Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Gây tiếng cười không nhỏ

Gây tiếng cười không nhỏ

Kể cả ở nơi tốn tiền dân để hội họp và dân kỳ vọng đại diện của mình nói lên những vấn đề lớn và cấp bách thì ngay chính nơi ấy lại có rất nhiều vị phát ngôn lạc đề xa đề loạn đề.
Trong hệ tin tức bây giờ, chỉ cần một thời gian không dài, người ta có thể thấy những cái tin được chú ý nhiều, đại loại như thế này:
– Cô gái ở Hải Phòng điều khiển ô tô vượt đèn đỏ. Khi bị cơ quan chức năng ngăn chặn, nữ tài xế khóa cửa xe suốt hai giờ, nằm nghe nhạc (Vietnamnet 19.5.2023).
– Một thiếu gia bất động sản tâm sự với báo chí: “Ngày xưa thôi nôi, tôi bốc phải cục đất. Bà ngoại cứ tưởng sau này tôi lớn lên làm ruộng ai ngờ lại làm bất động sản” (CafeF 4.10.2018).
– Công an tạm giữ cây xanh ngã đè cô gái nguy kịch để điều tra (báo Tuổi Trẻ 25.4.2023).
– Nữ sinh bị đánh hội đồng, lớp trưởng là người quay clip (VTC 19.3.2023).
– Đại biểu Bình Định mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng đi họp Quốc hội (báo Tuổi Trẻ 31.5.2023).
– Lễ cầu siêu cho thú nuôi tại một nghĩa trang chó mèo, còn mời cả nhà sư đến tụng kinh gõ mõ cầu siêu. “Kinh cầu siêu được chủ nhân của khu nghĩa trang chuyển thể sang thơ lục bát để người nghe có thể hiểu được nội dung… Với ông, công việc này còn góp phần giáo dục con người biết thương yêu nhau, vì khi họ đã thương yêu con chó con mèo thì sẽ không bao giờ tàn bạo với bạn bè, bất hiếu với cha mẹ” (báo Thanh Niên, 17.8.2022).
– Một “tiến sĩ dạy làm giàu” gây thiệt hại hàng chục triệu đô la Mỹ, nhưng khi ra tòa lại được chính một số nạn nhân xin giảm án: “Bà T., 72 tuổi, Việt kiều Nga cho hay, quen ông Hải từ những năm ở Nga và rất hiểu về bị cáo. “Anh Hải là nhân tài, là cánh chim đại bàng giữa bầu trời doanh nhân, nắm dự án tỷ USD nhưng không có một đồng giữ riêng”, bà vừa nói vừa khóc, rồi hát hai bài sáng tác riêng tặng bị cáo. Bài hát có đoạn: Những người tầm thường đâu thấy con đường anh đi/ Sau này trăm năm anh mà mệt yếu/ Sẽ có hàng ngàn tỷ phú đến thăm. Bà T. góp 10 tỷ đồng, chưa nhận lãi. Bà Th. góp 150 triệu đồng, chưa nhận lãi. Ông K. góp 600 triệu đồng, được trả 60 triệu đồng. Các ông bà đều khẳng định sẽ “thành tỷ phú nếu ông Hải không bị bắt”. Họ nói sẽ tiếp tục “kêu oan” thay bị cáo” (VnExpress 26.4.2023).
Mấy cái tin này dường như bao quát nhiều ngành nghề, nhiều tuổi tác, đủ người già người trẻ đàn ông đàn bà, đủ tầng bậc xã hội và đủ cung bậc cảm xúc. Phép cộng các cá nhân làm nên gương mặt xã hội. Sắc diện trên gương mặt ấy cho người ta biết về sức khỏe của xã hội, về thể lực và cả tâm thần xã hội.
