Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Lời thỉnh cầu từ đất - Thơ là khát vọng

Lời thỉnh cầu từ đất
Thơ là khát vọng

Tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Tiến Nên mẫn cảm, yêu thương và những tứ thơ giàu lòng nhân ái được anh viết ra bằng sự trải nghiệm, suy tư và đối chứng…
Chọn tên bài thơ “Lời thỉnh cầu từ đất” làm tựa đề cho tập thơ xuất bản vào năm 2023 với 51 tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Tiến Nên đã chứng minh “Thơ là tự truyện của khát vọng” (J.Michel Manlpose). Đề tài trở đi trở lại trong thơ anh là biển đảo (Gửi đảo xa, Trước “Sóng”, Với những con tàu…); là quê hương (Bức tranh chiều Đá Nhảy, Âm thanh mùa màng, Cây lúa đợi, Xao xuyến cua đồng, Em vẫn thân cò, Mùi quê…); là muôn kiếp nhân sinh gặp nhiều trắc trở, éo le của số phận (Những hoài niệm không tên, Người đàn bà kéo bóng mình, Bài học từ em…). Cái nhìn của thi nhân nhân ái, yêu thương trong thi hứng.
Có lẽ cuộc sống ở miền biển Cảnh Dương – một xã biển bề thế nhất nhì miền Trung, cùng những bước chân không mỏi với những phóng sự, ký sự cho rất nhiều trang báo đã nuôi dưỡng trong tâm hồn nhà thơ Nguyễn Tiến Nên những rung động sâu sắc, những say mê khác thường và anh muốn bộc lộ những “tự truyện” khát vọng của mình bằng thơ.
“Thơ trước hết là cuộc đời…”, từ câu chuyện bất ngờ về sự ứng nghiệm trong tác phẩm “Hồi sinh và bất tử” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến; trong Nguyễn Tiến Nên đã xuất hiện một ý nghĩ mới, nhà thơ muốn tự sự bằng thơ về những nghĩ suy, chất vấn, trăn trở: “neo vào trái tim vô số dấu hỏi/ kết nối hiện hữu hư vô/ anh nguyện cầu/ gửi gắm ý tưởng/ có sự linh ứng nào chăng?/ hai vật thể bất ngờ xuất hiện/ cây lá ngẩn ngơ/ bàng hoàng người chứng kiến/ nguồn sống đẫm sương đêm/ hotel năm sao lòng đất/ hơi thở ướp men thế kỷ/ hai ống xương hóa thạch thì thầm: nỗi đau lòng mẹ!/ bón chăm “khát vọng”/ nâng niu mầm đời/ phát sóng tầng tầng âm vực/ những nụ hoa vừa nhú/ rung rinh/ biết mình mọc từ đâu…/ (Lời thỉnh cầu từ đất).
Trong lần tham gia học tập tại lớp BDVVND – K16, gặp em Nghiêm Vũ Thu Loan, nhà thơ đã viết bài thơ “Bài học từ em” với những vần thơ giản dị, tự nhiên mà chan chứa tình cảm, trong anh luôn xuất hiện những vùng đau mới và “Bài học từ em” là nguyên cớ để anh giải bày: “Trong hàng trăm đôi tay/ cảm xúc vào trang giấy/ tôi thấy một đôi tay nhúng mùa đông/ háo hức từng phím chữ/ Đi qua hai mươi bốn mùa xuân/ phóng sinh đêm dài nội cảm/ “Giấc mơ thiên đường” em nuôi khao khát/ “Sáng hơn ánh mặt trời” chút hy vọng mong manh/ Như loài nhạn giữa tố giông/ em víu vào điều mong manh ấy/ cộng sinh đôi cánh chân trời/ vươn tới ước mơ…”
Bìa tập thơ “Lời thỉnh cầu từ Đất” của Nguyễn Tiến Nên – NXB Hội Nhà văn 2023
