Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam: Ai ra xứ Huế đừng quên

Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam:
Ai ra xứ Huế đừng quên

Tôi nhận được bản thảo tập thơ “Thì thầm tiếng gió” của nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam từ giữa năm 2021, lúc đó tôi dạy khá nhiều, nên đành lỗi hẹn đọc tập thơ cùng chị. Rồi, khi chị xuất bản tập thơ với sự ra mắt và giới thiệu của bạn bè văn chương, tôi nhận ra chị vẫn là nhà thơ yêu thơ như chị từng tuyên ngôn: “Yêu thơ ta nguyện thủy chung trọn đời”.
Trong tập thơ mới xuất bản này, tôi thích bài thơ “Ai ra xứ Huế đừng quên” viết theo thể thơ lục bát. Tứ thơ, hình ảnh thơ đã lưu dấu những kỉ niệm thân thương khi chị về Huế với tà áo dài thướt tha ngắm nhìn dòng Hương diễm lệ.
AI RA XỨ HUẾ ĐỪNG QUÊN
Nhớ ngày về với Huế thương
Cùng em ra bến sông Hương du thuyền
Đêm về cảnh sắc bình yên
Đèn màu lấp lánh Trường Tiền mộng mơ.
Thuyền rồng không để khách chờ
Khởi hành chầm chậm, giọng hò vang xa
Ơi tà áo tím thướt tha
Anh chìm trong khúc Huế ca mơ màng.
Khách du thuyền thả hoa đăng
Mặt sông in cả bóng trăng diệu huyền
Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền
Dáng người em gái dịu hiền dễ thương.
Câu hò điệu lý yêu thương
Hòa trong tiếng nhạc vấn vương tơ lòng
Vọng về nét đẹp vàng son
Cung đình xưa đã rêu phong bụi mờ.
Vẫn còn đây Huế và thơ
Sông Hương núi Ngự vẫn chờ đợi ai
Anh đi từ bấy đến nay
Mà lòng nhớ mãi những ngày bên nhau.
Nhớ câu ca Huế ngọt ngào
Hẹn ngày trở lại cùng nhau du thuyền.
Ai ra xứ Huế đừng quên
Con đò nũng nịu bắt đền – chia tay
(Thì thầm tiếng gió – Nguyễn Thị Phương Nam)
“Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa tình”, ai đến Huế rồi cũng gửi lại Huế những thi phẩm với cảm xúc trữ tình để rồi Huế mãi được danh xưng truyền tụng là thành phố thơ. Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam cũng không ngoại lệ. Nhà thơ viết về Huế từ cái nhìn gần gũi thân thương: bến sông Hương, câu hò điệu lý… với cái nhìn thưởng lãm và chị đã chọn đối tượng trữ tình là anh và em để gia tăng chất lãng mạn: “Ai ra xứ Huế đừng quên/ Con đò nũng nịu bắt đền – chia tay”. Nhịp 2/2/2 ở cặp câu lục bát cuối bài thơ được nhấn bởi sử dụng lối đẩy dòng và dấu nối ngang như là sự dùng dằng, tiếc nuối, và lưu luyến. Đó là cảm xúc trữ tình chan chứa trong tâm hồn thi nhân, bởi mỗi khoảnh khắc dừng lại trên đất Huế đều để lại trong lòng nhà thơ những rung cảm khó quên.
Hình ảnh thơ chỉ như là điểm xuyết: “bến sông Hương”, “Đèn màu lấp lánh Trường Tiền”, “tà áo tím thướt tha”, “Câu hò điệu lý’, “Sông Hương núi Ngự”… mà chứa đựng trong đó những nét đặc trưng về Huế, những nét riêng khó lẫn với bất cứ một vùng đất nào. Tài thơ của thi nhân bộc lộ qua tứ thơ giản dị mà hàm chứa ý tứ sâu xa, bởi cái tâm của người thưởng lãm vừa bồi hồi, xúc động, vừa như được khơi dậy từ những kí ức tiềm tàng về một miền đất đẹp như một lẵng hoa.
Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam (bên phải) với biên tập viên Nam Hiệp của VOH trong chương giới thiệu tập thơ “Thì thầm tiếng gió”
“Khách du thuyền thả hoa đăng/ Mặt sông in cả bóng trăng diệu huyền/ Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền/ Dáng người em gái dịu hiền dễ thương.” Đến Huế, du khách có thú vui tao nhã là khi du thuyền trên sông Hương vừa lắng nghe điệu Nam Ai, Nam Bình; vừa thả đèn hoa đăng… Và khi thú vui tao nhã đó được thi nhân lưu lại bằng những hình ảnh lung linh, huyền ảo giữa bóng trăng, mạn thuyền, sóng vỗ và hình ảnh em gái dễ thương bằng 2 cặp câu thơ lục bát thì quả là tài hoa. Trong thơ như có họa “Mặt sông in cả bóng trăng”; trong thơ như có nhạc “Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền”; mà thơ và nhạc ở đây còn trữ tình và lãng mạn, bởi hình ảnh “em dịu hiền dễ thương” đã làm cho bức tranh tâm cảnh thêm sinh động.
Xúc cảm mượt mà vẫn trôi chảy giữa kí ức và thực tại: “Câu hò điệu lý yêu thương/ Hòa trong tiếng nhạc vấn vương tơ lòng/ Vọng về nét đẹp vàng son/ Cung đình xưa đã rêu phong bụi mờ”. Nghe “câu hò điệu lý” mà nhớ về một thời tôn nữ, nhớ về cố cung, mỗi cặp câu lục bát với lối gieo vần bằng và lối diễn đạt chọn lọc đã mang lại cảm giác an nhiên khi vọng tưởng về cố cung, dù có nhiều luyến tiếc về một thời vàng son giờ đã “rêu phong bụi mờ”. Có lẽ đây là những vần thơ dung dị khi viết về Huế mang nét riêng của nhà thơ; càng đọc kĩ càng nhận ra bút lực dồi dào của thi nhân, dường như Huế đã là nơi nhà thơ nhớ nhung, đợi chờ, hò hẹn.
“Vẫn còn đây Huế và thơ/ Sông Hương núi Ngự vẫn chờ đợi ai/ Anh đi từ bấy đến nay/ Mà lòng nhớ mãi những ngày bên nhau.”. Ngọt ngào trong thi tứ, dìu dặt trong giọng điệu, là thơ mà như tự sự, độc thoại, rồi đối thoại; đối tượng trữ tình là anh như là nơi nhắn gửi, tâm tình, vì “Sông Hương núi Ngự vẫn chờ đợi ai”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam đã rất mới trong thi tứ với thể thơ lục bát quen thuộc, với thi ảnh quen thuộc; cái mới là ở lối viết mượt mà, trôi chảy bởi dường như Huế đã đằm sâu trong chị một tình yêu tha thiết. Tôi nhớ, lần gần đây chị về Huế, nhắn nhủ, hẹn hò cùng tôi trò chuyện, dù ngắn ngủi, dù chỉ là chốc lát, nhưng tôi đã nhận ra tình cảm chân thành ở chị. Một tình cảm tha thiết với thơ, với bạn bè như thế cũng là lý do để chị có thi phẩm “Ai ra xứ Huế đừng quên” với giọng thơ ngọt ngào, với thi ảnh gần gũi, thân quen đã được làm mới bởi tài thơ của chị.
Huế, 15/11/2022
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Anh Đức như tôi đã biết Nhà văn Anh Đức bị đột quỵ cách đây hơn mười năm, bị hôn mê sâu đến 20 ngày. Nhờ các bác sĩ tận tình cứu...