Ở những xã hội phát triển có nền y học tiên tiến, không ít kiểu người trong xã hội ta hiện nay sẽ được khuyên nên đi tham vấn bác sĩ ngành phân tâm học. Thú nuôi thả rông ở ta thì đã có những quy định để khống chế và bắt đi. Triệu chứng thần kinh lại chưa được coi là rủi ro hiểm họa. Kết quả là rất nhiều cá thể được thả rông, được dung dưỡng, được khích lệ cho hành động và tuyên ngôn kỳ dị.
Nhiều nơron thần kinh hợp thành não bộ. Nhiều cá thể thần kinh hợp thành thần kinh xã hội.
Phải nói rằng cái thần kinh xã hội ấy đang cần được thăm khám, được chẩn bệnh và xem ra cũng cần có biện pháp ngăn ngừa lây lan. Mỗi cá thể ấy không phải là không gây rủi ro tổn hại. Nó góp phần làm cho thần kinh xã hội đứt mạch chỗ nọ, rệu rã chỗ kia, ọp ẹp chỗ ấy, khi thần kinh tập thể căng lên như dây đàn thì có nguy cơ bùng nổ thành tiếng cười mất kiểm soát. “Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang”. Như cách nói dân gian thì nghe đâu đó trong đầu pưng một tiếng. Cùng lúc là… đứt phựt dây đàn.
Dù nghiêm túc nói chuyện tâm thần xã hội thì cũng không thể không bật ra một tiếng cười trước những múa may nơi công cộng của những cá thể đã mất kiểm soát. Nói gọn lại thì tâm thần xã hội cần được để tâm thăm khám chữa trị. Nó thất thần và loạn thần. Nó là những phát ngôn và hành vi nhân danh tự do cá nhân mà phạm vào quy tắc xã hội thông thường, thậm chí có khi trái pháp luật. Nó có nguyên nhân gây bệnh đâu đó trong việc khắc nghiệt đối với bày tỏ chính kiến nhưng lại thả lỏng cho bộc lộ bản năng lập dị lặt vặt. Nó có cội nguồn gây bệnh trong cơ cấu kinh tế chính trị xã hội. Tất thảy tạo cơ hội cho việc thản nhiên trơ trẽn phơi bày những tham vọng, những thói tật. Nó bình thường hóa những điều đáng hổ thẹn, và vẫn theo cách nói dân gian, cả tập thể dường như đã đứt dây thần kinh xấu hổ.
Không chỉ là thần kinh xấu hổ, mà cả dây thần kinh tôn trọng pháp luật cũng rất mong manh, khi mà pháp luật còn chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở như hiện tại.
Cũng có thể phản biện, rằng “tấn trò đời” ấy không liên quan gì đến thần kinh xã hội. Vẫn có người cho rằng đó là những biểu hiện rất bình thường, xét ở khía cạnh y tế. Vậy ta sẽ thử tiếp cận những hành vi những phát ngôn ấy theo giả thiết tất cả họ đều tỉnh táo sáng suốt.
Có giai thoại một tỷ phú thấy một người ăn mày ngồi ở góc phố tài phiệt Wall Street, bèn cho ông ăn mày 10 đô la. Kèm theo câu an ủi: Đừng buồn, ngày xưa tôi cũng như ông thôi. Ông ăn mày đáp: Không sao, ngày xưa tôi cũng như ông thôi.
Sự hoán đổi số phận rất nhiều khi chỉ là trong chớp mắt, rất nhanh gọn và dễ dàng. Sự thất thế trở nên đắc chí và từ đắc chí chuyển sang thất thế.
Chỉ có điều tay tỷ phú Mỹ chắc có thừa thông minh để không sáng tạo ra những huyền thoại ngớ ngẩn tức cười theo kiểu ngày xưa thôi nôi. Tự tô vẽ huyền thoại cho mình cũng đòi hỏi kỹ năng trí tuệ, vì nếu thiếu nó thì chỉ là trò lố trước một công chúng tinh tường hơn người thiết kế huyền thoại.