Tôi rất thích bài thơ “Bức tranh chiều Đá Nhảy” của anh. Danh thắng Đá Nhảy từng đi vào thơ của nhiều thi nhân bởi nơi đây vừa có vẻ kì vĩ của đá núi, vừa có nét quyến rũ của biển cả mênh mông. Là nơi mà nhà thơ dẫu có đi xa hay về gần đều luyến lưu, rung động; nên những vần thơ của anh vừa mới, vừa mượt mà, lắng đọng: “ai gom nắng sau cánh rừng/ trang điểm đôi má chiều bừng đỏ/ tôi với đá cứ dùng dằng lần lữa/ biển Lý Hòa rờ rỡ trước mắt tôi/ ngọn nồm về se sẽ vuốt ve/ dây muống biển mon men tình tự/ triều dìu dặt điệu “van” êm nhẹ/ đá mộng du/ hào phóng/ phăm phăm/ bao lứa đôi vào độ tròn trăng/ vùi nụ hôn ngọt ngào trong hoa sóng/ đàn nhạn si tình say giỡn bóng/ Đá Nhảy chiều trần thế hay tiên?/ ân ái cùng em dẫu bấy nhiêu/ thêm mê đắm những/ thăng trầm/ mòi mặn/ xin gửi hồn tôi/ vào bến bờ/ cánh chim/ cỏ cây/ gió nắng/ bức tranh muôn đời/ đằm thắm tình em”. Những câu thơ mở đầu bài thơ như thu hết thần thái, hồn vía của danh thắng Đá Nhảy, cảnh vật như thực như mộng hiện lên qua những câu thơ tài hoa: “ai gom nắng sau cánh rừng/ trang điểm đôi má chiều bừng đỏ/ tôi với đá cứ dùng dằng lần lữa/ biển Lý Hòa rờ rỡ trước mắt tôi…”. Những từ láy được sử dụng trong bài thơ đã làm nên giai điệu luyến láy trong nhịp điệu câu thơ, dường như trong thơ đã có nhạc.
Tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Tiến Nên mẫn cảm, yêu thương và những tứ thơ giàu lòng nhân ái được anh viết ra bằng sự trải nghiệm, suy tư và đối chứng: “hạnh phúc/ như khuông nhạc/ chưa ký nốt/ những ngày chênh chao/ thời gian/ em luộc/ lại/ mình/ anh gặp chuyện không may/ (có thể là dịp tốt)/ em biết trở về/ kéo anh ra khỏi cơn thập tử/ anh không thể cài then lòng mãi mãi/ khi màu hồng trong em/ tái sinh”. (Tái sinh 2). Bài thơ kín đáo bày tỏ cảm xúc biết ơn từ “em” – đối tượng trữ tình và kết cấu tứ thơ khá bất ngờ: vì anh gặp chuyện không may thì mới hiểu thêm về em – một kiểu tái sinh hạnh phúc.
Rong ruổi, hăm hở với cái nhìn đậm chất phóng sự của nhà báo, tâm hồn anh đã có những rung động, liên tưởng, thấu hiểu nhân sinh và đặc biệt là khát vọng về cái thiện, cái đẹp đã hoài niệm thành thơ: “cưỡi bão giông/ những con rồng gồng mình giữa lằn ranh/ chân trời và/ thủy táng/ cha như bóng câu một chiều/ gió tứ phương tả tơi vành/ nón mẹ/ góc lớp lùi thùi/ chú dế cụp râu/ bao ánh mắt sắc lạnh/ chực chờ băm bổ/ trái cau non/ bao nỗi đau hoài nghi/ lặng thầm/ đối mặt/ mẹ nuốt tháng năm lầm lũi/ gạch nối/ con vào đời/ gặp lại trên bến K15/ vô số hình ảnh vô số âm thanh/ những hoài niệm không tên/ như những con tàu không số/ sóng ngồn ngộn vỗ vào không gian/ day dứt khôn nguôi/ bên những khóm hoa kiểng/ đàn trẻ mãi chơi lò cò… ”  (Những hoài niệm không tên). Lớp lớp hoài niệm hiện về trong bài thơ chỉ với 24 dòng thơ, lối ngắt khổ thơ (7 khổ) đã phát huy hiệu quả cho kết cấu các mạch cảm xúc; cảm xúc đan cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghi ngại và cảm thông, giữa đau thương và hi vọng. Bài thơ đọng lại trong ta bao trăn trở bởi tín hiệu thẩm mĩ “trên bến K15”. Đây cũng là lối đi riêng của cây bút viết báo với “ngồn ngộn thông tin” về bến tàu nơi xuất phát của “những chuyến tàu không số”; mỗi thi ảnh xuất hiện trong bài thơ chỉ như một tia chớp, nhưng nếu đọc kĩ, ngẫm kĩ sẽ nhận ra thân phận con người thời chiến.
