Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Vũ Anh Khanh - Cây bút yêu nước thương nòi

Vũ Anh Khanh - Cây bút
yêu nước thương nòi

Vũ Anh Khanh, nhà văn tuổi đời ngắn ngủi (31 năm), nhưng để lại khối lượng tác phẩm cho đời khá phong phú. Văn ông có công chúng độc giả riêng khi ngòi bút của ông tung hoành trong lòng đô thị đang bị kiểm duyệt theo từng trang sách. Vị trí Vũ Anh Khanh không dừng lại ở một địa phương mà ông là nhà văn lớn trong dòng chảy văn học yêu nước của dân tộc Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954. 
Vũ Anh Khanh tên thật là Nguyễn Năm, sinh năm 1926(1),quê ở quận Hải Long – Mũi Né, nay thuộc phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là người miền Trung di cư vào Nam, đến Bình Thuận lập nghiệp, có thời gian làm trợ giáo tại trường tiểu học Khánh Thiện, người dân ở đây thường gọi ông là trợ Đãi(2).Trước năm 1945, Vũ Anh Khanh rời quê vào sống ở Sài Gòn, làm báo, viết văn. Ông là cây bút nổi bật nhất về sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, cả thơ thời kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Việt Nam. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 20.7.1954, Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc. Tháng 12.1956, ông được cử làm đại biểu tham dự Hội nghị các nhà văn Á Châu ở New Delhi, Ấn Độ, do Nguyễn Công Hoan là trưởng đoàn. Ông mất tại Quảng Trị năm 1957(3). Chúng tôi có lần về phường Mũi Né gặp một số người cao tuổi để hỏi thêm về thân thế của ông, nhưng hầu như không ai còn nhớ.
Vũ Anh Khanh viết văn khá sớm, năm 21 tuổi, ngay tác phẩm đầu tay Cây ná trắc (1947) được Tiếng Chuông xuất bản đã khẳng định tư cách nhà văn của ông trên văn đàn. Một thời gian ngắn, trong vòng 5 năm (1947 – 1952), ông viết rất khỏe, đã để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, chỉ riêng năm 1949, ông đã xuất bản các tập truyện ngắn: Bên Kia Sông, Sông Máu, Đầm Ô Rô, Ngũ Tử Tư; các truyện dài – tiểu thuyết: Bạt Xíu Lìn, Nửa Bồ Xương Khô I và II.
 Tiếng thơ của Vũ Anh Khanh
Số lượng thơ của Vũ Anh Khanh không nhiều (4 bài), nhưng lại là những bài thơ để ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, nhất là khi ông cho xuất hiện bài thơ Tha La in trong tuyển tập Thơ mùa giải phóng do Sống Chung xuất bản năm 1950, đã đưa tên tuổi Vũ Anh Khanh trong làng văn lên một nhà thơ. “Trước năm 1975, nhạc sĩ Dũng Chinh đã phổ nhạc bài thơ nhan đề Tha La xóm đạo. Nhạc sĩ Sơn Thảo cũng phổ bài thơ thành ca khúc Hận Tha La. Viễn Châu, một soạn giả cải lương nổi tiếng cũng đã mượn ý và lời bài thơ của Vũ Anh Khanh để viết tình khúc tân cổ giao duyên Tha La xóm đạo”(4). Cuối năm 1949, nhân dịp Vũ Anh Khanh đi cùng bạn văn về ăn Tết ở làng Tha La thuộc xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đấy là vùng quê xứ đạo, có ngôi nhà thờ xây dựng từ đầu thế kỷ XX, là quê hương có đời sống hiền hòa thơ mộng, có “Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng/ Đây Tha La một xóm đạo ven rừng./ Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,/ Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ”. Nhưng chiến tranh bùng nổ, quê hương rơi vào vòng khói lửa, bị tàn phá dưới gót giày thực dân Pháp xâm lược, “– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!”.
Điều đó đã đốt cháy lên: “Tha La giận mùa thu/ Tha La hận quốc thù/ Tha La hờn quốc biến/ Tha La buồn tiếng kiếm/ Não nùng chưa, Tha La nguyện hy sinh.” Họ cùng nhau từ giã nhà thờ, làng xóm, lên đường tham gia kháng chiến: “Bao người đi thề chẳng trở lại nhà/ Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!”. Điều đó làm cho “Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh” khi về thăm Tha La, “Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh/ – Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!/ Đây mênh mông xóm đạo với rừng già/ Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.” Bài thơ dài 97 câu, viết theo thể tự do, với những dòng giản dị, mang nhiều chất tự sự, nhưng dạt dào tình cảm, vừa xót thương vừa tin tưởng. Kết thúc bài thơ là khi chia tay xóm đạo: “Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!/ Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ/ Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ/ Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay…/ Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:/ – Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!/ Hãy về thăm xóm đạo/ Có trái ngọt cây lành/ Tha La dâng ngàn hoa gạo/ Và suối mát rừng xanh/ Xem đám chiên hiền thương áo trắng/ Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh…”
Còn Chiến sĩ hành là khúc tráng ca làm theo thể song thất lục bát về người ra trận, cả thể thơ lẫn nhân vật đều phảng phất âm hưởng và bóng hình chiến binh khi xưa trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm khi ra sa trường: “Tiếng trống giục rền vang đêm tối,/ Hàng cờ bay theo lối gió đưa./ Ra đi khỏi hổ sống thừa,/ Lên yên ngựa, chiến bào chưa nhạt mùi.” Trong Chinh phụ ngâm, tâm trạng lo âu cho người ngoài chiến trận là nỗi lòng của người chinh phụ, còn trong Chiến sĩ hành là của chủ thể trữ tình: “Đêm tháng chín nghe trời hiu quạnh,/ Ngày lập đông sương lạnh biên thùy./ Người đi rồi lại người đi,/ Mười mong chín nhớ làm chi? Hỡi người!…”. Có những đoạn thơ bộc lộ cảm xúc trữ tình sâu lắng, mang âm vị cổ xưa trang trọng với nỗi niềm của người chiến sĩ: “Trăng thu vướng đầu non lạnh lẽo,/ Nước hồ đông lệ liễu soi mình./ Ra đi muôn dặm trường đình,/ Nợ trai anh trả, sầu mình ai hay!”. Giọng thơ có lúc ngậm ngùi, nhưng cũng có khi sang sảng tưng bừng khí thế: “Lời loa thét bay tràn quan ải,/ Bóng quân kỳ lấp dải Trường Sơn.”
Ở bài Tống biệt, mức độ nào đó về cách biểu đạt giống như Tống biệt của Thâm Tâm, với nỗi niềm khi đưa tiễn: “Người đi, ta tiễn người đi nhé!/ Cho đẹp lòng nhau, cạn chén thề/ Đêm chẳng rét nhiều sao lá đổ/ Thuyền neo bến gió lạnh lùng ghê”. Bài thơ làm theo thể thất ngôn, ngôn ngữ và hình ảnh vẫn còn phảng phất nét thơ cổ: “Người đi, tống biệt dăm tràng pháo!/ Tóc rối sang sông hướng một bề/ Có phải mây thành u ám quá/ Nên lòng mơ nghĩ chuyện sơn khê.” Dẫu đầy tâm trạng bùi ngùi trong hoàn cảnh kẻ đi người ở, chia tay trong thời chinh chiến làm sao không buồn, nhưng đó là nỗi buồn trong sáng, không bi lụy, hết sức tự nhiên của lòng người, đặt niềm tin vào ngày mai: “Người đi, ta biết, ừ ta biết/ Nhưng chuyện lên yên quá nặng nề/ Thôi vậy tay cương đừng lạc nẻo/ Khải hoàn trở lại kể cho nghe!”
