Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Trần Thị Hồng Anh - Người đàn bà "Đan văn" bên cửa sổ

Trần Thị Hồng Anh - Người
đàn bà "Đan văn" bên cửa sổ

Tôi cứ hình dung về một người đàn bà lặng lẽ bên ô cửa lặng lẽ, đan dệt từng sợi nắng, sợi gió, sợi nhớ, sợi thương trong mênh mang cỏ mềm, với một nỗi buồn thăm thẳm. Kiên nhẫn, Trần Thị Hồng Anh đã đan những tấm thảm văn chương của mình như thế.
“Mùa cỏ” là cái tên khiêm nhường với một bản sách không quá dày dặn của một tác giả lần đầu công bố một tập in riêng. Từ cái tên khiêm nhường ấy, đi dọc tác phẩm, người ta có thể thấy một mơ hồ chung chiêng. Dường như đây chính là điều khiến cho Trần Thị Hồng Anh ít nhiều khác với những gì ta đã gặp trên con đường văn chương ngập tràn những cỏ hoa trong thời đại in ấn, viết lách, xuất bản… đều rất mở.
Không sự kiện nào lớn lao được đề cập, không nhân vật lớn lao nào được gọi tên, một cách rất đàn bà, người viết chỉ quan tâm đến những câu chuyện mà ai cũng có cơ hội để nhìn thấy, để tiếp cận trong sự rất đỗi thường nhật của chúng: một bờ sông man mác kí ức, một sân trường nghiêng trong mênh mông triền mưa, một màu vàng của cam quýt, một mùi hương bưởi dân dã mà quý phái; một sắc dã quỳ thốt lên trong nắng hay một hòn sỏi nhẫn nại bên bờ suối trong hoang hoải nhân sinh…
Cái lớn lao có lẽ là ở chỗ này: Trần Thị Hồng Anh trước hết là con người của thiên nhiên, người văn của thiên nhiên. Hiển nhiên phía sau thiên nhiên là cuộc sống nhưng người viết bài này vẫn muốn nhấn mạnh tình yêu thiên nhiên nơi tác giả. Tình yêu đắm đuối cộng khả năng quan sát, cảm nhận tinh tế về thiên nhiên đã khiến tản văn của Trân Thị Hồng Anh ngập tràn những núi, nước, gió, sông… Thì đành. Nhưng đây là thứ núi, nước, gió, sông được miêu tả dưới cái nhìn tinh tế với những trải nghiệm xúc giác và siêu giác khiến thế giới ấy thực sự ấn tượng với lối miêu tả cũng rất riêng. Thì đây:
“Ta lặng lẽ ngắm không gian bên ngoài ô cửa. Khoảng trời màu xanh ngọc vắt vẻo đôi vệt mây trắng ánh lên như nét cười thiếu nữ trong veo, từng đốm nắng đùa giỡn với tán bàng xanh biếc, rắc từng dải vàng óng ả xuống sân gạch như rủ rê, như mời gọi. Tháng sáu nhềnh nhàng tiễn tháng năm bằng màu phượng đỏ chói đang rải thảm hoa mềm mại trên con phố nhỏ, vương vào những bước chân vội vã của học trò trong tiếng trống trường giục giã” (Ở ngoài kia khung cửa);
“Ánh nắng rắc vàng trên chiếc cầu cong bắc ngang dòng sông Hiếu, lọt qua các khe hở lan can hắt xuống mặt nước. Cuối thu nhưng ở vùng đất này, vầng mặt trời không ngần ngại gác đầu lên đám mây xám nâu chiếu thẳng vào mắt những người đi ngược chiều, nửa hình tròn to màu đỏ máu lừng lững ném từng sợi nắng mỏng mảnh đến tận đỉnh cầu như những chiếc cầu vồng nhỏ lóng lánh (…) Mùa này dòng sông có vẻ rộng hơn, trĩu nặng phù sa trôi về xuôi như mang bao nhớ nhung của một vùng núi non về với đồng bằng êm đềm tĩnh lặng phía xa. (…) Dòng sông dường như hiểu nỗi xao xuyến của chị mà cuộn sóng nhiều hơn, xoáy tròn một vòng rộng trước khi khuất vào dưới chân cầu. Một vài con thuyền nhỏ của người dân vạn chài lướt nhanh trên mặt sông mải miết trở về cho kịp phiên chợ chiều sắp họp.” (Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ).
Tập tản văn “Mùa cỏ” của Trần Thị Hồng Anh
Thú thật là thị xã miền tây Thái Hòa đã trở thành một phần kí ức máu thịt của tôi, và cây cầu Hiếu, con sông Hiếu là một phần trong kí ức ấy, ở đó có những chiều tôi đứng trên cầu Hiếu để nhìn con nước biền biệt trôi, có những chiều tôi ngồi bên bờ kè nhâm nhi li rượu ốc mà thực ra là nhâm nhi một kiếp mình đang dần qua, nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được vẻ đẹp vừa chấm phá vừa tỉ mỉ ấy.
Cũng bằng tình yêu ấy, Trần Thị Hồng Anh đã biết cách khai thác thứ tự nhiên như là một vùng sinh quyển rất riêng của chị. Đó là không gian của một vùng rừng núi rất đặc trưng của miền tây xứ Nghệ với u tịch núi sông, với những hằng sản đã trở thành niềm tự hào hay biểu tượng của vùng miền. Trên cái nền xanh ngăn ngắt của núi rừng u tịch và tươi sáng ấy, thỉnh thoảng có thể ánh lên một sắc vàng cam quýt hay duyên dáng một cây săng lẻ, thoang thoảng một chút hương cà phê, một con suối và từng viên sỏi lặng lẽ chứng kiến từng kiếp cây cỏ, từng kiếp con người trôi đi trong thời gian vô chung vô thủy.
