Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Tiểu luận của Lê Tú Anh: Từ Nguyên Tĩnh, một tư duy thơ hiện đại

Tiểu luận của Lê Tú Anh:
Từ Nguyên Tĩnh, một tư duy thơ hiện đại

Dù thành tựu thơ ca của Từ Nguyên Tĩnh chưa ấn tượng như văn xuôi, nhưng có thể thấy ông là người nghệ sĩ có tố chất thi ca đẹp đẽ. Quan tâm đến nhiều chủ đề, ông không dùng thơ luật mà hứng thú theo đuổi các dạng thức thơ tự do. Bằng cảm xúc chân thành, bằng trải nghiệm và tri thức phong phú, ông có nhiều sáng tạo về hình ảnh nhưng không phải là những tân kỳ, khác biệt mà chân thực, tươi mới, giàu khả năng biểu đạt, suy tưởng và liên tưởng…
Từ Nguyên Tĩnh thành danh như ngày hôm nay không phải bởi thơ. Tôi biết ông là một nhà văn “chuyên canh” thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng thơ ông quả thực đã làm cho tôi xúc động. Bắt đầu là một tráng ca mang tên Trái tim nhịp cầu[1], tôi đã hứng thú tìm đọc Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh[2]. Tập sách đẹp, công phu, thể hiện những thành tựu quan trọng của Từ Nguyên Tĩnh trong hoạt động nghệ thuật. Trong tiểu luận này, tôi muốn nói về thơ ông – thứ thơ của một người không thật sự chuyên nghiệp về thơ, nhưng có nhiều điều đáng để độc giả suy ngẫm và trân trọng.
Như đã nói, ấn tượng đầu tiên của tôi về thơ ông là với Trái tim nhịp cầu. Khúc tráng ca là cảm xúc đau xé của người lính trước cảnh cầu Hàm Rồng – cây cầu huyết mạch chi viện cho tiền tuyến trong chiến tranh chống Mỹ – bị giặc ném bom tàn phá. Nhà thơ ngỡ ngàng thốt lên: “Ôi cái phút sinh tử/Trái tim tôi tan vỡ/Tôi lặn vào tim mình mà gọi/Nhịp cầu ơi!”. Nỗi đau đớn tột cùng khiến người viết không kịp dùng kỹ thuật, thủ thuật, chỉ dùng một thứ duy nhất là trạng thái xúc động mãnh liệt. Bởi thế, tiếng nói nghệ thuật của Từ Nguyên Tĩnh ở đây trở nên mới lạ, không lặp lại, không mòn cũ:
“Kìa đôi Mắt Rồng vẫn mở trơ trơ
Mở mắt
Như chưa bao giờ biết ngủ
Và Hòn Ngọc sáng bừng bên kia sông
Chứa chất ngọc vào trong tim tôi
Nòng pháo trên đồi cao suy ngẫm
Trận đánh thương vong ban chiều
Những hố bom quân thù loang lổ
Chạy vào trong tim”
(Trái tim nhịp cầu)
Chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết là gang tấc. Vậy nên, chỉ trong phút chốc, dòng sông Mã, nhịp cầu Hàm Rồng oai hùng, sừng sững là thế, trở thành những sinh thể đầy đau đớn, bật lên những phức cảm làm rung động trái tim nhà thơ, trái tim độc giả. Người lính giữ cầu bằng tất cả tình yêu và nỗi lo lắng, dường như không đêm nào yên giấc ngủ. Mọi diễn biến liên quan đến cây cầu đều được anh dùng tất cả giác quan để tri nhận với hy vọng giữ bình yên trong mỗi phút, mỗi giờ:
“Dòng sông Mã không ngớt thở dài
Hình hài tóc bạc
Hàng dừa đôi bờ lao xao hư thực
Chưa bao giờ có giấc ngủ yên
Đâu đây xạc xào cánh chim
Bay đi tìm tổ”