Nhưng trong bài Phấn son lại giọng điệu khác. Đối tượng cảm hứng không phải người ra đi mà người ở lại, cũng không giống đối tượng miêu tả trong truyện Cây ná trắc nam nữ thanh niên rừng rực một khí thế lên đường, mà ở đây là hình ảnh của những người con gái trong thành phố, buông xuôi với thời cuộc: “Hỡi cô con gái đô thành nội/ Ai điểm trang mà em phấn son?”. Câu thơ “Ai điểm trang mà em phấn son?” điệp lại 4 lần trong 41 câu của bài thơ để đối lập hai hoàn cảnh trong thời kỳ lịch sử không bình thường giữa đô thành và chiến tuyến: “Pháo tịt ngòi xuân súng nổ giòn”, từ những đối tượng “Thế thân lạc lõng bờ niên thiếu/ Trán thẹn mây cao nợ chửa tròn” nhằm trao đổi tâm tình để thức tỉnh những người chỉ biết có bản thân mà quên đi thực trạng quê hương: “Nghe chăng cô gái đô thành nội?/ Chinh chiến ba năm trống dập dồn/ Cờ son phất gió ngoài quan ải/ Xuân đến thanh bình, xuân đến luôn”. Thể thơ 7 chữ bài Phấn son như bài Tống biệt gợi lên không khí như thuở nào xa xôi trong thơ ca cổ điển: “Hỡi cô gái khép đôi tà áo/ Xuân nhật đăng lâu vọng cố nhân/ Chàng trai phong nhã ngày xưa ấy/ Đã bỏ tình riêng theo nước non”. Nhưng đối với những đối tượng như “cô gái đô thành nội”, trong thơ cũng như văn, Vũ Anh Khanh tuy có chê, nhưng không mạt sát, mà tin tưởng một ngày nào đó họ sẽ nhận ra, nên giọng điệu luôn thủ thỉ tâm tình: “Nghe chăng cô gái đô thành nội?/ Áo trắng an ninh giữa lũy đồn/ Xuân sang rấm rức sầu quê tổ/ Ai điểm trang mà em phấn son?”.  
Có thể thấy, dù làm thơ hay viết truyện, Vũ Anh Khanh vẫn luôn hướng ngòi bút vào phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Thế giới tiểu thuyết của Vũ Anh Khanh
Cây ná trắc là truyện dài đầu tay (1947) của Vũ Anh Khanh, kể lại những hoạt động của nhân dân làng duyên hải Khánh Thiện chống Nhật, với tinh thần kháng chiến nhiệt tình, sục sôi. Dân làng luôn tư thế sẵn sàng, họ đem chôn của cải, vàng bạc, sắp xếp quần áo, mùng mền, hễ chờ có lệnh là tản cư, thực hiện vườn không nhà trống. Những thanh niên nam nữ rộn ràng công việc. Trai tráng chia phiên canh phòng cả ngày lẫn đêm, khi thấy quân địch đến là báo động để sẵn sàng nghênh chiến. “Những cô gái nhu mì đã bắt đầu can đảm cắt ngay mớ tóc đuôi gà, áo may ngắn thắt tay, một mảnh vải đính chữ thập hồng bịt ở đầu, một hộp đựng đồ cứu thương đeo ngang lưng, một túi dét quần áo mang cạnh sườn và luôn luôn đi đó đi đây lo công việc từ thiện. Phấn son quẳng vào bếp”…
So sánh về phương tiện, đây là cuộc chiến đấu không cân sức. Cả làng Khánh Thiện, có đến ba ngàn trai tráng, nhưng chỉ vỏn vẹn có một thanh gươm Nhật Bản của một gánh hát cải lương từ Nam Bộ tản cư ra tặng lại, Bảo đeo làm gươm lệnh, với mươi trái lựu đạn và năm cây súng sáu ru lô của ủy ban quân sự trên tỉnh cấp cho, còn là tay không. Họ trang bị cho cuộc kháng chiến giống như trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.” Trang bị giống như hình ảnh nghĩa binh trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Họ đã đứng lên với “rựa củi đi rừng, mác tre, dao phay bằm cá, tất cả những thứ đồ sắt nào đâm được, chém được đều đem ra dùng”. Họ tổ chức đào đường, đốn mấy trăm cây dừa đem chắn đường không cho xe hơi chạy, nhằm ngăn chặn sự tiến quân của địch. Đọc đến cảnh này, tôi lại nhớ những năm đầu chống Mỹ ở nông thôn miền Nam cũng sức dân đào đường phá cống, gỡ bỏ tà vẹt đường ray tàu lửa. Đọc Cây ná trắc, tôi rất chú ý đến sự kiện có thực trong lịch sử kháng chiến mà lúc ấy và sau này nhiều cây bút lại né tránh, đó là hình ảnh cụ Tổng chánh làng Khánh Thiện dành cho kháng chiến tất cả những gì mình có, của cải vật chất, và người con trai duy nhất. Hãy nghe lời đối thoại của ông cùng anh chủ tịch: “Anh chủ tịch đỡ lời: – Nhưng lâu nay cụ đã giúp cho nhiều quá! – Mấy anh cứ nói nhảm! Trời cho tôi có tiền thì tôi giúp. Vả lại, giữ tiền, giữ gạo lại làm gì? Giặc đến rồi thì cũng mất và khi chết tôi cũng chẳng đem theo xuống lỗ được. Nói xong cụ cười dòn. – Thưa cụ, cụ có tin gì về anh An? – Không, hình như nó đang ở Phong điền, Phong thủy gì đó… – Dạ. – Thời bình nó là con tôi, thời loạn nó là con của nước. Tôi không có quyền kềm giữ nó nữa.” Viết Cây ná trắc, Vũ Anh Khanh rất dụng công để miêu tả những người dân quê yêu nước. Đặc biệt trong đó có nhân vật Niềm, một thiếu niên người dân tộc ở Bình Phước vì hoàn cảnh gia đình: Quân Nhật trong một đêm say xỉn đã trói và đánh chết cha Niềm chỉ vì không ép được ông chỉ đường cho chúng đến chỗ những cô gái trong làng, nên Niềm đến làng Khánh Thiện làm thuê, rồi tham gia vào cuộc kháng chiến, vì mối thù mất cha với lời thề: “Tôi sẽ giết bất cứ kẻ nào là Nhật Bản”.
