Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Lùi một bước để tiến ba bước

Lùi một bước để tiến ba bước

Nếu bắt buộc phải dùng một thành ngữ nào đó để tôi có thể tự an ủi sau khi phải trải qua khoảng thời gian cách ly xã hội dài đằng đẵng vừa qua, chắc hẳn đó sẽ là “Lùi một bước để tiến ba bước”.
Mọi thứ bắt đầu theo cách hiểu của một thằng nhóc cấp 2 vừa mới tiếp xúc với điện ảnh, sách báo và vô tình biết về cái gọi là chủ nghĩa vật chất, tôi cho rằng gia đình mình thật thực dụng. Đúng vậy, kể từ đó, mỗi khi nghe cô dạy Văn giảng về tiểu sử của các nhà văn, nhà thơ; về việc họ sinh ra trong một gia đình gia giáo nào đó; tôi thường liên tưởng đến bản thân và vô tình mặc định rằng mình sinh ra trong một gia đình thực dụng lúc nào không hay. Tôi biết rằng, mình sẽ được phép trở nên mơ mộng, huyễn hoặc về những thứ xa vời, không thực tế, mà trên thực tế thì đó lại luôn là cái tư tưởng mà tôi thường tiếp xúc thông qua sách báo, điện ảnh và âm nhạc. Tôi biết rằng, nếu cứ như vậy thì một lúc nào đó, mình cũng sẽ phải tự tạo ra cái “vỏ bọc” nào đó, để mà có thể cân bằng được tâm hồn và nghĩa vụ của bản thân.
Thật vậy, như một nhà tiên tri trẻ tuổi, những gì tôi lo lắng vào những năm học trung học cuối cùng cũng thành sự thật. Đại học đến, chẳng ai bảo, tôi cũng biết là cái trường ngoại thương mà anh, chị họ thường nhắc có thể đã đủ sức lay động trái tim của ba mẹ mình. Và cũng chẳng ai bảo, tôi chọn nguyện vọng 2 là một trường thuộc khối Khoa Học Xã Hội thay vì dời nó xuống để lấy nguyện vọng ngoại thương đang chờ sẵn bên dưới, chỉ với lý do: Học phí trường này rẻ hơn. Ba mẹ đồng ý, tôi thắng, nhưng mũi giáo chiến tranh lại cứ thế chĩa về phía tôi với cái tư tưởng thực dụng của gia đình mình, dù rằng tôi biết là điều đó không hề sai.
Sự bay bổng trong tâm hồn, “người đàn ông của văn hóa”, thế mạnh sáng tạo khác thường mà tôi từng được mọi người phong tặng vào cái thời trung học ngày qua ngày bị mai một bởi ánh hào quang của những anh, chị em trong gia đình, bởi mũi giáo “thực dụng” đang lăm le đâm thủng cái “vỏ bọc” sau này trở thành nhà báo – cũng là điều mà ba mẹ tôi hay dùng để kể về tôi cho những người trong họ hàng. Và điều gì đến cũng đến, thay vì bay bổng, tôi cố gắng vận dụng những điều mà mình biết, mình giỏi để tìm kiếm những công việc, thậm chí là có phần quá sức, và cố gắng bám trụ với nó để có thể tìm thấy một phiên bản thực dụng của mình. Chấp nhận đánh đổi thành tích học tập của mình để lấy được kinh nghiệm nền cần thiết cho những bước phát triển trong tương lai, cũng đáng thôi – là điều mà tôi đã luôn tự nhủ mỗi khi trải qua kết quả học tập không tốt.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng sự thực dụng của những người trong gia đình hoàn toàn không có gì đáng trách cả, chỉ là nếu cứ như vậy thì tôi sẽ mãi không phải là chính mình.
Những tưởng, lối sống và suy nghĩ ấy của tôi sẽ mãi không có hồi kết, rằng sau cùng thì tôi cũng trở thành bản sao, trở thành hậu duệ cho hệ tư tưởng thực dụng của gia đình mình, nhưng không, Covid-19 ập đến, 2 lần, và lần nào mọi thứ cũng đảo lộn. Lần đầu tiên, đó là hồi đầu năm 2020, với 1 tháng ở nhà, không ngắn và cũng không dài, nhưng nó đủ gây chán nản cho tôi đến mức phải trì trệ công việc, để tìm đến những bộ phim, điều mà tôi thực sự hứng thú vào thời điểm đó, dù rằng suốt gần 3 năm vào Đại Học, số bộ phim tôi xem được chắc chưa bằng một nửa số mà tôi đã xem vào năm lớp 12.