Vậy nên, khi trận bom làm cây cầu bị thương, người lính như thấy trái tim mình bị thương tổn nghiêm trọng. Anh chất vấn chính mình: “Tiếng nổ có làm sai nhịp tim không” và dùng hình ảnh trái tim chứa hố bom để biểu đạt một nỗi đau quá lớn:
“Tôi bước vào tim mình
Lạ. Rất lạ
Hố bom sao nhiều quá
Mà trái tim lại nhỏ
Có chứa nổi được không
Tôi chưa gặp một căn hầm
Vững chãi như trái tim
Chưa gặp ở đâu một tình thương
Như tình yêu của trái tim mở cửa”
Những hình ảnh “đôi Mắt Rồng vẫn mở trơ trơ”, dòng sông Mã thở dài, trái tim mở cửa… là những sáng tạo mang ý nghĩa biểu tượng. Cây cầu Hàm Rồng với những nhịp bằng sắt, trải qua năm tháng, nhìn bên ngoài xù xì, cũ kỹ mà trong mắt nhà thơ, trong tình yêu mãnh liệt của người lính giữ cầu, trở nên có sinh mệnh, có tâm hồn, có sức sống mãnh liệt vượt lên tất cả đạn bom, “sừng sững hiên ngang đứng giữa trời”. Tương tự, những hình ảnh “Hố bom ngày xưa và hố bom bây giờ chồng lên nhau”, “Hố bom cụp mắt lại/Cỏ đang lan trên miệng hố bom” không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tả thực. Hố bom là biểu tượng của tội ác, của sự hủy diệt. Hình ảnh hố bom chồng lên nhau hàm nghĩa vết thương cũ chưa liền, vết thương mới lại làm cho cây cầu đau đớn. Nhưng thời gian sẽ chữa lành các vết thương, bởi tội ác rồi cũng có khi phải tự thấy xấu hổ trước những tâm hồn thánh thiện, trước tình yêu tha thiết, từ sâu thẳm trái tim mỗi chàng pháo thủ dành cho cây cầu yêu dấu. Có lẽ vì tình yêu với cây cầu có thật ấy, nhà thơ – chủ thể trữ tình ngay lập tức nghĩ đến một cây cầu có thể đưa người vợ mới cưới đến với tình yêu nếu chẳng may trong trận đánh sau cùng anh ngã xuống:
“Nếu anh ngã xuống
Vào trận đánh sau cùng
Sẽ làm một đoạn cầu bắc trên đường
Cho em đi đến tình yêu.”
Đọc toàn bộ phần thơ và trường ca của Từ Nguyên Tĩnh trong tập 5 của bộ Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh, dễ dàng nhận thấy ông thiên về tạo dựng những diễn ngôn tư tưởng, triết luận. Từ Nguyên Tĩnh luận bàn nhiều vấn đề: thượng đế, trời, Phật, thánh thần, nhân tình thế thái… Tư duy thơ của Từ Nguyên Tĩnh khoáng đạt, linh động. Ông không dừng lại ở một vài đề tài/chủ đề quen thuộc như quê hương, đất nước, tình yêu, tình bạn…, mà mở rộng chiều kích của không gian và thời gian, lịch sử và văn hóa. Từ thời gian hiện tại, ông quay về quá khứ, rồi lại từ quá khứ kết nối hiện tại. Từ không gian có thực, ông liên tưởng đến những miền không gian tâm tưởng, tâm linh, không gian văn hóa. Tôi đặc biệt thích những bài ông lấy cảm hứng từ lịch sử như: Ninh Bình, Chè lam Thành Nhà Hồ, Viếng mộ Nguyễn Du, Đào Duy Từ, Giấc mơ Cồn Cỏ… Dù kiến thức lịch sử phong phú nhưng Từ Nguyên Tĩnh không chủ trương phô bày mà dùng cách của người họa sĩ vẽ truyền thần, chỉ một vài nét đủ để gợi cho người đọc hứng thú tìm kiếm, khám phá, đồng sáng tạo. Từ góc nhìn khác, cũng có thể nói, ông đã dùng cả các thủ pháp của chủ nghĩa hậu hiện đại như phúng dụ, liên văn bản để sáng tạo hình tượng trong những thi phẩm này.
