Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Khung trời ước mơ

Khung trời ước mơ

Chương 1

Một bầy bốn đứa kéo đến nhà Thanh Trúc làm bánh bông lan hấp. Món bánh này do nhỏ Quyên bày ra, không biết nó học được ở đâu. Nhưng nghe tả thì thật mê. Bánh bông lan sau khi hấp xong, sẽ trang trí trên mặt bánh bằng những tai nấm và mặt bánh có màu xanh như cỏ trông vừa ngộ nghĩnh, vừa ngon và sẽ có vị thơm đặc trưng của bánh, vị béo của dừa và vị bùi của khoai lang.

Cha mẹ Ơi! Chỉ cần nghe tả thôi cũng đã thèm chết được. Suốt cả giờ học sáng nay, bốn đứa nhìn lên bảng nghe cô giáo giảng, thỉnh thoảng lại thả hồng lang thang, tơ tưởng đến món bánh tuyệt vời ấy.

Tan trường, cả bốn vọt lẹ về nhà, ăn uống xong, ngủ chút xíu và đến hai giờ là bay đến nhà nhỏ Trúc. Thường thì nhà nó không có ai. Ba mẹ đều đi làm, ông anh đang học đại học cũng ít khi có nhà. Còn nếu có thì cũng chỉ ở trên phòng đóng cửa. Để mặt cô em tha hồ rủ bạn bè về nhà làm mưa làm gió.

Tôi đến trễ nhất. Để được đi chơi, tôi phải rửa một thau chén, tắm cho một bầy em rồi xua chúng lên giường ngủ. Rồi mới vội vàng phóng xe chạy đến hụt hơi.

Khi tôi đến thì nhỏ Quyên đang đánh trứng. Thanh Trúc lui cui nấu khoai. Thu Ba vắt nước dừa, tôi tò mò đến bên nhỏ Trúc:

- Nấu khoai làm gì thế?

- Làm nấm chứ làm gì.

- Ngộ quá, mới nghe món này lần đầu.

Một lát sau thì khoai chín. Nhỏ Trúc đem xuống, bắt đầu lột vỏ, khoai nóng quá, phỏng tay đau muốn la làng lên. Hết người này đến người kia xuýt xoa kêu nóng. Nhưng cuối cùng công việc cũng xong. Thanh Trúc quay qua hỏi nhỏ Quyên:

- Bây giờ làm sao nữa?

Nhà nấu ăn không chuyên dõng dạc ra lệnh:

- Bóp cho khoai nhuyễn ra, rồi trộn với đường.

- Chi vậy?

- Hỏi lãng nhách. Cho ngọt chứ chi.

Thế là hai đứa bóp bóp, trộn trộn. Lúc đó thì bánh cũng đã hấp xong. Nước dừa cũng đã chuẩn bị sẵn. Nhỏ Quyên rành rẽ trộn bột vào nước dừa. Rồi pha một ít màu xanh vào, pha xong, con nhỏ ngắm nghía:

- Có ít quá không nhỉ?

Tôi nhìn thau nước có màu xanh lá non gật đầu.

- Vậy là đẹp rồi.

- Lỡ mà ít xanh quá không đẹp đâu, đậm chút nữa đi. - Quyên băn khoăn.

Thế là cô nàng trút nguyên ống màu vào, nước bột chuyển sang màu xanh ngan ngát. Tôi và Thu Ba kêu lên:

- Ôi trời, đen thui!

Quyên cãi:

- Đen đâu mà đen, xanh đấy chứ.

- Thì xanh đen, không biết hấp lên có đẹp không?

- Tui là bếp trưởng, đừng có cãi tui. - Nhỏ Quyen vung tay.

- Tâu vâng!

Cả ba đồng thanh kêu lên. Rồi cười khúc khích. Nhỏ Quyên bắt đầu đổ nước dừa vào hấp. Xong, con nhỏ rành rẽ nặn khoai thành hình tai nấm, đặt vào đĩa, Thanh Trúc vắt một vắt khoai như nấm xôi, bỏ vào miệng.

- Chậc, chậc! Ngon quá trời. Khoai trộn đường ngon quá, sao mình không phát hiện ra nhỉ.

- Mai mốt làm món này vô lớp ăn.

Tôi và Thu Ba cũng nhón một nắm tay, chép chép:

- Cái này mà trộn thêm dừa thì sẽ ngon hơn cả ăn bánh.

Quyên giằng thau khoai ra, la lên:

- Không cho ăn nữa, hết nấm của người ta.

Ba cái miệng đồng loạt bĩu môi ra.

- Xí, quý dữ. Năn nỉ xem người ta ăn nữa không!

Quyên nguýt một cái chứ không thèm trả lời. Cô nàng bắt đầu ghim mấy tay nấm khoai lang lên ổ bánh đã hấp xong. Thu Ba và Trúc mon men tiến lại, định mở nắp ra xem. Nhưng cô nàng xua tay như xua ong:

- Đi chỗ khác chơi. Cấm tò mò.

- Thì nhìn một chút, làm gì dữ vậy.

Nhỏ Thu Ba hỉnh mũi, châm chọc:

- Làm như bánh ngon lắm vậy, coi chừng mở ra thấy một khối đen thui, lô nhô những cái sọ trắng.

Tôi nhắm tít mắt lại:

- Úi, nói chuyện nghe thấy ghê.

Chợt có tiếng chuông điện thoại reo. Trúc chạy ra phòng khách nghe máy. Một lát cô nàng chạy xuống thông báo:

- Ê, lát nữa tụi nhỏ Kiều tới, sẵn cho tụii nó thưởng thức ổ bánh luôn.

Quyên nghênh mặt lên:

- Bảo đảm tụi nó sẽ phục lăn ra đất, và sẽ truyền tụng món bánh "trên cả tuyệt vời" của tao.

Thu Ba hoài nghi:

- Không biết có tuyệt vời nổi không, bánh gì có cỏ, cỏ đen thui như mực. Ăn rồi không biết có nhớ tên mình không đây.

- Hứ, nhớ chứ, một lát đừng có năn nỉ mà khen chị Quyên nhé, chị không cho khen đâu!

Thấy hai tên sắp cãi nhau, Trúc bèn lên tiếng:

- Bánh chín chưa, lấy ra thử xem.

Bốn đứa tôi xúm xít đến bếp, thận trọng đem ổ bánh ra. Đúng là một ổ bánh kỳ dị, màu xanh đen thui, ướt nhem. Đã vậy mấy tay nấm có hình thù chẳng ra nấm... mà là một cái gì đó, không nói ra được. Khoai dính lấm tấm trên mặt, trắng với xanh nham nhở. Bốn đứa trố mắt nhìn, Trúc la lên:

- Trời trời, cái gì vậy?

- Một hỗn hợp kinh khủng.

- Má ơi, thấy ghê quá, con không dám ăn đâu.

Mấy cái miệng mỗi người một tiếng, bình phẩm chí chóe, làm "bếp trưởng" quê quá la lên:

- Thôi đi, làm gì mà chê dữ vậy, thì màu hơi đậm một chút chứ có gì đâu.

Trúc gục gặc cái đầu ra vẻ cực kỳ quan trọng:

- Không phải đậm, mà là cực kỳ đen. Bánh này chỉ có thể lưu hành nội bộ.

Nhỏ Thu Ba nói tiếp:

- Phải ăn cho nhanh rồi phi tang dấu vết, đừng để nhỏ Kiều thấy.

Nhưng không thể nào phi tang cho kịp vì ngoài cổng đã có tiếng gọi inh ỏi. Thanh Trúc chạy ra mở cửa. Năm phút sau, một bầy năm, sáu tên ùa vào như gió. Nhỏ Kiều láu táu:

- Đâu rồi, sản phẩm tuyệt vời của nhỏ Quyên chín chưa, cho ăn với.

Thấy ổ bánh đặt trên bàn, cô nàng chợt khựng lại:

- Ủa, cái gì đen thui vậy?

Nhỏ Trúc và Thu Ba ôm bụng cười nắc nẻ. Quyên quê quá, nghinh nghinh mặt lên:

- Bánh hấp chứ gì.

- Bánh hấp sao ngộ vậy.

Thu Ba nháy mắt với Kiều, rồi liếc về phía "bếp trưởng" vẻ ra hiệu. Kiều hiểu ý, cô nàng vội nói trớ đi:

- Nhưng ngộ vừa vừa chứ không ngộ dữ... Ờ, nhìn thì cũng biết đó là bánh.

Thấy vẻ mặt hình sự của Quyên, Thu Ba bụm miệng cười rinh rích. Còn Kiều thì tiếp tục an ủi:

- Thì hơi... kỳ một chút, nhưng ăn chắc ngon lắm. Hay là cắt bánh ra ăn đi.

Vừa lúc đó, Thái vô tới, đến lượt anh chàng la oang oác:

- Ủa, cái gì vậy. Sao nó...

Tôi vội tốp cái miệng anh chàng lại bằng cách nói át đi:

- Giới thiệu với quý vị đây là bánh bông lan hấp, tui nếm thử rồi, ngon lắm.

Tài cũng không đến nỗi kém thông minh. Nó hiểu là không nên phát biểu ý kiến nữa nên làm thinh đứng nhìn ổ bánh. Còn Quyên thì quê quá nên mặt xưng mày xỉa cho đỡ quê. Con nhỏ đã lỡ tuyên bố như đinh đóng cột là sẽ đãi các bạn món bánh bông lan mới lạ và đặc biệt. Bây giờ cái bánh quả là đặc biệt theo kiểu nháy nháy. Tôi biết trong bụng con nhỏ cũng nghĩ bánh xấu ơi là xấu. Nhưng không lẽ tự mình chê mình!

Thanh Trúc cắt bánh thành những miếnh nhỏ. Gần chục tên đứng quanh bàn, mỗi tên cầm một miếng lên ăn. Ăn một cách lặng lẽ vì không thể khen, mà chê cũng không dám.

Bảo dở thì cũng không đến nỗi. Bánh mất ngon, xốp và có vị béo, khoai lang ngọt bùi. Nhưng phải tội... phải tội đắng đắng. Hình như là mua nhầm mà kém chất lượng và lại để nhiều quá.

Thấy ai cũng ăn với vẻ mặt nghiêm trang. Quyên tức cười quá. Cô nàng phì cười một cái rồi la lên:

- Dở thì nói dở đại đi, làm gì ai cũng êm ru vậy.

Thanh Trúc chống chế:

- Không, ngon lắm đó chứ. Ngon thấy mồ luôn.

- Có điều hơi đắng. - Thu Ba thêm vào.

- Ừ, đắng quá, tại màu làm tiêu tùng cả ổ bánh. Lần này làm hư rồi để lần sau tao rút kinh nghiệm.

Nhỏ Thu Ba vội xua tay:

- Thôi đi, đừng con nít. Lần sau đừng làm nữa.

Cử chỉ của Thu Ba làm cho cả bọn phá lên cười. Bây giờ không sợ nhỏ Quyên giận nữa, ai cũng tha hồ bình phẩm. Rồi cuối cùng kiến nghị với "bếp trưởng" là lần sau sẽ đoạn tuyệt với món bánh kỳ dị này.

Tôi chợt nhìn lên đồng hồ. Mới đó đã bốn giờ. Phải về làm một lo công việc, trước khi tối đến. Nếu về trễ sẽ nghe "mẫu hậu" ca cho một số câu vọng cổ, nhức cả đầu. Tôi uống một ngụm nước rồi tuyên bố rút lui.

- Qúy vị Ở lại chơi nghe, tôi về trước.

Cả bọn nhao nhao:

- Về chi sớm vậy, ở lại chút nữa đi.

- Không được, về trễ bị rầy.

- Đang vui tự nhiên bỏ về, làm tụi tao mất hứng.

Thanh Trúc bèn nói đỡ cho tôi:

- Nhà nó công việc nhiều lắm, để cho nó về trước đi.

Tôi vọt ra cửa, nhưng vừa dắt xe ra sân, Thanh Trúc đã chạy theo, gài bịch bánh lên ghi đông xe:

- Mang về cho lũ nhóc nhé. Cho nó mừng.

- Cái gì vậy?

- Thì bánh của nhỏ Quyên.

Tôi chưa kịp từ chối thì con nhỏ đã đẩy xe tuốt ra cống, rồi đóng cửa lại. Tôi không còn nghĩ ngợi gì nữa vội đạp xe như bay về nhà.

Bày ra trước mắt tôi là một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Lũ nhóc đang chơi trò nấ ăn. Vì không có đồ chơi nên chúng lấy bộ trà và chén bát ra chơi. Chúng nó bày la liệt dưới sàn xi măng. Mặt mũi đứa nào cũng dính mực lem luốc tèm nhem. Tôi đưa mắt quan sát mấy món đồ chơi. Trời ạ, chúng nó lấy bình mực của tôi đổ đầy cả ra ly. Tôi tức quá hét lên:

- Đứa nào lấy bình mực của chị?

Ba đứa nhóc nhìn tôi lấm lết rồi bé Thy lên tiếng:

- Dạ em.

- Lấy để làm gì?

- Dạ, em nấu chè đậu đen.

"Đậu đen con khỉ, chơi dơ chịu hết nỗi"! Tôi tức quá muốn quất cho chúng nó một chập, nhưng thấ bọn nhóc có vẻ hoảg vía nên tôi đâm ra tội nghiệp.

- Thôi, chơi tiếp đi, lát nữa chị dọn.

Tôi đi ra nhà sau. Chị Tơ đang loay hoay nấu cơm. Vừa thấy tôi chị thông báo ngay:

- Mẹ vô nhà sanh rồi đó, nấu cơm nhanh mang vô cho mẹ.

Thế là lại có em bé nữa. Lại phải khuấy bột, cho em ăn và giặt tã cho em, giống như trước đây. Tôi ngán quá. Nhưng chỉ biết rên thầm trong bụng.

Nhà bạn bè tôi không ai anh em đông như thế. Còn mẹ thì cư" sinh em bé liên tục. Mỗi lần có thêm em bé là lại cực thêm một chút. Càng nghĩ đến em bé càng thấy rầu thêm.

Hôm sau vào lớp, tôi thônng báo lại cho bọn Thanh Trúc:

- "Mẫu hậu" tao vừa sinh hôm qua, một công chúa Sheba nhỏ xíu.Thế là mai mốt tao hết đường đi chơi luôn.

Quyên nghe nói đến em bé thì hí hửng:

- Nó có dễ thương không?

- Không biết được, nhưng em bé thì chắc phải thấy thương.

- Nó có khóc nhiều không?

Thu Ba đập vai Quyên một cái:

- Con nhỏ vô duyên, con nít người ta cứ hỏi mấy câu như vậy không sợ bị chửi hả?

Quyên thắc mắc:

- Sao lại chửi?

- Thì mình hỏi như vậy là nó khóc hoài chứ sao.

- Vẽ chuyện. Con nít nào mà lại không khóc.

- Nhưng mình hỏi thì nó khóc nhiều hơn.

- Tin dị đoan, vớ vẩn!

Thu Ba xua tay:

- Thôi, không cãi nữa. Trưa nay mình đi thăm em bé đi.

Cả bọn nhất trí. Thế là trưa tan học, bốn nàng kéo nhau vào bệnh viện. Trong lúc gửi xe, Trúc và Quyên tranh thủ đi mua quà. Trên đường vào phòng sanh, Trúc dặn nhỏ Quyên:

- Nhớ đừng có phát biểu linh tinh nghe không, người ta cữ lắm đó.

- Biết rồi, nói mãi!

Cả bọn đi đến giường mẹ Vy, Quyên mê mẩn cầm tay em bé, rờ rờ thật nhẹ như sợ làm gãy tay em bé. Nó ngắm nghía khuôn mặt nhỏ xíu, rồi xuýt xoa:

- Ôi, nó dễ thương quá, nhưng sao má nó có nhiều chấm trắng vậy dì?

Mẹ tôi cười nhẹ:

- Tại da nó còn non đấy cháu.

- Mũi nó xẹp quá, mai mốt chắc nó phải đi thẩm mỹ viện. Con gái mũi xẹp xấu lắm.

Thu Ba đá chân Quyên một cái làm cô nàng kêu oái lên một tiếng hết hồn. Biết mình nói hớ, nàng làm thinh sửa lỗi. Ngay lúc đó giường bên cạnh em bé khóc oe oe, Quyên lại buột miệng:

- Bé đó khóc lớn quá, thế em bé này có hay khóc không dì, nó khóc có lớn không?

Trúc trừng mắt nhìn Quyên. Cô nàng vội ngậm miệng ngay. Mẹ tôi cười dễ dãi:

- Bao giờ đòi bú bé mới khóc, bé ngoan lắm.

Quyên không giám hỏi gì nữa, để mặc Trúc và Thu Ba ở lại giường nói chuyện, nó đi dài dài qua các giường xem em bé. Chắc nó thấy ở đây thật là ngộ nghĩnh. Qúa trời nhiều em bé. Bé nào cũng ngủ. Những em bé thì lo bú rồi lại ngủ ngay. Tôi đã quen mấy cảnh như vậy rồi.

Khi Quyên trở lại giường thì mẹ tôi đang cho em bé bú. Cái miệng nhỏ xíu của bé nút sữa trông thật đáng yêu. Quyên xách lại ngồi gần định sờ vào mặt bé, nhưng Thu Ba sợ cô nàng nói bậy, bèn xua cô nàng đi.

- Ra kia chờ đi. Lát nữa tụi tao ra.

- Để tao xem em bé chút, ra đó làm gì. - Quyên cãi.

Nó đẩy tôi qua một bên giành chỗ. Rồi ngồi xuống ngắm bé bú. Ba cô nàng kia cũng đứng ngồi chung quanh nhìn. Quyên định chờ bé bú xong sẽ ẵm một chút. Nhưng vừa bú xong thì bé lại ngủ ngay làm cho con nhỏ cụt hứng.

Một lát bốn đứa kéo nhau về. Vừa ra đến cổng, Trúc và Thu Ba đã quạt cho Quyên một trận:

- Đã dặn trước là không được nói bậy, thế mà cái miệng cứ oang oác hoài.

Quyên cãi yếu ớt:

- Nhưng tao có nói gì quá đâu.

- Tự nhiên bảo em bé đi thẩm mỹ viện, lại còn chê mũi xấu nữa, vô duyên không thể tưởng.

- Tao bảo mũi xẹp chứ đâu có bảo là xấu. - Quyên đính chính.

- Thì xẹp với xấu mấy thứ. Con nít người ta còn trong tháng mà bình phẩm linh tinh. Dì Hoa la dễ, chứ gặp mấy bà dị đoan thì chết mày.

Tôi can:

- Thôi đi, nhà tao không tin dị đoan đâu, đừng cự nữa.

Trúc và Thu Ba lườm Quyên một cái. Cô nàng cũng biết lỗi, cười xoà:

- Mai mốt đi thăm, tao không nói gì hết. Yên chí đi.

Chợt thấy anh của Thanh Trúc cũng đang dắt xe ra, Quyên kêu lên:

- Ê, anh Chương kìa, ủa sao ảnh vô đây?

Tôi và Thu Ba cũng lấy làm lạ:

- Ở đây là khoa sản, ảnh vô làm gì nhỉ?

- Không lẽ ảnh đi thăm bạn gái?

- Bạn gái ảnh vô đây làm gì, không lẽ... sanh em bé.

Cả bọn cười ré lên, Thanh Trúc cũng cười theo.

- Nói bậy, ảnh vô bệnh viện thực tập đó.

Quyên vẫn cố tìnhh trêu:

- Thực tập làm ba hả?

- Cái miệng chuyên môn nói bậy ảnh mà nghe được là chết với ảnh.

Vừa lúc đó, anh Chương dẫn xe ra tới. Thấy bọn tôi đứng lố nhố, anh đứng lại:

- Mấy đứa đi đâu vậy?

Nhỏ Trúc chưa kịp trả lời thì Quyên đã nhanh miệng:

- Dạ, anh Chương ơi, nãy giờ tụi em thắc mắc, anh có thể giải đáp giùm không?

- Chuyện gì vậy em?

Quyên cười tinh quái.Rồi làm ra vẻ mặt ngây thơ:

- Dạ, tụi em không biết anh vô đây thăm ai, có phải thăm chị ấy không? Bé là con trai hay con gái vậy anh?

Bọn tôi cười rũ ra. Anh Chương biết mình bị chọc. Nhưng anh tỉnh bơ không hiểu:

- Anh không thăm ai cả. Chỉ vào đây thực tập thôi.

Sợ đứng lại sẽ bị hỏi lôi thôi, anh vội dắt xe đi.

- Mấy đứa ở lại về sau nghe, anh phảI đi gấp thôi.

Anh Chương đi rồi, Thu Ba lên tiếng:

- Nhỏ Quyên này, đến anh ấy mà mày cũng dám chọc, tao không biết mày chừa ai.

Tôi cười tủm tỉm một mình khi nhớ lại cái đỏ mặt của anh Chương. Đúg là bị hỏi một câu như vậy, ai yêu bóng vía có thể chui xuống đất mà trốn.

Mà nhỏ Quyên này cũng bạo, hết chuyện chọc, lại chọc con trai mấy chuyện đó. Mà lại là anh của nhỏ Trúc nữa chứ. Bạn bè Thanh Trúc ai cũng hơi sợ anh Chương. Vì anh ấy rất nghiêm. Cả nhỏ Trúc cũng không dám giỡn. Vậy mà nó lại đùa tỉnh bơ.

Chương 2.

Hôm nay "mẫu hậu hồi cung", Ấu chúa vừa lâm triều đã khóc ầm ĩ, làm các tì nữ chạy tán loạn.

Mẹ đặt ấu chúa nằm trên giường, cái miệng bé xíu ngoác lên mà gào oe. Bọn nhóc xúm xít quanh xem ấu chúa khóc rùi cười hăng hắc. Đúng là bản hoà tấu dành cho con voi, điếc cả hai tai!

Tôi và chị Tơ bị mẹ sai chạy như vịt, để phục vụ ấu chúa. Cuối cùng khi được mẹ bồng lên va nhét bầu sữa vào miệng, tiểu công chúa mới chịu nín giùm cho.

Mỗi lần vào lớp, nhỏ Quyên cứ níu lấy tôi mà hỏi về tiểu công chúa hoài:

- Mày thấy nó lớn thêm chút nào không?

- Tối ngày nó chỉ ngủ với khóc, còn lớn thì chưa thấy.

- Mới có một tuần chắc chưa thấy gì đâu.

- Tụi mày thì không, nhưng tao thấy trời đất quay cuồng. - Tôi rên rỉ.

- Sao vậy? Sao vậy?

- Thì phải làm công việc nhiều chứ sao! Không hiểu tại sao cứ đến tối là nó khóc, dỗ mấy cũng không nín, cả đêm là vậy. Thế là ban ngày nó ngủ khì.

Nhỏ Trúc im lặng ngẫm nghĩ, rồi quay sang tấn công Quyên:

- Đó, tao nói có sai đâu. Tại mày đó.

Quyên hoang mang:

- Cái gì tại tao?

- Thì hôm đó vô bệnh viện, mày hỏi em bé có khóc không, bây giờ nó khóc rồi đó, mày chịu chưa. Đến dỗ nó đi.

Quyên có vẻ lo lắng:

- Tao tò mò thôi, chứ có phải chúc em bé khóc nhiều đâu.

- Đợi đến mày chúc nữa chắc nó rỉ rả suốt ngày đêm, cho con Vy chết luôn.

Tôi la lên:

- Làm ơn đưng nói bậy, nó oe oe suốt ngày chắc tao chỉ có nước trốn.

Thu Ba ngẫm nghĩ một lúc:

- Mà tao nghĩ em bé khóc chắc dễ thương lắm.

Tôi liếc nó một cái:

- Tao chưa thấy ai khóc ma dễ thương hết, chỉ có chọc cho người khác khùng lên thì có.

Quyên chống cằm, mắt nó có vẻ mơ màng:

- Tao mà có em bé, tao sẽ thương lắm.

Nghe câu đó, tự nhiên ba đứa tôi cười khì. Nhỏ Trúc nói:

- Mày muốn thì có chứ gì, chịu khó sinh là sẽ có vô số em bé.

Nhỏ Quyên hiểu ra.Nó đấm bọn tôi túi bụi:

- Đồ quỉ, mấy con nhỏ vô duyên.

Bọn tôi không thèm đánh lại nó. Chỉ cười rúc rích. Nhỏ Quyên mê em bé lắm. Phải rồi, vì nó có cực đâu mà nó biết. Nó có bao giờ dậy nửa đem để pha sữa cho em đâu, cũng chẳng phảI giặt tả hay dỗ em bé khóc.

Nó với nhỏ Trúc là sướng nhất trong bốn đứa tôi. Đi học về chỉ có việc ngủ và chơi. Tôi và Thu Ba thì phảI làm việc nhà. Nhưng nhỏ Thu Ba không nhiều việc như tôi. Vì nó không có nhiều em.

Mẹ nghỉ ở nhà một tháng thì lại ra tiệm bán. Chị Tơ ra phụ với mẹ. Thế là công việc nhà một mình tôi làm từ A đến Z. Đến thật tối mới có thời giờ học bài. Khổ ơi là khổ!

Hôm nay cô chủ nhiệm thông báo danh sách thi giỏi toán cấp thành phố. Trong đó có tôi. Muốn đi thi thì phải luyện. Mà tôi thì học ở nhà cũng gần chết, lấy đâu ra thời giờ đến lớp.

