lớn. Xe qua khỏi chợ Đất Hộ rồi thằng Quì mới hỏi Chánh Tâm rằng:

- Thầy nói với tía tôi xong chưa hả thầy?

Chánh Tâm gật đầu. Chánh Hội vùng nói lớn rằng:

- Tía mầy bị dây đèn khí quấn chết rồi, còn đâu mà nói.

Thằng Quì chưng hửng. Chánh Tâm sợ nó buồn, nên nói rằng:

- Số em phải ở cho qua nuôi, nên Trời mới khiến có việc như vậy. Em đừng có buồn. Em ở với qua tốt hơn, về cha mẹ ghẻ sao được. Mà mẹ ghẻ em đã đi mất rồi, biết đâu mà kiếm.

Thằng Quì ngồi buồn hiu.

Về tới nhà Cẩm Vân lật đật đi mua hàng về kêu thợ may cắt áo quần cho Chánh Hội với thằng Quì bận.

Bổn thân nàng đi tắm gội cho hai đứa nhỏ, nàng kì mình, kì cổ, nàng cắt móng tay, móng chưn, nàng săn sóc từ chút, không chịu để cho con Ngó làm.

Chánh Hội tắm rửa sạch sẽ, mặc áo quần tử tế rồi thì theo thúc ba nó đi mua xe hơi. Chánh Tâm muốn giúp với vợ mà làm cho vừa lòng con, nên biểu Cẩm Vân ở nhà coi thợ may áo may quần và biểu con Ngó sắm đồ đặng chiều ăn cơm, còn chàng với Trọng Quí và ba đứa nhỏ dắt nhau đi Sài Gòn.

Đến chiều trở về thì Chánh Hội với thằng Quì mỗi đứa đều có giầy, có nón và có bộ đồ Tây, cũng như Phùng Sanh vậy. Chánh Hội chạy lại ôm má nó và nói rằng:

- Ba mua xe hơi rồi má à. Xe tốt lắm, họ nói để họ vẽ số rồi chiều mai mới lấy được. Ba mướn sơp-phơ rồi nữa. Sướng lắm, mai mình có xe hơi mới. Hễ lấy rồi mình đi Trà Vinh nghe hôn má. Má đi với con má. Xuống Trà Vinh rồi mình đi Cần Thơ thăm nhà Phùng Sanh nữa.

Đêm ấy Trọng Quí mới tính với vợ chồng Chánh Tâm để chàng về Cần Thơ trước mà thông tin cho cô Năm Đào hay đặng cô mừng. Chàng căn dặn hễ lấy xe mới rồi thì hai vợ chồng Chánh Tâm về Trà Vinh thăm nhà chừng một vài bữa rồi sao cũng qua Cần Thơ ở chơi với chàng ít ngày. Vợ chồng Chánh Tâm chịu nên sáng bữa sau cha con Trọng Quí mới lên xe đi trước về Cần Thơ.

CHƯƠNG 19 (CHƯƠNG KẾT) - DỄ CÓ MẤY AI

M

ất con lìa vợ gần sáu năm trường rồi, thình lình trong một buổi mà cha con tương phùng, vợ chồng hội hiệp; làm người ai gặp cái cảnh như vậy, dầu tánh tình trầm tịnh đến thế nào đi nữa cũng khó mà giấu cái mừng, cái vui trong lòng được. Chánh Tâm được sum hiệp với vợ con, tuy chàng không lộ cái vẻ vui mừng của chàng cho ai thấy, nhưng mà chàng ngồi cứ ngó vợ rồi ngó con mà cười hoài. Lâu lâu chàng ngoắc con lại gần rồi ôm mặt nó mà hun, hoặc chàng lại đứng một bên vợ mà coi vợ may áo cho con bận. Chàng hưởng thú hòa hiệp một cách êm ái như vậy đó, người ngoài dòm vô ai cũng tưởng chàng không vui mừng cho lắm duy Cẩm Vân biết tánh ý chồng, nên nàng hiểu cái cử chỉ ấy là cử chỉ khoái lạc của chồng thuở nay.