Bày tỏ niềm cảm thương và ngưỡng mộ thiên tài Nguyễn Du, ông viết: “Trong khói hương/ Tôi nghe ông nói/ Ba trăm năm/ Thơ ông đà rất cũ/ Khuôn mặt Tú Bà, Hoạn Thư, Sở Khanh và Thúy Kiều…/ Tránh trần gian chẳng được nên nhận kiếp phiêu diêu.” (viếng mộ Nguyễn Du). Ám ảnh về thân phận Đào Duy Từ, ông băn khoăn: “Dấn thân vào chốn binh đao ấy/ Không ngoái đầu nhìn lại đất Văn Trai/ Đào Duy Từ ông là ai?/ Ông vì ai? Biển Quảng Bình thở dài/ Cát Quy Nhơn trắng phau thương tiếc/ Ông là ai? Chúa Nguyễn gọi bằng Thầy/ Chúa Trịnh gọi là đồ “xướng ca vô loài”/ Ông là ai mà như không có thực/ Cưỡi trâu lên tận mây xanh/ Trăm năm sau/ Thành lũy không còn/ Người đời tìm ông như tìm câu hát/ Sao thiên hạ gọi ông là thầy/ Biển trắng xóa trùng khơi” (Đào Duy Từ)… Bằng những cách ấy, ông, một lần nữa đã huyền thoại hóa các danh nhân, thôi thúc người đọc vén màn sương mờ của thời gian để tiếp tục suy tư cùng lịch sử.
Từ Nguyên Tĩnh nói nhiều điều liên quan đến nhà Phật. Các từ ngữ, hình ảnh của thế giới Phật giáo như Phật ngàn mắt ngàn tay, nhà sư, chuông chùa, từ bi, hỉ xả, vô lượng, tham, sân, si… xuất hiện khá dày trong thơ ông, nhưng có một điều lạ, sau cùng và trên hết, với ông vẫn là cuộc đời thực với những con người có thực. Đó là mẹ, là cha, anh chị em, vợ con, là người chú thương binh nặng, là người bạn thơ vừa rời cõi thế, là những người lang thang kiếm ăn nơi thành phố đông người… Chiêm nghiệm về nhân thế sau nhiều hành trình, Từ Nguyên Tĩnh đã thức nhận về một vùng mỹ cảm riêng. Với ông, không có cõi tiên, cõi Phật nào huyền diệu, đáng sống hơn cuộc đời trần thế. Tư tưởng này xuất hiện trong nhiều bài, bằng những cách thể hiện không lặp lại (Thượng đế, Tế thần, Tâm, Tu tiên…).
Thực ra, đây không phải là tư tưởng độc sáng của Từ Nguyên Tĩnh. Ngay từ khi Thế Lữ còn “thoát lên tiên”, Lưu Trọng Lư còn “phiêu lưu trong trường tình”, Xuân Diệu đã thấy cuộc sống trần thế là một thiên đường trên mặt đất: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất…” (Vội vàng). Nhưng có lẽ Từ Nguyên Tĩnh đã không tiếp thu trực tiếp tinh thần của Xuân Diệu – nhà thơ của “niềm khát khao giao cảm với đời”, mà chiêm nghiệm từ chính những trải nghiệm của mình. Ông đi nhiều nơi, nếm trải nhiều vui buồn, cả vinh quang lẫn khổ đau, cô đơn, thậm chí cô độc, nhưng trước sau vẫn chỉ muốn làm một con người trần thế dù ông nhận thức rõ cuộc đời vô thường, ngay cả những thứ đẹp nhất mà ông từng có rồi sẽ mất.