Đến giời chơi, bọn nó lôi tôi xuống sân, ngồi dưới gốc me tây rợp mát, mặt đứa nào cũng trịnh trọng thâ"y ơ"n. Tôi chưa kịp hỏi thì nhỏ Quyên lên tiếng:

- Bắt đầu sáng mai, tao với con Trúc sẽ đến nhà mày. Thu Ba mắc phụ với mẹ nó thì khỏi đến.

Tôi lo lắng:

- Mày tính làm gì hả? Nhà tao đâu có rảnh đâu mà làm bánh.

- Không phảI làm bánh, mà nấu cơm. - Trúc cắt ngang.

Tôi rên rỉ:

- TAo không có thời giờ, ở đó mà nấu nướng.

Quyên nhăn mặt:

- Nấu cơm phụ mày chứ không phải là nấu chơi, hiểu chưa?

- Hả, cái gì?

- Buổi sáng tụi tao sẽ đến phụ cho mày có thời gian luyện thi. Tao lãnh phần nấu cơm, còn nhỏ Quyên phụ mày giặt đồ. - Nhỏ Trúc nghiêm giọng.

Tôi thấy bất ngờ quá. Không biết nói sao. Tự nhiên tôi hỏi một câu ngớ ngẩn.

- Tụi mày nói đùa hả?

Quyên nhăn mặt:

- Đùa con khỉ, tao với con Trúc rảnh, trong khi mày vừa chuyện nhà, vừ luyện thi, tụi tao phải phụ với mày chứ!

Trúc nói thêm:

- Chuyện thi quan trọng lắm, tụi tao phải lo cho mày chứ!

Tôi cảm động quá, mà không nói được cái gì cám ơn tụi nó. Tự nhiêN tôi thấy mắt mũi cay cay. Rồi tôi khóc sụt sịt. Bọn nó hình như cũng cảm động, đứa nào cũng ngồi im. Hình như bọn tôi bất thường lắm, nen ai đi qua đi lại cũng nhìn. Nhỏ Trúc chợt dài giọng:

- Tự nhiên cái khóc, con nhỏ mít ướt thấy sợ luôn.

Ba đứa bật cười. Tôi quê quá cũng cười theo. Rồi chùi mắt. Chuyện lúc này trở nên bình thường như không có gì. Nhưng tôi muốn ôm mỗi đứa một cái để nó biết tôi thương tụi nó đến độ nào. Cũng như bọn nó đã thương tôi.

Sáng hôm sau nhỏ Quyên và Trúc đến, Quyên có tật thích chế biến món ăn, nên giành phần nấ cơm. Chẳng những nấu xong cơm, mà nó còn thời giờ chế biến cả món chè trái cây. Một món mới lạ mà tôi chưa từng thấy bao giờ.

Khi tôi và nhỏ Trúc giặt đồ xong, thì thấy con nhỏ múc chè bày đầy bàn. Tôi tò mò bước lại nhìn:

- Cái gì vậy?

- Thì thanh long, ổi, nhãn, củ dền.

- Nấu củ dền chi vậy ông?

- Cho đẹp, phải có màu đỏ trông mới bắt mắt chứ.

Hình như con nhỏ khoái màu mè lắm. Hôm trước làm bánh thì có cỏ xanh. Hôm nay là chè đỏ, tôi tò mò:

- Ai dạy mày vậy? Củ dền ai lại nấu chè bao giờ?

Quyên cười hãnh diện:

- Không ai dạy hết, tự tao nghĩ ra đấy. Nhìn thèm không?

Tôi nhìn nhìn chén chè. Nhãn xoè ra như nụ hoa, còn thanh long, ổi và củ dền thi nhỏ nhỏ, vuông vuông. Tất cả đều có màu hồng rất đẹp. NhưNg ăn thì không biết thế nào. Tôi đã có kinh nghiệm về tài chế biến của nó, nên rất hoài nghi.

Quyên ra sân xua lũ nhóc vào nhà.

- Vô ăn chè nè cưng, chè trái cây tốt lắm, giàu Vitamin lắm.

Bọn nhóc nghe nói chè thì mừng rơn. Ba đứa chạy túa vô, ngồi xung quanh bàn. Mỗi đứa giành lấy một chén, múc ăn một cách háo hức.

Nhưng mới ăn một muỗng, bé Nhi đã ngước lên:

- Chị Quyên ơi, chè này lạ quá.

- Ồ, chị chế ra đó. Ngon không cưng!

- Nó kỳ kỳ.

Ba đứa tôi ngồi xuống, múc thử một muỗng. Đúng là nó kỳ kỳ. Nhỏ Trúc nhăn nhó:

- Mày để cái gì nữa vậy?

- Bột béo, tao định để vani cho thơm. Nhưng nghĩ chắc bột béo làm chè béo hơn, ngon hơn, nên thay cho vani.

Tôi thở khì, hết có ý kiến. Còn nhỏ Trúc thì nhăn nhó"

- Cho tao xin đi Quyên, mai mốt nấu nướng bình thường thôi, mày mà chế cả chục món, bắt tụi tao ăn chắc khùng luôn quá.

Nãy giờ ai cũng xuýt xoa bình phẩm. Chỉ có thằng Tí là cắm cúi ăn hết chén. Quyên khoái lắm, nó nựng mặt thằng bé.

- Ăn nữa không cưng?

- Dạ, nữa.

Tôi và nhỏ Trúc ngạc nhiên nhìn thằng bé. Nhỏ Quyên hếch mặt lên:

- Đó, thấy chưa. Nó thích ăn chứ bộ.

Trúc hoài nghi hỏi thằng bé:

- Ngon không cưng?

Thằng Tí lắc đầu:

- Dạ, không.

- Không sao cưng ăn nhiều vậy?

Cu Tí trả lời hết sức thơ ngây:

- Dạ, tại chị Quyên bảo ăn cho có nhiều Vitamin, mau lớn. Chứ em không thích ăn, ngán lắm.

Ba đứa tụi tui phá ra cười, Quyên vồ đầu nó:

- Vậy thôi đừng ăn nữa, bao nhiêu đó đủ Vitamin rồi.

- Thật hả chị?

- Ừ.

- Vậy em không ăn nữa.

Nghe nói vậy, bé Nhi và bé Loan đồng loạt bỏ dở chén chè, chạy tuốt ra sân chơi tiếp. Tôi và nhỏ Trúc ráng ngồi lại ăn cho hết chén. Sợ nhỏ Quyên buồn nên ráng ăn chứ món chè kỳ cục này nuốt khổ sở chết được.

Thanh Trúc vừa nhai củ dền vừa càu nhàu:

- Tao mà ghét ai, tao sẽ bắt người đó ăn chè của mày.

- Tao cố ý nấu cho con vy ăn chứ bộ. Bổ sung Vitamin cho nó. Nó phải ăn cho có sức học thi, để mai tao nấu chè đậu đỏ trứng cút cho nó ăn.

Tôi hoảng quá, la toáng lên:

- Thôi đừng nấu, tao sợ chè lắm.

Nhỏ Quyên hăng hái:

- Không thích đồ ngọt thì ăn đồ mặn.

Tôi chưa kịp trả lời thì có tiếng oé oé ở võng. Rồi, mầm non của Tổ quốc đã thức dậy. Bây giờ phải tắm cho mầm non. Rồi phải đổ sữa vào cái miệng bé xíu như hoa tigôn ấy. Nếu không có sữa, loa phóng thanh sẽ phát hết tốc lực, có mà điếc tai.

Tôi vội vàng đứng dậy đi pha nước. Nhỏ Trúc đến soạn đồ. Còn nhỏ Quyên thì chỉ đợ có thế là tranh thủ ẵm em bé lên. Nó đi tới, đi lui, nựng nịu, hôn hít, nói đớt đát. Nhìn nó y chang một bà mẹ. Nhỏ Trúc nháy mắt với tôi:

- Giống quá.

Hai đứa tôi cười khúc khích. Nhưng không dám để cho nhỏ Quyên thấy. Rồi Trúc và Quyên đứng một bên phụ. Bọn nhóc cũng kéo vào đứng quanh. Mỗi lần tắm em bé là chúng nó thích lắm.

Em bé cũng rất thích tắm. Tay chân nó quẫy trong nước và cười hắc hắc. Cu Tí thò tay vào thau nước, bóp nhẹ tay em bé, nói giọng ngọng nghịu:

- Cưng tắm hả, thích không hả, cười nữa đi anh sẽ thương.

Bé Nhi cũng nựng theo:

- Cười với chị nữa, chị Nhi thương bé lắm.

Nhỏ Quyên cũng họa theo chọc bé Nhi:

- Chị Quyên cũng thương bé lắm, bé biết không?

Thanh Trúc châm chọc:

- Bé không biết, bé chỉ thấy chị Ồn quá, bé nhức đầu quá.

Cả bọn cười phá lên. Tắm em bé thật vui. Xong tôi bồng bé đặt qua giường. Nhỏ Quyên giành phần xoa phấn. Nhỏ Trúc giành phần dọn dẹp. Tôi tranh thủ đi pha bình sữa.

Em bé hình như đói lắm. Thấy bình sữa là nó chộp ôm lấy, cái miệng nhỏ xíu nút sữa một cách ngon lành. Nhỏ Quyên nhìn một cách say sưa:

- Nó bú thấy thương quá trời.

Trúc lại châm chọc:

- Hình như mày có khiếu chăm trẻ lắm, thực tập từ từ được rồi đó.

Quyên phớt lờ như không nghe. Tôi biết nó tức lắm. Còn tôi thì thấy nhẹ cả người khi đã giải quyết xong việc buổi sáng. Từ giờ đến trưa tôi còn khối giờ để học bài. Chả phải lo quýnh quáng như lúc trước nữa.

Đợi ấu chúa ngủ say, tôi bắt đầu ngồi vào bàn học. Nhỏ Quyên xua lũ nhóc vào học bài. Chúng nó mỗi đứa một góc. Mạnh đứa nào đứa nấy gào. Tôi đã quen với cách học đó nên chẳng bị chi phối lắm.

Một lát sau, nghe tiếng bé Loan đọc kỳ kỳ, tôi ngóc đầu lên lắng nghe. Con nhỏ gào lên như guốc kêu:

- "Đàn ông chuyên săn bắn đàn bà, đàn ông chuyên săn bắn đàn bà..."

Nó ngừng lại một chút lấy hơi, rồi nó rống tiếp:

- "Chuyên hái lượm... chuyên hái lượm... "

Bài học gì kỳ vậy trời! Tôi chưa kịp có ý kiến thì nhỏ Quyên và nhỏ Trúc nhìn nhau:

- Sao kỳ vậy?

Quyên đến mở sách ra xem. Rồi nó cười phá lên:

- Cưng đọc cho tròn câu lại đi. Chỗ nào có dấu chấm thì nghỉ, đừng đọc buông tuồng nữa nhóc ạ.

Rồi nó hắng giọng:

- Phải đọc thế này: "đàn ông chuyên săn bắn, đàn bà chuyên hái lượm". Thời tiền sử người ta chưa có văn minh như mình, nên họ sống vậy đó, hiểu không?

- Dạ hiểu.

- Rồi, học tiếp đi cô nhóc. Nhớ để ý đến dấu chấm nghe.

- Dạ.

Bé Loan lại tiếp tục học mấy câu khác. Tôi cũng cúi xuống làm tiếp bài tập. Nhưng nhớ lại còn thấy tức cười. Đã đọc sai dấu còn rống lên cho người ta nghe. Đúng là cách học của con nít.

 

Chương 3.

Hôm nay đám giỗ ông nội. Mẹ tôi bắt mang trái cây qua nhà bác Hai, rồi ở lại phụ nấu nướng xong mới được về.

Tôi đi mà rầu rĩ vô cùng. Không phải là rầu vì phụ nấu nướng. Mà là không thích qua nhà bác Hai. Đúng hơn là ghét mấy bà chị con của bác. Mấy bà ấy tiểu thư và kênh kiệu không chịu được. Mỗi lần tôi qua là sai chạy như vịt. Còn mình thì ngồi chơi. Như thế bảo không tức sao được.

Vừa thấy tôi, chị Thục đã háy một cái:

- Dữ, đám giỗ mà bây giờ mới thấy mặt.

Tôi chưa kịp trả lời thì chị My đã bồi thêm:

- Đến bây giờ còn đỡ, còn hơn là dọn xong rồi mới tới.

"Mấy bà chị bất lịch sự này, người ta đến phụ mà nói chuyện thấy ghét". Tôi ấm ức nghĩ thầm. Nhưng không dám ý kiến. Tôi mà nói ra, lập tức sẽ bị một cơn giông cuốn bay mất, chịu không nổi đâu.

Chị Thục bảo tôi xuống bếp gọt khoai tây. Nhưng gọt chưa hết củ thì chị My đã sai đi mua dầu. Biết lắm mà, tôi mà đến thì hai chị ấy thi nhau sai vặt, y như sai con nít. Trong khi tôi đã lớn rồi.

Tức muốn chết đi được. Tôi lóc cóc đi bộ ra đầu đường, cầu trời phù hộ cho hai bà chị khó ưa ấy lấy chồng đi thôi. Tôi mà có đũa thần thì sẽ phất tay một cái. Thế là xuất hiện hai ông chồng vừa hung dữ, vừa xấu xí. Hai ông ấy sẽ nện cho các bà chị đỏng đảnh của tôi một trận ra trò, mỗi khi các bà ấy kiêu kỳ với tôi.

Chỗ tiệm ngay ngã tư không có bán dầu, tôi phải đi tuốt qua ngã tư trên kia. Đi vừa xa vừa nắng. Rất may là có hai hàng cây che bớt ánh nắng. Tôi cầm chai dầu, lững thững đi bộ dưới hàng cây. Đến ngã tư thì vừa lúc có đèn đỏ. Tôi chợt thấy anh Chương của nhỏ Trúc. Anh ấy đang dừng xe chờ đèn. Tôi bèn cười với anh ấy. Và định đi luôn nhưng anh Chương đã gọi lại:

- Vy đi đâu vậy?

- Dạ, đi mua đồ.

Vừa nói tôi vừa giơ chai dầu lên minh họa, anh Chương nhìn tới phía trước:

- Nhà em ở gần đây à?

- Dạ không, em qua nhà bác em, qua khỏi ngã tư này là tới.

- Xa quá vậy, lên anh chở cho.

Tôi leo lên ngồi phía sau. Anh Chương hỏi thăm ngay:

- Em bé hết sốt chưa?

"Ủa, sao anh Chương biết công chúa bị sốt nhỉ? Chắc là nhỏ Trúc nói". Tôi bèn gật đầu:

- Dạ hết sốt rồi. Mẹ em bồng đi bác sĩ, uống thuốc hai ngày thì hết.

- Vy còn nhỏ mà biết chăm sóc em bé, giỏi quá.

- Dạ, em thấy đâu có gì, chuyện đó bình thường mà.

- Trúc bảo em thi giỏi toán phải không, có kết quả chưa?

- Dạ chưa. Em nghe cô bảo mai mới có... Bộ nhỏ Trúc hay kể chuyện của em cho anh nghe lắm hả?

Anh Chương trả lời mơ hồ:

- Tùy chuyện mới kể. Còn xem anh có quan tâm không nữa chứ.

Tôi không hiểu ý anh ấy, nhưng không hỏi. Vì đã đến nhà. Tôi chỉ về phía trước:

- Anh cho em xuống nhà có cửa màu xanh đó.

Anh Chương ngạc nhiên:

- Em có quen với nhà này à? Anh cũng tới đó, nhà bạn anh đó.

- Ủa, anh quen voi ai trong đó. Chị Thục hay anh Toàn?

- Anh là bạn thằng Toàn, nó mời tụi anh đến đám giỗ. Còn em?

- Đây là nhà bác em. Mẹ em bảo qua phụ mấy chị.

Anh Chương mỉm cười:

- Không ngờ anh em mình gặp nhau ở đây.

Tôi bước xuống. Đẩy cổng đi vào nhà.

- Anh Chương vô đi, để em đi gọi anh Toàn.

Nhưng tôi chưa kịp gọi thì anh Toàn đã đi ra.

Tôi thấy đám bạn anh ấy đã đến từ lúc nào. Tôi đi ra nhà sau đưa chai dầu cho chị My. Chị ấy đang ngồi dũa móng tay. Và chẳng hề ngó mắt đến chai dầu.

- Đem ra sau cho dì Bảy, đưa tao làm gì. Lặt rau xong rồi lên cắm hai bình hoa đi, hoa để ở góc tủ ấy.

Rồi chị ấy đi lên lầu. Tôi lặt rau xong, đi lên phòng khách cắm hoa. Tôi thích làm mấy công việc này lắm. Biết tôi khéo tay, nên mỗi lần nhà có đám tiệc, bác Hai thường bảo tôi qua trang trí. Hôm nay ngoài việc cắm hoa cho bình lớn trên bàn thờ, tôi vẫn còn phải trang trí thêm hai bình hoa nhỏ để ở bàn khách.

Tôi ngồi một góc phòng, bày hoa trên bàn bắt đầu tỉa lá. Một lát sau anh Chương vào ngồi chung bàn.

- Có cần anh phụ gì không?

- Dạ không, việc này dễ làm lắm, anh Chương ra ngoài kia chơi đi.

Hình như tôi nói câu đó giống nói với con nít nen anh ấy cười:

- Vy nói chuyện giống người lớn quá. Mỗi lần bên này có đám em qua phụ à, nhà không còn ai sao?

- Dạ, còn chị Tơ. Nhưng chị ấy ghét qua đây lắm, nen đùn em đi.

Chợt chị My từ trên lầu đi xuống, và đến ngồi gần tôi, giọng hiền ơi là hiền:

- Để đó chị làm cho, Vy không quen, sợ hư hoa hết.

Rồi chị ấy cầm lấy cái kéo nhỏ trên tay tôi, bắt đầu cắt cắt. Tôi ngồi im nhìn chị ấy làm. Cha mẹ Ơi, không hiểu tôi có nằm mơ không. Lần đầu tiên tôi thấy chị My nói chuyện ngọt ngào với tôi. Rồi lại còn giành làm công việc nữa. Lạy chúa!

Vừa cắm hoa, chị My vừa nghiêng nghiêng đầu cười chúm chím, điệu ơi là điệu. Tôi thấy anh Chương nhìn ra chỗ khác. Còn chị My thì thỉnh thoảng nhìn anh ấy. Thấy anh Chương không nói gì, bà chị bắt chuyện trước:

- Anh Chương đi thực tập chung với anh Toàn em phải không?

- Ừ.

- Thực tập có cực không anh?

- Cũng không cực lắm, anh quen rồi.

Chị My khẽ nhăn mặt điệu đàng:

- Em là em sợ máu lắm, eo ơi, mỗi lần thấy máu là muốn xỉu luôn, bởi vậy em không dám làm bác sĩ đâu.

"Chị mà làm bác sĩ chắc bệnh nhân chết hết. Họ mà nghe chị che ché cái miệng thì càng mau chết hơn". Tôi ngồi nghĩ thầm nhưng không dám nói ra.

Thấy anh Chương cười, chị My càng làm điệu hơn:

- Em sợ học y. Nhưng lại thích mấy người học nghành đó, em phục họ lắm. Thế anh có sợ máu không?

Anh Chương lắc đầu:

- Anh không sợ gì hết, sợ làm sao mà học.

- Đúng rồi đó, anh can đảm ghê.

Tôi ngồi nghe hai người nói chuyên, còn mắt thì chăm chú nhìn cành hoa trên tay chị My. Thấy chị cắt hoa mà tội nghiệp cho hoa với lá. Cành người ta mỏng manh như thế vậy mà chị ấy ghì cho nó đứt ra. Hoa nào mà chịu cho nổi.

Cuối cùng thì cũng cắm xong hai bình. Má ơi! Xấu không thể tưởng tượng. Hoa thì ngả ra sau, lá thì chúi tới trước. Tôi nhìn bình hoa mà tiếc đứt ruột. Không biết cắm thì thôi, để người ta làm. Ai mượn tài khôn.

Tức quá, tôi đứng dậy bỏ đi ra nhà sau cho hai người nói chuyện.

Khi công việc đã xong rồi chị My bèn kéo tôi lên lầu:

- Bộ mày có quen với anh Chương hả?

- Dạ, đâu có quen, anh ấy là người lớnh chứ đâu phải là bạn em.

- Không quen sao lúc nãy ảnh nói chuyện với mày?

- Tại vì ảnh là anh của nhỏ Trúc, bạn em, gặp nhau hoài thì nói chuyện chứ.

Chị My cốc đầu tôi một cái:

- Ngốc, vậy là quen chứ còn gì nữa. Bộ ảnh có em gái nữa hả?

- Dạ, nó học chung với em.

- Con nhỏ đó hiền không?

"Người ta hiền hay dữ kệ người ta, mắc gì đến chị mà chị hỏi". Tôi nghĩ thầm, nhưng vẫn trả lời:

- Bạn em đứa nào cũng hiền hết, nó dễ thương lắm.

Chị My có vẻ không để ý đến đám bạn tôi, chỉ hỏi về anh Chương.

- Mỗi lần mày đến nhà đều gặp ảnh hết hả?

- Dạ, lúc gặp lúc không.

- Mấy lúc gặp, ảnh có nói chuyện với mày không? Ở nhà ảnh thường làm gì, mày biết không?

Hỏi gì mà hỏi lắm thế? Tôi muốn hét toáng lên. Nhưng miệng vẫn trả lời ngoan ngoãn:

- Em thấy ảnh hay ở trên phòng, nhiều lúc đàn một mình.

- Sao mày biết, bộ mày ở trong phòng người ta hả?

- Đâu có, tại em nghe tiếng đàn vọng xuống.

Chị My mơ màng:

- Ảnh biết đàn nữa hả, hay thật, vừa đẹp trai vừa có tâm hồn nghệ sĩ, chàng hoàng tử của lòng ta.

Trời, trời! Nói chuyện như phim ảnh. Văn chương thấy ớn. Rõ ràng là chị ấy thích anh Chương rồi. Nếu không thích sao lại hỏi về người ta hoài thế?

Lạy chúa, đừng để anh Chương thích chị My. Anh ấy hay như thế. Còn bà chị của tôi thì vô cùng thấy ghét. Thích bà ấy uổng lắm. Bà ấy phải có ông chồng vừa dữ vừa xấu mới đáng đời.

Nghĩ xong tôi mới thấy mình ác quá. Ước toàn chuyện xấu cho ngườ ta. Lạy chúa, tha lỗi cho con.

Sợ chị My lại hỏi lôi thôi nữa, tôi bèn tìm cách đi xuống. Nhưng chị ấy cứ giữ tôi lại, điều tra tỉ mỉ về anh Chương. Nhiêu cái tôi không biết thì bà ấy phát cáu lên và cốc vào đầu tôi, bảo tôi ngu.

Đau muốn chết, nhưng tôi chỉ biết xoa đầu chứ không dám phản ứng. Nếu tôi có phép tiên, tôi sẽ cho bà ấy thành con vịt vừa mập, vừa xấu. Cho bỏ tật ăn hiếp người ta.

Mãi đến trưa chị My mới thôi nói chuyện. Tôi thở phào thoát nạn. Nhưng khi tồi định về thì gặp chị Thục.

- Ở lại rửa chén chứ về hả, con nhỏ này.

- Em phải về ủi đồ, chiều nay em còn phải đi học nữa.

- Chủ nhật mà đi học cái gì.

- Em học thêm, học lớp bồi dưỡng.

- Thôi mệt quá, rửa chén xong rồi về, đừng nói nhiều. Mày học cho lắm cũng không bằng ai đâu.

- Nhưng mà em...

Chị Thục cắt ngang:

- Mày không rửa, tao méc chú Năm đó. Qua đây phụ chứ đâu phải chơi. Làm biếng quá đi.

Không cãi lại được, tôi ấm ức đi xuống bếp. Sàn nước đầy nhóc chén đĩa. Một mình tôi rửa thì có đến chiều. Tôi ngồi xuống, vừa khóc vừa rửa. Nếu không thì bác Hai nói ra nói vô ba tôi sẽ đánh. Tôi đã bị nhiều lần lắm rồi.

Đang rửa chén thì anh Toàn xuống. Thấy tôi rửa một mình, anh ấy cau mặt:

- Sao không ai phụ với bé Vy vậy. Thục, My đâu rồi!

Anh ấy đi lên nhà trên, tôi nghe tiếng anh ấy bảo hai chị xuống phụ tôi. Nhưng hai vị tiểu thư ấy chỉ cãi lại. Thế là tôi vẫn tiếp tục độc diễn một mình.

Rửa chén xong thì đã gần hai giờ. Giờ này có về thì cũng không kịp đi học. Tôi tức ấm ức trong bụng. Có lẽ mặt tôi khó ưa lắm. Nên khi tôi đi lên nhà trên, bác Hai gái nói với bà bạn:

- Con cháu bây giờ vậy đó chị, không dám nhờ nó cái gì hết, mình cho thì được, còn nhờ nó thì nó oán mình lắm.

Thế là mấy người phụ nữ rảnh rồi ấy chuyển sang bàn tán về gia đình tôi. Họ nói mà không cần biết tôi buồn vui ra sao. Tôi nhìn bác Hai gái một cách căm ghét rồi lủi thủi ra về.

Anh Toàn dắt xe đi theo tôi.

- Để anh đưa về nhé, em đi học còn kịp không?

Chỉ nghe nói thế, tôi chợt oà khóc:

- Không kịp đâu anh, trễ mười phút rồi.

