Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Những cuộc đối thoại tư tưởng và văn hóa

Những cuộc đối thoại
tư tưởng và văn hóa

Trong thời buổi công nghệ thông tin đặc biệt phát triển như ngày nay thì khả năng đối thoại của con người càng trở nên dễ dàng hơn tuy nhiên sự thống nhất sau đối thoại cũng trở nên khó khăn hơn vì có quá nhiều ý kiến được đưa ra tranh luận. Tuy nhiên bằng hình thức nghệ thuật cụ thể, sống động văn học luôn tìm thấy một hình thức diễn đạt khiến con người hoà tan vào những cảm xúc mềm mại trong tim. Bài thơ “Rồi ngày mai con đi” của Lò Cao Nhum có nhiều cuộc đối thoại mà những bạn đọc tinh tế sẽ tìm ra cuộc đối thoại cho riêng mình.
1. Đối thoại gia đình
Đưa ra tình huống gia đình về một ngày mai người con sẽ ra đi, sẽ rời xa vòng tay mình, nhân vật trữ tình (có thể là một người cha hoặc người mẹ, theo tôi nghĩ thì là người cha) làm cuộc đối thoại với con cũng chính là đối thoại với chính mình:
“Rồi ngày mai con xuống núi”
Thời gian luôn hiện hữu trong lòng người. Thời gian qua đi để lại cho cả cha và con tuổi tác. Cha thì già đi và con thì thêm tuổi. Đến một lúc dù muốn hay không con phải rời xa vòng tay cha mẹ mà đến với cuộc sống mới, chân trời mới. Làm cha mẹ ai không vui lúc con mình tự lập. Nhưng điều cha lo lắng là liệu con đã đủ trưởng thành khi những khó khăn là rất nhiều. Khó khăn lớn nhất là sự tự phụ và những hạn chế trong nhận thức của chính người con:
“Ngỡ ngàng
Đất rộng, trời thấp
Bước đầu tiên
Con vấp gót chân mình”
Những khó khăn con sẽ gặp còn là ngoại cảnh, là người đời mang đến:
“Rồi ngày mai con xuống núi
Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười
Gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng
Tiếp theo người cha đối thoại với mình về hành trang đã cho con trước khi có cuộc chia tay:
“Bố mẹ cho con cán rìu, lưỡi hái
Vung một sải quang ba ngọn đồi
Nhưng chưa đủ mo cơm tay nải
Trên đường xa về phía chân trời”.
Cha mẹ đã nuôi con, cho con của cải, cho con sức khỏe. Liệu sức khỏe, của cải vật chất có đủ để con vững vàng trong cuộc đời này? Hỏi để được trả lời, câu trả lời là chưa đủ.Cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng tình cảm yêu thương của người cha cứ được đẩy lên. Tất cả đều chưa đủ hành trang, người cha lo lắng bất an vì mình chưa thể và không thể cho con nhiều hơn nữa. Và như thế nhân vật thứ ba xuất hiện:
“Người thầy ngồi lặng lẽ sương khuya
Áo cổ lông không ngăn được rét rừng như chích
Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách
Thắp lửa hồng ấm mãi tim con”.
Đến đây cuộc đối thoại được đẩy lên tầm cao mới. Hình tượng người thầy hiện lên chân thực trong không gian và thời gian cụ thể. Hình ảnh người thầy chăm chút cho bài giảng cũng là chăm chút cho nhân cách học trò, là tấm gương về lòng tận tụy, yêu thương. Đạo đức của thầy là sợi dây kết nối đạo đức của thế hệ trước với con “Thắp lửa hồng ấm mãi tim con”. Bác Hồ đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thế nên người thầy chăm chỉ soạn bài để có thêm nhiều kiến thức, người thầy có nghị lực vượt qua giá rét đêm khuya, người tận tụy chắt chiu những điều hay, điều tốt của học trò, của đời sống là tấm gương sáng giáo dục đạo đức cho con. Bài học về các phẩm chất chăm chỉ, về nghị lưc vượt qua khó khăn, về đạo đức yêu thương là động lực để con chăm chỉ làm việc, tìm được cuộc sống no đủ: “mo com khi đói”; là đạo đức giữ gìn con không sa chân vào bao cám dỗ đời thường: “chiếc gậy con vịn đường trơn”; là nghị lực để con vươn lên, mang lại hạnh phúc cho mình, cho đời: “ngón tay gõ vào chốt cửa – rộng mở nụ cười”:
“Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói
Là chiếc gậy con vịn đường trơn
Là ngón tay gõ vào chốt cửa
Phía sau kia rộng mở nụ cười”.
Thông qua cuộc đối thoại gia đình ta vừa hiểu hơn về vai trò của người thầy vừa hiểu hơn về  tình yêu thương của cha mẹ dành cho con là rất lớn.
2. Đối thoại về văn hóa
“Rồi ngày mai con đi” còn có cuộc đối thoại về văn hóa vùng cao. Chủ đề ca ngợi vai trò của người thầy xưa nay được nhiều người viết. Ở nhà thơ Lò Cao Nhum cách thể hiện chủ đề mang đậm dấu ấn văn hóa vùng cao. Những hình ảnh thơ như “xuống núi”, “rét rừng”, “mo cơm, tay nải”, “người thầy trên núi”,… góp phần giới thiệu không gian văn hóa vùng cao. Bên cạnh đó nhiều cách diễn đạt mang tư duy của người vùng cao. Ví như cách nói “xuống núi” là một cách nói quen thuộc nhưng với người vùng cao là một cách nói ẩn dụ chỉ việc rời xa bản làng thân quen còn nhà thơ lại dùng từ xuống núi để khái quát sự lớn lên, sự chuyển trao thế hệ trước đến thế hệ sau.