Dưới ngòi bút của tác giả, Niềm hiện lên là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng, với hình ảnh của “một thiếu niên mình trần trùng trục, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, thân thể ốm và đen thui”, căm thù giặc và muốn được “theo anh Tảo suốt đời” – Tảo là một trong những lãnh đạo kháng chiến làng Khánh Thiện. Tảo nhận Niềm làm em nuôi. Rồi một hôm vào trận, Niềm bị trúng đạn. Trước khi chết, Niềm tặng cho Tảo cây ná trắc mà Niềm rất yêu quí, và thổ lộ nỗi lòng, “đến nay vẫn còn yêu một người con gái không bao giờ yêu mình và đã đi lấy chồng”. Trong hệ thống từ truyện dài đến truyện ngắn của Vũ Anh Khanh, Cây ná trắc là một thế giới nhân vật truyện rất khác biệt về những người nông dân, ít học, nhưng có lòng yêu nước thương làng chân chất với tinh thần chiến đấu ngoan cường trước kẻ thù xâm lược. Tuy vậy, ngòi bút của Vũ Anh Khanh vẫn có những cảm hứng lãng mạn đưa hình ảnh con người thực tại hướng về hình bóng cổ xưa, hình bóng ấy lại luôn được tái diễn ở những thiên truyện về sau. “Tảo mường tượng bóng vợ ẵm con đứng yên trên một ngọn đồi thông xanh, tầm mắt xa vời, ngóng trông tà áo trắng bay rũ giữa sương chiều rơi mau, làm cho Tảo xót xa nghĩ đến những buổi mong chờ của một người chinh phụ, mặc áo tang, đợi người chồng đã chết ngoài chiến trận”.
Nửa bồ xương khô (tiểu thuyết tập I) của Vũ Anh Khanh được đánh giá rất cao về nội dung và nghệ thuật, từ cách dẫn dắt truyện đến miêu tả tâm lý nhân vật. Ông lại tiếp tục viết Nửa bồ xương khô tập II, nhưng khi xuất bản thì bị một số thành phần phản ứng về nội dung chính trị, nên chính quyền cấm lưu hành và lệnh thu hồi. Nửa bồ xương khô là thiên tiểu thuyết kể về những người con gái quê tuổi đôi mươi theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường ra trận, làm nữ cứu thương cho bộ đội giữa chiến trường ác liệt. Họ là Huyện, Tiến, Cải, mỗi người có cuộc sống tình cảm và tính cách khác nhau. Tiến còn mang tính thơ ngây của tuổi trẻ. Cải thường hay dí dỏm, tuy chưa có người yêu và không quan trọng về ái tình, nhưng có cách nhìn và nhận định về tình cảm sắc sảo. Riêng Huyện khi lên đường đã có hẹn ước – yêu một người tên Chung đang ở ngoài mặt trận. Huyện xem Chung là thần tượng, đúc kết những gì cao quý, đáng yêu nhất. Nên khi nghe tin người yêu chết trận, Huyện đau khổ đến tột cùng. Nhưng không ngờ, sau đó, Huyện gặp lại Chung, mới hay tin đưa không chính xác, niềm vui vừa dâng trào thì bị dập tắt một cách phũ phàng: Chung đã có vợ. Lại đau khổ, uất hận, làm cho Huyện cảm thấy chơ vơ, yếu đuối. “Rồi nàng ôm lấy Cải, rồi nàng gục đầu vào vai bạn khóc nức nở: – Người như thế mà bạc!”. Nhưng rồi sau đó Huyện đã thể hiện lòng vị tha, khi hay tin từ một đồng đội giải oan về chuyện Chung lấy vợ là thực hiện lời trối của một người bạn lúc lâm chung. Khi hiểu nỗi lòng của người yêu, trên giường bệnh, Huyện nằm mơ thấy một bóng ma. Bóng ma mà một lần nàng đã bốc mộ lấy được nửa bồ xương khô vì tưởng đó là vật chất còn lại của người yêu.
Cách miêu tả tâm lý nhân vật ra đi chiến đấu là một phức hợp, khác với những cây bút ở vùng kháng chiến cùng thời, dưới ngòi bút của Vũ Anh Khanh, khi đi họ có những xúc cảm háo hức, ước mơ về ngày chiến thắng: “Thốt nhiên Huyện nghe quả tim đập mạnh; nàng nghĩ đến cái vui ngày kia, một ngày còn xa xôi lắm, nàng được trở về thăm quê cũ, sống lại những ngày xưa, hưởng cuộc đời thanh bình của thời thơ ấu.” Nhưng Vũ Anh Khanh không ngần ngại miêu tả những nỗi niềm buồn đau, đáng sợ một cách tỉ mỉ, như miêu tả về những vết thương của người lính, khủng khiếp hơn là nỗi đau của người nổ súng giúp bạn chết nhanh hơn. Dẫu một tiểu thuyết viết về cuộc chiến thực tại, nhưng ngòi bút của tác giả đôi khi thấp thoáng bóng hình chiến trận xưa kia, như trong buổi tuyên thệ để lên đường, tâm tưởng Huyện lại hình dung ra “cảnh chiến trường có tiếng quân hò, ngựa hí, trống gióng, cờ bay”. Dẫu diễn đạt bằng bất cứ cách nào, tất cả những suy tư, hành động của các nhân vật đều hướng về dân tộc, mang tính nhân văn, có giá trị nhân đạo sâu sắc.
Bạt Xíu Lìn là cuốn tiểu thuyết nói lên sự kết nối giữa các dân tộc. Nếu trong Cây ná trắc nhân vật Niềm tuyên bố “Tôi sẽ giết bất cứ kẻ nào là Nhật Bản” thì trong Bạt Xíu Lìn phân biệt rất rõ giữa quân phiệt Nhật và nhân dân. Nhân vật Lương là một trong ba nhân vật trung tâm của truyện, là người kết tinh từ đời ông nội đến Lương là sự lai tạp của bốn dòng máu Nhật – Nga – Tàu – Việt. “Trong người anh kể ra thì đủ thứ kết tinh lại. Một chút máu quốc tế của Nga, một chút máu quốc gia của Nhật. Anh lại được hưởng của cha nuôi một nền giáo dục cổ truyền của Tàu, bắt chước theo mẹ nuôi một tấm lòng nhân ngàn đời của nòi giống Việt.” Và Lương hoạt động chiến đấu cho hòa bình và độc lập của Việt Nam. Nhân vật Bạt Xíu Lìn – cũng là tên đặt cho nhan đề cuốn tiểu thuyết, người Việt lai Tàu. Bạt Xíu Lìn gọi theo cách phát âm Quảng Đông – Tàu, nghĩa là Bạch Tiểu Liên. “Tên Việt của nàng là Nguyễn Hoàng Oanh” – em nuôi của Lương. Bạt Xíu Lìn là một tình báo tài ba, dũng cảm. Trang bị nghiệp vụ gián điệp của Lìn cũng rất hiện đại, tác giả đưa ra so sánh: “Von Papen của Đức có cây gậy ngoại giao, Ciano của Ý có đôi mắt kiếng hai tròng, Matahari của Nhật có những móng tay giả tuyệt đẹp nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, và Bạt Xíu Lìn của Việt Nam có một ống son thoa môi và tấm gương soi mặt lợi hại”. Nhân vật thứ ba là Sơn, thuần Việt, từ một tay giang hồ hảo hán nhưng có học được chuyển biến thành một chiến sĩ can trường. Họ là bộ ba gắn kết với nhau tình anh em và cùng chung lý tưởng trên con đường đấu tranh trong hoàn cảnh dân tộc bị đè nén, từ thời kỳ chiến tranh thế giới lần hai bùng nổ cho đến sau khi giải giáp quân Nhật và bắt đầu cuộc chiến mới chống Pháp.