Trọn buổi sớm mơi, Chánh Tâm xẩn bẩn ở nhà mà chơi với vợ con. Buổi chiều, chàng đi ra Sài Gòn, mướn Trưởng tòa ra giấy ký cho người mướn nhà lầu của chàng trong vòng 15 ngày phải dọn đồ đi và trả lại cho chàng ở. Việc đó xong rồi chàng mới lại hãng xe hơi chồng bạc mà lấy xe.

Đến 5 giờ chiều, chàng đem xe về. Chánh Hội nghe thấy xe thì mừng quýnh, chạy vô trong nó kéo má nó ra coi.

Chánh Tâm mời Cẩm Vân với cô Ba Hài đi thử. Cẩm Vân từ rằng:

- Để tôi may đồ sắp nhỏ riết cho rồi đặng mai có đi, chớ đi chơi rồi mai đi sao được. Chánh Tâm nghe nói như vậy thì không dám ép nên đi một vòng với cô Ba Hài và hai đứa nhỏ, còn để vợ ở nhà may đồ.

Áo quần của sắp nhỏ may xong rồi, Chánh Tâm bèn thưa với cô Ba Hài đặng rước vợ về Láng Thê thăm nhà ít bữa.

Cô Ba Hài nói rằng :

- Nó phải đi chớ. Nó có nói với tao rằng, hồi chị Tổng mất, nó có bịnh nó không hay. Mấy năm nay nó phiền mầy nên nó không tới nhà được mà lạy chị Tổng. Bây giờ vợ chồng con cái hiệp với nhau rồi, thì nó đi mới phải chớ.

Cẩm Vân lo thâu xếp áo quần bỏ vào hoa ly. Chánh Tâm lấy đồ tây mà bận cho Chánh Hội với thằng Qui, sửa soạn xong rồi mới từ cô Ba Hài mà lên xe. Hai đứa nhỏ rủ nhau ngồi phía trước với sốp phơ, bỏ Chánh Tâm với Cẩm Vân ngồi sau chen ngoẻn.

Xe mới, máy còn êm nên chạy nghe tiếng vù vù xuống tới nhà ga An Lạc, Chánh Hội ngoái đầu lại mà nói rằng:

- Tôi với thằng Quì có ngủ lại đây một đêm má a.

Chánh Tâm ngó vợ mà cười.

Xuống tới chợ Đệm, Chánh Hội lại chỉ quán bà già cho ăn cơm hồi trước, rồi xuống tới Gò Đen nó chỉ luôn trường học nó học ngày xưa nữa. Hai đứa ngồi trước, nói chuyện cãi lẽ om sòm. Vợ chồng Chánh Tâm ngồi sau cứ ngó rồi cười cùng nhau.

Có một lúc xe đương chạy mau, Chánh Tâm nắm tay vợ mà nói rằng:

- Em ốm lung quá ! Để dọn nhà ở yên rồi qua đem em cho quan thầy thuốc coi, để cho thuốc em mập lại như xưa mới được.

Cẩm Vân lắc đầu đáp rằng :

- Em có đau đâu mà uống thuốc. Bây giờ em gặp con rồi, em hết buồn rầu nữa, thì trong ít ngày đây em mập lại chớ gì.

Chánh Tâm muốn tính việc sẽ tới, chớ không nghe chuyện qua rồi, bởi vậy chàng nín khe một hồi lâu, rồi chàng dựa vào vai vợ mà nói rằng:

- Qua nhứt định từ rày về sau qua không rời em một giây phút nào hết.

Cẩm Vân liếc mắt ngó chàng mà cười.

Cách ngó, cách cười ấy, trót hơn mười năm Chánh Tâm mới được thấy một lần nữa đây, thấy rồi chàng quên các mối sầu, các mối thảm ngày xưa hết.

Lúc 12 giờ trưa, xe hơi xuống tới Láng Thê.

Hai vợ chồng Hương bộ Huỷnh nghe tiếng xe hơi vô sân, không biết là xe của ai, nên lật đật chạy ra mà dòm, Hương bộ Huỷnh ngó thấy Chánh Tâm mà lại có Cẩm Vân, thì chưng hửng không hiểu sao mà vợ chồng được sum hiệp.