Anh Toàn vỗ đầu tôi như con nít:

- Thôi lỡ rồi, em nghĩ học một buổi đi, lên xe đi em.

Tôi ngồi lên phía sau xe va vần khóc thút thít. Vừa tiếc buổi học, vừa tức bác Hai và hai bà chị. Hình như hiểu ý nghĩ của tôi, anh Toàn an ủi:

- Tính tụi nó làm biếng nên lánh công việc, chứ không phải ghét em đâu, đừng buồn nữa.

Tôi nói dối:

- Em đâu có buồn.

Anh Toàn nói qua chuyện khác:

- Em thi giỏi toán có kết quả chưa?

- Dạ chưa.

- Ráng học nghe Vy, nhà chú Năm chỉ có mình em là vượt lên, em ráng thành tài cho chú thím nhờ.

Tôi cảm động dạ nhỏ một tiếng. Trong gia đình bác Hai, ai cũng kinh nhà tôi nghèo. Chỉ có anh Toàn là thông cảm và gần gũi với tôi nhất và tôi cũng mến anh ấy nhất.

Anh Toàn đưa tôi về đến nhà, rồi vào chơi với mẹ tôi một lát. Khi về, anh ấy ngoắc tôi ra sân, đặt tiền vào tay tôi.

- Em cất tiền mua thêm sách học, có thiếu gì thì nói anh nghe.

- Anh toàn cất đi, em đâu có sài gì đâu. - Tôi vội lắc đầu.

- Sao lại không, năm nay thi đại học là cực lắm, ráng bồi dưỡng cho sức học, đừng có cãi anh.

Tôi lí nhí cảm ơn anh Toàn rồi đi vào nhà. Vừa đi vừa ngẫm nghĩ lại thái độ của anh ấy đối với tôi. Tôi bỗng ước ao sao mình có được một ông anh như vậy. Thật ra thì cũng có thể xem đó là anh mình. Nhưng giá đừng có thêm chị Thục và chị My thì hay hơn.

Mấy ngày sau thì tôi quen mất chuyện hôm đám giỗ. Nhưng tự nhiên trưa nay chị My tới nhà tôi. Lúc tôi đang học bài thì nghe tiếng xe thắng phía trước nhà. Tôi chạy ra thì thấy chị ấy. Tưởng là nhỏ Trúc hay nhỏ Quyên thì mừng, chứ vị khách này thi sợ xanh cả mặt.

Cả bọn nhóc cũng vậy. Nếu anh Toàn hay bác Hai đến thì chúng nó còn chạy ra mừng. Còn thấy chị Thục hay chị My thì tản đi mất tiêu.

Thấy tôi, bà ấy cười như hoa:

- Vy làm gì đó?

- Em học bài.

- Sao tối ngày học hoài vậy, thôi bỏ đi, đi với chị.

- Đi đâu?

Chị My kéo tôi ra thềm nhà, hạ giọng:

- Chị với My lại nhà anh Chương chơi. Nhưng đừng nói tìm anh Chương. Vy đến chơi với em ảnh, còn chị như vô tình đi theo, đừng nói với ai nghe.

Trời ơi! Hôm nay lại có chuyện này nữa, đang học tự nhiên bỏ đi chơi. Mà tôi cũng đâu có cần tìm nhỏ Trúc. Tôi bèn tìm cách thoái thác:

- Em với nhỏ mới gặp nhau hồi sáng, tự nhiên bây giờ tới, nó hỏi thì em biết nói làm sao?

- Thì lấy lý do mượn tập, dốt quá. Vy làm bộ quên cái gì đó, bảo nó cho mượn. Rồi ngồi nói chuyện hơi lâu một chút.

Biết rồi, muốn tìm anh Chương mà không có lý do, nên kéo tôi đi làm lá chắn. Sao mà chị này vô duyên không thể tưởng tượng. Tự nhiên con gái mà đi tìm con trai, tôi chẳng thèm ưng mấy người như vậy đâu.

Mà nếu mai mốt tôi có bồ, chắc chắn tôi se để bồ tìm mình. Chứ mình không xông xáo đi tìm họ. Kỳ cục lắm. Họ mà biết thì có mà cười vô mũi mất.

Thấy tôi còn ngần ngừ, chị My kéo tôi vào nhà bắt thay đồ cho nhanh. Tôi đành thở dài đi theo bà ấy. Nếu không đi thì không được yên thân mà ngồi học đâu.

Đến nhà nhỏ Trúc, tôi còn đứng lơ ngớ thì thấy anh Chương đi ra. Tôi liếc nhìn qua chị My. Thế là trúng ý tôi nhé! Chị ấy nghiêng nghiêng đầu, mắt chớp chớp nhìn xuống đất, ra vẻ con nhà thục nữ, điệu rơi điệu rụng.

Anh Chương ra mở cổng, và mỉm cười chào thân mật:

- My và Vy vào nhà đi.

- Dạ.

Chị My dắt xe vào sân, không hiểu sao tự nhiên chiếc xe bị lạng đi như dắt không nổi. Thấy thế anh Chương bèn bảo:

- Để anh dẫn cho.

- Tại sân cao quá, em dắt lên không nổi. - Chị My nói như thanh minh.

Ôi, giọng nói mới êm ái làm sao! Tôi nhớ mấy lúc nói chuyện với tôi, giọng chị ấy chua như giấm. Con gái là vua làm bộ. Tự nhiên tôi che miệng cười. Rồi hoảng hồn quay mặt chỗ khác để chị ấy đừng nhìn thấy.

Vừa vào nhà thì nhỏ Trúc chạy ra, nó tròn mắt nhìn tôi:

- Ủa, đi đâu vậy, có chuyện gì không?

Câu hỏi hơi bị vô duyên. Nhưng đúng. Tại vì mới gặp sáng nay rồi, còn chuyện đâu mà nói. Tôi đành nói dối cho đỡ quê:

- Tao với chị My đi chợ, sẵn ghé mày mượn tập.

Nhỏ Trúc chưa kịp trả lời thì chị My đã lên tiếng, giọng thánh thót như chim oanh:

- Em là Trúc đây phải không, chị nghe Vy kể về em nhiều lắmg, dễ thương quá.

Nhỏ Trúc cũng khoái nghe khen lắm. Nhỏ bèn vồn vã kéo lôi tôi với chị My vào salon. Trong lúc nó đi lấy nước thì chị My ngó ngó ra sân. Hình như là tìm anh Chương. Nhưng đến khi anh Chương vào thì chị ấy cuối đầu xuống. Anh Chương ngồi xuống gần tôi, vẫn là cái cười thân mật như lúc nãy.

- Hôm nay không đi học sao mà đi chơi vậy, hai chị em đi đến đâu rồi?

Tôi định bảo chẳng đi đâu, nhưng chị My đã lên tiếng trước:

- Dạ, tụi em đi chợ. Nhưng ngang đây Vy nó kéo vô để mượn tập.

- À, vậy hả?

- Chủ Nhật mà anh Chương không đi chơi sao?

- Trưa nắng thế này, anh lười đi lắm.

Chị My che miệng cười điệu:

- Anh sợ đen chứi gì?

Anh Chương mỉm cười:

- Anh là con trai, đâu có sợ mấy chuyện đó.

Lúc đó nhỏ Trúc mang nước ra, anh Chương bèn đứng dậy:

- Vy với My ở chơi nghe.

Rồi anh ấy đi vô nhà. Chị My có vẻ mất hứng, nhưng lập tức chị ấy lại cười và vui vẻ với nhỏ Trúc.

- Chị đâu phải là khách, em làm nước chi vậy.

Trúc không biết trả lời sao, nó bèn nói thật:

- Tại chị là chị của nhỏ Vy.

Thế là chị My quay sang khen nó tới tấp, nào là cười có răng khểnh. Nào là lịch sự tế nhị, khen đủ thứ những gì thuộc về nhỏ Trúc làm tôi nghe cũng ngượng giùm.

Rõ là muốn lấy lòng nhỏ Trúc.

Tôi cũng có răng khểnh đây nè, thế mà có bao giờ chị ấy khen đâu. Còn nhỏ Trúc nghe khen thì cười tít mắt. Hai má đỏ hồng lên trông thật buồn cười. Ngốc hết biết. Bộ chị My chịu khó đi nắng đến đây chỉ để khen nó chắc.

Chị My ngồi nói chuyện, nhưng mắt thì thỉnh thoảng liếc vào nhà. Chắc là để tìm anh Chương. Khổ cho chị ấy, vì anh Chương chẳng xuất hiện lần nào.

Ngồi chơi một lúc thì chị My kéo tôi về. Quên bẵng luôn chuyện mượn tập. Tôi nhớ đấy, nhưng không nhắc làm gì. Mượn làm chi rồi mắc công trả, trong khi tôi có cần tập vở gì đâu.

Hôm sau vào lớp, nhỏ Trúc bèn nhắc tới chị My:

- Chị mày vui tính quá hén, nói chuyện dễ thương ghê.

Phải rồi, khen nó tới tấp mà, không dễ thương sao được. Nhưng mai mốt chọc cho chị ấy giận đi rồi biết. Xem bà chằn hét ra thế nào.

Bây giờ hai người có vẻ thích nhau lắm. Còn tôi thì rầu rĩ. Tại vì tôi đứng giữa. Ngộ nhỡ mai mốt nhỏ Trúc biết chị My lợi dụng nó, chắc con nhỏ sẽ giận luôn cả tôi, rầu gì đâu.

Nhưng tôi chẳng có thời giờ lo nhiều. Vì đến giờ toán, cô Thuỷ đã báo cho lớp một tin vui của tôi. Tôi đã được hạng nhất môn toán cấp thành phố.

Cả lớp vỗ tay hoan hô tôi nhiệt tình, làm tôi cảm động phát khóc lên. Chưa hết, đến hết giờ. Khi cô Thủy đi ra khỏi lớp, bọn nó ùa đến vây quanh tôi. Tên Bình nắm tay tôi lắc lắc:

- Chúc mừng nhà toán học, chúc mừng, chúc mừng!

Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Phổ đã kéo thằng Bình ra:

- Ê, nắm tay nhà toán học lâu vậy ông, bộ định lợi dụng hả, tới phiên tụi tôi chứ!

Nó lau tay vào áo, rồi bắt tay tôi hỉnh mũi:

- Hân hạnh được học chung với nhà toán học vĩ đại.

Nói xong, nó lại nghiêng mình chào một cách trịnh trọng, hài hước. Làm bọn kia cười rần lên. Quê quá, tôi nhăn mặt:

- Ai mà gọi tui là nhà toán học, tui ngắt mũi.

Bọn nó nhao nhao lên:

- Chứ còn gì nữa, không là nhà toán thì là nhà gì bây giờ. Chẳng lẽ gọi là nhà văn.

- Mai mốt Vy thi toán toàn quốc, rồi thì toán quốc tế, tên tuổi lừng lẫy khắp năm châu, nhớ đừng quen những người bạn thuở cơ hàn nghe Vy.

Nghe thằng Tan nói cả bọn càng cười dữ. Tôi cũng thấy tức cười nên không trả lời được. Chỉ lườm nó một cái. Nó tỉnh bơ nói tiếp:

- Sau khi đi du học nướcc ngoài về Vy sẽ...

Tôi bèn ngắt lời nó ngay:

- Mới thi đậu chút xíu mà vẽ vời tùm lum, đừng có chọc quê tui nghe. Nói chuyện nghe thấy ớn.

Thằng Tần làm một cử chỉ vô cùng trịnh trọng, và hùng hồn. Đừng tự ti Vy, phải tự tin vào mình. Rồi đây Vy sẽ trở thành một nhân tài, sẽ là niềm hãnh diện của... "tàn" trường, của... "tàn" thể bạn bè!

Tôi hét toán lên:

- Có im lặng không, nói nữa là tui bẻ răng.

Tên Tân vẫn một mực trêu chọc. Nghe tôi la, nó bèn nói như ngâm:

- Ôi, khi nhà toán học biến thành nhà sư tử học.

Nhìn điệu bộ của nó, bọn tôi cười đau cả bụng. Cả đám tập trung ở bàn tôi, tiếp tục bàn tán, vẽ vời về triển vọng của tôi. Toàn là những nhà tư tưởng vĩ đại. Bọn tôi cườ nói, cười nói, mạnh hai nấy chọc. Khiến cả bọn mệt ngất ngư. Cuối cùng, nhỏ Quyên tuyên bố một sáng kiến làm bọn tôi rụng rời cả người, hồn vía bay tứ tán:

- Để chia vui với nhỏ Vy, tui sẽ đãi cả lớp món mứt đậu do chính tôi làm. Kèm theo là mứt khoai lang.

Nhỏ Kiều xua tay rối rít:

- Thôi đừng làm! Đừng cho ăn! Không ăn tao cũng vui rồi.

Thu Ba phụ họa:

- Chia vui bằng cách khác đi, đừng ăn uống gì cả, tao sợ chết lắm.

- Rủi nó không chết mà man man thì không biết nói sao với mọi người. Thôi đi, đừng ăn gì cả.

- Muốn tra tấn gì thi cứ nói, tui sẽ khai, miễn đừng bắt tui ăn.

- Hôm đó ăn bánh bông lan cỏ, một tuần sau tui còn vẫn thấy kinh hoàng.

Bọn tôi cười ngã nghiêng, lăn lóc. Chỉ có nhỏ Quyên mặt vẫn tỉnh bơ. Nó phẩy tay một cái:

- Đó là tại bánh hư, đừng có lo, lần này tao sẽ làm theo sách đàng hoàng, không sợ hư gì hết.

Tôi vẫn cố tình chọc nó:

- Hôm làm bánh, mày cũng tuyên bố không chế biến. Nhưng sau đó đến lượt chè trái cây. Bọn nhóc nhà tao nghe nói tới chè là sợ mất cả hồn vía.

Nhỏ Trúc tiếp tục phụ hoa.:

- Mấy đứa nhóc mà quậy là tao hăm "muống chị Quyên cho ăn chè không?", thế là chúng nó im thin thít, rồi rủ nhau chạy trốn mất tiêu.

Nhỏ Quyên định làm mặt hình sự, nhưng không kiềm được, nó phì cười:

- Mấy con nhỏ này vô duyên, mứt chứ có phải thuốc đâu, làm gì dữ vậy.

Bọn nó vẫn chọc tới bến:

- Nhưng ăn mứt xong rồi phải uống thuốc nhứt răng, tao sợ lắm.

- Tha cho tao đi Quyên, đừng bắt tao ăn, tao cũng sợ lắm.

- Mình già cả rồi, răng sắp rụng đến nơi, ăn xong mứt thì hàm răng đi đời, sống gì nổi mà sống.

Mặc cho bọn nó trêu chọc, nhiệt tình của nhỏ Quyên vẫn không giảm đi. Nó nói như đinh đóng cột:

- Lần này mứt sẽ tuyệt vời, ai không ăn là hối hận.

Bọn tôi đưa mắt nhìn nhau, chịu thua, không hiểu sao trời lại cho vô lớp tôi một con nhỏ phục vụ nhiệt tình như thế. Mà phục vụ toàn những món ăn khủng khiếp. Lạy trời cho tối nay ngủ một giấc, nó sẽ quên đi món mứt đậu đầy đe dọa kia.

Nhưng mà nhỏ Quyên không quên. Thứ hai nó mang vô lớp không phải một mà là hai bịch mứt to tướng. Một cái là đậu, một cái là khoai lang. Và nó chút mừng tôi bằng cách chia cho mỗi người một ít. Nó nói trước bằng cái giọng hể hả:

- Tao thức đến khuya để xên mứt đó. Hơi cứng một chút nhưng mà ngon lắm, béo ngậy luôn.

Tôi cho một hột đậu vào miệng. Oái! Không phải là đậu mà là đá. Không phải "hơi cứng" mà là "cứng như củi". Đau răng muốn chết được. Tôi ngậm miệng làm thinh, quay qua nhìn nhỏ Thu Ba, nó cũng ráng cắn mí mí hột đậu. Rồi nghiêng đầu qua tôi cười hinh híc:

- Đúng la khủng khiếp!

Nhỏ Trúc cũng quay qua tôi, thì thào:

- Biết trướcc mà, cứng như củi.

Bọn tôi không đứa nào có ý kiến nổi. Chỉ lặng lẽ nhai đậu. Mà phải nhai cho nhanh, vì sắp vào giờ học. Khổ gì mà tàn canh!

Tôi quay đầu xuống bàn thằng Tân. Nó đang ngước mặt lên trời, miệng nhai nhóp nhép với vẻ mặt ỉu xìu. Tôi bấm tay nhỏ Trúc, chỉ xuống dưới. Con nhỏ quay lại nhìn rồi cười phá lên:

- Sao cực quá vậy hở trời!

Giọng cười của con nhỏ như giòng điện truyền vòng vòng cả lớp. Đứa cười khì, đứa mỉm cười vì bận nhai. Đứa nhướng mắt lắc đầu.

Đúng là một buổi liên hoan đặc biệt nhất từ trước tới giờ. Một buổi liên hoan có một không hai. Mà chắc chỉ có lớp tôi mới có.

Không biết bọn bàn cuối bàn tán như thế nào. Đến giờ chơi, thằng Tân bỗng đi lên bàn tôi, giơ tay lên:

- Ê, ê, tụi tui có ý kiến thế này, quý vị có ủng hộ không?

Nhỏ Trúc tò mò nhìn và cảnh giác:

- Ý kiến gì nữa đó, đừng có chơi hại bạn nghe.

- Yên tâm, cứu bạn chứ không có hại bạn. - Tân nói nhỏ.

Rồi nó quay qua nhỏ Quyên, cười khoái chí.

- Thấy bà nhiệt tình quá, tụi tui cũng cảm động. Bởi vậy, tụi tui đề nghị thế này, chịu không?

- Nói đi. - Nhỏ Quyên hí hửng.

Tân hắng giọng:

- Mỗi ngày tụi tui sẽ đưa bà một thứ trái cây, nhờ bà đem về làm mứt giùm cho cả lớp ăn, còn không thì...

Quyên mở lớn hai mắt nhìn Tan trân trân:

- Cái gì, mỗi ngày đều làm hả?

- Ừ.

- Chắc tui chết.

- Đó là điều kiện thứ nhất. Còn điều kiện thứ hai là, nếu mỗi ngày bà không chịu làm, thì mai mốt không được bắt tụi tui ăn nữa. Sao, có đồng ý không?

Tôi và nhỏ Trúc bật cười. Còn nhỏ Quyên thì nhăn mặt:

- Hứ, người ta làm cực khổ cho mấy người ăn, không cảm ơn còn nói kiểu đó, đúng là vô ơn.

- Ê, ê, không được cự. Bởi vì biết ơn nên mới nhờ bà làm giùm đó.

- Mỗi ngày mỗi làm chịu sao nỗi.

Tân hất mặt lên:

- Đó nghen, tại bà từ chối nhiệt tình của bạn bè đó nghe. Nhưng không sao, tui không giận. Ngược lại, mai mốt không được giận nữa nghe.

- Giận cái gì?

- Bà bắt ăn mấy món kỳ cục, không ăn thì bà giận, ăn hiếp bạn bè quá mà. Giận hoài ai chịu cho nổi.

Không biết nhỏ Quyên nghĩ cái gì. Rồi tự nhiên nó cười hí hí:

- Ê, tui biết âm mưu của mấy người rồi. Không muốn ăn mứt của tui nên ra điều kiện như vậy phải không?

- Thì cứ cho là vậy, rồi sao, định giận hả?

- Thì thôi chứ giận gì. Xời, làm thấy ghê, làm thấy tự ái.

Thằng Tần về chỗ, khoái chí ra mặt. Tôi với tụi Thu Ba không thể nín cười vì cuộc trao đổi của nó. Còn nhỏ Quyên thì chống cằm có vẻ suy nghĩ ghê lắm. Rồi nó quay qua tôi.

- Mày nói thật đi nghe, bộ tụi nó sợ ăn mấy món tao làm lắm hả?

"Sợ khiếp lên được ấy chứ". TôI định nói như vậy để chọc nó. Nhưng thấy con nhỏ có vẻ buồn quá, tôi tốp lại:

- Ờ, cũng hơi hơi.

- Sao vậy?

- Tại nó... khó ăn quá, không thích mà phải ăn thì khổ lắm.

Nó ngồi ngẫm nghĩ một chút, rồi nó thở dài như người lớn:

- Tao thích làm bạn bè vui, chứ đâu có muốn làm cho tụi nó khó xử, thôi, mai mốt tao không làm gì nữa đâu.

Nhưng nó còn ráng vớt vát:

- Mai mốt tao làm món khác cho tụi mày, nhưng nếu không thích thì thôi, tao không ép.

Chưa thấy ai ngộ như nhỏ này. Hình như nó có thú vui là nhìn bạn bè ăn những thứ nó làm. Mà bọn tôi thì không dám làm nó buồn. Được săn sóc, nhiều khi cũng khổ thật.

 

Chương 4.

Mấy hôm nay thấy chị To cứ buồn ủ dột, không hiểu có chuyện gì.

Trong nhà tôi, chuyện vui thì ít, chuyện buồn thì nhiều. Chị em tôi lúc nào cũng mệt đờ người vì công việc. Vui gì nổi mà vui. Nhưng bình thường chị Tơ chỉ buồn chút thôi. Lần này cứ buồn dai dẳng. Sao thế nhỉ?

Tôi thương chị Tơ lắm. Thấy chị ấy buồn, tôi chịu không nổi.

Khuya học bài xong, tôi xuống bếp phụ với chị Tơ xay tiêu. Hình như là chị ấy khóc. Tôi nghe tiếng hít nhỏ xíu bị nén lại. Tôi kéo tay chị Tơ, ảo não:

- Sao vậy chị, ba la chị nữa hả?

- Không có.

- Không có sao chị khóc, mấy ngày nay thấy chị buồn hiu, em cũng buồn lây.

Chị Tơ chợt khóc lớn hơn:

- Anh Phiên có bồ rồi, chị thấy hai người chở nhau ngoài đường.

Rồi chị ấy bỏ cối xay tiêu qua một bên, ngồi khóc hưng hức. Tôi buồn quá. Buồn đến não ruột, nhưng không biết làm sao. Tôi bỗng thấy tức anh ấy ghê gớm, đồ khó ưa.

Hồi lúc học cấp ba, chị Tơ được lớp bầu làm hoa khôi, anh Phiên cũng học cùng lớp. Lúc đó tôi còn nhỏ nên không hiểu chuyện người lớn. Tôi thấy ngày nào anh Phiên cũng đến nhà tôi chơi. Rồi còn ra tiệm phụ bán hàng với chị Tơ. Tặng quà nữa chứ. Lúc đó anh ấy có vẻ dễ thương lắm. Chứ không kênh kiệu như bây giờ. Chị Tơ vừa khóc, vừa nói nhỏ:

- Tại chị không được học đại học, chị thua kém bạn anh Phiên.

Tôi đờ người ngồi im. Ra là vậy, hiểu rồi. Anh Phiên học đại học nên mới có bồ mới. Rồi quay qua khi dễ chị Tơ của tôi. Nếu nhà tôi không nghèo, nếu chị Tơ không phải bỏ học, chắc chị ấy sẽ không bị bồ đá như vậy.

Buồn quá, tôi cũng thút thít khóc:

- Chị đừng lo, em sẽ ráng học, sau này em làm thật nhiều tiền, em sẽ cho tiền chị học đại học lại.

- Lúc đó chị lớn rồi, học người ta cười chết. Thôi, tại chị sinh ra nhằm ngôi sao xấu, chị phải chịu.

Nghe chị Tơ nói, tự nhiên tôi lại nhớ tới hai chị con bác Hai. Chị Thục thì tối ngày lo chơi, thi đại học rớt lên rớt xuống. Còn bà My thì chỉ lớn hơn tôi có một tuổi, vậy mà cứ xí xọn, bồ bịch. Trong khi chị Tơ học giỏi như thế mà lại nghỉ. Sao tôi thấy ông trời bất công quá.

Tôi buồn lắm, càng nghĩ càng thấy buồn.

Mấy ngày sau tôi vẫn không quên được chuyện thất tình của chị Tơ. Vào lớp nhìn bạn bè giỡn, tôi cũng không thấy vui chút nào.

Về nhà thấy chị lặng lẽ làm công việc, dáng điệu buồn như con mèo ốm. Tôi càng thấy thương chị tôi hơn.

Đêm đêm học bài, tôi thường nhìn lên trời xem sao. Rồi tôi nghĩ ngôi sao nào nhỏ nhất, mờ nhất là của chị em tôi. Những lúc ấy, tôi càng quyết tâm biến ngôi sao nhỏ nhoi ấy trở nên sáng chới. Sáng hơn sao của mấy chị em con bác Hai.

Tôi nghĩ đến cuộc thi toán toàn quốc sắp tới và tôi không cho phép mình thi rớt. Mệt cách mấy tôi cũng không được bỏ cuộc vì chị Tơ của tôi.

Chiều chủ nhật, tôi tranh thủ làm xong công việc, rồi ngồi vào bàn học. Nhưng chưa được bao lâu thì thấy chị My dắt xe dựng trước thềm nhà. Rồi, tai họa tới nữa rồi. Kiểu này thế nào cũng rủ lại nhà nhỏ Trúc. Chết mất!

Quả nhiên, chị My vào nhà, cười tươi nói:

- Ê, đi chơi với chị.

- Em mắc học bài, đi không được.

- Thì đi chút xíu rồi về học.

