Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Tiểu thuyết "Bồ công anh": Bước qua cõi ảo của ngôn ngữ

Tiểu thuyết "Bồ công anh":
Bước qua cõi ảo của ngôn ngữ

Là tiểu thuyết cuối cùng của văn hào Kawabata Yasunari (chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1968), Bồ công anh khám phá những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn con người, nơi ngôn từ và 5 giác quan còn chưa chạm đến.
1- Mới đây, NXB Thanh Niên và nhà sách Huy Hoàng đã phối hợp ấn hành tiểu thuyết Bồ công anh của Kawabata Yasunari (1899-1972), do Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch và nhà văn Nhật Chiêu giới thiệu.
Được đăng tải trên 22 số tạp chí trong vòng bốn năm, đây được xem là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kawabata, mà ông chưa kịp hoàn thành trước khi mất. Dù vậy, không ít nhà phê bình vẫn xem Bồ công anh như một tác phẩm quan trọng của Kawabata. Nó hé lộ một thử nghiệm nghệ thuật vào cuối sự nghiệp của ông, mà những người ái mộ ông không nên bỏ lỡ.
Là chủ soái của trường phái Tân Cảm giác trong văn học Nhật Bản đầu thế kỷ 20, Kawabata đã dành trọn cuộc đời để du hành trong cái đẹp mà 5 giác quan cảm nhận được nơi thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản.
Để chiêm nghiệm về những chủ đề nhân sinh mang tính phổ quát như tình yêu, tuổi già, cái tôi, ký ức, mỗi tiểu thuyết quan trọng của ông thường đào sâu khám phá một số môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, thông qua một số giác quan. Chẳng hạn, trong Xứ tuyết (1948), ông mời người đọc hiến thính giác cho tiếng hát, tiếng đàn. Trong ngàn cánh hạc (1952), nhân vật chính dùng xúc giác để chạm đến vẻ đẹp trong môn trà đạo và thuật làm gốm. Đẹp và buồn (1964) đưa thị giác của độc giả dạo qua những bức họa và vườn đá truyền thống ở Kyoto.
“Bồ công anh” của Kawataba do Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch
2- Mang dáng dấp của một thử nghiệm nghệ thuật can đảm, Bồ công anh là chặng đường tiếp theo trên hành trình khám phá cảm giác của Kawabata, mà ông chưa thể hoàn thành do tuổi tác.
Lần này, để chiêm nghiệm về mối tương quan giữa tình yêu, cái tôi và ngôn ngữ, Kawabata khám phá những cảm giác khởi lên từ sự va chạm giữa con người với các ý niệm trong tâm trí, thay vì với các đồvật ngoại thân. Hai nét đẹp của Nhật Bản mà ông giới thiệu trong tiểu thuyết này là tiếng chuông chùa và môn thư pháp.
Câu chuyện mở ra khi thiếu nữ Inako được mẹ và người yêu đưa đến bệnh viện tâm thần Ikuta để điều trị một chứng bệnh hiếm, mang tên “nhân thể khuyết thị”. Sau một lần ôm ấp người yêu tên Kuno, Inako mất đi khả năng nhìn thấy những người thân thiết với mình, bao gồm cả Kuno và mẹ. Thay cho hình hài của họ, cô chỉ nhìn thấy một quầng sáng màu hồng đào, nom như cầu vồng ánh lên trên màn sương. Biết một thiếu phụ mắc bệnh này từng lỡ tay bóp chết đứa con sơ sinh, mẹ Inako nhất quyết đưa con vào bệnh viện, trong khi Kuno không đồng ý.
Theo truyền thống của bệnh viện, Inako gióng chuông chùa để tạm biệt hai người thân. “Tiếng chuông chùa là tiếng lòng của bệnh nhân” – vị bác sĩ giải thích. Trên đường về, nghe chuông chùa vọng trên những bông bồ công anh sớm nở tối tàn, Kuno và mẹ Inako tranh luận không ngớt về bệnh tình và quá khứ của cô. Cuộc tranh cãi buộc họ đối diện với những góc khuất của nhận thức con người mà thường ngày ít ai lưu ý.