Chánh Tâm mở cửa bước xuống xe, nắm tay đỡ vợ xuống nữa, rồi nói với Hương bộ Huỷnh rằng:

- Tôi tìm được con tôi rồi, vợ tôi hết phiền tôi nữa nên dắt nhau về đây mà lạy thầy với má tôi.

Hương bộ Huỷnh hỏi Chánh Tâm rằng:

- Chánh Hội đâu?

Chánh Tâm chỉ Chánh Hội mà đáp rằng:

- Nó đó.

Hương bộ Huỷnh lõ cặp mắt chau quảu mà nói rằng:

- Thằng nầy là thằng Hồi mà.

- Nó đó đa.

- Trời ơi! Sao cháu dắt về chuyến trước cháu không nói cho cậu biết.

- Hồi đó tôi không dè.

Chánh Hội nắm tay má nó mà dắt vô nhà, và đi và nói rằng:

- Tôi về đây với ba hôm trước, tôi có tập cỡi trâu. Bây giờ tôi leo lên lưng trâu khỏi ai đỡ nữa. Để chiều tôi cỡi cho má coi.

Cẩm Vân đáp rằng:

- Ý! Hổng được đa con. Cỡi trâu làm chi?

- Cỡi chơi, ngộ lắm chớ.

- Má không muốn con cỡi. Con đừng có cãi lời, má giận đa.

- Má giận thì thôi.

- Chánh Tâm đưa bạc cho Hương bộ Huỷnh, biểu kiếm mua một con heo, đặng ngày mai làm thịt mà cúng cha mẹ.

Đến chiều, hai vợ chồng Chánh Tâm, dắt Chánh Hội với thằng Quì đi bộ trên bờ lộ Láng Thê qua Ất Ếch mà chơi.

Hai đứa nhỏ chạy trước, hai vợ chồng Chánh Tâm thủng thẳng đi sau.

Ra khỏi đầu giồng rồi Chánh Tâm thấy đồng rộng minh mông, trong lòng sinh mối cảm tình lai láng. Chánh Tâm rủ vợ ngồi dựa gốc cây cồng mà nghỉ chưn. Chánh Tâm ngồi ngắm cảnh một hồi rồi ứa nước mắt mà nói với vợ rằng:

- Năm trước, lúc qua mới về dưới nầy, qua có ra đây chơi một lần. Qua thấy cảnh, qua nhớ lúc vợ chồng mình mới cưới. Hai đứa mình ra đây đứng trò chuyện với nhau, tình dan díu rất mặn nồng, thì qua buồn quá, qua muốn tự vận chết phứt cho rồi. Thiệt qua nhớ cô Năm Đào lung lắm. Nếu không có cô thì qua đã chết từ lâu rồi.

Cẩm Vân ngó chồng mà hỏi rằng:

- Cô Năm Đào nào ở đâu?

- Cô là con người cậu của anh Trọng Quí, chồng chết rồi, nên mới trở về ở với cha mẹ trong Trà Bang.

- Cô làm sao mà anh hết buồn?

- Cô có cái cách khuyên giải hay lắm. Chẳng những là lời nói cô khôn khéo mà thôi, mà cô còn có cái duyên lạ lùng quá, hễ qua thấy mặt cô là qua bớt buồn. Qua nói thiệt với em, vì cái tình của qua đối với em nặng quá, qua không thể nào quên em được, nên gần gũi với cô năm sáu năm, tuy dan díu với nhau nhưng không có đìều gì đáng trách. Nếu người nào khác không phải là qua, thì qua chắc phải xe tơ kết tóc với cô rồi.

- Cô ở đâu mà anh gần cô được ?

- Cô ở nhà anh Trọng Quí.

- Cô ở đó luôn hay sao?

- Ở luôn luôn. Nếu cô về Trà Bang thì qua buồn quá, nên anh Trọng Quí cậy cô ở coi sóc dùm việc nhà cho ảnh, đặng cho qua thấy mặt, qua bớt buồn.

- Bây giờ cô còn ở bên Cần Thơ hay không ?

