Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Thơ của niềm "Trinh tĩnh" đầu nguồn

Thơ của niềm "Trinh tĩnh" đầu nguồn

Tôi cho rằng toàn bộ thơ Trần Hùng, thật nhất quán, đều sáng lên vẻ đẹp của niềm “trinh tĩnh” đầu nguồn. Chữ “trinh tĩnh” được chiết xuất ra từ bài thơ “thời gian”, (“Thảm thắc”, NXB Hội nhà văn, 2015, tr.21), nằm trong câu thơ: “niềm trinh tĩnh vỡ òa”. “Trinh tĩnh” là một sáng tạo ngôn từ của nhà thơ, biểu đạt sự hòa phối của hai trạng thái: thanh khiết và tĩnh lặng. Rất lạ, sống trong một đời sống bụi bặm và hỗn độn này, nhà thơ chỉ quan tâm tới những gì thuộc về thanh khiết và tĩnh lặng yên lành…
Nhà thơ Trần Hùng vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022
Trong cách thế hiện hữu giữa đời sống văn chương, mỗi nhà thơ sẽ có những lựa chọn khác nhau. Có người thích là nhân vật của đám đông. Có người lại chọn lối lánh đời gần như là ẩn dật. Có người linh hoạt hơn, tùy những lúc khác nhau, có thể thế này thế khác… Ngay cả chuyện  viết cũng vậy. Có người viết chậm, viết khó như người đàn bà hiếm muộn. Có người lại mắn đẻ, cứ sòn sòn lớn bé chào đời. Còn nói về chuyện công bố tác phẩm thì có người chọn lối xuất bản càng nhiều càng tốt. Có người lại in ấn đến mức dè xẻn… Thôi thì cũng là do cái tính cái tạng của mỗi người mà ra cả, khó bảo cái nào hơn kém cái nào.
Nhà thơ Trần Hùng từ lâu đã cắm chắc đời mình ở mảnh đất Cao Bằng, yên thân yên phận với mảnh đất này. Trần Hùng cũng là người viết chậm, viết không nhiều. In ấn đối với nhà thơ lại càng tiết kiệm. Không phải ông không có khả năng di chuyển nơi chốn khác hoặc  làm khác về những điều vừa nói. Vấn đề là ở chỗ ông chủ động lựa chọn như vậy, và thấy con người mình hợp khuôn với những lựa chọn ấy. Ngay cả điều này cũng cần một độ quyết liệt cần thiết, để mình không bị phân tâm hoặc bị khác đi cái bản ngã của mình, để được là chính mình.
Cứ thế, Trần Hùng đã tạo dựng một cá tính thơ đặc sắc, không lẫn trong diện mạo thơ đương đại.
Tôi cho rằng toàn bộ thơ Trần Hùng, thật nhất quán, đều sáng lên vẻ đẹp của niềm “trinh tĩnh” đầu nguồn. Chữ  “trinh tĩnh” được chiết xuất ra từ bài thơ “thời gian”, (“Thảm thắc”, NXB Hội nhà văn, 2015, tr.21), nằm trong câu thơ: “niềm trinh tĩnh vỡ òa”. “Trinh tĩnh” là một sáng tạo ngôn từ của nhà thơ, biểu đạt sự hòa phối của hai trạng thái: thanh khiết và tĩnh lặng. Rất lạ, sống trong một đời sống bụi bặm và hỗn độn này, nhà thơ chỉ quan tâm tới những gì thuộc về thanh khiết và tĩnh lặng yên lành.
Nhưng niềm trinh tĩnh này nằm ở đâu, thuộc về đâu? Hóa ra trong thi cảm của Trần Hùng, niềm trinh tĩnh chỉ có thể tìm thấy trong vẻ đẹp đầu nguồn, tức là những thứ thuộc về khởi nguyên, ban đầu, nơi bắt đầu, vẹn nguyên, nơi lần đầu tiên cất tiếng. Đó là tiếng nói của tuổi thơ, quê hương, của tình yêu, tình bạn, của không gian thiên nhiên, phong cảnh. Tất cả được hòa phối, làm nên một vẻ đẹp tinh khôi, lặng lẽ. Chẳng phải tuổi thơ và thiên nhiên tự ngàn đời nay vẫn là nơi lưu giữ những vẻ đẹp đầu nguồn trong suốt đó sao!