Chẳng hạn, nếu Kuno nhìn thấy con chuột bạch sau khóm hoa mà mẹ Inako không thấy, thì con chuột bạch đó có tồn tại hay không? Nếu Kuno và Inako chưa từng gặp nhau, thì phải chăng người này trong mắt người kia cũng không tồn tại? Kuno và mẹ Inako gây tổn thương khiến cô phát bệnh, hay lối giải thích đó xuất phát từ những mặc cảm của bản thân họ – do chính họ từng bị tổn thương? Tiếng chuông chùa do bệnh nhân gióng thật sự nói lên tiếng lòng của từng bệnh nhân, hay nó chỉ phản chiếu những vọng niệm của người nghe khi đó? Và nếu Inako chỉ xuất hiện trong truyện qua cuộc tranh luận giữa hai người thân, chứ không hề lộ mặt, thì cô có phải chỉ là một ảo ảnh không?
Cứ như vậy, hai người đối thoại du hành qua ý thức và tiềm thức của mình – nơi họ va chạm không phải với sự vật ngoại tại, mà với những ý niệm trong nội tâm. Nguồn gốc của những ý niệm này, Kawabata cho là ngôn ngữ. Dù ngôn ngữ đã giúp quan hệ giữa người với người đạt đến độ “sâu sắc tinh diệu”, nó cũng ảo hóa các mối quan hệ, để rồi khiến người ta đánh mất tình yêu. Vậy nên trong Bồ công anh, Kawabata viết:
“Đồng hành với tình yêu nam nữ là sự phát triển của ngôn từ, nhưng ngôn từ hẳn cũng trở thành kẻ đối địch với tình yêu nam nữ. Cái tình đôi lứa ấy hẳn bây giờ vẫn nằm ở nơi sâu thẳm kỳ lạ mà ngôn từ không với tới được”. Inako không còn nhìn thấy Kuno và mẹ, phải chăng vì tình yêu của cô đã vượt quá sức biểu đạt của hình và danh? Ông lão điên viết dòng thư pháp “Cõi Phật dễ vào, cõi ma khó vào” cả nghìn lần, phải chăng cũng để đưa đợt sóng ngầm trong tâm lên nét chữ?
3- Để khảo sát cõi hư ảo của ngôn từ, Kawabata đã áp dụng trong Bồ công anh một lối viết đặc biệt. Nếu những tiểu thuyết khác của ông thường tập trung mô tả các rung động của 5 giác quan trước những tác phẩm nghệ thuật hay thiên nhiên, thì Bồ công anh gạt bỏ giác quan để tập trung trình bày các đoạn đối thoại hoặc độc thoại.
Những câu thoại của Kuno và mẹ Inako vang lên tầng tầng lớp lớp, tạo thành cuộc tranh luận kéo dài, mang dáng dấp của một chuỗi các công án thiền nối tiếp nhau. Chúng đưa độc giả đến chỗ chất vấn trạng thái nhị nguyên của ngôn từ, để hình dung những dòng chảy dưới đáy tâm can, mà cả ngôn từ của Kuno lẫn thị giác của Inako đều không thể chạm đến.
Cũng vì lối viết này, mà Bồ công anh là một tiểu thuyết khó đọc và khó dịch. Đây không phải là cuốn sách phù hợp để làm quen với văn chương của Kawabata. Nhưng Bồ công anh là tác phẩm mà những người ái mộ Kawabata không nên bỏ qua. Dù là để thưởng thức một cách viết khác mà ông thử nghiệm lúc cuối đời, hay để đồng hành với ông trên chặng đường cuối cùng nhằm khám phá những chiều sâu của cảm giác.
21/5/2023
Nguyễn Vũ Hiệp
Nguồn: Thể Thao Văn Hóa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...