Không được, lần này thì tôi quyết tâm từ chối, tôi còn phải học, không thể làm mấy chuyện vớ vẩn ấy. Nhưng tôi chưa kịp nói thì ba tôi đi ra. Chị My nói:

- Chú Năm bảo con Vy đi với con đi, con có công chuyện nhờ nó một chút.

Ba lên tiếng:

- Sao con Vy không đi với chị?

- Con bận làm bài tập, ngày mai vô cô kiểm tra.

Ba ngắt lời tôi liền:

- Học thì còn nhiều ngày, lo đi đi, mày mà cãi là tao đập liền.

Tôi đành đứng dậy đi thay đồ. Tức muốn rớt nước mắt. Ba tồi từ đó đến giờ là thế. Không bao giờ quan tâm tới con cái. Bên bác Hai thì bảo một tiếng là cái gì ba cũng nghe. Bác Hai trai thì luôn bảo vệ con cái, còn ba thì ngược lại. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ ba bảo vệ chị em tôi. Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi lần tôi bị con nít trong xóm ăn hiếp, khi đến méc ba thì chỉ bị nghe quát "ai biểu mày ngu, chơi với nó làm chi". Thế là tôi lủi thủi đi chỗ khác. Mà thường là chui vào một xó ngồi một mình.

Tôi đi ra sân với với vẻ mặt nặng như chì, nhưng chị My thì cười hỉ hả lắm. Phải rồi, vì chị ấy vui quá, có biết gì đến cái khổ của tôi đâu. Tối ngày cứ đi tìm anh Chương, con gái gì mà kỳ cục.

Chị My lôi tôI vô chợ, đi hết hàng này đến hàng khác để lựa đồ. Tôi không buồn hỏi chị ấy mua cho ai. Chỉ mong chị ấy nhanh nhanh để còn về. Thế mà loay hoay trong chợ mất cả giờ đồng hồ. Trời ơi là trời.

Đi chọ xong mới đến nhà nhỏ Trúc. Lần này không gặp anh Chương, chỉ có nhỏ Trúc chạy ra mở cổng.Thấy chị My, nó cười vui vẻ:

- A, có chị My nữa hả?

Nó kéo tôi vô nhà. Vừa ngồi xuống, chị My lôi khúc vải trong giỏ ra ướm lên người nó:

- Chị mua tặng Trúc đó, thích màu này không?

Nhỏ Trúc ngỡ ngàng:

- Ôi, sao tự nhiên chị mua cho em, em ngại quá.

- Lúc nãy vô chợ thấy vải đẹp, chị mua cho Vy, nhớ tới Trúc nên chị mua tặng, Trúc thich màu này không?

Tôi quay nhìn chị My. Thật là kinh khủng. Nói láo tỉnh bơ, nếu là tôi thì chắc tôi ngượng chết mất quá. Nhưng tôi chỉ ngồi làm thinh. Còn Trúc thì có vẻ vui lắm:

- Màu hồng đẹp quá, chị My có thẩm mỹ ghê. Em thấy chị mặc đồ cũng đẹp nữa.

Chị My chớp lấy thời cơ ngay:

- Vậy để chị đưa Trúc đi may luôn. Chị có tiệm may ruột, người ta biết ý mình lắm, may đẹp lắm.

- Thôi, em sợ mất công chị.

Chị My hăng hái:

- Có gì đâu mà mất công, chị rảnh mà. Với lại chị cũng định may áo mới, sẵn chị đi luôn. Vậy mai mình đi há.

Thấy nhỏ Trúc còn ngần ngừ. Chị nói tiếp:

- Chị em mình không chứ có phải ai xa lạ đâu mà em ngại.

- Vậy mai mình đi há Vy, may khúc vải của mày luôn.

Tôi định lắc đầu thì chị My nới hớt:

- Vy may ở tiệm gần nhà quen rồi, với lại phải để thời giờ cho nó học bài, chị em mình đi thôi.

- Dạ, cũng được.

Đúng là vắt chanh bỏ vỏ. Nhưng tôi chẳng buồn chút nào. Chỉ cần chị My để cho tôi yên ổn học tập và đừng bắt đến đây nữa, khổ cho tôi lắm.

Hôm sau tan trường, chị My đã đứng chờ ở cổng, chị ấy phớt lờ tôi, chỉ vui vẻ săn đón nhỏ Trúc:

- Mình đi may luôn đi cưng.

Nhỏ Trúc có vẻ bất ngờ:

- Đi bây giờ hả chị?

- Ừ, Trúc có mang theo không?

- Em quên rồi.

Chị My dễ dãi:

- Vậy thì về nhà lấy, chị đi với em.

Thấy nhỏ Trúc có vẻ khó xử, tôi bảo:

- Mày đi đi, tụi tao về sau.

Thế là hai người phóng xe đi, Quyên và Thu Ba kéo tôi lại:

- Sao chị mày có vẻ thân với con nhỏ Trúc quá vậy?

Tôi đành kể tỉ mỉ cho chúng nó nghe. Nghe xong, nhỏ Quyên bĩu môi, la toáng lên:

- Chưa thấy ai vô duyên như vậy, con gái gì tấn công con trai, lấy lòng cái kiểu đó xấu hổ quá.

Thu Ba thì phản ứng nhẹ hơn:

- Anh Chương mà biết chắc ảnh coi thường lắm, làm vậy có vẻ hạ mình quá.

Quyên vung mạnh tay, chua ngoa:

- Phải nói là mất thể diện chứ không phải hạ mình. Rõ xấu hổ.

Tôi chận nó lại lo lắng:

- Nhưng đó là chị tao, tao cũng không muốn nhỏ Trúc biết đâu, làm sao bây giờ.

- Làm sao là làm sao?

- Nếu nói với con Trúc sợ nó ghét chỉ. Còn không nói thì nó bảo tao giấu nó. Dù sao tao với nó cũng là bạn thân, tao đứng giữa mày biết không?

Quyên bớt hung hãng đi. Nó bắt đầu trầm ngâm suy nghĩ:

- Nghĩ ra thì thấy nó không đơn giản chút nào, không khép là mày lãnh đủ.

Thu Ba cố vấn:

- Hay là mình đi đến trung tâm tư vấn hỏi xem phải làm sao. Nói với con Trúc hay không nói?

Tôi thấy tức cười quá, bèn phì cười:

- Chuyện có chút xíu, đến đó hỏi người ta cười chết.

Quyên nói dứt khoát:

- Để tao về hỏi chị tao xem, chị ấy có chồng chắc là hiểu biết hơn tụi mình. Mai vô lớp nói.

Tôi thấy yên tâm ngay. Có quân sư như vậy thì thật là thích. Vì tôi chẳng phải để thời giờ suy nghĩ những chuyện phiền phức. Tôi chỉ muốn lo học thôi.

Hôm sau vào lớp, nhỏ Trúc kéo bọn tôi ra cửa sổ, nói như khoe:

- Hôm qua chị My đưa tao đi may đồ. Xong rồi kéo đi ăn kem, đi chơi tới tối luôn. Chỉ mua cho tao hộp kem dưỡng da, bảo tao tập xài cho da đẹp, mai tao đem vô cho tụi mày xem.

Thu Ba thở khì có vẻ khó nghĩ. Còn nàng Quyên thì khinh khỉnh cái mặt, ngó lên trời. Nhỏ Trúc vẫn vô tư:

- Mày sướng lắm đó Vy, có chị bà con cưng như thế, tha hồ nhõng nhẽo, tao chi> là bạn mày mà chỉ còn chìu, còn mày là em thì được cưng đến đâu.

Nhỏ Quyên hỉnh hỉnh mũi:

- Hi hi, nói nghe tức cười quá, thơ ngây dễ sợ.

Trúc ngơ ngác:

- Cái gì thơ ngây?

Quyên vung tay:

- Để tao nói cho biết, ê Trúc, mày có hiểu tại sao bà chị nhỏ Vy chìu mày không?

- Tại tính chỉ dễ thương!

- Xì, dễ thương cái con khỉ. Tại bả thích anh mày nên muốn lấy lòng mày đó. Còn với con Vy thì bả coi nó không ra gì hết, mụ đó không dễ thương đâu.

Nhỏ Trúc càng ngơ ngác:

- Sao mày biết?

Quyên huých tay tôi một cái:

- Kể cho nó nghe đi Vy.

Tồi ngần ngừ:

- Chị mày bảo nói hả?

- Ừ.

Như thế thì có thể yên tâm và tôi kể không giấu cái gì. Nghe xong, nhỏ Trúc chỉ cười khì.

- Lý do là vậy hả? Kỳ há, làm tao tưởng tính chỉ dễ mến. Thì ra là thích anh Chương.

- Đạo đức giả đó, bây giờ mày tính sao?

- Có gì đâu mà tính, chỉ thích anh tao thì cứ thích, tao không ủng hộ, cũng không phản đối.

Tôi bèn tranh thủ:

- Vậy mai mốt mày với chị tao tự đi chơi, đừng có kéo tao theo nữa nhé, mày biết đó, tao bận bù đầu.

- Sao lúc trước mày không từ chối?

- Mày không biết đâu, nhà bác Hai tao có uy với ba tao lắm, chị My giận tao thì sẽ nói cho ba tao dũa.

Nhỏ Trúc có vẻ ác cảm với chị My:

- Vậy chị mày cũng đâu có dễ thương.

Quyên trề môi:

- Bã ăn hiếp con Vy như cái gì, ở đó mà dễ thương.

Trúc lắc đầu với vẻ chê trách:

- Mai mốt bả tới kiếm, tao trốn, không những thế, tao sẽ nói cho anh Chương trốn luôn.

Tôi hoảng hốt:

- Ê, ê, đừng trốn.

- Sao vậy?

- Mày trốn thì bả lại lôi tao ra nữa. Với lại mày được chìu chuộng mà, đừng trốn nghe.

- Ờ, tao hiểu rồi, để tao đỡ đạn giùm mày.

Thế là giải quyết xong, ai cũng vui vẻ. Tôi thấy nhẹ bỗng cả người. Thế là từ nay, tôi sẽ thoát khỏi sự phiền nhiễu của chị My. Sung sướng quá.

Mấy ngày sau thì có một chuyện làm tôi bồi hồi khó tả. Đó là việc anh Chương tìm đến tôi.

Buổi tối tôi từ nhà thầy đi ra, thì thấy anh ấy đứng chờ. Anh ấy đi về phía tôi:

- Chào Vy, em khỏe không?

- Dạ khỏe. Anh Chương đi đâu ở đây vậy?

- Anh đến đón Vy!

Tôi ngạc nhiên quá, buộc miệng:

- Sao anh Chương tìm em, sao anh biết em học ở đây?

Anh Chương thân mật:

- Anh em mình đi chơi một vòng đi, Vy cũng phải thư giãn chứ, học nhiều quá cũng đâu có tốt.

- Dạ.

Tôi ngồi lên phía sau anh Chương, trong bụng vẫn không ngớt thắc mắc. Không hiểu nhỏ Trúc nói gì với anh ấy, sao tự nhiên anh ấy lại tìm tôi vậy cà?

Anh Chương chợt quay lại:

- Mình đi ăn chút gì nhé, Vy thấy đói chưa?

- Dạ, cũng hơi hơi.

Anh Chương đưa tôi vào một nhà hàng thật đẹp. Tôi đi vào trong mà thấy sợ. Lần đầu tiên tôi vô mấy chỗ này sang trọng gì đâu. Còn anh ấy thì chắc chẳng xa lạ gì, nên cử chỉ rất tự nhiên.

Tôi quay ra nhìn mình trong gương. Và thấy tay chân mình lúng ta lúng túng. Tôi giống con vịt xấu xí đi bên cạnh chàng hoàng tử. Nhưng anh Chương thì có vẻ không để ý gì cả. Anh ấy hỏi tôi rất ân cần:

- Vy muốn ăn gì?

Tôi lắc đầu:

- Em không biết ở đây người ta bán cái gì, anh gọi gì em ăn đó.

- Được rồi, hôm nay em phải ăn nhiều cho có sức học. Không được mắc cỡ với anh.

Tôi lí nhí:

- Dạ, em đâu có mắc cỡ.

Một lát sau thì người tiếp viên mang đến rất nhiều thứ. Anh Chương rất ga lăng, tỏ ra săn sóc tôi lấy khăn lau đũa cho tôi, tốt với tôi y như anh Toàn. Sau đó chúng tôi ngồi lại rất lâu bên bàn nói đủ thứ chuyện.

Có một điều lạ là anh ấy hoàn toàn không nhắc đến chị My. Không lẽ nhỏ Trúc không nói gì. Tôi rất muốn hỏi, nhưng không dám. Còn anh ấy thì chỉ hỏi về chuyện của tôi:

- Vy sắp thi vòng cuối chưa?

- Dạ, còn một tháng nữa.

- Anh nghe anh Toàn nói ở nhà em cực lắm, vừa làm việc nhà vừa phải học, em chịu nổi không?

Tôi cười, vì thấy chuyện đó không có gì.

- Em quen rồi, từ nhỏ em đã làm việc cực, bây giờ lớn thì thấy nó không nặng lắm.

Anh Chương nhìn tôi như thông cảm, rồi hỏi thân mật:

- Em sống như vậy, nhìn thấy mấy chị con bác Hai và nhìn bạn bè em có buồn không?

- Em không buồn cho em, mà buồn cho chị em. Em có chị tên Tơ, chị ấy phải nghỉ học để phụ bán với mẹ. Em đau lòng lắm.

Rồi tôi kể cho anh Chương nghe về chị Tơ, về chuyện chị bị bồ bỏ. Anh ấy chăm chú nghe tôi nói, rồi hỏi:

- Vậy bác em không giúp gì cho gia đình em sao?

Tôi cười gượng:

- Em không cần giúp, chỉ mong bác với mấy chị đừng coi thường gia đình em. Vậy là em vui rồi, em nghĩ như vậy đó.

- Anh cũng quan niệm vậy. Nhờ vả người khác khổ lắm, đứng trên chân của mình thì hay hơn.

- Vâng.

- Còn em, bây giờ em có muốn học đại học không?

- Có chứ anh.

- Phải vậy cô bé ạ, em phải tránh hoàn cảnh như chị em, bằng con đường học, ngoài ra em không có điều kiện nào nữa.

- Vâng, anh biết em nghĩ gì không, nếu như người ta sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, thì người ta phải phấn đấu phi thường cho nó sáng lên. Em muốn vượt lên số phận và sẽ giúp chị Tơ vươn lên.

Anh Chương nhìn tôi một cái nhìn trìu mến:

- Em khá lắm. Ở tuổi em rất ít có người nào nghĩ vậy.

Nghe khen, tôi ngượng quá, cúi mặt nhìn xuống bàn. Hình như hiểu tam trạng của tôi, anh bèn nói qua chuyện khác:

- Vy nhớ học vừa phải thôi, gì thì gì, phải "dưỡng quân" chờ đến lúc thi, đừng để đến lúc đó bệnh thi uổng công.

- Dạ.

- Anh thấy em ốm nhiều lắm.

- Dạ, chắc vậy.

Chợt anh Chương lấy trong túi ra một hộp thuốc, đặt trước mặt tôi:

- Cái này là thuốc bổ cho em, mỗi ngày em uống ba viên, nhớ đừng bỏ nghe.

Tôi ngước lên, rụt rè:

- Em có đau ốm gì đâu, sao anh cho em cái này.

- Em không có điều kiện bồi dưỡng, phải uống thuốc bù lại sức sao.

Tôi cảm động quá, tự nhiên mắt mũi lại thấy cay cay muốn khóc. Cảm giác y như cái lần tụi nhỏ Quyên bàn cách giúp tôi. Anh Chương mỉm cười:

- Sao dễ khóc vậy, cô bé mít ướt.

Anh ấy nhìn đồng hồ, rồi lại cười thân mật:

- Anh em mình về, cho em còn nghĩ ngơi nữa.

- Dạ.

Tôi cầm lấy hộp thuốc, đứng lên đi theo anh ra ngoài. Anh đưa tôi về đến đầu hẻm và vẫn ngồi trên xe:

- Giờ này về Vy còn làm gì nữa?

- Dạ, em phụ hàng với chị Tơ.

- Đến mấy giờ mới xong?

- Thường là khoảng mười giờ.

- Sau đó mới được học à?

- Dạ.

- Thôi em vô đi.

Tôi vội lên tiếng ngay:

- Anh Chương này.

- Gì em?

- Mai mốt... anh đừng mua thuốc cho em nữa nghe.

Anh ấy nheo mắt, chọc tôi:

- Sợ mập hả.

Bất đắc dĩ tôi cũng cười theo. Nhưng vẫn cố nói cho anh ấy hiểy ý tôi:

- Anh đừng cho em cái gì nữa, em không có thiếu thốn gì hết, nhận quà của anh, em ngại lắm.

Anh Chương nghiêm giọng lại chứ không đừa nữa:

- Anh quý Vy, vì em hồn nhiên trong sáng ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Anh thích săn sóc em, săn sóc chứ không phải là giúp đỡ, em không nên ngại.

Nghe nói vậy, tôi không biết trả lời sao. Anh Chương nói tiếp:

- Bao giờ Vy không còn bận lo thi, anh sẽ nói với Vy một chuyện quan trọng. Thôi em vô đi.

Rồi anh ấy nhấn ga cho xe chạy. Tôi lững thững quay vào nhà. Tối nay tôi thấy rất vui. Sau những chuyện buồn phiền, tôi lại có được sự nâng đỡ tinh thần từ anh Chương.

Về nhà tôi thay đồ rồi xuống bếp phụ với chị Tơ. Chị ấy lúc nào cũng có dáng điệu lặng lẽ. Tôi thương chị Tơ quá. Chị Tơ ơi! Rồi một ngày nào đó em sẽ giúp chị vào giảng đường. Rồi chị cũng sẽ có bạn bè và có tương lai tươi sáng. Ráng chờ em nghe chị!

 

Chương 5.

Ngày mai là ngày thi, càng đến gần ngày quan trọng tôi lại càng thấy hồi hộp, phập phòng. Tôi không biết các đối thủ của tôi có tâm trạng gì. Còn tôi thì ngoài sự lo sợ còn có một trách nhiệm nặng nề. Vì chị Tơ, anh Chương và tụi nhỏ Quyên. Bao nhiêu người đã động viên tôi. Tôi mà rớt thì là có lỗi với chị Tơ nhiều nhất.

Mấy hôm nay chị Tơ giành làm hết công việc cho tôi học. Còn tôi thì cũng tranh thủ từng giờ. Học chừng nào thật căng thẳng mới nghỉ.

Tối nay tôi định đi ngủ sớm thì chợt chị My đến. Vừa dựng xe xong, chị ấy xăm xăm đi vào nhà. Lúc đó, mẹ đang cho em ăn bột. Chị ấy không thèm chào mẹ tôi. Mà mặt hầm hầm hỏi trống không:

- Con Vy đâu rồi?

Tôi vội đi ra với tâm trạng hồi hộp. Dự đoán có chuyện gì đó không hay cho chính tôi. Vừa thấy tôi, chị My đà hùng hỗ bước tới, thẳng tay tát vào mặt tôi một cái:

- Đồ khốn nạn.

Tôi ôm lấy mặt, cảm giác choáng váng và lạnh toát cả người. Mẹ tôi đứng bật lên, run run:

- Có chuyện gì vậy, sao cô đánh nó?

Chị My la ong óng:

- Thím không biết dạy con thì để người khác dạy cho, tôi đánh nó đó, rồi sao, có ai dám làm gì tôi!

Mẹ tôi có vẻ ngạc nhiên ghê gớm. Nhưng vốn e ngại gia đình bác Hai từ trước tới giờ, mẹ không dám làm dữ mà chỉ hỏi:

- Tôi dạy con tôi cái gì bậy chứ?

- Thím hỏi nó đi rồi biết.

Mẹ tôi quay qua tôi, giọng mẹ vẫn còn run:

- Con làm cái gì chọc họ vậy Vy?

Tôi ngẩn ngơ không nói được, chị My hung hăng, xí vào trán tôi:

- Mới bây lớn đã biết cua con trai, mày có biết mắc cỡ không?

- Em cua ai chứ, chị nói đi?

- Còn không phải hả? Mày nói gì với anh Chương, hoặc mày thóc mách gì với anh Toàn, có không?

Tôi sợ run lên. Đúng là tôi có nói với nhỏ Trúc. Nhưng chị của nhỏ Quyên bảo làm vậy là đúng mà. Tôi không nghĩ mình làm bậy. Nhưng thái độ hung hăng của chị My làm tôi sợ.

Tôi run quá không nói được. Còn chị My thì mặt mày đỏ bừng, dữ chưa từng thấy.

- Mày thóc mách gì với anh Hai tao, nói mau?

- Em không có nói gì hết.

- Không nói sao ảnh rầy tao, ảnh cấm tao tới nhà anh Chương. Không ngờ mày thâm hiểm như vậy, đâm sau lưng người ta. Chị em gì như chó vậy.

Tôi làm thinh hoang mang. Nếu mà chị My biết được lần đó anh Chương cho tôi quà, chắc sẽ còn làm dữ tới đâu.

Thấy tôi tiếp tục làm thinh hoài, chị My tiếp tục tra gạn:

- Mày nói không, nếu không nói thì tại sao anh Toàn biết, đi qua nhà tao đối chất đi, đồ hèn.

- Em không có nói với anh Toàn, em nghĩ nói cho bạn em biết thôi. Tại em nghĩ chị lợi dụng nó, nó là bạn em, em không nói nó giận em thì sao.

- Cái gì? Mày đi nói với con nhỏ Trúc, trời ơi!

Chị My nhảy dựng lên, quát ầm ĩ:

- Đồ rắn độc, đồ thâm hiểm.

Chị ấy chợt nhảy sấn sổ tới, cấu xé tôi dữ dội:

- Mày làm anh Chương khi dễ tao, tao phải đánh cho mày chết.

Chợt chị Tơ xô mạnh chị My té lăn ra đất:

- Không được đánh em tôi, tôi ăn thua đủ với chị đó.

Thế là hai chị em nhào vào cấu xé nhau. Làm cả nhà nhào nháo lên. Chị Tơ bình thường rất hiền, thế mà hôm nay trở nên hung dữ lạ lùng. Chị ấy đánh chị My túi bụi. Mẹ tôi bỏ mặc em nằm đó, chạy đến can hai người. Khó khăn lắm mới kéo được cả hai ra.

Chị My trừng mắt nhìn mẹ tôi:

- Mấy người ngon lắm, rồi xem tôi có để yên cho mấy người không.

Rồi chị ấy phóng xe về nhà. Cả nhà tôi chưa hoàn hồn về chuyện vừa rồi, thì đến lượt bác Hai gái và hai chị kéo đến. Bác Hai mắng mẹ tôi té tát. Nào là không biết dạy con. Nào là nghèo mà ham đèo bồng... vô số những lời miệt thị nặng nề.

Khi họ về rồi, mẹ tôi khóc như mưa:

- Trời ơi, nhục nhã quá mà. Con ơi là con, con dính vào họ làm gì để họ khinh rẻ mẹ thế này. Mày vừa lòng chưa Vy. Cho mày đi học để mày biết cách chọc giận người ta phải không?

May là ba không có ở nhà, nếu có còn kinh khủng tới đâu.

Đêm đó hai chị em tôi thức đến khuya. Vừa tức, vừa ấm ức tủi nhục. Chị My đánh, tôi không tức. Nhưng chị ấy và bác Hai mắng nhiếc mẹ tôi thì tôi không tha thứ.

Tại sao họ được quyền mắng nhiếc gia đình tôi. Còn chúng tôi thì phải nhẫn nhịn chứ. Từ đó đến giờ chúng tôi đã nhẫn nhịn quá nhiều rồi, tôi không thể nhẫn nhịn được nữa. Chỉ nghĩ đến cảnh mẹ gục đầu nghe mắng lúc nãy là tôi không chịu nổi.

Chị Tơ chợt hít mũi, giọng nghẹn cứng:

- Vy ráng ngủ để mai có sức đi thi. Ráng vượt qua chuyện này đừng để nó ảnh hưởng tới mình.

Tôi nghe lời chị Tơ, cố nín khóc. Nhưng làm sao mà tôi bình tĩnh nổi trước cơn khủng hoảng này.

Sáng hôm sau, mắt tôi hãy còn sưng húp. Nếu không đi thi chắc tôi chẳng giám ra đường. Tôi ăn qua loa gói xôi rồi dắt xe ra sân. Vừa lúc đó, tụi nhỏ Trúc cũng vừa tới, Quyên nhảy xuống đất đi vào:

- Tụi tao tới đưa mày đi thi nè, cất xe đi.

- Rồi tụi mày không đi học sao?

- Nghỉ học một buổi, có sao đâu. Ủa, mắt mày sao vậy?

Tôi không trả lời, chỉ dắt chiếc xe đạp vào nhà. Khi tôi đi ra, đến lượt nhỏ Trúc kêu lên:

- Mắt mày sao vậy Vy, khóc hả?

- Ừ, tối qua nhà có chuyện.

- Chuyện gì vậy?

Tôi ngồi lên phía sau xe Trúc. Kể vắn tắt cho nó nghe. Con nhỏ đùng đùng lên:

- Bà này quá đáng thật, người ta thi đến nơi còn tới quậy, ác vừa thôi.

Tôi nói như trách:

- Sao mày nói với anh Chương làm gì, có phải anh Chương méc anh Toàn không, dù sao đó cũng là chuyện tế nhị mà!

Nhỏ Trúc tỉnh bơ:

- Anh Chương không nói với anh Toàn, tao nói đó.

- Sao mày nói chi vậy, trời ơi.