Ký ức hiện về trong thơ anh là những “hoài niệm không tuổi”, những thi ảnh xuất hiện trong bài thơ “Vùng ký ức” như những thước phim tour nhanh, bỏ qua trình tự; từ chuyện các trò chơi trẻ con, đến chuyện mùa màng, chuyện hương bưởi… có trẻ thơ, có trưởng thành, có bóng mẹ… đó là những rung động, say mê: “thỏa chí với cung trời/ tôi trở về lặn vào vùng ký ức/ dấu tích mùa màng ve vuốt thịt da/ hoài niệm bừng bừng sinh nở/ trò chơi tuổi thơ khéo tìm tâm điểm/ mỗi bận xung phong cả lô cốt dậy trời/ bắt gặp ổ trứng gà như nhà có tết/ gặp nụ hôn súng chuối đã lên nòng/ trận đánh tạm ngưng/ đêm giã biệt/ tôi mang theo/ hương bưởi/ hành trang một thời/ quấn quýt rạ rơm/ bóng mẹ tảo tần/ cây bao lần đổi lá/ hoài niệm không tuổi”.
Cảm xúc thơ của anh nhẹ nhàng mà lắng đọng, được viết ra bằng cảm nhận trực tiếp trong những chuyến đi xa: “Trên đồng tỏi Lý Sơn/ ai đã trồng những hàng cây khác giống/ Người nông dân rời yên ngựa/ mười ngón tay nhẩy nhót điệu đà/ những hàng cây xoè ô trên ruộng/ Âm thanh mùa màng xôn xao trong mắt lão nông/ rì rào quanh những ngôi mộ gió!” (Âm thanh mùa màng). Câu thơ “Người nông dân rời yên ngựa” diễn đạt giản dị mà ý nghĩa sâu xa.
Trong 51 bài thơ ở tập thơ này, anh đã cố gắng làm mới thể loại bằng những câu thơ ngắt dòng dài ngắn không giống nhau với nhịp thơ tự do, bằng cái nhìn mang đậm cá tính sáng tạo. Anh đã khá thành công khi có những bài thơ có khổ kết khá hay, đọc xong khổ kết, dường như tứ thơ đã sáng rõ, nhờ thế mà tuy bài thơ đã hết nhưng ý tình chưa hết, có những bất ngờ và mới mẻ.
Bài thơ “Vịn” thời @ được viết với kết cấu chặt chẽ ở 6 khổ thơ đầu: “Tôi vịn đêm mẹ thức…/ Tôi vịn dáng cánh buồm…/ Vịn vào tôi…/ vịn vào em…/ Tôi vịn ngày hạ cháy…/ Tôi vịn từng chiều đông…”; mỗi khổ thơ gói trọn một niềm tin xác tín vào các điểm tựa từ mẹ, từ em, từ quê hương…: “Biển sông vịn vào núi/ ôm trọn những mạch nguồn/ tôi vịn chữ @/ đời kết nối muôn phương” rồi đột ngột chuyển mạch vào hai câu kết: “Vịn lấy những chiều quê/ thấy đời mình xuống chậm”. Câu thơ quen thuộc của Phùng Quán “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” như đóng đinh vào thơ ca Việt về lòng tin tuyệt đối vào thơ; và nhà thơ Nguyễn Tiến Nên đã sử dụng động từ “vịn” theo lối riêng của mình, bài thơ đã lẩy ra điểm bất ngờ từ cái nhìn riêng: “Vịn lấy những chiều quê/ thấy đời mình xuống chậm”. Vịn lấy những chiều quê bởi “Mùi quê” đã ám vào tâm hồn, đi không đứt, níu lấy mà hít hà: “Mùi ngô lúa giao hoan trong gió sớm/ mùi rạ rơm áo mới nắng chiều/ làn khói cha ôm ngôi làng ve vuốt/ hoa lá khoe hàng khiêu khích bướm ong…/  tôi nhận ra mùi quê nao nức/ trong huyết quản mình” (Mùi quê).