- Cô vái van đêm ngày, cô trông cho qua tìm được con, đặng có hội hiệp với em. Anh Trọng Quí về thông tin cho cô hay đặng cô mừng.

Cẩm Vân ngồi suy nghĩ, rồi kiếm chuyện khác mà nói không hỏi thăm việc cô Năm Đào nữa.

Qua bữa sau cúng quải cha mẹ rồi, Cẩm Vân thôi thúc Chánh Tâm qua thăm Trọng Quí.

Chánh Tâm thâu xếp hành lý bỏ lên xe, rồi đi Cần Thơ với Cẩm Vân và hai đứa nhỏ.

Trọng Quí thấy vợ chồng Chánh Tâm qua thì mừng rỡ, hối trẻ xách đồ vô phòng, sai múc nước rửa mặt lăng xăng.

Vợ chồng Chánh Tâm rửa mặt thay áo rồi ra ngồi uống nước trà. Chánh Tâm hỏi Trọng Quí rằng:

- Cô Năm đã về trong Trà Bang, hay là đi đâu, mà không thấy ở nhà đây?

Trọng Quí đáp rằng:

- Ờ, cha chả? Bữa hôm tôi về tôi nói cậu đã tìm được Chánh Hội rồi, mà mợ Ba cũng đã hết giận cậu nữa thì con Năm nó mừng quá. Nó mới về trỏng hôm qua. Tôi có nói nay mai gì đây cậu mợ sẽ dắt Chánh Hội qua chơi, tôi biểu nó ở lại đặng cho biết mợ Ba với Chánh Hội. Nó cười và nói rằng phận sự của nó đã dứt rồi, cứ đòi về hoài, tôi cầm không được nên phải cho xe đưa mẹ con nó về.

Cẩm Vân nói rằng:

- Hôm qua em nghe ở nhà em nói, mấy năm nay ở nhà em nhờ có cô Năm khuyên giải nên bớt buồn rầu mới còn sống được mà hòa hiệp với vợ con đây, thì em khoan khoái trong lòng, em bươn bả qua đặng tạ ơn cô Năm. Chẳng dè qua mà không gặp được, thiệt là rủi quá.

Trọng Quí chau mày nín thinh một hồi đáp rằng:

- Cậu ba nhờ nó thiệt, song mang ơn nó thì tôi mang ơn nhiều hơn.

- Sao vậy?

- Mợ nghĩ đó mà coi; tại tôi làm cho cậu Ba lìa vợ mất con, nếu để cậu ba buồn rầu mà chết thì tôi mang cái quả báo lớn biết chừng nào. Con Năm Đào nó lãnh việc khuyên giải cậu Ba, tuy nó đã cưu mang cậu, song kỳ trung thì nó giúp cho tôi khỏi mang tội ác chớ. Tôi nói với nó hết sức, nó mới chịu lãnh cái vai tuồng khó khăn đó, chớ phải nó tự ý làm đâu.

Chánh Tâm nghe nói như vậy thì chưng hửng, bèn hỏi rằng:

- Té ra anh cậy cô Năm ra công mà khuyên giải cho tôi bớt buồn đó hay sao?

- Chớ sao! Mấy năm nay cậu không dè hay sao?

- Không.

Trọng Quí cười ngất rồi nói rằng:

- Bây giờ cậu đã kiếm được cháu, mà mợ cũng hết giận cậu nữa, chắc cậu hết buồn rầu rồi, vậy tôi nói thiệt cho cậu hiểu.

Khi tôi làm đủ cách mà tìm Chánh Hội không ra, tôi nói khô nước miếng mà mợ Ba cũng phiền cậu hoài, cậu qua ở bên nầy, cậu không ăn không ngủ, ngày khóc đêm than, tinh thần một ngày một thêm suy, hình dạng một ngày một thêm ốm, tôi sợ cậu chết quá. Tôi cứ nói láo với cậu rằng tôi chắc tìm được cháu, tôi cứ nói gạt cậu rằng mợ ba bớt giận cậu.

Mà nói láo, nói gạt, thì trong năm mười bữa, chớ gạt luôn luôn năm nầy tháng kia hoài sao được.