Cho nên, có thể nói rằng Cái đẹp, hay là mỹ học Trần Hùng chính là niềm trinh tĩnh đầu nguồn. Như một xác tín mang quyền năng chi phối toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Trần Hùng. Điều này được trải ra trên ba điểm cốt lõi: những hồi cố vọng về thực tại, những bức tranh tâm cảnh; và cuối cùng, không gian vườn như một kết tinh nghệ thuật.
1. Những hồi cố vọng về
Nguồn thi cảm  khởi đầu  được cất lên từ thì hiện tại. Nhưng không dừng ở hiện tại, không thu gọn trong hiện tại, mà Trần Hùng thường quay ngược về quá khứ, trải lòng trong những hồi ức với nhiều liên tưởng phong phú, bất ngờ.
Việc quay ngược về quá khứ thường rất phổ biến trong thơ ca từ cổ chí kim. Tuy nhiên, quá khứ hiện lên ở mỗi người mang theo những giá trị khác nhau. Có thể là nỗi đau, nỗi tiếc, nỗi hờn trách, sự thức tỉnh, có thể là ý niệm về cái vô thường…Riêng ở Trần Hùng, quá khứ vọng về như là cách được tái sinh, được sống lại, được triển nở thêm lần nữa.
Đây là nỗi nhớ cánh đồng hoa cùng người con gái ngày nào: “Tôi nhớ hoa đồng nhỏ bé/ bông hoa thoảng hơi bùn/ cả cánh đồng hoa nở thản nhiên/ riêng em nở về tôi, tự nhiên như trời cho” (“Nhớ hoa”, Thảm thắc, tr. 135)
Đây là nỗi nhớ mùa thu: “Mây lang thang/nhớ mùa thu rất xa/từ khu rừng cổ/nơi dòng nước mỏng mảnh/nhỏ từng giọt thời gian trong suốt” (“đồng hồ mùa thu”, Thảm thắc, tr. 25).
Còn đây là nỗi nhớ người yêu:: “anh yêu em như mưa trên sông/anh không em như gió hoang trên đồng/ước gì em là chim nhỏ cánh ướt/ngày ngày nhặt từng hạt thời gian anh” (“Nhắn tin cho diễm xanh”, Vườn khuya , tr.57).
Có khi, nhà thơ tìm ngược về quá  khứ theo cách gọi hồn. Những con người, khung cảnh quá khứ cứ thế theo về: “Về đây/ những dấu chân lấm láp phù sa/ nắng hanh hao vườn chè vạt mía/ qua thác cao bão nước/ niềm trinh tĩnh vỡ òa” (“Thời gian”, Thảm thắc, tr.21). Gọi hồn là một nghi thức tín ngưỡng dân gian. Khi tiến hành gọi hồn, người ta tin rằng cái thể phách không còn nữa, nhưng cái hồn vía, tinh anh sẽ còn và sẽ trở về cùng thực tại. Cái được gọi phải là những giá trị hết sức thiêng liêng đối với người gọi. Có lần, nhà thơ Trần Hùng tiến hành “gọi nguồn”, Thảm thắc, tr.147) với những cảm xúc nhớ nhung, tiếc nuối:
Người ơi về đi (…)
Trở về đi ngày xưa nu na nu nống
Con thuyền tăm tắp hàng chân non trắng
bãi bờ ngô đã trở mình, phấn ngô bay
cây gạo cao sáo cũng đã về     
(…)
giờ người ở đâu
họa mi đang gắng lên hồi cuối
hãy về đi”.
Nhân vật trữ tình cất tiếng gọi một “em” nào đó, trong khung cảnh thiên nhiên thanh sạch, động cựa, bừng thức. Cả vẻ đẹp tâm hồn, cả vẻ đẹp của khung cảnh đều thuộc về những giá trị đầu nguồn trong veo, thanh sáng, không hề thấy chất bụi bặm của niềm tục lụy.