Xoay quanh việc làm, phát ngôn, suy ngẫm, tất cả đều toát lên vẻ đẹp Việt Nam. Trong cái nhìn của nhân vật Lương, người Việt hiền lành, nhưng “họ chỉ nhẫn nhịn để nung đúc, rèn luyện một sức mạnh đã tiềm tàng có sẵn trong người họ, chỉ đợi dịp là tuôn sức mạnh ấy ra thôi. Anh chưa hề thấy một giống dân nào như dân Việt Nam, đức nhẫn của họ, sự tin tưởng, chí khí và lòng nhân của họ đã làm cho anh phải kính phục. Có lẽ vì lẽ ấy mà anh yêu giống dân này”. Nhân vật Sơn thì tin tưởng “Một ngày kia, khi nước Việt Nam hoàn toàn của người Việt Nam, Saigon cũng sẽ đẹp đẽ, sang trọng như những thành phố Ba Lê, Nữu Ước, Cựu Kim Sơn”. Bạt Xíu Lìn là tiểu thuyết tình báo với những con người xử lí tình huống thông minh và chiến đấu rất dũng cảm đã ngăn chặn nhiều hoạt động của quân Nhật góp phần làm nên chiến thắng giành độc lập dân tộc.
Thế giới truyện ngắn của Vũ Anh Khanh
Sử dụng tư liệu xây dựng truyện ngắn có nhiều khác biệt với tiểu thuyết, chủ yếu Vũ Anh Khanh mượn sự kiện lịch sử và yếu tố huyền thoại để hình thành cốt truyện, gửi gắm tư tưởng, tình cảm. Hầu hết những hình tượng nhân vật chính trong hệ thống truyện ngắn của ông là những con người cống hiến, hi sinh vì nghĩa cử cao đẹp. Đặc biệt hình ảnh những con người luôn đặt nhiệm vụ đối với Tổ quốc lên trên hết. Đó cũng chính là cảm hứng thẩm mĩ trong quan niệm sáng tác xuyên suốt qua những thiên truyện của ông.
Nhân vật của Vũ Anh Khanh là những con người nhận nhiệm vụ với một tình cảm trong sáng. Người chiến sĩ tên Sửu mười sáu tuổi tuy biết rằng những lần đi lấy hàng (tức lấy vũ khí) là những lần đối diện với cái chết, nhưng anh vẫn luôn thấy tinh thần bình thản. Một chuyến vượt sông cùng đồng đội cướp súng đồn Nhật, nhưng không thành công, bị thương nặng, đồng đội cõng anh về nơi an toàn. “Trong giấc mê, Sửu thấy mình đang chạy trong một đám lửa đỏ rực, hai tay huơ lưỡi dao tu đẫm máu người. Và những chuyến qua sông… Và những cây súng đẹp… Sửu đang mơ một chuyến đi ăn hàng với những người bạn. Trong giấc mơ, Sửu thấy mình một lần nữa qua sông…”. Tình mẹ con trong truyện chỉ thoáng qua cuộc gặp bất ngờ nhưng nghe đau buốt. (Qua sông).
Xây dựng truyện Sông máu như một huyền thoại về người khách sang sông. Truyện không có cốt truyện, chỉ nhắc đi nhắc lại mấy lần về người khách có dáng vẻ lạnh lùng, rồi diễn biến sự việc tỏ ra bí mật giữa người khách kia và cô lái đò Huyến duyên dáng. Một lần người khách không về phố mà nhờ Huyến đưa “về bến Ké, lần vào dãy núi Ta-koun chằng chịt rễ cây già”. Rồi họ thân nhau, một đêm kia, khách nói lời chia tay Huyến khi về phố, lại đọc câu thơ của Kinh Kha khi chia tay với thái tử Đan để vượt sông Dịch, làm Huyến buồn, vì biết lần chia tay này không bao giờ gặp lại. Đúng như vậy, người khách sang sông ấy bị đưa ra bãi pháp trường cất tạm gần bờ sông. Một cái đầu rơi. “Một dòng máu len bờ cỏ chảy rỉ ra sông, theo nước thủy triều chảy xuôi”. Một đêm mưa lớn, Huyến thấy bên kia bờ phố phủ, “ngay bãi cỏ pháp trường, lờ mờ một bóng người mặc áo chàm xanh, một tay xách đầu của mình, một tay ngoắc nàng”. Huyến rợn cả người. Dòng sông cuồn cuộn sóng, “nước sông khi không đổi sắc đỏ hồng như máu, một sắc máu quen thuộc của một người.” […] “Ba năm rồi, ly loạn, con thuyền đưa khách vẫn neo chỗ cũ nhưng không ai biết Huyến đã bỏ đi đâu?! Huyến hẳn không về phố phủ mà chắc là đi qua phía cánh đồng dâu tằm, tìm đường “về bến Ké, lần vào dãy núi Ta-koun chằng chịt rễ cây già.” Truyện dừng lại ở đấy, nhưng người đọc biết Huyến về nơi ấy để làm gì. Truyện không hô hào, không kêu gọi, nhưng tự nội dung câu chuyện len lỏi vào tâm thức, chuyển biến tình cảm, để lại trong lòng người đọc một nỗi mến thương, khơi gợi lý tưởng hành động.