Tôi tính gần nát trí khôn, mà cũng không biết liệu làm sao. Tôi thấy con Năm Đào nết na đằm thắm, mà nhan sắc lại đẹp đẽ nữa, tôi mới năn nỉ với nó đặng nó giúp tôi mà gỡ sầu cho cậu. Tôi xin nó giả dạng đẩy đưa lời nói, trêu ghẹo dung nhan cho cậu say đắm mà tạm quên việc nhà, đặng cho tôi có giờ kiếm Chánh Hội và năn nỉ với mợ Ba.

Ban đầu nó không chịu. Nó nói cũng phải, phận đàn bà ra lãnh vai tuồng trêu hoa ghẹo nguyệt như vậy thì còn gì là danh dự, bởi vì dầu nó có giữ gìn nết na thì người ngoài ai có biết được, mà không chê cười nó.

Tôi cãi với nó, tôi cắt nghĩa cho nó nghe, tôi nói nó làm một việc đại nghĩa, nó liều mang tiếng thị phi chút đỉnh mà cứu được sanh mạng của cậu, lại cũng cứu cho tôi khỏi mang quả báo nữa. Tôi năn nỉ quá nó chịu. Mà chừng nó làm cho cậu bớt buồn rồi, thì nó lại buồn, nên cứ theo đòi về hoài.

Mấy năm nay tôi nói lắm, mà cậu mợ tôi cũng ép nó nữa, nên cực chẳng đã nó phải ở ngoài nầy, mà coi bộ nó khổ tâm không biết chừng nào. Bữa hổm tôi về tôi nói cậu đã hòa hiệp với vợ con rồi thì nó vui mừng quá, mừng cho cậu hết buồn rầu, và cũng mừng cho nó hết nhọc lòng nữa, nên đòi về Trà Bang liền.

Cẩm Vân nghe rồi thì nàng nói rằng:

- Em phải vô Trà Bang mà thăm cô Năm mới được. Cô biết liều danh dự mà làm việc đại nghĩa, có lẽ nào em vì đường xa mà không đến tạ ơn cô hay sao.

Chánh Tâm cũng nói rằng:

- Tôi cũng phải đi tạ ơn cô Năm nữa. Thuở nay tôi không dè cô có lòng muốn cứu tôi như vậy. Ngày nay tôi đã hay rồi, mà tôi không đến tạ ơn cô thì tôi vô tình bất nghĩa lắm.

Trọng Quí sẵn lòng dắt hai vợ chồng Chánh Tâm đi, nên qua ngày sau, ăn cơm sớm mơi rồi, chàng biểu đem hết hai cái xe hơi ra mà đi Trà Bang với chàng.

Ông Hội đồng Quyên hút cữ trưa đã rồi. Sau vườn gió đánh lá cây khua lạch xạch, trước sân gà cồ rống cổ gáy ó o.

Ông nằm mơ màng, nửa mê, nửa tỉnh, thình lình nghe tiếng xe hơi quẹo vô cửa, ông lồm cồm ngồi dậy mà dòm.

Ông thấy hai cái xe hơi đậu nối đuôi, cái trước thì có hai cha con Trọng Quí đang dắt nhau bước xuống, còn cái sau mới tinh thì Chánh Tâm ngồi với một người đàn bà với hai đứa nhỏ. Vì ông có nghe cô Năm Đào về nói việc Chánh Tâm đã tìm được con và đã thuận với vợ rồi, nên ông thấy Chánh Tâm đi với đàn bà con nít thì ông định chắc rằng là vợ con của chàng, bởi vậy ông kêu bà Hội đồng với cô Năm Đào om sòm, biểu ra tiếp khách.

Bà Hội đồng với cô Năm Đào vừa ra thì khách đã bước vô cửa, ba người lớn đi trước, ba đứa nhỏ đi sau.

Chủ khách chào nhau lăng xăng rồi ông Hội đồng mời ngồi. Cô Năm Đào hỏi Chánh Hội là đứa nào, rồi cô ôm nó mà nựng nịu và nói với Cẩm Vân rằng:

- Bữa hổm anh hai em về thuật chuyện lại cho em nghe thiệt em mừng quá. Trời khiến thiệt cũng kỳ! Kiếm nó hết sức không được rồi thinh không nó về ở trong nhà mà không hay!