Trong cuộc sống thế gian nhiều vui buồn, ông dành những tình cảm trong trẻo, thương mến nhất cho quê hương dấu yêu – Bàn Thạch (Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Từ Nguyên Tĩnh cũng dành hẳn một phần trong tuyển tập thơ và trường ca (Phần II) cho những bài thơ mang tính tự thuật để nói về quê hương, gia đình, người thân và những tình cảm ông dành cho quê nhà. Với một nhà văn đã thành danh, có nhiều cách để tự họa chân dung. Từ Nguyên Tĩnh cũng không thể không để lộ ít nhiều con người tiểu sử trong các truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng có lẽ với ông, thơ mới là nơi ký thác những chỉ dấu thân phận. Phần thơ tự thuật của Từ Nguyên Tĩnh làm xúc động người đọc bởi giọng tự sự mộc mạc, chân thành. Chân thành giới thiệu: “Tôi là đứa trẻ mồ côi/ Mẹ ủ tôi trong rơm rạ/ Nhiều đêm dài đói khát” (những ngôi sao ở phía chân trời). Chân thành thú nhận: “Ngôi nhà ấy giờ không còn nữa/ Chủ mới đang phá đi để xây lầu/ Ở thành phố đất con cũng rất chật/ Không đủ tiền chuộc lại dựng lên đâu” (ngôi nhà xưa). Trong mặc cảm về thân phận mồ côi, nhà thơ một đời “lang thang tìm bóng dáng cha mình”, không ngừng khắc khoải về một người cha mất từ khi ông chưa đủ trí khôn để nhớ mặt. Bức chân dung về người cha trong hình dung của Từ Nguyên Tĩnh thật đặc sắc: “Người làng bảo/ Tôi giống cha mình/ Dáng đi mặt mũi thật y hệt/ Ngồi uống rượu/ Một cút tàn cả đêm không hết/ Say/ Rót nước lã cũng bảo là rượu ngọt” (Cha). Không phải là một tiếng nói, ông vẽ hình cha mình từ nhiều quan chiếu khác nhau, chủ yếu là lối nói phúng dụ, tạo nên một hình dung dài rộng theo năm tháng cuộc đời và những mối quan hệ của cả cha và con. Những tiếng nói, dù đôi khi không mấy thiện cảm, vẫn đủ để ông phác họa chân dung người cha trong niềm nhớ tiếc và tự hào, bởi ông cho rằng chính ông, bằng việc tạo dựng những giá trị của mình, đã làm nên giá trị của đấng sinh thành.
Cũng bằng giọng mộc mạc, chân thành ấy, những tự thuật của Từ Nguyên Tĩnh đã làm sống lại, theo một cách riêng, không chỉ ký ức của nhà thơ, mà cả một thời xa xưa của nhiều số phận, từ thời kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, cả một không gian nông thôn vùng Bắc Trung bộ – mảnh đất “lắm người nhiều ma” nhưng cũng giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, phong tục… Bài thơ Làm người Thanh Hóa đi em dùng hình thức đối thoại trong tự tình để giới thiệu một cách đầy tự hào về đất và người Thanh Hóa. Bao nhiêu tên đất, tên người là bấy nhiêu nét đặc sắc riêng có của một vùng quê – đặc sắc trời phú và người phú, thiên tạo và nhân tạo: “về làm người Thanh Hóa đi em/ Qua Neo/ Bàn Thạch/ Quần Tín/ Hậu Hiền/ Qua sông Mã, sông Chu/ Lên miền Tây Bắc/ Qua Vạn Hà/ Ngã Ba Bông/ Nhớ chè lam Phủ Quảng (…) Về Thanh Hóa làm dâu đi em/ Lên núi Nưa/ Có gặp bóng tiều phu hái củi/ Mới thương người con gái/ Cỡi voi dẹp giặc/ Cứu nước non” (Làm người Thanh Hóa đi em). Điều thú vị là Từ Nguyên Tĩnh liệt kê mà không rơi vào kể lể đơn điệu, vốn tri thức bản địa phong phú cùng sự trải nghiệm sâu sắc cho phép ông nhắc đến mà như gợi dẫn, điểm tên mà như vẽ ra cả không gian lẫn thời gian, nhẹ nhàng đánh thức quá khứ trở về đầy yêu thương, gắn bó trong hiện tại.