Hầu như phần lớn các bài thơ của Trần Hùng đều là tiếng hồi nhớ, tiếng vọng của quá khứ thức dậy. Có quá khứ thuộc tình yêu. Có quá khứ thuộc tuổi thơ. Có quá khứ thuộc quê hương bản quán…Nhưng dù thế nào đi nữa, những mảng màu quá khứ được phục sinh lần nữa trong vẻ trinh tĩnh nguyên khôi. Trong tâm hồn nhà thơ, quá khứ không chịu kết lắng, mà thỉnh thoảng quẫy lên, sáng lên như tiếng vọng thì thầm. Hồn thơ Trần Hùng ít (chứ không phải là không) quan tâm đến thì hiện tại có tính xã hội. Hay nói cách khác, có thể đây là một biểu thị thái độ đối với thực tại của nhà thơ chăng? Và cũng có thể đây là cách để “Đi tìm thời gian đã mất”? Không thể đòi hỏi nhà thơ cứ nhất thiết phải thế này thế khác. Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một cách nhìn thế giới. Về điểm này, Trần Hùng có chút gì đồng điệu với nhà thơ Mai Văn Phấn. Họ gắn bó với thế giới này theo cách của riêng họ.
Khi những hồi ức đẹp được đánh thức trong tâm hồn con người, tự nó có ý nghĩa thanh tẩy tinh thần, dẫn chiếu con người hướng đến những giá trị, những vẻ đẹp cao quý. Thơ Trần Hùng, khi trực tiếp nói ra như những câu thơ dưới đây hoặc khi không nói ra, vẫn xem hổi ức như một thứ dưỡng chất tinh thần nuôi nấng tâm hồn và nhân cách con người:
“cố hương ơi/ nếu không nhong nhong ấu thơ, không lùm tre lân tinh, không những đêm trăng ướt, ngày ngày rực nắng, ta đã chết rồi/ta đâu còn ngồi nhìn con đau ngủ/ta đâu còn mơ mơ bàn tay nhỏ/ta đâu còn chờ người đàn bà xây lưng về hoàng hôn (“Cố hương”, Thảm thắc, tr.147).
2. Những bức tranh người – cảnh cộng sinh
Với một mật độ dầy đặc, thiên nhiên đã đi vào thơ Trần Hùng bằng một con đường tự nhiên nhất. Có thể nói, mỗi bài thơ là một bức tranh sống động, trong đó hiện lên thế giới thiên nhiên, phong cảnh trong mối quan hệ tương giao, quấn quýt với con người. Như trên đã nói, cảm xúc thơ Trần Hùng thường vận động ngược về quá khứ, nên những gì hiện lên trong thơ tựa như một bức tâm cảnh, nghĩa là khung cảnh thuộc quá khứ, khung cảnh được nhớ lại, được chắt qua lớp rây lọc của hồi nhớ nội tâm. Vì thế, những bức tâm cảnh ấy bao giờ cũng được phủ lên một không khí lặng lẽ, mơ màng.
“Dưới vòm đêm hương đất dịu dàng lan tỏa
hoa ru im ánh trăng
se sẽ ánh sáng tươi trong
se sẽ vòm đêm tươi trong
đâu đây rơi tiếng lá cuối cùng
dư âm mịn màng thấm vào trong đất
ánh sáng mơ màng thấm vào trong đất
chỉ hoa trắng ru im
lối về thiêm thiếp” (“Lối trăng”, Thảm thắc, tr.133)
Hàng loạt những từ dịu dàng, ru im, se sẽ, rơi tiếng lá, mơ màng, thiêm thiếp cộng hưởng lại, dựng lên một bức tranh đặc tả con đường dưới ánh trăng, thời gian như ngừng lại, chỉ còn sự trinh tĩnh vĩnh hằng. Trong bức tranh này, con người tuy vẫn có mặt, nhưng không lộ diện, được ẩn đi, nhường chỗ cho thiên nhiên hiện lên toàn phần. Bài thơ đưa lại cảm giác như bức tranh mầu với các đường nét, cường độ ánh sáng, hơi thở của thiên nhiên dâng phủ lên mặt toan vậy.
