Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Đến với bài tùy bút - Phê bình "Vân sóng thành khuông nhạc" của Hoàng Liên Sơn

Đến với bài tùy bút - Phê bình "Vân sóng thành
khuông nhạc" của Hoàng Liên Sơn

“Vân sóng thành khuông nhạc” rút trong tập “Tùy bút phê bình” của nhà thơ – nhà phê bình Hoàng Liên Sơn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào Quý II năm 2023) là bài viết về thi tập Tiếng mưa (thơ Vũ Trần Anh Thư – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022).
Trong bài tùy bút phê bình, Hoàng Liên Sơn đã trích dẫn 41 lượt câu thơ, đoạn thơ trong 24 bài thơ của thi tập Tiếng mưa, cho thấy tác giả bài viết đã bao quát được phạm vi khá rộng của thi tập. Bám sát ngữ liệu trích dẫn, bằng những thao tác phê bình, nhà thơ Hoàng Liên Sơn đã đạt được một số kết quả “nhận diện” tác phẩm ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật.
Tập “Tùy bút phê bình” của Hoàng Liên Sơn
Chỉ ra được nhiều biểu hiện của cái tôi trữ tình trong tập thơ Tiếng mưa:
Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn cho rằng, chủ thể trữ tình trong Tiếng mưa đã không lảng tránh nỗi buồn, song để nỗi buồn trở thành dịu bớt; nhận ra sự lạc nhịp của thiên nhiên với cái “si” của lòng người; biết chế ngự cái “tham”, tự chủ để không sa vào tham đắm. Đó cũng là chủ thể trữ tình phái nữ giàu lòng yêu thiên nhiên, khao khát hòa vào thiên nhiên để nhận ra phận người trong cảnh vật; vui với vẻ đẹp mới hơn là nuối tiếc vẻ đẹp đã qua và đăm đắm tình yêu con.
Phác họa được một số nét về nghệ thuật của tác phẩm:
Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn cũng nhận định, trong thi tập Tiếng mưa, nữ sỹ Vũ Trần Anh Thư đã có những hóa thân vào nhân vật trữ tình; tạo ra được “thần tự” cho thơ; đưa nhạc tính vào thơ tự nhiên;  thi ảnh có yếu tố hội họa. Tác giả Tiếng mưa còn sử dụng kĩ thuật chuyển nghĩa cho từ một cách mềm mại và bước đầu đạt được sự nhuần nhuyễn trong ngôn ngữ, cấu trúc.
Chọn ra được nhiều câu thơ tiêu biểu và hay:
Có thể nói Hoàng Liên Sơn có con mắt tinh tường khi chọn được những câu thơ sau đây trong thi tập:
– làng vừa chớm Tết lòng người đã hoa
– ơi đường gân vẽ những nốt thăng trầm
sau điệu vũ nhớ vô vàn nỗi gió
– lúc dịu êm như sương
khi nồng nàn như lửa
ướp nỗi mình thành sắc mùa thu
– nhà thờ đổ sương giăng kín lối
phút em qua mây núi bỗng nhường
anh không nói chỉ cúc quỳ thổ lộ
má em hồng ấm lại rêu phong
– anh không cấm được anh ngày gió trở
đáp chuyến hoàng hôn về phía em rồi
– nghe mái ngói phiến thời gian xếp nếp
trầm tích mình trong lớp lớp đá ong
khép mắt để bàn chân đưa lối
xứ Đoài đăm đắm rêu phong
– ngày khóe mắt đằm sâu nhận ra một dung nhan khác
anh thầm cảm ơn những mùa trĩu quả
cho nụ cười em thơm trái chín cây
– quay ngược kim đồng hồ cùng con đón bình minh
bên này hết ngày dài, bên kia con bắt đầu ngày mới
khoảng cách khứ hồi nhờ nỗi nhớ truyền tin
vv…
Theo đó, Hoàng Liên Sơn đã cho người đọc thấy được Tiếng mưa là tiếng thơ của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu yêu thương, bay bổng và tươi sáng lạc quan.
Tôi cũng nhận thấy Hoàng Liên Sơn thể hiện “ dấu ấn cá nhân” của mình trong bài tùy bút phê bình, đó là:
Xây dựng một kết cấu phê bình phi tuyến tính, đầy… tung hứng:
Mở đầu, tác giả “dẫn liệu” và bình bài số 1 của tập thơ, ngay sau đó chuyển sang bài số 28, 29 của tập và kết thúc bài phê bình với lượt trích dẫn thứ 41, ngữ liệu thuộc bài số 12. Tôi cho rằng tính chất “tùy bút” trong phê bình của Hoàng Liên Sơn không phải hoàn toàn là sự ngẫu hứng, mà ở đây, tư duy phê bình của anh được thể hiện linh hoạt với tâm thế chủ động, tự tin.
Sử dụng ngôn ngữ phê bình chứa đựng cảm xúc và chất thơ:
Đọc bài viết, không khó để nhận ra Hoàng Liên Sơn đã có nhiều cảm xúc với mỗi câu chữ của thi tập . Có khi anh đóng vai trò “đồng sáng tạo” với niềm trìu mến:
“à ơi
câu lục đòng đưa”
(Khúc ru trên sông)
Tôi nghĩ có đến 99,9% người viết sẽ dùng chữ “đong đưa” thay vì “đòng đưa” trong ngữ cảnh này. Tuy nhiên như vậy mới đúng là Thư, bởi khí chất của chị là vậy, bởi chị sẽ thấy “đong đưa” trong ngữ cảnh này hơi “bạo”, dẫu chỉ là sự bạo dạn của một câu lục thì chị cũng muốn tránh, muốn làm dịu lại… Câu thơ này khiến tôi nhớ đến một câu mình đã viết “tiếng vâng như thêm một dấu huyền” – thoạt nghe như vô nghĩa nhưng bay bổng, ngọt mềm một thanh âm.”
Hoặc anh đưa ra nhận định bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh:
“Thiên nhiên, con người và tình yêu đã “chạm” vào chị, và chị vừa tinh tế vừa bay bổng khi biến những vân sóng ấy thành khuông nhạc trong dòng chảy thời gian. Xin chúc những âm thanh tuyệt vời của chị sẽ ngân nga và tỏa lan dài lâu trên khuông nhạc ấy.”
Đó cũng chính là minh chứng về chất “tùy bút” trong phê bình của Hoàng Liên Sơn.
Bằng những thao tác liệt kê, phân tích, so sánh tương đồng, có khi được soi chiếu dưới góc nhìn của Thiền… và nhất là hành văn phóng khoáng, được dẫn dắt không chỉ bởi tư duy bén nhạy mà còn bởi nhiều cảm xúc, Hoàng Liên Sơn đã “bắc một nhịp cầu” yêu mến cho độc giả đến với thi tập Tiếng mưa, và mang lại niềm  hân hoan cho người đọc khi tiếp cận với lối phê bình mới mẻ.
Thái Bình, 26/8/2023
Hà Phi Phượng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...