Nghĩa là, từ những cái cụ thể, ông hay liên tưởng đến cái vĩnh hằng, cũng như từ những chuyện cá nhân, ông thường suy tư đến cái nhân loại rộng lớn. Câu chuyện người chú thương binh được ông chia sẻ vừa như là niềm tự hào mãnh liệt, vừa như là một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai. Trở về sau chiến tranh, người cựu chiến binh với thương tật nặng nề, trở nên tàn phế, thành gánh nặng của vợ con: “Lúc lên cơn thần kinh, sa sẩm mặt mày/ Nhưng không xé áo quần/ Không đánh đập một ai/ Chỉ khóc, cười…/ Hô: – Bắn! Bắn!” (chú tôi). Nhưng từ câu chuyện tưởng của riêng một gia đình, từ thân phận của người lính bước ra khỏi chiến tranh, Từ Nguyên Tĩnh suy ngẫm sâu xa hơn về mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình, về vấn đề hòa hợp, hòa giải… sau chiến tranh – những vấn đề mang tầm nhân loại.
Thơ của Từ Nguyên Tĩnh thường dùng lối diễn đạt “điệu nói” với những đặc điểm phổ biến của loại hình thơ này[3]: câu thơ không đồng nhất với dòng thơ, dùng nhiều ngôn ngữ lời nói, dùng nhiều kiểu dấu câu, nhiều kiểu câu, nhất là câu dùng trong hội thoại… Dù vậy, điểm khác dễ thấy là ông không dùng hư từ, không “à”, “ư”, “nhỉ”, “nhé”, nghĩa là không để câu chữ dư thừa. Thậm chí, động thái tỉnh lược câu chữ còn khiến nhiều bài thơ của ông mang hơi hướng hậu hiện đại (từ bi, Ninh Bình, chiều đền Hùng, Hàn Mặc Tử, Hữu Loan…). “Điệu nói” riêng của ông theo tôi, còn là cách buông lời rất tự nhiên, như lời nói thường của chủ thể trữ tình, nó khiến cho những cách phối thanh truyền thống bị phá vỡ: “Tu hiện đại thì tu thôi không sợ/ Lên tiên thì chưa chắc được đâu.” (tu tiên), “Bây giờ con không sợ gặp ma/ Về đêm con mơ chuộc lại ngôi nhà/ Gặp được người thân trong giấc ngủ/ Ngôi nhà/ Con chuộc lại/ Trong mơ…” (ngôi nhà xưa)… Nhưng quan trọng hơn, thơ điệu nói của Từ Nguyên Tĩnh được thể hiện trong tư duy thơ. Từ Nguyên Tĩnh thường dùng thơ để tư duy về cái thường ngày, về đời sống đang chảy trôi. Đọc thơ Từ Nguyên Tĩnh có thể thấy ở ông thường trực tư duy, mỹ cảm và trách nhiệm nghệ sĩ trước cuộc đời. Ông trăn trở nhiều vấn đề: sự mai một của thuần phong mỹ tục, sự thay đổi của cảnh cũ người xưa, thân phận con người trong cơn lốc đô thị hóa, những thách thức trong bối cảnh mở cửa hội nhập… Điều này hẳn nhiên là một thử thách đối với nhà thơ, bởi tư duy về cái hàng ngày đã khó, diễn tả những bề bộn, phồn tạp của đời sống đương đại càng khó hơn rất nhiều lần. Người đọc chuyên tâm cũng có thể nhận thấy những nỗ lực của Từ Nguyên Tĩnh, nhưng tiếc là nhà thơ vẫn hơi ôm đồm, chưa chú trọng lập tứ, hình ảnh đôi chỗ còn mờ nhạt, thiếu sức sáng tạo bởi rung cảm và mỹ cảm.