Ở một biểu đạt khác, “Mơ quê” (Thảm thắc, tr.117) cũng phục dựng một tâm cảnh trong mơ, đồng nghĩa với ám ảnh, nỗi nhớ. Con trâu, bó lạt, lưỡi hái, con đỉa, con cua càng, con dế mèn, cánh đồng, dòng sông, đống dấm, sách đèn, vở mực, bàn tay, em… đồng loạt hiện lên trong cơn mơ có phần như thảng thốt, vô trật tự, có cả những phi lý. Câu thơ “có đàn voi bay nằm ăn lá ké” là một câu thơ thật bất ngờ, đặc sắc, mang  tính siêu thực. Tất cả thêu lên một bức tranh quê sống động, chi tiết, nhưng cũng vô cùng trinh tĩnh, phi thời gian, ngưng đọng, hiện hình.
Thơ Trần Hùng về cơ bản chỉ chăm chú biểu đạt thời gian quá khứ như một đại lượng lớn bao trùm, ít dừng lại ở thì hiện tại, và không sử dụng thì tương lai. Trong các bức tâm cảnh cụ thể, hầu như sự chuyển động của thời gian bị tước bỏ, chỉ còn là trạng thái dừng lại, ngưng kết. Khi đó, sự sống thiên nhiên và con người đồng hiện.
Một câu hỏi đặt ra đối với các nhà nghệ sĩ: tương quan giữa con người và thiên nhiên trong tranh sẽ được xử lý như thế nào? Với họa sĩ, đây là một câu hỏi thiết yếu. Nhưng trong thơ, không hẳn nhà thơ nào cũng ý thức được về điều này. Nếu nhìn sâu hơn, nó còn phụ thuộc vào khung cảnh văn hóa của mỗi dân tộc và mỗi thời đại.Thí dụ, nhìn một cách tổng quát, mỗi một loại hình/thời kỳ văn học có cách xử lý vấn đề này khác nhau. Trong văn học dân gian, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên về cơ bản theo tinh thần “thiên nhân hợp nhất”, chưa tách con người ra khỏi thế giới tự nhiên, đồng nhất mình với tự nhiên. Đến văn học trung đại, thiên nhiên được hiểu như một sự cảm ứng tương giao “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Sang văn học hiện đại, lấy con người làm trung tâm, thiên nhiên thường bị biến thành phông nền, phương tiện cho con người. Tất cả buổi chiều mộng, cây me, cặp chim chuyền, mây biếc, con cò… trong bài Thơ duyên (Xuân Diệu) tạo nên một bức “thu êm”, “chiều hôm ngơ ngẩn”, tất cả như đồng lõa, như xúi giục khiến “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Ở đây, hóa ra thiên nhiên được tinh thần phân tích phương Tây biến thành phương tiện của con người, thiên nhiên là nền cảnh và con người là trung tâm điểm.
Thế hệ sau Thơ Mới, một số nhà thơ đã có cách xử lý khác. Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Hùng được xem như đồng dạng, coi thiên nhiên như một niềm hoài nhớ, tiếc nuối, mất mát tuy cường độ mỗi người mỗi vẻ. Mai Văn Phấn có  khác các thi sĩ kể trên, phần lớn ông nhìn ngắm và biểu đạt thiên nhiên ở thì hiện tại, theo lối trực họa, mang tính chất bạo động và nhục cảm: “Sau cơn mưa dáng cây thon nhỏ/Mướt xanh hai mặt lá/Bàn tay lá ấy luôn mềm//Tiếng chim bách thanh tung lưới/ Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si/ Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…/ Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu//Mắt em lóng lánh khắp nơi khép lại// Anh bước lên vạt nắng/ Một con thuyền ban mai/ Em bảo hãy chờ để khóa chặt cổng” (“Vườn em”). Tuy nhiên, các thi sĩ kể trên, về cơ bản có chung một cách cảm nhận thiên nhiên và ứng xử với thiên nhiên: con người và thiên nhiên là một mối quan hệ cộng sinh, tương thuộc, chung sống hài hòa. Đây là một điểm rất mới so với thơ Việt truyền thống . Ở thời kỳ văn học chiến tranh, cái nhìn coi thiên nhiên như một phương tiện không chỉ nằm trong địa hạt tình yêu như tiền nhiệm của nó là Thơ Mới, mà còn được hình dung như vũ khí chiến đấu tiêu diệt kẻ thù: “Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí” (Tố Hữu). Các thi sĩ hậu chiến, bằng một cảm quan mới về sinh thái, họ đã biểu đạt thiên nhiên và con người trong mối quan hệ tương đối quân bình, hài hòa, không sa vào chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentrism), nơi coi con người là vị trí số một và lấy con người làm thước đo vạn vật trong vũ trụ.