Phổ xiếu Hùng-Lìn xì – Hỏa thiêu Hồng Liên tự, là câu chuyện về người tráng sĩ vì nợ nước, thù nhà. Mạc Bảo Kỳ dòng dõi Mạc Đăng Dung hết thời bị nhà Lê Trung Hưng đánh đuổi, lên lập nghiệp trên đất Cao Bằng. Sau tướng nhà Lê đem binh lên chinh phạt, bắt cha Bảo Kỳ là Mạc Bảo Hóa và anh là Mạc Bảo Châu về giết tại Thăng Long. Bảo Kỳ nhờ đi du học xa, may mắn trốn khỏi. Rồi cải trang, theo thuyền buôn vào miền Nam đầu quân với Nguyễn Huệ. Ngày ngày, Mạc Bảo Kỳ tâm niệm lời thề của Ngũ Tử Tư, rằng sẽ trở về đất cũ mà trả thù nhà. Vua Quang Trung sai Mạc Bảo Kỳ ra đất Bắc để mượn đầu Tôn Sĩ Nghị và dọ thám quân tình. Bảo Kỳ trèo theo mái ngói vào dinh Sĩ Nghị, nhưng rủi cho chàng, Sĩ Nghị hay được, chàng phải đánh phá vòng vây, chạy trối chết mới thoát thân. Đến bờ sông không đường chạy, chợt nghe tiếng người phụ nữ bảo xuống thuyền chạy trốn. Sau mới biết cô gái ấy là sư nữ, là người yêu của anh mình Mạc Bảo Châu. Cô chị dâu giúp Bảo Kỳ trốn thoát, quân lính Tôn Sỹ Nghị không tìm được, đốt chùa, người con gái – sư nữ ấy mất tích trong cơn hỏa hoạn. Truyện xây dựng hình ảnh người phụ nữ nghĩa cử cao đẹp không tên, giống như ông già lái đò và cô gái giặt áo quần bên sông trong truyện Ngũ Tử Tư giúp Ngũ trả thù vua Sở, họ chết một cách tự nguyện để cứu tráng sĩ lúc lâm nguy mà không hề nuối tiếc mạng sống bản thân. Nét đẹp ở đây là khí tiết vì chính nghĩa, dù bất cứ nam hay nữ, đều vì việc lớn mà hành động, sẵn sàng hi sinh cả sự sống của mình.
Yêu tố huyền thoại khá đậm đặc trong sáng tác Vũ Anh Khanh. Nhiều khi mượn yếu tố lịch sử nước ngoài để dựng truyện. Con trâu giấy mượn chuyện thời chiến quốc bên Tàu, thông qua một vở tuồng cổ, lồng vào một câu chuyện tình hiện tại của vợ chồng Ngạc và Loan, với tình huống bất ngờ, bộc lộ những ý tưởng, tâm tư về tình yêu quê hương, dân tộc: “Em say mê những dòng tư tưởng của anh cũng như em say mê những dòng máu chính tông của người chiến binh nòi giống Việt. Lạy trời cho em còn sống, cho anh còn sống, cho muôn ngàn người Việt anh dũng còn sống, để chúng ta được cùng nhau vui vẻ trên dải nước non này.” Quan niệm sự sống và hi sinh của họ mang đầy triết luận: “Em sắp chết rồi, anh cười mừng giùm cho em đi. Em gái anh đã lo tròn phận sự thần dân, người con gái quê xưa sắp được trở về với lòng đất. Xương thịt em sẽ biến thành màu mỡ để làm nhựa sống cho ngàn cây, cho giống lúa, sau này, biết đâu anh chẳng ăn.” Cái nhìn về sự tồn tại của vật chất không ở dạng này thì ở dạng khác, nhưng sâu xa hơn là sự cống hiến đến tận cùng để phục vụ dù ở dạng này hay dạng khác cho sự sống giống nòi.
Hầu như trong thế giới truyện của Vũ Anh Khanh là những hi sinh mất mát từ trong chiến đấu. Hai lá thư không gửi nói lên những tình huống éo le đầy thương cảm. Người con trai là chiến sĩ ngoài biên cương nhờ đồng đội gửi lá thư cho cô con gái nội thành, khi thư đến nơi thì cô ấy không còn, vì bị bắt vào tù, lâm bệnh chết. Còn cô gái người yêu của chàng chiến sĩ kia trước khi mất đã viết một lá thư nhờ em gái mình tìm cách gửi ra tiền tuyến để nói rõ lòng mình: “Em chỉ biết khắc những nỗi niềm nhớ thương vào tâm khảm. Em thương anh và em thương cho nước.” […] “em đâu có dám để len vào đầu một ý nghĩ rằng Đường của Diễm lại đi phản bội chính mình, hơn nữa, lại đi phản bội quê hương. Em sắp chết đây Đường ơi! Giá em còn sống, em sẽ theo anh đến tận chân trời, bước qua những đoạn đường gập ghềnh mà về với xứ sở.” Nhưng khi người em gái đưa thư chị nhờ người đưa thư chuyển cho người ở chiến trường thì người đưa thư thông báo người chiến sĩ tên Đường ấy cũng đã qua đời trong một trận đánh gần đây. Hai lá thư không gửi, nhưng thật sự đã gửi song không đến tay nhau trong tình cảnh éo le như vậy. Vũ Anh Khanh luôn xây dựng tình huống về nỗi đau và nghịch cảnh éo le trong thời chiến bủa vây lên mọi mặt của những con người kháng chiến.
Có thể do cầm bút chiến đấu trong lòng thành phố, nên họ Vũ mới hay mượn sự tích ở nước ngoài để che đậy sự theo dõi, kiểm duyệt, thuận lợi cho việc gửi gắm tư tưởng, tình cảm khi nói đến con người mang nghĩa khí cứu nước, như truyện Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư là một tướng tài, nhưng sống dưới thời vua Sở nhìn thấy nhân dân cơ cực, cha và anh bị vua Sở giết, nên tìm cách báo thù giết hôn quân cứu dân tình. Trên con đường đi tìm cứu viện, Ngũ đã vượt qua bao khổ nạn, có đến 3 người chết vì Ngũ Tử Tư để cho Ngũ làm nên sự nghiệp trả thù. Đầu tiên là vợ, không muốn để chồng bịn rịn chuyện riêng tư, nên đã thắt cổ tự vẫn. Hai là ông lái đò chở Ngũ vượt sông để thoát nạn quân Sở truy đuổi phía sau. Ngũ dặn: “Dã sử đằng sau có quân đuổi theo, xin cụ đừng tiết lộ”. Lão thở dài bảo Ngũ: “Làm ơn cho nhà ngươi mà nhà ngươi lại nghi lão! Thôi thì lão xin chết để nhà ngươi được yên lòng.” Nói xong, lão đánh cá tự đánh đắm thuyền, chết đuối giữa sông. Ngũ Tử Tư ứa nước mắt: “Tôi vì cụ mà sống, cụ lại vì tôi mà chết!”. Thứ ba là cô gái giặt áo bên sông, giúp Ngũ bữa ăn qua cơn đói khát kiệt sức. Cho Ngũ ăn xong, nàng nói: “Tiện nữ, ba mươi năm trời vẫn một lòng trinh tiết ở với mẹ, nay vì một giỏ cơm mà thành ra phải tiếp chuyện với đàn ông, còn gì trinh tiết nữa! Người ngoài sẽ dị nghị. Thôi người nên đi đi!”. Nói rồi, nàng ôm đá nhảy xuống sông tự tử. Đó là những người giúp Ngũ mà chết, làm Ngũ nghĩ: “không vì tình bạn, không vì nghĩa cả mà vì một tấm lòng nhân bác ái hơn người.” Đó chính là động lực giúp Ngũ vượt khổ nạn, đến phò vua nước Ngô, mượn quân Ngô đánh Sở trả thù nhà. Nhưng cuối cùng Ngũ không tìm ra được minh quân để dốc sức, bởi dưới thời Ngô Phù Sai, vua chỉ biết đắm say sắc đẹp khuynh thành của Tây Thi, can gián không được, đành sai tùy tướng: “Ta tự khoét mắt, ngày mai nhờ ngươi đem đôi tròng mắt của ta treo lên cửa thành, để ta được nhìn về phía nước Việt, để ta được nhìn sâu vào lòng dạ Câu Tiễn Việt Vương.” Truyện kết thúc như vậy, nhằm cho thấy tầm nhìn xa của Ngũ Tử Tư, cảnh báo rằng, Ngô Phù Sai chỉ vì say đắm sắc đẹp, không nghe lời khuyên gián của hiền tài, nên để mất nước và nhận cái chết dưới tay Việt Câu Tiễn.