- Chứ bả cứ tới nhà hoài, không có chuyện gì để nói, tao bực mình thấy mồ.

Tôi làm thinh. Chuyện đã như vậy rồi, còn nói làm gì nữa bây giờ. Tôi đâu có ngờ, nhỏ Trúc thẳng thừng như vậy. Có lẽ nó chưa từng bị áp bức như tôi, nên cái gì không chịu là làm thẳng tay, chứ không biết nhịn.

Rồi đây gia đình bác Hai sẽ xem gia đình tôi là kẻ thù. Tôi cũng chẳng lấy đó làm buồn. Nhưng tôi sợ, họ sẽ không để gia đình tôi yên.

Thấy tôi không nói gì, nhỏ Trúc an ủi:

- Mày đừng lo, bả không dám làm nữa đâu.

Tôi vẫn lặng thinh. Khi đến trường thi, ba đứa thay nhau động viên tôi. Hai đứa kia chỉ bảo tôi bình tĩnh, còn nhỏ Trúc thì có vẻ biết chuyện hơn:

- Trước ngày thi mà gặp chuyện như vậy tao biết mày cũng căng thẳng lắm. Ráng quên đi, tập trung làm bài đi, xong xuôi rồi tính nữa.

- Tụi bay về trường đi, đừng có bỏ học.

- Bỏ một buổi có sao đâu, tụi tao ở đây chờ mày.

Tôi đi một đoạn, nhỏ Thu Ba còn ráng nói theo.

- Ráng làm bài nghe Vy.

Tôi quay lại, gật đầu hàm ý hứa hẹn với bọn nó. Rồi đi tiếp lên lầu. Tôi đứng bên hành lang nhìn xuống dưới. Thấy ba đứa nó ngồi dưới băng đá chờ, tự nhiên tôi vững tin hơn, nghe một thứ tình cảm bạn bè dịu êm tràn ngập trong lòng.

Khi chuông reo hết giờ, tôi nộp bài rồi đi xuống. Bọn nó túa về phía tôi.

- Sao làm bài được không?

- Làm hết không, đủ giờ không?

Mạnh ai nấy hỏi liên tục, có vẻ nóng ruột. Tôi vừa lo, vừa tự tin:

- Tao làm hết, nhưng không biết đúng không?

Thu Ba lau chau:

- Không lẽ mày cũng không biết đúng hay sai?

- Nói vậy mà cũng nói, nếu nó biết đúng thì nó là giáo viên rồi, đâu cần phải đi thi. - Quyên đập vai nó một cái.

Thu Ba cười khì:

- Ừ nhỉ, tao lo quá.

Tôi loay hoay lấy mấy tờ giấy thi còn mới nguyên đưa cho mỗi đứa một tờ.

- Tặng tụi mày nè.

- Ở đâu mà mày có nhiều vậy? - Trúc thắc mắc.

- Tao xin thấy.

- Trời, xin nhiều quá không bị la sao?

- Ai mà la mấy chuyện đó.

Nhớ lại cảnh lúc nãy, tôi cười khúc khích:

- Cứ một lát là tao xin một tờ, làm cả phòng thi nhìn tao lé mắt, tụi nó tưởng tao làm bài nhiều lắm, hù cho xanh mặt chơi.

Ba đứa cũng khoái chí cười theo. Trúc có vẻ lo:

- Mày cứ lo lấy giấy thi hoài, không tập trung được, không hiểu bài vở thế nào đây!

Tôi trấn an nó:

- Không sao đâu, tao canh được mà. Chứ không làm vậy thi tao đâu có cái gì tặng tụi mày.

Quyên lật tờ giấy ra, ngắm nghía:

- Giấy đẹp quá hé, trắng tinh.

Thu Ba cũng thêm vô:

- Cái này để làm quà kỷ niệm, coi như mình thi ké cuộc thi... "tàn quốc". Hí hí...!

Nhỏ Trúc cất giấy vô cặp, rồi nói:

- Mình sẽ vào Đầm Sen, hôm nay minh sẽ đi chơi thỏa thích để chúc mừng con Vy.

Tôi lắc đầu:

- Nhưng chưa biết kết quả mà, tao đã thi đậu đâu.

- Không đậu thì đi chơi để chúc cho đậu, mày phải có một buổi thư giãn chứ, học hoài cho khùng hay chi.

Quyên xăm xăm đi trước:

- Không có bàn cãi nữa, đi lẹ lên.

Thế là bốn đứa vào Đầm Sen. Dọc đường, nhỏ Quyên ghé mua vịt quay và bánh mì. Mua vé xong, cả bọn vào sân trải áo mưa dưới gốc cây có bóng mát, bày đồ ra ăn. Trúc quăng cặp xuống, chạy đi đâu đó. Thu Ba từ từ lôi mấy chùm nho trong cái cặp căng phồng ra. Một lát sau, nhỏ Trúc quay lại với mấy hộp sữa và bánh kem.

Buổi tiệc chỉ có bốn tên nhưng cũng rất linh đình thịnh soạn. Nào bánh mì, bánh ngọt, thịt, sữa và trái cây. Không cách gì ăn cho hết. Cả bốn đứa chưa kịp ăn thì Quyên chợt cười mím mím. Rồi thò tay vào cặp. Ba đứa tôi tò mò nhìn nó, hồi hộp chờ.

Quả nhiên bọn tôi đoán không sai. Nó lôi ra một hộp gì đó, rồi cười lỏn lẻn:

- Tối tao làm rau câu nhãn, đem theo cho tụi mày ăn.

Nó vội nói thêm:

- Nhưng không ăn cũng được, không thích thì tao đem về để tủ lạnh ăn từ từ.

Cử chỉ của nó làm bọn tôi phì cười. Nhỏ Trúc nguýt nó một cái:

- Ăn thì ăn, làm gì mà thập thò như ăn trộm vậy.

Tôi cũng nói thêm:

- Tao thích ăn rau câu lắm.

Mặt con nhỏ tươi rói:

- Thật hả, vậy ăn hết luôn hé.

Đúng la con nhỏ không bỏ được cái tật thích đãi bạn bè. Ba đứa tôi làm ra vẻ rất khoái rau câu cho nó vui. Chứ trong bụng lại ngán thầm. Không biết món đó có gặp sự cố gì không? Đắng chẳng hạn. Đã một lần ăn bánh cỏ đắng muốn la làng rồi.

Bốn đứa cắm ống hút vào hộp sữa, nâng lên chạm vào nhau. Nhỏ Thu Ba trịnh trọng tuyên bố:

- Mừng nhỏ Vy thi giỏi toán.

- Mừng tình bạn bền vững muôn năm. - Nhỏ Trúc nói tiếp rất văn hoa.

Bốn đứa chạm hộp như người ta uống rượu, sau đó bắt đầu ăn bánh mì kèm thịt. Vừa ăn vừa uống sữa. Sau đó, không ai bảo ai ba đứa tôi tự động chuyển qua món rau câu của nhỏ Quyên, cho nó vui.

Ban đầu thì cũng lo lo. Nhưng ăn rồi thì thấy ngon tuyệt vời. Tôi xuýt xoa:

- Má ơi, nhỏ Quyên đã thay đổi tư duy rồi, rau câu ngon cực kỳ.

- Nói chí phải, lần này là hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, không hư hỏng gì cả.

- Hú hồn hú vía, làm nãy giờ tao lo muốn chết.

Nhỏ Thu Ba vừa nói vừa cười hi hí. Còn nhỏ Quyên thì khỏi nói, mặt nó tươi như hoa hồng, hớn hở hẳn lên:

- Ngon thiệt chứ? Không được nói láo à nghen.

- Nói láo làm gì, ngon thật chứ bộ.

- Vậy để thứ bảy tao làm món bánh đậu xanh, giờ chơi kéo xuống sân ăn.

Lần này thì tên nào cũng ủng hộ ý kiến tuyệt vời đó. Làm rau câu đã ngon rồi, không lý do gì mà nó làm bánh đậu xanh lại tệ được.

Giải quyết xong món rau câu thì bốn đứa hết nhét nỗi món nào nữa. Bọn tôi dọn dẹp rồi kéo nhau ra bờ hồ ngồi chơi. Buổi trưa người ta thưa thớt hơn lúc bọn tôi mới vô. Dưới hồ có vài người chơi thiên nga. Nhỏ Quyên đề nghị bốn đứa xuống chơi. Thế là đi vòng qua bên kia mua vé.

Bốn đứa bước xuống cầu. Tôi với nhỏ Trúc một cặp. Nhỏ Quyên với Thu Ba. Bốn đứa cho thiên nga chạy ven bờ tìm bóng mát. Buổi trưa trên mặt hồ loáng thoáng nắng. Đi dưới bóng hàng cây mát dịu thật thích. Nhỏ Quyên quỷ quái dọa đâm đầu thiên nga vào bọn tôi. Tôi với nhỏ Trúc sợ quá, đạp trối chết ra phía giữa hồ. Hai tên cứ nhất địh đuổi theo. Bọn tôi cười í ới vang cả một khoảng không gian, vui ơi là vui.

Khi lên bờ, nhỏ Quyên còn hào hứng đề nghị:

- Bây giờ chơi đu quay, tao thích ngồi trên con ngựa, nhún lên nhún xuống đã lắm, giống như bay vậy.

Trúc phản đối:

- Thôi đi ông, chỗ đó toàn là con nít, leo lên chúng nó cười cho.

- Giờ này tụi nó mệt rồi, không chơi nổi đâu. Đi theo tao.

Thế là bốn đứa lót tót kéo qua khu thiếu nhi. Giờ này mà bọn con nít vẫn còn chơi say sưa. Bốn đứa tôi mua vé rồi leo lên ngựa. Xung quanh toàn là đám con nít nên bốn đứa trở thành nhân vật nổi cộm. Vài đứa nhóc tì nhìn bọn tôi tò mò. Một bé nhóc đứng cầm que kem ăn, giương mắt nhìn chúng tôi rồi hỏi mẹ nó:

- Mẹ Ơi, sao mấy chị chơi trò của con nít hả mẹ?

- Ờ, tại mấy chị thích đó con.

- Thế người lớn leo lên thì con ngựa có gãy không mẹ?

- Không đâu con, người ta làm con ngựa chắc lắm.

Tôi quay ra sau nhỏ Quyên:

- Thấy chưa, con nít nó cười đó.

Con nhỏ nói tỉnh bơ:

- Ai cười hở mười cái răng, con nít chơi được thì làm sao người lớn lại choi không được. Bổ ỷ con nít rồi có quyền chơi ép người lớn hả?

Lúc đó vònbg quay bắt đầu. Ba đứa tôi ngồi yên nhưng nhỏ Quyên thì chơi hết mình. Nó nhún lên, nhún xuống tối đa, đến nỗi tôi sợ con ngựa rớt xuống đất có mà toi đời.

Năm phút sau, bọn tôi nhảy xuống, đi ra ngoài ngồi phịch xuống thảm cỏ. Thu Ba kêu lên:

- Má ơi! Chóng mặt quá, chết tôi rồi.

Trúc thì rên rỉ:

- Trời đất quay cuồng, vũ trụ lung lay. Mai mốt tao không dám nghe lời nhỏ Quyên này nữa đâu.

Tôi cũng bị chóng mặt quá. Nên nhắm tít mắt ngồi yên. Chỉ có Quyên là còn hứng chí nhảy loi choi.

- Chơi chút xíu mà chóng mặt gì, tao khoái mấy trò này lắm, để tao đi một vòng nữa.

Tôi mở mắt ra ngó nó:

- Trời, trời. Khủng khiếp quá!

Nhỏ Trúc tiếp luôn:

- Mày là con trai hay con gái vậy Quyên?

- Hỏi chi vậy?

- Con gái thì dịu dàng thục nữ chứ đâu có khỉ khọt như mày.

Quyên hỉnh mũi:

- Thì tụi mày cứ dịu dàng thục nữ một mình đi, để ta chơi tiếp.

Rồi nó ra mua vé, nhảy tót lên con ngựa chơi thêm hai vòng nữa. Ban đầu thì bọn tôi còn bình phẩm về tính thục nữ của nó. Nhưng khi thấy con nhỏ chơi tiếp vòng hai thì đứa nào cũng lắc đầu vì... không còn gì để nói nữa.

 

Chương 6.

Lại đến ngày đám giỗ bà nội. Trong một năm, tôi sợ nhất là hai lần giỗ. Vì như thế sẽ phải qua nhà bác Hai.

Lần này lại càng khinh khủng hơn. Vì gia đình tôi xích mích với gia đình bác ấy. Hôm qua tôi khóc cả buổi, xin mẹ đừng bắt tôi đi. Nhưng mẹ dứt khoát bảo tôi đi. Vì chị Tơ đã đánh lộn với chị My găng hơn tôi. Còn tôi dù sao cũng là con nít.

Và một điều nghiêm trọng hơn, tôi là cháu, không được trốn ngày giỗ của ông bà. Tôi qua nhà bác Hai với tâm trạng đi vào hang cọp, sợ Ớn cả người. Đúng như tôi nghĩ, bác Hai gái và hai chị không thèm ngó đến tôi. Chỉ Có anh Toàn là vẫn thân mật với tôi như trước.

Tôi xuống bếp làm hết việc này đến việc khác. Đến lúc dọn cúng mới được lên nhà trên. Hôm nay tôi có dịp biết mặt người yêu của chị Thục. Tôi đã nghe mấy cô dì xuýt xoa anh ấy rất nhiều, nên thấy cũng tò mò.

Anh ấy tên Tòng Việt, là việt kiều Úc về. Tôi không hiểu chị Thục và mấy cô thích anh ấy chỗ nào, còn tôi thì không thích. Người gì mà tròn quay như bông vụ. Con trai mà mặc áo sơ mi sặc sỡ như con gái. Trông anh ta có vẻ là dân chạy mánh đúng hơn.

Chị Thục ngồi suốt buổi bên cạnh anh ấy. Hai người nói chuyện riêng và thỉnh thoảng lại cười ầm ĩ. Nhà có khách mà họ tỉnh bơ như không người. Vậy mà bác Hai không rầy một tiếng.

Khi dọn bàn lên, tôi ngồi bên cạnh cô Ba, lặng lẽ ăn mà nghe nói chuyện. Bác Hai gái nói như khoe với mấy cô:

- Mới quen mà nó đã mua cho con nhỏ nhẫn kim cương. Đi chơi lần nào cũng có quà, con Thục quen với nhiều thằng nhưng không thằng nào chìu con nhỏ như thằng này.

Cô Ba xuýt xoa:

- Gia đình nó bên đó chắc giàu lắm.

Giọng bác Hai đầy hãnh diện:

- Nghe nói mấy anh nó người thì làm chủ nhà hàng, người thì có tiệm bánh lớn lắm. Tới Noel là làm không kịp giao. Bên đó có tiệm bánh là giàu hơn bên đây nhiều.

Cô Tư có vẻ nịnh bác Hai:

- Con Thục có phước thật, gả nó qua bên đó, nó làm bà chủ, gởi tiền đô về cho chị tha hồ xài.

Cách nói chuyện của mấy cô làm tôi không chịu nổi. Tôi rất ghét những người tính toán và khoe khoang. Còn mấy cô tôi thì lúc nào cũng nói chuyện như thế.

Trong dòng họ, gia đình bác Hai giầu nhất và có uy tính nhất. Mấy cô chú tất cả đều nể trọng bác Hai và mấy anh chị. Ngược lại, họ khinh rẻ ba mẹ tôi rất nhiều. Tôi lớn lên và đã quen thấy như vậy. Mặc cảm cũng đã ăn sâu vào đầu óc tôi và tôi cũng không thích tiếp xúc với mấy cô, vì biết mình không được ai thương yêu gì.

Tôi ngồi nghĩ ngợi miên man, không hay mấy cô đã chĩa mũi nhọn về phía tôi từ lúc nào. Hình như bác Hai đã kể chuyện xích mích của tôi cho mấy cô nghe. Nên hôm nay có tôi, mấy cô tha hồ trách mắng để lấy lòng bác Hai.

Đầu tiên là cô Tư bảo tôi nói lý do tại sao tôi lại hại chị My. Thấy tôi không trả lời, cô ngọt nhạt:

- Gia đình bác Hai giúp đỡ ba mẹ con rất nhiều. Ngày trước ba con với mấy cô là một tay bác Hai nuôi. Bây giờ tụi con trả ơn như vậy coi sao được.

Chuyện trước kia thì tôi thật sự không biết. Nhưng tôi nhớ từ lúc tôi lớn lên, tôi chẳng thấy sự giúp đỡ nào của bác và các cô. Bác ấy cho các cô đủ thứ, nào xe, nào tiền mua nhà, trừ ba mẹ tôi. Vì không ai ưa tính hay nhậu của ba tôi. Còn mẹ tôi thì càng bị ghét.

Tôi phải kháng bằng những ý nghĩ trong đầu. Nhưng vẫn im lặng một cách lì lợm. Chắc là mặt tôi trông khó ưa lắm nên cô Sáu nói đay nghiến:

- Chị nói với nó làm gì, mấy đứa vô ơn như vậy rồi lớn lên cũng giống mẹ nó thôi, chẳng làm nên trò trống gì đâu.

- Mẹ nó dạy nó như vậy rồi, chị không sửa tánh nết nó được đâu. Coi cái mặt nó kìa, nó có coi mình ra gì đâu.

Tôi ngồi cúi gằm mặt, môi mím chặt lại. Mắt tôi sáng quắc lên đầy bướng bỉnh khẳng định sự chống đối.Không hiểu sao các cô có thể xem thường tôi như con nít, tôi đã lớn và có nhân cách riêng rồi mà.

Thấy tôi một mực lặng thinh, các cô thay nhau vạch cho tôi thấy lỗi của mình. Nào là tôi đã làm chị My mất mặt, tôi không biết nghĩ tình cảm chị em. Tệ hơn nữa, tôi là đứa không được dạy dỗ. Đó cũng là lỗi của mẹ tôi.

Tôi hé mắt lên nhìn vẻ mặt hể hả của bác Hai gái. Các cô mắng tôi thế nào cũng được. Nhưng lôi mẹ ra thì tôi chịu không nổi. Không cần suy nghĩ, tôi ngẩng mặt lên nói rành rọt.

- Mẹ con không dạy con làm gì xấu cả và con thấy hành động của con cũng không có gì sai. Nếu cái cô hiểu có một chiều thì xin các cô đừng thiên lệch.

Nói xong câu đó, tôi thấy mọi người khựng lại. Có lẽ họ không ngờ tôi dám trả lời họ. Tôi thấy bác Hai cười nhạt:

- Mấy cô nghe nó nói không, đến cô bác mà nó cũng leo trèo thì nó còn coi chị em ra gì.

Tôi trả lời ngay:

- Con không dám hỗn với cô bác, cũng không chơi xấu với chị My. Tại tự bản thân chị ấy xấu thì chị ấy phải nhận lấy hậu quả.

Bác Hai gái xanh mặt:

- Mày nói cái gì?

- Chị My thích bạn anh Toàn, ngày nào cũng kéo con đến nhà anh ấy. Chỉ lấy lòng bạn con để làm quen với anh Chương. Nếu con không nói thật với bạn con, thì nó sẽ bảo con liên kết với chị My gạt nó. Các cô xem con nói có đúng không?

Mọi người lặng im, không nói gì được. Cuối cùng bác Hai gắt lên:

- Nhưng nó là chị em với mày, mày không nghĩ đến nó sao?

- Đó là lỗi của chị My trước, chị ấy cũng không nghĩ con là chị em, chỉ lợi dụng con thôi, lúc đó con mắc học bài thi, các cô không biết con bận tới mức nào, vậy mà đang học thì chị ấy bắt con phải bỏ đi với chị ấy. Nếu trách con, trước tiên các cô phải trách chị My trước.

Bác Hai gái có vẻ tức giận và ghét tôi cùng cực. Còn các cô thì lắc đầu chê trách:

- Mẹ nó dạy nó đối đáp với người lớn vậy đó, cãi với nó làm gì, để nói cho ba nó dạy nó. Con nít gì mà quá trời.

Bác Hai gái ngọt ngào:

- Vậy con thấy mấy chị con khó ưa lắm hả, thôi, chị em mà, không ưa nhau thì bác cũng không ép. Từ đây về sau con khỏi đến nhà này nữa, gia đình bác không đáng để con tới lui đâu.

Bác Hai nói thế có nghĩa là đuổi tôi về. Tôi hiểu điều đó và tôi thấy vô cùng nhục nhã. Tự nhiên tôi muốn khóc lên. Nhưng tôi không khóc. Tôi đứng dậy cố nói cứng:

- Vâng, xin phép bác con về, thưa mấy cô con về.

Tôi đẩy chiếc ghế sang một bên. Rồi đi vào nhà lấy nón. Lúc đó anh Toàn cũng vừa đi xuống. Anh ấy ngạc nhiên:

- Đang ăn sao Vy bỏ về, ở lại an cho xong đi em.

- Dạ thôi.

- Ủa, khóc hả, sao vậy em?

- Bác Hai đuổi em.

Tôi chỉ nói có được như vậy. Sau đó tôi chạy ra nhà sau, đi cửa hậu ra đường hẻm. Tôi đứng dựa cột đèn khóc tức tưởi. Nếu mẹ biết qua nhà bác Hai để bị các cô rẻ rúng thế này mẹ sẽ buồn lòng tới đâu.

Tôi quyết định không nói với mẹ chuyện này và tôi đứng khóc tới hết tức mới về nhà. Tôi giữ kín bưng không nói với ai. Nhưng mỗi lần nhớ tới nó tôi lại thấy cay mắt.

Tôi âm thầm nguyện với lòng mình, sẽ cố gắng vươn lên, để dòng họ tôi đừng coi thường gia đình tôi. Đừng đối xử với chúng tôi rẻ rúng như vậy.

 

Chương 7.

Hôm nay có giấy báo về trường, tôi được trúng tuyển kỳ thi toán toàn quốc, với phần thưởng hạng nhì.

Khi bạn bè kéo đến chúc mừng, tôi đứng khóc ngon lành. Nhỏ Trúc đập vai tôi:

- Con khỉ, vui cũng khóc, buồn cũng khóc, phải cười lên chư".

Tôi xúc động quá, cứ chảy nước mắt chứ không nói được gì. Xung quanh tôi, bọn nó thay nhau bàn tán.

- Kỳ này Vy lãnh thưởng đã luôn, thế nào cũng nhiều hơn kỳ trước.

- Vy để tiền đó học đại học, gia đình khỏi phải nuôi.

- Vậy là Vy đủ tiêu chuẩn được tuyển thẳng rồi, sướng nhé, khỏi phải lo học thi như tụi mình.

Thu Ba chặt lưỡi:

- Mà nó cũng đâu có sợ thi, cỡ nó thi cái gì lại không đậu.

Tôi quẹt nước mắt và cười lên:

- Mày nói quá, đâu phải thi là đậu hết đâu.

Nó nói chắt nịch:

- Nhưng mà mày thì đậu.

Thằng Tan vẽ vời:

- Vy lựa trường đại học nào chiến đấu mà nộp đơn. Được tuyển thẳng mà, tội gì không lựa.

- Đâu phải đâu, tùy trường chớ. - Tôi cãi.

Giọng nó có vẻ chắc chắn:

- Đã bảo học giỏi cỡ đó rồi, thì thừa tiêu chuẩn vô mấy trường ngon lành. Vy đừng có tự ti.

Tôi không biết chắc có phải như vậy không. Nhưng bây giờ tôi rất vững tin ở mình. Vào đại học đối với tôi không phải là chuyện khó khăn. Chỉ có khó khăn duy nhất là tôi sợ mẹ tôi nuôi tôi không nổi.

Tan trường, tôi vội vã đạp xe về nhà. Người đầu tiên tôi báo tin mừng là chị Tơ. Hai chị em ngồi lặt rau trong bếp. Không những tôi, mà chị Tơ cũng mừng chảy nước mắt. Lúc khóc, lúc cười búa xua. Tôi tỉ tê vẽ ra một tương lai xán lạn với chị Tơ:

- Em học đại học bốn năm, đến lúc ra trường em đi làm có lương, lúc đó sẽ đến lượt chị đi học.

Giọng chị Tơ có vẻ hy vọng:

- Đến lúc đó thì chị lớn rồi, đi học kỳ lắm.

Tôi nhẩm tính trong đầu rồi phản đối:

- Lúc đó chị mới 26 tuổi, lớn đâu mà lớn, nhiều người lớn tuổi mà vẫn học đại học như thường, nó đâu có giống như trường phổ thông mà chị ngại.

- Thật ra... chị không muốn Vy phải lo cho chị.

Tôi bác bỏ ngay:

- Chị em phải lo cho nhau chứ. Chị nghỉ học lo việc nhà, nhờ vậy em mới được đi học, thì đến lượt em lo lại cho chị, vậy là đúng rồi.

Chị Tơ không nói gì, mà chỉ cúi mặt xuống lặt rau, tôi nghe tiếng chị ấy hít mũi, tôi biết chị ấy khóc vì sung sướng. Dù chuyện hứa hẹn của tôi quá xa vời.

Chợt có tiếng bé Nhi khóc ngoài trước. Tôi và chị Tơ vội chạy ra, con bé cũng chạy ào vào nhà. Chị Tơ lo lắng:

- Sao khóc vậy cưng?

Nhóc tì không nói, nó khóc tức tưởi, nước mắt nước mũi tèm lem trên mặt. Chị Tơ vẫn kiên nhẫn dỗ dành.

