Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương

Có những loài hoa thơm
đậm đà sắc hương

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà cho đời những đóa hoa thơm”. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa ông bà ta đã đúc kết: “ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Người thầy giáo được ví là những “Kĩ sư tâm hồn”. Sự nghiệp giáo dục được đánh giá là “Sự nghiệp trăm năm”. Là nhà giáo, chúng ta có thể tự hào về nghề của mình, tự hào về trách nhiệm cao cả mà xã hội giao phó. Sự thành công của mỗi người luôn có công lao của các thầy cô giáo.
Như duyên định sẵn, từ khi còn nhỏ, tôi đã ước mơ sau này lớn lên sẽ làm cô giáo. Có lẽ tôi được thừa hưởng truyền thống hiếu học từ gia đình, thừa hưởng tình yêu với nghề từ bố mẹ, các bác, cô, chú, cậu, dì, anh chị em của tôi. Mỗi lần nghĩ đến, đặc biệt là những dịp Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cảm thấy thật tự hào về đại gia đình giáo viên của mình.
Bố mẹ tôi, ba chị em tôi và các em dâu đều là giáo viên. Những người thân trong gia đình đã và đang công tác ở những vị trí cao hơn cũng đều bắt đầu từ nghề giáo. Hàng năm, ngày 20 tháng 11 đến cũng là ngày tết nghề của cả nhà tôi. Niềm vui, niềm tự hào thắp lửa trong mỗi thành viên khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp vun trồng vì lợi ích trăm năm của đất nước.
Còn nhớ ngày học cấp ba, tôi thường viết những dòng nhật kí ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Năm cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi đại học, bạn bè viết lưu bút, ai cũng chúc tôi trở thành cô giáo tương lai. Tôi làm duy nhất bộ hồ sơ thi vào sư phạm Thái Nguyên. Sau ba năm học tại Khoa Cao đẳng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, tôi tốt nghiệp ra trường và được nhận công tác cách nhà chưa đầy một cây số, đúng ngôi trường mà tuổi thơ tôi đã học tập nơi đây.
Thấm thoắt đã 23 năm đứng trên bục giảng, 23 năm gửi trọn tình yêu với nghề; tôi vinh dự được nhận Kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam năm 2021 sắp đến, có lẽ mỗi người giáo viên đều không khỏi bồi hồi, xúc động nhìn lại chặng đường đã qua với biết bao kỉ niệm, biết bao dấu ấn.
Nhớ ngày đầu mới vào nghề, là giáo viên ít tuổi nhất trường, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng tràn đầy nhiệt huyết, say mê của tuổi trẻ, tôi luôn cố gắng tự học, học hỏi các cô chú, anh chị đi trước. Không chỉ soạn giáo án mà thậm chí tôi còn thuộc cả giáo án. Sáng lên lớp, chiều soạn bài, tối đọc, nghiên cứu lại, nắm chắc nội dung. Tôi đọc khá nhiều tài liệu tham khảo phục cho giảng dạy. Các chuyên đề, các cuộc thi về chuyên môn, tôi đều tích cực tham gia và được sự động viên, giúp đỡ tận tình của các cô chú đồng nghiệp. Từ lúc nhận công tác là tôi đã được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Mỗi năm học trôi qua, tình yêu với nghề, với mái trường, đồng nghiệp; với học trò ngày một dày thêm những trang kỉ niệm. Yêu sao những nụ cười, giọng nói; những ánh mắt hồn nhiên, vô tư, vô cùng đáng yêu của lứa tuổi thần tiên. Mối duyên ấy đã gắn kết, thắt chặt tôi với nghề.
Hạnh phúc của tôi đơn giản là khi thấy các con ngày một trưởng thành, chăm ngoan hơn; biết lễ phép, vâng lời; biết yêu thương, chia sẻ; biết nhận lỗi và sửa lỗi. Như cây non mỗi ngày một cứng cáp, vững vàng hơn. Mọi khó khăn, buồn phiền qua đi, chỉ có tình yêu luôn ở lại. Mỗi chuyến đò cập bến sang sông, tôi như được cộng thêm niềm hạnh phúc của những mùa hoa thơm, trái ngọt; những cây đời xanh tươi – niềm hi vọng của tương lai đất nước.
Nghề giáo nhiều khi phải thức khuya, dậy sớm; mưa, nắng đều phải đúng giờ; trăn trở vì còn những học sinh chưa ngoan, chưa chăm học; những hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật, khó khăn đặc biệt, rồi những thử thách trước yêu cầu nghề nghiệp ngày một cao của thời đại 4.0,…nhưng tôi hiểu rằng tình yêu nghề, sự cần mẫn chăm lo cho các con là trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của người giáo viên.
Mỗi mùa Hiến chương nhà giáo, chúng tôi lại cùng nhau ôn lại truyền thống, ôn lại kỉ niệm, những cuộc hội ngộ vui vẻ, những cái nắm tay thật chặt; những lời trò chuyện, sẻ chia với tình cảm thầy trò thiêng liêng, ấm áp. Tình yêu đối với đồng nghiệp, với học trò và hơn tất cả là tình yêu đối với nghề giáo như được nhân lên. 20/11 năm nay, dẫu phải thực hiện 5k phòng, chống Covid-19 nhưng tình yêu, niềm tự hào với nghề vẫn mãi luôn thắm đỏ trong tim.
Tự hào là người giáo viên nhân dân, thanh xuân cũng như hiện tại tôi đã và đang gắn bó, dành tất cả tâm huyết, tình cảm yêu thương với nghề. Nghề dạy học đã cho tôi hiểu hơn giá trị của cuộc sống, đặc biệt là giá trị của tình yêu thương. Chúng tôi nguyện làm người lái đò thầm lặng đưa lớp lớp thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức.
Dù cuộc sống mỗi ngày một đổi thay, phát triển; dù xã hội có thêm những nghề “hot” kiếm ra tiền mà nhiều người quan tâm thì chúng tôi vẫn mãi trọn tình yêu với nghề; vẫn mãi tự hào cất cao lời hát: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xinh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân,…” (Bài ca người giáo viên nhân dân, Hoàng Vân).
Nghề dạy học quả là vinh dự mà cũng thật là khó khăn. Người thầy giáo dạy học trò của mình đâu phải chỉ có dạy kiến thức mà quan trọng hơn là dạy làm người. Nghề giáo không giàu về vật chất nhưng bù đắp những giá trị cao quý, thiêng liêng mà các nghề khác không dễ gì có được. Tôi tự hào là người giáo viên nhân dân.
18/11/2021
Đoàn Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...