Trong Nhạc thần, Vũ Anh Khanh mượn chuyện xứ người, huyền thoại hóa về nghệ thuật âm nhạc. Từ thời Minh Trị Thiên Hoàng chuyển qua “Dũ Nhân Thiên Hoàng hiện thời là một vì vua bù nhìn, ăn rồi ngủ!” của đất Phù Tang, đất nước của Thái Dương Thần Nữ. Một vị vua không theo dõi, quan sát, lắng nghe mọi biến động đất trời, tiếng lòng của khắp trần gian để trị vì thiên hạ. Khi lên thiên đình, trước mặt Thái Dương Thần Nữ, “Minh Trị ngồi nghe, bỗng thở dài nhìn Nải Mộc. Người không ngờ cháu người lại đến nỗi thế! Thế là hết! Bao nhiêu tiếng tăm của dòng nhà vua, bây giờ vì một Dũ Nhân hèn hạ mà tiêu ma!”. Từ đó, Vũ Anh Khanh xây dựng câu chuyện tình của thần đồng âm nhạc Vĩnh Điền với người con gái Triều Tiên của nhạc sư nổi tiếng Itakai Foutakubé. Vĩnh Điền đã từng đi khắp mọi nơi, tiếp cận với những danh nhạc lẫy lừng thế giới, nhưng cũng không thỏa lòng. Khi sáng tác âm nhạc, Vĩnh Điền đã lắng nghe và thu nhận tất cả các loại âm thanh trong vũ trụ: âm thanh huyền ảo của chuông khánh, dữ tợn của sấm sét, ồ ạt của sóng bể khơi.
Âm thanh: “Tiếng đập của quả tim khi yêu, khi buồn, khi vui… tiếng rung động của hai hàng mi khép mở, tiếng nghiến nhỏ của lưỡi và răng…”. Những âm thanh của thần công đại bác, trái phá, phi cơ, tàu ngầm, những tiếng hét đau đớn của người bị đạn, những tiếng reo hò của kẻ thắng, những tiếng than thở của người bại, những âm thanh loạn giữa bãi chiến trường. Đấy là đoạn của bản Nhạc Thần “chép lại những âm thanh của thế giới hữu hình.”. Khi “trận đánh trả mãnh liệt của quân đội Nhật trên quần đảo Okinawa”, Vĩnh Điền tử trận. Nhưng bản Nhạc Thần vẫn không dừng lại, hồn Vĩnh Điền thoát xác lén xuống trần gian. “Vừa gặp lúc quân Mỹ thả xuống hai quả bom nguyên tử, chấm dứt trận chiến tranh thảm khốc. Vừa gặp lúc những giống dân ở miền nam châu Á nổi dậy đòi tự do, tiện sĩ chép thêm những âm thanh của muôn vạn lòng kẻ muốn sống”. Dọc đường còn gặp thần chết, thần chiến tranh, thần vòng, thần hà bá, bao nhiêu thần chuyên lên trần gian rước hồn ma về cõi u minh, ghi những lời nói của họ, tìm âm thanh theo tâm sự họ.” Đó là âm thanh của thế giới siêu hình. Và đoạn kết của bản Nhạc Thần là “âm thanh do chính mình phát ra”. Qua Nhạc Thần, người đọc thấy Vũ Anh Khanh muốn gửi gắm, người làm nên tác phẩm nghệ thuật phải là người thông tuệ, có một cảm thức, một tâm hồn bao trùm lên sáu cõi mới đem lại được phần nào lợi ích cho nhân sinh. Và người lãnh đạo cũng phải lắng nghe được tất cả những âm thanh ấy mới trị vì được thiên hạ.
Tiếng địch sông Ô khai thác chủ đề tài năng nghệ thuật và cái ác, mượn khía cạnh lịch sử để lột tả bản chất máu lạnh đến ghê người của những tên quan đầu triều. Đó là nhân vật Nguyễn Thân – ai cũng biết Nguyễn Thân là quan võ dưới triều vua Đồng Khánh, vừa là tay sai cộng sự đắc lực cho thực dân Pháp, từng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương vào những năm cuối thế kỷ 19. Vũ Anh Khanh viết Tiếng địch sông Ô không nói về lai lịch của nhân vật này, mà lồng vào vở tuồng cổ “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ”, xây dựng nhân vật kép hát đóng vai Hạng Vũ quá xuất sắc, đến khi “vị anh hùng đất Sở gặp lúc cùng đường, bó tay, ngồi nhìn trăng mờ soi xuống con thuyền mạt lộ, lênh đênh trên bến Ô Giang. Hạng Vũ hát nhớ Ngu Cơ, khóc thương người vợ quý. Cất giọng ngâm thơ, rồi chàng thở dài, “lấy ống trúc tiêu ra thổi bài “Tiếng địch sông Ô”. […] Tiếng trúc chùng, giãn, rung rung ngân dài, bao nhiêu tấm thân người xem đều lạnh ớn, rùng mình. Từng đoạn lâm ly lại từng đoạn mê hồn chùn chùn thấm vào gân tai, rã rượi cả toàn thân thính giả.” Làm cho cô Thảo con gái của Cần chánh điện Đại học sĩ Nguyễn Thân rơi nước mắt. Khi hạ màn kết thúc xen tuồng, cô Thảo lẻn ra phía sau tìm anh kép hát đóng vai Hạng Vũ để thể hiện tấm tình yêu mến. Đến khi vào lại, cụ Cần phát hiện, gọi bọn lính bắt tên kép hát ra quy tội và lệnh chém đầu. Thảo lao ra ôm xác người yêu. Cụ Cần lệnh cho lính trị con gái: “Ta tha cho tội lấy đầu nhưng nó phải dùng dây lụa điều này mà tự xử. Ta cho phép nó làm theo Ngu Cơ ngày xưa để mà chết theo gã Hạng Vũ vừa rồi.”. Bọn lính đem xác hai người chôn chung một huyệt. Ngòi bút của tác giả không bình luận, mà cứ miêu tả, tường thuật theo những hành động máu lạnh giết người dã man đến rợn người của viên quan Cần chánh làm tay sai cho ngoại bang xâm lược để lại sự ghê rợn trong lòng người đọc.