- Sao khóc, nói chị nghe đi.

- Tụi nó... tụi nó cho em làm "má má".

- "Má má" là cái gì?

Bé Nhi càng khóc dữ hơn:

- Má má trong phim ấy. Nó cho bạn Thuỷ làm hoàng hậu bạn Thanh là công chúa. Còn em thì bắt làm má má để hầu hoàng hậu.

Chị Tơ buồn hẳn đi. Nhưng vẫn cố tìm cách dỗ cho nó đừng buồn. Tôi biết tại sao rồi. Trong xóm này bọn trẻ luôn không thích chơi vơ"i bọn em tôi. Vì chúng mặc đồ cũ quanh năm và không có đồ chơi hay quà bánh như mấy đứa trẻ kia. Đâu phải con nít là không biết phân biệt đối xử. Tệ thiệt! Cũng như bác Hai và mấy cô phân biệt đôi xử giữa tôi với chị My vậy.

Chuyện buồn này rồi cũng qua đi. Tính tình chị em tôi rất vui vẻ nên gặp chuyện gì nhỏ thì buồn chút xíu rồi quên ngay.

Hôm nay tôi được lãnh thưởng. Lần đầu tiên tôi nhận tiền thưởng nhiều như vậy. Vượt xa mơ ước của tôi và tôi quyêt định biến những món quà đó thành chiếc máy giặt cho cả nhà.

Khi tôi và anh Toàn chở máy giặt về. Cả nhà ngơ ngác không hiểu đó là cái gì. Mấy đứa nhóc thì sờ sờ, mó mó. Rồi kêu lên:

- Cái hộp gì lớn thế hả chị Vy, dùng để làm gì?

Anh Toàn mở thùng ra cho cả nhà xem rồi giải thích:

- Cái này là máy giặt, bỏ quần áo và xà bông vào, bấm nút điều kiển, thế là nó tự giặt cho mình.

Chị Tơ kêu lên một tiếng vui sướng:

- Ôi trời, máy giặt, nhà mình có máy giặt thiệt sao?

Tôi tự hào nhìn thành quả của mình. Lần đầu tiên tôi làm một việc thiết thực cho cả nhà. Vui quá, tôi cứ cười mãi và giải thích:

- Mai mốt em bận học đại học, ở nhà không có ai phụ với chị, em mua cái này về cho chị đỡ công việc.

Mẹ mắng một cách thân mật:

- Lo xa quá, ở nhà tự xoay xở, ai mượn cô lo, mua cho tốn tiền.

Chị Tơ tò mò:

- Bộ người ta thưởng cho mình cái này hả Vy?

Anh Toàn vội giải thích:

- Không phải đâu em. Vy được thưởng máy tính, nhưng bán đi để mua cái này. Vậy là em đỡ công việc rồi nhé.

- Trời ơi, bán chi uổng thế.

- Mai mốt đi học rồi, một mình chị gánh sao hết công việc, em phải lo trước cho chị. - Tôi xen vào.

- Chậc, để máy tính em còn học, bán uổng quá, chị tiếc đứt ruột. Lo cho chị làm chi.

Mẹ tôi bồng em bé ngồi trong góc nhà nhìn máy giặt. Mặt mẹ có vẻ sung sướng. Còn chị Tơ và bọn nhóc thì cứ đứng quanh đấy. Hết rờ đến bấm nút. Anh Toàn nháy mắt ra hiệu cho tôi, tôi cười đến mở nắp máy ra:

- Ê, bây giờ Loan coi trong này có gì.

Con bé tò mò ngóc đầu vào nhìn. Rồi nó vạch túi xốp ra, la lên:

- A, nhiều bánh kẹo quá, có cả đồ chơi nữa.

Bọn nhóc túa lại, lôi chiếc túi ra. Tôi đã mua cho chúng nó nhiều thứ kẹo bánh, mỗi đứa một món đồ chơi thật đẹp. Cả mẹ và chị Tơ cũng có quà.

Bọn nhóc vui sướng quá, cứ nhảy loi choi cười nói ầm ĩ. Lần đầu tiên chúng có đồ chơi đẹp mà có cả bánh kẹo ngon như thế nữa. Những thứ mà trước đây chúng nó chỉ biết nhìn của bọn nhóc trong xóm. Cu Tí tuột xuống đi văng, định chạy đi. Nhưng tôi cản lại:

- Cưng đi đâu vậy?

- Em qua nhà thằng Vỹ cho nó xem.

À, định đi khoe chứ gì, đúng là con nít! - Tôi bèn kéo nó lại:

- Ở nhà ăn xong rồi hẵng đi, chị mua nhiều đồ ăn lắm.

Lúc đó chị Tơ từ nhà sau mang lên đĩa thịt nguội đầy ắp. Tôi xuống bếp phụ mang bánh mì và nước ngọt lên. Bọn tôi tíu tít chạy lên chạy xuống dọn bàn. Lần đầu tiên cả nhà tôi liên hoan một bữa linh đình như thế.

Anh Toàn ở lại tham gia đến chiều mới về. Còn bọn nhóc ăn xong thì lăn ra ngủ. Mỗi đứa đều đặt một hộp bánh và đồ chơi bên cạnh. Có vẻ quý lắm.

Tôi và chị Tơ rút xuống bếp, hai chị em bắt đầu giặt đồ bằng máy. Chị Tơ háo hức ngó chiếc máy như báu vật:

- Chị không tưởng tượng nổi nhà mình có đồ quý thế này, nhờ Vy đấy.

- Mai mốt mình đỡ mất hai tiếng đồng hồ ngồi giặt đồ, sướng hén chị. Để thời giờ cho chị nằm nghỉ.

Đôi mắt chị lấp lánh, tràn đầu hy vọng:

- Chị không nằm đâu, chị sẽ xem lại bài, bỏ lâu quá sợ quên.

Chị ngồi vòng hai tay qua hai chân, dựa vào vách. Có vẻ mơ mộng lắm.Tôi biết chị ấy đang hình dung một ngày đến giảng đường. Được ra ngoài vui chơi giao tiếp với bạn bè. Chứ không phải chỉ biết quanh quẩn từ nhà bếp ra sàn nước. Sẽ thoát được cuộc sống tăm tối không có tương lai, bị đời rẻ khinh.

 

Chương 8.

Chị Thục uống thuốc ngủ tự tử, đưa vào bệnh viện đêm hôm qua. Bác sĩ bảo chị ấy có thai. May mà đã cứu được chị ấy. Bác Hai không rầy mắng gì, nhưng có vẻ buồn rầu phờ phạc lắm.

Tôi biết chị Thục tự tử vì bị lừa gạt, vì anh Tòng Việt đã gạt tiền của hai bác rồi bỏ trốn, cộng thêm chuyện chị có em bé, nên chị ấy quẫn trí.

Tối nay mẹ với tôi vào bệnh viện thăm chị Thục. Trong phòng có rất nhiều người, mấy cô tôi và mấy dì của chị ấy. Nhưng chị ấy cứ nằm nhìn lên trần, im lặng như xung quanh không có ai. Chị ấy không khóc nhưng buồn rười rượi. Mặt mày xanh xao gầy guộc, thật không giốngn với chị Thục trước kia chút nào.

Lúc sau này gia đình bác Hai luôn xào xáo vì chuyện chị Thục. Bác Hai trai đổ lỗi vì bác gái chìu con, rồi nhẹ dạ đưa vốn cho anh Việt kiều giả mạo ấy. Anh Toàn chán quá, dọn luôn vô ký túc xá ở với bạn. Khi nào rảnh anh ấy hay đến nhà chơi với chị em tôi. Anh ấy bảo thích không khí đầm ấm ở nhà tôi hơn.

Những lúc nghe anh Toàn nói như vậy, tôi và chị Tơ chỉ nhìn nhau cười. Phải rồi đấy, đầm ấm lắm, thử hôm nào anh đến nhằm lúc ba tôi say rồi sẽ biết nó đầm ấm đến đâu!

Nhiều lúc tôi thấy anh Toàn thật sướng. Chán nhà thì còn dọn đến ở với bạn, còn tôi thì nhiều lúc chán cũng chẳng biết đi đâu.

Lúc này thi tốt nghiệp xong nên tôi khá rảnh. Thời gian ở nhà tôi phụ công việc. Rỗi rãi thì học thêm tiếng Anh. Cả chị Tơ cũng tự học ở nhà. Những lúc có hai chị em ngồi học với nhau, tôi thấy rất vui.

Rồi một sự kiện lớn lao làm thay đổi cuộc đời tôi sau này. Đó là khi tôi nhận giấy báo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nó là niềm mơ ước của tất cả bạn bè tôi. Mà chúng tôi không dám nghĩ mình sẽ đạt được.

Cầm tơ giấy, tôi vui như điên. Tôi nhảy nhót và quay tít vòng vòng. Bọn nhóc tì nhìn tôi lạ lùng. Lần đầu tiên bọn nó thấy tôi "khùng" như vậy. Nghe tiếng tôi hét, chị Tơ chạy đến xem. Khi đọc xong giấy báo, chị ấy ôm chầm lấy tôi:

- Trời ơi, sướng quá, em học ở trường này được sao.

Chúng tôi vui sướng cuống cuồng, nên nói loạn xạ không ra đầu đuôi. Mãi thật lâu niềm vui to lớn mới lắng xuống. Chị em tôi bắt đầu bàn tính. Chị Tơ băn khoăn:

- Học như vậy chắc đóng tiền nặng lắm, làm sao đây?

- Cái này là tuyển thẳng mà chị, đâu có đóng học phí.

- Không biết trường đó ở đâu nhỉ?

- Em cũng không biết luôn. Nhưng chị đừng lo, bao giờ tập trung thì người ta sẽ thông báo chứ gì.

Chị Tơ chép miệng:

- Phải chi chị có tiền, chị may mấy bồ đồ mới cho Vy, sinh viên mà ăn mặc lôi thôi kỳ lắm.

Tôi lắc đầu vô tư:

- Em không để ý mình ăn mặc thế nào đâu, chỉ cần mình học giỏi thôi, bao giờ đi làm thì mặc đồ đẹp cũng đâu có muộn, chị nhỉ?

- Ồ, nhưng chị sợ Vy xềnh xoàng quá bạn bè cười.

Chợt có mùi gì bay lên, tôi hỉnh mũi ngủi. Chị Tơ cũng thế. Rồi chị la lên:

- Chết cha, cơm khét.

Hai chị em chạy xuống nhà sau. Chị Tơ vội vàng nhấc nồi cơm xuống, mở nắp ra. Hai chúng tôi ngó nhau cười khúc khích:

- Hôm nay là ngày quan trọng mà cho cả nhà ăn cơm khét, kỳ vậy trời.

- Cái này cũng là một việc đánh nhớ đấy chứ. Mai mốt em sẽ kể cho bọn nó nghe, coi như kỷ niệm.

- Kỷ niệm gì kỳ cục, chẳng lãng mạn chút nào.

Thế là lại cười ầm lên. Chuyện chẳng có gì mà mỗi chút mỗi cười. Tại vì hôm nay là ngày trọng đại của tôi, vui hơn cả ngày tôi nhận được giải thưởng cuộc thi toàn quốc.

Buổi tối tôi định chạy đến nhà tụi nó báo tin. Nhưng bon nó đã kéo đến tìm tôi. Đứa nào cũng đã có giấy báo nên mừng ríu rít. Tôi vừa chạy ra sân thì nhỏ Trúc đã nói ngay:

- Ê Vy, tao có giấy báo rồi. Nhưng không hiểu sao lại chuyển qua khoa ngữ văn.

Trúc thi vào khoa Anh trường đại học sư phạm. Không hiểu sao lại có chuyện kỳ thế. Tôi thắc mắc:

- Hay là họ đánh máy lộn, đâu hỏi thử xem, còn mày thì sao, Quyên?

- Tao đúng ngành, chế biến.

Nhỏ Thu Ba cũng tranh thủ nói:

- Tao mới có giấy của trường Kinh tế, còn bên Ngân hàng thì chưa thấy. Mẹ tao bảo không ấy học Kinh tế cũng được. Còn mày, có chưa?

Nhỏ Quyên và Trúc cũng nóng ruột:

- Sao, sao, có chưa, mày thì chắc chắn là được tuyển thẳng rồi.

Tôi trịnh trọng:

- Được tuyển thẳng, nhưng không phải kinh tế mà là Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Ba đứa nó nín thở ngó tôi. Đứa nào cũng tròn xoe mắt:

- Hả, Bưu chính viễn thông hả?

- Ừ.

- Trời ơi, sung sướng.

- Mày là nhất rồi Vy ơi, lớp mình không ai ngon như mày cả.

- Ừ, tao cũng mừng quá trời. Từ sáng tới giờ tao ở tít trên mây, bây giờ vẫn chưa nhảy xuống được.

Nhỏ Quyên bèn đề xuất một ý kiến vô cùng thiết thực:

- Tao biết rồi, bây giờ tụi mình đứa nào cũng ở trên mây hết, nhưng trên đó không có gì ăn đâu. Muốn ăn phải nhảy xuống đất, bây giờ tụi mình đi ăn chè.

Thu Ba hỏi lại:

- Chè hay kem, kem Ý đi.

- Kem hay chè gì cũng được, kem trước chè sau, ăn cho đến ngán thì thôi. Ăn mừng mà. - Trúc xua tay.

Thế là tôi chạy vào nhà thay đồ. Bốn đứa kéo đến quán kem. Giờ này quán đông khách nên bọn tôi tha hồ nói chuyện hết tốc lực. Sau khi gọi bốn ly kem rồi, nhỏ Quyên đói con mắt. Nó gọi một hơi mấy thứ bánh ngọt. Người ta đem ra đầy cả bàn. Thu Ba la làng:

- Ăn cho chết hay chi vậy Quyên, làm gì kêu dữ vậy.

- Ăn không hết thì đem về mai ăn.

Trúc châm chọc:

- Mai hay tối đó? Đợi cả nhà ngủ rồi nó chui vô mùng, vừa ngủ vừa ăn, nhỏ này là hay như vậy lắm.

Quyên phản công ngay:

- Sao mày biết,hay là mày chui xuống gầm giường rình?

Tôi và Thu Ba cười rinh rích. Còn nhỏ Trúc thì tỉnh bơ:

- Cần gì phải chui xuống gầm giường. Sáng vô lớp thấy cái mỏ mày bị kiến cắn là biết rồi.

Hai đứa tôi càng cười lớn hơn. Nhỏ Quyên cũng cười theo.

- Con quỷ!

Nó thò tay nhéo nhỏ Trúc, nhưng con nhỏ đã kịp né qua một bên. Bị hụt, nó nhéo luôn cả Thu Ba:

- Không trúng nó thì trúng mày, ai bảo ngồi gần tao ráng chịu.

Thu Ba la lên oai oái:

- Nhỏ này vô duyên, mày có biết con gì hay cắn bậy không?

- Biết, nhưng thích làm vậy, rồi sao?

Thu Ba cầm cái nĩa định phản công nhỏ Quyên. Nhưng vừa lúc đó có một người đi tới bàn bọn tôi nên con nhỏ dừng lại. Tôi nhận ra người mới đến là anh Vân, người yêu cũ của chị Thục. Anh ấy cười với tôi:

- Chào Vy, lúc này thấy em lớn hẳn ra, em có khoẻ không?

- Dạ khoẻ, anh Vân ngồi chơi.

Ba đứa kia cũng đồng loại lịch sự:

- Anh Vân ngồi chơi.

Anh Vân không khách sáo, mà kéo ghế ngồi cạnh tôi:

- Bạn Vy đây hở, chào các em.

- Dạ, chào anh.

Bọn nó có vẻ nghiêm chỉnh lại. Chả bù với mấy cái miệng che ché mới đây. Tôi cũng ngồi ngay ngắn lên.

- Anh Vân đi trong này vậy?

- Trong này bán kem, anh vô đây ăn kem chứ đâu có đi đâu.

Nhỏ Quyên che miệng cười, như muốn bảo tôi "hỏi vậy mà cũng hỏi". Tôi thấy mình hơi bị vô duyên và tìm cách chữa sai. Nhưng không ngờ tôi nói một câu còn vô duyên dữ hơn:

- Anh là con trai mà thích kem, tức cười quá hé.

Ba cái miệng xung quanh phát ra tiếng cười khúc khích. Nhưng anh Vân không cười tôi mà hất đầu về phía ba cái miệng kia a:

- Anh đi với cô bạn, cô ấy thích chứ không phải anh.

Anh Vân chợt nhìn xuống đĩa bánh, cười cười:

- Nhiệt tình dữ ha.

Thu Ba với nhỏ Trúc cười mỉm chi. Nhưng nhỏ Quyên thì tỉnh rụi.

- Đâu phải gọi cho tụi em, tụi em ăn ít xịt hà. Tại biết có anh đến nên gọi nhiều cho anh đấy.

Anh Vân bật cười:

- Cảm ơn em nghe.

- Dạ, không có chi.

- Nghe nói chị Thục em nằm bệnh viện phải không? - Anh Vân quay qua tôi.

- Ủa, sao anh biết?

- Chuyện gì của cô ấy mà anh không biết.

Tôi không biết nói sao, chỉ ngồi làm thinh. Không biết ý đồ của anh Vân là gì. Cười hay tội nghiệp đây!

Trước kia chị Thục bồ với anh Vân, tình cảm cũng thắm thiết lắm. Thế rồi sau đó quen với anh Tony nên chị ấy nghỉ chơi với anh thẳng thừng. Bây giờ đến lượt chị Thục bị nghỉ chơi. Đã vậy còn thêm một cú lừa kinh khủng. Tôi cũng chẳng muốn anh Vân biết chuyện đó làm gì. Nhưng chắc anh ấy cũng biết rồi. Bằng chứng anh vừa bảo chuyện gì cũng biết mà.

Anh Vân nói như châm biếm:

- Thục gặp được chồng nước ngoài, đáng lẽ phải vui lắm, sao tự tử vậy?

Tôi bất mãn nhìn anh Vân. Người ta đã ra nông nổi vậy, không tội nghiệp thì thôi, lại còn châm chích. Người gì mà nhỏ mọn.

Thấy tôi gườm gườm nhìn, anh ấy cười đế vô thêm:

- Vy nhắn với Thục giùm, là anh gửi lời thăm cô ấy nghe.

- Cảm ơn.

- Còn nữa, bảo là anh cám ơn Thục.

Thấy ghét quá, tôi hỏi cụt ngủn:

- Cảm ơn cái gì?

- Nhờ Thục mà anh có cô bạn khác hơn Thục gấp trăm lần.

Tôi chanh chua:

- Kệ anh chứ, nói vơi tui làm chi.

Anh Vân cười tỉnh như không thấy sự ác cảm của tôi và lại ngoan cố lần nữa:

- Vy về nhớ nói giùm anh nghe.

Tôi trả lời dấm dẳng:

- Anh thích thì cứ việc đi tới gặp chị ấy mà nói. Em không nhắn đâu.

Anh Vân cười xoà, rồi bỏ qua bàn bên kia. Tôi liếc theo một cách cay đắng. Con trai gì bụng dạ như con tép.

Đợi anh ấy đi rồi, ba đứa nó bắt đầu bình phẩm:

- Tưởng ảnh ngồi chung bàn vì gặp người quen, ai dè muốn chửi người ta, vô duyên!

- Con trai gì mà để bụng tư thù con gái, chẳng quân tử chút nào.

Tôi ngoái qua bên kia nhìn anh Vân. Thấy anh ấy cũng nhìn tôi mà cười. Tôi bèn nguýt một cái nguẩy đầu chỗ khác chứ không thèm cười với con người nhỏ mọn ấy. Biết vậy lúc nãy tôi chẳng thèm nói chuyện với con người khó ưa đó làm gì cho mệt. Xí!

Bọn tôi ăn hết bánh trong đĩa rồi về. Lúc đi ngang qua bàn anh Vân, tôi không thèm quay lại chào. Anh ấy nói với theo:

- Về hả Vy?

Tôi không thèm trả lời mà bỏ đi thẳng. Nhỏ Quyên chua ngoa quay lại "hứ" một tiếng. Rồi lót tót theo bọn tôi. Nó cười hí hí:

- Ổng có vẻ quê với bà lắm. Cái mặt nghệch ra thấy ghét, cho đáng đời.

Trúc đập vô vai nó một cái:

- Chọc ghẹo người ta là chi không biết.

- Ai biểu ổng khiêu chiến với con Vy trước.

- Ổng không khiêu chiến với con Vy mà chỉ mắng xéo chị Thục, hiểu không?

- Mắng ai cũng là mắng.

Nhỏ Quyên nói có phần đúng. Mắng ai cũng là mắng. Tại vì chị Thục với tôi là chị em mà.

Trước đây chị Thục kênh kiệu quá, bị nhiều người ghét. Bây giờ chắc họ hả hê rồi. Chị Thục mà biết chắc sẽ buồn ghê gớm. Tôi sẽ không kể chuyện này với chị ấy đâu. Chị ấy mà biết thì chỉ buồn thêm thôi.

 

 

Chương 9.

Hôm sau tôi vào bệnh viện thăm chị Thục. Giờ này trưa nên không có ai. Chị Thục nằm ngủa, mắt cứ nhìn lên trần nhà, mặt vẫn buồn rười rượi. Thấy tôi, chị ấy chỉ nói một câu ngắn ngủn:

- Vy ngồi chơi.

Tôi kéo ghế ngồi cạnh giường chị.

- Hôm nay chị thấy khoẻ không?

- Đỡ rồi.

- Bác sĩ bảo chừng nào chị xuất viện?

- Chắc ngày mai.

- Vậy hả?

Thế rồi tôi va chị ấy đều im lặng, chẳng biết chuyện gì để nói. Trước đây hai chị em cũng không hề nói chuyện thâm mật rồi. Bây giờ mà kiếm chuyện nói thì có vẻ ngượng quá, nên tôi cũng làm thinh.

Một lát sau, tôi lên tiếng:

- Chị ăn gì không, em lấy cho.

- Thôi.

Thấy chị ấy nhắm mắt ngủ, có lẽ là không thích nói chuyện với tôi, không thích tôi vô thăm. Tôi ngồi chờ mà bụng cứ phân vân, không biết nên về hay nên ở. Người ta không ưa mình mà ngồi hoài thì kỳ. Nhưng mới vô đã về thì còn kỳ hơn.

Chị Thục chợt lên tiếng, nhưng vẫn không mở mắt:

- Có trái cây trong tủ, ăn đi cho khoẻ.

Tôi hớn hở hẳn lên. Như vậy có nghĩa là chị Thục không muốn đuổi tôi về. Tôi hồ hởi:

- Em không ăn đâu, để em gọt lê cho chị ăn nghe.

- Thôi, chị không ăn. Vy không thích trái cây thì uống sữa đi. Con gái uống sữa yaourt tốt lắm.

Chìu chị ấy, tôi bèn đến mở tủ lạnh, lấy hộp sữa, cầm ống hút đút vào, hút một hơi. Chị Thục lại lên tiếng:

- Ngon không?

- Dạ ngon.

- Lát nữa lấy vài hộp về để cho mấy đứa nhỏ uống cho nó mừng.

Tôi ngạc nhiên nhìn chị Thục. Lần đầu tiên chị ấy nói chuyện dịu dàng với tôi, mà lại còn quan tâm đến bọn nhóc nhà tôi nữa. Tôi cảm động quá, mắt đỏ hoe lên.

- Dạ.

Chị Thục chợt hỏi một câu làm tôi vô cùng ngạc nhiên:

- Hôm qua Vy gặp anh Vân trong quán kem phải không?

- Ủa, sao chị biết?

- Ảnh nói.

Tôi càng ngạc nhiên dữ:

- Ảnh nói ở đâu, ảnh vô đây hả chị?

- Mới vô lúc sáng.

Trời trời! Ông này thật khó ưa, còn ngoan cố tới nỗi vô tận mặt người ta nữa. Chắc tại hôm qua tôi bảo muốn thì tới nói, nên anh ta làm thật. Nhưng mà tôi chỉ nói cho bỏ ghét thôi, chứ đâu phải thật.

Tôi rụt rè:

- Ảnh nói gì với chị vậy?

Chị Thục không trả lời, mà hỏi tiếp:

- Có phải cười nhạo chị không?

- Không có đâu, nhưng mà chị đừng thèm để ý.

- Chị biết rồi, Vy nói đại đi, đừng sợ chị buồn.

Tôi nhất định không nói ra mà chỉ quanh co:

- Ảnh muốn khoe với tụi em là ảnh có bồ mới thôi, bạn em chửi quá trời, nó nói ảnh con trai mà nhỏ mọn.

Chị Thục không nói gì, chỉ cười buồn trông hiền hẳn đi. Trước đây tôi chưa khi nào thấy chị ấy hiền như vậy. Mà tôi nghĩ mai mốt chắc cũng sẽ như thế.

Một lát tự nhiên chị Thục bảo tôi:

- Vy hiền lắm.

Tôi liếm môi ngượng ngượng. Tôi mà hiền gì. Mới hôm qua còn nói chuyện đốp chát với anh Vân. Mà tôi biết trước giờ tính tôi đâu có hiền. Sao chị Thục khen tôi?

Tôi ngồi chơi một lát rồi về. Chị Thục bắt buộc tôi phải mang sữa về cho mấy nhóc tì. Rồi còn dặn bao giờ rảnh thì qua chơi với chị ấy. Chắc lúc này chị ấy cần có bạn lắm.