Tôi thực sự ấn tượng với cái cách, tuy không thường xuyên, bằng một câu văn thôi mà tác giả đã gọi một cách chính xác hồn cốt của không gian xứ sở: “Sân trường nghiêng hơn trong những lênh loang nước và bâng khuâng trong tâm trạng của giờ phút chia xa”. (Đoản khúc tháng sáu cho tôi, cho em). Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng thú thật là đọc đến chỗ này tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến dáng con sông Đuống của Hoàng Cầm “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” mang bao nhiêu là tâm trạng. Tôi không rõ sông Đuống của Hoàng Cầm có nghiêng thật hay không, hay chỉ là cú chao nghiêng của lòng người, nhưng cái sân trường của Trần Thị Hồng Anh thì tôi cá là đã nghiêng, để biểu hiện cái hình thế núi đồi, và dĩ nhiên, cũng là cú nghiêng của những xao xuyến riêng chung trong mùa chia tay tháng Sáu, nơi “Tiếng ve ướt nhòe trong mùi hương của hoa học trò, trong cái mỏng mảnh trắng tinh của chùm hoa săng lẻ nghiêng trong màn mưa xối xả”. (Đoản khúc tháng sáu cho tôi, cho em).
Đắm đuối với thiên nhiên, Trần Hồng Anh cũng dường như đã tìm cho mình một vùng thẩm mỹ mà nếu tiếp tục, biết dâu tự chị sẽ làm giàu thêm kho biểu tượng của vùng. Chị thích trở đi trở lại với hồ Thung Mây, với những cây săng lẻ mà người ta không thể không nhớ khi nhắc đến miền đất Quỳ Hợp mà theo như tác giả nói, là đã gắn bó với chị vài chục năm nay.
Tản văn của Trần Thị Hồng Anh hoang hoải buồn. Một nỗi buồn thật sâu nhưng không bi thảm. Nó chùng chình, len lỏi trong từng giọt mưa, trong mỗi sắc hoa, trong ánh trăng mùa đông bàng bạc, trong mỗi con đường nhỏ nhỏ đôi khi chập chờn hình ảnh một lam lũ đàn bà sương sớm. Cùng với buồn là nhớ, nỗi nhớ khi cụ thể, khi mơ hồ nhưng có lẽ da diết nhất là nỗi nhớ, và cả tiếc nuối một bóng hình xa xăm nào đó. Và nỗi nhớ nhà. Một nỗi nhớ nhà rất Việt. Nó nhắc ta tưởng đến tâm hồn người đàn bà mà những thương yêu sum họp với mẹ cha đã bị nghĩa vụ làm vợ đánh cắp: “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò”; “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu”… Ngôi nhà cũ, ngày cũ, năm cũ đã trở thành một ám ảnh trong tâm hồn tác giả tập sách. Nỗi nhớ ấy có khi ánh lên hồn cốt của một thời. Tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh cái sập rỗng mênh mang buồn. Sập rỗng hay cái rỗng của một vật thể văn hóa có thể đại diện cho một nền văn minh, đại diện cho văn minh của một thời, hồn cốt của văn minh một thời? (Sập gỗ)
Tôi hình dung mỗi câu chữ, hay mỗi văn bản của Trần Thị Hồng Anh đều được viết kèm theo một tiếng thở dài xa xăm. Trong tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương này, ta nhìn thấy một thế giới mệt mỏi và âu lo. Không hẳn là người đàn bà từng trải, nhưng những trải nghiệm của mình cũng đủ để người kể chuyện mơ hồ nhận ra cái mong manh hoang mang của từng sự sống – kiểu sự sống của một thế giới bất định, dễ vỡ. Không phải ngẫu nhiên mà trong tản văn của Trần Thị Hồng Anh, quá khứ và những cơn mưa lại xuất hiện nhiều đến thế! Và đối tượng miêu tả cũng là những thứ gợi lên cảm giác chông chênh, hoặc không chịu yên ổn với vị trí của mình: một ánh trăng, một màu lá, một ngọn cỏ, một cơn gió, một mùi hương… đẹp đấy, nhưng ít bền. Nếu có bền, thì cũng là kiếp hòn sỏi đứng bên cái chông chênh bờ bãi.
Với cái “tạng” của mình (điều này tôi nhìn thấy trong câu chữ”), và với đối tượng miêu tả như thế, văn phong của tập sáng tác này cũng là thứ văn phong man mác, ít nhiều mê hoặc và giàu chất thơ. Có thể thấy, trừ bài viết về chuyện làm vía, bài nào trong tập cũng là thế giới của tính từ và động từ nội động. Cùng với đó là sự kéo dài rất cần thiết và độ hài thanh cao của mỗi câu văn. Tản văn của Trần Thị Hồng Anh trong tập này, vì thế thấm đẫm chất thơ.
Dĩ nhiên Trần Thị Hồng Anh vẫn là người viết trẻ, và đây là tập sách đầu tay, nên khó tránh việc để lại một vài lấn cấn cho người tiếp nhận, mà tôi tin rằng thời gian và kinh nghiệm trên con đường phía trước sẽ giúp chị ngộ ra. Đấy là hiện tượng một vài câu viết còn có chút vụng về, và đặc biệt là sự xuất hiện khá đông đúc các khái niệm. Với tản văn, trừ phi không còn “cửa”, còn nên chuyển hóa tất cả thành hình tượng. Sự khô khan của các khái niệm sẽ khiến thể loại này có phần kém duyên.
Yên Đồng, 23/5/2023
Lê Thanh Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...