Cây đàn câm cũng nói về tác dụng của âm nhạc. Tiếng đàn là những chuyển tải cảm thức sâu xa mà chỉ có tâm hồn và nhận thức nhạy cảm người nghệ sĩ mới dự báo được. Thế nhưng không phải ai cũng cảm nhận và hiểu hết được những âm thanh nghệ thuật “cảnh tỉnh muôn vạn người lạc lối” ấy. Điều tai hại và nguy hiểm nhất là khi người lãnh đạo đứng đầu không hiểu. Nên khi tiếng đàn của Chế Liễu “rung lên, khi mau, khi chậm, khi nhẹ nhàng, khi hấp tấp, khi như van lơn, khi như nguyền rủa. Bao nhiêu nỗi thắc mắc đau khổ trong lòng của Chế Liễu đều theo đường tơ mà tuôn ra những giọng ai oán lâm ly. Ai nấy đều lắng nghe những tiếng đàn tha thiết kêu gọi kín đáo, vừa chua chát, vừa quyến rũ. Nhưng tiếng đàn chỉ có một người hiểu: công chúa Huyền Trân. Nghe đàn, nàng bỗng dưng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ mà tủi lòng, nức nở khóc thành tiếng. Nước mắt của người ngọc chảy vì tiếng đàn kia làm cho nhà vua tức giận. Vì thế, nhạc sĩ Chế Liễu bị đem ra pháp tràng chặt đứt hai bàn tay! Đó là một sáng kiến của nhà vua để trả thù. Cho Chế Liễu sống để Chế Liễu đau khổ suốt đời bên cây đàn của mình.” Vũ Anh Khanh thường mượn chuyện ngày xưa để kể, nhưng lại rất lôi cuốn người nghe và gợi cho người đọc luôn liên tưởng một cách đồng hiện giữa quá khứ với hiện tại.
Vũ Anh Khanh mượn chuyện âm ty để  nói với người trần thế. Thần Vòng với cái dây thòng lọng được xem là kẻ lạnh lùng nhất, chỉ biết nhận nhiệm vụ bắt những linh hồn người chết về âm ty cho Diên Vương phán xử. Nhưng trước những con người anh dũng, chí khí quật cường, làm cho cái nhìn và suy nghĩ của Thần Vòng cũng thay đổi: “Đông Điều tướng quân và những chiến phạm Nhật sẽ sắp lọt vào tay Thần. Thần lãnh mệnh lệnh của Diêm Chúa đi lãnh linh hồn của những kẻ bại trận này về. Thần mân mê sợi dây thòng lọng, hắt hiu thở ra. Lần đầu tiên, Thần thấy mình hơi băn khoăn với sứ mạng. Thần lấy làm lạ, mấy lần trước Thần đi rước linh hồn mấy người chiến phạm Đức như Von Ribbentrop, Goering, Thần vui vẻ và dửng dưng, thế mà lần này, Thần lại hơi bùi ngùi thương tiếc. Có lẽ vì Thần mến họ, cảm cái gan hùng của họ, nể sự khinh thường cái chết của họ chăng? Dù sao, người ta ai cũng thích cái chết anh hùng của Ngô Châu Du hơn cái sống hèn hạ của Tào Tháo, ham sống đến phải quỳ lạy Quan Vân Trường giữa đạo Huê Dung. (Thần Vòng). Ngòi bút của ông luôn hướng vào tôn vinh và ngợi ca những con người có chí khí bất khuất.
Mượn chuyện hồn ma để tái hiện một sự thật dương gian, thể hiện cái nhìn về hiện tình đất nước thời chiến. Vào ngày rằm tiết Trung ngươn, có hai hồn ma từ âm phủ lén về lại dương trần, để thăm người thân còn sống. Một trong hai hồn ma đó có một người vì chính nghĩa quốc gia hành động, nhưng bị hai người anh vợ ganh ghét, họ theo giặc và gài bẫy để giết em rể. Kẻ chính nghĩa bị thiệt mạng về âm phủ, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ với muôn vàn khó khăn, còn kẻ bán nước – hai người anh vợ, lại sống nhởn nhơ phè phỡn ở dương trần. Trước thực trạng đau lòng đó, ở “phần ngoài truyện”, xem như kết truyện, người viết nêu lên quan niệm với người đang sống, tức người vợ của hồn ma: “Ông chết (tức chồng người vợ còn sống), nước Việt mất một người con, bà mất một người chồng, cháu mất một người cha. Đó đã là một chuyện đáng đau lòng. Ngày sau, cháu đi trả thù cho cha, tức hai ông anh bà phải chết. Như thế, nước Việt lại phải mất thêm hai người con, hai chị dâu bà mất hai người chồng, mấy đứa cháu bà mất hai người cha. Lại thêm một chuyện đáng đau lòng hơn. Thế gian này lại thêm hai gia đình tang tóc! Như thế nào có ích gì! Hãy quên tư thù cá nhân mà lo chuyện lớn.” Chuyện lớn ở đây là bỏ đi thù hằn cá nhân, cùng chung chí hướng lo chuyện cứu nước – quốc gia đại sự (Theo khói nhang rằm). Viết Cầu chìm, lại mượn đề tài quá khứ để dựng truyện, tìm cách hướng người đọc về với những con người nghĩa vụ, vì việc lớn. Chế Cầu lần mò ra tận Thăng Long thành, sống bằng nghề đi vẽ mướn. Tài vẽ của chàng làm cho cô con gái yêu quý của viên võ quan hầu nhà vua để ý. Từ ấy hai người lén lút yêu nhau. Thời gian qua, Chế Cầu mải say mê tình yêu quên bẵng mối thù phải trả. Bỗng một hôm đang ngủ, chàng chợt giật mình lắng tai nghe một người đàn bà hát Nam Ai. Giọng hát buồn, kể lể, oán than cho cả một dân tộc đang đau khổ làm cho Chế Cầu tỉnh giấc mơ hoa, nhớ lời thề và bổn phận. Khi Chế Cầu hành thích viên quan là cha của người đẹp thì bị quân lính triều đình vây bắt chờ ngày đưa ra pháp trường hành thích. Truyện không có cốt truyện nhưng đã kích thích người nghe về chuyện bắc quàng từ sự việc này sang sự việc khác như một huyền thoại về lịch sử, không ngoài bổn phận công dân với đất nước.
Mai Phi phản phất bóng dáng về chủ đề tự hào dòng máu như trong tiểu thuyết Bạt Xíu Lìn. Truyện kể về người con gái Thổ trên đất Cao, nói lên sự giao lưu gắn kết giữa các dân tộc với nhau, rất tự hào về dòng máu người con dân Việt, như hình ảnh nhân vật Mai Phi: “nó sanh ra do hai giống máu anh hùng, không bao giờ hèn cả! Nó theo gương cha nó, luôn luôn nhớ người cũ mà vẫn luôn luôn nhớ bổn phận thiêng liêng nhứt của một kẻ biết làm người. Nó sẽ làm con chim bằng mà bay ra ngoài gió lộng, trời cao để một ngày kia có trở về với khúc ca thiên thu bất diệt…” Truyện đặt ra vấn đề dân tộc là trên hết.