Hôm nay tôi lên trường. Từ tối qua tôi đã xếp tập vở và quần áo sẵn. Sáng nay tôi nhờ anh Toàn đến đưa đi, nhưng anh Toàn không qua. Chỉ thấy anh Chương đến. Anh dựng xe và hỏi tôi.

- Vy chuẩn bị xong chưa?

- Dạ rồi.

- Dạ khỏi, anh Toàn có hẹn với em.

Anh Chương khoát tay:

- Nhưng đã bàn giao lại cho anh rồi. Không thích anh đưa hả?

- Dạ thích, nhưng em chỉ sợ phiền anh thôi.

Anh Chương nói như dọa:

- Mai mốt không được nói câu đó nghe không. Anh em mà khách sáo như vậy anh không thích đâu.

- Da, anh chờ em chút nghe.

Tôi chạy vào nhà thay đồ, khi trở ra thì thấy ba đứa nhóc tỳ ngồi quây lấy anh Chương. Đứa nào cũng chóp chép nhai kẹo. Anh ấy cho chúng nó hộp kẹo trái cây thật to. Giống y như anh Toàn, bao giờ đến chơi với chúng tôi, anh ấy cũng cho chúng tôi kẹo như thế.

Anh Chương đưa tôi lên Thủ Đức. Lần đầu tiên tôi được ra khỏi thành phố và đi xa như thế. Đường vào làng đại học rất vắng lặng, cây cối xanh ngát rất thơ mộng. Tôi lập tức thích cảnh này ngay.

Anh Chương có vẻ rất quen thuộc đường, khiến tôi hết sức ngac nhiên:

- Sao anh biết đường lên đây vậy? Anh có học trên này đâu?

Anh Chương quay lại, giọng bạt đi vì tiếng gió.

- Anh hay lên đây chơi với bạn anh, tụi nó học trên này đông lắm. Mà anh cũng thích ở đây hơn.

- Vậy sao anh không thi vào mấy trường trên này?

Anh Chương nheo mắt cười với tôi và hỏi như trêu tôi:

- Vậy sao Vy không thi vào mấy trường ở dưới cho gần nhà, lên đây chi cho xa?

- Tại em học trường mình thích học chứ để ý chi chuyện xa gần.

- Anh cũng vậy, tại thích học trường Y, để ý chuyện ở đây hay ở dưới.

Tôi nhận ra mình đã nói chuyện ngớ ngẩn bèn cười trừ.

- Ừ nhỉ, em quên. Nhưng em thích ở đây lắm. Vắng lặng, yên tĩnh, cây cối thật thơ mộng.

- Nhưng buồn lắm đó cô bé. Chuẩn bị tinh thần đi. Em không nhớ nhà sao?

- Chắc là phải nhớ chứ, nhớ nhà em và tụi bạn làm sao không nhớ được.

Anh Chương cười cười:

- Sao không nghe Vy nói nhớ anh?

Tôi chợt thấy mặt nóng nóng, nhưng cũng thật tình:

- Em cũng sẽ nhớ anh đấy chứ, chắc chắn là vậy.

Anh Chương lại cười:

- Thôi khỏi, anh không để chuyện đó xảy ra đâu. Mỗi tuần anh sẽ lên đón Vy về thành phố một lần, chịu không?

Tôi buộc miệng:

- Như vậy phiền anh Chương lắm.

- Lại nói câu đó nữa.

- Xin lỗi, em quên.

Anh Chương chợt thắng xe lại, hỏi một chị sinh viên đang đi tới:

- Cô bé cho anh hỏi thăm, đường nào đến học viện hả em?

Cô ta chỉ đường xong rồi tiếp tục đi. Anh Chương rẽ qua con đường khác. Đi thêm một chút nữa thì thấy tấm bảng có dòng chữ chào mừng các tân sinh viên. Đọc mấy chữ đó, tôi thấy vui rộn rã lên. Tôi nghĩ từ đây mình sẽ là một cô sinh viên rồi. Danh từ đó thật mới mẻ như trong mơ.

Anh Chương bảo tôi đứng chờ. Rồi cầm hồ sơ của tôi đi làm thủ tuc. Sau đó anh ấy đưa tôi qua ký túc xá nhận phòng.

Lúc tôi vào thì trong phòng chưa có ai. Anh Chương chống tay lên thành giường nhìn quanh:

- Vy chọn giường nào?

Tôi đi tới, đi lui, suy nghĩ, chọn lựa. Cuối cùng, tôi chọn vị trí gần cửa sổ. Anh Chương bèn cố vấn:

- Ở đây, người ta đi qua lại, dễ nhìn vào, không yên tĩnh đâu.

Tôi bèn đi qua chọn giường khác. Anh ấy lại bàn:

- Vị trí này hay bị làm phiền khi người đi qua lại, sao Vy không chọn một chỗ biệt lập cho dễ học bài.

Tôi che miệng cười:

- Anh Chương có ở ký túc xá đâu mà có kinh nghiệm vậy?

Anh ấy nheo mắt một cái:

- Anh với anh Toàn từng vào ký túc xá ở với bạn rồi.

Tôi ngạc nhiên, tròn mắt:

- Ủa, anh cũng vô nữa sao?

- Có lúc anh Toàn buồn chuyện nhà nên vô chơi, còn anh thì thích ở với bạn cho vui.

- Em nghe người ta nói học Y cực lắm, sao mấy anh có thời giờ mà vui được.

- Cũng tùy lúc chứ. Đâu phải suốt ngày đêm chỉ học.

Tôi bắt đầu tò mò:

- Thế các anh thường chời cái gì cho vui?

- Nhiều hình thức lắm, nhiều khi văn nghệ, nhậu, chơi cờ. Dự sinh nhật rồi ở lại luôn.

Tôi càng tò mò dữ:

- Con trai cũng làm sinh nhật, ngộ quá hé, em tưởng chỉ có con gái mới làm chứ. Tụi con trai lớp em không ai tổ chức cả.

Anh Chương bật cười:

- Ai nói với em con trai không biết làm sinh nhật. Nhưng bạn bè anh cũng ít làm lắm, hầu như không có.

- Vậy anh dự sinh nhật của ai?

- Của mấy cô bạn cùng khóa.

Tôi định hỏi thêm, thì anh Chương trở lại chuyện lúc nãy:

- Sao, Vy chọn giường nào chưa?

Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng chọn chiếc giường ở phía cửa sổ bên kia. Chỗ này khuất và thoáng hơn. Có giường rồi, tôi bắt đầu thấy lo:

- Bây giờ thì làm sao nữa hả anh?

- Chẳng làm sao hết, về, tuần tới lên.

- Nhưng giường đã dành rồi mình về rủi người ta chiếm thì sao?

- Không sao đâu, em chỉ việc để rương lại, khóa vào thành giường là xong.

Rồi anh ấy tự làm lấy mọi thứ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn:

- Rủi có ai mở rương thì sao?

Anh Chương cười to:

- Không có đâu, miễn em đừng để vàng trong đó thì thôi.

Tôi vẫn không hiểu và vẫn thấy lo:

- Không, em làm gì có vàng mà để. Chỉ sợ người ta lấy hết tập.

Anh Chương vỗ đầu tôi:

- Thơ ngây quá, anh đùa đó. Mấy cô sinh viên mới không ai dám lục lọi như thế đâu. Mà lấy làm gì sách vở, nếu phải trộm thì họ chỉ lấy cái gì bán được thôi.

Nghe lập luận như vậy, tôi thấy yên tâm hơn. Thế là tôi theo anh Chương về thành phố.

Một tuần sau, chúng tôi trở lên. Lần này thì anh Chương ở lại đóng cho tôi kệ sách và điều làm tôi bất ngờ hơn, là anh ấy cho tôi chiếc cassete mới toanh.

- Cái này làm phương tiện cho Vy lấy bằng C, mà phải xong trong năm thứ nhất đó nhé.

Tôi sung sướng cực kỳ. Không ngờ mình có được chiếc máy cho riêng mình. Từ lâu tôi vẫn ao ước được một máy cassete nhỏ để học Anh văn. Anh Chương đã tạo cho tôi hết niềm vui này đến niềm vui khác. Mừng quá, nhưng tôi vẫn thấy thắc mắc:

- Tại sao phải trong năm thứ nhất hả anh?

- Tại vì năm đầu tương đối rảnh hơn. Mấy năm sau em phảI còn lấy nhiều bằng khác nữa. Bây giờ chỉ là khởi đầu để em phấn đấu thôi.

Tôi bắt đầu tò mò:

- Vậy anh có từng học để lấy nhiều bằng không?

- Có chứ, anh có bằng C Anh văn và Vi tính rồi. Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ đâu.

- Vậy còn gì nữa? Em nghĩ anh học ngành đó thì đâu cần nhiều bằng khác.

Anh Chương chận lại:

- Từ từ em sẽ nhận ra. Nói bây giờ em sẽ bị rối đó. Sao, thấy đói chưa?

- Đói rồi. Nhưng... bộ anh định về hả?

- Không, anh ở lại chơi với Vy, chiều mới về.

Nghe như vậy, tôi thấy yên tâm hơn. Tưởng tượng phải ở lại một mình. Tôi buồn lắm.

Anh Chương đưa tôi vào một quán ăn trưa. Rồi rủ tôi đi dạo chơi dưới những con đường nhỏ có bóg mát. Mãi đến chiều tối, chúng tôi mới trở lại ký túc xá. Thấy tôi buồn, anh an ủi:

- Đừng buồn nghe, tuần sau anh lên.

Rồi anh Chương trở về thành phố. Buổi tối tôi ngồi một mình trên giường. Mấy nhỏ cùng phòng cũng giống như tôi, tên nào cũng buồn thiu.

Hôm sau bắt đầu học. Bận học nên tôi cũng thấy đỡ nhớ nhà và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Một tuần sau, đến ngày anh Chương hẹn lên. Sáng chủ nhât, tôi đi ra đi vào nôn nóng. Mãi đến tám giờ mới thấy anh ấy. Nhưng không phải anh đi một mình mà còn có anh Toàn và tụi nhỏ Trúc.

Bốn tên gặp nhau mừng tíu tít. Làm như cả năm mới gặp không bằng. Anh Chương và anh Toàn đứng nhìn bọn tôi cười. Đợi qua cơn mừng, cả bọn bắt đầu tìm chỗ ngồi chơi.

Nhỏ Quyên vẫn không quên bênh của nó. Vừa ngồi xuống con nhỏ đã trải nilon ra thảm cỏ, rồi bày đồ ăn ra.Tôi ngạc nhiên:

- Làm sao mà mày làm mấy thứ này ở ký túc xá được?

- Tao về nhà hôm thứ bảy để làm đó. Bọn tao bàn nhau hôm tuần trước rồi, muốn làm mày ngạc nhiên nên không nói đó.

Cái tật nấu nướng vẫn không bỏ, hy vọng là tay nghề của nó đã khá hơn. Bọn tồi đói ngấu nên ăn rất ngon. Một phần là tại nhỏ Quyên đã tiến bộ. Nó làm gà rôti ngon ơi là ngon.

Bọn tôi vừa ăn vừa kể chuyện trường mới của mình. Tên nào cũng tranh nhau kể. Chỉ có nhỏ Quyên hôm nay trông lạ, ít nói hẳn đi, mà lại dịu dàng ra phết. Có chuyện gì xảy ra với nó vậy nhỉ!

Đến chiều, trước lúc chia tay, tôi kéo nhỏ Trúc và Thu Ba ra một chỗ:

- Có chuyện lạ!

- Chuyện gì mà lạ?

- Hôm nay con nhỏ Quyên rất yểu điệu thục nữ. Nó làm sao vậy?

Hai đứa nó chợt cười phá lên:

- Làm sao là làm sao, sắp làm chị dâu của mày chứ còn làm sao nữa?

- Cái gì, nói lại nghe coi.

- Họ phải lòng nhau rồi, sao ngốc thế? - Nhỏ Trúc trịnh trọng.

Tôi như từ trên trời rơi xuống, mặt nghệch ra:

- Trời đất, sao tao không biết?

Thu Ba cười rinh rích:

- Mày mà biết cái gì, lúc này mày chỉ biết có anh Chương thôi.

- Nói bậy, nói bậy.

Tôi quê quá, đấm lên vai nó liên tục. Có nhỏ Trúc nên tôi càng thấy quê hơn. Nó mà nói lại với anh Chương thì tôi có nước mà chui xuống đất. Hoặc bay lên trời, chứ ở đây xấu hổ làm sao chịu nổi.

Nhỏ Thu Ba đùa dai:

- Nói tầm bậy tầm bạ, trúc tùm lum tùm la, hả!

- Con khỉ, mày mà nói bậy nữa, tao cắt mũi. - Tôi gắt nhỏ.

Không ngờ câu nói đó tôi lại tạo điều kiện cho con nhỏ đùa dai hơn. Nó nói tới:

- Phải rồi, ỷ anh Chương là bác sĩ nên muốn cắt mũi ai thì cắt, cắt rồi có bác sĩ chăm sóc đến người ta, lo gì.

Quê quá, tôi quay ra cửa cầu cứu nhỏ Trúc:

- Mày coi tụi nó nói bậy kìa Trúc.

Con nhỏ cười tủm tỉm:

- Đúng chứ bậy gì.

Tới phiên nó nữa... Tôi nguây nguẩy bỏ đi.

- Mấy con nhỏ vô duyên, không thèm nói chuyện nữa.

Nhỏ Trúc kêu lại:

- Ê, ê, đừng giận, chị dâu.

Rồi hai đứa nó cười ngặt ngoẻo. Anh Chương và anh Toàn quay lại tò mò:

- Chuyện gì vậy?

Thu Ba vội stop:

- Dạ, đâu có gì đâu, tụii em nói chuyện chơi thôi.

Hú hồn hú vía! May mà nó ngừng lại đúng lúc. Chứ nếu không... chắc tôi phải trở về ký túc xá bằng đường hầm.

Tôi và nhỏ Quyên tiễn mọi người ra đường lớn. Tôi đi phía sau với nhỏ Thu Ba:

- Mày nói nghiêm chỉnh lại nghe. Sao mày nghĩ... anh Toàn với nhỏ Quyên... thích nhau.

- Không phải nghĩ, mà thấy. Lúc sáng đi, ảnh chở nó, nhìn hai người lạ lắm.

- Họ để ý nhau từ lúc nào nhỉ, tao có biết gì đâu.

Con nhỏ lại phát ra một câu thấy ghét:

- Tao đã nói rồi, ngoài anh Chương ra, mày còn biết tới ai nữa đâu.

Mặc cho tôi liếc nó muốn rớt con mắt, con nhỏ cười tỉnh bơ, đi nhanh lên phía trước.

Chúng tôi chia tay nhau khi buổi chiều chuyển sang tối. Nắng đã tắt hẳn. Chiều ở đây rất buồn. May mà còn nhỏ Quyên ở đây, nếu không tôi sẽ càng buồn hơn.

Rồi tôi và nhỏ Quyên cũng chia tay. Trên đường về ký túc xá, tôi ngẫm nghĩ chuyện tụi nó nói lúc nãy. Bỗng nhiên thấy xấu hổ quá chừng!

 

 

 

 

Chương 10.

Tối nay nhà anh Chương tổ chứa họp mặt chia tay. Ngày mai anh ấy lên máy bay sang Pháp du học. Buổi tiệc không có ai nhiều ngoài nhóm bọn tôi và vài người bạn thân của anh ấy. Anh Toàn tất nhiên cũng phải có mặt.

Buổi chiều, tôi, Quyên, và Thu Ba đến sớm để phụ nhỏ Trúc nấu nướng. Ba mẹ nó để mặc cho bọn tôi được tự do. Chủ nhật tuần trước bốn đứa đã họ; bàn để lên thực đơn. Hôm nay chỉ có việc đi chợ mà thôi. Dĩ nhiên nhỏ Quyên đóng vai bếp trưởng, ba đứa tôi là những phụ tá đắt lực.

Bọn tôi ở trong lớp suốt ngày. Nói đủ thức chuyện mặc dù không còn học chung. Nhưng vẫn có vô số chuyện để trút với nhau. Thỉnh thoảng nhỏ Thu Ba nói bóng gió.

- Anh Chương đi rồi, ai buồn nhất nhỉ?

Tôi làm thinh như không nghe. Nhỏ Quyên nhanh miệng:

- Chắc chắn không phải là tao.

Thu Ba vẫn nói tới bến:

- Vậy chắc con Trúc.

Tôi tỉnh bơ:

- Dĩ nhiên rồi, anh người ta đi, người ta không buồn sao được.

Con nhỏ cười tinh quái:

- Phải không đó?

Tôi tảng lờ, làm bộ không hiểu. Nhưng mỗi lần nghe tụi nó nhắc là tôi buồn kinh khủng. Biết anh Chương đi rồi sẽ về, nhưng từ đây không có ai lên trường thăm tôi mỗi chiều thứ bảy. Hoặc đến đón tôi về thành phố thăm nhà. Dĩ nhiên là có anh Toàn, nhưng tôi không thấy vui bằng có anh Chương.

Nhưng tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó vội. Tối nay vui ơi là vui. Bọn tôi uống cả bia. Sau đó hát karaoke đến khuya.

Khi buổi tiệc kết thúc, anh Chương đưa tôi về. Lúc chia tay ở đầu hẻm, anh ấy chợt giữ tôi lại:

- Tôi nay anh muốn nói một chuyện quan trọng với Vy.

- Dạ.

- Vy có biết đi như vầy anh sẽ nhớ ai nhiều nhất không?

Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói luôn:

- Nhớ Vy đó.

Tôi biết như vậy lắm, cả tôi cũng muốn nói ngược lại. Nhưng không dám. Mà anh Chương cũng không cần tôi nói. Mặt anh ấy có vẻ buồn:

- Vy hứa với anh điều này không?

- Anh nói đi.

- Vy chờ anh về và đừng quen với ai.

Tôi gật đầu ngoan ngoãn:

- Dạ, em hứa. Mà em cũng không có thời giờ để đi chơi đâu. Em cũng ráng học như anh để xin học bổng đi du học.

- Anh rất thích Vy nói như vậy. Sẽ cực lắm, nhưng em cố gắng nghe.

- Dạ.

- Mai đừng đi tiễn anh nghe.

Tôi lo lắng:

- Sao vậy, bộ anh không thích có mặt em hả?

Anh Chương bật cười:

- Không phải, anh chỉ sợ có Vy, anh lên máy bay không nổi.

Tôi buột miệng:

- Em ở lại cũng buồn lắm.

Nói xong, tôi ngượng quá, chạy nhanh vào hẻm. Đến nửa đường quay lại thì thấy anh Chương vẫn đứng nhìn theo.

Hôm sau mọi người đi tiễn anh Chương rất đông. Khi anh ấy lên máy bay rồi, tôi theo mọi người ra về. Chưa bao giờ tôi buồn như hôm nay.

Nhỏ Quyên nhìn vẻ mặt ỉu xìu của tôi, nó huých tay nhỏ Trúc chỉ tôi, và cười hinh híc:

- Xem cái mặt nó kìa Trúc. Vậy mà nó bảo là không buồn. Lộ tẩy rồi nhé.

Tôi vớt vát:

- Tao có buồn gì đâu.

- Không buồn mà mắt mũi đỏ hoe, buồn thì nói đại cho rồi, giấu sao được mà giấu, làm như tụi tao không biết vậy.

Nhỏ Trúc đập vai nó một cái:

- Đã biết người ta vậy còn chọc, mày lo mày kìa.

- Chà, chị em bênh nhau dữ he.

Nhỏ Trúc chĩa lại ngay:

- Vậy nó không chị em với mày sao?

Quyên làm thinh, có vẻ ngượng. Tôi biết tỏng chuyện nó với anh Toàn rồi. Mới học xong năm thứ nhất mà đã có bồ. Làm như đẹp lắm vậy. Trong khi tôi với anh Chương tình cảm chỉ mới mở ngỏ. Tôi không chọc nó thì thôi, còn bày đặt chọc lại. Rõ là không biết xấu hổ.

Bọn tôi ra khỏi sân bay và kéo nhau đi uống cà phê. Sau đó anh Toàn và nhỏ Quyên tách nhau ra đi thăm bạn của anh Toàn.

Tôi đi chơi với nhỏ Trúc một vòng rồi ghé thăm chị Thục. Mấy tháng nay ít về thành phố nên không gặp chị ấy. Lúc này bác Hai mở cho chị Thục một shop thời trang. Có công việc chị ấy đỡ buồn hơn, chứ không buồn bã suốt ngày như trước kia.

Khi tôi ghé thì chị Thục đang ngồi một mình sau quầy. Thấy tôi, chị ấy mỉm cười:

- Về lúc nào vậy?

- Em về tối hôm qua. Chiều nay em lên trường.

- Lúc này học vui không?

- Học cực lắm, em không đi đâu chơi cả.

Chị Thục gọi quán nước đem qua cho tôi một ly cam vắt.

Hai chị em nói đủ thứ chuyện. Đang nói thì chị My về. Tôi cười với chị My nhưng chị ấy ngoảnh mặt đi chỗ khác không thèm nhìn tôi. Tôi cũng hơi quê nên làm thinh.

Thấy vậy chị Thục cười:

- Kệ nó, đừng để ý.

- Dạ.

Sau này tôi với chị Thục rất quý nhau. Nhưng với chị My thì không cách gì tôi thân cho được. Bây giờ chị ấy đã có bồ mới. Nhưng vẫn còn thích anh Chương và ghét tôi. Chị ấy nói với mấy cô rằng, tôi cố tình cua anh Chương, khiến tôi rất khổ sở.

Sẵn hôm nay, tôi quyết định giải thích với chị Thục.

- Em biết mọi người cứ nghĩ em phá chị My. Nhưng em không cố ý vậy.

- Chà, chị em bênh nhau dữ hé.

Nhỏ Trúc chỉa lại ngay:

- Vậy nó không chị em với mày sao?

Quyên làm thinh, có vẻ ngượng. Tôi nhìn nó cười cười. Tôi biết trỏng chuyện nó với anh Toàn rồi. Mới học xong năm thứ nhất mà đã có bồ. Làm như đẹp lắm vậy. Trong khi tôi và anh Chương tình cảm chỉ mới mở ngỏ. Tôi không chọc nó thì thôi, còn bày đặt chọc lại. Rõ là không biết xấu hô?

Bọn tôi ra khỏi sân bay và kéo nhau đi uống cà phê. Sau đó anh Toàn và nhỏ Quyên tách nhau ra đi thăm bạn của anh Toàn.

Tôi đi chơi với nhỏ truóc một vòng rồi ghé thăm chị Thục. Mấy tháng nay ít về thành phố nên không gặp chị ấy. Lúc này bác Hai mở cho chịThục một shop thời trang. Có công việc, chị ấy đỡ buồn hơn, chứ không buồn bã suốt ngày như trước kia. Khi tôi ghé thì chị Thục đang ngồi một mình sau quầy. Thấy tôi, chị ấy mỉm cười:

- Về lúc nào vậy?

- Em về tối hôm qua. Chiều nay em lên trường.

- Lúc này học vui không?

- Học cực lắm, em không đi chơi đâu ca?

Chị Thục gọi quán nước đem qua cho tôi một ly cam vắt

Hai chị em nói đủ thứ chuyện. Đang nói thì chị My về. Tôi cười với chị My nhưng chị ấy ngoảnh mặt đi chỗ khác không thèm nhìn tôi. Tôi cũng hơi quê nên làm thinh.

Thấy vậy, chị Thục cười:

- Kệ nó, đừng để ý

- Da.

Sau này tôi với chị Thục rất quý nhau. Nhưng với chị My thì không cách gì tôi thân cho được. Bây giờ chị ấy đã có bồ mới. Nhưng vẫn còn thích anh Chương và ghét tôi. Chị ấy nói với mấy cô rằng tôi cố tình cua anh Chương, khiến tôi rất khổ sơ?

Sẵn hôm nay tôi quyết định giải thích với chị Thục

- Em biết mọi người cứ nghĩ em phá chị My. Nhưng em không cố ý vậy đâu, sau này em mới thích, còn lúc đó thì không, em bận học nên không nghĩ xa xôi gì hết. chị nói với chị My giùm em đi.

- Đừng lo nhỏ, chuyện đó anh Toàn nói rồi và đã giải thích cho mấy cô rồi.

- Thế sao chị My còn ghét em? - Tôi nói một cách ấm ức

Chị Thục cười xoà:

- Tính nó hơi khó chịu, luôn có thành kiến, đừng để ý nữa nho?

Rồi chị Thục đứng dậy đi ra khỏi quầy và chị đến góc tủ lấy ra một bộ đồ, ướm thử lên người tôi:

- Mặc xem có vừa không, chị cho Vy đó.Con gái lớn rồi, lại là sinh viên nữa phải mặc đồ như học sinh, không ra dáng chút nào.

Tôi cười gượng:

- Em không biết cách mặc đồ đẹp, em quê lắm, mấy đứa bạn cùng phòng em cũng vậy, tối ngày đi học chứ không để ý gì hết

- Nhưng khi đi chơi cũng phải diện một chút chứ

Tôi nghe lời chị Thục, bước vào phòng thử. Một lúc sau tôi ngượng nghịu đi ra. Chị Thục trầm trồ:

- Đẹp lắm, dáng Vy cao, mặc bộ này trông sang lắm. Khoan, còn nữa.