Bên cạnh một số bài như vậy, thơ Từ Nguyên Tĩnh cơ bản vẫn thể hiện một tư duy trẻ trung, năng động, bắt nhịp với hơi thở của đời sống đương đại, thơ đương đại. Ông cũng có nhiều sáng tạo độc đáo về hình ảnh. Hình ảnh người bà với tấm lưng “cong như chiếc mo cau” và “Chiếc lưng còng xuống cùng với đất/ Để nước mắt rơi không ai nhận được ra” (bà ngoại) đem lại nhiều xúc cảm: vừa hồi nhớ về tuổi thơ với những kỷ niệm thân thương với bà, với quê qua hình ảnh chiếc mo cau; vừa gợi lên sự hy sinh thầm lặng của bà – biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, những người đã chịu đựng quá nhiều cơ cực, lam lũ, mất mát mà vẫn kiên cường, bao dung và kiêu hãnh giữa cuộc đời. Cùng cảm xúc đó, trong bài sao anh không về Bàn Thạch, người đọc sẽ không khỏi bất ngờ khi nhà thơ ví von: “Nơi có mẹ ta già/ Lưng còng như bờ sông/ Gánh làng quê nghèo khó”. Và đây là một liên tưởng khác:
“Nhà sư du khúc gỗ nện vào chuông
Chuông buông ra lời:
– Biiinh!… Bôông!…
Đầu nhà sư như chiếc dùi gõ vào da trời
không thành tiếng”
(từ bi)
Dù thành tựu thơ ca của Từ Nguyên Tĩnh chưa ấn tượng như văn xuôi, nhưng có thể thấy ông là người nghệ sĩ có tố chất thi ca đẹp đẽ. Quan tâm đến nhiều chủ đề, ông không dùng thơ luật mà hứng thú theo đuổi các dạng thức thơ tự do. Bằng cảm xúc chân thành, bằng trải nghiệm và tri thức phong phú, ông có nhiều sáng tạo về hình ảnh nhưng không phải là những tân kỳ, khác biệt mà chân thực, tươi mới, giàu khả năng biểu đạt, suy tưởng và liên tưởng. Nắm rõ những đặc trưng thẩm mỹ của thơ nhưng Từ Nguyên Tĩnh không dùng một giọng chủ quan nào mà đưa vào thơ nhiều tiếng nói khác, kết hợp với việc sử dụng nhiều kiểu câu, nhiều thủ pháp như so sánh, phúng dụ, liên tưởng, tỉnh lược, điệp từ/ ngữ/ cú pháp… tạo nên sự linh hoạt của giọng điệu, ngôn ngữ. Và như thế, tôi gọi Từ Nguyên Tĩnh là nhà thơ có tư duy thơ hiện đại.
Tài liệu tham khảo:
Trần Đình Sử (2001), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản), Hà Nội.
Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh (2017), 5 tập, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. 
Chú thích:
[1] Tác phẩm được viết năm 1972, được công bố lần đầu trên tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, (314 + 315) – 3 + 4/ 2021.
[2] Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh (2017), 5 tập, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[3] Thơ trữ tình điệu nói là tên gọi một loại hình thơ được nhà nghiên cứu Trần Đình Sử dùng để chỉ thơ mới giai đoạn 1932-1945, bao gồm cả thơ Tố Hữu, phân biệt với Thơ trữ tình điệu ngâm thời trung đại. Xin xem: Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Văn hóa – Thông tin (tái bản), Hà Nội, 2001.
31/5/2023
Lê Tú Anh
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 991/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...