Con Lý đứng lấp ló trong cửa buồng mà dòm. Chánh Tâm ngó thấy bèn kêu nó ra rồi vỗ đầu nó mà nói với Cẩm Vân rằng :

- Cháu đây là con của cô Năm. Nó một tuổi với con mình.

Cẩm Vân kêu nó lại gần, lấy tay rờ rẫm nó, còn mắt thì ngó cô Năm Đào mà hỏi rằng:

- Cô có một mình cháu đây sao?

- Phải, em có một mình nó đó thôi.

- Bữa hổm, về Láng Thê, ở nhà tôi nói chuyện lại tôi mới hay mấy năm nay nhờ có cô khuyên giải nên ở nhà tôi bớt buồn rầu mà lo kiếm con. Tôi nong nả qua Cần Thơ đặng gặp mặt mà tạ ơn cô, té ra qua đó thì cô đã về trong nầy rồi, mà anh Bác vật lại thuật rõ công việc lại cho vợ chồng tôi nghe. Tôi hay cô vì đại nghĩa mà phải liều danh dự đặng cứu ở nhà tôi thì tôi càng kính mến cô lắm, nên vợ chồng tôi vô đây, trước thăm hai bác, sau tạ ơn cô.

Cô Năm Đào cười rất hữu duyên mà đáp rằng :

- Anh Hai em thêu dệt nhiều chuyện đặng cho mợ tưởng em là đúng đắn, chớ việc em làm đó là việc thường, có chi đâu mà gọi là ân nghĩa. Em sợ cậu Tú tài rầu quá, cậu chết đi, thì cái tội của anh Hai em không thể nào chuộc được, nên em phải ráng mà khuyên giải cậu Ba. May nhờ cậu không chê những lời khuyên của em, cậu bớt buồn chút đỉnh và cậu sống đặng mà hòa hiệp với mợ và cháu, ấy là cái phước đức của cậu Ba, chớ không phải công cán gì của em đâu, xin mợ đừng nói tiếng cám ơn mà ái ngại cho em lắm.

Chánh Tâm vừa nghe nói như vậy thì chàng đứng dậy nói rằng:

- Cô khiêm nhượng, cô không chịu lãnh lời cám ơn của hai vợ chồng tôi, không lẽ tôi dám cãi. Nhưng mà tôi xin tỏ cho cô biết rằng mấy năm nay cô vì tôi mà nhọc lòng cực trí, cô muốn cứu tôi mà phải liều mang tiếng thị phi, cái cử chỉ ấy tôi kính trọng lắm, tôi sẽ ghi tạc trong tâm trí tôi hoài, dầu cô cản cũng không được.

Cô Năm Đào cười rồi mời Cẩm Vân uống nước, cô không trả lời với Chánh Tâm.

Cẩm Vân thấy cô Năm Đào có nhan sắc, mà lại có nết na, thì yêu cô liền mà ngồi nói chuyện với cô một hồi, nghe cái giọng thanh tao, nghe những lời trung hậu thì càng mến cô nhiều hơn nữa. Nàng theo mời cô ra Cần Thơ chơi, đặng chị em có ngày giờ nhiều mà nói chuyện với nhau.

Cô Năm Đào lấy cớ không có ai ở nhà mà từ, và lại cầm khách ở lại ăn bữa cơm chiều rồi sẽ về.Cách cô cầm làm cho vợ chồng Chánh Tâm không thể từ được, mà cũng tại mến cô không muốn về, nên ai nấy đều vui mà ăn cơm.