Chuyện khác, âu yếm thú nuôi là lựa chọn của mỗi người, và sự âu yếm ấy được tôn trọng. Người không ăn thịt chó mèo thì lại ăn những con vật mà người khác yêu quý. Người ăn chay không hẳn đã yêu quý muông thú và nhân từ với con người. Yêu hay không yêu muông thú không phải là tiêu chuẩn duy nhất để kết luận người ta có lòng nhân đạo hay không. Người yêu quý súc vật không hẳn đã có một tính cách tốt đẹp. Một đứa bé dắt chó vào thang máy chung cư, trân trân nhìn chó ỉa ra đấy mà cứ thế thản nhiên dắt chó đi ra. Đấy là tính cách không biết tôn trọng quy tắc xã hội, vô trách nhiệm và ngang nhiên trước sai phạm của mình. Khi bị điều tra thì nó chối bay chối biến cho đến khi phải trích xuất camera mới chịu thừa nhận. Đấy là tính cách hèn nhát dối trá, ngay từ bé. Trong một bộ phim Mỹ, có chi tiết một ông dắt chó đi dạo, nhìn thấy chó của mình ị ra lối đi, nhưng bỏ qua. Thế là xuất hiện ngay một người kiểu giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha. Ông này bắt ông dắt chó phải dọn sạch chỗ chó bĩnh ra, không có dụng cụ gì để hót thì phải dùng… tay. Thái độ bất tuân quy tắc xã hội dẫn đến phản ứng cực đoan.
Lại nữa, ta vẫn biết rằng có những ông trùm, những đại gia yêu chó như người. Hơn cả người. Nhưng những ông trùm ấy có thể hại chết cả trăm người bằng những tội ác của chúng. Ông trùm yêu chó ấy có thể xùy chó cắn chết một người nào đó ngay trước mắt hắn. Và trong những đứa học sinh hè nhau xông vào đánh hội đồng bạn cùng lớp, vẫn có những đứa rất yêu thương chó mèo nhà nó.
Ngược lại, có nhiều đứa bé thấy chó mèo quẩn chân là đá là đuổi, và không bao giờ cho chó mèo ngủ cùng trên giường. Ta có thể quan sát thấy phần nhiều những đứa trẻ ấy lớn lên vẫn là những công dân bình thường trong xã hội. Để trở thành người bình thường, có người từ bé đã sẵn có tình yêu muông thú, có người không. Đấy là một tiên đề không cần chứng minh. Dù tiên đề ấy luôn có đối thủ là những người theo chủ nghĩa lãng mạn lỗi thời, những người theo chủ nghĩa nhân đạo phi thực tế, và những người tôn sùng động vật một cách cực đoan.
Kỳ thị những gì không giống với ta, và tô vẽ cho những gì thuộc về ta, đấy là điều tầm thường phổ biến. Nhưng tô vẽ tiếp thị đến mức lộng ngôn thì cũng chỉ là kiểu tư duy bản năng thô sơ. Kể cả ở nơi tốn tiền dân để hội họp và dân kỳ vọng đại diện của mình nói lên những vấn đề lớn và cấp bách thì ngay chính nơi ấy lại có rất nhiều vị phát ngôn lạc đề xa đề loạn đề, lấy cái góc quan tâm nhỏ nhoi vụn vặt của mình để thổi phồng lên thành đại sự. Rất nhiều lập ngôn kỳ dị đến tức cười giữa ngổn ngang bao nhiêu vấn đề nước sôi lửa bỏng. Không chỉ lạc lõng mà còn thêm khẳng định một kiểu thất thần và loạn thần. Đến mức dân tình phải lấy một câu của Mark Twain mà thốt lên: “Thà rằng đừng nói, để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra, để người ta không còn nghi ngờ gì nữa”. Và tất nhiên nó lại gây ra tiếng cười không nhỏ.
19/7/2023
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...