Nhà thơ đã tự tình chân thật, hồn nhiên trong bài thơ “Tin”: “thế kỷ trước/ anh đâu dám mơ làm chủ một phần mềm/ ngu ngơ trước chat game/ dọc ngang ngoài phố” – người đi qua hai thế kỷ không giấu giếm, chân thật đến tận cùng với câu chữ, đam mê cùng thơ, trẻ trung cùng thơ và vững tin vào khát vọng sẽ thành thơ: “tuổi cổ lai hy/ trở thành chủ nhân bàn phím/ những destop laptop/ oshin tận tụy/ vẫn không dễ dàng có một câu thơ/ như ý/ nhưng anh tin khi hóa thành loài nhạn trắng/ biển sẽ hát cùng anh”. Khao khát, say mê cùng thơ, nhà thơ vẫn ao ước: “tôi có thể đo chiều sâu của đêm/ bằng ca từ mỹ cảm/ đếm sợi nắng ngày/ bằng chuỗi ký tự trong thơ/ có thể lường đong sông biển/ bằng trăng sao cường kiệt con triều/ để kiểm soát cánh rừng/ tôi đành hỏi lưỡi hái phù thủy/ và tự vấn ca từ trăng sao ký tự…/ đều bất lực chăng?/ nhưng tôi tin khi ngào thơ cùng nắng mai/ sẽ trả lời tôi tất cả. (Có thể và không thể). Đam mê cùng văn chương, hăm hở viết và luôn ý thức làm mới chính mình trong mỗi bài thơ, nhà thơ đã giãi bày: “có đôi cánh rồi/ tôi phải học/ cách bay/ cách hót/ bay theo đàn/ hót tiếng/ đồng loài/ và giọng/ của/ riêng tôi” (Mọc cánh). Thi nhân mong ước: giá mình có đôi cánh, và rồi chợt tĩnh tâm để thức tỉnh dù có bay theo đàn thì cũng phải là giọng của riêng tôi – đây là cá tính, là bản lĩnh và cũng là cái nhìn riêng của nhà văn.
Trong thơ anh có nhiều từ láy, từ ghép, đảo từ khá lạ: mon men – “dây muống biển mon men tình tự”, “mòi mặn” (Bức tranh chiều Đá Nhảy); ngưỡng ái – “chỉ muốn dành con ngưỡng ái” (Ngọn gió lành); ướp men – “hơi thở ướp men thế kỷ” (Lời thỉnh cầu từ đất); “góc lớp lùi thùi” (Những hoài niệm không tên); ngào thơ – “nhưng tôi tin khi ngào thơ cùng nắng mai” (Có thể & không thể)… Mỗi nhà văn khi sáng tác không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, ngôn ngữ sáng tạo có độc đáo hay không, được thừa nhận hay không tùy thuộc vào tài năng của nhà văn và sự tiếp nhận của độc giả.
Tôi từng viết trong lời giới thiệu về tập thơ “Tái sinh” của anh là tuy anh đến với văn chương hơi muộn so với tuổi đời, nhưng dẫu ở độ tuổi nào thì văn chương luôn mới mẻ, là điểm tựa tâm hồn cho con người vượt qua bão giông. Nhà thơ Nguyễn Tiến Nên đang ở độ tuổi mà có những khả năng khác biệt, tinh tế và sắc bén hơn so với khi còn trẻ và anh đã “tự tri giả minh” – tự biết về mình, nên những vần thơ của anh đã chứng minh “Thơ là tự truyện của khát vọng” – “Người xưa dạy dùng người như dùng gỗ/ theo lời cổ nhân/ phải lủa cây bằng mắt/ nhìn dó biết có trầm/ sau va đập thiên nhiên/ đục khoét loài sâu kiến/ dó biết dồn sinh lực/ nuôi dưỡng bào thai/ Khi miếng trầm được tạo/ tự nó biết hết mình/ phân thân tận tụy/ vì cõi nhân sinh” (Biết).
Huế, 5/6/2023
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió… Nhà thơ Nguyễn Phong Việt là hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980 tại Phú Y...