Trở lại với thơ Trần Hùng, cảm quan về sự sống cộng sinh giữa con người và thiên nhiên có mặt trong bất cứ bài thơ nào. Bài “Như mơ” (Thảm thắc, tr.131) chính là một bức tranh vấn vít, hòa phối giữa người và cảnh: “Cơn mưa đêm tung vó/ những hạt mưa vỡ sáng/và ngọn phồn linh đã thắp lên/ mở to trên lá nước buồn như mắt/ bao nhiêu tươi tốt bao nhiêu sinh lực/ khúc hoan ca dâng hiến/ và chim đêm đã chuyền/và suối đã dòng…// Nhưng em không nói/ nhưng em không lại/ em rùng mình như cây sau mưa/ em đến thật rồi em đi thật rồi sao/ vẫn còn đây đầm đìa những cánh hoa/ vẫn còn đây dấu chân trần đẫm nước/ bậm những ngón hồng bé bỏng/ và kiêu hãnh”. Bài thơ chan chứa một tình yêu non trẻ, thanh khiết, platonic. Có lẽ, chỉ khi để cho thiên nhiên tham dự vào tình yêu, cuộc yêu, thì sự biểu đạt mới mang vẻ đẹp thuần khiết, thiêng liêng được. Không gian xã hội thế tục dễ vấy bẩn lên tình yêu, hẳn vậy.
Nhà thơ rất  hay thiết lập các tương quan so sánh, phần lớn là tương quan giữa con người và thiên nhiên, theo cách: “mình lặng im trong ngõ/mơ màng như hai trái ổi đêm” (“Mùa đom đóm”, Thảm thắc, tr.107). Nhưng có khi tác giả cũng tiến hành đảo ngược lại, trao cho thiên nhiên địa vị là cái so sánh, nhân hóa mang tâm trạng  người:
– mở to trên lá nước buồn như mắt (“Như mơ”, Thảm thắc, tr.131)
– mùa đông rồi sẽ qua/ đừng ánh trăng cửa sổ/ đừng thì thầm nắng non (“Ánh lên gương mặt”, Thảm thắc, tr.5)
– mắt trời như say (…) /trái bòng non nông nổi/lăn về (“Mùa hè ấy”, Thảm thắc, tr.71)
-“cho mùa vân tay” (“Mùa vân tay”, Vườn khuya, tr. 63)…
Dù ở tương quan nào, thiên nhiên cũng có mặt với một mật độ bao phủ, tham gia vào biểu đạt tâm trạng, mở rộng liên tưởng, làm nhòe nghĩa, và luôn luôn mang niềm trinh tĩnh đầu nguồn. Thiên nhiên trong thơ Trần Hùng như một sinh quyển-thi quyển với trữ lượng lớn phổ khắp, tràn đầy.
Để cắt nghĩa về điều này, đọc vào văn bản cùng với quan sát đời sống tiểu sử của nhà thơ, khiến tôi nghĩ tới mấy điểm: i, tuổi thơ của nhà thơ trọn vẹn trong vùng nông thôn những năm 50-60 của thế kỷ trước, nơi thể hiện đầy đủ vẻ đẹp nguyên sơ, đầu nguồn của môi trường sinh thái; ii, sau này, khi lớn lên, nhà thơ lại sống và gắn bó trọn vẹn với mảnh đất Cao Bằng và cả một vùng Đông Bắc bạt ngàn rừng núi, sông suối, cỏ cây… Thổ nhưỡng ấy đã nuôi nấng tâm hồn thi sĩ, và thi sĩ đã tìm đến thiên nhiên như một nguồn dưỡng chất dồi dào và lành tính. Đây cũng chỉ là một suy đoán vậy thôi. Nó không phải là một tất yếu. Có người sống ở đô thị mà vẫn cứ thiên nhiên, có người sống giữa thiên nhiên làng cảnh, núi rừng mà lại chẳng thiên nhiên chút nào… Âu cũng là do cái tông cái tạng của người nghệ sĩ. Và cũng có thể có hay không một sự thức nhận  đoạt quyền chi phối.