Điều gì đến cũng đến, tôi quyết định không gia hạn hợp đồng công việc đó, để lao đầu vào gỡ gạc lại một học kỳ sau khi cuộc sống bắt đầu bình thường trở lại. Và có một điều mà tôi ngộ ra đó là, khi mình sống trong một vòng tròn quá an toàn, người ta sẽ tìm cách vùng vẫy, cố thoát ra khỏi cái “vòng tròn” ấy để đi tìm những mục tiêu mới. Đó là tôi của đầu năm 2021, khi lại quay về cái chu kỳ thực dụng kia của mình và bỏ quên đi mục tiêu ra trường của mình. Họ đi làm, tôi cũng đi làm; họ cân bằng được việc học và việc làm, nhưng tôi thì không còn đủ giỏi để có thể làm điều đó, và rồi, sau một học kỳ trước đó khá thành công, tôi lại bắt đầu lặp lại bài ca rớt môn. Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến rằng chỉ có trải qua những thất bại đau đớn, người ta mới nhận ra niềm vui mà mình từng trải qua nó đáng trân trọng đến mức nào.
Và rồi, như một bàn tay cứu rỗi chìa ra trong những lúc tôi lạc lối nhất, Covid-19, nói theo một cách tích cực, thì tôi đã sẵn sàng đón nhận nó thêm một lần nữa. Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều, lần này, công việc nhiều hơn cũng khiến sự trì trệ trong tôi trở nên lớn hơn. Không thể cân bằng giữa công việc và việc học, đặc biệt là trong bối cảnh đầy ngột ngạt của hơn 100 ngày dài phải ở nhà, những tưởng tôi sẽ phát điên lên vì nó nhưng bất ngờ thay, tôi lại nhận ra được bên trong mình lại là một con người hoang dại đến nhường nào. Sẵn sàng đón nhận sự kết thúc và chấp nhận từ bỏ bớt gánh nặng về công việc, tôi dành phần lớn thời gian ở nhà để đưa bộ não của mình vào những chuyến phiêu lưu không có hồi kết trong những thước phim, dòng tiểu thuyết, những thế giới hùng vĩ trong các tựa game phiêu lưu nhập vai, những bản nhạc luôn nằm sẵn trong playlist rồi tự nhủ rằng: “Đây rồi! Mình thực sự đây rồi.”
Có lẽ, giờ đây, khi mọi thứ đã qua đi, người ta mới nhận ra được sự đồng điệu giữa cái nhìn tích cực và tiêu cực trong từng vấn đề, mà trường hợp này chính là Covid-19. Tiêu cực là khi tôi biết là mình cần phải đặt ra những mục tiêu, những kế hoạch khác khi đã làm mất lòng những người từng đặt niềm tin vào mình trong công việc, rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ trở lại công việc nhưng với một tâm thế khác hơn, chông gai hơn. Tuy nhiên, xen lẫn giữa kế hoạch, dự định và căn phòng buồn bã gắn liền với tôi trong hơn 3 tháng vừa qua, tôi tìm thấy được hình ảnh phản chiếu của mình, tôi nhận ra “người đàn ông của văn hóa” ngày nào mà tụi bạn cấp 3 thường dùng để gọi mình hóa ra lại thực sự đúng, bảo sao người ta hay mơ về hồi trung học. Tôi nhận ra, chỉ cần nghĩ đơn giản, thì việc chấp nhận thất bại trong quá khứ hoặc đón nhận thử thách trong tương lai nó cũng gần như là một.  nếu đã chấp nhận lùi 1 bước, thì việc bạn cần làm để có thể trở nên tốt hơn đó là tìm cách để phát triển bản thân sao cho có đủ sức lực và khả năng để bước tới 3 bước một cách đầy vững vàng.
Giờ đây, tôi không chối bỏ bất cứ thứ gì, cả con người thật hiện tại và con người mà tôi sẽ trở thành; cả lý tưởng riêng của bản thân và tư tưởng thực dụng của gia đình, tất cả đều phải được hòa làm một. Dù cho biết rằng khi nhìn lại, sẽ có lúc tôi thấy hổ thẹn vì sự chuyển biến bất cần của mình, về cái tính nết trái trời khó chiều của mình, về bản tính dễ từ bỏ khi tìm được thú vui khác của mình; và còn rất nhiều tính xấu khác nữa. Tôi sẽ chấp nhận nhìn lại quá khứ, kể cả khi biết được rằng quá khứ ấy sẽ sỉ vả vào mặt mình, tôi vẫn sẽ vui vẻ mỉm cười và đánh bại nó.
Tạm biệt Covid-19, không cảm ơn, không hẹn gặp lại, vì tao đã tự biết mình phải làm gì sau khi mày biến mất khỏi cuộc đời này rồi!’.
17/11/2021
Chung Phạm Minh Quân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...