Về tới nhà Trọng Quí thì Cẩm Vân cứ khen ngợi cô Năm Đào hoài, nàng khen nhan sắc, khen nết na, khen tánh tình mà cũng khen lanh lợi nữa. Chẳng hiểu trong đêm ấy nàng nghĩ thế nào, mà sáng bữa sau nàng tỏ với Chánh Tâm rằng nàng muốn kết nghĩa chị em và ở chung một nhà với cô Năm Đào, rồi lại cậy Trọng Quí làm mai đặng cho chồng nàng cưới cô làm đệ nhị phòng. Chánh Tâm nghe vợ tính như vậy thì biến sắc mà nói rằng :

- Em tính như vậy không nên. Thiệt mấy năm nay cô Năm Đào có làm cho qua động tình chút đỉnh. Nhứt là mấy bữa rày qua hiểu rõ cử chỉ của cô thì qua càng yêu mến lung lắm. Nhưng mà cô là người phẩm giá cao thượng, mình không làm cho hèn hạ cái ân nghĩa của cô. Em có mến cô thì kết làm chị em lên xuống thăm nhau mà thôi, chớ đừng tính việc gì khác mà chỗ phải thành ra chỗ quấy"

Cẩm Vân một là vì cảm nghĩa, hai là vì mến nết na của cô Năm Đào, nên chồng ngăn cản nàng không chịu nghe lời, cứ nài nỉ Trọng Quí làm mai hoài. Trọng Quí thấy Cẩm Vân thiệt tình mà cũng muốn cho em được gần người phải, nên ngồi xe đi Trà Bang một mình.

Đến chiều xe về tới, chàng vừa bước vô cửa thì lắc đầu nói rằng:

- Không được. Nó rầy quá.

Cẩm Vân lấy làm lạ nên hỏi rằng:
- Tại sao mà không được ?
- Để tôi đọc hết công chuyện lại cho mợ nghe; vô tới nhà tôi thưa với cậu mợ trước, cậu mợ tôi bằng lòng. Tôi mới kêu con Năm ra mà hỏi ý nó. Nó vừa nghe nói thì nó cự dữ quá. Nó nói, không phải nó chê cậu Ba, hay là nó nghi bụng mợ. Nó được làm em mợ thì nó có phước lắm. Chớ chi thuở nay nó không quen biết cậu Ba thì nó ưng. Ngặt vì nó gần gũi với cậu Ba đã hơn năm năm, nếu bây giờ nó ưng cậu thì còn gì là danh dự của nó. Nó khuyên cậu Ba như có thương nó thì làm anh em vậy thôi, đặng cho cậu trọn nghĩa cang thường, và cho nó khỏi nhuốc nhơ danh dự. Nó nói tôi nghe phải quá, tôi nghẹn họng, cãi không được, nên leo lên xe mà về đây liền.
Chánh Tâm cười mà nói rằng :
- Tôi nói hay hôn? Với cô Năm không phải như mấy người khác đâu.
Cẩm Vân chắc lưỡi than rằng:
- Người đàn bà biết làm đại nghĩa, lại biết trọng danh dự như vậy mà tôi không được ở chung một nhà, thiệt là đáng tiếc quá!
Vợ chồng Chánh Tâm ở chơi với Trọng Quí ít ngày rồi dắt nhau về Chợ Lớn.
Chánh Tâm mướn người sơn vẽ cái nhà lầu đường Thuận Kiều lại, mua thêm bàn ghế, tủ giường mà dọn dẹp hực hỡ, rồi rước vợ con về đó mà ở.
Chiều lại trời trong gió mát, ngoài đường kẻ ngồi xe, người đi bộ, qua lại dập dìu, Chánh Tâm nhắc ghế để trước sân ngồi chơi với vợ nhìn cảnh cũ thì nhớ dạng bà Tổng vô ra, nhắc chuyện xưa thì thương phận Tố Nga vắn vỏi.
Vợ chồng đàm đạo, đương say vì nghĩa, đương mến vì tình, thình lình Chánh Hội đứng chơi với thằng Quì ngoài cửa ngõ, nó vùng la lớn lên rằng:
- Quì ơi, phải rồi mầy ạ! Năm trước tao vô nhà nầy tao kiếm má tao đây. Tại ba tao cho Tây mướn nhà, nên mình vô mình mới gặp bà đầm bà nói lăng líu đó chớ gì, phải hôn mầy?
Thằng Quì gật đầu.
Vợ chồng Chánh Tâm ngó con mà cười rồi kêu nó vô dành nhau ôm nó mà hun.
Càng Long, 3 - 1929

19/5/2015
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...