3. “Vườn” – một kết tinh nghệ thuật thơ
Rất dễ nhận thấy hình ảnh vườn với nhiều lặp lại, nhiều biến thể có mặt đầy rẫy trong thơ Trần Hùng: vườn chè vạt mía, bờ vườn hoe nắng, em hồn nhiên như lá cỏ trong vườn, rừng trăng, cánh đồng, vòm đêm, trăng vàng ươm khu vườn quả thơm trễ nải, vườn trăng, vườn khuya, khu vườn trống, vườn nắng, vườn người… Mảnh vườn là một không gian sinh hoạt thân thuộc của các gia đình người Việt truyền thống, với những cây cối, côn trùng, hoa trái bốn mùa. Khi đi vào thơ ca, từ dân gian cho tới thành văn, vườn đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa. Đặc biệt trong thơ Nguyễn Bính, vườn trở thành nơi hẹn hò thơ mộng, nơi bày tỏ nỗi nhớ, nơi chứng kiến những sự lỡ làng trong tình yêu… Đến Trần Hùng, vườn biểu đạt hai nét nghĩa: vườn biểu tượng cho nỗi nhớ cố hương, và vườn biểu tượng của tình yêu.
Cố hương, quê cũ. Người ta sử dụng cách nói này để chỉ những người vì lý do nào đó phải sống xa quê, xa trong khoảng cách địa lý, và xa cả trong thời gian, ít có dịp trở về. Trần Hùng có cả một bài mang tên “Cố hương” (Thảm thắc, 113) nói về nỗi nhớ, niềm ơn chịu đối với quê hương tuổi thơ của mình:
Cánh bướm vàng bay bay
phấn hoa cải vàng bay bay
cá trăng thiêm thiếp
ngó sen thiêm thiếp
ai còn nhớ rõ
những ngón tay đồng trinh lấm bùn từ khi nào
(…)
cố hương ơi
nếu không nhong nhong ấu thơ, không lùm tre lân tinh,không những đêm trăng ướt, ngày ngày rực nắng, ta đã chết rồi…
Ở một biểu đạt khác, nhà thơ tiếp tục mượn cánh đồng, khu vườn để nói lên nỗi nhớ quê với một chiều sâu thẳm: “giờ chim đã xa mây đã xa, nước im/ những hòn sỏi chơi ô ăn quan, những que bàn chuyền/những con quay gỗ nằm đâu, chỉ cánh đồng làng mới biết/khu vườn nào nhiều sên đen, nhiều lũ đom đóm ma, chỉ cánh đồng làng mới biết” (“Trên cánh đồng”, Thảm thắc, tr.129). Cùng vệt với bài thơ này, còn là những bài “Mùa đom đóm”, “Mơ quê”, “Gọi nguồn”…(Thảm thắc) cũng có hình ảnh mảnh vườn với nỗi nhớ, lòng ơn huệ đối với cố hương. Tất cả hiện lên như những bức tâm cảnh trong vẻ đẹp trinh tĩnh đầu nguồn.
Vườn trong thơ Trần Hùng cũng là nơi cất lên muôn sắc tình yêu. Vẫn nhất quán trong chiều hướng hồi nhớ, vẫn lặng lẽ ảo mờ, “Vườn xưa”  (Vườn khuya, NXB Hội nhà văn, 2015, tr.11) là một minh chứng thuyết phục cho tính biểu tượng của hình ảnh “vườn” ở tác giả này:
“Em xa rồi phải không
mình tôi trong khu vườn lặng lẽ
vườn yêu xưa giờ nắng lá
phủ những dấu chân, phủ những lối mòn
phủ lên lời yêu ngàn lần lời yêu thật buồn
phủ ánh mắt như sương
hôm nay tôi niêm phong tình em
niêm phong lối vào khu vườn không cài then”
Niêm phong chưa phải là hết. Hành động niêm phong như là sự tố cáo về một tình yêu đang còn vương vấn nặng.