Chị Thục mở tủ lấy ra một đồ cài áo hình hoa hồng, cài lên ngực áo tôi, rồi đeo vào tai và cổ tôi bộ đồ nữ trang có gắn hột đá, chị ấy đứng lui ra sau, tặc lưỡi:

- Vy mà lên đồ thì cũng đẹp như ai, thi hoa hậu được đấy

Tôi chu miệng cười, chị Thục trợn mắt:

- Bộ chị nói chơi sao, tại Vy không biết khai thác tiềm năng của mình thôi. Thi cái đó cũng đâu có gì là ghê gớm.

- Nếu có dễ thì con gái Sài Gòn một nửa là hoa hậu hết rồi.

- Đâu phải chỉ có thi ngoại hình không đâu, còn kiến thức và ứng xử nữa. Vy học giỏi như vậy, không lo kiến thức.Còn ứng xử thì cũng không sợ, thông minh như Vy thì sợ gì.

- Bộ chị nói thật hả?

- Thật chứ, hôm nay chị mới nghĩ ra, Vy đi thi, chị sẽ cho tiền đóng học phí.

Tôi ngơ ngác:

- Bộ thi hoa hậu cũng phải học nữa hả chị?

Chị Thục đập vai tôi một cái:

- Dĩ nhiên là phải học cách đi đứng đàng hoàng, đâu phải tự nhiên là đi thi đâu.

- Học bài ở trường em còn không có thời giờ, lấy đâu ra giờ mà học cái đó, em không quen đâu.

- Con nhỏ này không biết gì hết, không đoạt giải hoa hậu, chỉ cần đoạt Á hậu thôi cũng được thưởng rồi. Rồi còn có tiếng, tha hồ được săn đón.

Không hiểu sao, hôm nay chị Thục nhiệt tình quá. Nhưng tôi vẫn cương quyết lắc đầu.

- Thôi, em không hợp với mấy chuyện đó đâu, em thích tiến thân bằng chuyện học hơn

- Thi hoa hậu cũng là cách tiến thân vậy, nghe lời chị đi, thiếu gì sinh viên đi thi. mình bỏ công sức học mòn mỏi, ra trường chưa chắc nổi danh. Thử thời vận xem, Vy là hoa hậu, dòng họ mình cũng được tiếng.

Tôi cười khúc khích

- Vậy sao chị không bảo chị My đi thi, chị ấy cũng đẹp vậy

- Con nhỏ đó mà thi ứng xử chắc rớt cái bịch. Chị nhắm ai có khả năng mới xúi chứ bộ. Từ từ chị mới phát hiện Vy có nhiều tài, không khai thác thì uổng.

Thấy tôi không nói gì, chị ấy càng hăng hái thuyết phục:

- Chị muốn tốt cho Vy nên mới khuyên. Nghe lời chị đi mà.

Lúc đó anh Toàn về tới. Chị Thục liền quay ra nói ngay:

- Anh Toàn, em bảo con nhỏ Vy đi thi hoa hậu mà nó nhát quá. Báo Tiền phong đang mở cuộc thi đó.Anh nói cho nó tham gia đi.

Anh Toàn trợn mắt ngạc nhiên rồi xua tay lia lịa:

- Sao kiếm đâu ra tư tưởng kỳ cục vậy, dẹp ngay đi nghe. Không có xúi ra xúi vô, để cho nó học nghe.

- Anh để ý mà xem, em mới phát hiện ra nó có khả năng đó. Ngoại hình có nè, đầu óc nó cũng thông minh hoạt bát. Không khai thác uổng lắm.

Anh Toàn vẫn khăng khăng:

- Nó có khả năng thì để sử dụng vô lĩnh vực khác, chạy theo mấy thứ phù phiến đó làm gì bền.

Anh Toàn vô nhà rồi, chị Thục thở khì ra:

- Mấy người này lạc hậu quá, thôi không bàn chuyện đó nữa

Chị ấy còn cố vớt vát thêm:

- Nhưng mà Vy suy nghĩ lại đi, cần gì chị giúp cho, cứ thử xem sao, không được thì thôi, đâu có mất bao nhiêu.

- Vậy sao chị không đi thi. Chị cũng còn đủ tuổi vậy - Tôi chọc

- Già cả rồi, chuyện đó là của con nít, bon chen làm gì.

Tôi lần lượt tháo mấy thứ trang sức ra. Rồi thay đồ, chị Thục xếp bộ đồ lại, bỏ vô gio?

- Giữ bộ này đi, tháng sau đám cưới con cô Tư cũng có đồ mà mặc. Phải biết diện lên một chút nhóc ạ.

Tôi vội lắc đầu từ chối. Tôi chẳng thích mấy thứ model lắm. Từ đó tới giờ tôi vốn giản dị, tự nhiên. Bây giờ khác đi, ngượng lắm

Nhưng chị Thục cứ nhất định bắt tôi phải nhận. Chẳng những thế mà chị ấy còn cho tôi bộ trang sức thật đẹp. Chị ấy nói thế này:

- Bây giờ Vy khác trước rồi, tương lai hứa hẹn ngon lành cũng phải thay đổi bề ngoài chứ, phải không?

- Thôi chị ạ, em còn đi học, thay đổi quá, bạn em cười chết

Chị Thục nhéo mũi tôi một cái:

- Nhỏ này lạc hậu quá, nhưng chị cũng thích như vậy.

Tôi ở lại chơi với chị Thục một lát rồi về. Hôm sau tôi lên trường với nhỏ Quyên. Khi tôi kể cho nó nghe chuyện chị Thục bảo tôi đi thi hoa hậu, con nhỏ không phản đối như anh Toàn mà nói tỉnh bơ:

- Mày có nhiều tiêu chuẩn làm hoa hậu lắm. Nhưng thôi, cái đó không hợp với mày đâu.

Không hiểu nghĩ thế nào, nó nhăn mặt:

- Bà Thục này tào lao quá, gieo vào óc con nít toàn chuyện phù phiếm.

- Chị ấy còn cho tao bộ đồ model lắm, nhưng tao không mặc đâu, mày mặc đi.

Nhỏ Quyên nói như nhận xét:

- Sau này bả có vẻ quan tâm tới mày quá nhỉ, chị em thân mật ghê

- Ừ

- Theo mày thì tại sao?

Không đợi tôi trả lời, nó nói luôn:

- Bả thấy mày vươn lên hơn mấy bả nên mới nể đó.

- Có thể. Nhưng làm hoà được với mấy bà chị là tao vui rồi, chứ chị em mà găng nhau hoài thì khổ lắm. Còn chị My nữa

- Cái bà đỏng đảnh đó ghét hay thích kệ bả, đừng thèm để ý. Bây giờ bả không làm gì được mày đâu. Có thóc mách với ba mày thì ông ấy cũng không đánh mày được.

Nó chợt nói qua chuyện khác:

- Ê, nói chuyện này cho nghe, đừng nói lại với anh Toàn nghe.

Tôi tò mò:

- Chuyện gì vậy?

- Mày biết anh Chương dặn anh Toàn cái gì không?

- Dặn gì?

- Bảo là theo dõi mấy chương trình học bổng rồi chỉ cách cho mày xin đi du học. Ảnh còn nói mày khờ khạo nữa, ngoài chuyện học, chẳng biết cái gì hết.

Tôi nghi ngờ:

- Là Ảnh hay mày nói đó, đừng mượn cớ để chửi khéo tao nghe.

Con nhỏ cười xoà:

- Xí, đa nghi như Tào Tháo, ai thèm chửi xéo mày. Cái đó là ảnh nói chứ bộ. Còn tao nếu cần thì chửi thẳng, hơi đâu xiên xéo, mày không hiểu mất công.

Tôi nhéo nó một cái:

- Ít ra thì tao cũng hiếu được lúc này mày gián tiếp bảo tao ngốc.

Con nhỏ ẹo người la lớn:

- Nhột, muốn chết hả, té bây giờ.

Chiếc xe bị lạng một cái làm tôi hết hồn, ngồi im, còn nó thì tỉnh bơ, nói tiếp:

- Ảnh còn nói với anh Toàn một chuyện nữa.

- Chuyện gì?

- Hihi... chuyện tức cười lắm.

Tôi tò mò quá hỏi tới:

- Cái gì vậy, nói đi.

Con nhỏ không chịu nói, cứ cười hí hí. Tức mình quá tôi doa.:

- Muốn nhéo nữa không?

Nó la lên:

- Ảnh nói với anh Toàn canh me một học bổng của Pháp để mày qua bển thì ảnh có điều kiện lo. Vừa ý chưa, hỏi hoài.

Thấy tôi không nói gì, nó bỡn cợt:

- Sao, cảm động quá không nói được hả, có định khóc không, tao cho mượn khăn.

Tôi gắt:

- Con khỉ, ở đó mà giỡn

- Chẳng lẽ khóc rồi bảo chia buồn với mày.

Nói xong nó cười rinh rích như chuột. Tôi cũng cười theo. Lòng tôi vừa cảm đông, vừa nôn nao khó tả. Từ đó tới giờ tôi chưa bao giờ dám mơ tới tiếng được đi du học. Vì nó có vẻ quá xa vời. Nhưng bây giờ anh Chương đã khơi cho tôi một hy vọng về nó.

Tôi đã cố gắng hết mình để vào đại học. Vậy thì tại sao không ráng hơn để ra nước ngoài. Phải dám mơ ước và biến nó thành sự thật chứ.

 

Chương Kết.

Hà Nội tháng tám nóng như đổ lửa. Hơn cả thành phố. Tôi đứng sắp hàng ở phòng vé, chỗ làm thủ tục mà cảm thấy choáng váng với cái nóng. Và tôi dùng khăn quạt lia lịa.

Đây là lần đầu tiên tôi ra đây, không phải để chơi mà để hoàn tất hồ sơ đi du học. Tôi đã trải qua những cuộc phỏng vấn và thi tuyển rất gắt gao. Cuối cùng lọt vào danh sách mời sinh viên được học bổng du học sang Pháp. Bây giờ đứng đây chờ chuyến bay về thành phố, tôi nghĩ lại những ngày gần đây căng thẳng hồi hộp ấy, mà vẫn còn ngỡ ngàng vì mình đã đạt được điều mơ ước.

Khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất thì trời đã chiều. Tôi khoác balô sau vai, vừa đi vừa ngóng cổ tìm nhỏ Trúc. và tôi vô cùng ngạc nhiên khi có đến mười mấy tên cùng lớp đứng chờ bên kia.

Thấy tôi đi ra, thằng Tân giơ tay ra hiệu:

- Ê, Vy, bên đây nè.

Tôi chạy ào về phía bọn nó. Mỗi tên một câu hỏi làm tôi trả lời không kịp.

- Sao, xong hết chưa, có biết tháng mấy đi không?

- Ra đó biết đường đi không, có gặp trở ngại gì không?

- Tụi tao lo cho mày quá trời, sợ mày đi lạc

- Thôi đừng có hỏi nữa, để cho nó thở với. - Nhỏ Kiều chợt la lên.

Tôi mừng quá, cười tít mắt:

- Có gì đâu mà mệt. Nhưng sao tụi mày tập hợp được đông vậy, thấy tụi mày tao mừng quá trời.

- Tụi tao đâu có biết mày được học bổng, tới chừng gặp con Trúc mới biết. Thế là đứa này cho đứa kia hay rồi đi đón luôn.

Tên Tân xoa tay, quẹt tay lau vào áo, rồi chìa ra nắm tay tôi lắc lắc, điệu bộ y hệt ngày ở trường phổ thông:

- Cho bắt tay với người đi du học cái coi.

Bọn nó phì cười. Tôi đấm lên vai hắn một cái:

- Đồ quỷ, làm trò gì vậy. Lâu ngày không gặp, thấy ông vẫn loi choi như con khỉ.

Chợt nhớ ra, tôi kéo nó lại:

- Ê, có bồ rồi phải không, khai ra đi.

Hắn gãi đầu cười hề hề:

- Bồ bịch gì không biết.

Nhỏ Kiều la oang oang:

- Đừng có giấu, tui khai hết bây giờ! Ê tụi mày biết không, bồ nó học sau nó một khoá, nhỏ xíu à, y hệt cô bé tí hon.

- Nhỏ dữ vậy ha?

Tên Tân cự lại nhỏ Kiều:

- Bà này nói quá, nhỏ đâu mà nhỏ, hơi thấp một chút chứ nhỏ gì.

- Phải nói là chiều cao hoi bị khiêm tốn.

Kiêu tiếp tục khai một cách khoái chí:

- Mỗi lần gặp nó đi trong trường thấy tức cười dễ sợ, y như cây tre đi với dương xỉ.

Bọn tôi ngoác miệng mà cười, còn Tân thì có vẻ quê, nó bắt đầu phản công.

- Còn ông bồ của bà thì trắng trẻo y như dân Châu Phi. Mỗi lần ổng vô lớp tìm bà là tui tưởng kem Hynos xuất hiện.

Thế là nguyên đám quay qua chọc nhỏ Kiều. Bọn nó bắt đầu khai ra bồ đứa này đứa kia để chọc nhau. Cuối cùng bọn nó chĩa vào tôi:

- Ê, tao nghe nói con Vy sẽ làm chị dâu con Trúc, có không Trúc?

Nhỏ Trúc chưa kịp trả lời thì Thu Ba đã nói lớn:

- Hai người xứng đôi lắm nghe, ảnh đẹp trai cực kỳ, phải tội là hơi giống ông cụ.

Quyên nói thêm:

- Còn nhỏ Vy thì hơi giống bà cụ. Hai người này gặp nhau sẽ cho ra một đám con... con gì hay mắc cỡ trốn người ta, mà hiền khô ấy, con gì nhỉ?

- Con cù lần.

- Ừ, đúng rồi, cù lần, một bầy cù lần xinh xắn, lúc nhúc.

Nhỏ Trúc chỉa lại ngay:

- Còn mày với anh Toàn sẽ cho ra một đám chuối cau, trái nào trái nấy mẳn mẳn như nắm tay vầy nè.

Vừa nói nó vừa nắm tay minh hoa.. Bọn tôi cười ré lên khi hình dung mấy trái chuối lí nhí của nó. Nhỏ Quyên cũng cười khì:

- Công nhận chị em nó bênh nhau dễ sợ, ai nói cho lại.

Thu Ba hắng giọng:

- Bộ mày với con Vy không phải là chị em sao?

Nhỏ Quyên đuối lý cười trừ. rồi nó cũng giải vây cho mình:

- Mấy người này lạ chưa, bạn cũ lâu ngày gặp nhau mà cứ chĩa nhau hoài.

Nó ngưng lại hắng giọng:

- Chuyện thiết thực nhất bây giờ là phải... ăn một cái gì đó, các đồng chí có đồng ý không?

- Đồng ý hết mình.

- Hihihi... một người có tâm hồn ăn uống tràn đầy, không thay đổi với thời gian.

Tự nhiên bọn nó chỉa vào tôi:

- Hôm nay mày là nhân vật chính, mày muốn đi đâu Vy?

- Sao tự nhiên hỏi tao, tao có biết chỗ nào đâu. Ai đi đâu thì tao theo đó.

Nhỏ Kiều lắc đầu:

- Không được, tụi tao đón mày, mày phải quyết định chứ.

Thấy bọn nó cứ đùn đẩy cho tôi, tôi bèn có ý kiến.

- Thể theo lời yêu cầu của con Quyên, tao đề nghị mình đi ăn kem. Trúng ý mày không Quyên?

- Bạn bè hiểy ý nhau quá, hì hì..

Thế là cả bọn kéo nhau vào quán kem. Vẫn vui vẻ y như hồi chúng tôi còn học phổ thông. Nhưng tôi chỉ chơi được một lát rồi về, vì sợ Ở nhà chờ.

Khi tôi về nhà, cả nhà quấn quít bên tôi hỏi đủ thứ chuyện. Buổi chiều ba bảo chị Tơ làm thêm cho tôi món cá chưng tương mà tôi rất thích ăn. Ba bảo mai mốt sống ở nước ngoài, muốn an những món này không có. Còn mẹ thì bảo sẽ mua bánh phồng cho tôi mang theo.

Tôi được ở nhà vài ngày để chuẩn bị. Từ lúc vào đại học đến giờ, tôi rất ý sống ở nhà. Những ngày này tôi cố gắng phụ hết công việc cho chị Tơ. Sau này ba tôi không say sưa và ít la mắng chị em tôi hơn. Trong nhà như thay đổi sinh khí. Chị Tơ bảo tôi là niềm hy vọng của cha mẹ. Thấy gia đình tôi sẽ có tương lai nên không còn thất chí nữa.

Tối nay cả nhà đã ngủ, làm xong công việc, tôi và chị Tơ ra sân ngồi ngắm trăng. Sân nhà tôi có cây trứng cá mới lớn, nhưng tàn của nó cũng xoè rộng cả sân. Trăng lọt qua khe lá, lung ling dưới mặt đất trông vô cùng hiền hòa.

Chị Tơ nói khẽ khàng:

- Trăng đẹp quá hé.

- Trên trường em, mỗi lần có trăng là đẹp không tả được.

Chị Tơ có vẻ háo hức muốn biết:

- Nó ra làm sao, tả thử cho chị nghe.

- Chị tưởng tượng nhé, cả một vùng đồi xanh ngát, có rất nhiều cây cao. Ban ngày thì mát, ban đêm có trăng thì sáng bạc, yên tĩnh lắm. Em mà văn chương một chút, em tả cho chị nghe.

- Không, nói như vậy chị cũng tưởng tượng được rồi. Sướng thật, ở trên đó chắc thơ mộng lắm.

- Nếu chị học đại học, thì bây giờ chị đã ra trường rồi nhỉ.

Chị Tơ đưa tay lau mắt rồi thở dài:

- Đi làm tay chân sạch sẽ, người sẽ lịch sự chứ không đầu tóc rối như thế này.

- Chị Ơi, chị còn muốn vồ đại học nữa không?

- Còn chứ. Đêm nào chị cũng ngồi coi lại bài, mấy bài tập trong sách, chị giải dẽ dàng lắm.

Tôi mơ màng về tương lai của chị Tơ, nó cũng xán lạn như tương lai tôi và tôi vẽ vời:

- Chị ráng thi đậu thủ khoa, rồi sẽ được tuyển thẳng vào trường em học, rồi sau đó xin học bổng đi học nước ngoài, nhà mình sẽ được hai người du hoc, thích chị nhé.

- Ừ

- Rồi tụi nhỏ lớn lên mình cũng sẽ chỉ nó làm như vậy. Nó sẽ tránh được cái khổ của mình.

Chị Tơ giật mình:

- Khuya rồi nhỏ, đi ngủ để mai dậy làm công chuyện.

Tôi đi theo chị vào nhà, chui vào giường. Trời nóng nực nhưng chị ấy vẫn ngủ ngon lành.Cả ngày quần quật với việc nhà, không mệt sao được. Thương chị tôi quá!

Thế là đã đến ngày tôi đi. Ba mẹ cho phép tôi làm một buổi tiệc nhỏ để chia tay với bạn bè. Chúng nó rất đông. Nhà tôi chật nên không đủ chỗ, phải ngồi cả ngoài sân. Chúng tôi chỉ có bánh kẹo, nhưng vui và náo nhiệt vô cùng.

Khi bạn bè tôi về xong thì có chiếc xe hơi đậu lại trước nhà tôi, rồi bác Hai và mấy cô đi vào nhà. Ba mẹ và chị em tôi ngạc nhiên lắm. Vì trước giờ họ rất ít như thế.

Mẹ tôi bảo chị Tơ đi pha trà mời mấy cô. Tôi đi ra nhà sau phụ. Tôi nghe tiếng cô Tư ở nhà trước. Cô ấy hỏi mẹ tôi:

- Con Vy đâu rồi mợ?

- Nó ra sau nhà nấu nước chị ạ.

Cô Tư gọi lớn:

- Vy lên đây đi con.

Tôi chạy lên nhà trước. Cô Tư kéo tôi ngồi xuống bên cạnh:

- Bác Hai với mấy cô qua thăm con đây, mai con đi rồi phải không?

- Dạ.

- Chuẩn bị đồ đạc xong chưa con?

- Dạ, xong rồi.

Chị Thục ngồi bên cạnh bác Hai, nghiêng đầu qua:

- Ngày mai Vy mặc đồ gì đi vậy? Đưa chị xem

- Em mặc áo sơ mi bình thường. Mẹ mới may cho em.

- Đâu đưa chị coi.

Rồi chị ấy kéo tôi vô phòng, nhất định phải xem cho được bộ đồ của tôi. Chị ấy bắt tôi mặc thử rồi lắc đầu:

- Đơn giản quá, không được. Ra nước ngoài chứ đâu phải là đi chơi với bạn. Phải diện lên chứ.

Chị Thục trở ra ngoài lấy vào một bộ đồ bắt tôi thay rồi trầm trồ:

- Mặc thế này có phải lịch sự hơn không? Mai mặc đồ này lên máy bay nghe chưa. Đế thôi là quê lắm.Thôi thay ra đi, móc lên để nhăn à.

Tôi và chị Thục trở ra ngoài, bác Hai gái hỏi chị Thục:

- Sao con, nó mặc có vừa không?

- Đẹp lắm mẹ ạ, vừa khít luôn.

Mẹ tôi có vẻ ngại:

- Chị cho nó đồ làm gì, nó cũng mới may đồ rồi.

Bác Hai khoát tay dễ dãi:

- Cái đó là con Thục cho. Tôi đâu có rành cách ăn mặc con nít thời bây giờ.

Bác Hai quay qua tôi:

- Con đi học xa như vậy, phải có chút gì hộ thân, cái này là bác cho con.

Rồi bác ấy đưa tôi một hộp đựng vàng. Tôi ngại quá vụt quay lại:

- Dạ, thôi, con đâu có biết xài cái này.

- Đừng có ngại, lấy đi con.

Thấy vậy ba tôi bèn lên tiếng:

- Bác Hai cho thì cứ nhận đi con.

Tôi rụt rè cám ơn. Sau đó đến lượt cô Ba và cô Tư cho tôi vàng, giống như bác Hai. Các cô có vẻ rất quan tâm đến tôi. Ai cũng bảo tôi qua bên đó ráng học. Ba mẹ tôi có vẻ sung sướng, hãnh diện lắm. Tôi thấy ba tôi cứ cười một mình. Ít khi nào thấy ba vui như vậy.

Cô Tư nói một cách trịnh trọng:

- Con đi học rồi sau này thành đạt về giúp đỡ gia đình. Họ hàng mình không ai được hãnh diện như con đâu.

- Dạ.

- Qua đó có thiếu thốn gì thì cứ gọi điện về cho cô.

- Da.

Khi các cô về rồi, chị Tơ nhận xét:

- Ngay cả bác Hai gái cũng thay đổi thái độ với nhà mình, không giống trước kia chút nào.

Mẹ gật gù:

- Người lớn cư xử thế nào thì là chuyện của người lớn. Con nít đừng phán xét con à.

- Dạ, thì con chỉ nói vậy thôi chứ có nói gì đâu.

Đợi đến khi cả nhà ngủ, tôi và chị tôi lại rủ rỉ trong phòng. Chị Tơ lấy vàng của mấy cô cho lúc nãy ra xem, rồi thốt lên kinh ngạc:

- Nhiều quá, sao mấy cô cho nhiều dữ vậy.

Tôi cũng thấy ngạc nhiên:

- Không ngờ mấy cô hào phóng với em như vậy. Nhưng em không lấy đâu, để lại cho chị.

Chị Tơ phản đối dứt khoát:

- Vy đi xa, không có ai thân bên đó, có cái này để lỡ ra có việc gì mình cũng không sợ.

- Chị đừng lo, nếu có gì em sẽ nhờ anh Chương. Em nghĩ lại rồi, chờ đến khi em ra trường thì lâu lắm. Năm tới chị thi đại học rồi lấy cái này đóng học phí, khỏi phải xin mẹ.

Chị Tơ lắc đầu:

- Chị không lấy của Vy như vậy đâu. Không bàn tới chuyện này nữa. Bây giờ đi ngủ, mai có sức mà ngồi máy bay.

Chị Tơ ngủ rồi, tôi vẫn không nhắm mắt được, cứ xôn xao thế nào ấy. Hôm nay là đêm cuối cùng tôi còn ở nhà. Mấy năm sau mới được về. Không biết lúc đó mọi thứ có thay đổi gì không?

Tôi chui ra khỏi màn, đến tủ lấy tất cả vàng nhét vào ngăn quần áo cho chị Tơ. Rồi chị ấy sẽ tìm được và sẽ dùng vào chuyện thi cử. Thế là bây giờ tôi đã thực hiện được ước mơ của mình đối với chị Tơ.

Hôm sau bạn bè tiễn tôi rất đông. Có cả ba mẹ. Lần đầu tiên ba mẹ bỏ việc nhà để đi ủng hộ tôi, điều đó làm tôi rất sung sướng.

Ngồi trên máy bay, tôi nhìn ra ngoài. Thấy bên cạnh mình là mây, tôi đang ở trên mây đó. Và tôi hình dung đến tương lai của gia đình tôi. Ba mẹ tôi sẽ không còn vất vả nữa. Chị Tơ của tôi cũng sẽ trở thàn một kỹ sư, hay một cô giáo cấp ba. Đám nhóc nhà tôi sẽ không còn bị bạn bè bắt làm má má nữa. Mà sẽ được làm công chúa hay hoàng hậu.

Với tôi, tất cả tương lai còn ở phía trước. Mỗi bước đi tới chắc còn vô số khó khăn, nhưng bây giờ tôi đã biết vững tin nơi mình.

Hoàng Thu Dung

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuộc phiêu lưu của Poly  Nhà văn Hồng Cư vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Tên khai sinh Nông Thị Cư, si...