Rồi cách kể và tả “đất rộng trời thấp” cũng là tả tư duy của người vùng cao. Cách nói này vừa làm phong phú hơn tiếng nói của cộng đồng (vì xưa nay mọi người thường nói trời cao đất rộng) vừa diễn tả tâm lí ham thích đi xa, ham thích mở rộng tầm hiểu biết nhưng cũng đôi khi còn chủ quan, ngông ngênh ở rất nhiều người trẻ hôm nay.
Không chỉ là tư duy, cách triết lý của con người vùng cao cũng thật giản dị mà rất sâu sắc. Tác giả viết “bước đầu tiên/ Con vấp gót chân mình” là một cách diễn đạt ấn tượng, tôi thấy thích cách diễn đạt này, dùng cái phi lí để ẩn dụ về một điều hết sức có lí: sự hạn hẹp trong nhận thức của con người là kẻ thù gây ra khó khăn, vấp ngã cho bản thân họ.
Bài thơ còn gợi ra không gian văn hóa sinh hoạt của người dân vùng cao. Đó là văn hóa gắn bó với củi lửa. Bếp lửa cố kết tình cảm gia đình, làng xóm. Khi vui sẽ có hội xòe bên đống lửa khi ấm cúng gia đình cũng bên bếp lửa nhà sàn. Cứ để mình trải nghiệm, cứ để mình chiêm ngẫm nhà thơ Lò Cao Nhum đã tìm được những hình đẹp nhất để nói về người thầy. Những ý nghĩ quen thuộc về không gian văn hóa vùng cao bốc cháy thành thi hứng, tác giả chọn được từ ngữ thật tài tình, thật riêng để miêu tả công việc vừa tỉ mỉ, bền bỉ vừa nhiệt huyết, mang đầy niềm vui của người thầy:
“Chăm giáo án như vun từng đốm than tí tách”.
Đối với người thầy khó khăn đến từ nhiều phía, từ hoàn cảnh thầy sinh sống hay từ một số em học sinh chưa ngoan thậm chí ngỗ nghịch thế nhưng thầy vẫn vị tha, rộng lượng, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân để tìm thấy những điều tốt của học sinh, điều thiện của cuộc sống mà “vun” mà nhen lên ngọn lửa của niềm tin yêu cuộc sống cho bản thân và học trò:
“Thắp lửa hồng soi sáng trái tim con”.
3. Đối thoại xã hội
Những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, sự quan tâm của xã hội dành cho ngành giáo dục ngày càng tăng. Có nhiều cuộc đối thoại đã từng diễn ra về vai trò của người thầy. Người thiếu tin tưởng thì cho rằng trong thời buổi cách mạng khoa học kĩ thuật, thông tin bùng nổ thì vai trò của người thầy bị mai một vì chỉ cần một cú nhấp chuột thì có hàng trăm ngàn thông tin từ giải trí đến khoa học chuyên sâu hiện ra. Nhiều người cũng lên án một số người thầy đang giao giảng về đạo đức lại làm những việc trái với những điều họ răn dạy. Cũng có lúc người ta khẳng định địa vị của người thầy bị suy giảm, mối quan hệ giữa người học và người thầy là mối quan hệ sòng phẳng, người thầy là người cung cấp dịch vụ, người học là người trả tiền, chẳng ơn huệ, nợ nần gì nhau.
Người lạc quan thì cho ý kiến là chính trong thời đại bùng nổ thông tin thì người thầy là người định hướng, giúp học sinh lựa chọn thông tin đúng đắn, người thầy còn là người truyền cảm hứng cho học trò, giáo dục đạo đức, nghị lực cho học trò. Trong bối cảnh đó, thông qua lời của chính bậc phụ huynh, thông qua việc xây dựng hình tượng người thầy tác giả Lò Cao Nhum đưa ra một đối thoại tích cực, khẳng định vai trò to lớn của người thầy. Bài thơ làm đầy nơi người đọc về tình cảm thầy trò. Nghề giáo đòi hỏi ở người thầy sự nghiêm cẩn, rộng lượng, yêu thương. Làm được như vậy người thầy sẽ là cội nguồn sức mạnh cho biết bao thế hệ học sinh:
“Ngày mai con xuống núi
Cùng hành trang tay nải đầu tiên
Đi như suối chảy về với biển
Đừng quên mạch đá cội nguồn”
Dù ở đâu và thời đại nào thì lòng biết ơn cũng đều cần giữ gìn và phát triển. Với tinh thần tôn trọng người đọc, thông qua việc xây dựng một tứ thơ khơi gợi, hình ảnh thơ cô nén, mang cá tính riêng nhà thơ đã kết nối mình với người đọc thông qua các đối thoại, từ đó người đọc thực hiện cuộc kết nối những gì mình đọc với tình cảm riêng tư, với những vấn đề lớn của xã hội: vai trò của người thầy và lòng biết ơn. Với những thành công về nội dung và nghệ thuật năm 2022 bài thơ “Rồi ngày mai con đi”  đã được đưa vào giảng dạy trong trường trung học. Bài thơ sẽ là hành trang đẹp cho nhiều thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.
22/8/2023
Đặng Thị Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đời sợ lắm những ngày im tiếng gió… Nhà thơ Nguyễn Phong Việt là hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980 tại Phú Y...