Tôi muốn dẫn một trường hợp nữa, cũng để gia tăng thêm cái ý cho rằng hình ảnh vườn trong thơ Trần Hùng đông đúc và nhiều ngụ ý như thế nào. Trong bài “Thảm thắc” (lấy tên cho tập thơ, tr. 45), nhà thơ viết: “thôi chào nhé/những bờ vườn hoe nắng/hoa rau dền gai, hoa rau sam tím/ chào dòng sông lặng im (…) tôi đi/tôi đi/tôi đi/nhẹ-nhàng-như-cánh-bướm/tìm về giấc thụy miên vĩnh viễn”. “Thảm thắc” là một hình dung từ rất riêng của nhà thơ để nói về nỗi nhớ khắc khoải, có chút day dứt không yên của nhân vật trữ tình, tuy đã quyết lìa xa nhưng lòng còn nhiều bịn rịn…
Thì vẫn là một bức tâm cảnh về tình yêu con người trong mối gắn kết hài hòa với thế giới thiên nhiên, tạo nên một thi quyển sống động. Có thể nói, số lượng thơ tình chiếm đến hơn một nửa trong thơ Trần Hùng. Và trong số này, phần lớn đi theo hướng đặt tình yêu trong khung cảnh vườn hoặc những biến thể của vườn, với rất nhiều cây, hoa, trăng, nước, tiếng chim, cánh bướm, tiếng ong… Nhờ vậy, tình yêu có được sự giao hòa chan chứa giữa cảnh và người, sự thanh sáng thiêng liêng, mang phẩm tính của thiên nhiên thuần khiết. Có thể kể khá nhiều những bài thơ tình của Trần Hùng đi theo hướng này: “Cúc xanh”, “Tan tác”,  “Như mơ”, “Sonate ánh trăng”, “Nhắn cho diễm xanh”… (Thảm thắc); “Lưng hoa bóng đòng”, “Không màu”, “Ong đêm không cánh”, “Thỉnh giấc”, “Trong vườn khuya”…(Vườn khuya). Tôi tin những câu thơ: “anh yêu em như mưa trên sông/anh không em như gió hoang trên đồng/ước gì em là chim nhỏ cánh ướt/ngày ngày nhặt từng hạt thời gian anh” (“Nhắn tin cho diễm xanh”, tr.57) sẽ tươi tốt mãi trong lòng độc giả.
Quan sát đời sống văn học hiện thời, thấy có một xu hướng đáng lo: dường như thiên nhiên ngày càng suy giảm, thưa dần trong trang viết của các nhà văn. Cắt nghĩa điều này không hẳn dễ. Có thể do cảm thức đô thị đang ở thế thượng phong? Hay các nhà văn bị hút vào những câu chuyện gay gắt của đời sống thế sự và xã hội? Hay cảm quan về chủ nghĩa nhân loại trung tâm vẫn đang còn thống ngự? Hoặc cũng có thể, ở tầng ý thức, các nhà văn chưa có một thái độ rõ rệt và mạnh mẽ về vấn đề văn học sinh thái?…Trong khi đó, trên thực tế, thiên nhiên, môi trường của chúng ta đang bị tàn hủy từng giờ từng ngày với đủ các loại động cơ khác nhau. Nếu không cẩn thận, rồi mai sau con cháu chúng ta sẽ trở nên trơ cằn và khánh kiệt về đời sống tinh thần, giá trị nhân văn, cả về kho tàng ngôn từ vô cùng giàu có được sinh ra từ cội nguồn thiên nhiên nhờ nỗ lực biểu đạt ngàn đời của cha ông.
Trên một tinh thần ấy, con đường thơ của nhà thơ Trần Hùng càng trở nên quý giá. Làm sao có thể không yêu những câu thơ:
-“chim kêu sương nặng
râm ri lá đồng
sen tàn nước trong cành khô soi bóng…”
– “mình lặng im trong ngõ
mơ màng như hai trái ổi đêm”…
Quả thật, niềm trinh tĩnh đầu nguồn đã làm nên chân mệnh thi sĩ Trần Hùng.
13/7/2017
Văn Giá
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...