Sài Gòn ơi cũng như Đầm Ô Rô mô tả cảnh đối lập giữa hai mảng đời. Từ những “hộp đêm” cho những cô gái còn trẻ thua bạc, như Son, chờ đến giờ chồng đi làm là trang điểm chưng diện để đi “bắt mồi” kiếm tiền. Kiếm tiền vì thiếu thốn bởi cứ chui vào những canh bạc để bị thua. Hãy nghe cuộc đối thoại khi Son nằm trong lòng khách làng chơi: “- Em có chồng chưa? Ngập ngừng, Son trả lời: – Có rồi. – Sao em làm nghề nầy? – Vì em thua nhiều quá! Ông khách cười: – Hỏi các cô thì cô nào cũng vậy. Thua bạc, ai bảo đi đánh?” (Đầm Ô Rô). Trong Sài Gòn ơi là tấn bi kịch giữa hai lối sống: lý tưởng cao đẹp sẵn sàng chiến đấu hi sinh với lối sống thác loạn bê tha mất đi nhân phẩm. Kể rằng, đôi vợ chồng Thảo và Loan, yêu nhau từ thuở học trò, rồi lấy nhau. “Những thuở thanh bình, hai vợ chồng trẻ tuổi sống an nhàn với số lương kiếm hằng tháng”. Binh lửa tới, súng nổ ngày đêm trong và ngoài thành, vợ chồng Thảo mang gói ra đi theo nước. Chàng xung vào quân đội, vác súng gìn giữ cõi bờ, nàng đeo băng đính chữ thập hồng, băng bó những vết thương cho người ngoài chiến địa. Những chiều biên khu đìu hiu gió rít, Thảo và vợ cầm tay nhau mà ngậm ngùi, cùng trông về nơi xưa để cùng nhớ nhung mong mỏi. “Trong một lần đi tác chiến, Thảo lạc vợ, không biết nàng về đến làng nào, hay chết rồi cũng nên! Thế rồi, có một lần Thảo lầm lỗi, bị người trên quở trách, chàng quên chuyện lớn mà đem dạ oán hờn, bỏ hàng ngũ trở về thành để tìm những thú vui cá nhân ích kỷ”. Gặp Thanh, người bạn học cũ chuyên sống về tài bài bạc, Thảo sa ngã theo Thanh, cờ bạc rượu chè. Thảo thua bạc, thụt két, bị bắt tống giam và chờ ngày ra tòa. Ở tù, một hôm tình cờ nhìn thấy Loan cũng bị nhốt trong tù. Khi hỏi ra mới biết, Loan vào tù là do “toan ném lựu đạn vào một nhà hàng” có quân địch, bị bắt, còn Thảo vào tù là do thụt két nhà chủ. Thảo xin Loan tha tội. Loan bảo: “Em đâu dám, tội anh chỉ có toàn dân Việt tha hay bắt, còn em… Loan nghẹn lời: Em vẫn là vợ anh, em chỉ buồn lòng thôi Thảo ạ.” Rồi khuyên: “Em mong mỏi anh đã hối hận việc anh làm, mà quay về nẻo chính.” Chỉ mấy lời trao đổi với nhau như thế, rồi Loan theo “đám tù bị dẫn đi xa, Thảo nhướn mắt nhìn theo. Bóng hình mảnh mai của Loan… đi lẫn trong đám tù, dưới gió rét, in sâu vào mắt Thảo qua lần mưa bụi rơi mau. Thảo cúi mặt xuống thở dài…”. Kết truyện qua ngòi bút của Vũ Anh Khanh thường thể hiện quan điểm lập trường đứt khoát nhưng luôn bộc lộ một tấm lòng bao dung, tin tưởng, nhân hậu. Truyện Đầm Ô Rô, Sài Gòn ơi – cũng như trong bài thơ Phấn son, Vũ Anh Khanh tỏ thái độ chê trách với những thanh niên buông trôi cuộc đời dấn thân vào cuộc sống vô nghĩa, dửng dưng trước thời cuộc và kêu gọi, nhằm cảnh tỉnh để ý thức trước vận nước, trước cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc.
Phần kết
Để kết bài viết, chúng tôi mượn lời của một số tác giả đánh giá về Vũ Anh Khanh, như trong Văn chương tranh đấu miền Nam (1969) Nguyễn Văn Sâm đã nhận xét: “Nhìn tổng quan về tư tưởng của Vũ Anh Khanh ta thấy các đề tài của ông không ra ngoài mục đích chính lập trường người dân cổ võ ủng hộ cách mạng chống thống trị, xâm lược”. […] “Ông là ngòi bút có chân tài, văn ông nhẹ nhàng, bình dị nhưng gợi cảm, thấm thía”. Từ điển Văn học ghi nhận: “Vũ Anh Khanh là một trong những nhà văn miền Nam xuất sắc. Đối mặt với kẻ thù giữa lòng Sài Gòn. Tác phẩm của ông nói về những mất mát, đau thương, do quân ngoại xâm gây ra, có sức xúc động lớn đối với người đọc, đồng thời cũng dẫn người đọc đến một con đường tất yếu: vùng lên tự giải phóng. Tinh thần dân tộc hầu như quyện chặt vào từng nhân vật trong tác phẩm. Bên cạnh đấy, ông còn là một nhà thơ. Chiến sĩ hành, ca ngợi những người yêu nước, đặc biệt âm hưởng hơi hiu hắt buồn; Tha La miêu tả một xóm vắng, miền rừng, già, trẻ, gái, trai hàng hàng lớp lớp còn bận lên đường trả nợ núi sông”.
Vũ Anh Khanh, nhà văn tuổi đời ngắn ngủi (31 năm), nhưng để lại khối lượng tác phẩm cho đời khá phong phú. Văn ông có công chúng độc giả riêng khi ngòi bút của ông tung hoành trong lòng đô thị đang bị kiểm duyệt theo từng trang sách. Vị trí Vũ Anh Khanh không dừng lại ở một địa phương mà ông là nhà văn lớn trong dòng chảy văn học yêu nước của dân tộc Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954.
Chú thích:
(1), (3) Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.
(2) Lương Đào Quốc Dũng (2017) – Luận văn thạc sĩ: Văn học Bình Thuận giai đoạn 1945 – 1975;
(4) Lê Ngọc Trác – Thi sĩ Vũ Anh Khanh: Một bài thơ sống mãi với đời (vanhocsaigon.com/thi-si-vu-anh-khanh-mot-bai-tho-song-mai-voi-doi).
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều tác giả (2006), Địa chí Bình Thuận, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Thuận.
2. Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội.
3. Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Phan (2008), Văn học thời kỳ 1945 – 1975 ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP. Hồ Chí Minh.
4. Vũ Anh Khanh và hai thế giới mâu thuẫn – www.namkyluctinh.com › nvsam-anhkhanh
5. Nguyễn Thị Phương Thúy – Võ Văn Nhơn: Vũ Anh Khanh – Cây bút hàng đầu của dòng văn chương tranh đấu miền Nam 1945-1954 – http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
6. Nguyễn Văn Sâm (1969): Văn chương tranh đấu miền Nam, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn.
22/7/2023
Võ Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...